I
Ở tuổi mười bảy, tôi vẫn chưa biết phân biệt rạch ròi giữa một người đàn ông và một đang tuổi thanh niên. Cứ gọi người đàn ông ấy là một anh thanh niên, lúc anh dừng lại trước hiên nhà, nở nụ cười chào ba tôi. Trông anh rất đẹp trai, tao nhã, phong thái một người có học thức, tuy thế điều đó không làm cho tôi chú ý. Bởi vì tôi có đời sống của riêng tôi, có đường phố và nỗi vui con gái tràn lan trời mai nắng đẹp. Anh ta chào ba tôi, nói dăm ba câu chuyện rồi cáo từ.
Hai hôm sau tôi thấy anh xuất hiện trong giờ làm việc tại văn phòng ba tôi là chỉ huy trưởng. Buổi chiều em gái tôi nói với tôi vừa có mấy chuẩn úy sĩ quan động viên, toàn là các ông cử xuất thân đại học, mới về đơn vị của ba.
Từ lâu tôi vẫn một niềm vui là mình có nhan sắc, một hoa khôi của trường. Đi trên đường phố tôi luôn kéo theo những cái nhìn của bầy ong trai, những gã ngỗ nghịch nhưng học hành giỏi giang. Chúng thường đàn cho tôi hát, chúng luôn nịnh đầm. Nhưng chưa một gã nào trong đám trang lứa làm tôi xiêu lòng.
Thoan, em gái tôi nhạy tin. Nó theo dõi, và rất rành ngọn ngành các sĩ quan trẻ trong bộ chỉ huy. Tôi không muốn em gái làm bận rộn, quậy loãng những cảm xúc buồn vui mơ hồ, bao la trăng nước, rất bao đồng. Một khoái cảm tôi rất ghiền những lúc một mình.
**
Nhà của tôi nhìn ra một dòng sông. Bên kia bờ những xóm làng chài thơ mộng, cây xanh cùng những liếp dừa. Buổi chiều tàn, bờ kia như chìm dần xuống đáy nước. Ngay phía bên kia đường, trước mặt nhà tôi có một cây cầu. Cầu bằng gỗ, ngang chừng bốn mét, chòi ra sông có độ dài chừng vài chục mét. Từ ngày có trại nhà binh nơi đây, ghe thuyền bị cấm cập vào bến. Cầu tàu trở nên vắng vẻ.
Mỗi hoàng hôn, khi bóng nắng quàng xiên và màu tối lan dần, tôi thích ra ngồi cầu tàu nhìn sông nước. Đêm trăng ngồi nơi này nghe gió ngóng mây, lúc thất tình, thì tuyệt.
Một chiều, khi tôi định bụng ra ngồi cầu tàu thì anh chàng kia đã có mặt. Anh ngồi la đà, nhìn lung. Không hiểu sao tôi có ý ghen tị. Nghĩ rằng cầu tàu của tôi, dòng sông này của tôi, ngay cả hoàng hôn cũng không được ai chiếm đoạt.
Tôi nào chịu nhường cái cầu tàu cho một ai. Chiều hôm sau tôi ra ngồi trước mười phút khi tan giờ làm việc. Ngồi một tiếng đồng hồ nhìn sông nước, không thấy anh ta, tôi thấy quạnh vắng. Rồi tôi lại hồi hộp vì có bước chân ai đang bước tới, rung chuyển nhẹ nhẹ cái sàn gỗ. Tiếng chân im hẳn và dường như… người ta đã ngồi xuống, rất gần. Tôi nghĩ bụng, hẳn sẽ có một câu chào hỏi nhau.
Nhưng tôi lầm, anh ta ngồi đó. Yên lặng. Không chào xã giao. Chẳng mở lời tìm quen. Tệ hơn, anh ta ngồi đâu lưng lại với tôi, mỗi mạng một hướng. Tôi nhìn hướng mặt trời lặn để ngắm ráng chiều, anh ta nhìn hướng mặt trời …sáng hôm sau mới mọc.
