Túy Hồng và Mai Thảo
Nhà văn nữ Túy Hồng ngoài đời là người trăm năm của nhà văn Thanh Nam, tôi gặp mặt lần đầu, bấy giờ là khoảng cuối năm 1966. Chị vừa chia tay ngọn núi Ngự, từ biệt giòng sông Hương vào sống với gia đình trong một căn nhà nhỏ giữa khu Nguyễn Cư Trinh náo nhiệt. Người Huế đi tới chân trời góc biển nào cũng mang Huế, tận cùng theo mình tới đó. Nhất là người Huế lại là một phụ nữ Huế, biểu tượng rực rỡ của Huế bên cạnh nam phái Huế thường có khuynh hướng che dấu phần nào gốc gác mình, không có những tỏ hiện rõ ràng và ngỗ ngược về Huế bằng mái tóc thề và nón bài thơ Đông Ba, Thành Nội.
Túy Hồng cũng vậy. Một biểu tượng rực rỡ của người đàn bà Huế. Huế từ vóc dáng đến phục sức, từ cái lối đưa tay lên che miệng cười, từ cái lối cầm dù đi trên hè phố Sài Gòn một chiều mưa lớn, đến cái lối đứng tránh đón bạn vào nhà, đến cái lối xôn xao tiễn bạn ra đầu ngõ. Biểu tượng. Trộn vào muôn vàn cũng không sao lẫn được. Biểu tượng, hiểu tới tột đỉnh của biểu tượng, trong muôn nghìn kết thành ở một, với đầy đủ những đặc thù riêng tư và đậm đà nhất, với Túy Hồng sẵn đã Huế nói theo cách nói của kép hát Hùng Cường: “một chăm phần chăm”. Túy Hồng còn là một nhà văn. Và nhà văn nữ lỗi lạc sinh trưởng ở quê hương của mè xửng và của bún bò cay nhức óc này lại viết về Huế rất nhiều, chỉ viết về Huế, cái thế giới văn chương của bà ném đi xa rộng tới đâu cũng từ một tâm thức Huế, cũng ở trong những chân trời Huế.
Lần gặp đầu ấy, cái cảm tưởng thứ nhất của của tôi về đám chị em Túy Hồng rất đông, là giữa khu Nguyễn Cư Trinh vẫn cầu Tràng Tiền, cái dốc Nam Giao đâu đó, Phú Bài ngoài đầu ngõ, Vọng Cảnh ngay hông nhà, tôi vừa lọt vào xanh biếc tĩnh Tâm, tôi vừa rơi vào sương chiều Linh Mụ, giữa một bầy thiếu nữ Huế ríu rít tiếng chim, mà chim Huế một bầy ríu rít thì Nam Bắc đờ người ra, chim nói làm sao người hiểu được. Cảm tưởng thứ hai, và riêng về Túy Hồng thôi, là vị nhà văn nữ miền Trung, nổi danh từ tập truyện đầu, thật lạc lõng với Sài Gòn. Có vẻ như Sài Gòn làm Túy Hồng bối rối và kinh hoảng, trong những điều Sài Gòn thật sự làm bối rối, cả trong những điều Sài Gòn chẳng làm kinh hoảng gì người. Biển náo động kia làm xao xuyến hồ này trầm lặng, phải vậy chăng? Cái khối người bốn triệu vây bọc, tràn lấn là một dội đập bàng hoàng với với người chỉ quen soi bóng mình trên yên tĩnh Hương Giang? Hay Sài Gòn của ban đêm, của tới sáng, của quán xá hội chợ, nhịp sống cơn lốc, đà sống thủy triều làm chấn động người nữ sinh Đại Nội, trong dậy thì chỉ biết cái ánh nắng dịu dàng của thôn Vĩ Dạ trong thơ Hàn Mặc Tử, sự lắng đọng nghìn đời của tịch mịch những lăng tẩm vua xưa?
