Người ta thường nói rằng Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là công trình nhân tạo duy nhất có thể nhìn thấy từ không gian.
Điều đó dĩ nhiên là không đúng; công trình đó đổ nát, nhiều chỗ bị cây cối rậm rạp bao phủ phần lớn không rộng hơn đường quê.
Nhưng nếu mắt thường thực sự có thể nhìn thấy một số kỳ quan kiến tạo của Trái Đất từ tầng quỹ đạo thấp, thì ở Trung Quốc, họ chắc chắn phải nhìn thấy Ruộng bậc thang Hồng Hà của người Hà Nhì (trong tiếng Trung là 'Hồng Hà Hà Nhì Bằng Điền').
Hòa hợp với thiên nhiên
Xẻ từ những ngọn núi ở tỉnh tây nam Vân Nam, những ruộng bậc thang trải rộng - có hàng trăm ngàn thửa ruộng như vậy - xếp lên nhau hơn 160 km vuông để tạo thành một trong những cảnh quan ngoạn mục và ấn tượng nhất trên hành tinh.
Hơn nữa, bằng công trình kiến tạo đồ sộ, đa thế hệ này vốn tạo ra các thửa ruộng giống như bậc thang, người Hà Nhì (còn gọi là người Cáp Nê) bản địa - một trong 55 tộc thiểu số được công nhận chính thức ở Trung Quốc - đã khai thác môi trường địa phương để làm lợi cho toàn bộ cộng đồng.
"Từ thời cổ đại, người Hà Nhì đã đào mương và kênh rạch để chuyển dòng các con suối từ núi rừng tưới cho những thửa ruộng bậc thang," A Hiểu Oánh, hướng dẫn viên tại Vân Nam thuộc công ty du lịch chuyên nghiệp China Highlights, cho biết. "Số lượng kênh mương cần là rất lớn, cần rất nhiều nhân lực và vật lực, mà các cá nhân hoặc làng mạc đơn lẻ sẽ không thể đứng ra làm được."
Hoàn chỉnh qua những thử nghiệm và điều chỉnh trong hơn một ngàn năm, ruộng bậc thang là minh chứng gợi cảm hứng về cách toàn bộ cộng đồng làm việc cộng sinh với thiên nhiên, với việc sử dụng đất được sắp xếp theo độ cao thành các khu sinh thái riêng biệt.
Lượng mưa và độ ẩm từ sương mù dày đặc trên núi được gom vào các khu vực hứng nước có rừng bao phủ cao trên sườn núi, tiếp nước cho mạch ngầm; các con suối được dẫn vào để tưới cho ruộng bậc thang; nước trong vũng bốc hơi tạo thành mây; và những đám mây tụ lại đổ mưa trên những khu rừng cao. Chu trình thủy văn này sau đó lặp đi lặp lại đến vô tận.
Người nông dân Hà Nhì ở Trung Quốc đã bắt đầu làm ruộng bậc thang trên triền núi
từ thời nhà Đường
"Người Hà Nhì luôn sống hòa hợp với thiên nhiên, tạo thành môi trường sống với rừng trên cùng, làng ở giữa, ruộng bậc thang thấp hơn ở dưới và có hệ thống nước chảy qua như sông suối, qua đó tạo thành hệ sinh thái độc đáo gồm 'bốn yếu tố' - rừng, làng, ruộng bậc thang và sông ngòi," A nói.
Chiến lược này đem đến lợi ích bền vững không chỉ trong canh tác lúa gạo, mà còn trong mọi thứ từ khai thác gỗ, trồng rau và cây ăn trái cho đến nhân giống vịt, nuôi cá và thu hoạch các loại thảo mộc dùng trong Đông y. Ruộng bậc thang trên thực tế là tủ đồ ăn quanh năm người Hà Nhì.
Kiến tạo một cách dân chủ
"Lúc nào cũng có nước chảy qua khung cảnh kiến tạo," nhà dân tộc học Mỹ Jim Goodman, tác giả cuốn 'Vân Nam: Trung Quốc phía nam những đám mây' có hàng chục năm kinh nghiệm tiếp xúc với các bộ tộc trong khu vực, giải thích.
"Hầu hết hệ thống ruộng bậc thang khác ở những nơi khác trên thế giới không được như vậy. Vì vậy, vào những tháng mùa đông, khi không vào vụ lúa, ruộng bậc thang Hà Nhì vẫn có ích để làm nơi nuôi cá, ếch, ốc sên và những thứ mà người Hà Nhì ăn được."
