có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 3 14, 2021

Khán Giả


Nguyễn Đình Đăng, Tranh sơn mài số 3

Thành đứng nghiêng người về phía trước, hai tay ôm chặt cái ống tròn màu đen, đôi mắt chăm chú nhìn vào góc phòng, miệng mấy máy liên tục. Bỗng dưng hắn rống lên, giọng khem khép như vịt đực, "Anh yêu em anh yêu em như rừng yêu thú dữ…" Rừng ở đâu thì không biết chứ thú dữ thì quả có, nó đang ở ngay trong phòng khách nhà tôi gào rống trước màn ảnh TV và cái laserdisc karaoke một cách… man rợ. Tiếng hát bỗng im bặt. Thành quay lại, chán nản vất cái microphone màu đen lên chiếc sopha gần đó, nhìn tôi nhăn nhó:

"Mẹ kiếp, cứ rớt nhịp hoài!"

Tôi nâng ly Michelob màu vàng sóng sánh hướng về phía Thành an ủi:

"Thôi lại đây làm một hớp lấy sức rồi dợt tiếp."

Bỏ mặc chiếc TV ở góc phòng với những dòng chữ phụ đề xanh đỏ và tiếng nhạc xập xình của bài hát dang dở, Thành bước đến bàn ăn kéo ghế ngồi, khuôn mặt còn lộ vẻ bực bội. Tôi uống cạn ly bia, mở giọng khuyến khích:

"Bài ngày coi vậy mà khó hát. Bà xã anh cũng thích lắm, tập hoài mà ca vẫn còn sượng."

Dạo sau này Thành hay đến nhà tôi chơi, uống vài lon bia rồi ôm cái máy karaoke dợt mãi. Tôi biết Thành khá lâu, lúc hắn và tôi còn đi học ở ngôi trường Đại Học tọa lạc ở phía Tây thành phố. Tôi có gia đình còn hắn thì độc thân, thỉnh thoảng gặp nhau ở cafeteria cũng không có nhiều chuyện để nói. Những cuộc viếng thăm khá thường xuyên của Thành trong thời gian gần đây tất nhiên là có lý do. Cái lý do mang tên một loài hoa có gai nhọn, Hồng.

Hồng đến Mỹ gần một năm nay theo diện HO. Cha nàng là một cựu sĩ quan trung cấp đã học tập cải tạo nhiều năm. Mỗi tuần vài lần, Hồng đến nhà tôi học thêm Anh văn. Vì vợ tôi là chỗ quen biết của gia đình Hồng, nên dù khá bận rộn, tôi cũng không tiện từ chối việc dạy kèm nàng. Hình ảnh người thiếu phụ trẻ mồm miệng lanh lợi, nhan sắc mặn mòi nhanh chóng chiếm ngự trái tim của Thành, chàng trai mang bệnh độc thân kinh niên. Hôm nay là ngày cuối tuần. Mới sáu giờ chiều Thành đã lò dò đến chơi, chắc không ngoài mục đích gặp gỡ Hồng.

Nhìn vẻ bứt rứt đứng ngồi không yên của Thành, tôi cảm thấy vừa buồn cười vừa thương hại. Với giọng vờ vĩnh, tôi bảo hắn:

"Giờ này còn sớm, làm với anh một lon bia nữa, chờ bà xã anh đi chợ về thế nào cũng có món lai rai. Chắc bà ấy và Hồng cũng sắp về đến."

Mắt sáng lên, Thành hỏi ngay:

"Vậy là chị với Hồng đi chợ hả anh?"

"Cô ấy đến sớm định nhờ anh dò bài, bị vợ anh bắt cóc từ chiều đến giờ."

"Em thấy chị và Hồng có vẻ thân nhau lắm. Hình như hai người có biết nhau từ lúc còn ở VN phải không anh?"

"Đúng vậy. Bà xã anh và chị của Hồng là bạn học từ nhỏ."

