có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 1 03, 2022

Đi Tìm Nguyễn Du




Khối băng trôi trên mặt biển, phần nổi rất nhỏ so với phần chìm. Những ý niệm hiện lên trong trí người đọc về một kiệt tác ngay lần sơ ngộ là phần nổi của khối băng. Chúng giúp người đọc làm quen với tác phẩm, đưa người đọc bước vào trong. Sau đó, người đọc phải tự mình khám phá lần hồi, hay đúng hơn, suy diễn qua chủ quan của mình, những bí ẩn chôn vùi trong tác phẩm. Người đọc đứng đắn có bổn phận góp phần sáng tạo với tác giả; một tác phẩm hoàn thành bao giờ cũng chỉ mới xong có một nửa, còn một nửa đề dành cho người đọc.

Tác phẩm lớn đề nghị người đọc suy tưởng chứ không ấn định những suy tưởng của tác giả với người đọc. Ý nghĩa mà nó ôm ấp bao giờ cũng phức tạp, mơ hồ, rậm đặc. Quá nhiều ánh sáng gây thiệt hại cho nó. Nó sáng mơ hồ, một thử sáng clair - obscur, nửa sáng nửa tối, để chứa dấu và thường khi nó ghen tuông ôm giữ khư khư phần chứa dấu đó, nó phát ra một trở lực để kháng lại sự xâm nhập của người đọc. Nó là kho tàng niêm phong bằng những đạo bùa thiêng. Nó là người đàn bà đoan trang tự trọng trước sự suồng sã của kẻ khác. Cho nên tác phẩm nào bày biện trơ trẽn tất cả ý nghĩa ra bề mặt, dù giàu có phong phú đến đâu, cũng chỉ là tác phẩm thứ yếu, nếu không nói là tác phẩm bỏ đi. Tiếng nói đầu tiên của thiên tài không phải là tiếng nói cuối cùng, tiếng nói độc nhất của thiên tài đó.

Đoạn Trường Tân Thanh là một tác phẩm lớn. Nguyễn Du thuộc vào nòi thiên tài. Trong gần hai thế kỷ nay, người đồng thời cũng như kẻ hậu sinh đã tìm thấy, suy diễn được nhiều điều ở Nguyễn Du. Người ta đã khai phá, đào xới, lục soát Nguyễn Du, có khi những công cuộc tìm tòi hoặc vô tình hoặc cố ý đã làm sứt mẻ, biến dạng ít nhiều khuôn mặt Nguyễn Du. Nhưng biết làm thế nào khác được? Vì không thiên tài nào có một khuôn mặt nhất định; mỗi thời đại, mỗi người đọc gắn cho thiên tài một cái mặt nạ. Và như vậy, người ta vẫn chưa tìm thấy hết ở Nguyễn Du, người ta vẫn chưa tra khảo được Nguyễn Du phải thú nhận, cung khai sự thật cuối cùng. Nguyễn Du còn nói nữa. Người ta còn nói nữa về Nguyễn Du. Và câu chuyện vẫn không ngớt mang đến nhiều hào hứng say mê.

