có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 2 28, 2020

Trên đồi là lô cốt



Phía tây thành phố Huế có một ngọn đồi không cao lắm. Trên đồi có một lô cốt bỏ hoang. Trên mặt lô cốt thì có những hòn đá, hòn sỏi mà tụi con nít leo lên chơi bỏ lại. Những hòn đá nằm vô tội và hòa bình hết sức. Tôi chỉ cho người con gái đi cạnh tôi xem những viên đá ấy, nàng không để ý, chỉ bâng khuâng hỏi:

– Lúc trước, mấy người ở trong lô cốt chắc nóng lắm…

Một lần khác, tôi thấy một họa sĩ đặt giá vẽ lên trên mặt lô cốt. Ông ta còn trẻ và muốn vẽ dòng sông dưới chân đồi. Tôi nói: “Đẹp”. Ông ta trả lời: “Đẹp”. Thật ra, ông không có dáng nghệ sĩ lắm. Tôi tin là ông hoàn toàn không để tâm thắc mắc đến những người đã sống trong lô cốt này có nóng không.

*

Ở Huế, tôi phải gọi những người em gái của cha tôi là O. Ở Bắc thì Cô. Ở Nam, người ta lẫn lộn cô với thím. Trong liên hệ ấy, tôi phải gọi người con gái đi cạnh tôi trên đồi là O. Căn nhà O ở nằm bên một con đường vắng. Ở Huế, phần nhiều những con đường đều vắng như vậy. Tôi biết O đã lớn lên nơi đây, bên con đường này, thở không khí này. Tôi biết O mười bảy tuổi, học lớp đệ nhị trường Đồng Khánh, ban vạn vật… Tôi biết đã bao năm, O mỗi ngày đạp chiếc xe đạp con gái sơn trắng, qua trường rồi trở về, đều đặn trên con đường yên tĩnh. Tôi còn biết O chưa hề yêu một người con trai nào. Sự nhận biết sau cùng này òa vỡ trong tôi những xúc động nửa bâng quơ, nửa cấp thiết.

Làm sao và làm sao cắt nghĩa điều đó, làm sao cắt nghĩa được sự kiện người con gái mười bảy tuổi, lớn lên nơi đây, không hề nghĩ đến một người con trai? Nhất là khi người con gái ấy đẹp. Những đêm dạo chơi với những người bạn dưới vòm trời đầy sao, đi ngang nhà O, tôi vẫn có thói quen ngó vào để nhìn khuôn cửa mở rộng, ánh đèn trắng xanh, và bóng O ngồi dưới bóng đèn ấy. Đẹp. O ngồi trước bàn học, hai tay bình yên nắm cuốn vở, mái tóc đen ôm lấy vai, khuôn mặt cúi xuống, hai bờ vai mảnh dẻ, gầy đến xót xa. Tôi nghĩ rằng không còn hình ảnh nào an phận hơn hình ảnh một người con gái ngồi một mình dưới ánh đèn. Dáng người của O làm tôi có cảm tưởng O đang buồn trong khi tôi hiểu rằng O không hay buồn. Nhưng ở O có một điều gì đó ngăn cách O với thế giới bên ngoài khuôn cửa kia, ánh đèn trắng xanh kia. Trong thế giới của O có nỗi bình yên và trầm tĩnh, cái gì đơn độc và quạnh hiu, những điều ấy vây bọc lấy dáng bé nhỏ của người O.

Nhìn O, tôi vẫn thường mang cái cảm giác se sắt. Tôi định nói điều ấy với O, nhưng tôi biết là không thể nào nói được. O thường ở nhà và ít bạn. O có đôi mắt to và đen. Tôi nói với O rằng đôi mắt O đẹp lắm. O cười ngượng ngùng và nói rằng O không thích tôi nói như vậy. O có cái dáng thản nhiên và bình yên lạ lùng. Không bao giờ tôi thấy O hốt hoảng hay mất bình tĩnh. Khuôn mặt O không hề biểu lộ một biến động tình cảm nào, nhưng tôi biết O chưa hề nghĩ đến một người con trai, phải tôi biết, O mười bảy tuổi và chưa hề nghĩ đến một người con trai. Dáng bình yên của O nói lên điều đó. Nhiều điều không cắt nghĩa được đã nói lên điều đó. Thật ra có thể tôi nhầm. Nhưng tôi không hề nghĩ như vậy.

Những ngày trời mưa, trời nắng, những ngày mùa thu, mùa xuân, mọi sự đều trôi qua bên cạnh O hay chính O trôi bên cạnh mọi sự. Cái sinh hoạt đầy biến động của tuổi trẻ hoàn toàn xa vắng trên khuôn mặt O. Mỗi lần nhìn O, tôi muốn hòa đồng vào cái thế giới của O để quên đi những cái đang ở trong tầm tay và ngoài tầm tay mình.

