có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 8 29, 2020

Âm nhạc trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ


Cố thương nghị sĩ John McCain, một trong những ứng viên tổng thống tham gia cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa năm 2008. Ông chọn ca khúc của ABBA Take a Chance on Me cho chiến dịch vận động tranh cử. Ảnh minh họa ngày 05/02/2008 tại San Diego, bang California. ASSOCIATED PRESS - Charles Dharapak


Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 đang nóng lên từng ngày. Truyền thông là phương tiện bản lề trong chiến dịch tranh cử, trong đó, âm nhạc không thể nằm ngoài chiến lược truyền thông. Ý tưởng cốt lõi là truyền tải thông điệp chính trị qua các ca khúc và tận dụng lượng fan trung thành bỏ phiếu. Hãy cùng điểm lại các danh sách nhạc đã và đang được lựa chọn trong vòng 30 năm qua.


Nguyên tắc “Không tắm hai lần trên cùng dòng sông”

Mọi thứ đều có tính thời điểm và một bài hát được ưa thích, hâm mộ đều có lý do riêng. Vì thế, mỗi ca khúc thường chỉ sử dụng một lần duy nhất trong chiến dịch tranh cử, rất hiếm để “tua lại” trong đợt tái tranh cử. Mỗi chiến dịch đều cần những thông điệp mới mẻ, phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội diễn biến phức tạp như xứ sở Cờ Hoa.

Năm 2008, chiến dịch của tổng thống Barack Obama gắn với bản nhạc soul Signed, Sealed, Delivered I'm Yours của nam danh ca da màu Stevie Wonder. Một ca khúc vui nhộn, hào hứng với ca từ “Signed, sealed, delivered, I'm yours. Here I am, baby. You got my future in your hands.” (Hãy ký, niêm phong, và chuyển nó đi và tôi đã thuộc về bạn. Cả tương lai của tôi nằm trong tay bạn).

Hết nhiệm kỳ đầu tiên của Obama, cuộc khủng hoảng tài chính khởi nguồn từ Mỹ năm 2008 đã lan rộng toàn cầu, gây ra suy thoái nghiêm trọng. Ca khúc vui nhộn của Stevie Wonder giờ không còn phù hợp với bối cảnh xã hội lúc này. Khi tái tranh cử năm 2012, đảng Dân Chủ của ông Obama sử dụng ca khúc sâu sắc hơn We Take Care of Our Own (Chúng ta tự chăm lo bản thân) của ngôi sao rock Bruce Springsteen. Bài hát khắc họa con người trở nên khô khan, lạnh lùng hơn và không còn sẵn lòng giúp đỡ nhau sau những năm tháng kinh tế trở nên khó khăn: “I've been stumblin' on good hearts turned to stone. The road of good intentions has gone dry as a bone” (Tôi đã từng ngã vào những trái tim nhân hậu giờ đã hóa đá. Những con đường mang tên thiện chí đều khô cạn như những bộ xương khô).

Tuy nhiên, phần điệp khúc lại có phần lạc quan, tươi sáng hơn với giấc mơ Mỹ “Wherever this flag is flown/We take care of our own” (Bất cứ khi nào quốc kỳ tiếp tục tung bay, Chúng ta sẽ tự chăm lo cho bản thân mình). Thông điệp này khá phù hợp, khơi gợi với trọng tâm cải cách hệ thống y tế Obamacare do đảng ông Obama đề xuất. Phải chăng hiệu ứng lan tỏa của âm nhạc sẽ nâng tầm thông điệp tranh cử của các ứng viên?

Ngoài ra, chuyện “cũ người, mới ta” được xem khá bình thường khi hai ứng viên khác nhau có thể khai thác cùng một ca khúc, miễn là khác thời điểm. Đơn cử như ca khúc Only in America (Chỉ có ở nước Mỹ) do bộ đôi country Brooks & Dunn’s thể hiện lọt vào mắt xanh của ông George W. Bush, lúc đó trong chiến dịch năm 2000. Ca khúc này cũng được ứng cử viên Dick Cheney chọn năm 2004, và thậm chí cả chiến dịch tổng thống Barack Obama sử dụng năm 2008 (dù không phải là ca khúc chủ đạo).


Lựa chọn nào cho đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa?

Các chính trị gia Hoa Kỳ khá ưa thích các ca khúc rock với thể loại đa dạng: từ folk-rock nhẹ nhàng của Fleetwood Mac đến punk-rock, rock and roll như nhóm Rolling Stones, Neil Young. Cho dù thể loại nào thì nội dung bài hát phải hợp tông, cùng màu với thông điệp tranh cử của các chính trị gia.

