Hình minh hoạ, FRANK RUMPENHORST/DPA/AFP via Getty Images
Tuyết! Đấy là cái ám ảnh dai dẳng của tôi trong một thời gian rất dài. Nước tôi không có tuyết, và lẽ dĩ nhiên cũng không có nhiều món đặc trưng khác của Tây, của Tàu, của Châu Phi chẳng hạn, thế nhưng ước mơ của tôi được thấy tuyết tận mắt là tha thiết hơn cả. Nhớ thời còn học Trung Học, gặp đâu đó một câu thơ hay câu hát I’m dreaming of a White Christmas, cái ước mơ đó càng thêm ray rứt, như mơ về một chốn bồng lai tiên cảnh nào đó mà kiếp này mình không bao giờ đến được. Trong những giấc mơ đó, tôi thấy tuyết đẹp vô cùng dù tôi cũng biết có những cơn bão tuyết làm chết người.
Liệu có kiếp trước, kiếp sau, hay không? Nếu có, chắc là kiếp trước tôi sinh trưởng tại một vùng thuộc Bắc Cực hay Nam Cực, hay Ôn Đới, rồi lìa đời, và trước khi đầu thai làm người vùng Nhiệt Đới của kiếp này, tôi không bị ăn cháo lú. Cho nên nhớ tuyết không nguôi; nỗi nhớ nằm sâu trong vô thức, hay là, xin mượn tiếng Nhà Phật, nằm trong tàng thức. Thế thì nếu kiếp sau tôi là người của Phương Tây, của xứ lạnh, tôi sẽ mơ tưởng những gì? Phải chăng tiếng ve sôi động từng hồi và hoa phượng đỏ rực sân trường muà hè, tiếng ểnh ương ệnh oạng miên man rầu rầu trên những cánh đồng hoang lụt lội mùa đông, tơ trời bay vương vấn trên cao vào mùa thu của những ngày tựu trường sau ba tháng vui chơi, mưa phùn hạt nhỏ như sương mát rười rượi “cuốn theo chiều gió”những ngày sau Tết. Và gì nữa? Còn nhiều lắm, kể sao hết. Nhưng cũng phải kể thêm một nỗi nhớ khác nữa thôi, những rặng tre thân yêu, kiên trì, đu đưa kẽo kẹt quanh năm suốt tháng trong khắp các làng gần, làng xa.
Việt Nam ta từ xưa không có tuyết. Gần đây nghe nói, vì những biến đổi thời tiết, mùa đông tuyết rơi nhiều xuống vùng núi non miền Bắc, Hoàng Liên Sơn, Lào Cay, đặc biệt thị tại trấn Sa Pa. Người ta xôn xao, nao nức. Những người có phương tiện đua nhau đến đó thưởng thức tuyết.
Tuyết mới có tại nước ta, nhưng đã xuất hiện nhiều trong văn chương, phim ảnh.
Trong văn chương, phải kể đến văn chương cổ điển Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Tàu. Mà Tàu thì nhiều tuyết vào mùa lạnh. Chỉ nêu một bài thơ ngắn tả bốn cảnh đẹp của Đỗ Phủ, trong đó tuyết đã chiếm một câu:
Tuyệt Cú
Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên
Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền
Đỗ Phủ
Tản Đà dịch:
Câu Tứ Tuyệt
Hai cái oanh vàng ca liễu biếc
Một hàng cò trắng vút trời xanh
Nghìn năm tuyết núi song in sắc
Muôn dặm thuyền Ngô bến rập rình
Trong ba tác phẩm cổ điển dài hơi rất giá trị của ta đều có tuyết.