Tôi quay lại nhìn. Nhưng chỉ nhìn thấy một phần gương mặt đã bị che khuất bởi một mái tóc thật dày và đen. Lần đầu tiên tôi thấy một người có mái tóc rối thật đẹp, tự nhiên. Một phần gọng kính cận nhô ra, một cánh mũi thẳng. Khuôn mặt là một nửa sự thật bị che khuất ấy bất ngờ thu hút tôi. Rất âm thầm, trong cái không gian chỉ có tiếng nước vỗ nhẹ từ những con đò xuôi ngoài kia. Anh như một vì sao, rất đơn côi, hiện lên giữa một vòm trời rất xanh rất trong. Như một cụm đá mờ nhạt bơ vơ giữa dòng. Và tôi, một đám lục bình, đang lững lờ trôi. Một xanh lơ ngập ngừng.
Anh vẫn ngồi đó, và buổi chiều đó đè nặng cuộc đời tôi, về sau. Dài dài có mặt trong tôi, như mặt mũi tay chân.
**
Bóng tối đã phảng phất, gió lướt trên mặt sông, vẳng cái âm vọng mơ hồ. Tôi vẫn ngồi đây. Anh vẫn ngồi đây. Tôi định bụng là sẽ ngồi đến khi nào anh ta nói lên một lời. Tôi đẹp vầy, mà là đồ bỏ ư. Chẳng lẽ hai “đứa” như hai tấm ván lót cầu. Những lục lục xanh xanh lá, những hoa tím, trôi dạt trên sông. Bên kia bờ rải rác đóm lửa hồng đã nhóm, trong liếp dừa lặng lẽ.
Buồn tận mạng. Tôi ngứa cổ. Quay lại. Muốn làm quen:
“Thưa, ông mới đổi về đây?”
“Vâng, cảm ơn.”
Một trả lời cụp đuôi. Như nói với lau sậy bên kia bờ. Tôi, cái vô duyên đã đụng phải cái vô tình. Sao tiếc lời ăn tiếng nói quá vậy. Cảm ơn cái cóc gì. Chửi bà lên một câu có hơn không. Chửi một câu mà phá tan được cái không khí chơi vơi này, mà đem tôi ra khỏi vùng tâm thần hoảng loạn bởi tiếng sét bất ngờ, nhanh chóng này. Tôi đưa hai bàn tay áp vào hai bờ má. Da thịt gì bỗng lạnh queo.
Tôi đứng lên rời cầu tàu. Cái lạnh lùng, cái im lìm lại là một loại thuốc mê ư.
**
Thoan ranh mãnh lắm. Nó tưởng tượng ra cuộc tỏ tình trên cầu tàu, và hoan hỉ cho tình tôi. Tôi với nó, chị em sinh đôi. Nhưng Thoan không muốn gọi tôi bằng chị. Nó cao hơn tôi. Lại bảo “Ai thấp hơn phải làm em.” Tôi chống chế: “Chị rúc ra trước nên chị thấp. Em được mẹ nuôi trong bào thai lâu hơn, dù chỉ mấy giây đồng hồ cũng đủ cao hơn chị rồi.”
Một cái bóng đen mơ hồ nơi cầu tàu. Đêm xuống đã lâu. Anh, hay ông ta gì đấy, vẫn ngồi đó. Một vài chiếc xe lôi chạy ì ạch qua trước nhà. Gió đập xao xác từ các đỉnh cây. Đèn đường vàng vọt soi qua những vùng lầy buồn tẻ. Tỉnh lỵ nhỏ. Tỉnh lỵ này bao nhiêu tuổi tôi có biết đâu.
Gia đình tôi đến đây với tình cảnh người chạy loạn bỏ đất Bắc, ba tôi bảo nhớ Hà Nội nhớ Bắc Ninh quá chừng. Ba tôi là một Thiếu tá trưởng một phòng chuyên môn ngày hai buổi đến văn phòng với bộ đồ vàng.
Về tâm sự của các sĩ quan trẻ, ba tôi có lúc như than van dùm cho họ, “Con người ta đang là trí thức có một đời sống dân sự an nhàn, bị gọi vào quân ngũ, gắn cái lon sĩ quan, con đường súng đạn gian nan, chết sống chẳng biết lúc nào; vậy ai chẳng buồn. Thời chinh chiến, người trí thức phải chịu thiệt thòi.”
