(Tặng một thi sĩ vừa bị cưa chân)
Liên cho xe chạy chậm, rời con đường chính để men theo một con đường nhỏ, vắng người và nhiều bóng mát hơn. Liên nói gần tới biển rồi, gió mát quá, anh thấy sóng không anh, kìa, biển xanh ngát.
Hoán đưa mắt ra xa. Một khoảng biển mịt mùng, lẫn lộn với những mái tôn thấp vùng ngoại ô. Bên này là rừng dương lưa thưa. Bên kia, xa hơn một vòm biển, núi xanh biếc dựng lên… Hơi chiều như sương mù lảng vảng trên cao. Gió lộng ngoài khơi xanh, nắng quái lấp lánh phía đó. Hoán cũng thấy những cánh buồm như mấy cái chấm, mấy cột khói tàu bện neo ngoài xa, thầm lặng.
Đã lâu Hoán không có dịp về thành phố, không có dịp ra ngồi bãi biển. Chiều nay Liên nài nỉ anh ra ngồi trên ghế đá với cô ta: để nhìn mấy hòn đảo nằm lẻ loi ngoài kia, cũng đỡ buồn chớ anh.
Hoán sửa lại thế ngồi, một tay vịn chặt vào yên xe, một tay giữ cây nạng gỗ. Anh tì khuôn mặt mình vào lưng người em gái. Tóc Liên bay ngược về sau. Liên cho xe rẽ vào một đụn cát. Chiếc xe quay quay như sắp ngã. Hoán lảo đảo:
– Đừng có chơi cái trò đó, anh té xuống bây giờ cho coi, Liên.
– Honda mạnh lắm. Chạy trên cát được mà.
– Thôi, anh còn có một chân thôi cô ạ, Liên.
Chiếc xe như vui xuống cát, tắt máy bất ngờ. Liên chống một chân xuống nền cát, một tay cho về phía sau như thế đỡ hộ cho Hoán, nói:
– Em tính chạy tới cái ghế đá kia chứ. Ngồi ghế đá đó nhìn ra biển thì tuyệt. Ngừng từ đây làm sao anh có thể đi tới đó. Chờ em, em dìu anh đi nghe.
– Thôi, tôi đi một mình được, cô để tôi. Cô mà dìu.
– Em không thích anh cãi em hoài. Hồi nãy ở nhà anh không muốn em chở anh đi. Anh nói để anh đi bộ. Xì, may mà anh đi bộ chắc anh đi vào bệnh viện một lần nữa quá.
Hoán đã bước xuống xe. Chưa quen đi nạng gỗ trên cát, lúc đầu anh mất thăng bằng vì chiếc nạng lún xuống cát quá sâu. Hoán chống nạng yên một chỗ cho khỏi ngã, nhìn ra ngoài biển xa: trời sương mù, mấy cánh buồm li ti.
Liên đẩy chiếc xe lại dựng bên cạnh một cây dương rồi vội vã chạy lại dìu anh đi. Cả hai đến ngồi trên chiếc ghế. Chiếc ghế vắng vẻ nhất cuối bãi. Phía trên kia là cảnh ồn ào náo nhiệt với những quán nước, những bar, những chiếc dù che nhiều màu sắc sặc sỡ cắm ra tận nơi thủy triều đập vào. Phía đó đầy ngoại kiều và những người lính Việt Nam mặc nguyên cả quân phục chiều chiều tan giờ ra đó uống nước, đi dạo.
– Anh trở thành một vị anh hùng rồi. Theo sử ký, anh trở thành một vị anh hùng.
– Thôi cô đừng mỉa mai tôi hoài. Tôi chỉ dậm phải một trái mìn. Tôi không nghĩ gì khác hơn tôi đã tàn tật.
– Nếu anh ngồi nguyên một chỗ như thế này, trên ghế đá này không ai thấy anh tàn tật. Đây, hai chân anh vẫn còn hai chiếc giày.
– Nhưng tôi làm sao có thể ngồi một chỗ suốt đời. Tôi chưa thể chết từ đây.
