Viết là vẽ trên giấy những con chữ.
Nhớ lại lúc mới bắt đầu đi học, phải cầm cây viết, chấm mực, móc lên kéo xuống, vòng bên phải quẹo bên trái… chẳng giống cái gì ra cái gì.
O tròn như quả trứng gà /Ô thì đội mũ, ơ là thêm râu.
Bị la bị rầy, bị ép mãi rồi cũng phải viết được. Xê-hát-o-cho-sắc-chó, em-mờ-e-me-e-o-eo-là-meo-huyền-mèo, anh-nờ-hát-a-nha-huyền-nhà, đờ-i-đi xê-hát-ơ-chơ-nặng-chợ…Từ đó, dần dần, cậu học trò bắt đầu với cái thú mới: thú chữ nghĩa. Như chiếc đũa thần, chữ giúp cậu đi vào một thế giới hoàn toàn khác, hư thực nhập nhằng: từ cô Tấm cô Cám, hoàng tử Nhái, đến cô bé lọ lem, Lâm Sanh Xuân Nương, Thạch Sanh Lý Thông, Thoại Khanh Châu Tuấn…, toàn là chuyện và chuyện: người ta ghép chữ thành câu, ghép câu thành sự, kết sự này qua sự kia thành một chuỗi, kể lại, viết ra sống động đến nỗi nghe “thực” hơn cả cái thế giới thực ở bên ngoài.
Thì ra, chuyện là biến không thành có và biến có thành không; tắt lại, nói láo. Nói láo là tội. Nhưng bịa đặt ông thần này, bà tiên nọ, hay con ma, con quỷ, có lớp có lang, có câu có kéo thì nghe ra… chẳng còn là nói láo. Và từ đó, chữ chẳng còn o tròn, ô đội nón, ơ thêm râu hay nét móc, nét thẳng nữa. Cũng không cần đến viết mực, viết máy, viết chì. Bây giờ, ngay cả hành động ‘viết” cũng không còn nữa mà là “đánh” (máy), “gõ” (bàn phím), “sao chép và dán” (copy & paste).
Từ chữ thủ công lên đến chữ công nghiệp, từ chữ thực đến chữ ảo. Chúng chỉ còn là những ký hiệu vô hồn, nhưng điều cốt tủy là: chữ thì đeo theo nghĩa và dù láo dù thật, chữ và nghĩa gắn liền với cuộc đời.
Kinh nghiệm chữ thú vị nhất, mang chút ít sáng tạo đầu tiên trong đời tôi là… viết thư tình. Bị một cô hàng xóm ám ảnh, tôi sử dụng số vốn chữ ít ỏi của mình để bịa tình, bịa cảnh. Và cho thêm nhiều gia vị. Như cái hộp chứa đồ, tôi bỏ món tình tôi vào chữ: một trang giấy đầy chữ gửi tới nàng. Nàng mở hộp, lấy món tình ra và… đọc. Đọc nhiều lần quá, nàng cảm động bèn gửi biếu lại tôi món tình nàng, cũng bằng… chữ. Cuối cùng, bịa mà thành thực. Nhờ chữ!
Sau này, nghiện văn, thơ, tôi sa hẳn vào thế giới chữ. Đọc chữ, viết chữ. Không còn là vẽ từng con chữ một, mà là gõ ra từng loạt chữ, nói cho văn hoa là… sáng tác. Lúc đầu, tôi cố viết, cố đẻ chữ, chế chữ, vặn vẹo câu kéo với mục đích rất chân chính là đưa vào trong chữ của mình những điều có thực, phản ảnh những gì diễn ra chung quanh, tìm cách gói ghém những gì trong đời sống vào chữ.
Nhưng chữ không chiều người. Chữ có hạn, mà chuyện thì muôn màu muôn vẻ. Chúng không kham nổi khối lượng bề bộn, ngổn ngang của hiện thực. Nếu ví chữ như một loại bao bì, thì kích cỡ của chúng quá nhỏ so với hiện thực. Bọc được đầu này thì lòi đầu nọ, túm phía bên này thì hở phía bên kia. Mà chở nặng quá, chữ không bay được lên trời, không bơi được ra biển lớn. Không… văn chương.
Vả, chữ cột với nghĩa. Mà nghĩa thì chao ôi, mông lung, bất định. Lắm khi, chữ một đàng mà nghĩa thì một nẻo! Văn dĩ tải “thực” đã khó, nói gì đến chuyện văn dĩ tải “đạo”.
Tải đạo? Nội chữ “đạo” không thôi cũng đã tốn giấy tốn mực tốn thời gian cãi vả để rốt cuộc chỉ có mấy chữ văn/ dĩ/ tải/ đạo nằm tênh hênh trên giấy! Thôi thì chỉ còn cách là đùa chơi với chữ. Có chứa chút nào hiện thực thì tốt, không có cũng chẳng sao.
Nghiệm lại, những áng văn hay thường bịa nhiều hơn thực. Trong văn, chữ còn gói được dăm điều ba chuyện bên ngoài. Thơ đi xa hơn. Trong thơ, chỉ có chữ gói lấy chữ.
Cái “hay” nghe ra, khó tách lìa khỏi cái “bịa”!
Nói bịa, nghe bôi bác. Xin nói lại: hư cấu.
Hư cấu chẳng phải là bịa hay sao, nhưng nghe sang hơn, đẹp hơn. Chữ nó lạ thế đó!
