Hình minh họa
Ánh sáng yếu dần. Ông cảm thấy những ngón bé nhỏ cuả bàn tay Mimi đang cố xoè ra thật lớn để càng lúc càng bấu chặt lấy cườm tay ông. Ðèn vưà tắt hẳn. Cuốn phim bắt đầu.
Thằng bé há hốc mồm nhìn lên màn ảnh. Peter Pan chao liệng, đáp nhẹ lên đám mây, rồi thoắt cái, lại vút vào không trung. Mũi hỉnh. Tóc cháy nắng hung hung râu ngô. Thằng bé thấy nó đó, chính nó đó, đang bay, đang quần thảo với bọn cướp biển, đang muá hát bên ánh lưả bập bùng cùng bộ lạc da đỏ. Chỉ cần một chút phấn tiên, những đưá trẻ bình thường như nó bỗng trở nên như giấy, như bông, bay lên, bay lên. Dễ dàng vậy thôi sao ? Ðơn giản vậy thôi sao ?
Tuổi thơ đi qua. Giấc mộng con lớn dần theo năm tháng. Peter đã chiếm một chỗ đứng vững chắc trong thế giới những thần tượng: Vua Quang Trung, Ðức Trần Hưng Ðạo, Napoléon Ðại Ðế, Thuyền trưởng Ulysse, Hiệp sĩ Zorro, Người rừng Tarzan… Bây giờ hắn hiểu, không tìm đâu ra được phấn tiên trên cõi đời này, nhưng, lơ lửng giưã tầng không gian kia, con người đã thực hiện được mơ ước. Hắn phải thực hiện được mơ ước. Thành phi công thời chiến, hắn bay. Dưới mắt hắn, không phải Xứ Huyền Hoặc, mà trải rộng từng điạ danh, hải danh hắn đã thuộc nằm lòng. Tấm bản đồ điạ lý mở ra những khung trời bát ngát. Có khi đó là biển bạc buổi bình minh hắt sáng, rực một vùng. Có khi, vượt một núi mây, trời quang bất ngờ, đồng ruộng bày ra bàn cờ từng ô mạ xanh chuyển màu đuổi nhau xa tít tắp. Ðất phương Nam, trù phú sông ngòi, chằng chịt kinh lạch, mênh mông ruộng, rừng. Ðôi lúc, hắn tưởng mình là một giống cò, hay chim hồng, chim lạc huyền thoại, dang thẳng cánh dọc dài theo gió, nghiêng chao cùng màu diều giấy tuổi thơ… Nhưng, những phi vụ hắn liên tục thực hiện gặm mòn dần cái cảm giác lâng lâng bay bổng ấy đi. Không chỉ có tơ trời. Không còn đơn thuần là đánh kẻ gian ác, cứu người hiền lương. Hắn biết, những khối bom mà hắn nhấn nút trút xuống dưới cánh phi cơ đã phá nát, đốt tiêu rừng rậm, ruộng đồng, làng mạc cuả chính quê hương hắn. Kẻ thù có thể bị vùi dập, nhưng những người dân lành, những con trâu, con nai vô tội, có thoát khỏi sự huỷ diệt cuả chiến tranh không ? Kẻ thù. Hắn nhớ đến thằng Vọng, thằng Mùi, những thằng bạn phố cưả Ðông đã cùng hắn mê say Peter Pan trong cái rạp ciné Majestic cũ kỹ cuả thành phố Nam Ðịnh. Chúng nó ở lại. Những kẻ đứng bên kia lằn ranh cuả trò chơi u mọi. Ðương nhiên, biến thành kẻ thù. Hắn cũng không quên Hào, Mến, Tuyển, những đồng đội còn trẻ măng, những đưá bé vưà kịp lớn, đã vội quên mất hạt phấn tiên, để một ngày tan xác giưã không trung, mất dấu. Ðôi khi, hắn nghĩ, phải tập quên đi gương mặt vài đưá bạn-tử thù, mấy đồng đội-tử sĩ, để có thể tiếp tục sống, thi hành nhiệm vụ, làm tròn những bổn phận ngày càng nặng nề chồng chất, ngày càng xa lạ khó hiểu. Cứ thế, hắn đi qua chiến tranh, nỗi đau vón lại thành những mảnh than ngún úm kỹ trong từng nếp óc, đôi khi bén lưả cháy phừng từ hốc mắt đỏ ngầu, rừng rực giưã khuôn mặt trơ lì gỗ đá.