Cả hai anh em đều nhìn bâng quơ vào khu rừng trống phía dưới. Một vài thiếu nữ chạy xe Honda len lỏi giữa những hàng cây. Có cậu thanh niên cho xe chạy sát theo ngọn sóng, y như trong màn ảnh người ta quảng cáo một loại xe Nhật.
Trời ngả chiều. Biển trở màu tim tím.
– Em thích chạy xe như tụi nó không?
– Khỏi nói đi.
– Những ngày ở tại thành phố em làm gì?
– Thì em đã biên thư cho anh đó, em đi học, chiều chiều đi vòng quanh phố, cho xe ra bãi biển. Anh à, có khi em chạy đua với tụi nó. Đà Nẵng bây giờ vui quá hả anh?
– Với anh Đà Nẵng không vui. Phố thị ồn ào nhưng tàn tạ. Đà Nẵng, con gái mất những thói quen đáng yêu, có thêm những thú vui đáng buồn.
Liên ngồi sát người vào anh hơn. Hai mắt nàng sáng, tuổi trẻ như được thắp cháy trong đó. Liên nói:
– Người ta có thể buồn nhưng người ta không thể trách cứ thân thể mình. Ngày trước anh yêu thành phố này như anh yêu thân thể anh. Thân thể anh bất toàn rồi đó. Thân thể của một vị anh hùng đó mà…
Hoán đổi giọng:
– Em chở anh đi chơi một vòng coi thử.
– Anh mau thay đổi quá hà. Mới cấm em chạy trên cát, bây giờ anh bảo em đưa anh đi chơi trong rừng cát.
– Ngồi đây thấy buồn quá.
– Làm gì anh vui được. Em thấy không thể làm gì cho anh vui được.
Liên khẽ hát:
“Ngày trở về có anh thương binh chống nạng cày bừa, vì thương yêu anh nên ngày trở về có con trâu xanh hết lòng giúp…”
– Thôi, cô im đi, Liên. Tôi không muốn sống trong ảo tưởng như cô. Trước tang thương quá quắt, trước cuộc đẫm máu hoang vu ông nhạc sĩ muốn biến tất cả đám bụi đen trở thành những huyền thoại yêu kiều. Cô im đi. Cô đến hát cho mấy cây dương kia nghe kìa.
– Em hát cho chúng nó nghe hoài hoài. Những ngày anh không còn ở trong thành phố này, những ngày em nhớ T, những ngày nghe anh nằm trong bệnh viện em ra ngoài bãi biển này, đi rong dưới hàng cây đó. Em không hát cho mình nghe. Em hát cho mấy hạt cát, cho mấy ngọn cây. Có khi em bắt một con còng trên tay, em đi dọc bãi cát, em hát cho con còng nghe.
– Con còng có biết buồn đâu.
– Có chứ anh. Nó khóc. Em thấy nó khóc trên bàn tay em.
– Cô lãng mạn quá. Cô mất trí rồi.
Liên hát to lên và tự nhiên cười cay đắng.
– Cô điên à, Liên, cô điên rồi đó phải không?
– Ern không điên. Em thấy mình trơ trọi. Tại sao anh chỉ còn có một chân và T. thì bị một viên đạn vào đầu?
Hoán bồi hồi, giọng chùng xuống:
– Em còn nhớ đến T. à?
– Em không cố để nhớ T. nhưng em không thể nào quên được. Hình như người chết đi làm chúng ta nhớ họ. Nhiều buổi chiều thật vắng, ngồi một mình ngoài này em thấy T lặng lẽ đi phía kia. Nước da T thật trắng mái tóc thật bồng, ngọn gió nào đưa hơi thở của T đến đây làm em ngây ngất.
– Đừng đùa dai. Hắn đã chết rồi.
– Thật mà, em thấy T đi hoài hoài trên đụn cát này. Anh đứng trong rừng dương. Nhiều lúc em cố đến gần T nhưng T như một hạt sỏi. Nhặt lên tay rồi em có thấy gì đâu nơi hạt sỏi.