Hàng ngày, chúng ta sống với chữ. Mọi chuyện trên đời đến với ta đều phải băng qua ngưỡng chữ. Chữ vây hãm chúng ta. Tới trường, học chữ. Tới sở, đọc chữ. Ra phố, nhìn chữ. Vặn máy thu thanh, nghe chữ. Gặp bạn, nói chữ. Tỏ tình, chữ. Chia tay, chữ. Xin việc, chữ. Suy gẫm chuyện đời, chữ. Sáng tác, tìm chữ. Viết tiểu luận, nghĩ chữ. Lên mạng, chạm ngay từng rừng chữ. Trùng trùng điệp điệp chữ, mênh mông chữ!
Chữ có lẽ là món hàng thừa mứa và rẻ nhất mà chúng ta có. Tuy thế, nói như N. A. Berdyaev, “Chữ có một quyền năng lớn lao trên đời sống chúng ta, đó là một quyền năng huyền bí. Chúng ta bị chữ quyến rũ và với một mức độ đáng kể, chúng ta sống trong vương quốc của chúng. Chữ hành động, giống như những quyền năng độc lập, và độc lập với chính nội dung của chúng” (1).
Chữ không phản ảnh hiện thực (bịa mà!), nhưng lại có tác động vô cùng to lớn vào hiện thực. Chúng làm biến dạng, làm thay đổi hay thậm chí tạo ra hiện thực.
Một lý thuyết hay có thể chuyển đổi khuôn mặt xã hội và nếp sống hàng ngày.
Một cuốn sách, một bản tuyên ngôn, đôi khi một câu khẩu hiệu có thể huy động người ta lao vào chỗ chết.
Trong cuộc đời thường, chữ làm vui nhau mà cũng làm đau nhau. Giận, lấy chữ mà giận. Thù, lấy chữ mà thù. Yêu, cần chữ để yêu. Nhớ nhung cũng phải có chữ mà nhớ. Lắm lúc, thêm một chữ thì chia lìa, bớt một chữ mà đoàn tụ. Chữ quấn quýt quanh ta không rời. Như hình với bóng. Như mặt trái mặt phải của một đồng tiền. Quay phía nào cũng đụng bức tường chữ. Bên kia bờ chữ là gì, ai mà biết. Có cách gì chúng ta có thể bước ra ngoài ngôn ngữ để tiếp cận một thế giới thực sự? Dường như: không!
Biết thế, các nhà nước toàn trị trị dân bằng chữ. Họ bắt người dân xài một số chữ và cấm xài một số chữ khác. Ở Trung Quốc, theo tin cho biết, người ta không thể google hai chữ “dân chủ” hay “nhân quyền.” hay Thiên An Môn. Cũng thế, ở Việt Nam, chữ phải xếp hàng về một phía. Bước qua phía bên kia thì sẽ nhận ngay một chữ: tù.
Chẳng lạ gì, khi mới chiếm được miền Nam, việc đầu tiên mà nhà cầm quyền cộng sản làm ngay, là phát động phong trào bài trừ “văn hóa đồi trụy”, mà thực chất là tiêu diệt toàn bộ sách vở báo chí miền Nam, tiêu diệt chữ nghĩa miền Nam. Nó nhắc ta nhớ đến chính sách “phần thư, khanh nho” (đốt sách chôn học trò) thời Tần Thủy Hoàng ở Trung Hoa.
Cuộc đấu tranh giữa hải ngoại và các nhà bất đồng chính kiến trong nước với nhà nước cộng sản bây giờ là cuộc đấu chữ, đấu nghĩa. Nhà nước cộng sản cố bít chữ, chặn chữ. Người hải ngoại và bất đồng chính kiến cố chọc thủng bức tường “ô nhục” để tuồn chữ vào công luận bằng tất cả những phương tiện có được.
Chữ, nói như I.A. Richards, tự bản chất là không xấu không tốt không đúng cũng chẳng sai. (2) Chữ “dữ” không có gì là ác; chữ “hiền” chẳng có gì là “không ác”, chữ “cách mạng” không có gì là thay đổi, chữ “phản động” không có gì là chống nhà nước, hay chữ “nhân quyền” không có gì là quyền con người, vân vân và vân vân.
Nhưng do cách dùng, chúng đến với chúng ta y như mỗi chữ đều có cá tính riêng, nội dung riêng, có thể quy định tính cách, trạng huống của sự vật, và lắm khi quy định cả nhân cách, bản sắc và số phận của từng người. Tên họ chẳng hạn: mỗi người chịu đựng một cái tên; đôi khi mỗi tên đeo theo một nhãn hiệu. Khi thấy tên mình xuất hiện trên mặt báo kèm theo những lời chê bai, chỉ trích chẳng hạn, ta cảm thấy y như ai đó lấy tay véo vào da thịt đau nhói. Vậy cho nên, nhái theo Trịnh Công Sơn, Làm sao em biết con chữ không đau!
Không có đời sống thì không có chữ. Không có chữ thì không có nghĩa. Không có chữ nghĩa thì không có văn chương.
Chữ như một tấm kính chắn gió không trong suốt, qua đó, ta nhìn dung nhan cuộc đời. Nó là tấm lưới: lưới chữ. Lưới chữ tuy thưa nhưng xem ra khó thoát! Nó cũng là chiếc xe chở hàng… chế biến.
Hiện thực cuộc đời, qua chữ, được chế biến thành thế giới hư ảo mông lung của văn chương.
Giống thì có giống nhưng cũng khác biệt vô cùng.
Trần Doãn Nho
(Trong tập tạp bút “Chữ nghĩa văn chương cuộc đời”)
__________________________
Ghi chú:
(1) Nikolai Alexandrovich Berdyaev (1874-1948), Words and Reality in Societal Life
(2) Xem I.A. Richards, The Philosophy of Rhetoric, Oxford University Press, New York 1965, tr. 48