– Ông ơi, nhìn kià, Peter Pan !
Peter Pan xuất hiện đúng lúc, cứu Jane trước khi cô bé rơi xuống biển, như đã từng làm vậy với Wendy, năm mươi năm trước. Năm mươi năm rồi sao ? Peter Pan trước mắt ông vẫn tươi nguyên, không một nếp nhăn, không một sợi tóc bạc. Peter Pan vẫn bay bổng, nháy mắt, mỉm nụ cười trẻ thơ, tinh quái. Chỉ có ông, lụn xuống với đôi chân xiêu. Còn cánh lông đã rời rã từ muà lưả tháng tư năm ấy. Mặt trời chân lý thuộc về người phiá bên kia chiến tuyến, ông đứt hơi khi trò chơi tàn cuộc, đời đâm thẳng xuống vùng đêm. Ðáy vực… Cái bóng xanh đang vun vút trên màn ảnh kéo ông lao ngược thời gian để tìm về những khuôn dáng cũ. Mùi ơi ! Vọng ơi ! Chúng mày còn sống không, hay đã chết vùi chết dập đâu đó sau từng ấy năm sắt máu ? Ðưá nào cũng muốn sắm vai anh hùng, đóng giả Peter Pan, chứ đời nào chiụ làm hải tặc, dù cho đó có là thuyền trưởng Móc Sắt lẫy lừng trời đất, phải không ? Những trò trẻ, đánh bi đánh đáo, giận hờn, gây gổ, bươu đầu sứt trán, rồi gươm gỗ dao nhưạ thoắt cái được thay bằng súng bom, đạn mìn. Máu không còn chảy từng giọt ở những vết thương trầy da, máu phun thành vòi từ các lỗ sâu toác thịt. Ðã ba mươi năm, cảnh ấy không còn, nhưng sao ông không thoát khỏi nỗi ám ảnh cứ nằm chực ở đó, chỉ rình đợi lúc trí tưởng bắt đầu lan man là nhảy xổ vào, bày biện xương máu. Có nhiều đêm, ông lăn từ giường xuống, ú ớ khua chân vung tay. Không thiếu những lần, mồ hôi đầm đià cả khoảng lưng áo. Một phần ba cuộc đời cuả ông, khoảng thời gian thanh xuân nhất, phơi phới nhất, đã bị phí hoài, tiêu cháy trong chiến tranh, tù tội. Ðôi khi, ông tự hỏi: cứ như Hào, như Tuyển, như Saint-Exupéry, mất tích trong một phi vụ, nghiã là mãi mãi bay cao, mãi mãi là Peter Pan, là Hoàng Tử Bé trong tâm trí những kẻ còn ở lại, có khi lại đẹp hơn, thơ hơn. Sống thêm, liệu có ích gì, khi hoài bão sụp đổ, ước mơ gãy vụn, mỗi đêm đến là mỗi lần hãi hùng chờ đợi sự trở về cuả cơn mộng ác ?