Sự thể không rõ rệt lắm. Rõ rệt chỉ chính Túy Hồng viết được ra. Tạm giải thích là Túy Hồng có một tâm hồn và một bản thể địa phương rất mực. Cái sự địa phương tính đã tới mức linh hồn và tủy não, như trái quýt trong Cổ Học Tinh Hoa mới là nó khi được trồng trên đất Giang Nam và lạc thể ở bất cứ một đất vườn nào khác. Sự rõ ràng nếu thấy nằm ở phản ứng. Thân thế và cung cách sống ngoài Huế và xa Huế ở Túy Hồng vĩnh viễn là một phản chống tiên thiên không hòa nhập không đồng hóa. Không thể. Không thể. Đã bao nhiêu năm bà vẫn ở Huế, như là Huế từ đầu. Bản thân lưu lạc, nhưng bản thể vẫn ở bên kia ngọn đèo Hải Vân, thời còn con gái. Gia đình đã yên ấm, người thiếu nữ Huế đã êm đềm sang sông, mà chiều chiều vẫn cặp mắt trong thơ Nguyễn Bính hướng về mịt mùng quê ngoại. Văn chương và tiểu thuyết Túy Hồng, từ ngữ trong tạp văn, hình ảnh trong truyện ngắn đều đậm đà cách nói, cách viết Huế, những trang xưa như những trang mới bây giờ.
Thành ra câu trả lời sau cùng có lẽ là Túy Hồng như vậy, không một chút thay đổi ở bản chất sâu thẳm, không một chút biến tướng dầu ở tình huống nào, và chính bởi vậy bà mới là nhà văn, đã sống đã viết như tới bây giờ đang sống và viết, dựng nổi được một cõi ngôn ngữ không thấy ở một người viết nữ nào khác.
Huế không thực hiện được những giấc mộng cho người. Phải đi khỏi bóng cổ thành, những dấu tích dĩ vãng. Những trận mưa hàng tháng hàng tuần của Huế không cầm chân được lòng người muốn bay đi. Cuối cùng là đành phụ Huế, xa Huế, không thể đồng hóa vĩnh viễn định mệnh mình và định mệnh Huế. Phương trình chia lìa này là nền tảng cõi văn Túy Hồng, cũng như ở cõi thơ của một người viết nữ Huế khác, của Nhã Ca:
Từ độ xa chuông khôn lớn giữa đời
Thế nhưng tiếng chuông Linh Mụ ấy, Nhã Ca đêm nào cũng nghe “văng vẳng tiếng chuông reo”, và nhịp cầu Tràng Tiền ấy Túy Hồng tuổi nào cũng thấy nó bắc dài qua trí nhớ. Trước sau Huế vẫn là ngọn đỉnh, là trọng tâm, là đường kính tâm hồn. Thành ra có thể nói, bằng cái sự ở hay không ở của tấm lòng mà định ý nghĩa và trọng lượng của nơi chốn, thì Túy Hồng vào Nam với gia đình, Túy Hồng vượt biển từ Phú Quốc, mùa tuyết trước ở New Jersey, mùa tuyết này ở Seattle, đã chồng Bắc, bạn Bắc, đã phở, đã cà cuống, mà cây cầu bà đi vẫn là cây cầu Tràng Tiền, “bàn tay che thời tiết” như tựa đề một truyện dài của bà vẫn là thời tiết Đông Ba, trước sau nhà văn nữ này chưa từng một ngày rời xa Huế. Điều này, vẫn là cứ đọc Túy Hồng là thấy. Những cái khác Huế, ngoài Huế, bà đều thuật tả được sắc sảo, sinh động. Nhưng trên những cái tả cái thuật đó, chỉ thấy cái thấy, không có cái yêu, chỉ thấy cái thân tình mà không thấy cái gắn bó. Đôi khi còn là cái khô của phân tích, cái lạnh của giải phẫu, những phê phán nhức nhối, những nhận xét nghiệt ngã. Chỉ viết về Huế, Huế trong túi nhớ, Huế trong thói quen, Huế trong tấm lòng là Túy Hồng viết khác hẳn, cái xấu của Huế cũng biến thành cái đẹp, Huế phẳng lặng vậy mà tuyệt diệu, tâm tình người Huế hay nhất hoàn cầu, miếng ngon của Huế ngon nhất thế giới. Huế, và riêng về Huế, viết không bằng trí óc nữa. Mà bằng trái tim. Huế, và riêng về Huế là không khoảng cách, không nhìn vào, mà Huế ở trong tôi chính là tôi, muôn vàn thương yêu, muôn vàn tưởng nhớ.