Ngập ngừng một chút, Thành hỏi tiếp:

"Nghe nói chồng của Hồng còn ở lại VN, không biết bao giờ mới qua Mỹ?"

"Cái đó thì anh không rõ. Theo chỗ anh biết thì hai người đã thôi nhau. Nếu không thì làm sao Hồng có thể đi theo diện HO được."

Tôi đổi giọng đùa cợt, hỏi:

"Mà tại sao Thành quan tâm đến đời tư người ta kỹ thế?"

Thành đang lúng túng tìm câu chống chế thì có tiếng xe chạy vào sân, rồi tiếng cửa xe mở đóng ầm ĩ, tiếng đàn bà lao xao. Vợ tôi và Hồng tay xách nách mang, ùa vào nhà như cơn lốc, miệng tía lia về những món đồ đại hạ giá mua được hôm nay. Vừa nhìn thấy tôi, Ngọc đã cự nự:

"Ơ cái anh này, thấy người ta như vậy mà không chạy ra phụ, cứ ngồi uống bia …"

Câu phàn nàn của vợ tôi không làm tôi sờn lòng mà lại khiến cho Thành có vẻ bất an. Hắn đứng lên, lúng túng như gà mắc đẻ, không biết phải giúp ai trước. Cuối cùng hắn lí nhí đề nghị giúp vợ tôi một tay.

"Chú Thành cứ việc ngồi chơi, chị lo được rồi. Chỉ ghét cái ông ấy chả biết giúp đỡ vợ con gì cả."

Ngọc vừa nói vừa đưa mắt lườm tôi. Đôi mắt đã làm tôi điêu đứng khổ sở, cái "bể oan cừu" sâu thẳm dìm tôi chết ngộp hai chục năm xưa nay đã … cạn dần theo năm tháng, cho nên tôi vẫn bình chân như vại, nhìn nàng nở một nụ cười … cầu tài. Ngọc cong môi lên, dấu hiệu phật ý, quay lại với mớ hàng hóa bề bộn.

Thành đến gần Hồng, lúc này đang ngồi bệt dưới thảm soạn thức ăn từ trong những túi giấy ra. Hắn nói, giọng hơi cao hơn bình thường:

"Chào cô Hồng. Cô có khỏe không?"

"Dạ khỏe. Còn anh có khỏe không?"

"Dạ cũng khỏe."

Tôi không nhịn được, chen vào:

"Chỉ có anh là không khỏe!"

Mấy cặp mắt đổ dồn vào tôi, dò hỏi:

"Tại vì tuần lương kỳ này của anh không cánh mà bay vào mấy cái túi ny lông mấy cô mới mang về đấy." Tôi tiếp, giọng làm bộ buồn rầu.

Vợ tôi phì cười:

"Cái anh này vô duyên … Mà nầy, em có mua được miếng thịt bò ngon lắm, để em xào lên cho mấy ông lai rai."

Buổi tối trôi đi vui vẻ. Tôi thưởng thức món bò xào lúc lắc, uống thêm vài lon bia. Ngọc và mấy người kia bỏ mặc tôi ngồi một mình, chúi mũi vào chiếc TV và cái máy karaoke. Lúc hai vợ chồng đưa nhau vào phòng ngủ, Ngọc hỏi tôi:

"Em thấy hai đứa nó có vẻ hợp nhau lắm. Anh quen Thành đã lâu, thấy hắn thế nào?"

Tôi biết Ngọc vẫn coi Hồng như đứa em gái nhỏ mà nàng quen biết lúc còn đi học chung với Tuyết, chị của Hồng, cách đây hơn hai mươi năm. Tôi trả lời, giọng nhựa đi vì bia và cơn buồn ngủ:

"Thì … cũng được."

"Cũng được là thế nào?"

"Thì thế nào … cũng được."

Tất nhiên tôi lãnh một cái véo vào đùi non đau điếng người!

