có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 8 28, 2020

Những mái nhà 'trường tồn' 40 tấn làm từ rong biển ở Đan Mạch


Læsø là nơi duy nhất ở Đan Mạch người ta thấy rong lươn được dùng làm mái nhà

Ở Læsø (Laesoe, viết theo ký tự Latin), những ngôi nhà phủ lá tranh từ búi rong biển nặng màu bạc, là thứ có thể trở thành vật liệu xây dựng hiện đại khắp thế giới.

Trong hầu như suốt mùa hè trên hòn đảo Læsø ở Đan Mạch, bạn sẽ thấy ông Henning Johansen bận rộn làm việc.

Là dân đảo, Johansen làm nghề lợp mái nhà. Nhưng ở đảo Læsø, công việc của thợ lợp mái nhà không giống ở bất cứ nơi đâu.

Nằm cách bờ biển Jutland 19km về phía đông bắc, hòn đảo xuất hiện trong thần thoại Bắc Âu này là nhà của người khổng lồ Ægir (Aegir, tức là Biển).

Nơi đây có nhiều xác tàu đắm vòng quanh đảo, và được nhắc tên trong lịch sử hàng hải Đan Mạch.

Tuy nhiên, đặc tính độc đáo nhất của hòn đảo Læsø lại là những ngôi nhà trên đảo, lớp mái bằng những bó rong biển màu bạc nặng và dày.

Rong biển được dùng làm mái nhà trên đảo Læsø từ Thế kỷ 17 và nổi tiếng độc đáo trên hòn đảo, dù rằng mái nhà làm từ rong biển sau đó cũng xuất hiện ở Quần đảo Orkney của Scotland.

Læsø, nơi có nghề làm muối phát triển, đã rơi vào tình trạng bị mất rừng - cây cối bị đốt sạch dùng cho lò nung muối - vì vậy dân đảo cần tìm ra chất liệu thay thế để lợp mái nhà.

Bản thân hòn đảo là nơi khan hiếm tài nguyên, đa số là các bãi bùn và bờ cát, vốn rất khó khai thác, vì vậy dân đảo bắt đầu để mắt đến ngoài biển.

Gỗ trôi nổi vớt từ tàu đắm có thể dùng làm gỗ dựng nhà, và loại rong lươn mọc đầy (tên khoa học là zostera marina) mà người ta vớt lên từ bờ biển có thể được dùng để lợp mái.

Cho đến đầu Thế kỷ 20, hầu hết nhà của cư dân trên đảo được lợp mái bằng rong biển. Nhưng sau khi một căn bệnh nấm tiêu diệt sạch hầu hết rong lươn vào thập niên 1920, kiến thức về kỹ thuật lợp nhà dần mai một. Ngày nay chỉ còn 36 ngôi nhà lợp bằng mái rong biển còn tồn tại trên hòn đảo 1.800 dân.

Từ năm 2012, Johansen đã làm hồi sinh kỹ năng này khi ông thay mái nhà, ông là người đầu tiên trong thế hệ ông làm việc đó.

"Đó là một trong những phần vĩ đại nhất trong lịch sử đảo Læsø, vì vậy nó rất quan trọng với hòn đảo," ông nói với tôi qua điện thoại khi đang lợp mái cho một căn nhà.

"Trước kia thì đó là việc của phụ nữ," ông cho biết thêm, giải thích rằng vì hầu hết đàn ông trên đảo đều làm nghề đi biển, nên phụ nữ ở nhà phải trông coi nông trại, nhà cửa.

"Họ đơn độc trên đảo và phải tự chăm sóc bản thân. Họ tìm ra cách làm những mái nhà này, và chúng không có ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Vì vậy, dĩ nhiên chúng tôi rất tự hào về di sản."

Rong lươn là vật liệu xây dựng trung hòa carbon khi người ta thu hoạch và dùng trên đảo

Khoảng 40 đến 50 phụ nữ thường cùng nhau lợp một cái mái. Họ thu hoạch rong biển sau những đợt bão mùa thu, tãi chúng trên đồng phơi khô trong khoảng sáu tháng, bước này giúp loại bỏ vi tảo và khiến rong biển không bị thối rữa.

Khi bắt tay vào xây dựng, họ lấy rong lươn, trông gần giống như sợi len, vặn xoắn chúng thành các bó lớn (gọi là vasks), rồi cột chúng vào xà nhà để làm phần lót bên dưới.

