có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 12 07, 2020

Dọn nhà, dọn lòng


Vào Thu- Tranh Hoàng Thanh Tâm

Chị rời Việt Nam khi tuổi vừa ngoài đôi mươi. Trong chuyến dọn nhà vượt đại dương gần mười ngàn cây số, hành trang của gia đình chị lỏng chỏng mấy cuốn Album, một số sách vở, vài món quà mỹ nghệ, dăm ba chiếc áo dài, hai cây đàn guitar chung của mấy chị em và cây đàn tranh của chị. Sau mười ngày ở trại chuyển tiếp, gia đình chị dọn về nhà riêng. Mấy tháng sau, chị xuôi nam theo khóa học Đức ngữ, ở một thành phố nhỏ có con sông hiền hòa chảy ngang. Hết khóa Đức ngữ, chị ngược lên miền bắc, ở ký túc xá, làm học trò trung học. Rồi chị về miền trung, vui vầy đèn sách đại học Frankfurt. Cứ vậy, chị tung hoành, ngang dọc khắp nước Đức. Hơn ba mươi năm ở nơi gọi là quê hương thứ hai này, số lần dọn nhà của chị đã lên đến gần chục rưỡi. Tính chị ưa đầu cơ tích trữ những mặt hàng mua không ai bán, mà cho chẳng ai lấy. Mỗi trạm dừng, chị gom đây một chút, nhặt kia một tí. Cho nên, kiến tha lâu, đầy tràn tổ. Bởi thế, mỗi lần chị dọn nhà là lỉnh cà, lỉnh kỉnh, túi này, thùng nọ. “Kho báu” của chị ngồn ngộn những sách vở, báo chí. Những hộp xếp đầy thư từ, thiệp tết, thiệp sinh nhật, bưu thiếp du lịch, các tập thơ, tập nhạc chép tay. Những sản phẩm thủ công chị tỉ mỉ làm lấy hoặc quà của người khác. Món nào chị cũng thương, cũng nâng niu. Bên giường ngủ, chị trưng chiếc giỏ tre, trong đó quây quần mấy con thú nhồi bông be bé. Con Monchichi mặt mày láu lỉnh, chị mua con khỉ bé tẹo ở chợ trời lúc mới qua Đức. Con chuột màu vàng, chị làm quà cho chồng đã lâu. Chị quý nhất con hải cẩu len màu đen và con voi nỉ màu xám, những “tác phẩm nghệ thuật” của đứa con, khi thằng bé ở tiểu học. Lâu lâu, chồng chị khuân “sở thú” ra ban-công, lấy chổi lông gà đập nhè nhẹ. Nhìn lớp bụi mỏng bay vòng vòng, anh nói bâng quơ:

-Mấy thứ bụi này mới gây bịnh dữ a. Toàn là Bakterien, vi trùng trỏng không hà.

Chị vội vàng binh vực “sở thú”: 

-Chút xíu bụi đâu sao anh! Cơ thể mình phải tập quen chút bụi bẩn. Chớ lúc nào cũng sạch bóng, hệ thống “phòng thủ” của mình sẽ yếu dần đi.


Năm cuối tiểu học, đứa con tập cưa gỗ, làm con chim đại bàng. Có hai sợi dây cột vào cánh, giựt sợi dây, hai cánh chim phe phẩy như thể chim đang bay. Thằng bé hớn hở tặng Ba Mẹ món quà nó rất ưng ý. Hai vợ chồng trầm trồ, con mình khéo tay quá chừng. Chị treo con chim bên cửa sổ của phòng con. Bạn bè đến chơi, chị hãnh diện khoe tác phẩm của quý tử. Khi đứa con vào đại học, sống xa nhà, vợ chồng chị dùng phòng con như phòng làm việc, để hẳn hai cái computer trong phòng. Nhưng chị không thay đổi trang trí. Con đại bàng vẫn bên cạnh cửa sổ. Lần nọ, trở về sau chuyến đi làm xa, chị vào phòng làm việc, thấy cửa sổ văng vắng, thiêu thiếu cái gì. Giây sau, chị hiểu ra, con chim gỗ đã “bay” đi chỗ khác. Chị hốt hoảng, hỏi chồng. Anh thản nhiên: 

-Bụi bặm năm bảy lớp, thấy ghê quá. Anh lau sạch sẽ, cất dưới nhà kho rồi.

