có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 4 18, 2021

Về Một Nét Cũ Đã Mất*


(Hình Diane Selwyn, Wikipedia)


Kính viếng kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.

Bây giờ... chiều rồi.

Tôi đang nghĩ đến cái bóng chiều ít lâu nay vẫn lặng lẽ đổ xuống mớ tóc bạc của mình. Giữa cái bóng chiều ấy đôi khi tình cờ thấy lại được hình ảnh của ánh nắng ban mai, ánh nắng buổi đầu, cái thứ nắng rộn rã, giục giã, mời mọc của thủa hăm hở lên đường trong cuộc sống, lòng chợt gợn lên một niềm vui dịu nhẹ.

Và gần đây tôi đã cảm được chút vui xôn xao ấy khi thấy và nhìn một trong hai tấm hình chụp cảnh cũ và mới của mái trường xưa, tấm hình có sức truyền cảm mạnh, đưa về bóng dáng của bạn bè, nhắc lại kỷ niệm thời vụng dại. Ngôi trường với cái kiến trúc hình cung vòng tròn, đứng sừng sững, mạnh mẽ, cao vòi vọi trên một ngọn đồi nhìn xuống hồ Xuân Hương, Dalat. Làm sao quên được. Trường mang tên bác sĩ Yersin, một vị ân nhân của Việt Nam, của nhân loại. Nhờ cuộc thám hiểm của ông khoảng 1920-30 mà chúng ta có cao nguyên Langbian, có thành phố Dalat. Ông cũng là người tìm được vi trùng bệnh yết hầu, nếu tôi không lầm. Ông yêu nước Việt Nam, gắn bó với sinh hoạt Việt. Trong di chúc, ông muốn được an táng ở Nha Trang và ông đã toại nguyện. Tôi ghi lại chi tiết về mộ phần của ông là vì người bạn học đã gửi cho tôi hai tấm hình mà tôi vừa nói đến trên đây, vốn cũng là gốc Nha Trang.

Trong e-mail, bạn tôi viết: "chụp lại tấm hình quí ở sân trường Yersin năm 1951 với mấy thằng nội trú cùng lớp mà chắc chắn ông còn nhớ đầy đủ tên họ, khỏi chú thích. Còn tấm thứ hai, do thằng cháu ngoại chụp khi nó khi lên Dalat năm ngoái rồi ghé xem trường cũ của ông ngoại nó. Hình cho thấy trường đã được sửa sang tu bổ lại sau tháng Tư, '75."

Tôi bấm lớn tấm hình có năm người bạn cũ và chính tôi đứng trong sân. Sau lưng chúng tôi là cái kiến trúc hình vòng cung có một không hai của trường.

Tôi liếc nhanh qua mấy bộ mặt quá thân mật, quá quen thuộc, rồi liền sau đó dừng lại để ngắm nghía chính tôi. Không biết ai ra sao chứ tôi ngắm tôi rất kỹ, để khám phá ra là trải qua nhiều dằn xóc trên đường đời, lòng có nguội lạnh với dăm thứ, nhưng mà cái tình của tôi dành cho chính tôi vẫn nồng nàn, vẫn tha thiết, nguyên vẹn như ngày nào. Nó xúi tôi dừng lại khá lâu trên cái mặt non choẹt của chính mình. Không biết xúi dại hay dạy khôn, nhưng mà tôi vui lòng chiều theo cái giục giã ân cần của nó để "nhận xét" chính mình rồi rộng lượng với bản thân mà kết luận rằng cái mặt hồi ấy... cũng không đến nỗi!

Sau đó tôi mới từ từ nhìn mấy khuôn mặt thân thiết của mấy người bạn, kẻ còn người mất. Thường, tình cờ thấy lại một tấm hình có bạn xưa cảnh cũ, tôi nghĩ ai cũng cùng cảm thấy chút vui buồn lẫn lộn. Những tấm hình mà thoạt nhìn vào thấy... vui quá... mới ngày nào đây ... mà bây giờ...

Bảy mươi năm rồi... còn gì. Tôi nghĩ thầm vậy và cảm ngay được niềm vui vừa nhẹ trỗi khi sống lại với ảo ảnh của nhiều kỷ niệm thời học trò. Rồi ngại rằng chính chút vui ấy cũng sẽ tan biến để nhường chỗ cho một thoáng nhớ tiếc không tránh được, nên tôi tạm "rời" lũ bạn để nhìn sang tấm hình của trường mới chụp năm ngoái mà bạn tôi nói đã được tu bổ sau '75.