Nguyễn Du là thi sĩ của con người lạc loài. Đặc điểm nổi bật này đã phân biệt Nguyễn Du với những tác giả khác trong văn học Việt Nam. Con người lạc loài là cái trục mà hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Du xoay quanh, đeo vào như đàn ong trên ổ mật. Nó là đầu đề bất biến của ông. André Malraux, trong bài tựa bản dịch tác phẩm Sanctuaire của William Faulkner, cho rằng thi sĩ bi kịch diễn tả những gì mê hoặc ám ảnh hắn, không phải để giải thoát mình khỏi cái ám ảnh đó (đối tượng ám ảnh sẽ xuất hiện trở lại trong tác phẩm sau) nhưng để thay đổi tính chất của nó; vì diễn tả nó với những yếu tố khác, hắn đưa nó vào vũ trụ tương đối của những sự vật được nhận thức và được chế ngự. Nói như vậy Malraux mặc nhiên nhìn nhận rằng toàn thể tác phẩm của một tác giả hàm súc một ý nghĩa chung tạo thành sự nhất trí cho chúng. Ý nghĩa chung đó là cái ám ảnh một đời không biến đổi của tác giả. Con người lạc loài là cái ám ảnh một đời Nguyễn Du. Nó xuất hiện trong hầu hết tác phẩm của ông. Ở bài Độc Tiểu Thanh Ký, ông thương khóc một người con gái giỏi nghề cầm thư, phải đi làm lẽ bị vợ cả hành hạ, sanh ra đau buồn mà chết lúc xuân xanh. Ở bài La Thành Ca Giả, ông cũng thương khóc một nàng ca kỹ nổi danh tài sắc một thì nhưng chết yểu như Đạm Tiên, mồ hoang không kẻ đoái hoài. Ở bài Long Thành Cầm Giả, ông tiếp lời Bạch Cư Dị, thán oán giùm số phận hẩm hiu của chị Cầm, một con hát tài danh mà khi về già, son phai phấn lạt, khách tích lục tham hồng chẳng ai thăm hỏi. Ở bài Sở Kiến Hành, ông thương xót mẹ con người ăn mày đói rét bơ vơ xứ lạ quê người. Đến bài Văn Tế Thập Loại Chủng Sinh, ông kêu mời toàn thề những âm hồn oan khiên vất vưởng, lạc loài, không khói không hương, cuối sông đầu chợ, về sum họp quanh ngọn lửa siêu sinh của Lượng Từ Bi. Còn Đoạn Trường Tân Thanh là gì nếu chẳng phải là truyện kể cuộc hành trình thống khổ tang thương của một khách tài tình trên con đường Định Mệnh?

Nói tóm, những nhân vật mà Nguyễn Du trình diễn trong hầu hết các tác phẩm của ông, dù dưới hình dạng nào, trong hoàn cảnh nào, tựu trung cũng chỉ là mỗi một nhân vật độc nhất, chỉ là một con người mang nặng trên số kiếp dấu xâm nguyền rủa của sự lạc loài, một con người bị đời sống bỏ quên, bạc đãi, hắt hủi, dày vò, chà đạp, chối nhận, xô đẩy vào sự cô đơn sầu thảm bẽ bàng, vào những hoàn cảnh trái ngang, đứt ruột.

Lạc loài hơn nữa là con người đó của Nguyễn Du hoàn toàn độc đáo trong văn học Việt Nam, không gặp người đồng cảnh với mình trong bất cứ tác phẩm nào của những tác giả khác. Hãy so sánh và phân biệt con người đó của Nguyễn Du với nàng cung phi của Nguyễn gia Thiều và người chinh phụ của Đặng Trần Côn, Hai nhân vật sau này không phải là những kẻ lạc loài, họ chỉ là những kẻ đã từng được đặt vào một hoàn cảnh thuận tiện, chiều đãi, một hoàn cảnh mà họ mong mỏi được duy trì suốt kiếp, nhưng rồi một lúc nào đó, họ lại bị du vào một hoàn cảnh khác, bị tước đoạt tất cả hạnh phúc, cái hạnh phúc thật tầm thường mà cũng thật quí báu của đời người, nên nặng lòng ấp ủ một kỳ vọng, ước muốn chính đáng trở về hoàn cảnh cũ, sống lại đời sống cũ. Còn nhân vật của Nguyễn Du không có hoàn cảnh cũ để trở về, đời sống cũ để sống lại. Nhân vật của Nguyễn Du trên bước đường lạc loài, đi tìm một hoàn cảnh mới thích nghi hơn, dễ sống hơn, một hoàn cảnh mà trong đó, kẻ tội đồ được ân xá, người oan khiên dứt nợ.