Tôi bị ma ám. Cả đêm hôm ấy tôi lại nghĩ về một người tóc rối. Tình yêu thương ở vào lứa đời của tôi, phải chăng là một cái gì nhẹ bổng vu vơ, nổi trôi, không rõ rệt một điểm tựa. Nó bay đậu nên bất kỳ chỗ nào. Nó phi lý không diễn tả được.
Rồi tôi mơ vùi. Tôi tưởng ra một cuộc tỏ bày. Trên đồi xanh, thảm cỏ mỏi mê chảy xuôi, ai đã cầm tay tôi. Những nụ hoa trắng, những gió no và đầy mái tóc biển. Hãy yêu nhau như mây yêu núi, như hoa nhớ mùa. Hãy ứa trào lời yêu. Lời gói ghém ém chặt tôi vào trong anh. Hôn nữa đi. Và vật vã cuồng điên. Hãy siết nhau trong mê muội. Như rắn quần. Xin được bóp nát em ra. Là lò bánh mì nướng em… Chúng tôi nằm. Bãi cỏ. Mây trắng. Tiếng chim. Da thịt chàng nồng…Đò đã nổ máy chạy ngoài sông. Chừng như hết giờ giới nghiêm những chiếc xe lôi trở mình ra lộ… Tôi đến trường, ngồi trọn buổi sáng, học không vô. Lẫn lộn. Bâng khuâng. Giờ ra chơi tôi không đùa bỡn như mọi ngày. Tôi ngồi gốc cây. Nhớ ngọn đồi, nhớ mây trắng trong giấc ngủ đêm qua. Cảm ra chiều kích của ước mơ.
Buổi trưa cơn mưa đến vội. Rồi mưa ra đi. Còn đây một bầu trời nằng nặng những nắng hanh hao. Tôi lái xe đến nhà Tuyên. Chúng tôi đi thơ thẩn trong vườn lá rụng. Tuyên hỏi tôi, Túy mày có bồ hả? Tôi nói bồ bịch gì, mới bị sét đánh ngang. Tiến thoái lưỡng nan. Bất ngờ tới rùng mình.
Tuyên nhặt, bỏ vào giỏ mấy trái mận. Lối đi trong vườn nhòe nước. Nhìn lên căn lầu bên cạnh, tôi thấy có người đang đưa mắt qua cửa sổ vô tình nhìn xuống chúng tôi. Có tiếng đàn văng vẳng.
Tôi hỏi Tuyên có biết ai chơi đàn trên đó không. Tuyên nói có một ông sĩ quan trẻ mới đến, thuê phòng trên đó. Anh ta chơi đàn sao mà tao mê hết cỡ. Tuyên đưa mắt nhìn lên, chỗ khung cửa sổ. Tôi bị hớp hồn qua cái âm vang nhẹ trong, thanh thoát như suối gọi. Tôi trở nên nhẹ trôi, một con thuyền vô hình. Đến bây giờ tôi chưa nhận ra có thật mình đã yêu một người hay không. Và nội dung của tình yêu nó ra làm sao.
II
Mấy hôm nay không thấy anh chàng ra ngồi cầu tàu. Cũng không thấy anh ở đâu cả. Có anh hay không có anh lảng vảng chốn này thì đã sao. Xưa kia anh chưa tới thì cỏ vẫn xanh sông hồ, vẫn nước trôi. Tôi tự dạy bảo mình là có sao đâu. Nhưng cũng chính tôi hụt hẫng vì sáng sáng chẳng thấy anh đi qua, chiều chẳng thấy dáng người tư lự chỗ cầu tàu. Sự vắng mặt này cớ sao đã là một khoảng trống khó lấp đầy trong tôi.