Tập truyện ngắn thứ nhất của Túy Hồng, tập Thở Dài, truyện đã in ra nhưng tác giả bấy giờ còn ở Huế, tôi tình cờ thấy và đọc hết nó một buổi trưa trên căn phòng nhỏ chật của Thanh Nam ở khách sạn Cửu Long, đường Hai Bà Trưng, căn phòng đêm đêm trong khói thuốc dày đặc, bọn Phan Nghị, Vũ Đức Duy cùng mấy em vũ nữ tan vũ trường về đánh bạc tới sáng, cũng là căn phòng, sau thành hôn của Túy Hồng, bọn quỉ sứ này phải cuốn gói bước hết, Túy Hồng sống những ngày thứ nhất cuộc đời thiếu phụ của mình. Thở Dài hay tuyệt. Tôi đọc một mạch. Một bất ngờ lớn. Hỏi Thanh Nam ai mà từ ngữ giàu có, bút pháp khác thường như vậy, Thanh Nam rung đùi, cười hề hề: “Một nhỏ Huế, chúng mày chưa ai biết”. Trước 66. Khách sạn Cửu Long. Rượu rồi cờ bạc. Cờ bạc rồi rượu. Thuốc phiện nữa. Đủ. Thanh Nam bấy giờ quá trời trong đời sống độc thân. Ngày cơm tiệm, đêm khách sạn. Chiều chiều theo bọn Hoài Bắc, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Anh Ngọc chúng tôi la cà khắp vùng Chợ Lớn, Chợ Cũ, hộp đêm, vũ trường, quầy rượu, không thiếu mặt một chiều nào. Đêm say ngất ngủ ở bùng binh Ngã Bảy. Ngày còn say, đã đóng cửa phòng ra đi. Và tập Thở Dài tôi đọc lần đầu, cạnh một kệ sách khách sạn, Túy Hồng thời gian đó còn là một “con nhỏ Huế” xa lạ thật. Rồi bà vào Sài Gòn, tôi gặp ở Nguyễn Cư Trinh. Rồi cơm tối ở nhà Trần Thanh Hiệp, điểm tâm với Phan Lạc Phúc, Thanh Tâm Tuyền. Cứ thế, trong cái dáng vẻ e dè bối rối, vẫn cứ thấy đông người là chùn lại, Túy Hồng đi dần vào những sinh hoạt hoang toàng hồi đó của bọn viết chữ chúng tôi.
Rồi những người bạn mới đồng phái với bà, Trùng Dương, Thụy Vũ, với họ bà viết liên tiếp và đều tay những tác phẩm mới sau Thở Dài, mau chóng trở thành một nhà văn nữ toàn phần. Và với Trùng Dương, Thụy Vũ, thêm Lệ Hằng, Nhã Ca, Nguyễn thị Hoàng nữa, trở thành một thành viên hàng đầu của hàng tiền đạo văn chương nữ phái, hiện tượng đặc biệt và đáng ghi nhận nhất của văn học Miền Nam hai thập niên 60 và 70.