Lưỡi sét Định Mệnh đánh xuống nhà họ Vương. Kiều một thân một mình tình nguyện đứng ra giải họa cho cả gia đình, chọn lấy đường đi trên những chỗ đoạn trường, chọn lấy đất đứng trên bình diện bi thảm. (Arthur Koestler trong một cuộc hội thảo gần đây với các nhà văn Ấn Độ ở Calcutta, chủ trương rằng con người có hai bình diện sống: bình diện thế tục (trivial plane) và bình diện bi thản (tragic plane). Nghệ sĩ là kẻ bắt buộc phải bước đi trên giao tuyến của hai bình diện đó.) Ngay khi còn ở nhà cha mẹ, Kiều cũng đã đặt một chân vào bình diện bị thảm. Có như vậy, tâm khảm Kiều mới bị đè nặng bởi mặc cảm đoạn trường, một mặc cảm mà nàng mang vào tác phẩm và cả trong giấc ngủ. Vân và Quan thuộc vào hạng thường nhân, chôn chặt chân trên bình diện thế tục. Thì chả trách họ đã chẳng “nực cười” khi Kiều sụp quí trước mả Đạm Tiên và thốt ra những lời lẽ “khó nghe”.

Kiều đã sống hết mình, sống đến chỗ tận tình. Nàng đã đẩy cuộc đời mình đến biên giới cuối cùng của nhân loại. Nàng yêu đến tận cùng tinh yêu, giận đến tận cùng thù hận. Cuộc đời ngoại hạng đó đã tạo Kiều thành một con người được phóng đại; xin đừng ngộ nhận con người được phỏng đại với một siêu nhân. Vì siêu nhân là kẻ đã vượt quá tình trạng nhân loại, cởi bỏ con người của mình biến thành một hữu thể khác. Còn con người được phóng đại mang chứa những sự thật nhấn mạnh, đậm nét về con người, những sự thật hiển hiện hơn để mọi người dễ nhận thấy. Thành thử những nhà đạo đức đã ra ngoài phạm vi hoạt động sinh tử của họ, khi gióng trống khua chiêng lên tiếng gắt gao buộc tội Kiều về những hành động yêu đương quá trớn cũng như trả oán tàn ác của nàng. Vì đạo đức chỉ là những thước tấc ước lệ của bình diện thế tục, dành cho đám thường nhân, không thể dùng để đo lường Kiều, một con người được phóng đại, cử động trên bình diện bi thảm. Cho đến khi Kiều tái hợp cùng Trọng, lẽ ra nàng phải kết tóc se tơ cùng chàng – những người trong cuộc đều muốn thế; và có người đọc nào lại chẳng ước ao điều đó? Nhưng trớ trêu thay, Nguyễn Du, một lần nữa, lại bày ra cảnh rẽ duyên, đổi tình chồng vợ ra tình tri âm. Tại sao như vậy? Có người giải thích là Nguyễn Du sợ hôn nhân sẽ hạ thấp tình yêu, vì có sự thể hiện nào mà có thể sánh kịp những ý tưởng còn đang tiềm tàng trong tâm não? Cách giải thích này thật là lãng mạn. Cũng có người giải thích cho rằng đó là một trong những hành động tự do của Kiều, nhưng tại vì sao Kiều lại làm hành động tự do đó? Hành động nào, dù là một hành động tự do, cũng phải có đối tượng của nó, không ai làm một hành động tự do chỉ vì tính chất tự do của hành động đó, coi là một hành động gratuit. Mà hành động của Kiều có đối tượng, nguyên cớ hẳn hòi. Nàng đã ý thức được trong mười lăm năm thử thách tính chất bi thảm của đời mình; nàng chỉ sống trên bình diện đó mới có thể giữ vững bản ngã, nàng không thể nào ôm bản ngã bước qua bình diện thế tục bằng cách kết duyên cùng Trọng. Giữa hai người bây giờ đã có bức tường dầy của mười lăm năm thống khổ. Thế nhưng tại sao Kiều lại lấy được Thúc Sinh và Từ Hải? Hãy nhìn lại cả đời nàng. Nàng đã yêu Trọng khi nàng còn đứng trên bình diện thế tục, dù là đứng một chân, và lẽ đương nhiên là nàng sẽ lấy chàng, nếu như tai biến không rớt xuống nhà nàng. Bây giờ, sau mười lăm năm bướm chán ong chường, trở lại mái nhà xưa, nếu nhận lời lấy Trọng tức nàng thể hiện cái hình ảnh gương vỡ lại lành, bèo tan lại hợp, trở về bình diện thế tục, cái bình diện của luân lý, lễ nghi, câu thúc, đàm tiếu, dư luận, cái bình diện không thể nào dung túng nổi tính chất bi thảm của đời nàng. Còn Thúc Sinh, Từ Hải là những hình bóng nàng bắt gặp trên bình diện bi thảm kia, giữa lúc nàng đang là bèo tan, gương vỡ. Lấy Thúc Sinh và Từ Hải xong, nàng vẫn còn là mảnh gương vỡ, cánh bèo tan. Việc kết duyên cùng những nhân vật đó vẫn không thay đổi được nàng; nàng vẫn còn lạc loài trên đất đai bi thảm.