Và tôi đã ngỡ ngàng khi thấy cái mái mới của trường, nay đã được lợp ngói đỏ. Là vì sau nhiều năm trời nội trú ở trường Yersin, mắt tôi đã quen với cái mái lợp bằng đá bảng** màu xám. Tôi đã từng thấy cái mái này chìm trong sương chiều lành lạnh, tắm nắng sớm cao nguyên mát mẻ, ngủ im dưới ánh trăng khuya trong vắt, gan lì hứng chịu những trận mưa giông xối xả thường ầm ầm sấm sét.

Tôi bật lại tấm hình chụp chung với lũ bạn năm 1951, nhìn kỹ cái mái xám cũ ấy mà hơi bùi ngùi bởi vì, với tôi, nó là một phần của tuổi học trò vô tư, tươi vui, một phần của vùng trời kỷ niệm thời nội trú.

Và cũng chính nỗi bùi ngùi tiếc nhớ cái mái cũ này đã đưa tôi về với một vẻ đẹp độc đáo của trường Yersin mà nếu không có một bậc đàn anh trong ngành kiến trúc chỉ cho tôi thì chắc chắn là đôi mắt thịt của tôi không bao giờ khám phá ra được, tuy nó vẫn sờ sờ đấy năm này qua năm kia. Người thầy của tôi trong cái nhìn đầy nghệ thuật dành cho cái mái xám cong vòng này, người chỉ cho tôi thấy nét đẹp hiếm có này, không phải ai xa lạ mà chính là kiến trúc sư trứ danh Ngô Viết Thụ.

Tôi quen biết anh Ngô Viết Thụ khoảng năm 1949-50 ở Dalat. Ngày ấy, trường Cao Đẳng Kiến Trúc được đặt ngay ở tầng thứ tư trường Yersin và anh Thụ theo học ở đấy. Các anh sinh viên kiến trúc không phải ngày nào cũng đến trường, nhưng lũ học sinh trung học chúng tôi thì có mặt ngày một và luôn thấy họ trèo lên tầng thư tư. Thấy nhau riết rồi quen, chứ làm gì có cái lối giới thiệu bặt thiệp của người lớn! Quen biết và nói chuyện một vài lần sau khi biết là anh và tôi đều gốc Huế, nhưng tôi đâu dám xem mình là bạn anh Thụ, anh lớn hơn tôi đến bảy tám tuổi.

Một buổi sáng Chủ Nhật, vừa ra khỏi cổng trường, chợt nghe tiếng gọi tên tôi. Tôi ngoái nhìn lui, nhận ra anh Thụ ngay ở cổng:

- Chủ Nhật mà anh vô trường làm chi sớm vậy?

Anh chỉ vào cái cặp da dưới nách:

- Cần gấp mấy quyển sách để lại trong lớp.

Vậy là anh và tôi vừa nói chuyện vừa đi xuống con dốc dẫn ra đường ven hồ. Đến trước cổng Nha Địa Dư bỗng nghe đánh ầm một tiếng lớn từ phía trường. Cả anh Thụ và tôi giật mình ngảnh nhìn lui. Có thể có một cành thông lớn hay một gốc thông mới đổ đâu đó sau Nha Địa Dư. Ở Dalat, một cành thông gãy, một gốc thông đổ không phải là chuyện lạ. Chờ môt hai phút, không nghe tiếng kêu cứu cũng không thấy khói lửa gì, tôi quay lại định đi tiếp thì thấy anh Thụ đang chăm chú nhìn mặt hậu của trường, không phải nhìn về hướng vừa có tiếng động mạnh. Hồi lâu, anh nói:

- Đẹp thiệt. K. thấy không?

