có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 2 08, 2021

Nhắn Hoàng Thành Có Người Tôn Nữ



Nhắn Hoàng Thành Có Người Tôn Nữ

Hôm qua có người quen về Huế
đi chuyến tàu đêm 
ga buồn, mưa nặng 
anh nghĩ về em nhưng không gì gửi tặng
còn rất nhiều sầu đâu nỡ gửi cho em
Chừ còn gì đâu gửi ra Huế nữa 
mất hết từ ngày đi
mất hết từ hôm bắt đầu nỗi nhớ 
đường ra như có lắm biên thùy!
Vì biết sẽ buồn
nên ngày xưa anh không hứa hẹn
vì giông tố nên thuyền không cập bến
vì em là chim hót giữa hoàng thành 
vì anh là mây trời còn luyến chiều xanh
Không cho gì nhau
mà chừ phải trả 
hãy trả cho anh nghìn khuya sầu 
nghìn lần tìm em trong mộng biếc đêm sâu
Anh trả lại em cả kinh thành mưa bụi
mưa mờ dáng trúc Kim Long
mưa rắc lệ cho Nam Giao buồn tủi 
vườn Nguyễn Hoàng hoa chẳng nở chiều đông
Làm sao trả công em 
mấy mùa phượng nở
mấy thuở phượng tàn
mấy độ hoa rơi khắp đường Thành Nội
tính tháng tính năm
xuân biếc, thu vàng…
Có đòi lắm cũng khó bề trả được
không chứng nhân mà không thể chối từ
nếu duyên số đa đoan từ kiếp trước
thì kiếp này anh vẫn vụng đường tu.
Còn gì nữa
dù không đòi, không trả 
không hỏi về: Em có đợi trông anh?
chân trời cũ, anh trở thành khách lạ
làm phế vương để được nhớ hoàng thành
Xưa thắc mắc chính là đây em nhé!
màu thời gian nhuộm tím ước mơ rồi
em có khóc, dặm ngàn anh biết thế
kiếp độc hành không thể bước chung đôi.

Phương Nam, 1959
Tường Linh




Tường Linh vừa qua đời hôm 5-2-2021 tại Sài Gòn.

Nhà thơ Tường Linh tên thật là Nguyễn Linh, sinh ngày 12 Tháng Mười Hai, 1931, tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn (nay là Quế Trung, Nông Sơn), tỉnh Quảng Nam. Ông xa quê từ năm 1954, ra sống ở Huế, Quảng Trị. Đến năm 1956 vào ở hẳn tại Sài Gòn cho đến nay. Trước năm 1975 ông làm báo tại Sài Gòn, từng có thời gian phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Tường Linh sáng tác nhiều từ những năm 1950, nổi tiếng với những bài thơ về tình yêu quê hương đất nước. Ông thuộc lớp các thi sĩ Quảng Nam xuất hiện vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ “Chị Điện Hòa” (1950) và “Năm Cụm Núi Quê Hương” (1954) của ông được nhiều người thuộc lòng, mãi cho đến nay. Đó là loại thơ kể chuyện, rất phù hợp với điều kiện lịch sử-xã hội vào thời điểm ấy. Năm 2011 Tường Linh đã thực hiện một tuyển tập thơ dày 672 trang do nhà xuất bản Văn Học phát hành với sự giúp đỡ của một số thân hữu.

Thơ đã xuất bản:
– Thơ Tập Làm Thuở Nhỏ (in thạch bản tại Tam Kỳ, 1950)
– Mùa Đi (in thạch bản tại Bồng Sơn, 1953)
– Mùa Hoa Cải (in tại Huế, 1955)
– Mây Cố Quận (NXB Tao Đàn, Sài Gòn, 1962)
– Nghìn Khuya (NXB Tao Đàn, Sài Gòn, 1965)
– Thu Ơi Từ Đó (NXB Tao Đàn, Sài Gòn, 1972)
– Giọt Cổ Cầm (NXB Đà Nẵng, 1998)
– Về Hỏi Lại (NXB Đà Nẵng, 2001)
– Thơ Tường Linh tuyển tập (NXB Văn Học, 2011)