có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 1 04, 2022

Tưởng niệm giáo sư Trần Quang Hải, người mang chuông đi đánh xứ người



Tin Giáo sư Nhạc học Trần Quang Hải qua đời được loan đi khắp nơi ở trong và ngoài nước, từ trước khi ông thật sự mất một ngày. Sau đó, nữ danh ca Bạch Yến, phu nhân của ông, chính thức xác nhận ông đã ra đi vào rạng ngày 30 tháng 12, 2021, tại Limeil Brévannes, Pháp Quốc. Ông mất vì ung thư máu, hưởng thọ 77 tuổi.

Tiến sĩ Trần Quang Hải (1944-2021) nguyên là con trai của nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Trần Văn Khê và là hậu duệ đời thứ năm của nhạc sĩ cung đình Huế Trần Quang Thọ. Chú ba của ông là Trần Văn Trạch, một danh ca và nghệ sĩ hài nổi tiếng với làn hơi thật trầm ấm được hầu hết mọi người biết đến với ca khúc “Xổ số kiến thiết quốc gia” tại miền Nam Việt Nam trước 1975. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Sương, cựu giáo sư Anh văn Trường nữ trung học Gia Long. Xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống âm nhạc cổ truyền, ông sử dụng nhuần nhuyễn các nhạc cụ và thông thạo hai ngôn ngữ Anh, Pháp. Khi còn ở Việt Nam, Trần Quang Hải là cựu học sinh Trường trung học Pétrus Ký, sau đó tốt nghiệp Nhạc Viện Âm Nhạc Sài Gòn ở bộ môn vĩ cầm của cố giáo sư Đỗ Thế Phiệt. Ông sang Pháp năm 1961 học tiếp tại Đại học Sorbonne và trường Cao đẳng Khoa học Xã hội (Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales). Ông kết hôn cùng nữ ca sĩ Bạch Yến vào ngày 17-6-1978 tại Paris. Sau khi thành hôn với ông, bà Bạch Yến cùng chồng đi lưu diễn và phổ biến nhạc dân tộc Việt Nam khắp thế giới.

Vợ chồng Trần Quang Hải – Bạch Yến

Giáo sư Trần Quang Hải bắt đầu làm việc cho Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS – Centre National de la Recherche Scientifique) của Pháp với đội ngũ nghiên cứu tại Viện Dân tộc Nhạc học của Viện Bảo tàng Con Người (Département d’ethnomusicologie du Musée de l’Homme) từ năm 1968 cho tới 2009 thì về hưu.

Tôi quen biết ông từ trước năm 2000 và đã viết bài phỏng vấn ông đăng trên Talawas năm 2004 về tình trạng âm nhạc thời đó, nhân vụ một bài viết nói về âm nhạc hải ngoại gây nhiều tranh cãi của nhạc sĩ Quốc Bảo. Đó là bài “Trần Quang Hải: Ở hải ngoại tôi không có ai tiếp nối.” Trong bài phỏng vấn ông đã tâm sự về chính mình như sau:

1. Tôi sinh ra trong một gia đình nhạc sĩ cổ truyền từ hơn 150 năm, là đời thứ 5 trong gia đình họ Trần và được hấp thụ hai nền âm nhạc Đông Tây.

2. Cái may mắn thứ hai là tôi được học suốt 10 năm, vừa thực tập vừa học lý thuyết nhạc Á Châu tại Trung tâm Nghiên cứu Nhạc Đông phương (Centre of Studies for Oriental Music) tại Paris do thân phụ tôi làm giám đốc. Tôi được học nhạc truyền thống Ả Rập, nhạc Ba Tư, nhạc Ấn Độ, nhạc Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật, Nam Dương. Chính sự tiếp xúc trực tiếp với những truyền thống nhạc dân tộc của các quốc gia Á Châu qua các nhạc khí mà tôi luyện tập đã làm giàu số vốn âm nhạc sẵn có trong tôi, và mở rộng tầm mắt tôi trong việc sáng tác và trình diễn.

3. Cái may thứ ba là tôi học nhạc cổ điển Tây phương ở Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (1955-61), và sau đó theo học lớp sáng tác nhạc điện thanh (electro-acoustical music) năm 1965 với cố nhạc sư Pierre Schaeffer, người sáng lập ra nhạc điện tử (electronic music), và nhạc cụ thể (concrete music).