Đám cưới Thanh Nam, như chương sách của một chuyển đoạn lớn lao nhất trong tự truyện Túy Hồng, được anh em văn nghệ cùng nhà gái nhà trai tổ chức thật đông vui ở nhà hàng Đồng Khánh. Nhớ hôm đó, cô giáo Túy Hồng trông lạ hẳn với mái tóc cắt ngắn rất Shirley MacLaine, mái tóc chắc là công phu hơn mọi lần, mái tóc trong đời, khiến cô dâu Huế tới muộn và bối rối xin lỗi. Tối đó, Thụy Vũ say ngất và Thanh Nam vĩnh viễn giã từ cuộc đời và nếp sống độc thân. Tôi cứ nhớ mãi cái Đêm Màu Hồng ấy của Đất Khách với Tôi Nhìn Tôi Trên Vách, của chàng sông Hồng lấy vợ như một giai thoại đầy bất ngờ kỳ lạ, và của nàng sông Hương lên xe hoa cũng vậy. Đám cưới của bạn với bạn, nhưng đặc biệt nhớ, bởi vì trên tinh thần, còn là đám cưới của Túy Hồng với toàn thể gia đình văn nghệ miền Nam, với mấy tờ Nghệ Thuật, Văn, Vấn Đề, trên hết thảy mọi diễn đàn thân hữu này từ đó văn chương Túy Hồng là một có mặt thường xuyên và Túy Hồng, một người viết chủ lực.
Hôn nhân với Thanh Nam một đời. Hôn nhân với văn chương đến nay chưa biết thế nào. Chưa một nhà văn nào trên cái đất này tuyên bố sống tới hơi thở cuối cùng với bút giấy. Nhưng nhìn lại thời gian từ đổ đèo Hải Vân vào Sài Gòn tới đêm Phú Quốc vượt biển, mười mấy năm văn học miền Nam của Túy Hồng đã đích thực là mười mấy năm xanh tươi, đầy ắp. Những trang bản thảo chữ viết xô chen, dập dập xóa xóa, đã tới số nghìn, nhiều nghìn. Sách đã một dãy ở Nam Cường. Sách đã một hàng ở Khai Trí. Cảnh tượng chữ nghĩa rực rỡ được mùa này ở Túy Hồng cũng giống như ở Nhã Ca. Người nữ Huế từ vòm trời tuổi nhỏ tới kinh thành không phải chỉ để chiều thứ bảy đi dạo trên hè đường Tự Do, may những chiếc áo dài mới trong thương xá Tax. Cái đích của đời sống cũng không chỉ ngừng lại với tấm thiệp báo hỷ, cái chỗ đứng trước bảng đen rường tiểu học Phú Lâm. Mà lộ trình còn mang trọn vẹn ý nghĩa một tiến tới nhọn hoắt, mộng tưởng văn chương cái đinh lóng lánh trên đầu mũi kiếm nữ hiệp xuống núi và từ xuống núi, thế kiếm Nga My cứ thế mà liên hoàn phóng tới, khiến cho cái quãng trường chữ nghĩa trọn một thập niên 60 chỉ còn là ầm ầm chỉ còn là náo động cái trận thế Nga My.
Người, là mái tóc dài lồng lộng thành mây, gót chân son vùn vụt thành gió, Huế không còn khép nép che nửa mặt hoa, Huế không còn âm thầm mưa đêm Thành Nội, mà là con suối nhỏ vào đời đã đi lên thành biển, nàng Bovary trong tiểu thuyết Flaubert đã mở toang cánh cửa của giới hạn ước lệ giam nhốt, đi thẳng ra với ngã tư đời sống mênh mông. Túy Hồng trở thành cây bút chuyên nghiệp. Túy Hồng trở thành nhà văn toàn phần. Thanh Nam ham vui, bạn ới đi là đi ngay hàng quán. Túy Hồng ở nhà, trên cái mặt bàn có một góc bàn viết, ý truyện thành hình đêm trước thức ru con, truyện đã viết xong trưa sau đặt nồi cơm lên bếp. Viết không còn là đôi lúc, cái phụ lục. Viết đã trở thành cái hàng ngày, cái chính cung. Nguyên Đán chưa tới nhưng mỗi năm, tháng mười, tháng một đã năm bảy cái đoản thiên viết sẵn cho hàng chục số Xuân chắc chắn tới đưa tiền. Bài phải ghim sẵn, cho các chú tùy phái Tia Sáng đúng giờ gõ cửa. Bút phải cầm tới, bởi đã hứa cái truyện dài cho Sóng Thần tuần sau. Chẳng bao lâu mà đã sống hẳn, ở hẳn với sinh hoạt với báo chí. Với những tách nước trà tòa soạn, với những bì thư tiền trị sự. Hiểu rõ được tạp chí Bắc kia, như thế nào phải viết. Thấy rành được nhật báo Nam này muốn gì ở cái viết ta. Rồi năm đó, đoạt Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc, cầm ly khai vị đứng trò chuyện với phu nhân Tổng thống trong dinh Độc Lập. Rồi năm nọ ngồi tươi cười giữa kỷ niệm Chu Niên Văn.