Kiệt tác phẩm nào cũng có hơn một cánh cửa. Cánh cửa lớn mở vào Đoạn Trường Tân Thanh là Định-Mệnh. Ngay khi sách vừa giở ra người ta đã thấy Nguyễn-Du ta thán não nùng: “Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Và ý niệm về thiên mệnh đó được Nguyễn-Du nhắc lại nhiều lần, dọc mười lăm năm lưu lạc của Kiều, mỗi khi có dịp. Thành thử chẳng có người đọc nào vô ý đi vào Đoạn Trường Tân Thanh bằng cửa ngách. Phong Tuyết Chủ Nhân Thập Thanh Thị viết tựa có câu “Kiều ngẫu nhiên mà sinh ra, mà có sắc đẹp, mà lại đa tình, cho đến khi đi Thanh-Minh, khi gặp Kim-Trọng, cũng đều là ngẫu nhiên cả cả đến lúc bị hãm ở thanh lâu, lúc đã đâm đầu xuống Tiền Đường, lúc lại đoàn viên với Kim Trọng, cũng đều là ngẫu nhiên cả”. Phong Tuyết đã nhấn mạnh tính cách ngẫu nhiên của truyện Kiều. Chu Mạnh Trinh cũng ghi nhận ngay vai trò của Định Mệnh trong đời Kiều, bằng cách nêu lên giả thuyết “giả sử, ngay khi trước, Liêu Dương cách trở, duyên chàng Kim dừng dở việc ma chay, quan lại công bằng, án viên ngoại tỏ ngay tình oan uồng, thì đâu đến nỗi son phấn mười mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười”. Phải, không có Định Mệnh thì làm gì có chuyện Kiều. Không có Định Mệnh thì làm sao giải thích nổi một lô sự kiện mấu chốt của đời Kiều, một số động lực ma quỉ đưa dẫn Kiều đi lên những chỗ đoạn trường gai góc. Tại sao thằng bán tơ không chọn một gia đình nào khác gia đình họ Vương mà vu oan giá họa? Tại sao lại là gã ma cô lừa lọc Mã Giám Sinh chớ không phải là một người đàn ông đứng đắn nào hâm mộ sắc tài Kiều, mua cưới nàng! Tại sao như thế này chứ không như thế khác? Vậy tất cả đã được an bài sẵn bởi Định Mệnh. Cho đến hai lần Kiều tự tận mà không dứt được nợ trần phải chăng cũng là do Định Mệnh. Định Mệnh hiểu theo nghĩa bi đát, rùng rợn của nó? (Tại sao không? Tại sao Định Mệnh lại chẳng muốn cho người ta sống sót, chịu đựng thêm số kiếp não nề ?).