Rồi một buổi tối bất ngờ anh xuất hiện ở phòng trực, vì là phiên trực của anh. Anh mặc đồ tác chiến màu ô liu, tay một quyển sách, tay cầm một cây măng-đô-lin. Phòng trực ngay cạnh nhà tôi. Rất khuya, cả gia đình chúng tôi bỗng nghe tiếng đàn văng vẳng từ phòng trực. Ba tôi nói thằng đó sĩ quan trực trại mà mang theo cây đàn, như đi dự đại nhạc hội. Khuya khoắt còn đánh đàn trong phòng trực chiến, xem mình là trời. Cả nhà tôi cười. Tôi muốn nói với ba một điều biện hộ cho anh chàng ngớ ngẩn nhưng không hiểu sao tôi yên lặng.
Khó ngủ. Tôi mang xác ra hàng hiên ngồi. Ngồi co ro, nghĩ vơ vẩn. Qua một khoảng trống nhỏ, tôi thấy cái bóng đen ngồi thầm lặng châm thuốc hút trong phòng trực. Ánh lửa đầu ngọn thuốc soi mờ nhạt một khuôn mặt mà giờ đây tôi hiểu là một hình bóng của tuổi trẻ bâng khuâng.
Vài hôm sau, vào một buổi chiều, tôi thấy anh ngồi trong xe, chỗ bãi xe doanh trại. Anh một mình. Lại mắt dán vào sách. Cái gì xui khiến tôi đi tới hướng chiếc xe jeep. Đến thật gần. Như để vịn vào anh. Tôi nói:
– Thưa …chú.
Cổ tôi cứng ngắc. Tôi khựng lại. Anh có vẻ bình tĩnh, mỉm cười:
– Tôi nghe đây.
– Thưa chú, em muốn trò chuyện.
Anh nhìn tôi với đôi mắt sâu và ngọt. Lần đầu tiên tôi nhìn anh trực diện, thật gần, tôi chạm mặt một mong đợi.
Thật là khùng điên. Chú với em cái nỗi gì. Nhưng giây phút khờ khạo ấy đã mở ra một tao ngộ. Có những nụ cười. Đầy những lặng ngắm. Tâm hồn tôi cành lá chờ gió. Có phải tôi đã biết yêu. Và đã yêu một người.
**
Lần đầu tiên tôi đến phòng của anh vào một buối tối. Tôi vận áo quần đàng hoàng, nhưng cả hai bằng loại vải mỏng, mịn. Lạ thay tôi không nghĩ đến việc vận đồ lót. Đồ lót cũng thường là hàng rào phòng thủ cuối cùng của đa số con gái lỡ khi gặp điều…tai nạn.
Anh ngồi nơi bàn viết, trên bàn có mấy tập nhạc và ngổn ngang sách vở, sau này tôi biết anh đọc rất nhiều; là một người uyên bác ở nhiều lĩnh vực, từ triết học đến văn chương nghệ thuật. Cây đàn măng-đô-lin treo ở góc tường. Một bản sao bức tranh, anh giải thích là một họa phẩm của Paul Klee, trong một cái khung nhũ vàng. Ánh sáng căn phòng lờ mờ. Tôi như bị ma hớp hồn trong cái không gian đóng kín này.
Cánh cửa sổ nhìn xuống khu vườn im vắng của Tuyên không mở hẳn. Tôi có cảm tưởng mình đang tiến vào một cái hang. Tôi rất hồi hộp. Nhưng tôi có một khuynh hướng hòa nhập.
Anh bảo rằng anh có nhiều tên, nhưng nên gọi anh là Miên. Phòng trọ của Miên là một căn lầu thật vắng vẻ phần sau của ngôi biệt thự khá lớn. Đứng nơi ban công có thể nhìn thấy toàn khu nội ô của thành phố tỉnh lẻ hiền từ miền Tây này.
Bây giờ là thời đại mọi sinh hoạt tuổi trẻ đang bị chi phối bởi thuyết hiện sinh. Tôi chưa ý thức lắm về chủ nghĩa này. Yêu cuồng sống vội. Tình yêu không có ngôn ngữ. Chỉ có những nụ hôn và sau đó là cuộc chiêm bao. Bây giờ tôi đang nơi này, trong căn phòng lờ mờ ánh sáng; trong hơi ấm vòng tay của một người đàn ông.