Thú thật, cảnh này tôi đã thấy nhiều lần, thấy nó đẹp nhưng đẹp ra sao thì tôi không hề nghĩ đến chuyện phân tích hoặc đào sâu mà tìm hiểu. Ở cái tuổi mười lăm mười sáu ấy, vốn liếng học thức có là bao, cơ hội học hỏi về mỹ thuật cũng quá ít ỏi, mà cho rằng có đi nữa thì chính mình chưa chắc đã ý thức được cái quí báu của một dịp may khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật có tầm cỡ . Kiếm đâu cho ra cái khiếu thẩm mỹ về kiến trúc hay về bất cứ một bộ môn nghệ thuật nào khác! Tôi từng nhìn nét già nua, cổ kính của mái ngói rêu phong trên đình chùa lăng miếu ở Huế và ở một vài tỉnh khác. Lên Dalat, tôi tò mò trước cảnh mỗi kiểu một vẻ khi thấy các ngôi nhà mà hồi ấy người ta gọi là nhà tây dọc theo nhiều con dốc. Nhưng mà chưa bao giờ để tâm tự hỏi xem ngôi nhà hai tầng này có nét đặc thù nào, tại sao cái biệt thự nhỏ kia lại nổi hẳn bên cạnh nhiều ngôi nhà khác. Cho nên, nghe anh Thụ hỏi, tôi cũng nhìn lên trường rồi trả lời:

- Dạ, đẹp.

Biết tôi trả lời cho có lệ vì lễ phép thôi, anh Thụ đặt cái cặp cộm sách bên một gốc thông ven đường, lùi lại năm sáu bước rồi cười mà ngoắt:

- Lại đây anh chỉ cho cái này.

Từ chỗ anh đang đứng lúc ấy, có thể thấy hầu hết toàn thể cấu trúc mặt hậu của ngôi trường: tường gạch nâu đỏ cong vòng, tường bên ngoài mấy tầng lớp học quét vôi trắng, đặc biệt là màu xám của mái trường, kể cả mái xám của cái tháp xây theo kiểu tháp chuông, nhưng tôi không nghe tiếng chuông bao giờ cả, bên ngoài chỉ có cái đồng hồ tròn đường kính đến hơn một mét. Không biết cái đồng hồ này hỏng tự bao giờ nhưng suốt mấy năm ở Dalat hai cái kim đen cứ chỉ mãi chín giờ năm phút nếu tôi nhớ không lầm!

Anh Thụ đưa tay chỉ mặt hậu của trường, bảo tôi nhìn từ mặt đất lên đến đỉnh tháp chuông. Anh giảng qua về đường nét của cấu trúc, rồi đến màu sắc của gạch ngói. Anh bảo tôi nhìn kỹ màu xám của mái rồi chậm rãi kết thúc mẩu chuyện:

- Em thấy không, nhờ màu xám phơn phớt xanh mà cái mái này nó hoà mình vào trời xanh, mây trắng. Có thể nói màu xám này nâng cả ngôi trường lên.

Anh im lặng vài giây như để sắp đặt ý nghĩ, rồi nói một câu có chêm mấy tiếng Pháp theo thói quen khi trò chuyện của các anh sinh viên thời ấy:

- Đẹp ở trong cái...illusion du mouvement (ảo giác của chuyển động) của một cái... masse immobile (khối bất động). Nếu lợp ngói đỏ thì cả ngôi trường sẽ là một khối nặng chịch, cứng ngắt, không có hồn.

Tôi cảm phục rồi cám ơn anh đã mở mắt cho tôi. Chúng tôi đi một quãng đường ven bờ hồ, gần đến Cầu Ông Đạo, anh lên phía Chợ, tôi rẽ qua con dốc dẫn lên nhà Bưu Điện. Dọc đường, anh không nói thêm gì về vẻ đẹp mà anh đã chỉ cho tôi thấy.Tôi nhớ là anh dừng bước một lần, quay lại ngắm ngôi trường in rõ trên nền trời trong xanh ngắt. Trời Dalat vào mùa khô mà!

Rồi tôi cũng quên mất câu nói có tính cách khai thị, trực tiếp từ cửa miệng của một người sau này là bậc thầy trong ngành kiến trúc, người đã đoạt Giải Thưởng La Mã (Grand Prix de Rome) năm 1955, một giải kiến trúc được trọng vọng nhứt trên thế giới. Cho đến nay, năm 2021, thì anh Ngô Viết Thụ là người Việt Nam duy nhứt đã được trao tặng giải này.