Đối với nhà vua khi còn say đắm nàng cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc, tuyết là một nguồn trợ hứng:
Khi ấp mận ôm đào gác nguyệt
Lúc cười sương cợt tuyết đền phong
Nhưng lúc cung nữ bị thất sủng, tuyết trở thành một nỗi thê lương ảo não của nàng:
Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu
Gối loan tuyết đóng, chăn cù giá đông
Với Chinh Phụ Ngâm, trong nỗi nhớ và tưởng tượng của người chinh phụ về những gian khổ của chồng ngoài chiến địa, thì tuyết:
Sương như búa bổ mòn gốc liễu
Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô
Và Truyện Kiều tất nhiên có tuyết. Tuyết là màu da trong ngọc trắng ngà của Thúy Vân:
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
hoặc là một trong bốn vẻ đẹp cổ điển của thiên nhiên – tuyết, nguyệt, phong, hoa:
Đòi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu
Thơ cổ Phương Đông đến với tuyết bằng những nét chấm phá, nhiều khi chỉ mang tính cách biểu tượng. Phương Tây, trái lại, tuyết được mô tả hiện thực, tỉ mỉ, chi tiết, và sống động, trong văn học cũng như trong điện ảnh. Chỉ xin nêu một ví dụ. Vào thập niên 1960, cuốn tiểu thuyết Doctor Zhivago của Boris Pasternak và cuốn phim cùng tên được phổ biến và gây xúc động lớn đối với người đọc truyện và khán giả xem phim ở Sài Gòn hồi đó. Những quay cuồng chóng mặt của một xã hội tao loạn đảo điên bị bứng lên tận gốc rễ bỗng dưng nổi bật lên bằng những hình ảnh tuyết mênh mông trắng xóa cả trời đất, trong đó bác sỹ Zhivago gặp gỡ rồi xa lìa “người tình thất lạc” Lara. Cuộc tình đau thương ấy trong bối cảnh cách mạng vô sản xẩy ra ở Liên Xô rồi lan qua Đông Âu, Tàu, Việt Nam, làm ta nhớ tới những chấn động tương tự khi đọc bài thơ nổi tiếng của Thanh Tâm Tuyền được viết ngay sau cuộc tàn sát đẫm máu của Hồng Quân Liên Xô trên đất nước Hung Gia Lợi, Hãy Cho Anh Khóc Bằng Mắt Em/Những Cuộc Tình Duyên Budapest. Xin chép lại bài thơ Encounter được dịch ra tiếng Anh phần cuối cuốn sách:
Encounter
The snow vill bury roads,
Will cover the roofs deeply.
If I step out to stretch my legs
I will see you from the door.
Alone, in a fall coat,
No hat and no snow boots;
You are trying to be calm,
Nibbling your snow-wet lips.
The distant trees and fences
Recede into the murk.
You stand at the corner
Alone in the midst of the falling snow.
Water runs down your scarf,
Inside your sleeves, your collar,
And melted snow sparkles
In dewdrops on your hair.
And a flaxen strand of it
Lights up your face, your scarf,
Your bravely erect figure,
That wretched coat of yours.
Snow melts upon your lashes.
Sadness in your eyes.
And all of you seems fashioned
Out of a single piece.
It is as if your image
Were being etched forever
With burin and strong acid
Upon my very heart.
Nor can your submissive features
Ever be burnished off.
And so, what does it matter
If the world is stonehearted?
And so, this night is doubling itself
With all its murk and snow
Anh I cannot draw a line
Dividing you and me.
For who are we, and where from,
If after all these years
Gossip alone still lives on
While we no longer lives?
Bài thơ trên nguyên tác tiếng Nga, được Bernard Guilbert Guerney dịch ra tiếng Anh, nay lại từ tiếng Anh dịch ra tiếng Việt. Nhưng như thi hào Mỹ Robert Frost đã nói rất chí lý, Poetry is what gets lost in translation (Thơ bị mất mát khi chuyển ngữ). Đành mạo muội dịch thoát nếu không muốn nói là làm một bài thơ khác phỏng theo bài thơ tiếng Anh. Chỉ mong gợi lên một ít giao cảm, một chút hình ảnh nào đó của tuyết:
Gặp Gỡ
Tuyết rơi đầy đường sá
Tuyết phủ ngập mái nhà
Anh bước ra khỏi cửa
Là thấy em đằng xa
Một mình áo quàng rủ
Không nón không giày ấm
Em đang cố nén lòng
Răng cắn môi lạnh cóng
Bờ dậu cùng hàng cây
Nhạt nhòa trong tối lạnh
Em vẫn đứng một mình
Tuyết mênh mang cô quạnh
Nước là dòng lệ chảy
Ướt đẫm chiếc khăn choàng
Tuyết giọt châu long lanh
Rưng rưng trên mái tóc.