Căn phòng rất xa lạ này đã phút chốc trở nên quen thuộc vì nó đã được gieo rắc, khơi gợi bởi những hình ảnh trước đó từ cái cầu tàu, từ căn phòng trực, tiếng đàn, nỗi hoang buồn nơi ánh lửa chợt thấy cùng khói thuốc trong đêm của Miên. Anh bẻ cong người tôi lại y như một thầy pháp với con rắn trong tay. Qua đôi mắt khờ dại của tôi Miên là một vị thiên thần. Trời đổ mưa bên ngoài. Qua khe cửa là những làn chớp soi. Tôi nhắm mắt để Miên đưa đi, đưa tôi vào huyệt. Tôi thoáng nhận nơi gối và chiếu chăn của Miên có một mùi thơm kỳ lạ. Mùi đời lúc hấp hối. Mưa vẫn rơi dìu dặt bên ngoài. Một cơn mưa tiễn chân tôi vào thế giới đàn bà.
Nhưng lạ lùng, đêm đó Miên tha cho tôi. Cảm ơn anh. Tôi hiểu là anh phải cố gắng lắm để cưỡng lại sự quyến rũ xác thịt của em, và sự thèm muốn nơi chính anh. Nhàm chán thật. Anh xem tôi như một món bánh ngọt, mở ra rồi không dùng, đậy lại.
Tôi muốn khóc. Rồi tôi bật khóc.
Hay anh là một cao thủ, một con mèo vờn chuột. Cho nát nẩm ra. Cho cái kiếp chuột đời này bỗng sợ hãi mèo cho tới kiếp chuột cháu chắt về sau. Tôi lại ra cầu tàu ngồi. Như con nai bị vồ hụt. Con nai kỳ lạ, không mừng mình được sống sót, mà buồn tủi vì không được là một món mồi ngon. Hoa khôi này đáng là cho vào rương hòm lưu giữ làm đồ kỷ niệm.
**
Tôi thường vẫn đến phòng của Miên. Tình yêu chúng tôi nghèo sự giao hoan. Chừng như anh xem tôi là một đứa em nhỏ. Anh không muốn mình là kẻ phản bội, khi chính anh đã không định đoạt được chính số phận của mình. Cuộc nội chiến đang thèm xương cốt của anh. Trống rỗng và chán phèo. Tôi thật tình chẳng biết ra điều gì. Vậy mà tôi không thể xa Miên, tôi yêu anh. Hình như tôi lớn khôn vì anh. Dần dà, tôi quen với những bữa tiệc thịnh soạn, thừa sự ấm áp, nhưng toàn những món chay. Thầy tu ăn chay thành Phật. Tôi ăn chay hoài kiểu này, tôi trở thành…đàn ông.
Và, tôi yêu anh. Yêu giông bão.
**
Chơi dao cũng có ngày đứt tay. Câu nói thường tình. Trong dân gian chắc có người đã từng. Rồi một buổi chiều chúng tôi không những đứt tay, mà đứt lưỡi vì dao. Lưỡi còn nguyên mà không tự biện được.
Miên sống rất bình an, ít khi đóng cửa phòng, dù lúc có mặt tôi. Tôi đang nằm dài trên giường. Bởi tôi thích nằm ngửa hơn là đứng hay ngồi. Bây giờ là ba giờ chiều. Miên ngồi bên cạnh giường. Thay vì mở tôi ra nghiên cứu cơ thể, anh lại mở một quyển sách ra đọc.
Cơ thể tôi sấm sét rồi động đất. Tâm chấn nằm đâu dưới lằn bụng. Dưới chút nữa. Đâu chỗ cái thung lũng tình yêu sương khói hay sương mù gì đấy. Toan choàng dậy, đoạt quyển sách trên tay Miên ném vào chỗ góc giường. Tôi lột cúc áo anh ra. Tức tốc tháo dây lưng quần của anh. Anh cũng thừa tàn khốc. Đây mới thực là tình yêu như trái phá. Tan nát mọi mép rìa. Rồi tôi ngủ thiếp.