Thế rồi, một buổi trưa không lâu sau hôm tôi gặp anh Thụ ở cổng trường, tôi đang đứng trong sân với mấy thằng bạn nội trú, chợt một đàn chim có đến trăm con bay ngang qua tháp chuông, lướt nhanh qua chiều dài của mặt tiền cái mái xám. Tôi nhìn đàn chim. Khi chúng đã bay xa thì trong cái nhìn của tôi lúc ấy chỉ còn lại mái và một vài đám mây trắng lơ lửng trên môt nền trời trong, xanh nhạt. Vụt một cái, tôi có cảm tưởng mái xám của trường như đang nhẹ nhàng chậm chậm vươn lên. Và chính cũng lúc ấy tôi mới thấm và hiểu hết ý nghĩa câu nói của anh Thụ. Lòng chợt thấy vui, mừng nữa là khác. Vui vì tình cờ mà có một thí dụ cụ thể của một điều khó nắm bắt. Mừng vì cũng ngẫu nhiên mà hiểu ngay được một bài học quí báu về một vẻ đẹp của nghệ thuật, của kiến trúc.

Mà quả vậy, mãi về sau này, nhiều lần lang thang ở một số các thủ đô và nhiều thành phố nhỏ bên châu Âu, tôi vẫn dừng bước mỗi khi thấy một kiến trúc có mái xám, mà phần đỉnh thuôn dần như hướng thẳng lên khoảng không vô tận. Một đôi lần, nhìn lâu, tôi đã có được cái ảo giác của môt sự chuyển động. Cứ mỗi bận sống được một phút với nét linh động nhẹ nhàng của gạch đá vô tri, tôi lại nhớ câu nói của anh Thụ, rồi thầm cám ơn anh. Và khỏi nói, liên tưởng đưa ngay về nhiều hình bóng của trường cũ với chút xao xuyến gợn lên do níu kéo không cưỡng nỗi của vang vọng từ tuổi hồn nhiên, tuổi học trò.

Cho nên, như tôi vừa nói ở đầu câu chuyện hôm nay, tôi đã ngỡ ngàng khi thấy cái mái lợp ngói đỏ trong tấm hình do cháu của bạn tôi chụp. Cái mái mới, lợp ngói đỏ hầu như cùng màu với gạch xây tường của cả ngôi trường khiến tôi... khựng lại. Sửng sốt đã đành vì cái mái xám cũ "của tôi" đã mất! Tôi chăm chú nhìn ngôi trường, bây giờ là một toà gạch ngói nâu đỏ. Vụt một cái, tôi nhớ ngay đến mấy tiếng "một khối nặng chịch, cứng ngắt" trong câu nói của anh Thụ. Quả có thế. Cho rằng bây giờ, nếu tôi đứng ngay trong sân, dù có cố tưởng tượng đến đâu nữa thì khi chăm chú nhìn vào hàng vạn tấn gạch ngói cùng màu, tôi cũng không tài nào có được cái ảo giác kia.

Tôi nghĩ rằng trong công cuộc tu bổ trường Yersin, thì ít nhứt nguyên bản đồ án do kiến trúc sư Paul Moncet thiết kế cũng phải được soạn ra để tham khảo. Thời gian xây cất trường ông Paul Moncet đích thân ngày ngày đốc xuất công việc ròng rã mấy năm. Hồi ở Dalat tôi nghe nói ông khó đến độ gạch và vật liệu làm ngói ardoise đều nhập cảng từ Pháp. Không phải ngẫu nhiên mà ông chọn ngói xám cho tác phẩm của mình.

Về mặt kỹ thuật xây cất, tôi không biết ngói thường và ngói bảng nặng nhẹ khác nhau ra sao khi ông cân nhắc, lựa chọn giữa hai thứ. Nhưng về mặt nghệ thuật, chắc chắn là ông đã sống với nét nhẹ nhàng của mái xám "vươn lên" khoảng không khi vẽ kiểu cho ngôi trường. Cái nét mà ngay khi chưa tốt nghiệp ngành kiến trúc, con người nghệ sĩ Ngô Viết Thụ đã cảm được, đã thấy. Tôi viết con người nghệ sĩ Ngô Viết Thụ vì khi ngắm vẻ đẹp của ngôi trường, trí tưởng tượng và cái nhạy cảm bẩm sinh đã cho anh thấy ngay cái thanh thoát của sắc màu. Không phải ai cũng "bắt" được cái nhẹ của.... gạch ngói đâu!

