Đọc những truyện ngắn Trần Doãn Nho viết từ trước 1975 đến thời gian gần đây, có thể thấy anh sáng tác trong ý thức sâu sắc về thể loại và nghệ thuật viết truyện ngắn. Truyện của anh luôn có sự đầu tư công phu về ý tưởng, hình ảnh, ẩn dụ, chủ đề… lồng trong cấu trúc chặt chẽ của tổng thể, trong đó các yêu cầu về miêu tả, tường thuật, đối thoại, diễn tiến, tư tưởng giữ một tỷ lệ hài hoà và hữu hiệu.
Trong tập truyện này, gồm 3 truyện ngắn viết trước 1975 đã đăng trên tạp chí “Văn” và tạp chí “Vấn Đề” và 13 truyện viết từ thập niên 1990 khi anh định cư ở Hoa Kỳ đến năm 2019, phần lớn Trần Doãn Nho vẫn giữ khuynh hướng hiện thực tâm lý-xã hội. Dựa trên chất liệu cuộc sống, con người, và những vấn đề của thời đại, anh khéo léo đan cài chủ đề vào cách anh tường thuật; và lồng tư tưởng vào chuyện kể một cách tinh tế, thâm thuý, với dung lượng vừa phải. Anh sử dụng phương pháp này khá nhất quán tuy những truyện ngắn của anh có kiến trúc, khung sườn và bố cục biến đổi đa dạng. Đường đi nước bước của mỗi truyện mỗi khác. Mỗi truyện có không gian và cấu trúc riêng, và truyện nào cũng có dàn dựng vững chắc riêng về mặt hình thức. Những truyện viết sau này có cấu trúc phức tạp hơn để đáp ứng với nhu cầu đa dạng hơn của chủ đề. Một số truyện viết đã lâu được xây dựng theo mô hình Freytag, có mở đầu với bối cảnh và nhân vật, rồi xung đột, cao trào, gỡ nút, hạ màn… như “Con mắt thủy tinh”, “Con dốc”, “Quen”, …Có những truyện “khơi khơi” như cắt ra một mảng từ ngày thường, như “Bữa ăn” hàng ngày (vậy mà bữa ăn đó lại bất thường một cách kinh hoàng). Cũng có khi cái khơi khơi đó là hành động bình thường như “Đi. Trong một buổi sáng”, mà tác giả đẩy người đọc đến những khúc ngoặt và vào những cuộc gặp gỡ với chính mình trong những mảnh thời gian và không gian gẫy vụn của ký ức đã hư hoại. “Ngơ ngác và trẻ thơ” có cấu trúc những hình khối ghép vào nhau, tác giả dùng những giai thoại, những trích đoạn, và cả những “chat” trên mạng xã hội theo kiểu liên văn bản. Những thứ này không hoàn toàn liên quan với nhau, những khi đặt để vào bối cảnh “không còn chữ” trong truyện, chúng bổ sung và tương tác với nhau để tạo ra những tầng nghĩa mới cho câu chuyện. Xét về đề tài và hình thức, đây là truyện ngắn mang tính thử nghiệm và đột phá nhất trong toàn tập. Phần lớn những truyện thành công khác như “Đội lốt”, “Phiên bản”, “Đỏ xanh vàng… và trắng”, “Bữa ăn”, “Đi. Trong một buổi sáng”, “Con mắt thủy tinh”… là những truyện gần với khuynh hướng của Anton Chekhov hay Alice Munro: truyện ngắn hiện đại xoay quanh những mâu thuẫn và ý nghĩa của đời sống, tập trung ở nhân vật là nơi phát sinh ra câu chuyện, và những cố gắng của nhân vật trong việc sắp đặt đời sống họ vào một mô hình nào đó.