Khoảng vài tuần sau đó, Hồng khoe với vợ tôi là nàng đã tìm được việc làm. Theo lời kể của Ngọc, Hồng giúp việc nhà cho một người Mỹ độc thân đứng tuổi. Ông ta có một đứa con gái nhỏ, khoảng bảy tám tuổi, bị bệnh Dow. Hồng được chủ nhà dành cho một phòng riêng đầy đủ tiện nghi, và thù lao mỗi tháng là bảy trăm đô. Đổi lại, nàng phải làm việc sáu ngày một tuần, ăn ở tại chỗ. Tôi bảo Ngọc:

"Thôi thế cũng mừng cho cô ấy. Như vậy lại có cơ hội để thực tập tiếng Anh với người ta."

Ngọc chỉ ậm ừ trong miệng, mặt lộ nét đăm chiêu.

Thành không có vẻ hào hứng gì mấy với cái tin Hồng đã có việc làm. Hắn than thở với tôi:

"Thiếu gì việc làm mà phải nhận công việc đó. Đàn bà con gái ở đêm nhà người ta, lại thêm đàn ông độc thân nữa…"

"Đàn ông … già mà Thành lo làm gì. Nghe nói ông này đã ngoài sáu mươi rồi."

Thành không bị thuyết phục bởi lời trấn an của tôi. Hắn nói cộc lốc, giọng xa vắng:

"Ở Mỹ mà. Tuổi tác mà nhằm gì …"

Lạ một điều là tôi gần như đồng ý với hắn. Buổi tối, khi tôi nhắc lại điều suy nghĩ của Thành cho vợ tôi nghe, nàng gạt đi:

"Thành chỉ vớ vẩn. Hồng nó chỉ bằng tuổi con ông ấy, làm gì có chuyện lộn xộn."

Tôi tin rằng câu nói của Ngọc phản ảnh trung thực điều nàng nghĩ mặc dầu tôi bắt gặp mắt nàng đang lảng tránh mắt tôi.

Một hôm vợ tôi đi thăm mấy người bạn về, mặt mày có vẻ buồn bực. Nhìn nàng bứt rứt đi tới đi lui, tôi thả lỏng ba lông thăm dò:

"Sao hôm nay em về sớm thế? Mọi lần cái chợ … chồm hỗm của mấy bà vẫn họp đến khuya kia mà."

Ngọc đưa mắt lườm tôi không trả lời, bỏ vào phòng tắm dội nước ào ào. Nàng trở ra, tươi mát như củ hành tây lột hết vỏ. Nàng đến gần, đôi cánh tay trần làm thành một vòng ôm tròn trịa từ sau lưng ra trước ngực tôi, mái tóc ướt thơm mùi dầu gội đầu dụi vào má tôi mát lạnh. Tôi bỗng chột dạ. Mới hôm kia, nàng đã kéo tôi dừng lại khá lâu ở một cửa hiệu kim hoàn nổi tiếng trong cái thương xá lớn nhất thành phố.

"Hồng nó hỏng quá anh ạ."

Tôi thở phào, mừng thầm vợ tôi không đá động gì đến … nữ trang.

"Cô ấy đã làm gì?"

"Lúc ở VN nó đi làm gái nhẩy đấy."

"Gái nhẩy thì đã làm sao?"

"Lại không làm sao à? Khách của nó đủ thứ, Việt kiều này, ngoại kiều này, bộ đội, trọc phú này. Rồi làm gì lại tránh khỏi cái chuyện ấy…"

"Thì người ta cũng phải sống chứ. Nhưng mà sao em biết?"

Theo lời Ngọc kể lại, một gia đình HO vừa đến thành phố này là lối xóm của gia đình Hồng nên biết rõ chuyện. Họ cho biết là sau khi chia tay với người chồng cũ, một công nhân lam lũ ở nhà máy xi măng Hà Tiên, Hồng bắt đầu xuất hiện thường xuyên ở một trong những vũ trường đã mọc ra nhan nhản tại Sài Gòn trong thời kỳ phôi thai của nền kinh tế thị trường.