Ông nhìn xuống Mimi. Mắt nó to tròn, lóng lánh phản chiếu ánh sáng. Những sợi lông mi cong mướt. Ông biết Mimi đã tự nhập thân vào Jane. Mắt nó vui, buồn, lo lắng theo từng hành động cuả cô bé bướng bỉnh trên màn ảnh. Thằng bé mơ làm Peter Pan trong ông đã chết lâu rồi, nó không sống nổi qua những bể dâu. Bây giờ, có lẽ ông chỉ còn trông đợi nơi Mimi một chút lây lan hồn nhiên, mà chỉ ở độ tuổi cuả nó mới có thể hào phóng ban phát cho mọi người chung quanh. Ông cảm thấy gần gũi cháu gái nhiều hơn với hai đưá con cuả mình. Thằng Thế lớn lên trong chiến tranh, khi ông rày đây mai đó với phi đội. Con Thương lớn lên trong hoà bình, khi ông chuyển từ hết nhà tù này sang đến trại cải tạo khác. Chúng nó lớn lên, hầu như không thấy mặt bố. Còn ông, chưa bao giờ theo kịp được nhịp tăng trưởng cuả các con. Có những khoảng trống, ở đó, ông chiụ trận, mù tịt, không mong tìm được gì trong ký ức, hình ảnh đôi kính cận đầu tiên cuả Thế hay những bước chân lẫm chẫm bụ bẫm cuả Thương chẳng hạn, chỉ là những góp nhặt, sao chép từ lời kể, từ những tấm ảnh mà vợ ông gửi kèm vào thư ; ông không sao tưởng tượng ra được chúng trong một không gian ba chiều. Tất cả dẹp dí trên mặt giấy, và đã tiêu cháy từ lâu. Với Mimi, ông sống kề cận từng ngày, từ hơn bốn năm nay. Ông thấy nó mọc từng chiếc răng, chuyển từ tã giấy sang quần lót, tập nói rồi hát véo von, vẽ loằng ngoằng và tô xanh tô đỏ từng con gà con cá. Ông vui sướng thoát khỏi giấc đêm, sáng sáng dẫn cháu đến trường, xế trưa đã nôn nả chờ giờ tan học. Mimi có ông, có bà, có papa, có mẹ quây quần cạnh bên, hạnh phúc giản dị mà trước kia, cả vợ chồng ông, cả Thế cả Thương không cách nào với nắm được. Sau chiến tranh, sau tù tội, khi ông vưà bắt đầu một cuộc sống bình thường cuả người chồng, người cha, cũng là lúc các con trưởng thành, vào đời bay nhảy. Rồi chuyến ly hương, nơi ăn chốn ở mới, chuyện học, việc làm… đẩy các con ông dần xa hơn nưã. Có lẽ cho đến cuối đời, khoảng cách giưã ông và các con không bao giờ có thể thu hẹp xít xao để được tiêu biến. Ông biết gì về Thế ? Ông đã kỳ vọng nhiều ở nó. Những ngày về phép hiếm hoi, ông cố rèn thằng trưởng nam bằng thứ kỷ luật sắt cuả quân đội. Ông cấm nó mặc quần áo đẹp. Ông cấm nó thổi nến ngày sinh nhật. Ông cấm nó khóc trước mặt người khác, dù lạ dù quen. Vậy mà khi ông tròng sợi dây chuyền thép có móc chiếc thẻ bài khắc tên Mến vào cổ thằng con trai cuả bạn, ông đã không kềm được nước mắt. Thương cho đưá bé mồ côi trạc tuổi con mình, thương bạn hay tủi thân, ông cũng chẳng rõ. Nhưng khi ấy, ông thấy rõ ràng Mến ngồi đó, búng guitare hát một bản tình ca, đứng dậy, cất đàn, ra phi đạo, leo lên máy bay, vút vào núi Chuá, tan tành. Không đầy một chớp mắt. Ðưá con cuả Mến mất cha, con trai cuả ông không có quyền thản nhiên sung sướng, ông đã quyết định, rõ ràng và đơn giản như vậy. Nhưng thật sự, sau mấy mươi năm, ông biết gì về Thế ? Ông đã hét vào mặt nó : « Tao từ mày, thằng khốn nạn, thật nhục nhã, nhà này có bao giờ lại sản sinh ra mấy đưá lại cái ! » khi Thế muốn giới thiệu với vợ chồng ông người bạn trai mà nó đã chung sống từ mấy tháng nay, ở Paris. Thế nhìn bà, nhìn ông, đôi mắt cuả nó ngân ngấn nước sau tròng kính cận. Nó lẳng lặng đi, cúi đầu, khép cưả. Thằng con trai trưởng, ít nói, rụt rè, cứ lúng ba lúng búng mãi mới xong điều nó muốn kể, để nhận lấy sự trừng phạt thẳng tay. Bà không nói gì với ông mấy ngày liền. Rồi cũng nguôi ngoai. Một hôm, đọc báo, thấy viết « …Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các trẻ trai yêu người cùng phái, là việc các em không được dịp gần gũi hoặc không được sự quan tâm đúng mức của người cha. Sự thiếu vắng tình phụ tử sẽ dẫn các em đến việc đi tìm sự bù đắp ở bạn bè cùng phái, hoặc ở những người lớn tuổi hơn… », ông ngồi lặng lẽ khóc. Ðổ lỗi cho ai bây giờ ? Cho chiến tranh ? Cho tù ngục ? Và lỗi cuả ông, bao nhiêu phần trong đó ? Ông rủ bà lấy vé xe lưả lên Paris thăm Thế. Nhìn vào mắt, ông biết nó và ông đã thông cảm, tha thứ lẫn nhau. Nhưng còn ước mơ có một thằng cháu đích tôn nối dõi tông đường, làm sao có thể thực hiện được bây giờ ? Dòng họ đã ba đời độc đinh cuả ông, đến đây chắc phảidứt.