Trần Doãn Nho xây dựng truyện trên nền tảng vững chắc của dữ kiện thực tế rồi từ đó đặt lại vấn đề với mảng hiện thực đã trình bày trước đó. Thường thì sau khi dẫn người đọc đến nửa truyện, anh đẩy hiện thực ấy sang một chiều khác, chuyển hướng từ ngoại cảnh thành hiện thực nội tâm, hiện thực ký ức, đi vào không gian bấp bênh giữa tiểu thuyết và cuộc đời, người thật và nhân vật, cái tôi và “Phiên bản” của tôi, người yêu và kẻ “Đội lốt” người yêu. Đến một lúc nào đó trong truyện, chúng ta bị bất ngờ; khi sự chuyển biến của nhân vật dẫn đến sự trở mặt của ngoại cảnh, hoặc ngược lại. Đó là lúc người đọc trải nghiệm điều mà James Joyce gọi là “epiphany”, sự bừng tỉnh/khai ngộ/hiển thị xảy ra cho nhân vật. Trong “Phiên bản”, nhân vật chính có quyết định khôn ngoan “lấy vợ là lấy một người vợ, chứ không phải là lấy một người tình làm vợ”. Anh bỏ người tình và lấy vợ theo ý gia đình. Anh có cuộc sống gia đình hạnh phúc và chu toàn bổn phận làm chồng. Cho đến khi tình cờ nhìn lại bức hình cũ chụp với người yêu ngày trước, anh nhận ra mình đã sai lầm. Trong nhiều năm, anh đã đánh mất chính mình và lẫn lộn giữa các phiên bản sai hỏng của mình: một người tình phản bội người tình, một người chồng phản bội vợ, một con người phản bội chính ước muốn của mình…
Đọc “Phiên bản” tôi cũng đã có khoảnh khắc bừng tỉnh và tìm ra tên gọi cho kỹ thuật truyện ngắn của Trần Doãn Nho, qua đoạn sau đây:
“Mãi khá lâu về sau khi con cái và Nguyện và chàng kết dính nhau thành một khối bê tông cốt sắt, chàng mới cảm nhận hết cái khác nhau của hai điều trông rất giống nhau này. Mà lúc đó thì tốt xấu đúng sai đều đã hòa tan vào nhau như nước sôi dội vào nước đá rồi.”
Trần Doãn Nho rất cẩn trọng trong việc cài đặt tư tưởng vào truyện. Anh không phát biểu thẳng mà để nhân vật và tình thế tự nói ra. Anh pha trộn phần triết lý vào trong sự kiện. Anh “hoà tan” mọi chất liệu (như người làm bánh nhồi bột, bơ, đường, sữa) để đúc kết phần nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật thành một khối bê tông cốt sắt. Thủ pháp này dễ cho việc thưởng thức mà khó cho việc phân tích. Đây chính là thủ pháp viết rất đặc thù Trần Doãn Nho: thủ pháp “nước sôi dội vào nước đá”! Truyện Trần Doãn Nho có nhiều luồng nước trộn vào nhau, có những hiện thực nhìn từ nhiều góc độ, những nhân vật đa diện; những mảng truyện thuộc những không gian tách biệt: trong nước/ngoài nước, những dấu mốc hiện tại/trước/sau; những suy nghiệm về thế hệ, màu da, giới tính, chủng tộc, ý thức chính trị….
“Đỏ xanh vàng và…trắng” là một truyện ngắn độc đáo với thủ pháp “nước sôi dội vào nước đá”, viết từ cái nhìn của người da vàng về thế giới da trắng và những thứ phức tạp trong chỗ làm và trong tương quan quyền lực của màu da, ngôn ngữ, và chủng tộc. Nhân vật chính ngôi thứ nhất, “Tôi” người Việt, làm trong văn phòng ghi danh của một sở giáo dục, vui vẻ với cái tên “Tuk” thay vì Tuất do cách phát âm sai của người Mỹ; chấp nhận thân phận đàn ông da vàng thiểu số trong chỗ làm đa số là phụ nữ, chỉ muốn được yên thân:
“Làm văn phòng nhiều năm, mà mỗi lần đến sở, tôi cũng lơ ngơ như cá mắc cạn. Những hê lô, ô kê, hao a rờ du lịch sự và vô cảm. Văn phòng tôi âm thịnh dương suy. Ba tầng lầu với hai mươi hai nhân viên, kể cả người lao công, đều là phụ nữ, chỉ trừ tay trưởng phòng và tôi. Khi có tiệc tùng gì, đám phụ nữ Mỹ trắng Mỹ đen Mỹ Tây Ban Nha Mỹ Brazil tụ vào nhau thôi thì tíu ta tíu tít, hết chuyện đám cưới, phim ảnh, nhạc đồng quê thì đến Patriot, Red Sox, hết muffin, pizza thì đến áo quần, trang sức. Tôi thuộc loại mắm, muối, ruốc, thịt kho, canh chua, chạy giặc, vượt biên, cải tạo, chiến tranh, ăn trợ cấp, gửi tiền về Việt Nam, tranh đấu cho dân chủ tự do… ngồi yên như món ăn thừa không ai thèm đụng đũa. Bèn âm thầm và rón rén rút lui có trật tự.”