Chị không dám xuống nhà kho tìm. Sợ tìm không ra, mình sẽ buồn, sẽ cằn nhằn. Rồi không khí sẽ nặng nề. Chị nghĩ, tốt hơn, cứ hy vọng, con chim gỗ vẫn đâu đó trong những thùng, những tủ dưới hầm. 


* * *

Chị biết “chân tài” của mình, ca không hay, đàn nghe cũng dở. Thế mà, chị lại rất mê nhạc cụ. Chị sắm nhiều loại nhạc cụ, mặc dầu chị chỉ biết chơi mỗi tây ban cầm. Số chị được bay nhảy nhiều nơi. Đi làm ở đâu, nhất là các nước châu Á, châu Phi, có giờ rảnh, chị nhờ đồng nghiệp sở tại dắt đi dạo lòng vòng thành phố, tìm những món quà lưu niệm, thường là các nhạc cụ: ống sáo tre gỗ, trống, lục lạc, đàn bầu... Nhiều lần, anh đùa: “Nếu em cứ đà thu gom quà lưu niệm sau mỗi chuyến công tác, có lúc em phải quyết định, hoặc là em, hoặc là quà phải ở ngoài cửa, vì nhà đã hết chỗ.”

Đi làm ở Việt Nam, chị thấy đàn T'rưng, loại nhạc cụ gõ phổ biến của người dân tộc ở vùng Tây Nguyên. Chị định mua, nhưng loay hoay nhiều việc, quên khuấy. Một người bạn đồng nghiệp nghỉ phép, du lịch đến Việt Nam. Hỏi chị thích quà gì từ quê nhà không. Chị tình thật, bảo thích đàn T'rưng. Chị nghĩ đến cái đàn nhỏ cho trẻ con để trang trí trên bàn. Chị dò tìm trong internet, chỉ cho người bạn hình của đàn. Người bạn dành cho chị ngạc nhiên lớn. Anh ta đem giao món quà, không phải là hộp nho nhỏ bằng tập vở mà là một thùng giấy bìa to tướng. Chị băn khoăn, e là anh ta không hiểu ý, mua nhầm món khác. Khi mở quà, mới hay, đấy là đàn T'rưng thật, cao cả mét. Chị khệ nệ ôm gói quà về nhà, ríu rít kể chuyện. Thấy chị hí hửng, anh vui lây. Hai vợ chồng tíu tít xem tờ chỉ dẫn, phụ nhau ráp đàn. Nhìn quanh nhà cân nhắc, chỉ còn một góc trong phòng làm việc là “đắc địa”. Đúng ra, theo truyền thống, đàn chỉ được chơi trên nương rẫy, kiêng cữ đánh trong nhà. Ôi, nhưng đó là chuyện hồi xửa, hồi xưa. Lâu lâu chị dừng trước đàn, dùng hai cây dùi tre gõ tong tong Kìa con bướm vàng, xòe đôi cánh hoặc Trông kìa con voi, nó đứng rung rinh... Chị vui, vui quá thể. Nhà chị thuộc loại be bé, xinh xinh. Cho nên, cây đàn có vẻ bị dồn ép, khép nép nơi góc phòng. Chị nghĩ, nếu đàn hiểu, chị sẽ nói thế này: “Nhà ta chật, nhưng lòng ta rộng. Đàn đừng hờn trách ta nhé.” Đôi lúc, đi ngang vướng phải đàn, anh bực bội: “Đồ đạc tùm lum, tà la.”