4. Cái may thứ tư là tôi học môn nghiên cứu nhạc học (musicology) tại đại học đường Sorbonne (1962-67) để có dịp nghe tất cả loại nhạc cổ điển Tây phương từ thời Trung Cổ tới đương đại (Schönberg, Xenakis, Boulez, v.v.). Từ năm 1962 tới 1969 tôi học thêm bộ môn dân tộc nhạc học (ethnomusicology) để khám phá gia tài âm nhạc truyền thống thế giới.

5. Cái may thứ năm là tôi được đào tạo thành một nhà nghiên cứu nhạc dân tộc tại Paris, thủ đô của văn hóa và văn minh thế giới, và tạo cả một sự nghiệp âm nhạc từ hơn 40 năm qua. Tôi thuộc thế hệ tiên phong của bộ môn nghiên cứu dân tộc nhạc học, tham gia tích cực vào phong trào chấn hưng dân nhạc tại Pháp và Âu Châu từ năm 1965 tới 1975.

6. Cái may thứ sáu là tôi vừa là nhà nghiên cứu và vừa là nhạc sĩ trình diễn. Tôi đã trình diễn trên 3.000 buổi tại hơn 60 quốc gia trên thế giới, tham gia tại hơn 130 đại hội liên hoan nhạc truyền thống quốc tế.

Ông đã có nhiều nghiên cứu về lối hát đồng song thanh, phát triển kỹ thuật gõ muỗng, biểu diễn đàn môi. Ông gắn bó với muỗng, được đặt danh hiệu “Vua Muỗng” sau khi thắng một cuộc thi gõ trong khuôn khổ Đại hội Dân Nhạc tại Cambridge (Anh) năm 1967. Ông từng biểu diễn gõ muỗng trong hơn 1.000 chương trình. Năm 2012, ông được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người trình diễn đàn môi tại nhiều quốc gia nhất thế giới.” Khi được tôi hỏi âm nhạc cổ truyền và kỹ thuật hát đồng song thanh, ông chia sẻ:

Về nhạc cổ truyền, cách đây 50 năm, ít có ai để ý tới nhạc cổ truyền nói chung. Nhạc sĩ Ravi Shankar, một danh cầm sitar Ấn Độ, đã chinh phục Tây phương từ cuối thập niên 50. Ông còn là thầy của George Harrisson (một nhạc sĩ của nhóm The Beatles), của John Coltrane (jazz). Ông đã làm vang danh nhạc Ấn Độ khắp nơi trên thế giới. Ảnh hưởng của nhạc Ấn Độ có thể tìm thấy ở nhạc đương đại Âu Mỹ (sáng tác của nhà soạn nhạc Pháp Jacques Charpentier), ở nhạc trẻ pop (The Beatles, và nhiều nhóm nhạc pop khác trong thập niên 60 ở Anh Quốc). Gần đây nhất, kỹ thuật hát đồng song thanh của dân Tuva, dân Mông Cổ, và dân Xhosa (Nam Phi) được thế giới khâm phục. Cách đây 30 năm, nguyên cả xứ Tuva và xứ Mông Cổ chỉ có khoảng vài chục người biết về kỹ thuật hát hai giọng cùng lúc này. Năm 2004, tại hai quốc gia vừa kể có trên 3.000 người hát chuyên nghiệp và hàng năm đều có tổ chức đại hội hát đồng song thanh. Ngày nay, đàn môi H’Mong của miền thượng du Bắc phần Việt Nam đã trở thành nhạc khí bán chạy nhất ở Âu Mỹ, đến nỗi có một người Đức làm một trang nhà lấy tên miền là danmoi.de chuyên bán đàn môi, phần lớn là nhờ vào sự biểu diễn đàn môi H’Mong do tôi trình diễn từ hơn 20 năm nay tại nhiều đại hội nhạc dân tộc trên thế giới. Nhạc Cung đình Huế, Ca Trù, Múa Rối Nước của Việt Nam đều được thế giới ngưỡng mộ.