"Em không hiểu tại sao Tuyết lại để em nó ra nông nỗi," Ngọc than thở.

Tôi ôn tồn bảo nàng:

"Hồng nó đã trưởng thành lâu rồi. Hơn nữa đời sống bên ấy rất là khó khăn. Có những điều chúng ta chưa trải qua, tốt hơn đừng phê phán một cách vội vàng."

"Em ấy à, thà chết thì thôi chứ đừng có mong em làm cái nghề ấy."

"Đúng vậy. Em làm sao mà cạnh tranh nổi với mấy cô gái nhẩy trẻ măng cho được!"

Nói xong câu đùa không đúng chỗ, tôi hối hận ngay. Nhưng đã trễ, lưng tôi lãnh ngay một quả thụi đích đáng!

Rồi lời đồn đãi cũng đến tai Thành. Hắn nhăn nhó:

"Em thấy Hồng có vẻ đứng đắn. Đâu có dè…"

"…"

"Đâu có dè cô ấy lại là vũ nữ. Thương nữ bất tri vong quốc hận…"

Tôi thật tình ngạc nhiên. Hắn để tâm thương Hồng thì tôi biết rồi. Còn thương nữ bất tri… từ miệng hắn thì tôi chưa nghe bao giờ. Một trong những lý do khiến Thành vẫn một mình lẻ bóng là tính … gàn của hắn. Lúc còn ở Đại học, Thành theo ban Toán, mở miệng ra là đạo hàm với tích phân, đàn bà con gái chê hắn vô duyên. Riêng Hồng lúc nào cũng vui vẻ, chân tình với hắn. Có lẽ chính điều này đã làm cho hình ảnh của nàng trở nên đậm nét trong cuộc đời tình cảm kém may mắn của Thành. Bỗng dưng thấy thân thiết với Thành nhiều hơn, tôi nhẹ nhàng khuyên giải hắn với luận điệu cũ rích:

"Thành phải hiểu là có đôi khi người ta phải làm những điều trái với lòng mình chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc. Vả lại, cũng nên cho người ta cơ hội làm lại cuộc đời. Khi đến xứ này, Hồng có được cái cơ hội đó, phải không?"

Thành ra về nhưng cuộc đối thoại giữa hắn và tôi ở lại. Thương nữ bất tri vong quốc hận … Câu thơ này vẫn thường lảng vảng trong tâm trí tôi ngay từ lúc còn ở quê nhà. Biến cố bi thảm năm bảy mươi lăm đã tạo ra hàng ngàn thương nữ, những con én lẻ loi, mệt nhoài, dang đôi cánh mỏng xơ xác bay lượn trên biển đời bất trắc, chỉ mong tìm được một bến đậu bình yên. Tổ ấm của bầy én đã mất, những chồng, những cha, những con cái, những anh em nếu không xanh xao ghẻ lở ở vùng núi non miền Bắc, vùng rừng rú miền Nam thì cũng lang thang góc bãi đầu ghềnh hay vỉa hè lở lói thị thành. Con én nhỏ không có nhiều lựa chọn nên bãi đáp nhiều khi là chốn bùn nhơ hay miệng hùm nọc rắn. Mười năm trước lẽ tôi cũng hấp tấp gọi Hồng là thương nữ. Bây giờ tôi lại đâm ra hoài nghi giá trị của lối phán xét một chiều. Một thập niên sống vất vưởng như oan hồn uổng tử nơi đất khách quê người, trải qua bao nỗi nhục nhằn của kẻ ăn nhờ ở đậu, tôi đã nhiều lần "nín thở qua sông" cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Và cũng hơn một lần ở nơi rượu thịt ê hề hay chốn đèn màu rực rỡ tôi đã cùng lũ bạn bè vỗ bàn hát khúc Hậu Đình Hoa. Tôi Trần Hậu Chúa hoang đàng sao dám trách người thương nữ?