Về nhà, sau một tuần đi công tác, lòng chị rộn lên niềm vui. Ư ử câu hát chợt đến trong đầu... Another airplane/ another sunny place/ I'm lucky I know but I wanna go home chị quên đi nỗi nhọc mệt của chuyến bay dài hơn 10 tiếng đồng hồ. Chị kéo va-li vào phòng. Ủa, hình như phòng rộng ra thì phải. Ô, cây đàn T'rưng! Góc phòng trống trơn. Chị muốn chạy đến trước mặt anh, gào thật to: “Tại sao? Tại sao?” Nhưng tiếng nói thầm, đầy thất vọng vang lên trong trí chị: “Chẳng ích gì! Cây đàn giờ đã nằm rúm ró đâu đó trong thùng rác rồi.” Chị ngồi phịch xuống ghế, nhìn chằm chằm vào góc phòng. Cơn buồn giận kéo đến, người chị rũ ra. Không lẽ chị tìm gặp sếp, cho biết, mình không muốn đi làm xa nhà, vì sợ, trong thời gian vắng mặt, chồng vứt bỏ đồ đạc của mình. 


* * *

Tốt nghiệp đại học, chị nhận việc làm mãi tận cực nam của nước Đức. Gia đình chị “dắt díu” hơn 500 cây số tìm đất sống. Chị xuống đi làm trước, chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho vợ chồng con. Vì đang giữa niên học, anh ở lại chờ đứa con xong lớp Một. Chị đáp xe lửa, đi đi, về về mỗi tuần. Sáu tháng sau, gia đình chị mới thực sự dọn hẳn đến München. Chủ hãng của chị, một ngân hàng có hạng của nước Đức, rất phóng khoáng, hào hiệp với nhân viên. Ngân hàng bảo chị kêu thợ chuyên nghiệp đến dọn nhà, hãng thanh toán toàn bộ chi phí. Hai vợ chồng chị là hàn nho bao nhiêu năm. Đồ đạc chẳng có gì ngoài giàn máy hát cassette, cái ti-vi của anh, những thùng tranh ảnh, đồ đạc trang trí, những thùng sách của chị, những thùng đồ chơi của đứa con, và một số va-li áo quần. Bàn ghế giường tủ lọc cọc, cũ kỹ. Cho, chả ai thèm rớ. Sẵn dịp dọn nhà, vứt luôn. Mặc dầu vậy, hãng dọn nhà “đánh hơi” mối sộp. Họ phái chiếc xe vận tải to tướng và bốn ông vai u, thịt bắp đến. Tưởng là dọn đồ đạc của vi-la, ai ngờ, chỉ gọn gàng mấy cái va-li và thùng giấy. Cuối tuần về thăm nhà, chị tự tay đóng gói các đồ đạc quý giá hay đúng hơn vô giá đối với chị. Thùng đựng các sản phẩm mỹ nghệ, chị ghi tiếng Đức thật to “ZERBRECHLICH!”, DỄ VỠ để thợ khuân vác nhẹ tay. Chị dán nhãn “QUAN TRỌNG” lên các thùng đựng hình ảnh, kẹp bìa giấy tờ hồ sơ, những cuốn “nhật ký đời tôi”, thư từ của hai vợ chồng. Chị bàn với anh, những thùng này, anh xem như “vật bất ly thân”, sẽ cho đi theo xe nhà. Anh trấn an chị, đây là công việc đầu tiên trong cuộc đời đi làm, chị nên toàn tâm, toàn trí “xây đắp sự nghiệp”. Chuyện dọn nhà để anh lo liệu. Lúc ấy, giữa tuần, chị ở München. Bởi thế, chuyện hướng dẫn thợ chất đồ đạc lên xe, chị giao khoán cho chồng sắp xếp.