Trần Quang Hải biểu diễn kỹ năng hát đồng song thanh

Ông giảng dạy tại hơn 120 trường đại học; sáng tác hơn 500 bản nhạc cho đàn tranh, đàn môi, muỗng, hát đồng song thanh, nhạc tùy hứng đương đại; thực hiện 23 đĩa nhạc truyền thống Việt Nam; viết 3 quyển sách; làm 4 DVD, 4 phim; và là hội viên của trên 20 hội nghiên cứu thế giới.

Biết ông đã lâu, điện thư qua lại thân thiết với ông như tình anh em, mỗi lần trò chuyện hỏi han ông, tôi đều nghe ông kể mới đi lưu diễn ở một quốc gia nào đó về và sẵn sàng cho một chuyến đi sắp tới ở một nước khác. Cuộc đời ông là những chuyến đi bất tận đem cái hay, cái đẹp của âm nhạc và văn hoá cổ truyền reo rắc nơi nơi. Bước chân ông đi tới đâu đều được đón tiếp nồng hậu. Ông thường gởi cho tôi xem hình ảnh ông thưởng thức những món ngon, vật lạ ở những nơi ông ghé qua. Trông ông khi ấy thật hạnh phúc. Vậy mà khi ông làm việc thì rất nghiêm túc, vì tôi từng làm việc với ông trên những bài viết. Ông làm việc rất chuyên nghiệp, kỹ lưỡng và uyên bác. Ông hay giúp đỡ tôi tìm kiếm những bài hát xưa hiếm quý hay một số kiến thức về âm nhạc. Giao tình bao nhiêu năm mà chưa bao giờ gặp mặt. Mãi đến năm 2019, hai anh em mới thực sự gặp nhau lần đầu tại Hoa Kỳ.

Lúc nghe tin ông mắc một bệnh nan y là ung thư máu, tôi và các anh chị em trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian rất xúc động và có ý định làm một cái gì đó cho ông. Ngày 10 tháng 2, 2019, hai chi nhánh Bắc và Nam Cali của nhóm đã đồng phối hợp thực hiện một buổi chiều văn hoá nghệ thuật và ra mắt sách cho Trần Quang Hải. Tôi đón chào ông đến và đã viết một bài tường trình về sự kiện “Đại học CalState Long Beach, CA vinh danh GS Trần Quang Hải” vào tháng 2 năm 2019. Hôm ấy cuốn sách Trần Quang Hải: 50 năm nghiên cứu nhạc dân tộc Việt, một tổng hợp các công trình nghiên cứu về âm nhạc của ông, cũng được trình làng, đóng góp cùng kho tàng tài liệu âm nhạc Việt Nam.

Giáo sư Trần Quang Hải qua nhiều năm làm việc đã có đóng góp rất lớn trong việc sưu tầm, nghiên cứu, phát triển âm nhạc cổ truyền thế giới. Ông còn có công lớn hơn là đưa âm nhạc dân gian Việt Nam ra giới thiệu với toàn thế giới. Tôi xin thắp nén hương lòng gởi đến ông, người anh tinh thần, người nhạc sĩ, giáo sư tài hoa, rất đáng kính. Cầu nguyện ông được an lạc, thong dong ở cõi vĩnh hằng.


Trịnh Thanh Thủy

----------------------------------

Ghi chú:

GS Trần Quang Hải từng nhận được khoảng 30 giải thưởng quốc tế. Sau đây là một số giải thưởng ấy. 

1967: Giải Vua Muỗng (King of Spoons); 
1983: Giải thưởng của Hàn lâm viện Dĩa hát Charles Cros; 
1986: Huy chương vàng của Hàn lâm viện Văn hóa Á Châu, Pháp; 
1990: Giải thưởng Ưu hạng của Đại hội quốc tế cho phim Le chant des harmoniques; 
1991: Giải thưởng Van Laurens của British Association of the Voice và Ferens Institute, Luân Đôn, Anh Quốc; 
1995: Giải thưởng Đặc biệt về Hát đồng song thanh, Kyzyl, Tuva; 
1996: Huy chương Thủy tinh (Medal of Cristal) của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học, Pháp; 
1997: Giải thưởng của Hàn lâm viện Dĩa hát Charles Cros cho CD Voices of the World, Pháp; 
1998: Huy chương Công dân Danh dự thành phố Limeil Brévannes, Pháp; 
2002: Bắc đẩu Bội tinh (Legion d’Honneur) của Pháp…