Người ta tin rằng người Hà Nhì đến dãy núi Ai Lao, gần biên giới ngày nay giữa Vân Nam và Việt Nam, vào khoảng thế kỷ 3, từ cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng khắc nghiệt, cằn cỗi và khó sống di cư xuống miền nam. Họ mê mẩn những gì họ thấy - đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, mưa dồi dào - đến nỗi họ đã chọn nơi này để cắm rễ.
Với hơn 80 làng sống dựa vào ruộng bậc thang ngày nay, nước là thứ không chỉ quan trọng đối với sự sống còn của người dân tộc Hà Nhì, mà còn đối với sự gắn kết cộng đồng. Bình đẳng về nguồn nước, Goodman nói, là điểm bắt đầu dẫn đến sự thành công của tộc người này.
"Người Hà Nhì đã kiến tạo cảnh quan một cách dân chủ, sử dụng hệ thống kênh, bờ ngăn và đê để đảm bảo nước chảy qua một cách công bằng," ông nói. "Mỗi làng đều có một 'người bảo vệ nước' chính thức để đảm bảo nước được phân phối đồng đều. Gia đình có đất ruộng ở dưới cùng cũng có được lượng nước bằng với bất cứ ai có đất ở phía trên."
Nhìn từ bất kỳ điểm cao nào, các thửa ruộng bậc thang bất đối xứng - có thửa lớn như sân bóng, có thửa không lớn hơn một tấm ra trải giường, và tất cả được xác định rõ ràng bằng những bức tường bùn nêm chặt, cong và tối - xếp vào nhau như trò ghép hình khổng lồ.
Vào mùa đông và xuân, các thửa ruộng ngập nước phản chiếu bầu trời, mỗi thửa giống như một mảng hình viên thuốc của lớp cửa kính màu hình xoáy hút hồn.
Nông dân Hà Nhì bắt đầu xẻ núi làm ruộng vào thời nhà Đường (618-907 sau Công nguyên), với cách sử dụng đất đặc trưng của họ được kể lại trong các câu chuyện truyền khẩu.
Các thửa ruộng bậc thang đã được cày bừa kể từ đó, từ các điểm ở bờ sông ở độ cao chưa tới 500 mét so với mực nước biển leo đến độ cao phủ mây hơn 1.800 mét và nghiêng dốc tới 70 độ.
Danh từ 'cầu thang lên thiên đường' là thích hợp nhất ở đây.
Tách biệt với thế giới
Thậm chí ấn tượng hơn có lẽ là việc ruộng bậc thang luôn được xẻ bằng tay, và các phương pháp xây dựng ngày nay cũng tương tự như cách làm của tổ tiên người Hà Nhì.
"Bạn không thể cơ giới hóa ruộng bậc thang," Goodman giải thích. "Bạn không thể sử dụng máy kéo hoặc các loại máy móc khác do hình dạng và vị trí ruộng. Và chúng thường ngập nước đến đầu gối. Do đó, người Hà Nhì vẫn sử dụng trâu cày hoặc làm ruộng với đôi tay cần mẫn, và vẫn dùng cùng cái cuốc và dụng cụ cầm tay mà họ đã dùng hàng trăm năm."
Mặc dù được mở rộng dần sau mỗi mùa vụ, tác phẩm nghệ thuật kiến tạo khổng lồ của người Hà Nhì vẫn không được phần còn lại của thế giới biết đến trong nhiều thế kỷ.
Một lần mô tả hiếm hoi của người ngoài là vào thời thập niên 1890, khi Hoàng thân Henri xứ Orléans dẫn đầu cuộc thám hiểm của Pháp từ Việt Nam đến Vân Nam để tìm kiếm đầu nguồn sông Irrawaddy chia đôi Miến Điện.
"Chiều cao các sườn đồi ở đây có tới hai phần ba được lúa bao phủ, mọc trong những thửa ruộng bậc thang thông thường, mà bên trên nước nhỏ giọt chảy xuống qua một loạt các tầng thác lấp lánh như thủy tinh dưới nắng," Henri viết. "Phương pháp tưới tiêu này gần như là tác phẩm nghệ thuật, tất cả bờ kè được đào đắp bằng tay hoặc giậm bằng chân."
Đầu thập niên 1920, một người Mỹ là Harry A Franck - một trong những nhà văn hàng đầu chuyên viết về các chuyến du hành thời bấy giờ - đã lẻn vào Vân Nam từ Việt Nam, quan sát từ cửa sổ khi đoàn tàu chạy ầm ầm qua địa hình gồ ghề dọc theo tuyến đường sắt khổ hẹp do Pháp xây dựng.