Bằng sinh hoạt văn chương, Túy Hồng Sài Gòn hóa dần dần. Thế sống vững chãi hơn. Đời sống trên cả cái mặt áp đảo biến nghịch của nó, cũng không còn làm bà bàng hoàng kinh dị nữa. Tiểu thuyết mỗi ngày một làm chủ ngòi bút, vấn đề mỗi ngày một đặt ra đàng hoàng, bút pháp mỗi ngày một thao túng, bay múa, người viết nữ đã cứng rắn không còn “tôi nhìn tôi trên vách”, mà chuyển hẳn lại thế ngồi, đối diện với toàn bộ, với chung quanh.
Tôi không nói Túy Hồng mở đường cho ngọn triều tiểu thuyết nữ phái một thời. Cùng lúc đã có những Trưng, Triệu văn nghệ khác. Không phải một cá nhân tiền phong nào mà cùng Túy Hồng đã một hiện tượng viết nữ, một tập thể viết nữ tạo mưa nắng làm giông bão, gây thành cái sự thể lấn lướt nam phái chưa từng thấy trong văn chương cận đại và hiện đại ta. Nhưng phải có Túy Hồng hiện tượng mới toàn phần, ngọn triều mới tới đỉnh. Ai ngờ được Huế vào Sài Gòn mà làm dữ vậy? Có lẽ tới bây giờ nhớ lại, chính Huế cũng không ngờ Sài Gòn anh tài, Sài Gòn tứ xứ tưởng chẳng có đất chen chân mà lại có chỗ đứng dưới mặt trời, mà lại là một dàn phóng ngon lành đến thế cho người từ Huế tới.
Viết về Túy Hồng, tôi chợt liên tưởng tới một người bạn thân khác, đã mất: nữ nghệ sĩ sân khấu Bích Hợp. Một thời chúng tôi thường cùng Phạm Mạnh Cương chồng của Bích Hợp tới sân khấu Kim Chung, Tổng Đốc Phương đón Bích Hợp vào Chợ Lớn ăn đêm. Hoặc trưa chủ nhật, tới nhà người nữ nghệ sĩ khả ái này ăn những bữa cơm gia đình do chính tay Bích Hợp củi lửa. Trên sân khấu, Bích Hợp là một đào thương, đào độc, lối diễn tan nát, khốc liệt, giọng ca bi thảm não nùng. Ngoài đời, Bích Hợp khác hẳn. Không thể dịu dàng không thể khép nép hơn, ở tiệm, trong xe, bao giờ cũng ngồi từ tốn một góc, có hỏi mới lễ phép mới vâng dạ trả lời. Bạn bè đến nhà, thật thân rồi mà bữa ăn dọn ra vẫn chắp tay thưa được để ăn sau, rồi xin phép lui vào phòng trong ngồi nói chuyện với mẹ.