Hiện thực trong “Đỏ xanh vàng và…trắng” là hiện thực nhiều màu sắc chen chúc trong tâm thức người tỵ nạn, những người “chỉ có thân xác nhưng chẳng có cuộc đời”, những người “xương thịt thì thật mà lý lịch thì giả”, những người có quyền “ngụy tạo tất tần tật thân phận mình, chỉ trừ giống đực và giống cái”. Vì vậy, hiện thực qua lời kể của tôi/Tuk là một hiện thực không hẳn đáng tin cậy. Nó có độ vênh như đi từ “tôi” sang “Tuk”. Nó bị biến dạng do sự “bất tri” (ignorance) hoặc giới hạn ngôn ngữ đối với người thiểu số. Hiện thực này có rất nhiều hố hầm, và càng đi càng thấy những cái bẫy ngầm rộng dần ra. Hiện thực vắng mặt của Alice Munro! Một thứ gần-như-hiện-thực thì đúng hơn: một người phụ nữ da trắng thượng lưu, có hai con làm chánh văn phòng thành phố và dân biểu tiểu bang, lại chỉ thân với người đàn ông da vàng, và có một thứ quan hệ thân mật ngoài phạm vi đồng nghiệp:
“Từ ngày có Helen, tôi đỡ cô đơn. Có bạn. Rảnh, tôi xuống lầu nói chuyện với nàng. Nàng, khi có việc gì lên lầu, cũng tạt chỗ tôi nói tầm phào. Ở phòng ăn trưa, tôi và nàng thường ngồi gần nhau, vừa ăn vừa trò chuyện. Lại còn chia nhau đồ ăn nữa chứ. Thỉnh thoảng tôi biếu cho nàng vài cái chả giò, còn nàng biếu lại tôi trái chuối, có lúc chỉ còn một trái, nàng bẻ đôi, nàng nửa tôi nửa, thực chẳng khác gì bạn tình. Có lần, một buổi sáng mùa đông, bão tuyết, tôi đến sở, chưa sửa soạn xong bàn làm việc, thì nàng lên. Tôi đưa hai tay ra bắt. Tay nàng lạnh ngắt. Nàng cười bảo ôm tôi chút đi, tôi lạnh. Tôi nhìn nàng, đang phân vân tự hỏi nàng đùa hay thật, thì nàng đã xoay lưng ngồi ngay trên đùi tôi, cười nói cho tôi muợn cái đùi của anh chút nghe, lạnh quá. Nàng khá nặng (nặng hơn tôi là cái chắc), tôi cố giữ thăng bằng, chịu trận, choàng hai tay trước bụng nàng, cẩn thận tránh chỗ nhạy cảm, ngồi thật yên, nín thở. Lát sau, nàng đứng dậy cám ơn, bảo bây giờ thấy ấm rồi, ra dấu nhờ tôi đưa xuống cầu thang. Ăn quen bén màu, thỉnh thoảng nàng lại lên muợn cái đùi tôi để sưởi ấm. Và lần nào tôi cũng vui vẻ cho mượn, đâu có mất mát gì.”