O rất ít nói. Tôi vẫn thường qua thăm O những buổi sáng chúa nhật. Bấy giờ nắng trên những cánh cửa màu xanh. O ngồi bên cạnh tôi. O có mái tóc thề đẹp hết sức. Những người con gái ở Huế thường có mái tóc ấy. Những sợi tóc đen và mềm làm tôi mang cái ước muốn lồng mười ngón tay của mình trong rừng tóc ấy. Đôi lúc tôi làm điều tôi muốn. Tôi thấy những ngón tay mình phàm phu vô cùng. Còn O, những lần đó, O chỉ khẽ gỡ tay tôi ra và nói với tôi là O không thích tôi làm như vậy, tóc O sẽ rối lên.

O hay ngồi im lặng nghe tôi nói chuyện. Bao giờ tôi cũng có nhiều chuyện để kể với O. Tôi vẫn thường mang cảm tưởng rằng nói được với O, tôi sẽ đỡ khổ sở một mình. Có những điều tôi nói ra mà biết là O không hiểu. Có những điều tôi bịa. Nhờ O, tôi được nói một mình mà không cảm thấy độc thoại. O không bao giờ hỏi. O không tò mò. O chỉ ngồi và nghe. Thỉnh thoảng O cười. Còn tôi thì thích vừa nói vừa nắm lấy bàn tay O. Bàn tay bình yên và hiền dịu, vô tội và con gái. Tôi nói với O rằng tôi biết nhiều người con gái, nhưng không ai có bàn tay thánh thiện như O. O chỉ khẽ cười và rụt tay lại.

Thành phố Huế hiện ra trên O. Nên tôi nghĩ khi xa Huế, mỗi lần nhớ đến thành phố cũ, tôi sẽ nhớ đến O. Cũng như mỗi lần nhớ đến O, tôi sẽ nhớ Huế. Nhớ lắm.

*

Tôi biết rằng thế nào mình cũng xa Huế. Tôi đã lớn lên nơi đây, đã thuộc vào lớp người thân yêu của thành phố, nhưng thế nào tôi cũng phải đi. Thế nào cũng phải chia tay. Phải rứt khỏi những ràng buộc với sinh hoạt thường ngày và quen thuộc này. Phải nhận lấy đổi thay. Phải chọn lựa. Phải tham dự. Những người bạn đã ra đi. Một tên lái máy bay viết thư về kể cho tôi nghe rằng y bắt đầu được dự vào những chuyến bay đêm. Y nói đến những vì sao trên trời và bảo rằng mỗi lần nhìn thấy vì sao hôm, y lại nhớ Huế hết sức. Một tên trấn đóng cái đồn ở vùng Cao nguyên kể chuyện các cô gái Thượng và mơ ước nhìn lại những mái tóc thề. Nhiều tên nữa. Đứa nào cũng nói là nhớ Huế, nhớ Huế, nhớ Huế lắm.

Tôi viết thư cho chúng nó: “Hạnh phúc cho chúng ta còn có một quê hương để nhớ đến.” Tôi biết những người ở đây khi đi xa, bao giờ cũng mang sau lưng những ràng buộc dai dẳng với thành phố cũ. Trong cái nhìn bình yên và an nghỉ của Huế vẫn có một cái gì đang phấp phỏng, nôn nóng, lo âu, chờ đợi. Kẻ ở xa, mỗi lần nhớ đến cái dáng ấy, không thể nào bình tâm được.

Những ngày mùa hạ này, tôi thường đi một mình qua rất nhiều con đường của thành phố. Đi từ Đập Đá, theo con đường Lê Lợi, dọc theo sông An Cựu rồi lên núi Ngự. Nhìn xuống: Thành phố nhỏ vô cùng! Qua Thành Nội vào Tây Lộc đi dọc theo bờ thành Nội, trở ra con phố nhỏ với hai dãy phố không bao giờ đổi thay. Góc phố đó, cửa hàng đó, vẻ bày biện đó và những khuôn mặt đó. Huế có một bề ngoài nhàn nhã. Rất nhiều, rất nhiều người đi xe đạp, đi bộ trên hè phố, để nhìn nhau, cái nhìn ám tàng ý nghĩa nhận biết và quen thân. Chỉ những người của thành phố này mới nhìn nhau kiểu như vậy. Cái nhìn vừa phải, không lãnh đạm cũng không vồn vã. Nó chỉ nói lên điều này: Chúng ta là dân Huế.