Tại sao khi trùng tu người ta không xem trọng nguyên bản đồ án của Paul Moncet? Khó mà nghĩ rằng ngói bảng đắt tiền hoặc đặt mua từ bên Pháp có thể lâu và vận tải cũng rắc rối. Vì cách đây gần 100 năm, hồi khởi công xây trường Yersin, xe lửa lên Dalat còn phải dùng móc sắt. Xe tải thời ấy còn nhỏ hơn bây giờ. Đường đèo không phải đoạn nào cũng tráng nhựa. Vậy mà vật liệu vẫn "bò" lên đến Dalat. Còn ngân khoản dành cho ngói bảng? Tôi nghĩ thà chờ khi có được ngói rồi hãy tu bổ nếu ngân sách không tiên liệu khoản đó. Tại sao? Vì toàn bộ cấu trúc trường Yersin đã được Hiệp Hội Kiến Trúc Sư Quốc Tế đưa vào vào danh sách 1.000 kiến trúc độc đáo được xây trong thế kỷ XX. Có nghĩa là nó có giá trị mỹ thuật và nghệ thuật của nó, không chối cãi được.

Tôi không rõ lý do nào đã khiến cho cơ quan phụ trách tu bổ trường Yersin quyết định lợp ngói đỏ thay vì dùng ngói bảng. Nhưng mà đàng nào thì đó cũng là một hành động tuỳ tiện, võ đoán, không đếm xỉa chi đến giá trị nghệ thuật của một tác phẩm hi hữu.

Sực nhớ lại một kinh nghiệm tương tự, một lần ngỡ ngàng, khi cầm trong tay một quyển tiểu thuyết hàng đầu trong thời kỳ cực thịnh của Tự Lực Văn Đoàn, khoảng thập niên 30 thế kỷ trước: quyển Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng.

Tôi mua quyển này cùng với vài tác phẩm khác của Nhất Linh, Thế Lữ, trong nhà sách Khai Trí cũ, đường Nguyễn Huệ (tôi không nhớ tên mới của hiệu sách ) cách đây đã nhiều năm, trong một chuyến về nước. Sách thuộc loại khổ nhỏ, do Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, Thành Phố Hồ Chí Minh xuất bản (1999). Tôi mừng vì mấy quyển tương đối nhẹ, không cộm, dễ xếp vào va-li. Tôi không xem ngay vì lu bu nhiều việc trong mấy hôm ở Saigon. Mua vì cái cố tật ham bê sách về nhà thôi!

Về đến Mỹ, lúc lật đi lật lại quyển Hồn Bướm Mớ Tiên vài lần để tìm đoạn tả chùa Long Giáng ở Bắc Ninh, một đoạn tiêu biểu cho biệt tài tả cảnh của Khái Hưng, tôi sửng sốt vì tìm không ra. Không thấy đâu cả, tuy sách không thiếu một trang từ đầu đến cuối. Không một chữ về tác giả. Không cả một lời giới thiệu tác phẩm. Cũng không có lấy mấy chữ " bản rút ngắn" ở ngoài bìa. Bàn tay của Nhà Xuất Bản Văn Nghệ quả có thô bạo khi cắt xén! Kể như vô tội vạ, không ngó ngàng chi đến cái đẹp của tác phẩm, chưa nói đến chuyện tôn trọng tác quyền. Cầm quyển Hồn Bướm Mơ Tiên lúc ấy tôi đã nghĩ thà đừng tái bản còn hơn.

Và bây giờ, nhìn cái mái mới của trường cũ qua tấm hình mà người bạn học gửi từ Nha Trang, chợt nghĩ đến số phận của những trái đào tiên, những tác phẩm trong nhiều bộ môn nghệ thuật khác, khi chúng bị tay phàm tu bổ sau tháng Tư '75.

Đã đành, tôi tiếc mái xám cũ trên trường Yersin vì một lý do cá nhân, chủ quan: nó ấp ủ cả một khung trời hồi tưởng của chính tôi.

Nhưng mà tự thân nó, cái mái xám cụ thể ấy là một nét không thể thiếu của một vẻ đẹp... nay đã bị xoá.

Đáng tiếc thật!

Tiếc lắm anh Thụ ơi!


Trúc Chi
4/21

______________________________


* Trong bài viết này, tác giả cố ý giữ chính tả cũ của các địa danh Dalat, Langbian, mong gợi lại một vài nét của thời 1940-50.

** Loại ngói bảng này người Pháp gọi là ardoise.Theo tôi biết thì công ty xây trường Yersin hồi ấy đã phải đặt mua từ bên Pháp, vì ở Việt nam không có loại đá schiste (diệp thạch) để xẻ ra mà dùng làm ngói bảng