Một chuyện như vậy khó lòng xảy ra ở công sở hành chính. Nó bắt người đọc phải hồ nghi mức độ xác thực của câu chuyện kể. Và nếu có thực, thì bên trong sự thực ấy là sự thực gì nữa? Hiện thực theo lời kể của “tôi” có phải là hiện thực của Helen (về Tuk)? Quan hệ thân mật này có thật hay chỉ là một sự ban ơn của người mạnh cho phép người yếu hơn cái quyền được che chắn, bảo vệ mình? Hoặc chỉ giản dị là sự lợi dụng dường như vô hại, khó bị hiểu lầm? Ngoài việc “mượn cái đùi” để sưởi ấm, Helen mắc chứng sợ độ cao nên mỗi lần xuống thang thì Tuk đi trước và Helen bám vào vai đi lần theo từng bậc. Tuk đóng vai một công cụ đa dụng – thoải mái, tiện lợi, và an toàn – cả về thể chất lẫn tinh thần cho Helen:
“Thì ra nàng chơi thân với tôi chỉ vì muốn lôi kéo thằng Asian da vàng này vào phe bảo thủ với nàng. Hèn gì! Hóa ra lâu nay, tôi chơi với một “bảo thủ” trong lúc cả cái văn phòng này thuộc bọn “tự do”. Tôi thân tình với một “đỏ” trong một thế giới toàn cả “xanh”. Thế là phạm ngay chỗ chết người. Bỏ cái đất nước mà lý lịch là thứ hàng đầu quyết định hạnh phúc trần gian, không lẽ tôi dại dột lao vào chiếc thòng lọng phe phái để rồi tự treo ngược đời mình? Tôi khủng hoảng nói:
“Chẳng lẽ lâu nay, cô âm mưu kéo bè kết đảng một người chỉ muốn yên thân. Tôi chẳng biết xanh, cũng không phải đỏ, cô biết không. Tôi là Asian. Asian là vàng. Vàng thì là vàng vọt, là tàn đời rồi, chỉ muốn yên thân nuôi vợ con.”
Về phía nhân vật xưng “tôi”, anh cũng “ngụy tạo” ra một Tuk tròn trịa để dễ tồn tại trong thế giới nhiều màu sắc chen nhau, chèn nhau, tranh giành thế lực với nhau. Tuk trở thành một thuộc tính và một phiên bản của “tôi”. Tuk là lớp áo khoác để bảo vệ cho “tôi” và “tôi” núp trong Tuk để được yên thân, an toàn. Có thể chỉ trong đoạn cuối, khi nhân vật ‘tôi” ôm giã biệt Helen, anh định hôn lên môi Helen, thì hành động đó là của “tôi” chứ không phải Tuk nữa. Đáng tiếc là cái hôn đó bị từ khước. Sự từ khước cái hôn cho thấy Helen chỉ chấp nhận một Tuk “ngoan ngoãn” vô giới tính chứ không phải một “tôi” thật sự, một con người với nhu cầu bình thường và bình đẳng.
Nhân vật của Trần Doãn Nho có nhiều lớp, đóng nhiều vai, mang nhiều tên gọi. Tương tự như Tôi/Tuk, hay Cynthia/Maria Zone trong “Con dốc”, nhân vật hai căn cước Thảo /Bruce trong “Khoảng trống” luôn đeo mặt nạ trong cách ứng xử để tránh bị thương tổn và để che đậy cảm xúc thật. Người đọc sẽ phải suy nghĩ về thái độ của Thảo/Bruce sau khi đọc xong truyện, vì Thảo ngày xưa và Bruce sau này, tuy khác tên gọi nhưng cùng khoác một lớp mặt nạ kiêu hãnh xa cách để bảo vệ phần tình cảm sâu nặng anh muốn che giấu. Tựu trung chúng ta chỉ biết về anh qua lời kể khá sơ sài của Doãn, nhưng anh mới là trung tâm của truyện, anh là “khoảng trống” quan trọng của truyện. Trong Thảo/Bruce là một hiện thực vắng mặt của một quãng đời tỵ nạn, cả trong và ngoài nước. Khoảng trống mà Tụng đối mặt trong “Con dốc” còn đáng sợ hơn, vì đây là khoảng trống không có giải đáp – giữa Cynthia trong vẽ vời tưởng tượng của Tụng và cô nữ sinh Maria Zone thật ngoài đời. Cynthia là một số ảo, còn Maria Zone sẽ mãi mãi là ẩn số, khi cô “chọn” cách mất tích, với Tụng, và với đời sống thật.