Mớ tóc em vàng ánh
Thắp sáng lên khuôn mặt
Sáng cả dáng em đứng
Trong áo quàng rách nát.
Tuyết tan xuống hàng mi
Buồn dâng lên đôi mắt
Em có còn lại gì
Ngoài nỗi sầu chất ngất.
Hình bóng em thành tượng
Ghi tạc vào buổi chiều
Khắc sâu trong thời gian
Trong tim anh đau buốt.
Nét buồn em ủ rũ
Không thể nào xóa nhoà.
Nhưng có đáng gì đâu
Khi lòng người hóa đá.
Cho nên đêm hôm nay
Sẽ kéo dài thêm mãi
Trong tuyết giá âm u
Em anh hoà lẫn nhau
Không gì chia cách nổi.
Này em ta là ai
Ta đã từ đâu tới
Rồi qua bao năm tháng
Ta sẽ đi về đâu
Để lại trên thế gian
Dăm ba lời đàm tiếu?
Tuyết quả đã tràn ngập suốt bài thơ, và đóng một vai trò chủ chốt bên cạnh nhân vật chính.
Như đã nêu trên, tuyết ám ảnh tôi. Nói đến tuyết, tôi chỉ nghĩ đến cái đẹp lạ lùng của nó. Tinh khiết, trong sáng, mông lung. Tuyết sạch giá trong. Cho nên gần 30 năm về trước khi vừa mới đến xứ Mỹ này, sống tại miền Nam Cali thuộc bán nhiệt đới, mùa Đông chỉ có thể thấy tuyết phủ lên vài ngọn núi ở tận cuối chân trời, chúng tôi, cả nhà, quyết định đi xa thăm tuyết ngay. Mua được một chiếc xe hơi cũ, vừa lấy xong bằng lái xe, tôi chở mọi người đi.
Lúc đó vào đầu mùa đông, tức là thời gian có nhiều tuyết tại công viên quốc gia Yosemite nổi tiếng. Nơi này cách xa chỗ chúng tôi ở khoảng trên 5 giờ lái xe.
Hồi đó chưa có máy định vị GPS, chúng tôi nghiên cứu bản đồ thật kỹ. Hành lý mang theo rất nghèo nàn, mấy cái áo len cũ và dày, quần jeans, những bao ni-lông để nếu cần thì bọc những đôi giày đang mang vì không kịp và cũng không có tiền mua giày đi tuyết, xôi đậu phụng, bánh mì chả, thịt, mấy lon bia, và nước uống. Đi hơn nửa đường mới sực nhớ phải có loại dây xích ràng vào bánh xe phòng khi tuyết xuống nhiều và chuyển thành băng giá trơn trượt. Nếu gặp bảng chỉ đường đòi hỏi bánh xe phải có xích (Snow tire chains), thìchúng tôi đành phải quay về. May thay, chúng tôi đi suôn sẻ, đến được Yosemite khoảng 5 giờ chiều.
Trời lạnh. Tìm thuê chòi ngủ qua đêm, mong ngày mai có tuyết rơi như dự báo thời tiết. Tôi biết tuyết đẹp nhất khi đang rơi.
Lạnh và đói. Lấy thức ăn, thức uống dọn lên trên cái bàn nhỏ dưới mái chòi chật ních. Những món ăn tầm thường bỗng ngon hẳn lên trong khung cảnh lạ lùng, trong mong đợi đêm mau qua. Nhìn lại đồng hồ, mới 9 giờ tối. Bên ngoài gió từng cơn, ánh đèn xa heo hút lọt qua khe cửa. Không biết làm gì, có lẽ phải đi ngủ sớm để ngày mai có sức đi ngắm tuyết, chúng tôi đồng ý như thế.
