có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 3 27, 2020

Người đàn bà trên bến sông



Mẹ tôi cần tìm mua một đứa trẻ làm con nuôi. Không phải cho bà, bà đã có nhiều con, trai gái đủ cả, mà cho cô em họ trên tỉnh, lấy chồng mười năm không con. Một lần mẹ tôi đến bến sông, dẫn tôi theo, có lẽ bà tin một thằng bé lên năm tuổi không thể biết gì về chuyện người lớn, và nếu có nhớ một lúc thì lớn lên cũng quên mất.

Mẹ tôi đã lầm.

Đó là người đàn bà thứ mười bảy trong cái xóm nhỏ, ven sông, gồm mười bảy người đàn bà. Số đàn ông ít hơn nhiều vì họ phải đi lính hay nhảy bưng. Không ai để ý đến người phụ nữ trong căn nhà tranh cuối cùng, trên doi đất hẻo lánh, cuối bãi đất bồi gần sông, gọi là xóm hà. Đất bồi thì tốt, trồng bắp trồng đậu xanh ngắt. Năm nào cũng được mùa, nhưng đất bồi là đất mới, dễ lún, không thể làm nhà gạch vững chắc, người ở xóm hà bị dân làng coi thường cũng như đối với nghề chài lưới và những kẻ sống trên sông rạch, cũng như rất nhiều thành kiến khác của chúng ta, như người bổn xứ thì coi khinh kẻ ngụ cư, kẻ ngụ cư khinh kẻ mồ côi, kẻ mồ côi khinh bọn nằm vùng, bọn nằm vùng khinh me Mỹ me Pháp, rồi chính sau này đám ấy lại lùa phụ nữ đi lấy chồng ngoại kiều vân vân. Vậy, người đàn bà ở đó, một mình, trong căn nhà nhỏ, không bà con, không bạn, không ai hỏi thăm, không ai biết gì về chị, nửa đêm không ai gõ cửa, trong vườn nhà ấy những con gà lủi thủi kiếm ăn, gà trống không biết gáy, đồng hồ không điểm, lịch sử làng quê dừng lại đó.

Căn nhà ấy không có địa chỉ. Những người cán bộ bình định nông thôn đầu những năm 1960 đầu đội mũ nhựa vàng, mang sau lưng những cái bơm màu bạc rất nặng để phun thuốc diệt muỗi DDT, họ đi khắp hang cùng ngõ hẻm, phun loại thuốc nước màu trắng lên tất cả các bức tường, mùng màn chăn chiếu của nhà tôi, nhờ thế mà nạn muỗi mòng quả nhiên giảm bớt rất nhiều nơi vùng nông thôn ẩm thấp, dù sau này chất thuốc ấy bị phát hiện gây hại nên không dùng nữa thì nó vẫn cần được ghi công như một bước nhảy vọt lịch sử đẩy lùi căn bệnh sốt rét rừng do muỗi truyền, nỗi ám ảnh khủng khiếp của nông dân, vẫn quên bẵng không ghé vào căn nhà ấy. Người đàn bà không đi chợ, không qua đò, không ăn, không thắp đèn, không ai lui tới nhà chị trừ những người có nhu cầu đặc biệt như mẹ tôi.

Lúc ấy chị vừa sinh, lần thứ mười hay thứ mấy tôi không biết chính xác, được vài tháng, hết ở cữ. Đứa con bụ bẫm nằm trên nôi, mặt nhẹ nhõm, tay cầm một vật gì như đồ chơi, thấy người lạ không khóc, đứa bé nằm im, không ra vẻ chào đón hay phản đối. Tôi nhớ đó là bé trai nhưng cũng không chắc. Hai người đàn bà trò chuyện thì thầm với nhau, tôi ngồi trên bậc cửa, liếc nhìn cái nôi một lát đâm chán quay đi. Người đàn bà thứ mười bảy tiễn mẹ tôi ra cửa, mẹ tôi bịn rịn tiếc nuối, còn chị thì thở dài, tiếng thở dài của chị dài như một quãng đường. Hai người dừng lại trước thềm dột nước từ mái tranh, có cái chậu thau hứng nước mưa, một lúc lâu. Người đàn bà nói câu cuối cùng trước lúc chia tay, rất nhanh nhưng rõ, tôi nghe kịp.

Chị bảo mẹ tôi, em đã lỡ hứa với người ta rồi. Nhưng chị yên tâm chờ tới lượt khác em sẽ để dành cho chị. Tôi nhớ giọng nói ấy: dịu dàng, mộc mạc, không ra vẻ xin lỗi cũng không ra vẻ chào mời, thản nhiên nhưng không lạnh lùng, cách nói của một người không hài lòng với số phận nhưng cũng không căm ghét chi số phận ấy. Người đàn bà tiếp tục sống ở đó nhiều năm nữa, nhưng mẹ tôi hoàn toàn không nhắc gì đến chuyện đi tìm mua một đứa con nuôi khác. Rồi chiến tranh loạn lạc, tôi đi học xa quê, có lần về vội, qua trước ngôi nhà của người đàn bà, nhác thấy một cậu bé chín hay mười tuổi đứng chơi trong sân, không biết con nhà ai, có phải là thằng bé ngày trước không, tôi tò mò bước vào, nhưng vừa qua khỏi cái cổng tre, gặp bụi bông trang nở nỏ rực cao gần ngang đầu, thì không thấy nó đâu nữa.


Nguyễn Đức Tùng