có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 3 06, 2020

Chuyện trái tim


Henri Matisse, Quả Tim (Le Coeur) 
(ấn bản VII, trang 50 and 51) từ tập Jazz 1943–47 (1947)

Tim là một khối cơ (muscular organ) và là khối cơ nhạy cảm: một bộ máy xúc động. Khi gặp tình huống gây càm xúc, não bộ gửi một tín hiệu vào tuyến thượng thận, tuyến này sẽ phóng thích một số kích thích tố vào cơ thể, khiến gia tăng lượng máu chảy từ tim và gây ra cảm giác hưng phấn vào trung tâm não bộ, làm tăng nhịp đập của tim khiến cơ thể đổ mồ hôi và má đỏ lên.

Tim, vì thế, không chỉ là tim. Cái khối cơ đo đỏ trông ngon lành đó, khi nhảy vào ngôn ngữ, thì biến dạng. Trở thành “quả”: quả tim. Trở thành “trái”: trái tim. Lắm khi, trở thành một cái gì nhỏ nhoi, tém tủm, gọn nhẹ và nghe có vẻ…yêu kiều: con tim.

– tỏ tình, cua kéo, tán tỉnh: gõ cửa trái tim

– yêu là yêu, bất chấp tất cả: mệnh lệnh con tim,

– gặp rồi mà phải rời xa: “anh đã để quên con tim” (Đức Huy)

– muốn tỏ tình mà không dám nói: “tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ.” (Nguyễn Văn Tý).

– khi bị cô bồ bỏ ngang: trái tim đàn bà

– chung thủy đến cùng: trái tim son sắt

– khi toàn là toan tính hơn thiệt, khô khan, tê cứng: trái tim đàn ông.

– bị đe dọa bằng bạo lực: “Đem bục công an đặt giữa trái tim người” (Lê Đạt).

– bị khước từ tình yêu: trái tim đau, trái tim vỡ nát, trái tim vụn vỡ.

– yêu đại, yêu ẩu bất chấp hậu quả: trái tim khờ dại, trái tim lầm lỡ.

– yêu nhiều mà rồi bị phản bội nên không thèm yêu nữa: trái tim hóa đá, trái tim câm, trái tim khép lại.

– dửng dưng, không biết rung động: trái tim sắt đá.

– yêu bao dung, yêu nhè nhẹ: trái tim dịu dàng.

– yêu hoài yêu mãi một người suốt đời rồi từ kiếp trước đến kiếp sau: trái tim ngục tù (Đức Huy).

– yêu muộn, yêu chậm để người khác cướp đoạt trái tim trước, nên không còn biết rung động với người đến sau: trái tim mùa đông, trái tim khô (Trúc Hồ),

– yêu mà không dám yêu, vừa yêu vừa sợ: trái tim bé bỏng, trái tim thỏ dế

– đang yêu: trái tim có chủ

– chưa hề yêu: trái tim vô chủ.

– gặp ai cũng yêu, hễ gặp là yêu: trái tim hoang đàng.

– yêu mà bị phản bội te tua: con tim rướm máu

– đi vòng vòng để tìm tình: trái tim đi hoang

Còn nữa: con tim thổn thức, con tim thật thà, con tim khát khao, con tim dối lừa, đánh cắp con tim, trái tim hai mặt, trái tim muộn phiền, trái tim bụi đường, con tim loang lổ, trái tim xấu số, trái tim đa đoan, trái tim chín chắn, trái tim ưu phiền, con tim bối rối…

Quả là có phân biệt đối xử ở đây: chỉ thấy “trái” và “con” mà không thấy “quả”. Quả cũng là trái, trái cũng là quả, ấy thế mà nói “trái tim dại khờ” hay “con tim khờ dại” thì nghe …có vẻ khờ dại hơn là “quả tim dại khờ”! Đố ai tìm ra giúp một câu thơ hay một bài thơ có “quả tim đi hoang” hay “quả tim bé bỏng” hay “quả tim hóa đá”…?

Tiếng Anh không đến nỗi rắc rối như tiếng Việt. Heart là heart, không “trái”, không “con” mà cũng chẳng “quả” gì hết. Heartless/have no heart (trái tim tàn nhẫn, trái tim khô), win heart (chiếm được con tim), a false heart (trái tim giả dối, trái tim phản trắc, trái tim lừa lọc, trái tim đàn bà), a hard heart (trái tim sắt đá), break my heart (trái tim vỡ nát, vỡ vụn, tan nát), a change of heart (trái tim phản trắc), a heart of stone (trái tim sắt đá), heart-burning (trái tim hăn học, trái tim hận thù), hearts-ease (trái tim dịu dàng), vân vân.