Bỗng tiếng reo nổi lên từ những chiếc lều lân cận, rồi vang to trong đêm. Chúng tôi ngạc nhiên mở cửa lều ra xem. Tuyết vừa rơi xuống mà chúng tôi không biết. Tất nhiên tuyết cũng rơi trên mái lều của chúng tôi, rơi rất nhẹ, không tiếng động. Chúng tôi không hẹn mà cùng nhau chạy nhào ra khỏi lều, may còn đang mặc áo quần ấm, nhưng quên mang theo mấy bao ni-lông. Tuyết tráng mỏng trên các lối đi tối tăm, rơi nhẹ lên tóc, lên mặt, lên mi mắt, lên tay. Bám lên áo quần dăm ba bông tuyết.
Tôi cố nghe tuyết rơi, không nghe thấy gì cả. Tôi cố nhìn tuyết. Tối quá không thấy tuyết gần, chỉ thấy xa xa. Trong ánh đèn đường, những bông tuyết bay phơi phới như những cánh bướm trắng tí hon đùa giỡn trong gió, hay như những cánh hoa trắng, hoa bạch mai, hoa bạch cúc nhỏ, buông lả tả xuống thành bức rèm bạch ngọc. Bước chân dẫm lên tuyết nghe sào sạo, rột roạt, êm êm, mát dịu. Cứ thế chúng tôi đi xa khỏi lều, quên cả dưới chân giày bắt đầu ướt mèm. Mặt thì đưa ra hứng tuyết, tay chìa ra đón tuyết. Cao hứng cho tuyết vào miệng nếm thử.
Tưởng là tuyết xuống nhiều là lạnh lắm, nhưng không, chỉ se se, rất dễ chịu. Đường đi ngập trắng, chúng tôi không biết đã lội tuyết trong bao lâu. Tuyết ngập lút cả giày, tan thành nước, thấm vào chân, dần dần lên gần đầu gối, và chắc chắn sẽ ngập cao hơn nữa. Chúng tôi đành trở lại lều lòng dặn lòng rằng ngày mai tha hồ thưởng thức tuyết trong ánh sáng của ban ngày.
Mệt quá, về tới lều chúng tôi lên giường ngủ. Tôi định ngủ một giấc ngắn lấy sức rồi trở dậy coi tuyết rơi. Nhưng ngủ một giấc say. Sáng hôm sau, vừa mới dậy, tôi mở cửa ra nhìn. Hết rồi! Tuyết thôi rơi trong đêm khuya vào lúc nào tôi không biết. Đành lội tuyết đi quanh quất chơi trên mấy lối đi gần lều, thấy tuyết đã phủ đầy mái lều, mái nhà. Cây cành trĩu nặng tuyết, dây điện được bọc trong lớp tuyết trắng. Bãi đậu xe cũng trắng xoá, tất cả xe đang đậu đều đội một lớp tuyết dày. Nghe nói có một chiếc xe đậu bên ngoài xa trên dốc nghiêng đã bị trượt xuống hố sâu.
Tôi đành lái xe quay trở về nhà sớm hơn dự định. Đường xa lộ thì đã được xe cào tuyết dọn sạch, nhưng hai bên đường cảnh vật khoác một chiếc áo hoàn toàn mới, chiếc áo trắng xóa tinh khiết một màu tuyết trải dài mút mắt. Núi rừng, cây cối, nhà cửa mênh mông, bát ngát trong tuyết trắng, một cảnh tượng thật lạ lùng mà tôi có cảm tưởng đã từng biết đến trong quá khứ. Vâng, tôi đã gặp tuyết nhiều lần trong phim ảnh. Tôi tự bảo rằng năm sau sẽ trở lại thăm tuyết, nhớ phải là khi tuyết đang rơi.