Sau đó, người ta sẽ tiếp tục chất thêm các lớp rong biển lên trên lớp ban đầu và trét than bùn cho các lớp kết dính với nhau: một mái nhà trung bình dày khoảng 1m và nặng khoảng 35 đến 40 tấn.

Những phụ nữ này sau đó sẽ đem ghế lên mái vừa làm xong, họ ngồi đó và nhìn về phía đường chân trời không một bóng cây xem những xác tàu đắm (biết đâu có cơ hội vớt được gì) và đi xung quanh, thậm chí khiêu vũ trên lớp rong biển để chúng được ép chặt vào nhau.

Johansen cho biết họ có thể lợp được một mái nhà trong một ngày.

Với đội thợ lợp mái gồm năm người của mình, ông thường tốn khoảng 21 ngày. "Vì tôi không có 50 phụ nữ."

Nhưng Johansen tìm cách làm hồi sinh kỹ thuật lợp nhà bằng rong biển này không chỉ vì mục đích bảo tồn. "[Rong lươn] là vật liệu rất thú vị," ông kể, "vì nó không cháy, có quá nhiều muối đọng trong cuộng."

Một mái nhà trung bình dày hơn 1m và nặng từ 35-40 tấn

Dù rong lươn thường được coi là một loại "rong biển", nhưng thực ra nó là một loại cỏ biển, với lá có thể mọc dài đến 2m.

Người ta có thể tìm thấy rong lươn khắp thế giới, tuy phần lớn loại rọng này tập trung ở Bắc Bán cầu.

Rong lươn không chỉ có đặc tính tự nhiên là chống cháy, chống rữa nát và chống côn trùng, mà nó còn hấp thụ CO2, và vì người ta không cần dùng đến nhiệt độ cao để xử lý nó trước khi đem ra dùng, cho nên nó là vật liệu trung hòa carbon khi thu hoạch và sử dụng tại chỗ.

Rong lươn trở nên hoàn toàn chống nước sau khoảng một năm và có tính cách nhiệt không thua gì bông khoáng, một loại chất liệu xơ dày làm từ sợi thủy tinh nóng chảy, đá hay chất thải công nghiệp.

Một mái nhà có thể tồn tại hàng trăm năm - một trong những mái nhà rong biển còn tồn tại trên đảo có tuổi thọ đã hơn 300 năm - nếu đem ra so sánh thì mái nhà gạch ngói bê tông thường tồn tại khoảng 50 năm.

Sự kết hợp giữa tính chất bền vững và di sản này đã lọt vào mắt kiến trúc sư người Mỹ sống ở Copenhagen, Kathryn Larsen, người đang nghiên cứu cách lợp mái rong biển truyền thống trên đảo Læsø có thể được cải tiến để ứng dụng vào những loại vật liệu xây dựng bền vững đương đại trên thế giới.

Khi học tại Trường Thiết kế và Công nghệ Copenhagen KEA, luận án của Larsen tập trung vào mái nhà rong biển ở đảo Læsø, là chủ đề có ít tài liệu trong tiếng Anh.

"Nó trở thành bí ẩn lớn với tôi vì hầu hết thông tin viết bằng tiếng Đan Mạch," bà kể lại. "Tôi đã thực sự bị nó hu hút trong vài năm: Tôi học thêm tiếng Đan Mạch và sau đó có thể tìm hiểu thêm về nó và trở đi trở lại chủ đề này. Nó trở thành thôi thúc thực sự."

Vì đảo Læsø có ít tài nguyên, dân đảo đã để mắt nhìn ra biển tìm kiếm vật liệu xây dựng

Sau khi biết trường của bà có nguồn cung cấp rong lươn từ những nhà nông địa phương chuyên cung cấp rong biển, Larsen bắt đầu thử nghiệm "cho vui".

Bà phát triển các tấm đúc sẵn sử dụng trên mặt tiền nhà và mái nhà để làm lớp cách nhiệt bền vững gia cố thêm vào chất liệu cách nhiệt chính, và bà lắp đặt các tấm này trên mái của trường để xem rong lươn sẽ phản ứng ra sao với các yếu tố khác theo thời gian.

Tuy nhiên, sau đó bà sớm nhận ra bà cần phải lắp đặt ở nơi nào đó công cộng hơn. "Rất nhiều người thực sự nghi ngờ," bà chia sẻ về việc sử dụng rong lươn.

Vào cuối năm 2019, bà bắt đầu thực hiện dự án Hàng hiên Rong biển (The Seaweed Pavilion), một công trình kết hợp các tấm rong biển vào cấu trúc gỗ trong sân trường KEA.