Hoán như nói một mình:
– Ngày trước chúng mày yêu nhau và chúng mày dại dột.
– Thôi anh đừng nói nữa.
– Tao cũng không định nói nữa. Tại mày nhắc tới đó. Đời chúng ta chôn vùi biết bao câu chuyện đáng nói. Thôi im hết cả đi. Có gì đâu.
– Có tất cả chứ, nhưng thực ra nó không còn gì cả.
– Hắn chết rồi. Thôi im đi.
Một con tàu nhả khói trên vòm biển. Con tàu tiến về phía núi Lăng Chiểu. Đường đèo Hải Vân tun hút. Giờ này chẳng còn xe nào qua đèo. Giá ngày xưa trong phút này, ngồi nơi đây, đã thấy từng đoàn xe đổ xuống đèo, đèn sáng nối nhau như một đám rước đèn giữa rừng.
– Em không định chở anh ra đây để nói quanh quẩn những chuyện không đâu. Lâu lắm rồi em không được theo một người con trai ra ngoài bãi này. Em chưa nghe một giọng nói nào thật êm ái.
– Liên, cô nhớ cô là em gái tôi.
– Dầu cho là em gái anh, em cũng cần anh như cần một cái mốc để từ đó em không còn thấy trơ trụi. Các anh không làm gì cho em gái các anh vui hết. Bây giờ thì em thấy trơ trụi.
Hoán cầm chiếc nạng gỗ đặt ra phía sau. Một người lính Mỹ mặc quần xì líp, khăn quàng trên cổ, ôm một người con gái Việt nam cười rũ rượi. Họ tiến ra phía rừng đã tối.
Hoán nói:
– Chính anh cũng trơ trụi. Anh xoay quanh trên số phận bất toàn của anh. Anh không muốn trở lại thành phố này. Ngày nằm trên núi anh muốn có một cái giấy phép để nghỉ ngơi, nhưng khi bị thương nằm suốt tháng trong bịnh viện anh mới thấy nỗi thống khổ cô đơn của mình… Thật ra chúng ta không hiểu chúng ta muốn gì. Có một tinh cầu nào khác, may ra…
– Ồ, anh là thi sĩ, anh luôn an ủi mình bằng một thứ chuyển hóa lạ lùng. Với em, tụi em phải tính toán ngay đời sống mình với những ngày sắp tới, trước mặt.
– Tính toán những gì?
– Em cũng không biết nữa.
– Rõ các cô tham lam.
– Thôi đừng nói nữa anh. Thôi.
Hoán ngồi duỗi thẳng hai chân ra. Anh vỗ vỗ lên cái – đùi – vế – có – thật của mình, nói:
– Ngồi mỏi chân quá. Cái chân ni lông kia thì không bao giờ biết tê hay mỏi. Chẳng lẽ anh phải ráp vào cả hai cái chân bằng ni-lông.
– Chân ni lông có làm nên tích sự gì.
– Có chứ. Có chân ni lông anh mang giầy được, chỉ cần mỗi một cây nạng hay cây gậy thay vì dùng một lúc hai cây nạng. Nhiều đứa bạn anh sau khi ráp chân ni lông vào chúng nó có thể đi xe gắn máy hay xe đạp được.
– Sao ngày trước người ta không ráp một cái đầu ni lông vào cho anh T ảnh sống. Em chỉ cần ảnh sống thôi. Cho em thấy ngày ngày như thấy anh.
– Thôi im đi. Hắn chết rồi.
– Sao trung tâm chỉnh hình không ráp cho ảnh cái đầu ni lông?
– Cái đầu ni lông phỏng ích gì?
– Nhưng em được sờ vào đó, như được sờ vào cái đầu gối nhựa cứng cứng của anh.
– Thôi câm mồm đi. Mày điên à. Hắn chết lâu rồi.
Đèn thành phố một loạt bật lên phía sau. Đêm thực sự. Trăng lưỡi liềm nằm ngoài biển. Gió thổi mạnh hơn, lồng lộng.