Ước gì tôi chết luôn là khỏi rườm rà.
Có tiếng chân người từ ngoài. Rồi tiếng gõ cửa đột ngột. Bà nội và mẹ tôi xuất hiện. Bà phán:
– Về nhà ngay.
Giống là một phòng trừng trị tội phạm.
Phòng khách. Cửa chính đóng. Cửa sổ đóng. Hai con roi đặt trên bàn. Bà nội ngồi chánh án. Ba và mẹ tôi đứng thẳng ron hai bên thành ghế chánh án. Chờ lệnh. Tội nhân nữ nằm dài trên nền nhà. Nằm úp. Đập vào mông.
Ba tôi thương con gái, từ bé chí lớn chưa hề mắng tôi một lời xúc phạm. Ông cầm cây roi nhứ nhứ như hù dọa. Bà nội mắng: “Đập một trận chí tử đi cho tôi. Gia pháp để đâu.”
**
Tôi đi hoang, một cuộc hoang có giới hạn, là sang nhà con nhỏ bạn ở liều mấy ngày. Thoan tìm được tôi trời đã khuya. Thoan an ủi. Tôi nói rồi em cũng có ngày như chị. “Thôi, em van chị,” Thoan vừa nói vừa tức tưởi: “Anh Miên đã khăn gói ra đi rồi.” Tôi nói anh Miên không là người chạy trốn. Thoan giải thích: “Chắc là vậy, nhưng tình thế đang xua đuổi anh. Chúng ta khốn khổ, chúng ta chỉ là những vật nuôi.”
Thức giấc lúc hai giờ sáng. Tôi lấy giấy viết thư cho Miên. Nhưng viết không được. Mà biết anh ở đâu. Nước mắt lại tràn ra. Tôi đi ra cầu tàu. Con khỉ nhớ ai con khỉ ngồi.
**
Miên bỏ biệt đơn vị, về Sàigòn trong gần hai tuần. Quá mười lăm ngày anh có thể bị khép vào tội đào ngũ. Trở lại đơn vị, Miên bình thản chào mọi người, nở nụ cười nhận một cái lệnh thuyên chuyển. Đi xa biệt cái thành phố này. Đời của Miên là một cuộc phiêu bồng, một con tàu đổ vỡ, một dòng nước trầm luân từ nguồn về biển qua bao nhiêu đồi núi ruộng đồng hai bờ cát nóng. Miên, một thân phận lưu đày, một sinh viên một thời phản loạn, một sĩ quan bị chỉ định cư trú, phải lìa bỏ quê nhà miền Trung lưu lạc đến miền nam lưu trú. Anh là một kẻ trung thực trong canh bài nên bị thua lận, nhưng anh thản nhiên đón nhận đổ vỡ, dang đôi tay như cánh hạc trong cuộc đời bão tố này. Anh được thuyên chuyển tới một đơn vị tác chiến.
Thì tôi, đứa con gái mười bảy khùng điên. Có sao đâu. Tôi xếp áo quần vào túi xách. Tôi sẽ mang cái thân mạng này đi theo anh. Nhưng tôi lầm. Thân gái này đang là tên tù quản thúc tại gia. Thương nhớ của tôi càng mênh mang ra, thì xương cốt teo dần lại, vì cái thế giới mênh mông ngoài kia bỗng thu nhỏ lại trong bốn bức tường.
Sau cơn đập phồng mông đứa cháu nội, bà nội tôi rất mực trở ra thương yêu, chăm sóc cháu. Một lòng thương ăn đoong, xảo quyệt. Và một sự chăm sóc tận tình của bọn lính Đức chăm sóc tù nhân Do Thái.
Những giấc mơ nồng nàn của tôi bấy lâu có sông nước thơ mộng với cây xanh và bóng nước hai bờ, chiều vàng sương mai, có cái cầu tàu chiều chiều tưởng nhớ, nay có thêm trong tưởng vọng là những lục bình trên sông trôi lênh đênh. Chỉ là thờ ơ, phiêu dạt.
Cung Tích Biền
Dịch Thủy quán 1969
Sàigòn 1999