Chủ điểm trong tập truyện của Trần Doãn Nho là cách con người “tỵ nạn” và cách họ nhìn việc tỵ nạn của mình như thế nào. Tỵ nạn ngoài nghĩa thông thường, và còn có nghĩa ứng phó với cuộc đời là khổ nạn nói chung. Những chọn lựa có khi tương phản, có lúc mập mờ, thường khi là ẩn số. Tụng trong “Con dốc” chọn việc chờ đợi một điều luôn ở ngoài tầm tay. Lan trong “Đi tìm…” bỏ tất cả hiện tại để đi tìm những giá trị thuộc về quá khứ. Có người tìm cách xóa sổ quá khứ: “Cái gì qua rồi thì chỉ là… tưởng tượng” (Đội lốt). Có người tự bảo vệ mình bằng cách “sân khấu hoá” mọi sự, đặt mình ở vai trò khán giả nhìn vào chính hiện thực thương tâm của mình (Bữa ăn). Lại có người coi mình là nhân vật trong tiểu thuyết:
“… em nghiệm cuộc đời em biết, khi người ta khổ quá rồi, thì mọi chuyện cứ như là chuyện của ai đó chứ không phải của mình. Y như mình đọc tiểu thuyết của… Dương Hà vậy thôi.” (Đội lốt)
Lại có người tiếp tục tạo ra nhiều bản sao mới trong hành trình sống:
“Cả cuộc đời chàng y như thể trò chơi trẻ con, chơi chán món này, vứt, chơi món khác, ham hố, rồi chán, lại vứt, tìm món khác, hào hứng, và chán, lại vứt… Chàng đánh mất chàng theo những món đồ chơi cũ kỹ bỏ lại dọc đường nhân sinh.” (Phiên bản)
Trần Doãn Nho dựng những nhân vật vô cùng thú vị. Họ không ngừng khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Họ có khả năng thay đổi tình thế và cục diện câu chuyện. Trên bề mặt, nhân vật Trần Doãn Nho linh động, tròn đầy, có hình khối, có âm lượng; họ choán ngõ ngách trong thế giới truyện, nhờ họ mà chúng ta cảm được khí hậu truyện và thấy được không gian truyện mở ra. Họ nói những câu làm chúng ta sững người, như tia chớp trong một thoáng rọi vào mặt khuất của nhân vật. Tiềm ẩn trong họ là sự tra vấn bản thân để tìm ra mô thức cho cuộc đời. Tập truyện là tập hợp những nhân vật bị mệnh lệnh “do-not-enter” chặn đường trong khi đi tìm đáp số cho bản thể. Mật mã để vào tập truyện là một khái niệm triết học: con người là ẩn số lớn nhất của chính họ.
Trần Doãn Nho chọn truyện ngắn “Đi. Trong một buổi sáng” làm tựa cho toàn tập truyện cũng vì lẽ đó. Truyện về một người đàn ông và một người đàn bà tình cờ cùng trốn khỏi viện dưỡng lão, có lẽ dành cho người mắc bệnh mất trí nhớ. Buổi sáng họ thoát ra đường và cùng đi rong chơi trong thành phố. Một cuộc rong chơi thú vị dành cho người đọc, với nhiều tên đường phố của những nơi chốn trong quá khứ cùng có mặt: một con đường ở Mỹ chuyển sang con hẻm ở Sài Gòn, rồi thành một con phố ở Huế, rồi một khu nhà trông quen thuộc ở Mỹ… cứ thế họ đi dạo qua những không gian ký ức và bám vào những dấu mốc thời gian cũ đã bị đảo lộn tung tung thứ tự. Họ đã từng là tình nhân của nhau? Có thể. Hình như họ đã phụ nhau, hoặc đã chờ nhau. Nhưng sao người này gọi người kia bằng những cái tên trật chìa? Và người này xưng những cái tên khiến người kia ngẩn ngơ. Qua những đối đáp đầu cua tai nheo, tác giả cho người đọc thấy quá khứ đứt đoạn của từng người. Hai người nói năng, cư xử với nhau và với nhiều phiên bản của nhau. Ẩn số trong mỗi nhân vật đã tăng bội lên thành nhiều nhân cách trong một bản thể. Những mẩu ký ức đứt đoạn của mỗi bên có thể đem ráp với nhau thanh một đối thoại dường như hợp lý, nếu sẵn lòng bỏ qua vô số những điều vô lý khác. Tuy nhiên những chỗ không ăn khớp mới là điều lôi cuốn của một hiện thực không đáng tin cậy và không có bảng chỉ đường khả tín để dùng làm quy chiếu.