– Anh ngâm thơ cho em nghe đi anh.
– Thơ anh không giúp được gì cho anh hết. Thơ nó làm anh chảy máu châu thân. Thơ làm anh thấy vết thương anh càng trầm trọng.
Thà ta được làm người ngu si. Ước gì có một trái tim khô.
Một đôi trai gái đi men theo cánh rừng dương, về hướng ánh đèn sáng trên các quán giải khát. Người thanh niên vận bộ quân phục. Thiếu nữ vận áo dài, tóc xõa dài, tay ôm một cái kẹp da. Chắc cô ta từ trường học ra ban chiều, mải nói chuyện với tình nhân, bây giờ còn ngoài bãi vắng.
Xa hơn, những chiếc ghế dài được mang ra tận ngoài bìa nước. Từng hàng ghế một số người đã nằm soải mình trên đó. Mấy con tàu dừng hẳn bên kia chân núi. Một khoảng biển sáng lên phía Lăng chiểu.
Hoán ngâm khẽ nấy bài thơ mình vừa làm cho em gái nghe. Liên ngồi hai tay khoanh về phía trước. Cô nghĩ đến câu chuyện một thương binh ngày trở về dẫn em gái lên ngọn đồi xưa, người anh ngâm thơ khi người em gái hái những nụ hoa vừa nở ra chum chúp. Ngày đọc câu chuyện đó Liên thấy cảnh như một cảnh ở đâu trên thiên đường, thơ mộng và ý nghĩa. Nhưng ngay giờ phút này, anh nàng đã trở về. Chỉ khác nhau cái bãi biển và ngọn đồi nhưng hồn Liên đã thấy khác nhiều; em như phải đối đầu với một niềm đau vô biên, một sự gì trống rỗng tang thương khó giải nghĩa. Đây không phải là một bài thơ chiến thắng của người thắng trận trở về. Càng không là bài thơ của một người đi theo tiếng gọi và trả xong tiếng gọi. Đây chỉ là, em chỉ thấy là tiếng trầm thống, một hơi còi tàu cuối cùng trước khi tàu phải lướt qua trái mìn và nằm vĩnh viễn dưới chân cầu.
– Buồn quá đi anh.
– Em hát cho anh nghe đi.
– Thôi để em đi lấy nước cho anh uống. Ngồi đây em khóc quá.
-Em coi chừng lính ngoại quốc đứng đầy trên bãi đó.
– Em chì lắm mà anh.
Liên đứng dậy cầm theo cây nạng. Liên giả bộ chống cây nạng đi cò cò. Hoán nói:
– Lại nghịch. Để cây nạng đó cho tôi. Có việc gì tôi còn chạy được. Để đó cho tôi.
– Anh phải ngồi đó, không đi đâu hết. Anh đi người ta thấy anh tàn tật.
Liên đi khuất một rặng dương rồi ra phía biển trước khi vào quán nước. Chắc con nhỏ nhớ mấy con còng. Liên vác cây nạng lên vai, chạy thoăn thoắt theo đám bọt sóng đang lăn tăn trên cát. Hoán nhìn về phía Liên rồi nhìn về phía những đám mây thâm thấp. Hoán nằm dài trên ghế đá. Trăng lưỡi liềm nhợt nhạt trên nền trời lạnh lẽo. Tinh tú chạy lang bạt. Cả vũ trụ như đang lao xao theo một sự thu hút nào vô nghĩa.
Hoán thấy thương em gái vô cùng. Ngày xưa mỗi tối mùa hè anh vẫn thường cùng em ra bãi chạy tung tăng trên những đám lân tinh, đuổi bắt những con còng, xây những cái lầu cát để chờ nước thủy triều vào làm tan đi. Những ngày đó. Những ngày đó trôi qua. Những cái giếng nước trên bãi năm xưa giờ không còn thấy. Cái miếu thờ Thần cá voi giờ không còn thấy. Rặng dương kín đáo giờ đã trống trải. Da thịt, hơi thở, bóng dáng anh em phút chốc tan thành thinh không, mất hút, biến đi vội vã như một làn khói không màu sắc.