Trong chữ Hán, tim là “tâm”. Tâm là chữ tượng hình, có hình từa tựa trái tim, ở trên có ba dấu chấm, có lẽ là tượng trưng cho các cuống tim, ở dưới trông giống như cái túi chứa máu.


Dẫu vậy, trong tiếng Hán, tiếng Việt (hay Hán-Việt), tim lại có nghĩa khá rộng. Tim cũng là lòng (bụng): tấc lòng, tấm lòng, hết lòng, cạn lòng, (những điều trông thấy mà) đau đớn lòng, thương tâm, nặng lòng, nhẹ lòng, tốt bụng, xấu bụng. Tâm còn đi với vài bộ phận khác trong cơ thể: tâm hồn, tâm huyết, tâm can, tâm trí. Tâm còn được sử dụng với nghĩa rất tổng quát để chỉ phần bên trong của con người vô hình vô thể, khác biệt với thể xác, bao gồm cả tư tưởng, suy tư, tình cảm, xúc động, ý chí. Ta có: nội tâm, tâm tình, vọng tâm, chân tâm, tâm tư, tâm tưởng, tâm an, an tâm, tà tâm, ác tâm, hảo tâm, thiện tâm, tâm giao…Tâm còn là nhân ái, bác ái, quan tâm, vân vân. Trong tiếng Anh, heart cũng có nhiều nghĩa như thế, tất cả đều diễn tả tình cảm hay ý chí hay xúc động của con người: spìrit, soul, emotion, love, courage, center, important part, confidence…: take heart (lấy cam đảm), lose heart (mất cam đảm), bottom of my heart (từ đáy lòng), open up my heart (mở lòng, trải lòng/trái tim bao dung, trái tim), with all my heart (với tất cả tấm lòng), a heart of gold (tấm lòng vàng) my heart goes out (chia sẻ, thông cảm), vân vân.

Nhưng nói gì thì nói, có lẽ biểu hiện cao nhất của trái tim là tình yêu. Thử đọc một truyện “kinh dị” sau đây:

Nguyễn ghé quán Trăng trong trạng thái hưng phấn. Anh gọi Phượng, cô gái tiếp viên có vẻ đẹp trầm mặc anh thầm yêu. Ánh sáng hồng mờ mờ. Nhạc êm dịu. Không khí đẫm hương hoa hồng. Nguyễn ghì đầu Phượng vào ngực, si mê thì thầm trong tóc nàng:

“Anh yêu em. Phượng.”

Nàng tránh vòng tay Nguyễn, trỏ ngón tay vào trán chàng duyên dáng:

“Chờ xin xăm à!”

Nguyễn kéo Phượng sát lại tha thiết:

“Em có yêu anh không, Phượng?”

“Anh biết mà!”

“Anh không biết.”

Phượng vừa cắn hạt dưa vừa nghiêng đầu, hiếng mắt nhìn Nguyễn, cười cười:

“Lấy tim em ra mà xem, nhá?”

Nguyễn vớ lấy con dao trong đĩa trái cây.

“Thật không?”

Nàng cười:

“Thật.”

Phượng kêu lên thất thanh. Lưỡi dao cắm sâu vào tim. Máu loang đẫm làn ngực thanh tân.

Nàng ngã vào lòng Nguyễn, thì thào:

“Anh… biết. . . Phượng… yêu anh mà. Phượng…yêu . . .anh.”

(Kinh Dương Vương, “Phượng” (Da Màu)[1]


Ghê! Kinh Dương Vương đã sự-kiện-hóa, truyện-hóa hay nói cho đúng, (trái) tim-hóa một chuyện tình: tim là yêu. Yêu là yêu bằng tim, yêu trong tim, yêu với tim.

Từ ngàn xưa, con người đã chuộng hình thức ví von này.

Theo Marilyn Yalom[2], trong thời Hy Lạp cổ, thi ca trữ tình đã gắn liền tình yêu với trái tim. Nhà thơ Sappho, sống vào khoảng thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên ở trên hòn đảo Lesbos, trái tim điên cuồng vì yêu, đã làm những câu thơ say đắm:

Love shook my heart,
Like the wind on the mountain
Troubling the oak-trees.

(Tình yêu day dứt tim tôi
Như gió núi lay động những cây sồi)

Triết gia Platon đề cao vai trò ưu thế của lồng ngực trong tinh yêu và trong những tình cảm xúc động như sợ hãi, giận dỗi, đau khổ. Aristotle đi xa hơn, cho rằng trái tim nằm ở vị trí cao nhất của tình cảm con người.