Nhưng Định Mệnh đã hiện ra như thế nào trong Đoạn Trường Tân Thanh; đó mới là điều đáng chú ý. Định Mệnh, trong cái nhìn của Nguyễn-Du, không phải là một Deus ex machino, một Định Mệnh kiều Paul et Virginie, chẳng hạn - chàng và nàng yêu nhau, nàng chết trong tai nạn đắm tàu, chàng thương nhớ rồi chết theo. Định Mệnh, theo quan niệm của Nguyễn-Du, không phải là một tác động của ông Trời trực tiếp xuống con người trên bãi chiến khép kín. Mà Định Mệnh đã hiện ra trong Đoạn Trường Tân Thanh dưới hình thù của xã hội, của đồng loại. Định Mệnh đã xử dụng đến những kẻ khác như những phương tiện để tác động gián tiếp trên cuộc sống của Kiều. Thằng bán tơ, Mã giảm Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, v. v... là những lá bài mà Định Mệnh đã dùng để đánh vào lá bài Kiều. Như vậy, Định Mệnh là tổng kết những tác động của đồng loại có liên quan ảnh hưởng đến cá nhân mình. Là hậu quả sự cựa quậy của xã hội bao quanh một đời sống. Thành thử khi đã đường đường lên ngôi vị một bà mệnh phụ phu nhân, Kiều xuống tay trả oán tác động trở lại trên cuộc đời những kẻ khác, trở thành một lá bài mới của Định-Mệnh đề đánh vào những lá bài kia. Chung quy, Kiều cùng họ đều cáng đáng lấy những vấn đề liên đới hỗ tương nhau mà Định Mệnh đã dàn xếp sẵn.

Nhận định như vậy đề nhìn thấy rằng Nguyễn-Du đã đóng khung cả nhân Kiều trong xã hội. Phải hiểu rộng quan niệm này của Nguyễn-Du, chớ nên thu hẹp nó vào xã hội đương thời của ông, hoặc vô lý hơn, vào xã hội thời Gia Tĩnh. Vì quan niệm đó, Nguyễn-Du đã phóng nó lên bình diện nhân bản trường cửu, chớ không đặt nó trên bình diện xã hội nhất thời. Cái khung mà ông đã lồng cá nhân Kiều là một cái khung muôn đời cho mọi kiếp sống. Có như thế, mới không hạ thấp giá trị của Đoạn Trường Tân Thanh, mới không giam chết nó vào một thời đại đã đi qua. Phải hiểu Đoạn Trường Tân Thanh như tiếng kêu đứt ruột của con người nói chung mắc phải vòng vây nghiệt ngã của xã hội muôn đời hiện hữu, chớ chẳng riêng gì của Kiều trong xã hội thời Minh hay của Nguyễn-Du trong xã hội thời ông.

Nhưng “Có trời mà cũng tại ta”; đứng trước Định Mệnh thảm khốc, con người vẫn có quyền chọn lựa, vẫn có tiếng nói phê chuẩn của mình. Con người dù sao vẫn tự do, và chính Định Mệnh đã làm nổi bật tự do của con người trong những lần lựa chọn cam go. Không ai ép buộc Kiều phải bán mình chuộc cha cả. Trái lại, Vương ông còn cần trở nàng. Tại sao nàng chẳng bắt chước Vân, một mực làm thinh, coi đại họa kia như không hề dính dấp đến minh, mà lại phải hy sinh? Kiều đã hành động trong tự đo, đã rước lấy số kiếp đoạn trường với tư cách một người tình nguyện. Cả thân thế Kiều cũng chứng tỏ nàng đã có đầy đủ tự do trong hành động. Mười lăm năm lưu lạc của Kiều là một chuỗi dài nối tiếp những cố gắng phấn đấu cải tiến số phận mình, vùng vẫy thoát ra những tình thế bức bách. Thế sao đã nhận lời đi trốn cùng Sở Khanh, lẽ hẳn nhiên là nhận sau nhiều đắn đo cân nhắc, nhưng lúc sắp sửa rời bỏ cửa hàng của Tú Bà, Kiều lại thốt lên: “Cũng liều nhắm mắt dưa chân. Thử xem con tạo xoay vần đến đâu”? Có phải là nàng đã ngoan ngoãn khuất phục trước Định Mệnh không? Không, vì nếu đã khuất phục, nàng còn trốn theo Sở Khanh làm gì nữa. Nếu số trời là như vậy, sao chẳng an nhiên ở lại với Tú Bà? Thành thử không nên hiểu lời nói đó của Kiều như phương châm sống của nàng, như một sự chấp nhận buông xuôi vô điều kiện của nàng trước Định Mệnh, mà phải hiểu chân xác như một sự biểu hiện nỗi hoang mang, xao xuyến, lo âu, nghi ngại của nàng trước một hoàn cảnh mơ hồ, vô định, may rủi, tình cờ. Trạng thái tinh thần đó là hậu quả tất nhiên của một lần chọn lựa. Nhưng dù hoang mang, xao xuyến, lo âu, nghi ngại đến chừng nào, Kiều vẫn quả quyết hành động quả quyết dấn bước tới một tình thế mới khác, một tình thế mà Định Mệnh sẽ bày ra để cho Kiều quyết định nữa.