Số của chị “đỏ bạc” lắm. Chị tự nguyện xin đổi việc, chứ chủ hãng có năn nỉ, cầu cạnh chị đầu quân vào hãng của họ đâu. Thế mà, trước khi vợ chồng chị dọn nhà xuyên tiểu bang từ München đi Berlin, phòng nhân sự gởi cho chị lá thư ngăn ngắn, báo tin, cho mấy ngàn EUR, gọi là phụ giúp trang trải chi phí dọn nhà. Anh bàn: “Đồ đạc mình ít, anh tự dọn, tiết kiệm được nhiều. Dư tiền ra, để lo việc khác. Bàn, ghế, tủ, máy giặt, nhà bếp, tất tất đều để lại cho người ta. Mình chỉ cần xe vận tải nhỏ, là được.” 

Mấy chục năm trước, khi chị rời Việt Nam, đám bạn nghèo của chị, vay mượn làng trên, xóm dưới, đủ tiền tương đương với hai chỉ vàng, mua tặng chị cây đàn tranh, gởi gắm chút tình Việt, mong ấm lòng chị ở trời Âu. Chị không biết chơi đàn tranh và ý định tập đàn tranh hãy còn mơ hồ lắm. Nhưng ở đâu, bất kể nhà mướn hay nhà mua, chị trân trọng treo đàn tranh bên cạnh những nhạc cụ khác. Mỗi lần vô nhà mới, chị quan sát mấy vách tường, lựa chỗ đất lành cho... đàn đậu. Chị ơi ới, anh vui vẻ sẵn sàng búa đinh. Anh đùa, anh làm thiên lôi, sai đâu, đóng đó.

Chị đóng gói dọn nhà ra dáng chuyên nghiệp lắm. Chị lập bảng excel, ghi nội dung các thùng đồ đạc, đánh số rõ ràng. Đàn guitar chị đã cõng theo, khi đi xe lửa lên Berlin. Đàn tranh, chị bỏ vào thùng, dùng khăn chận các góc cho êm đàn, ghi số 1. Mấy chục thùng đồ chị ghi số, và dán tờ danh sách nội dung mỗi thùng. Rất tiện. Anh chỉ cần lo giải quyết kho hàng của anh. Anh gật gù. Vậy là tạm ổn. Bạn của anh sẽ phụ dọn nhà. Thời đại tân kỳ, anh quay phim diễn tiến công việc, quay hình chiếc xe anh mướn, đống đồ đạc đã được xếp gọn gàng trong xe. Chị yên tâm. Khi đồ đạc dọn vào nhà mới, chị thấy thiếu thùng số 1. Anh giảng giải: 

-Còn dư vài món đồ, anh sợ nhét chật quá, đàn bị hư, bể. Anh gởi tạm nhà anh Khiêm. 

Chị cảm kích: 

-Anh Khiêm thiệt tốt bụng. Anh đã bỏ thì giờ phụ dọn nhà, lại còn chịu chứa giúp đồ đạc. Mai mốt thong thả, mình xuống München thăm anh ấy, rồi rước cây đàn về. 

Chiều cuối tuần, chị gọi điện thoại hỏi thăm anh Khiêm, cám ơn anh giúp dọn nhà và cho gởi đồ đạc. Anh Khiêm vui vẻ:

-Sẵn dịp giúp anh chị dọn nhà, tui đi Berlin chơi một chuyến cho biết. Một công, hai chuyện luôn. Chị đừng ngại.

-Dạ, anh còn chịu khó giữ giùm đàn tranh. 
Anh Khiêm ngạc nhiên:

-Đàn tranh gì chị? Hôm chất đồ đạc, xe hết chỗ. Anh Tư đưa tui cặp loa, nói, tui thích thì xài. Mà tui đâu có máy hát, nên không cần. Bữa nào anh chị về đây chơi, anh lấy lại dùng, chứ tui để không ở đây, cũng uổng. 

Chị chưng hửng, chuyển đề tài, hỏi vu vơ vài câu về công ăn, việc làm của anh Khiêm. Mong có dịp ghé München thăm anh. Gác điện thoại, chị quay qua anh: 

-Anh Khiêm không biết gì về đàn tranh cả anh à. 