Bây giờ Hoán không còn hai bàn chân để chạy theo cơn nước thủy triều như Liên. Không còn những nao nức trẻ dại hoang đường như ngày nào. Không còn những buổi sớm thức dậy ra nhìn phương đông rịm rịm, đi dọc theo bờ cát lạnh lạnh, thủy triều đã ra xa. Thủy triều buổi trưa mới lên đây, mới làm đầy thêm biển.
Hoán nằm trên ghế đá, lim dim mơ màng… ngày hôm đó Hoán nhận được lệnh gọi về Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị. Bạn bè nói với anh mày coi chừng đấy, những thằng sắp được biệt phái là những thằng tận số. Thì sĩ như mày ăn nhằm gì. Y Uyên chết cái đầu gối trên bờ suối, hai tay ôm đất mẹ, chỉ có đất là người tình chung thủy, có một khi chúng ta ngất ngư. Mày coi chừng đấy. Trần Như Liên Phượng, Dũng Chinh. Y Uyên, sao đi vòng quanh lâu quá chưa về… bè bạn hù như thế nhưng Hoán không buồn, anh vui mừng khấp khiểng… và anh dẫm phải một trái mìn. Anh dẫm lên một tiếng gọi quá lớn, biến anh thành một người tàn tật… Hoán nghe có hơi người bên cạnh mình. Anh trở dậy và đụng phải một người con gái. Hoán hoảng hốt. Điện giật anh nhổm dậy. Người con gái nở nụ cười:
– Anh Hoán, sao anh nằm một mình ngoài bãi khuya thế này?
Hoán sực tỉnh nhớ ra ngay người con gái đang ngồi cạnh anh:
– A, Diễm.
– Em có cái tên khác rồi.
– Tên nào khác?
– Tên Jackie, chồng em đặt cho em.
– Em có chồng rồi?
-Vâng, một ông thiếu tá Mỹ. Hắn ngồi trong quán kia kìa. Ngày em nghỉ học có đứa bạn em khóc. Chúng nó nói sao mới học đệ tứ mà thèm Mỹ. Em không trả lời. Em không thèm nhưng em cần Mỹ. Bố em ho lao nằm trong bệnh viện. Người anh duy nhất của em đã tử trận. Em không biết dùng sắc đẹp của em làm gì. Em đem bán. Có được không anh? Sao anh nhìn chòng chọc vào người em vậy?
– Anh thấy em khác xưa quá.
– Cả thành phố này khác xưa chứ không riêng gì em khác xưa. Em vẫn thương yêu anh như ngày nào còn nhỏ. Em nói thực với anh hết đó. Anh muốn hiểu em thế nào thì hiểu. Em vội vàng quá.
Hoán buồn buồn:
– Em còn nhớ Liên không?
– Nhớ, em còn nhớ Liên. Nhưng tụi nó khai trừ chúng em.
Anh ạ, từ khi em về với người Mỹ cái gì em cũng bộc bạch vội vàng. Người Mỹ không cần những gì thâm trầm hay kín đáo. Ghét định nghĩa quanh co và rào đón.
– Tại sao em nói với anh những điều đó?
– Tại vì em sợ anh khinh em. Với anh em không thể nói dối. Dối làm gì với một người mà em biết nhớ thương năm em mới mười lăm tuổi. Bây giờ…
– Đừng nên đi xa hơn, Diễm.
Hoán quay về phía quán nước. Diễm hiểu ý nói:
– Robert tốt lắm anh. Hắn không ghen bất tử hạ cấp như những thằng khác đâu. Nó mê em lắm. Nó hứa mang em về Mỹ. Đòi mang em đi sửa sắc đẹp nhưng em không chịu. Em nói với hắn tao đẹp thế này đến cha mày cũng mê tít nữa là mày. Nó bảo em đi làm cái ngực cho lớn thêm tí nữa…
Hoán rùng mình. Con bé Diễm năm xưa đã hoàn toàn lột xác. Nó trần truồng ở đây đáng thương như một con vật khốn khổ.