Người đọc Đoạn Trường Tân Thanh, ai cũng nhận thấy nhảy vào mắt mình cái mâu thuẫn khổng lồ của Nguyễn Du khi ông vừa nhìn nhận có Định Mệnh, vừa nhắc nhở rằng con người, trong hoàn cảnh nào bất cứ, vẫn có tự do. Mâu thuẫn đó của Nguyễn Du không cần phải bàn cãi lôi thôi, mâu thuẫn đó đích ra cũng là mâu thuẫn của mọi con người trong kiếp sống. Dụng ý của Nguyễn Du có lẽ là đề nghị với chúng ta, bằng cách đối chọi Định Mệnh với tự do của con người, một phương cách đối phó hiệu quả cùng Định Mệnh. Phương cách đối phó đó như thế nào? Có phải là bằng tài trí của mình không? Nguyễn Du trả lời không. Ông đưa ra một kinh nghiệm, kinh nghiệm Kiều, dùng làm minh họa. Với những cố gắng vùng vẫy phấn đấu bằng tài trí của mình, Kiều đã chẳng thu gặt được một kết quả nào khả quan, mong muốn. Mười lăm năm sống mạnh của nàng đã kéo lê từ hoàn cảnh éo le phũ phàng này sang hoàn cảnh éo le, phũ phàng khác. Trong mười lăm năm, chẳng lúc nào Kiều ngớt làm một người bạc mệnh long đong. Đề cuối cùng, nàng bỗng nhiên cởi bỏ được một cách nhiệm màu số kiếp đoạn trường, vứt xuống Tiền Đường cho dòng nước cuốn trôi đi như người ta vứt bỏ tiền thân trong một cuộc tái sinh; đó là lúc hợp thời Nguyễn Du đưa ra giải pháp : Kiều được phóng thích khỏi tiền oan, nghiệp chướng là nhờ ở “thiện căn” mà nàng đã chứng tỏ, trau dồi trong mười lăm năm thử thách. Lúc này, Nguyễn Du chẳng còn là một thi sĩ tài hoa nữa mà đã trở thành một nhà luân lý thực tiễn. Ông phủ dụ người đời: “Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Và đó cũng là thời kỳ duy nhất của đời ông mà khuôn mặt ông biến đi những nét hằn đau, ray rút dày vò những nét trai lơ phong tình bỡn cợt, đề sáng lên thanh thản, bình yên, điểm nhẹ một nụ cười mãn nguyện vị tha của Đức Phật tham thiền. Nguyễn Du đã tìm thấy.