Tuy nhiên, một số ứng viên có những lựa chọn khác thường. Ví dụ như ứng cử viên đảng Cộng Hòa, John McCain, người qua đời năm 2008 vì bệnh ung thư não, đã chọn ca khúc của ABBA Take a Chance on Me năm 2008. Ông tự nhận mình là fan ruột của nhóm ABBA với ca từ vui nhộn hơn là thông điệp chính trị: “Honey, I'm still free. Take a chance on me. Gonna do my very best.” (Em yêu, Anh vẫn còn tự do, hãy trao cho anh một cơ hội, anh sẽ làm tốt nhất có thể). Ca khúc này khiến ông trở nên nhẹ cân trước các đối thủ tiềm năng với câu hỏi xoáy “Anh có gì để mất không?”

Ở một khía cạnh khác, sinh ra trong gia đình giàu có, nghị sĩ John Kerry tham gia tranh cử năm 2004 với ca khúc Fortunate Son (Chàng trai may mắn) của nhóm rock CCR thập niên 70. Đây là một ca khúc phản chiến vào thời điểm chiến tranh Việt Nam, điệp khúc nhấn mạnh “It ain't me, it ain't me, I ain't no millionaire's son, no.” (Không phải là tôi, tôi không phải là con nhà triệu phú). Sự thất bại của John Kerry, đảng Dân Chủ, trước ứng cử viên nặng ký của đảng Cộng Hòa, George W. Bush, có thể lý giải phần nào từ việc lựa chọn không hợp lý với phần âm nhạc. Bài hát nhấn mạnh vào thành tích quá khứ tham gia quân ngũ của Kerry hơn là thông điệp hành động cho tương lai.

Ở góc độ thú vị khác, các chính trị gia nước Mỹ dường như đều yêu mến nghệ sỹ Tom Petty và các ca khúc của ông. Tom Petty là nhạc sỹ-ca sỹ, kiêm guitar chính của nhóm rock Tom Petty and the Heart Breakers.Ông sinh năm 1950 và qua đời năm 2017 do sử dụng thuốc kê đơn quá liều. Âm nhạc của Tom Petty có giai điệu giản dị nhưng cuốn hút, tiết tấu vừa phải, đặc biệt tính nội dung sâu sắc.

Không quá ngạc nhiên, khi ứng viên Đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton sử dụng ca khúc American girl (Cô gái Mỹ) trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Về phía đảng Cộng Hòa, George W.Bush (con) và kể cả tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng khá mê nhạc bản nhạc I won’t back down (Tôi sẽ không lùi bước). Âm nhạc Tom Petty vẫn tiếp tục vang lên trong chiến dịch tranh cử của Bush và Trump sau 4 năm.

Well, I know what's right ; I got just one life ; In a world that keeps on pushin' me around ; But I'll stand my ground ; And I won't back down.

Tôi hiểu rõ đúng sai ; Tôi chỉ có một cuộc đời ; Thế giới này đẩy tôi đi xa khắp nơi ; Nhưng tôi vẫn đứng vững ; Và sẽ không bao giờ lùi bước


Ồn ào quanh chuyện bản quyền

Vấn đề bản quyền trở nên khá căng thẳng nếu chiến dịch tranh cử sử dụng ca khúc thiếu sự đồng thuận của tác giả. Đơn cử như tổng Thống đương nhiệm Donald Trump đối mặt với liên tiếp các vụ kiện tụng liên quan tới bản quyền âm nhạc. Ông từng thành công trong chiến dịch tranh cử năm 2016 sử dụng ca khúc rock sôi động của Neil Young Rocking in the free world (Rung chuyển thế giới tự do).

Mới đây, Neil Young đã chính thức kiện Trump vì sử dụng bài hát trái phép, đòi bồi thường với số tiền 150.000 đô la Mỹ. Chi tiết khá thú vị là Neil Young phớt lờ việc kiện tụng trong quá trình đổi quốc tịch từ Canada sang Mỹ trong suốt 5 năm. Sau chiến dịch của ông Trump tại Tulsa, Oklahoma và núi Rushmore, Young, giờ đây trở thành công dân Mỹ, mới chính thức khởi kiện.

Không chỉ riêng Neil Young, nhóm rock lừng lẫy The Rolling Stones lên tiếng cáo buộc ông Trump sử dụng âm nhạc họ khi chưa được sự chấp thuận. Chiến dịch của ông Trump đã sử dụng bản hit lừng lẫy You Can't Always Get What You Want (Bạn không dễ dàng có những thứ bạn muốn) tại Oklahoma và trước đó, trong đợt tranh cử năm 2016. Nhóm nhạc này không ủng hộ Trump. Kể cả gia đình nghệ sỹ Tom Petty cho rằng ca khúc của Petty không phù hợp với màu sắc chính trị của Trump.

Cuộc đua gay cấn giữa hai Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa vẫn chưa có hồi kết giữa hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump. Bên cạnh đó, cuộc đua về âm nhạc cũng tỏ ra không hề thua kém với nhiều bài học nhãn tiền về lựa chọn không phù hợp. Để giải bài toán khó về âm nhạc, luôn cần sự kiên nhẫn và giác quan nhạy bén.


Gia Trình
(Theo BBC, Variety)