Những ngày tháng kế tiếp, Hồng và Thành vẫn ghé thăm chúng tôi đều đặn. Như thường lệ, Thành đến sớm hơn một chút, lóng ngóng chờ đợi. Trong thâm tâm, vợ chồng chúng tôi vẫn mong hai người trở nên đôi bạn tình. Nhưng dưới mắt tôi, hình như Thành vẫn chưa tiến xa hơn bao nhiêu trong việc nắm giữ trái tim người thiếu phụ trẻ. Tai tiếng về cái dĩ vãng "gái nhẩy" của Hồng đã không còn làm Thành quan tâm, nhưng bàn tay hắn đưa ra – cơ hội thứ hai hắn ân cần dành cho nàng – Hồng vẫm chưa chịu nắm lấy. Ngọc thì có vẻ lạc quan, con gái thì phải thế, vồ vập quá sau này chồng nó khinh. Cũng như Thành, Ngọc đã không còn nhắc nhở gì đến cái nghề nghiệp không mấy vinh quang của Hồng tại VN.

Đã gần ba tuần Hồng không đến. Nàng phải theo cha con người chủ lên căn nhà nghỉ mát của ông ở trên núi. Cũng giống như nhiều người Mỹ khá giả khác, ông chủ của Hồng cần phải tìm nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi, để tạm thời gác bỏ công việc làm ăn phiền toái, để lấy lại quân bình cho thể xác lẫn tâm hồn sau một năm dài lao lực. Tất nhiên ông cũng cần có người phục dịch cho ông và cô con gái cưng. Hồng than thở với Ngọc:

"Nghe nói trên núi lạnh lắm, chắc em chịu không nổi đâu."

"Thôi em ráng đi. Một tháng cũng chẳng là bao. Nhớ mang theo đồ ấm."

Trong thời gian Hồng đi xa, Thành vẫn đến chơi đều đặn. Tôi đã quen với dáng điệu lom khom trước dàn máy karaoke và giọng hát khem khép như vịt đực của hắn. Một hôm hắn hỏi tôi:

"Anh có tin tức gì của Hồng không?"

"Không thấy cô ấy gọi về. Thế Thành có gọi cô ấy không?"

"Hồng đâu có cho em số điện thoại của ngôi nhà nghỉ mát. Em tưởng anh chị có số của Hồng đấy chứ."

Tôi lắc đầu:

"Anh cũng không có. Tuần sau cô ấy về rồi, làm gì bấn lên thế."

Tuần sau đó Hồng cũng chưa về. Cánh hồng còn mãi bay bổng tuyệt vời ở trên một sườn núi tuyết nào đó. Tôi đoán câu hỏi mà Thành tự hỏi mình bây giờ không còn là "Bao giờ nàng về?" mà là "Liệu nàng có còn trở về?" Tuần lễ kế tiếp không những Hồng vẫn bặt tin mà Thành cũng không thấy đến. Lâu lắm vợ chồng tôi mới có được trọn buổi tối thứ Bảy, bỗng dưng lại thấy thiếu thiếu điều gì. Ngọc và tôi rủ nhau đi nghỉ sớm, tâm trạng hụt hẫng giống như khán giả trung thành bỗng khám phá ra cái chương trình TV ưa thích của mình đã bị cắt bỏ một cách đột ngột.

Vào lúc bất ngờ nhất, Hồng đến tìm chúng tôi. Nhìn quanh quất không thấy Ngọc đâu, nàng hỏi:

"Chị đâu rồi anh?"

"Bà ấy đi họp chợ chồm hỗm rồi."

Tôi trả lời với vẻ đùa cợt rồi hỏi nàng:

"Hồng về hồi nào mà không cho anh chị hay? Dễ cũng đã hai tháng rồi đấy nhỉ?"