Nhiều năm đã qua, nhiều mùa Đông tôi đã đi thăm tuyết tại nhiều nơi khác nhau. Có khi chúng tôi tới, tuyết chưa kịp xuống. Có khi tuyết đã phong kín cảnh vật đâu vào đấy rồi, mặt đất thì trắng xoá, trời thì cao xanh lồng lộng, trong veo. Có nơi tuyết đã đông lại thành băng bên dưới khiến con đường trở nên lầy trơn. Nhìn tuyết còn đọng trên chạc ba, chạc bốn của cây, của cành, đậu lên trên những thành cửa sổ, phủ kín mái nhà, thì cũng cảm thấy được an ủi phần nào, nhưng lại càng mong thấy tuyết rơi, tuyết rơi. Hoặc có lúc đang chạy trên xa lộ vào muà lạnh bỗng tình cờ gặp, như tao ngộ chiến, cơn tuyết bay bay nhẹ và ngắn. Mong nó trở lại như mong người tình nhẹ dạ. Và lỗi tại tôi, không tính kỹ ngày giờ. Lắm lúc tính kỹ thì dự báo thời tiết lại không đúng. Một lần nhớ tuyết quá, mò lên vùng núi Mammoth, California vào mùa Đông. Chỉ để say sưa nhìn ngắm người ta trượt tuyết.
*
Đầu mùa Đông năm nay có tin miền Bắc và Đông Bắc Hoa Kỳ tuyết xuống nhiều. Những cơn bão tuyết tàn phá dữ dội. Cho nên khi quyết định đi thăm tuyết, chúng tôi sẽ đến những miền gần phía Đông Nam mà thôi, chẳng hạn sẽ đi qua thị trấn Prescott mà chúng tôi đã đến vào cuối mùa xuân năm nay. Rồi đi Grand Canyon, và ghé Flagstaff trên đường về.
Trở lại Prescott hôm đầu mùa đông, 22 tháng 12 cũng năm nay, tự nhiên thấy trong lòng vui hẳn lên như gặp lại người quen thân cũ nơi đất khách. Tôi tự hỏi tại sao tôi thích thành phố này đến thế. Có lẽ là vì người dân vùng này vui vẻ, nhã nhặn, sinh hoạt xúm xít tại một nơi thanh lịch, êm đềm, nhàn hạ. Cho nên chúng tôi nghỉ trưa nán lại tại đó khá lâu; đi nhiều vòng quanh công viên nằm trước Toà Án Yavapai County Courthouse; chụp nhiều hình tại ngã tư rộng lớn, dốc nghiêng nghiêng ngay giữa thị trấn; ghé vào một nhà hàng rất lịch sự, tiếp đãi niềm nỡ, có bánh pizza ngon và cà phê thơm phức. Rồi giã từ Prescott, giã từ hình chữ P rất to trên sườn núi gần thành phố, để kịp đến Grand Canyon khi mặt trời chưa tắt.
Tuy vậy, phải qua mấy ngọn đèo cao trên con đường nhiều xe, mãi đến 5 giờ chiều chúng tôi mới đến Grand Canyon, bờ Nam. Grand Canyon rực rỡ màu sắc dưới ánh mặt trời. Những màu sắc ấy đã thay nhau xuất hiện từ sáng đến chiều. May quá, còn chút nắng vàng óng ánh nạm lên trên những vách đá dữ dội, hùng vỹ, bao la. Đứng trước Grand Canyon, tôi có cảm tưởng như được hoá thân thành một cánh chim cô đơn bay lênh đênh, chấp chới, mơ màng, mờ ảo. Nhưng mùa này buổi chiều tối tới mau quá. Chúng tôi đến chưa được mười phút, mới gần 5 giờ 10, nắng đã phai nhanh rồi tắt. Ánh mặt trời xôn xao náo động mới đó đã đột ngột chuyển thành tiếng thì thầm, âm u của đêm đen. Chúng tôi tìm khách sạn, mong ngày mai trời tốt để trở lại Bờ Nam (South Rim).