Bích Hợp khác, Túy Hồng khác. Nhưng điểm tương đồng ở họ là sự khác biệt hoàn toàn giữa người nghệ sĩ với người đàn bà ngoài đời và trong gia đình. Cõi văn Túy Hồng bạo tợn, lối viết ngạo ngược phá phách. Ở trong cái hằng ngày của bà lại không thấy một dấu vết nào như vậy. Bà không bừa bãi như Thụy Vũ, rượu như Nguyễn Thị Hoàng, thuốc lá như Trùng Dương, bụi đời như Hoàng Hương Trang. Cũng không hội họp, lập đảng như Tuệ Mai, Nguyễn Thị Vinh. Chỉ ở nhà, chỉ chồng con, chỉ nội trợ. Hết độc thân rồi, Thanh Nam vẫn lu bù với chúng tôi, một mình. Bạn bè kéo đến trước ở Bùi Chu, sau ở Lý Thái Tổ, Túy Hồng dọn bữa nhậu cho đảng, rồi ở trong bếp hoặc lên trên lầu rất ít tham dự. Đem đối chiếu với văn viết, phô diễn, mạnh mẽ, thế sống ngược nghịch ở cái mờ nhạt, cái lùi khuất. Chừng như Túy Hồng hiển lộng với cuộc đời bằng văn chương mình là đủ, cái tiếng nói muốn nói giữa đồng thời đã nói ở nghìn trang tiểu thuyết là xong, sáng sáng xuống đời cây viết trên tay, chiều chiều lại trở về hang động mình không còn ai thấy mặt. Đã bao nhiêu năm như vậy, không một chút thay đổi. Vẫn Huế trong hồn, Tĩnh Tâm trong da, lặng lẽ, thu nhỏ. Thời tiết che nghiêng, mỏng manh cái nón bài thơ. Vùng an toàn tột đỉnh, vẫn cái vỏ ốc khép kín. Cái vẻ an phận cũng nhiều bằng cái dáng thỏa hiệp. Đã bao nhiêu năm như thế, thấy văn chương mà không thấy người. Cảnh tượng văn chương, một cảnh tượng riêng. Cảnh tượng đời sống, một cảnh tượng khác.
Bây giờ lại càng yên càng khuất nữa. Yên ở Tây Bắc. Sau tấm màn mưa, sau cánh cửa thông. Khuất ở Seattle, hồ vịnh một cõi. Mấy năm trước, một chỗ ngồi im lặng trên xe bus, xuống phố làm việc, cặp mắt Huế ngó thẳng con đường hàng ngày. Bây giờ ở nhà, ngôi nhà Othello đằng sau một cánh cổng thấp, lúc nào cũng như bên trong mọi người đi vắng hết. Những buổi trưa đi chợ, chiếc xe lái từ từ, tránh những ngả đèo dốc. Những buổi sáng dậy sớm, sửa soạn cho con đi học, con ăn cereals mẹ cũng một trái bưởi. Trật tự Mỹ. Đời sống Mỹ. Cái chung quanh Mỹ. Bữa điểm tâm Mỹ. Nhận như vậy, cái năm nay. Nhận như thế cái năm sau. Sự thỏa thuận dịu dàng như cái cử chỉ mỗi buổi sáng thắp một nén hương lên bàn thờ Phật.
Duy có ngòi bút, mỗi lần vẫn một thức động. Duy có cách viết, mỗi lần vẫn một nhọn hoắt. Duy có tâm thể, vẫn câu thơ bất hủ của Tản Đà. Seattle mưa là mưa bay đi. Nhưng trong nghìn triệu giọt mưa Tây Bắc, vẫn một giọt mưa Huế. Mưa có bay ra biển, mưa vẫn trở về nguồn. Tâm sự tha hương, trong kín thầm vẫn nguyên vẹn. Phòng khách Othello. Bầy con cãi lộn bằng tiếng Mỹ. Người mẹ ngồi ở giữa, tiếng Mỹ đầy trong đầu. Bữa điểm tâm bằng một trái bưởi nhưng Othello vẫn gió mưa một phiến trời Huế, vẫn xanh ngắt một tâm cảnh Huế. Vẫn là cả Huế mang theo. Vẫn không xa Huế một ngày.
Thành ra những thân tình lâu ngày không gặp, muốn thăm Túy Hồng ở Seattle bây giờ, nếu thấy ngôi nhà Othello dựng trên đất Mỹ mà vẫn có giòng sông Hương chảy qua phía trước, ngọn Ngự Bình in hình phía sau, một hông nhà vẫn lối vào Đông Ba, hông bên kia vẫn vòm cổng Thượng Tứ, thì những thân tình cũng đừng nên ngạc nhiên.
Mai Thảo
(Chân Dung Mười Lăm Nhà Văn Nhà Thơ Việt Nam, Văn Khoa 1985)