Khi đọc “Đi. Trong một buổi sáng”, tôi liên tưởng đến truyện “The Bear Came Over the Mountain” của Alice Munro về một người chồng đưa vợ vào nhà an dưỡng dành cho người mất trí nhớ; sau một tháng người vợ hầu như quên mất chồng là ai, và phát sinh tình cảm đặc biệt với một bệnh nhân đàn ông khác trong viện. Truyện có những đoạn hồi ức của người chồng từng là giáo sư đại học, rất đào hoa, thường xuyên ngoại tình với những sinh viên trong lớp ông phụ trách. Cách viết của Munro khiến người đọc có sự liên kết giữa việc người vợ bị chồng phản bội trước khi mất trí nhớ và việc trí nhớ của bà phản bội lại chồng sau khi nhập viện. Có một giao điểm giữa truyện của Trần Doãn Nho và Munro: con người “tỵ nạn” bằng cách trú ẩn trong ký ức hay bằng cách chạy trốn khỏi ký ức? Không còn trí nhớ, nhân vật của Munro quên đi người thân, nhân vật của Trần Doãn Nho lại “nhớ” một người hoàn toàn xa lạ. Trí nhớ bảo quản những điều chúng ta có, nhưng trí nhớ cũng có thể chặn lại mọi khả năng đi xa hơn, cụ thể là hành động “đi trong một buổi sáng” như hai nhân vật của anh; khả năng tìm thấy trong những thứ lạ một điều rất quen, rất người, rất thân thuộc. Trí nhớ là con dao hai lưỡi, là ngôi nhà chất chứa đời sống của chúng ta, mà cũng là bức tường giam giữ, không cho thoát đi những điều chúng ta không muốn và cũng không cần nhớ tới.
“Buổi sáng đã bị nhốt ở bên kia hàng rào, có lẽ vẫn còn tiếp tục đi.”
Câu kết của truyện rất thơ, và đầy nghịch lý. Những câu kết trong truyện ngắn của Trần Doãn Nho thường như vậy, rất đặc biệt. Câu kết hay đoạn kết truyện rất quan trọng, không có nó thì truyện chưa xong, chưa thành truyện được. Anh thắt nút ở đoạn kết, chấm dứt lơ lửng ở cao trào. Cũng có khi tác giả vén màn các sự kiện, hoặc khép lại toàn truyện bằng một luồng sáng khác.
Đóng lại tập truyện, có hai cái kết ám ảnh tôi nhất:
Cái kết thứ nhất trong truyện “Con mắt thuỷ tinh” khi một người mù “nhìn thấy” sự thật của mình.
“Trang lại ngồi ở bàn, vặn sáng ngọn đèn dầu, lấy tấm kính lớn, nhìn lại khuôn mặt mình. Con mắt giả làm bằng thủy tinh lồ lộ, rõ ràng. Nó lớn hơn con mắt còn lại. Nó bệch bạc, vô lý, nhạt nhẽo. Trang nuốt nước miếng, cuống họng chợt khô đắng. Trang đưa ngón tay rờ rẫm lên con mắt thủy tinh, nhích nhích rồi gỡ ra. Trang run rẩy nhìn khuôn mặt của mình mờ mờ trong tấm kính. Một lổ hổng đầy gân máu, đỏ lòm. Trang hoảng hốt. Chưa bao giờ Trang thấy khuôn mặt mình quái đản như vậy. Đột nhiên, Trang có cảm tưởng nó không phải của mình, nó xa lạ, kỳ dị. Trang hấp tấp gắn mảnh thủy tinh vào lỗ hổng con mắt, rồi đi nằm. Suốt đêm, Trang bị ám ảnh bởi khuôn mặt của mình, không ngủ được.” (chấm hết truyện)
Cái kết thứ hai thuộc về truyện “Đỏ xanh vàng và…trắng”. Một cái kết thật gọn chỉ với câu “Nụ hôn trắng”, là nụ hôn của Helen trên má “Tuk” lúc chia tay.
Cả hai cách kết đều mang trong nó nhiều ẩn số.
Đặng Thơ Thơ