Mặt anh thoáng chút bối rối, rồi anh xẵng giọng: 

-Đó là chuyện của mình. Tại sao lại kéo anh Khiêm vào đây! 

Chị không giấu nỗi ngạc nhiên: 

-Ủa, sao bữa trước anh nói là gởi đàn tranh nơi nhà anh Khiêm? 

Anh như mất kiên nhẫn:

-Anh Khiêm đã trả lời không có, là không có. Sao em cứ thắc mắc hoài vậy? Chấm dứt Thema này được chưa?

Anh đùng đùng ra khỏi phòng. Chị ngồi lặng một hồi. Đàn tranh không thể bốc hơi biến mất. Nhưng nếu chị đem đề tài này ra “thảo luận” với anh lần nữa, chắc chắn lửa giận của anh sẽ bốc lên ngùn ngụt. Bạn bè chị bây giờ rất khá giả. Nếu chị ngỏ ý, các bạn dư sức mua vài cây đàn tranh tặng chị. Nhưng thôi, chị nên giữ cây đàn tranh trong trí nhớ. Như vậy an toàn hơn. 


* * *

Mấy năm trời, từ lúc anh chị quen nhau, người đàng đông, người đàng tây. Anh ở với mẹ, chị ở nội trú đi học, cách nhau mấy trăm cây số. Đám cưới xong, chị trở về trường theo lớp 12, 13 cho xong trung học Đức. Những năm thập niên 80, gọi điện thoại rất đắt tiền, chỉ gọi, khi cần thiết, nói năng gọn lẹ như điện tín. Vài ba tuần, anh thu xếp thăm chị ở trường. Ngày nào chị cũng hí hoáy viết thư cho chồng. Chị túc tắc đi bộ ra bưu điện, gởi những lá thư nặng ký, những trang giấy kín mít chữ với chữ. Chị nhờ người sang cuốn cassette “Những nhạc phẩm đoạt Giải Ca Khúc Âu Châu, Eurovision Song Contest trong thập niên 70”. Chị lộng tấm hình hai vợ chồng vào hộp cassette, nắn nót viết “thiếp xa chàng hái dâu quên giỏ, chàng xa thiếp cắt cỏ quên liềm” như tựa đề của cuốn băng nhạc. Chị muốn mượn đôi câu trong bài hát, thủ thỉ với anh:“... Wishing-wells/ Wedding bells/ Early morning dew/ All kinds of everything remind me of you”. Chị ước chi có anh bên cạnh, chị sẽ thầm thì đủ để hai đứa nghe... Summertime/ Wintertime/ Spring and autumn too/Seasons will never change/ The way that I love you. Thỉnh thoảng anh viết đôi dòng gởi chị. Anh viết chữ đẹp, nét chữ đều đặn. Nhìn phong bì với nét chữ của anh viết tên mình, chị rộn ràng, sung sướng. Anh không chép thơ, không trích nhạc. Anh bắt đầu thư bằng “Em yêu”, vắn tắt tường thuật những sinh hoạt quanh anh. Vậy đó, cũng đủ cho chị ra ngẩn, vào ngơ. Chị đọc đi, đọc lại lá thư, mỗi sáng trước khi đi học. Chị kẹp lá thư vào tập vở, giờ ra chơi đọc thêm lần nữa, trước khi chạy ào ra sân kháo chuyện với bạn bè. Tối ngủ, chị không chỉ có vài cuốn sách gối đầu giường, mà lá thư của anh cũng vừa tầm tay để chị đọc, trước khi tắt đèn ngủ. Khỏi phải độc thoại, chị mừng lắm, chứ đâu dám mơ ước anh sẽ viết nhiều thư. 

Chị rời nhà trường, về nhà chồng, chấm dứt thời gian Quân tại Tương Giang đầu/ Thiếp tại Tương Giang vĩ. Anh chất đầy mấy hộc tủ những xấp thư của chị gởi anh. Chị gom tất cả thư của anh, của chị, xếp ngay ngắn vào một thùng giấy. Lâu lâu, chị bê thùng thư để trên bàn học, nhẹ nhàng, chăm chút mở những tờ thư cũ say mê đọc. Ôi chao! Biết bao là thương yêu, nhung nhớ.