Có bóng Liên từ trong quán đi ra, dọc theo rặng dương. Nhưng dường như thấy có người ngồi với anh Liên vác cây nạng lên vai đi ra phía biển đầy sóng. Trăng sáng nhờ nhờ, hoang dại.
Diễm nói:
– Cả thành phố này đổi khác chứ không phải một mình em khác. Bộ anh tưởng em không buồn hả. Em đã khóc mấy đêm liền với Robert trong căn phòng có máy lạnh. Em hưởng từng cơn khoái lạc đầy người khi cha em nằm co quắp trong bịnh viện. Anh của em cháy thui từ lâu. Em đẻ ra tiền và người cha đau thương của em được sống nhờ tiền. Tiền.
– Em không nghĩ như thế là sa đọa?
– Không, em không sa đọa. Người ta nghĩ hẹp người ta nói em là một đứa con gái lấy Mỹ. Nhưng với một quan niệm khác, em chỉ là một con người lấy một con người. Một thứ cái về với đực. Chỉ có thế.
– Em có biết em đã mất tất cả?
– Em mất hết tất cả. Nhưng giữ gìn như các anh, các anh có còn tất cả không?
– Anh choáng váng mất.
Hoán như lảo đảo xâm xây. Diễm đỡ nhẹ người Hoán, âu yếm:
– Anh, anh làm sao thế này… anh, anh đi vào trong quán này với em đi. Ở đây lạnh lắm.
– Không, anh chỉ ngồi đây. Cho anh ngồi mãi đây.
– Vào đây em giới thiệu anh với chồng của em. Rồi chúng ta cùng uống rượu. Rượu may ra làm anh ấm.
– Không.
– Anh, em van anh… em cần đi với anh. Em thèm được một chút gì của anh.
Hoán chán nản:
– Em về với Robert đi. Để cho anh yên.
– Anh, anh đi với em. Có thể em sẽ về với anh ngay lúc này. Anh nghe em… anh Hoán. Sao anh xanh lét thế này. Sao anh nhìn chòng chọc vào em thế này.
– Thôi im đi, hắn chết rồi, đừng nói nữa.
– Hắn là ai. Anh của em chết rồi đó. Ngày xưa anh thường đi chơi với anh Hiền của em lắm. Ồ Robert đợi anh kia kìa.
Diễm tựa sát người vào Hoán. Cái ngực nóng hổi kê vào người thương binh tàn tạ.
– Anh Hoán, đứng dậy đi… Ồ mà sao thế này, cái chân anh cứng ngắc.
Diễm sững sờ nhìn vào đôi mắt đờ đẫn của Hoán. Một bàn tay Diễm bóp cứng vào phần chân ni lông ngay đơ.
Đêm xuống mịt mùng ngoài khơi. Mấy đốm lân tinh bây giờ hiện rõ trên nền cát. Hoán ngã người lên thành ghế. Mồ hôi vã ra đầy trán. Diễm hất mớ tóc về phía sau. Tay vẫn nắm chặt phần – người-bằng-ni-lông của Hoán. Diễm hôn nhẹ Hoán nói hao hụt. Lời của Diễm bây giờ mới ướt sũng như một cơn mưa đã chín khi mùa tới từ lâu:
– Anh ơi, làm sao anh phải mang cái chân ni lông. Anh không còn gì. Anh tha lỗi cho em đã làm anh buồn. Anh…
Diễm ôm siết người Hoán. Nàng khóc.
Ngay lúc đó có bóng một người Mỹ đi về chiếc ghế đá. Người Mỹ huýt sáo miệng. Hoán tưởng như người Mỹ kia đang hát một bài ca lưu đày Diona.
Cung Tích Biền
(đăng lần đầu trên Khởi Hành số 8 ngày 19-6-1969)