Hồng lộ vẻ bối rối. Ánh mắt nàng lang thang trên những vật dụng quen thuộc trong căn phòng khách nhỏ, cuối cùng rồi cũng đậu trên mặt tôi:

"Em đến báo với anh chị em sắp lập gia đình."

Cậu Thành này trông rù rờ mà cũng lẹ quá chứ, tôi vui vẻ nghĩ thầm.

"Vậy à? Chúc mừng cho Hồng. Thế bao giờ thì đám cưới?"

"Chắc không có đám cưới đâu anh. Chỉ lo thủ tục giấy tờ thôi. Cuộc hôn nhân này …"

Hồng bỗng dừng lại đột ngột như có vật gì chắn ngang thanh quản của nàng. Tôi cảm thấy có điều gì không ổn. Hai tháng dài biệt tăm biệt tích, khuôn mặt xa vắng, dáng điệu bối rối… Tôi nhìn nàng, lặng lẽ chờ đợi.

"Em lập gia đình với Joe."

"Joe?"

"Ông chủ của em đó"

Thì ra là Joe, lão già Mỹ có căn nhà nghỉ mát trên núi. Tự dưng tôi cảm thấy buồn bực. Những cán bộ quyền thế miền Bắc mang xà cột, những doanh gia Đài Loan, Hồng Kông béo phì, những Việt Kiều túi quần phồng lên bởi đống danh thiếp dầy cộm, những già Joe với căn nhà lớn và chiếc Mercedes bóng lộn trong garage một bên và Thành, bao mươi ba tuổi, mười hai năm lưu lạc, lương mười tám ngàn đô một năm đơn độc ở phía bên kia, có điều gì như niềm chua xót, như nỗi bất bình dấy lên trong tôi. Biết Hồng đang quan sát mình, tôi cố giữ nét mặt bình thản. Hồng nhìn thẳng vào tôi, ánh mắt như phiền trách. Nàng nói tiếp, giọng đều đều như trả bài:

"Anh biết đó. Em qua đây nghề nghiệp không có, tiếng Anh chẳng rành, lại mang đủ thứ tai tiếng. Em cần một nơi nương tựa. Rồi còn anh em, bà con ở VN. Ông Joe tuy già nhưng tốt với em lắm. Ở với ông ấy em không phải lo về mặt tiền bạc. Đời em cũng đã chìm nổi nhiều phen, bây giờ chỉ muốn yên thân. Cuộc hôn nhân này tất nhiên không phải vì tình, điều đó thì ai cũng biết. Em đã yêu cầu Joe đừng làm rình rang, chỉ trong vòng gia đình của ông ấy thôi."

Hồng đứng dậy, rồi như sực nhớ điều gì, lại ngồi xuống. Vẻ cứng cỏi cố tình trên mặt nàng đã biến mất.

"Anh nói dùm với anh Thành là em cám ơn cái tình anh ấy dành cho em. Người tốt như anh ấy thế nào rồi cũng được đền bù. Em cũng đã suy nghĩ kỹ. Bây giờ thì việc gì cũng cho qua, nhưng mà một khi đã ăn ở với nhau rồi, thế nào cái dĩ vãng nó cũng trở lại ám ảnh mình. Không phải là em có ý nói anh ấy hẹp hòi, nhưng về mặt vợ chồng, em kinh nghiệm hơn anh Thành nhiều."

Hồng lại đứng dậy. Nàng cười buồn:

"Thôi em về. Cho em gởi lời thăm chị. Mai mốt xong việc, thế nào em cũng đến chơi."