Thương lấy tây. Ông bắt bà không được đi dự đám cưới. Lần đầu tiên trong cuộc sống vợ chồng mấy mươi năm, bà lớn tiếng phản đối, nhất định có mặt. Ông cáo bệnh, nằm nhà. Và hối hận. Ông đến nơi khi tiệc gần tàn, cô dâu chú rể bắt đầu tiễn khách về. Thương khóc nhoè cả bộ mặt được trang điểm kỹ lưỡng. Ông bắt tay André, và, đột ngột, ôm chầm lấy rể, vỗ vỗ lưng, lặp đi lặp lại lời xin lỗi. Thương thút thít trong vòng tay ông, nồng mùi thơm cuả nước hoa, son phấn và keo xịt tóc. Hình như chưa bao giờ ông kề cận con đến như vậy. Thương. Không phải ông đặt tên cho con. Giưã khi chồng tù tội, một mình xoay sở, con dại cái mang, ông vẫn không hiểu tại sao bà lại chọn tên Thương cho con. Những đưá bé sinh vào năm ấy mang tên Hoà Bình, Toàn Thắng, Thống Nhất. Con gái ông tên Thương. Yêu Thương hay Ðau Thương ? Con bé Thương ngày nào ngồi gọn trên gác lửng nghịch búp-bê nhưạ, nhìn ông về đứng trước nhà với bộ quần áo vá, gậy vác vai, một đầu lủng lẳng tay nải, đầu kia giỏ lan rừng chăm chút nơi lán trại, gọi vói vào trong : « Mẹ ơi, nhà có khách ! » Con bé Thương cuả ông, thuở ấy, chưa biết mặt bố. Mãi một tuần sau, nó mới dám mon men đến gần, tin tưởng chọc ngón trỏ nhỏ xiú, trắng ngần cuả nó vào giưã lòng bàn tay đen đuá, chai sần cuả ông, rủ chơi « chi chi chành chành », trò chơi tuổi thơ mà ông chỉ còn nhớ lõm bõm vài câu cuả bài vè, chữ còn chữ mất.
Bây giờ, bàn tay cuả Mimi nằm ngoan trong tay ông. Lũ cướp biển bị đánh đuổi. Peter Pan đưa Jane về nhà, gặp lại mẹ Wendy. Bố cũng về sau chiến tranh. Kết thúc đẹp. Mimi rút tay, vỗ rối rít, miệng tiá lia : " Phim hay quá ông ơi ! Cháu muốn làm Jane ! Cháu muốn làm Jane ! " Ừ, Mimi ơi, cháu đang là Jane đấy, yên vui với mẹ với cha. Nhưng còn ông, còn viên ngọc ước biến thành Peter Pan trăm tuổi cứ trẻ mãi không già, mãi nhanh như chim, nhẹ như gió kia, ông đã lỡ tay để chìm mất từ lúc nào chẳng rõ, giưã những đợt ác mộng vẫn trở về, cuồng nộ mỗi đêm.
MASSY 05.2004