có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 8 16, 2020

Chris Botti - Ngẫu hứng nhạc Jazz với cây kèn trumpet


Nghệ sĩ kèn trumpet Chris Botti trong một buổi biểu diễn ngày 23/12/2007 ở New York, Mỹ. ASSOCIATED PRESS - Jim Cooper


Không chỉ là gương mặt điển trai, nghệ sỹ Chris Botti còn tạo nên dấu ấn riêng với cây kèn trumpet. Album Impression (2012) gặt hái thành công lớn với giải Grammy cho Album hòa tấu Pop xuất sắc nhất kể từ album đầu tay ra mắt 17 năm trước.

Hơn thế nữa, Chris Botti hợp tác với rất nhiều nghệ sỹ lớn, trong đó có tình bạn thân thiết với danh ca Paul Simon hay Sting. Sự nghiệp của Chris, chủ yếu gắn bó với cây kèn trumpet trên từng cây số lưu diễn hơn là trong studio.


Trumpet - Tài sản giá trị nhất cuộc đời

Trumpet là một nhạc cụ khá đặc biệt nếu chỉ đứng một mình. Âm thanh kém hấp dẫn hơn saxophone, chủ yếu phù hợp với nhạc jazz. Ngoài ra, các nghệ sỹ chơi trumpet thường chơi trong dàn nhạc giao hưởng thay vì tách ra trình diễn solo. Tuy nhiên, Chris Botti đã thay đổi quan niệm đó nhờ chiếc kèn trumpet hiệu Martin Committee, sản xuất từ năm 1939. Đó là tài sản quý giá nhất cuộc đời anh, một nghệ sỹ vô gia cư sống tại một căn khách sạn thuê ở New York, Mỹ.

Các tour lưu diễn miệt mài của nam nghệ sỹ khiến cho giá trị vô hình của cây trumpet nhân lên gấp bội. Không chỉ là nguồn thu nhập sống của nghệ sỹ sinh năm 1962, nó còn là tuyên ngôn nghệ thuật jazz cross-over. Trên thực tế, anh phải mất rất nhiều năm để tên tuổi được biết đến rộng rãi kể từ album đầu tay First Wish (Điều ước đầu tiên), ra mắt năm 1995. Xét cho cùng, trumpet không phải lúc nào cũng dễ nghe và dễ chơi.

Niềm đam mê với trumpet của Chris Botti đến từ rất sớm khi anh 9 tuổi. Từ đó đến nay, chưa bao giờ anh có ý định chuyển đổi sang chơi nhạc cụ khác. Anh từng trả lời phỏng vấn : “Trumpet là loại nhạc cụ gian nan nhất vì bạn phải luyện tập nguyên cả ngày. Rất nhiều vấn đề có thể xảy đến như lưng, dây thần kinh vì đó là thứ nhạc cụ đòi hỏi thể lực. Tuy nhiên, với cách ứng xử của trumpet, tôi rất hạnh phúc để tiếp tục chơi nó.”

Trong nỗ lực khuyếch trương hình ảnh hơn 30 năm, Chris Botti từng chia lửa sân khấu với nghệ sỹ hàng đầu trong làng âm nhạc, đặc biệt mối lương duyên với Sting trong tour lưu diễn Brand New Day. Ngoài ra, anh còn cộng tác với các tên tuổi gạo cuội khác như Paul Simon, Joni Mitchell, Barbara Streisand, Yo-Yo Ma, Lady Gaga, Josh Groban, Andrea Bocelli. Phải đến năm 2012, khán giả mới biết đến đến tài năng của Chris Botti, cũng như chấp nhận vai chính trên sàn diễn của chiếc kèn trumpet.


Lựa chọn con đường jazz cross-over

Thực tế, âm thanh trumpet của Chris Botti khá mượt mà khi anh đã áp dụng kỹ thuật nhạc cổ điển (bel canto) cộng thêm luyện tập vất vả để đạt được mục đích mong muốn. Chủ đích của anh là tạo được âm thanh có độ tối hơn, ngọt ngào hơn so với âm thanh trumpet truyền thống. Chiếc trumpet của Chris Botti được sản xuất năm 1939, cùng hãng sản xuất với chiếc kèn danh tiếng mà nghệ sỹ jazz Miles Davis chơi. Bên cạnh tình yêu với cây kèm trumpet, Chris còn phải lòng nhạc pop đương đại của Sting, Paul Simon, Peter Gabriel, Joni Mitchell.