Thiên hạ vẫn thường có ý tìm hiểu tâm sự Nguyễn Du qua Đoạn Trường Tân Thanh. Với ý hưởng đó, có người giải thích nỗi đau khổ mà Nguyễn Du chồng chất trong tác phẩm như là dấu ấn rành rành của xã hội loạn lạc thời Lê mạt Nguyễn sơ trên tâm khảm ông – tâm khảm của một thiên tài lúc ban đầu như khối sáp mềm dễ ấn khắc, nhưng khi đã ấn khắc rồi, nó sẽ biến thành phiến cẩm thạch một đời không chạy nét. Cũng có người, cho rằng ông viết tác phẩm với mục đích giải bày nỗi lòng tưởng vọng Lê triều của một hàng thần miễn cưỡng về dưới trướng Gia Long. Ở đây, những điều kiện xã hội và đời sống đó có thể là cần thiết để hiệu nỗi đau khổ của Nguyễn Du, không cần phải bàn xét lại. Vì một lẽ hiển nhiên ai cũng biết là bất cứ tác giả nào, khi bắt đầu tác phẩm, cũng đều khởi đi từ tâm sự cá nhân nhỏ bé của mình. Nhưng nếu tác giả là một thiên tài thì cuối cùng thế nào hắn cũng tìm nhập vào tâm sự rộng lớn của đồng loại. Những văn tài hèn mọn sống và chết trong cái tên; còn thiên tài lấy đà ở cá nhân, phóng mình vào đồng loại. Do đó, tưởng không nên bỏ công tìm hiểu làm gì tâm sự Nguyễn Du. Mà chỉ xin nhìn thẳng vào tác phẩm của ông để ghi nhận một điều: Nguyễn Du đã lấy nỗi đau khổ của kẻ khác mà che nỗi đau khổ của riêng ông. Ông vùi mình trong đồng loại.

Thói thường, thi sĩ là “kẻ dốt nát chỉ biết có mình thôi”. Hắn hay diễn tả và diễn tả hay về mình. Con sò không rời khỏi cái vỏ, thi sĩ không rời khỏi cái tên. Nhưng Nguyễn Du chẳng thuộc vào giòng thi sĩ đó :ông ít nói đến cả nhân ông mà lại thường nói về những kẻ khác. Lục soát khắp các tác phẩm của ông, người ta vẫn không tìm gặp được bao nhiêu tài liệu khả dĩ bổ túc tiểu sử vốn còn thiếu sót của ông. Thế giới ông dựng lên trong Đoạn Trường Tân Thanh cũng như trong hầu hết các tác phẩm khác, phức tạp, đông đảo bóng người chớ không phải là thế giới hoang vu, kín mít chỉ có mặt mỗi mình tác giả và một tấm gương soi. Như vậy, ông đã vượt quá tình trạng thi sĩ, bước sang tình trạng tiểu thuyết gia. Ông thoát khỏi cái tên mà đi ra đời sống và biến mất. Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân đề tựa Đoạn Trường Tân Thanh có viết: “... nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì không tài nào có cải bút lực ấy”. Trong bài tựa của Phong Tuyết cũng có câu tương tự: “…ngổn ngang những biến cố ở trước mắt, chồng chất những khối lỗi ở trong lòng, mới phải mượn đến bút mực mà chép ra .... “ Thành thử không nên nghe Đoạn Trường Tân Thanh như tiếng kêu Nguyễn Du cất lên phản kháng xã hội mà ông sống. Vì giản dị nó không phải là một tác phẩm có ý hướng xã hội. Nó chỉ là tấn tuồng của một cá nhân thôi. Bằng cớ: Kiều trở về sum hợp với gia đình và không có câu nào Nguyễn Du dùng tuyên cáo là xã hội đã cải tiến. Và nhất là đừng nhìn vào Đoạn Trường Tân Thanh như nhìn vào ruột gan của một cựu thần hoài niệm nhà Lê mà phải thờ tân chúa. Vì giả du ý hưởng chính trị này quả có hiện lên trong tâm khảm Nguyễn Du khi ông hạ bút gieo vần, tưởng cũng chẳng phải là điều đáng để cho người sinh sau lưu ý đến: nếu Nguyễn Du không là thiên tài thì ông đã chẳng là một khuôn mặt ra gì trong lịch sử.

Có như vậy, mới không hạ thấp thiên tài Nguyễn Du, nên mới bỏ công ngồi đọc Đoạn Trường Tân Thanh, nhận ra sự còn hợp thời ngày nay của nó và nhìn thấy thấp thoáng bóng mình trong ba ngàn câu thơ quý thạch sáng choang kia. Truyện không còn là chuyện của riêng Kiều, tâm sự không chỉ là tâm sự Nguyễn Du. Chuyến xe bạc mệnh chở con người lạc loài chạy xong mười lăm năm, còn chạy mãi như bay trong cõi hồng trần.


Tô Thùy Yên