Toàn bộ tài sản của gia đình chị được chất ngay ngắn, khiêm tốn trong phòng khách nhà mới. Vợ chồng con cùng nhau xếp đặt tổ ấm. Anh loay hoay bắt ti-vi và máy hát. Đứa con lăng xăng bày biện những con khủng long lên kệ. Phần chị, sau khi xếp áo quần vào tủ, đồ đạc nhà bếp yên vị đâu vào đó, chị bắt tay săm soi “tư trang” của mình, những thùng đồ đạc được “đặc quyền” đi theo chồng con trong xe nhà. Dọn dẹp tạm xong, chưa thấy thùng thư của hai vợ chồng. Chị nói với anh, để chị xuống xe đem lên. Anh bảo:

-Dưới xe không còn gì nữa. Anh đã khuân tất cả lên đây rồi.

Chị kỹ càng xem xét lại những thùng đồ đạc. Vẫn không tìm thấy. Chị quýnh quáng, gọi anh cùng lục tung các thùng, tìm lần nữa. Vẫn không có. Nước mắt chị bắt đầu rưng rưng: 

-Anh coi có còn sót đâu dưới xe mình không? 

Anh nóng nảy: 

-Đã nói là không mà. Em muốn, thì cứ coi trong xe lần nữa đi. 

Chị chạy vội xuống xe, hy vọng anh nhét thùng thư dưới ghế. Chị xem từng ngõ ngách của xe. Không còn gì cả. Như vậy thùng thư ở đâu? Trong đầu chị lùng bùng nhiều giả thuyết. Anh đã chở về nhà mới, lấy ra khỏi xe, nhưng quên mang vào nhà? Hàng xóm ngỡ rác, bỏ vào thùng chăng. Với chút hy vọng mong manh, chị vào khu chứa các container giấy cũ. Không thấy. Hay là anh để sót lại ở nhà cũ? Chị trở vào nhà. Anh vẫn đang bận rộn với máy móc. Chị cố giữ giọng tự nhiên:

-Anh à, em gọi ông chủ nhà cũ nhe. Nhờ ông coi giùm có sót thùng giấy đựng thư không. 

Anh gạt phắt: 

-Đừng gọi! Mất công. Trước khi giao trả chìa khóa cho ông, anh và ông đã đi khắp các phòng để ông kiểm soát. Nếu sót gì, hai người sẽ thấy chứ! 

Chị nghèn nghẹn: 

-Như vậy thì thùng thư mất đi đâu? 

Anh chăm chú vào mớ dây điện, nói cho xong:

-Để ít bữa rảnh, anh tìm cho. Bây giờ mình còn bao nhiêu chuyện quan trọng phải làm. 

Anh chẳng trông thấy chị nước mắt giọt ngắn, giọt dài, lặng lẽ ra khỏi phòng. “Ít bữa” anh nói đó chẳng bao giờ đến. Khối thư tình của đôi ta biệt tăm. Chị buồn ảo não, chị tiếc thẫn thờ. Tưởng tượng những tờ thư xanh, thư hồng, chạy thẳng vào máy nghiền để làm giấy tái sinh, chị thương, chị xót quá đỗi. Chị tỉ tê với nhỏ bạn thân: 

-Mày coi đó, kho thư tình đó là chứng cớ hùng hồn rằng đã có một thời tao yêu anh ấy. Chứ không, nhiều khi tao có cảm tưởng... đi bên cạnh cuộc đời. 

Nhỏ bạn bỗng dưng ra vẻ người lớn, dịu giọng khuyên nhủ: 

-Thôi mày ơi. Đừng nói vậy, mà tan nát lòng nhau. Lúc dọn nhà, lu bu lắm mày à. Ổng không cố ý đâu. 