Tôi đứng dậy theo, lí nhí chúc nàng thành công trong hướng đi mà nàng đã chọn. Tôi mở cửa, trịnh trọng tiễn Hồng ra xe như đưa nàng Scarlett phong trần của "Cuốn Theo Chiều Gió" trong bộ trang phục lỗng lẫy nhất của nàng lên xe song mã để đi chinh phục cái thế giới đàn ông hung hiểm ngoài kia. Trên đường quay vào nhà, tôi rầu rĩ vì bỗng dưng trở thành người đưa thư xui xẻo phải báo tin buồn cho những người thân, Ngọc và Thành.

Chiều hôm sau Ngọc bày lên bàn mấy món đồ nhậu tươm tất bảo tôi:

"Chốc nữa Thành đến, em lánh mặt để mấy ông dễ nói chuyện. Em cứ quấn quít với anh có khi làm hắn tủi thân."

Tôi kéo nàng vào lòng, nói nhỏ:

"Cám ơn em. Thỉnh thoảng em cũng nên nhắc anh là may mắn lắm mới có được người vợ dễ thương như em."

Ngọc có vẻ cảm động, kề môi vào tai tôi thầm thì:

"Em sẽ nhắc nhở anh mỗi ngày. Và mỗi đêm."

Mỗi đêm?

Tôi không ngờ Thành khá như vậy. Hắn đón nhận cái tin không vui một cách chững chạc. Tôi đợi cho hắn cạn xong lon bia thứ nhì rồi mới bắt đầu làm nhiệm vụ đưa tin, hy vọng hơi men sẽ giảm đi phần nào nỗi đau xót.

"Thành à, anh muốn nói với chú chuyện này. Chiều hôm qua, Hồng có đến đây…"

Thành ngồi im lặng nghe tôi kể lại gần như nguyên văn những điều Hồng đã tâm sự với tôi. Khuôn mặt hắn hằn vẻ chịu đựng của con bệnh trầm kha được thầy thuốc cho biết giờ giải thoát đã gần kề. Sau cùng hắn ngẩng đầu nhìn tôi, cặp mắt nhấp nháy sau đôi kính cận:

"Thật ra em cũng đã có cái dự cảm về việc này. Chưa bao giờ Hồng đi xa hơn tình bạn. Dù sao em cũng mong cô ấy hạnh phúc."

Hắn ngưng lại một chút rồi tiếp, giọng tâm tình:

"Em thì đã quen rồi. Không phải lần đầu, chỉ mong là lần cuối."

Thành đứng dậy, bước lại tủ lạnh lấy thêm mấy lon bia.

"Tối nay em muốn uống thêm mấy lon với anh cho vui. Mồi còn nhiều quá mà chị đâu rồi không ra ăn phụ?"

"Bà ấy than mệt, vào buồng từ chiều. Chú cũng biết, bà ấy đâu có vui gì…"

Thành uống thêm mấy lon bia rồi đứng dây đi lại góc phòng, nơi có dàn máy karaoke. Tôi thấy hắn lục lọi trong mớ đĩa tìm kiếm. Tư thế quen thuộc của hắn, hai tay ôm chặt cái microphone, lưng lom khom, chân đánh nhịp, bỗng dưng trông có vẻ … nghệ sĩ ra phết. Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người … Cái giọng khem khép như vịt đực của hắn hôm nay sao nghe … truyền cảm chi lạ.

Chiếc bàn bỗng như chông chênh. Tôi nghe tiếng Thành loáng thoáng, Nhìn em tay nâng ly rượu, môi cười mà lệ như rơi … Hình ảnh Thành ở góc phòng bỗng dưng nhòe đi như được nhìn qua một màn nước. Tôi nâng lon bia khui dở lên uống cạn. Tiếng hát của Thành lại vọng lên, bập bùng như đến từ một không gian, một thời gian nào khác. Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa… Bài hát gì mà kỳ cục vậy nhỉ? Hình thù đống vỏ bia ngổn ngang trên bàn bỗng cong vẹo đi như được nhìn qua một màn nước. Tôi đưa tay dụi mắt, cười ngu ngơ. Bậy quá, uống cho lắm vào …


Phùng Nguyễn
tháng năm 95