Hôm sau, 23/12, trở trời. Gió lạnh và mây đục bàng bạc khắp nơi. Grand Canyon mang một sắc thái khác, trầm tư, lặng lẽ, xa vắng. Chúng không trở lại Bờ Nam nữa, mà đi vòng quanh để đến Bờ Bắc (North Rim) tìm tuyết. Nhưng đang bão tuyết, Bờ Bắc đóng cửa, cấm đi. Đành đi ven Bờ Đông. Tuyết cũ từ mấy tuần trước nằm rải rác từng vạt trắng cách xa nhau trên cỏ xanh hai bên đường. Tiện thể chúng tôi đi đến Horseshoe Bend và đập thủy điện trên sông Colorado cạnh hồ Powell thuộc vùng Page, Arizona, gần Utah. Đây là một cái đập lớn, cao gần bằng đập thủy điện Hoover nằm giữa hai tiểu bang Arizona và Nevada.
Sau một ngày lái xe nhiều và đi bộ lên dốc, xuống dốc mệt nhoài, chúng tôi đến Flagstaff, Arizonathì đã gần tối. Trọ qua đêm tại một khách sạn. Thế là năm nay vô duyên không gặp được tuyết, tôi thầm bảo. Hay là qua đầu năm 2020, mùa Đông còn dài lắm mà, ta lại tìm thăm tuyết ở một nơi nào khác chăng? Chúng tôi rút ngắn chuyến đi đã định là năm ngày, sáng ngày mai sẽ trả lại phòng khách sạn ở Flastaff. Và trên đường về sẽ ở lại Las Vegas một đêm xem thiên hạ đón mừng Lễ Chúa Giáng Sinh. Năm ngoái, cũng nhân đi tìm tuyết mà không gặp, chúng tôi ghé Las Vegas tham dự 2019 Countdown.
Để chờ giấc ngủ, chúng tôi mở TV hết đài này đến đài khác, tìm mãi chưa thấy chương trình nào vừa ý. Mới 9 giờ 30 tối. Bỗng cô con gái reo lên, Tuyết. Tuyết. Tuyết rơi! Tuyết rơi! Mọi người đổ xô chạy tới bên cửa kính nhìn tuyết rơi ngoài kia. Tuyết rơi rất mỏng, không một tiếng vang. Cũng phải thôi, ta trong căn phòng kín bưng, tuyết ngoài trời thênh thang, làm sao ta thấy rõ, nghe rõ. Tuyết xuống nhiều dần, trắng dần những vòm cây xanh, trắng hết bãi đậu xe, và những lối đi, trắng luôn những nóc xe. Lấy máy hình ra chụp tuyết rơi qua cửa kính.
Xem chán, mọi người lên giường ngủ. Tôi mở rộng màn cửa sổ, nằm nghiêng ngắm tuyết ngoài kia. Những bông tuyết (snowflakes) to nhỏ khác nhau, không rơi nhanh, không rơi đều. Tuyết rơi khác mưa rơi. Bông nhỏ thường rơi nhanh hơn trong khi bông lớn rơi chậm rãi, đu đưa, nghiêng ngả, du dương. Gọi là bông vì khi nhìn gần, nhìn kỹ, mỗi bông tuyết trông như một tác phẩm mỹ thuật chạm trổ tinh vi, có nhiều cánh chĩa ra thành hình sao. Bông thường có sáu cánh hoặc hơn, bằng nhau, đều đặn; mỗi cánh hoa lại được tô điểm bằng những cánh nhỏ cân đối, uốn éo, tuyệt đẹp. Tuyết rơi rơi tạo thành những bức rèm lung linh, trắng, mỏng, êm ái. Trông như Êm đềm trướng rủ màn che. Khi có gió nhẹ, tôi đoán thế, rèm uốn mình; gió mạnh rèm bay giạt, bông tuyết múa may. Có lúc rối loạn. Càng lúc tuyết càng xuống nhiều.