"Ruộng bậc thang ở khắp nơi, dốc còn hơn cầu thang dài, nhưng hẹp, những ngọn núi bao quanh phản chiếu trong những ruộng lúa," Frank viết dạt dào trong cuốn 'Lang thang qua miền Nam Trung Quốc' (1925) của ông.
Gần 90% dân ở huyện Nguyên Dương là người thuộc các bộ tộc khác nhau
Nhưng sau đó, bắt đầu vào thập niên 1930 - với cuộc chiến kéo dài giữa Trung Quốc với Nhật Bản, tiếp đó là nội chiến, cách mạng, nhà nước cộng sản mới khép kín đằng sau cái gọi là 'bức màn tre' - người nước ngoài không được phép đến vùng núi cao, nơi chỉ được mở cửa trở lại từ thời thập niên 1980.
Không ai chú ý nhiều cho đến những năm 2000, với sự ra đời của những đường băng mới và chính quyền địa phương quyết tâm vận động ruộng bậc thang được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. (Điều này cuối cùng cũng đạt được vào năm 2013, khi UNESCO tuyên bố: "Hệ thống quản lý đất đai chống chịu tốt của ruộng bậc thang thể hiện sự hòa hợp tuyệt vời giữa con người và môi trường, cả về thị giác và sinh thái.")
Thu hút du khách
Trong thập kỷ qua, tất nhiên việc giữ kín địa hình kỳ lạ như vậy là điều không thể với những người đam mê nhiếp ảnh giàu có - chủ yếu từ các thành phố thịnh vượng của Trung Quốc - hội tụ trên ruộng bậc thang ngập nước vào dịp Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2, chụp lại những cảnh choáng ngợp bằng máy ảnh kỹ thuật số và sau đó đăng tràn ngập trên mạng xã hội.
Mặc dù ruộng bậc thang tỏa ánh sáng màu xanh ngọc rực rỡ vào mùa hè sinh trưởng (khí hậu bản địa chỉ phù hợp trồng lúa một vụ mỗi năm, nếu đó là vụ bội thu), phong cảnh ăn ảnh nhất là từ tháng 11 đến cuối tháng 4, khi ruộng bậc thang ngập nước trở thành những tấm gương tự nhiên chiếu những sắc chàm, cam, vàng, lam và đỏ vào mỗi bình minh và hoàng hôn. Thỉnh thoảng nông dân và trâu lững thững bước qua trong bóng mát mắt.
Các ngôi làng Hà Nhì cũng là hình ảnh hoàn hảo trên bưu thiếp. Những ngôi nhà màu hoàng thổ thấp lùn bằng đất bùn và đá được lợp mái tranh hình nấm. Những con lợn đen to lớn cùng đàn lợn con lẽo đẽo dễ thương đi khắp nơi, và lúc nào cũng có nền nhạc dễ chịu là tiếng suối róc rách và tiếng leng keng của các kênh tưới tiêu.
Các thửa tầng ruộng bậc thang trải rộng trên diện tích hơn 160 cây số vuông
Huyện Nguyên Dương, nơi có ruộng bậc thang, có dân số khoảng 370.000 người, với gần 90% là dân các bộ tộc. Đến những ngày họp chợ nhộn nhịp ở các làng như Sinh Tồn, người Hà Nhì cùng với các tộc người lân cận như H'mông, Dao, Thái, Choang và Lô Lô để buôn bán và làm ăn trong khu vực, ăn uống, buôn chuyện và hút tẩu tre thon dài đặc trưng, phụ nữ thường diện trang phục bộ tộc thêu sặc sỡ và trang sức bạc cồng kềnh.
Tuy nhiên, lang thang 200 mét theo bất kỳ hướng nào từ làng Sinh Tồn chúng ta dễ dàng quên đi cảnh mua bán cấp tập ở chợ. Cất bước theo lối đi quanh co qua ruộng bậc thang - hoặc thậm chí dọc những bức tường bùn nếu đôi chân nhanh nhẹn - bạn sẽ thấy mình hoàn toàn đơn độc.
Trong thời đại tài nguyên thiên nhiên toàn cầu ngày càng ít ỏi, Goodman nói người Hà Nhì có thể cho thế giới bài học về quản lý đất đai, cũng như cách sống hòa hợp với môi trường.
"Họ tự hào về những gì họ đạt được," ông nói. "Họ đạt được điều ấn tượng vốn đứng vững trong khoảng 1.300 năm."
Ông nói thêm: "Cho họ xem ảnh chụp người Hà Nhì trong trang phục truyền thống với trang sức ấn tượng, họ sẽ nhún vai. Cho họ xem ảnh ruộng bậc thang, họ sẽ cười lớn và giơ ngón tay cái lên."
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
(Nguồn hình ảnh: Getty Images)