có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 9 06, 2020

Huỳnh Phan Anh - Nhà giáo đi lạc vào văn chương


Nhà văn - dịch giả Huỳnh Phan Anh (trái) và tác giả gặp nhau trên đất Mỹ

Những năm 1965-1975 là thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, cũng là giai đoạn bùng nổ của văn học miền Nam với nhiều khuynh hướng, trường phái văn học, từ cực hữu đến thiên tả, từ dân tộc đến hiện sinh… Có thể coi đây như thời kỳ “trăm hoa đua nở” của văn học đô thị miền Nam với sự xuất hiện hàng loạt cây bút trẻ đầy nội lực. Họ viết như sợ ngày mai sẽ không còn được cầm bút bởi chiến tranh không trừ một ai. Thế nhưng có vài nhà văn vẫn “dạo chơi” trong cõi văn chương, trong đó có nhà phê bình văn học - nhà văn - dịch giả Huỳnh Phan Anh, tuy rất nổi tiếng nhưng vẫn tự nhận mình là nhà giáo “đi lạc vào văn chương”. 

Những người đồng hành đi tìm tác phẩm văn chương 

Tác phẩm phê bình văn học đầu tay của Huỳnh Phan Anh là Người đồng hành hay Văn chương và kinh nghiệm hư vô Kế đó là tập tiểu luận - phê bình Đi tìm tác phẩm văn chương với cách nhìn và cảm nhận mới về văn chương, một phương pháp phê bình hoàn toàn vượt thoát những định đề phê bình cổ điển. Hai tác phẩm này đã đưa Huỳnh Phan Anh trở thành cây bút phê bình hàng đầu của văn học miền Nam bấy giờ khi tuổi đời tác giả chưa tới 30. Sau đó, Huỳnh Phan Anh cùng với các nhà văn - nhà phê bình Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Hữu Trí và Đặng Phùng Quân quy tụ thành nhóm Đêm Trắng. Đêm Trắng là nhóm văn học có khuynh hướng hiện sinh, đi tìm cái mới trong văn chương để làm mới văn chương. Hầu hết thành viên của nhóm là nhà văn kiêm nhà giáo dạy văn học và triết học. Huỳnh Phan Anh rất ngưỡng mộ và chịu ảnh hưởng của Jean Paul Sartre, nhà văn - nhà triết học người Pháp, người có công xiển dương chủ nghĩa hiện sinh. 

Huỳnh Phan Anh cộng tác thường xuyên với bán nguyệt san Văn, tạp chí văn học uy tín ở miền Nam trước năm 1975. Anh còn cộng tác với các tạp chí, tuần báo văn nghệ Văn học, Vấn đề, Khởi hành... Ngoài phê bình, Huỳnh Phan Anh còn được biết đến là một dịch giả uy tín với những tác phẩm dịch tiêu biểu như Chuông gọi hồn ai của E. Hemingway, Lạc lối về của H. Boll, Tình yêu bên bờ vực thẳm (tức Khải hoàn môn) của E.M. Remarque, Victor Hugo - bí ẩn cuộc đời của A. Maurois, Thế giới của Sophie của J. Gaarder, Tình cuồng của R. Radiguet, Hợp tuyển thơ Yves Bonnefoy... Đặc biệt, tập thơ Rimbaud toàn tập là bản dịch đầy tâm huyết. Phải là một nhà thơ đích thực mới có thể chuyển ngữ được những câu thơ với ngôn ngữ đi trước thời đại hàng trăm năm của Rimbaud. Hơn 20 năm sau Huỳnh Phan Anh khẳng định trong tuyển tập Thơ tự do (NXB Trẻ, năm 1999) với bài tiểu luận ngắn về thơ tự do. Nhà phê bình họ Huỳnh có cái nhìn mới và phóng khoáng mang tính “tiên tri” về thơ tự do hay là sự toàn cầu hóa của thơ. “Nó báo trước một thời đại toàn cầu chỉ mới hình thành và đang còn là một ý niệm mới”. Hiện nay toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của nhân loại.

Năm 1972 tôi làm việc tại số 3 Phạm Ngũ Lão, cùng địa chỉ của tòa soạn tạp chí Văn và nhà in Nguyễn Đình Vượng, nên vẫn thường gặp các nhà văn, nhà thơ kẹt tiền đến gặp cụ chủ nhiệm báo Văn, cũng là ông chủ nhà in, nhà xuất bản, xin tạm ứng. 

Nhà phê bình Huỳnh Phan Anh là một trong các “chuyên gia” tạm ứng nhuận bút. Huỳnh Phan Anh than bị nợ nần “khủng bố”! Anh dạy học lương khá cao nhưng đánh xì phé thường tháu cáy và thua cháy túi. Ban ngày đi dạy, ban đêm dịch sách nhưng cũng không đủ tiền trả nợ thua bạc. 

Cũng vì bị nợ nần khủng bố nên anh nhận lời một trùm sách viết cuốn Duyên Anh - Tuổi trẻ mộng và thực. Sách viết về cuộc đời và tác phẩm của nhà văn bestseller bấy giờ. 