Nhỏ bạn thở dài đánh sượt: 

-Ui, phải chi ổng làm mất cái túi xách Gucci, Chanel gì đó. Ổng chỉ việc cong đuôi đi cày kiếm tiền đền. 

Chị cắt ngang: 

-Ơ cái con này. Đời tao có bao giờ sắm bao bì cục-chì, cục-sắt, hay sà-neo sà-niếc gì đâu. 

Nhỏ bạn vội vàng:

-Tao biết, tao biết. Vì vậy mà khổ cho ổng. Mày quý những điều hổng ai thèm. Ngặt một nỗi, mấy thứ đó mua không được!


* * *

Năm, bảy năm nữa, chị sẽ về hưu, về vườn đuổi gà cho... mình. Công việc của chị bây giờ lui vào “hậu phương”. Không còn những chuyến đi làm khắp năm châu, bốn bể nữa. Sau nhiều năm tha phương cầu thực, chị dọn về một tỉnh nhỏ yên bình miền trung Đức. Nhà ở quê, chỗ chèn mênh mông. Chị tha hồ bày biện. Chị dành hẳn một phòng lớn trên lầu để trưng dọn gia sản của mình, vừa rộng rãi, vừa khỏi phiền hà chồng. Sách vở ngay hàng thẳng lối mấy kệ gỗ. Bầy thú xúm xít nhau trên các bệ cửa sổ. Đám nhạc cụ thoải mái chiếm góc phòng. Nhìn những món quà thủ công, chị nhớ con chim gỗ. Ngắm những nhạc cụ, chị tiếc cây đàn tranh, đàn T'rưng. Có khi giữa ngày, có lúc nửa đêm, chị thương rưng rức những tờ thư đã mất. Những lá thư ấy, nếu còn đây, hẳn sẽ là trời xanh, mây hồng hâm ấm lại tình cảm của vợ chồng chị. 


* * *

Chị gặp cô bạn hàng xóm đang lui cui khuân đồ đạc. Cô trỏ mấy bức tranh trong thùng xe: 

-Dì tôi tặng tôi đó. Dì dọn vào nhà cho người cao niên Seniorenresidenz. Nhiều đồ đạc dì gắn bó lắm, mà đâu có đem theo hết được. Dì còn muốn tặng tôi cây đàn dương cầm. Tôi đành chịu. Nhà tôi chật chội quá rồi. Thật ra, nếu dì bán rẻ, có người mua ngay. Nhưng dì thương đàn quá. Dì hy vọng, cho tôi, dì còn cơ hội được thấy đàn. 

Cô chép miệng: 

-Tội nghiệp dì. Dì nhờ tôi giúp giải quyết toàn bộ đồ đạc trong nhà dì. Nhiều việc lắm, chứ không đơn giản đâu. Tôi lo chuyện này cho dì, cũng là dịp tôi chuẩn bị cho mình mai kia. Nicht wahr? Phải vậy không? 

Chị gật đầu:

-Chính xác. Tôi hoàn toàn đồng ý.

Chị biết, không phải chị nói vuốt đuôi, cho qua chuyện với cô bạn hàng xóm. Mà đấy là câu trả lời thực lòng của chị. Chị tưởng tượng tình cảnh của mình hai mươi năm tới. Giải quyết mớ tài sản lằng nhằng của chị quả là thiên nan, vạn nan chứ chẳng chơi.

Ô, phải rồi. Những lần dọn nhà, vô tình, chồng chị đã giúp chị từng bước, buông bỏ những đồ vật mình yêu thích. Mai kia, khi dọn vào nhà cao niên, chị đỡ phải bận tâm. Dọn nhà, dọn lòng gọn ghẽ, coi vậy, mà được việc quá chừng!


Hoàng Quân
Tháng Chín 2020

____________________

Chú thích:

Nghĩa tiếng Việt của chữ tiếng Đức trong bài:
Thema: đề tài

Trích lời ca trong các nhạc phẩm
-All Kinds of Everything by Derry Lindsay & Jackie Smith
-Home by Blake Shelton