Như bao nghệ sỹ khác, Chris Botti phải lựa chọn con đường riêng gắn với thể loại và gu âm nhạc. Trước ngã rẽ lớn : jazz truyền thống hay jazz cross-over (giao thoa), không có gì khó khăn với gu thẩm mỹ tinh tế và đầu óc sắc bén như Chris Botti. Lần đầu tiên tới New York, anh đã xem concert của Wynton Marsalis biểu diễn xuất sắc theo đúng kiểu jazz truyền thống của Armstrong hay Bubby Bolden. Anh nhận thấy rằng khó có nghệ sỹ trumpet nào vượt qua được cái bóng hay ngưỡng trần mà kèn trumpet tạo dựng. Vì thế, Chris Botti lựa chọn lối đi hoàn toàn khác biệt với Wynton Marsalis, không đụng độ với nhau và cả hai đều là fan của nhau.

Không thể phủ nhận rằng Chris Botti chịu ảnh hưởng của các ngôi sao đại thụ nhạc jazz chơi trumpet như Chet Baker hay Miles Davis. Anh thừa nhận màu sắc âm nhạc u ám nhưng đẹp của Miles Davis luôn là điều anh ngưỡng mộ. Hơn thế, anh theo đuổi không gian âm nhạc giàu cảm xúc (melancholy) xuyên suốt sự nghiệp. Vì vậy, phổ âm nhạc của Chris Botti còn lan tỏa rộng hơn thế và phiêu mạnh hơn thế khi anh chọn lối rẽ cross-over.

Cho dù là jazz nguyên bản hay sang nhạc cổ điển, soundtrack nhạc phim, hard rock, R&B/pop, Chris Botti không ngừng sáng tạo và thể nghiệm. Vì vậy, danh sách bài hát trong tour lưu diễn của Chris Botti luôn gây bất ngờ cho khán giả. Có thể là giây phút phiêu linh nhiệt huyết của The Look of Love (Cái nhìn tình tứ) với nữ ca sỹ da màu Sy Smith, Chris Botti có thể trình diễn bản nhạc đẹp, man mác buồn gợi nhớ về tuổi thơ trong Cinema Paradiso với nghệ sỹ cello YoYo Ma.


Cuộc đời lưu diễn và hợp tác

Nếu cuộc đời là những chuyến đi, thì những chuyến đi tour concert của Chris Botti dường như không có điểm dừng. Anh có quan điểm khá thú vị về live concert : phải tạo được cảm xúc cho khán giả, khác biệt với bản ghi âm album được đình hình và ít rủi ro.

Nghệ sỹ chia sẻ: “Tôi ghi âm các album để khán giả có thể thưởng thức tại nhà theo cách lãng mạn hay nghệ thuật. Nhưng nếu họ đến xem concert, mà tôi chơi lại đúng như trên đĩa nhạc, đó là cách tự sát. Nghề nghiệp của tôi phải tạo được cảm xúc mới mẻ, sự tự do hoàn toàn. Họ muốn khóc, vỡ òa, phiêu lưu cùng các nhạc công tài năng trong ban nhạc của tôi.”

Trên thực tế, concert của Paul Simon năm 1991 hoàn toàn thay đổi tầm nhìn của Chris Botti trong vai trò khán giả. Anh cho rằng trình diễn solo sẽ bó hẹp bản thân. Do đó, Chris Botti không ngừng hợp tác với các nghệ sỹ tên tuổi để mở rộng sân chơi và trải nghiệm mới mẻ. Tuy nhiên, ý tưởng đó không dễ dàng thực thi vì khớp lịch diễn với nghệ sỹ khác tương đối gian nan.

Chris đã tiết lộ lịch trình dày đặc trong việc ngỏ lời hợp tác: “Tôi đã phải săn đón các ca sỹ nổi tiếng trên khắp thế giới. Micheal Buble cũng lưu diễn nhiều như vậy, và tôi cuối cùng gặp được anh ấy ở Vancouver, Canada. Chúng tôi phải đến Las Vegas để gặp Gladys Knights, tới Philadelphia để hợp tác với Jill Scott, tới Anh để làm chung với Paul Buchanan.”

Ý tưởng cốt lõi của các concert cũng như âm nhạc của Chris Botti là sự giao thoa giữa giác quan nhạc pop với tinh thần phối hợp của nghệ sỹ jazz. Chiến lược này khiến anh trở nên trưởng thành và bài bản hơn.

Chris Botti chia sẻ mình không thể chơi trumpet giỏi năm 20 tuổi như cách Wynton chơi năm 17 tuổi. Tuy nhiên, khi kết hợp với pop music, lắng nghe các đồng nghiệp chơi jazz khác, anh nhận ra các nhược điểm bản thân và tìm cách khắc phục. Nam nghệ sỹ chứng minh một điều : sức sáng tạo là vô biên khi họ biết làm chủ kỹ thuật. Hơn thế nữa, tiếng kèn trumpet của Chris Botti trở thành điểm nhấn đẹp thay vì sự thờ ơ của khán giả.


Gia Trình
(Theo JazzTimes)