Anh không tiết lộ nhưng tôi chắc nhuận bút cuốn này khá cao thì anh mới viết. Tuy là viết theo đơn đặt hàng nhưng Huỳnh Phan Anh viết rất nghiêm túc, phân tích tỉ mỉ yếu tố ăn khách nhờ văn phong hấp dẫn của các tác phẩm của Duyên Anh, cả trong hai mảng đề tài trái ngược nhau: Tiểu thuyết gai góc, bụi bặm về thế giới du đãng và văn chương trong sáng của thế giới trẻ em. Nhà văn đầy cá tính này là cây bút nổi tiếng viết truyện thiếu nhi rất ăn khách, cùng lúc ông cũng là một nhà văn hàng đầu của mảng đề tài du đãng, cách gọi những con người và hoạt động của “thế giới ngầm” như cách nói bây giờ với cách nhìn ưu ái những nhân vật “chọc trời khuấy nước” hét ra lửa bấy giờ.Nhiều tác phẩm của Duyên Anh được dựng thành phim rất ăn khách. 

Huỳnh Phan Anh tâm sự: “Mình viết theo đơn đặt hàng nhưng vẫn viết rất nghiêm túc, phân tích đúng mực các tác phẩm của Duyên Anh”. Trong giới viết lách bấy giờ cũng có một số “lời ong tiếng ve” về tác phẩm Duyên Anh - Tuổi trẻ mộng v. thực nhưng Huỳnh Phan Anh phớt lờ. Anh bảo: “Kệ chúng nó! Thói tức ăn ghét ở, bạn lạ gì”. 


Ngọn lửa đìu hiu

Sau năm 1975, Huỳnh Phan Anh vẫn tiếp tục viết nhưng chỉ xuất bản một tập tạp bút Không gian và tác phẩm văn chương. Phần lớn là dịch. Anh dịch khá nhiều nhưng chủ yếu cho có việc làm kiếm nhuận bút mua gạo. 

Thời gian này tôi thường gặp Huỳnh Phan Anh ở mấy quán bia hơi, nhâm nhi những cốc bia đối chứng pha trà đá và rượu đế, uống vào nhiều khi đầu nhức bưng bưng nhưng không uống thì uống gì bây giờ? Uống bia đối chứng, tán gẫu về văn chương, triết học và... ngựa đua. Bởi lúc này trường đua ngựa Phú Thọ bắt đầu mở đua lại, mà Huỳnh Phan Anh vốn mê đỏ đen nên không Chủ nhật nào không đến đó. Nhiều khi chỉ cá độ mấy đồng “nhưng mà vui” - anh kết luận. Có lần tôi theo anh vào trường đua và cá độ theo anh. Thường thì Huỳnh Phan Anh thua nên nói theo “tam đoạn luận”, tôi theo anh nên tôi cũng thua! 

Những năm 1990, đời sống kinh tế khá hơn, vợ anh buôn bán ở chợ Vườn Chuối có đồng ra đồng vào. Thường thì 10 rưỡi, 11 giờ trưa, Huỳnh Phan Anh lội bộ từ nhà ở đường Võ Văn Tần ra quán Trống Đồng trên đường Lê Quý Đôn. Anh thường ngồi một mình, uống mấy chai bia Sài Gòn rồi đi bộ về. Có khi tôi đến ngồi với anh, vui vẻ vài ve rồi chở anh về nhà, hoặc có khi gặp mưa lại ghé vào một quán khác làm tiếp “tập hai”.


Cuộc sống hiện tại khép kín ở Mỹ

Năm 2002, Huỳnh Phan Anh sang Mỹ định cư tại San Jose, một TP ở Bắc California có hơn 100.000 người Việt nhưng anh sống gần như khép kín, cách biệt, cả với giới văn nghệ sĩ - bạn bè cũ của anh. Phần do anh bị bệnh tim, phần không biết lái xe, thỉnh thoảng đi đâu thì vợ chở. Hồi cuối năm ngoái, tôi và họa sĩ Rừng bắt xe đò từ Nam Cali đi lên San Jose thăm anh. Tôi cứ sợ ông bạn già bị bệnh tim, không tìm thăm có khi không còn cơ hội. Nhỡ như năm 2014 khi tôi lên San Jose thăm Nguyễn Xuân Hoàng và anh vì nghe anh Hoàng bệnh nặng. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng trước năm 1975 là thư ký tòa soạn tạp chí Văn ở Sài Gòn, tòa soạn cùng địa chỉ với báo tôi, sau sang Mỹ định cư lại tiếp tục là chủ biên tạp chí Văn ở Mỹ. Nguyễn Xuân Hoàng là bạn thân của Huỳnh Phan Anh, mấy chục năm trước cùng lập nhóm Đêm Trắng. Sang Mỹ, hai người lại ở cùng TP nhưng ít gặp nhau do anh Hoàng rất bận rộn chuyện báo chí, còn Huỳnh Phan Anh thì ẩn cư lo trị bệnh. Khi tôi đến, anh cho biết Nguyễn Xuân Hoàng bệnh khá nặng, đang cấp cứu trong bệnh viện. Anh và tôi thay nhau gọi điện thoại cho anh Hoàng nhưng không ai bắt máy. Sau đó mấy ngày, tôi về Việt Nam nghe tin Nguyễn Xuân Hoàng mất, thấy ngậm ngùi và tiếc là đã tới nơi mà không gặp mặt trước khi anh về miền miên viễn.


Phạm Chu Sa

--------------------------------------------------
Giáo sư Triết học, nhà văn, dịch giả
HUỲNH THANH TÂM
Bút hiệu HUỲNH PHAN ANH
Đã qua đời vào ngày 30 tháng Tám, 2020
Tại San Jose, California
Hưởng thọ 81 tuổi
--------------------------------------------------