"Tôi muốn mọi người ngồi bên dưới chúng và tự trải nghiệm trực tiếp. Mọi người luôn ngạc nhiên khi họ nghĩ nó hẳn sẽ bốc mùi hoặc nhớp nháp, vì vậy khi có nhiều tương tác tích cực với chúng, tôi hy vọng sẽ thay đổi định kiến đó."

"Điều mà tôi thực sự muốn truyền đạt, đó là đây là cách lắp đặt tự nhiên rất tốt," bà chia sẻ, và giải thích rằng với vật liệu này, bạn sẽ không cần đến lớp chống ẩm, vốn không thông khí.

"Bạn có thể sử dụng rất nhiều chất liệu này mà không khí vẫn thông thoáng qua tòa nhà, không bị bí ở bên trong, vì vậy toàn bộ công trình có thể thở và không khí đạt chất lượng tốt hơn nhiều."

Mái nhà làm từ rong lươn có thể tồn tại hàng trăm năm

Larsen muốn thay đổi cách nhìn nhận của ngành công nghiệp xây dựng đối với các kỹ thuật cũ, vốn không chỉ "tốt hơn cho môi trường nhờ vào việc sử dụng các tài nguyên tự nhiên tái tạo, mà còn có thể xây nên những công trình lành mạnh hơn cho chúng ta. Về căn bản, ta đã tìm ra, [sau đó] ta lại mất tất cả những kiến thức này và [giờ đây] ta đang giam mình vào một cái hố to hơn, nơi mà chất lượng không khí trong các tòa nhà ngày càng tệ hại."

Vì rong lươn mọc khắp thế giới, bà thấy có rất nhiều tiềm năng trong việc việc biến chúng thành vật liệu xây dựng bền vững trên toàn cầu, "miễn là người ta thu hoạch và sử dụng chúng tại chỗ".

Rong lươn mà bà sử dụng ở Hàng hiên Rong biển là do Kurt Schierup thu hoạch và chế biến. Ông dùng kỹ thuật thu hoạch và phơi khô mà những phụ nữ trên đảo Læsø sử dụng, tuy ông dùng máy móc chứ không làm thủ công.

Và dù ông mới thành lập công ty thu hoạch rong lươn, Møn Tang, vào năm 2016, nhưng Schierup đã làm việc này từ thời thơ ấu những thập niên 1950 trên hòn đảo Tærø (Taeroe, viết theo ký tự Latin) ở Đan Mạch, nơi rong lươn được xuất khẩu ra quốc tế để làm vỏ nệm ghế, cách nhiệt và làm chiếu. Chỉ riêng điều nhỏ bé này trong lịch sử đã cho thấy rõ rệt việc chất liệu rong lươn từng phổ biến ra sao.

"Khi tôi còn bé, hồi 50 năm về trước," Johansen kể, "mọi người đều ngủ dưới mái nhà rong lươn ở Đan Mạch. Nhưng rồi nhựa xuất hiện, rất rẻ. Vì vậy, trong 50 năm tất cả kiến thức về rong lươn đã biến mất."

Ở đảo Læsø, Johansen vẫn còn phải thay 10 mái nhà nữa. Đó là dự án dài hơi, nhưng là dự án ông nói ông không muốn hoàn thành "vì kể cho bạn nghe lịch sử sẽ dễ dàng hơn khi bạn đến và xem tôi sửa những ngôi nhà cũ."

Du khách đến đảo Læsø được mời đến tham quan ông làm việc vào các ngày trong tuần vào mùa hè, ở đây họ có thể được xem trực tiếp "cách nó vận hành, chất liệu và nó thú vị ra sao".

Ông nói rong lươn là một phần di sản thế giới. "Bạn có thể đến Læsø và tôi có thể cho bạn xem lịch sử của chính bạn từ đất nước của bạn" vì nó từng được sử dụng phổ biến khắp thế giới - từ Biển Wadden của Hà Lan nơi nó được dùng để xây các kè ven biển đến vùng New England nơi người ta cách nhiệt nhà bằng các tấm cách nhiệt và cách âm Cabot's Quilt làm từ rong lươn khô.

"Nó có lịch sử đồ sộ, vốn đã bị quên lãng nhanh chóng và giờ đây tôi bắt đầu kể lại câu chuyện đó. Thật dễ dàng khi kể câu chuyện khi bạn đứng cạnh một mái nhà cực kỳ cũ kỹ, nhìn lên nó và người ta nói 'đúng là một chất liệu buồn cười'."


Karen Gardiner