Mọi người đã ngủ say. Không đừng được, tôi mặc thêm áo ấm, xuống lầu mở cửa hông đứng nhìn tuyết ngay trước mắt không qua lớp cửa kính. Nhờ có ánh đèn điện, thấy tuyết lặng lẽ rơi man mác trong đêm khuya. Tuyết đậu nhiều trên những cành cao, nặng trĩu dần, đổ xuống những cành thấp hơn, cứ thế đổ xuống những cành thấp hơn nữa, cho tới khi chạm mặt đất. Rất nhẹ nhàng đến nỗi dường như không phát ra một âm thanh nào cả.
Tôi mang dép bước ra ngoài hành lang vắng teo không một bóng người, ngắm tuyết rơi. Tuyết rơi đêm buồn buồn. Đã khuya quá, lạnh quá. Cuối cùng tôi cũng phải trở lại phòng, nằm nghiêng nhìn tuyết rơi ngoài kia và rơi trong này, trong giấc ngủ chập chờn của tôi. Tuyết xuống thưa dần, rồi hết hẳn. Để biết chắc, tôi nhổm dậy đến bên cửa kính nhìn quanh quẩn ra ngoài. Tuyết đã phủ kín trắng xóa mọi vật dưới trời đêm. Ánh đèn vàng hiu hắt. Nhìn đồng hồ, 3 giờ 30 sáng ngày 24/12. Tôi tính nhẩm, tuyết rơi đúng 6 tiếng. Thôi, thế là hết.
Sáng dậy sớm xuống phòng ăn. Gần xong bữa ăn sáng, sắp trả phòng chuẩn bị lên đường, thuận mắt nhìn mông ra ngoài. Thì, kìa, kìa, kìa, lưa thưa hoa tuyết bắt đầu múa may trong không gian phía trên những vòm cây trước sân tuyết đã phủ trắng. Chẳng lẽ tuyết đêm hôm qua còn sót lại đâu đấy nơi một góc trời nào đó, bây giờ quay lại đây rơi xuống đùa giỡn trong vài phút ngắn ngủi rồi thôi? Hay là tuyết mới, tôi đang mong? Như để trả lời, tuyết rơi xuống mỗi lúc một nhiều, tuôn tuôn, lấp lánh, tung tăng, ròng ròng. Một số khách đứng dậy rời bàn ăn đi ra ngoài sân. Chúng tôi cũng bước vội ra không kịp trở về phòng lấy nón, và thêm áo ấm. Tuyết đang rơi, trời không lạnh như đêm qua.
Trẻ con sung sướng reo hò, lội trong tuyết, té trong tuyết, vo tuyết thành từng nắm ném vào nhau. Có đứa thích thú quá nằm lăn trong tuyết há mồm cười, tuyết dính đầy mặt, mũi, miệng. Người lớn thì để cho tuyết rơi trên tóc, trên áo quần, nhớn nhác, hớn hở nhìn quanh, rồi lấy tay phủi nhẹ cho tuyết bay đi nơi khác trước khi áo quần bị tuyết tan thấm ướt. Tôi cũng ngửa mặt nhìn lên xem thử tuyết còn nhiều hay không. Tuyết bao la mù mịt, dày đặc. Tầm nhìn của tôi bị chận đứng ngay trước mắt.
Mấy bà mẹ có con thơ cũng quấn quýt bồng con ra ngài hiên cho chúng nó tiếp xúc với tuyết có lẽ là lần đầu tiên trong đời của chúng, trong khi những người cha hối hả chạy theo đưa điện thoại cầm tay bấm hình lia lịa.
Rời Flagstaff sáng 24/12, chạy trên xa lộ 40 West, và sẽ chuyển qua 93 North để hướng về đập Hoover, sau đó sẽ đến Las Vegas, dưới cả một trời tuyết đang rơi. Mặt đất nghiêng nghiêng, xe đổ xuống những con dốc thoai thoải dài thăm thẳm. Hai bên đường toàn là những gò đống hình thù kỳ lạ trắng xoá một màu, hay là những quãng trống mênh mông bát ngát, cũng một màu trắng xóa. Không còn biết đâu là nhà cửa, cây cối, đồi núi, hoặc đồng bằng xanh rì của những ngày tháng trước. Tuyết phủ hết mặt đất, tuyết choáng ngợp không gian. Không một cánh chim bay vút trên trời, không một đám bụi nổi lên từ dưới đất, không một âm thanh khuấy động. Tuyết rơi rơi liên miên, tuyết buông màn trong không gian thủy tinh, im lìm. Một cái gì thật tinh khiết, thật trong sạch, thật tĩnh lặng bao trùm lên vạn vật.