Vào năm 1344, hình ảnh đầu tiên được nhìn thấy về biểu tượng trái tim nằm trong bản thảo tập The Romance of Alexander, do Picardy by Lambert le Tor và sau đó là Alexandre de Bernay viết bằng tiếng Pháp. Với hàng trăm trang bằng tranh vẽ màu mè, đó là một trong những sách truyện bằng tranh đầu tiên thời Trung Cổ. Một trong những bức tranh có tựa đề “The Heart Offering” (Dâng Hiến Trái Tim) vẽ hình một phụ nữ nâng cao trái tim với hai cái thùy và một dấu chấm ở giữa mà nàng nhận được từ người đàn ông đứng trước mặt nàng như một món quà trong khi người đàn ông chỉ vào ngực trái nơi có trái tim.

Tranh minh họa Dâng Hiến Trái Tim (The Heart Offering) (1338-1344) 
trong The Romance of Alexander, Bodleian Library, Oxford, England

Từ đó, ở Pháp và sau đó lần lượt khắp Âu Châu, hình ảnh trái tim trở nên phổ biến cùng khắp, xuất hiện trên sách vở cũng như trên những đồ trang sức hay trang hoàng như con bài, áo quần, chuôi gươm, vân vân.

Năm 1977, biểu tượng trái tim lại kinh qua một lần chuyển hóa đầy ấn tượng khác: hình thay cho chữ. Vào thời gian đó, thành phố New York đang phải hứng chịu một cơn khủng hoảng toàn diện gần như đang trên đà phá sản: tội phạm tràn làn, rác thải chất đầy trên đường phố không ai dọn. Để cứu vãn tình hình, thành phố thuê nhà đồ họa Milton Glaser vẽ một hình ảnh biểu trưng nào đó nhăm nâng cao tinh thần của cư dân. Ông thiết kế một logo khá đơn giản:


Chữ “yêu” được thay thế bằng biểu tượng trái tim.

I ❤ NY = I love New York.

Với cái logo này, Milton Glaser mang cho trái tim một ý nghĩa mới, vươn ra ngoài giới hạn tình yêu trai gái hạn hẹp và đơn thuần của nó để trở thành một thứ tình cảm bao quát hơn và có tính quần chúng hơn.

Từ đó, ❤ chẳng quả, chẳng trái, cũng không con, nghĩa là không còn là danh từ mà là động từ: to love. Nó vượt khỏi New York để đi vào ngôn ngữ thế giới:

I ❤ you!

Nếu tay thiết kế đồ họa Milton Glaser tim-hóa một cách hiệu quả cái khối cơ nhạy cảm trong cơ thể con người để giúp thành phố New York vượt qua cơn khủng hoảng thì nhà thơ Hoàng Ngọc Biên (1938-2019), ngược lại, có một cách nhìn khác, tuy nhỏ bé hơn nhưng cũng tràn đầy nhân bản:

Tôi đứng trên cầu, thơ thẩn nhìn ra phía sông nước cuối dòng. Chân trời nhuộm một màu đỏ chói chang. Mây không tím không hồng.

Tôi bỗng nghe một tiếng động nhỏ sau lưng, tưởng có người bạn loanh quanh đâu đó nhìn thấy mình, tò mò ghé lại tắm. Tôi quay người và nhận một cú đấm long trời lở đất vào ngực, bất thần, ngay trái tim.

Bàn tay xuyên vào bên trong ngực, đẩy trái tim tôi ra khỏi lưng, rơi xuống sông, Trước sau tôi chỉ nghe một tiếng nước bắn tung toé, tiếng nhỏ và ngọt như tiếng một hòn sỏi rơi, từ dưới sâu vọng lên.
Mọi việc tiếp tục như không có gì xảy ra. Bàn tay biến mất. Tôi rảo bước qua bên kia cầu, trong người nhẹ nhõm, vì không còn ôm trái tim trước ngực, để lúc nào cũng phải thấy lòng nặng trĩu.

(“Chuyện một người không có trái tim”)

Một nghịch dụ (oxymoron)[3] đặc sắc. Thật thâm trầm đáo để, trái tim Hoàng Ngọc Biên!


Trần Doãn Nho 
(2/2020)


-----------------------------------------



[3] Oxymoron: ὀξύμωρος (oxúmōros) [tiếng Hy Lạp cổ, ὀξύς (oxús)“sắc bén, thông minh, nhọn,” với μωρός (mōrós) “ngu xuẩn, dại dột”] thuật ngữ kết hợp hai từ đối nghịch để tạo một hiệu ứng kịch tính cho câu văn. Những cụm từ như “sự im lặng chói tai,” (“a deafening silence”), “sự hỗn độn quy củ” (“controlled chaos”), “của cải ăn mày” (“beggarly riches” – từ bài thơ “Devotions upon Emergent Occasions” (“Kinh Cầu cho Những Giờ Phút Khẩn Trương”) xuất bản vào năm 1624 của thi hào John Donne.