Lâu lắm mới có một cơn gió mạnh, thì tuyết trên không là ngàn vạn cánh hoa bay tưng bừng, rối rít. Gió nhẹ hơn cũng đánh bạt những hoa tuyết trắng phau về một hướng.
Tuyết xuống càng lúc càng nhiều. Cái gạt nước của kính chắn gió trước xe cơ hồ không đủ sức xua tuyết đi. Con đường được xe cào tuyết dọn sạch lúc ban sáng, bây giờ lại đầy tuyết. Chúng tôi chạy theo xe đằng trước, nó chạy rất chậm để lại hai vết bánh xe mờ mờ. Chúng tôi không thấy gì khác hơn là tuyết mù mịt, như khít cứng, ngoài ánh đèn đuôi chấp chới của chiếc xe đằng trước, và hai vết bánh xe đó để lại thành hai lằn đen mờ mờ. Chúng tôi buộc lòng phải lái xe chạy thật đúng lên trên hai vết bánh xe ấy, vì chạy lệch đi sẽ không biết chạy đi đâu. Và cũng phải chạy thật gần xe trước, nếu không, vết bánh xe sẽ bị tuyết phủ trắng ngay.
Tất nhiên chúng tôi không khỏi lo ngại rằng nếu chiếc xe đằng trước chạy lạc xuống ven đường, hoặc đâm vào gốc cây, hoặc nhào xuống ao, xuống hồ, hoặc ủi vào chiếc xe trước nó nữa, vân vân, thì chúng tôi cũng sẽ gặp tai nạn ngay. Nhưng biết làm sao, không còn cách gì khác. Không lẽ đạp thắng cho xe đứng ngay giữa đường để bị những xe nối đuôi húc vào? Muốn rẽ vào một lối đi nào cũng không được vì lý do giản dị là chúng tôi không thấy lối rẽ nào cả. Tuyết che lấp hết. Biển tuyết mênh mông không bờ bến đánh lạc mọi phương hướng. Tình trạng này kéo dài khá lâu, ít nhất là vài ba tiếng đồng hồ.
Trong vòng nửa tháng nay, các cơ quan truyền thông loan báo nhiều trận bão tuyết hoành hành tại miền Đông, và Đông Bắc nước Mỹ. Thiệt hại vật chất lên đến những con số khủng khiếp, kể cả sinh mạng con người. Thế nhưng không phải vì vậy mà tuyết bị lên án hay ruồng bỏ. Có lẽ người ta, trong đó có tôi, muốn phân biệt tuyết và bão tuyết.
Vâng, tuyết không có tội mà còn có công. Tuyết rơi xuống để làm sạch trần gian đầy bụi bặm, phủ lên mặt đất một lớp tuyết dày, trả lại cho Mẹ Thiên Nhiên và môi trường sống tất cả cái tinh khiết, trong sáng vốn đã có. Lại nghĩ đến bài thơ Gặp Gỡ bên trên cùng những liên tưởng khác. “Tuyết rời đầy đường sá” cũng có thể nhằm khuyên răn tuổi trẻ hãy chậm bước lại, tiết giảm nhịp độ căng thẳng của cuộc sống máy móc, bớt bon chen giành giật, chém giết. “Tuyết phủ ngập mái nhà” phải chăng nhắc nhở tuổi già đừng quên ngồi bên lò sưởi những ngày đông tháng giá tìm chút yên tĩnh cho tâm hồn.
Nhưng tuyết muốn yên, bão đâu để yên.
Ngự Thuyết
1/2020