Huế như thế đó. Ai đi xa mà không nhớ. Nhưng tôi phải đi. Sự nuông chiều của thành phố làm tôi bé nhỏ mãi. Tôi phải lớn lên. Phải sống đúng kích thước của mình. Nằm trong lòng Huế, tôi an toàn với những giấc ngủ bình yên. Không một tiếng súng ở xa. Không một tiếng thét dữ dội nào. Nhưng tôi không thể làm kẻ ở lại khi các bè bạn đồng lứa đã đi xa. Tôi biết mình không có quyền nằm ngủ những giấc bình yên. Tôi được tin nhiều người bạn đã chết và bị thương trong những cuộc hành quân. Tôi biết thế hệ mình chưa thể an nghỉ trong niềm vui nhỏ của con phố nhỏ. Tôi phải đi. Để khỏi cảm thấy mình ở cái vị trí không thể khinh ai nên chỉ biết khinh chính mình. Tôi phải đi.

Tôi muốn cắt nghĩa với O dài dòng hơn về những điều đó. Nhưng tôi biết O mười bảy tuổi, lớn lên bên con đường vắng vẻ này, chưa hề yêu một người con trai, làm sao và làm sao O hiểu được.

Nên trong những ngày cuối cùng ở lại với Huế, tôi rủ O đạp xe lên ngọn đồi phía tây thành phố.

Dưới đồi là nghĩa địa dòng họ chúng tôi. Khi tôi và O lên đó thì trời đã về chiều. Bấy giờ O ngồi xuống cạnh mộ cha, nét mặt nghiêm nghị và ngơ ngác. Tôi nhìn O và thấy thương O vô cùng. O không còn là O nữa, O hiện ra dưới mắt tôi như một người con gái mười bảy tuổi, đẹp thùy mị, ngồi bên mộ người thân, người con gái mặc áo lụa trắng, và nắng trên tóc nàng, trên cái nón để ngửa cạnh nàng. Nàng nói sao ở đây buồn và vắng. Tôi cười. Nàng gượng cười theo, vừa lấy tay khoác những sợi tóc vướng trên vừng trán đẫm mồ hôi. Nàng nói đạp xe lên những cái dốc vừa rồi, nàng mệt lắm vì chưa khi nào nàng đi chơi xa thế này.

Tôi ngồi yên lặng ngó lên bầu trời và ngạc nhiên thấy trời quá xanh. Tôi nhìn lên đồi, lên con đường cong queo dẫn lên đồi và trông thấy cái lô cốt sừng sững trên ấy. Cái lô cốt bỏ hoang từ hồi đình chiến. Bao lần tôi nhìn nó, và lần nào cái vẻ hoang tàn của nó cũng làm tôi xúc động. Tôi rủ O khóa hai chiếc xe đạp lại rồi lên đồi chơi. O cười nhỏ nhẹ và gật đầu.

Tôi đi cạnh O lên đồi. Gió thổi làm áo O bay. Dạo trước, khi còn đông đủ, tôi với những tên bạn thỉnh thoảng lên đây vào buổi chiều. Bây giờ thì đứa ở xa, đứa thì đã mất. Tôi nghe thức dậy trong lòng chút hạnh phúc nhỏ của người ở lại trở về nơi cũ. Mà bên cạnh thì còn có một người con gái đẹp. Tuổi trẻ, có những lúc, chỉ ước mơ có thế.

Tiếng O thoảng bên tai tôi, ấm và nhẹ:

– Hoa chi đây?

– Hoa dại…

– Đẹp.

O cúi xuống ngắt mấy cánh hoa. Cái lưng thon dài của O thật dịu mát. O đưa cho tôi xem mấy cái hoa trắng, cười bằng mắt. Tôi hỏi O thích hoa màu tím không. O ngạc nhiên hỏi tại sao tôi đi hỏi vậy. Tôi nói rằng những người con gái Huế phần đông thích màu tím. O khẽ cười và không nói gì cả.

Khi đứng trên đồi, tôi nhìn thấy cái lô cốt, và nhìn dòng sông ở dưới. O cùng đứng bên tôi, nhìn lô cốt và nhìn dòng sông ở dưới. Nắng trên sông. Tự nhiên, tôi thấy lòng se sắt và muốn kể cho O nghe chuyện về cái lô cốt này. Nhưng tôi không nói gì. Chúng tôi đứng yên lặng bên nhau thật lâu. Ngọn đồi vắng. Cỏ thì đầy cả bóng chiều, chạy dài xuống chân đồi. Tôi nhìn những ngón tay hiền từ của O lồng trong nắng. Tôi muốn nắm chặt lấy, nhưng O ở bên tôi, trong trắng vô cùng, thánh thiện vô cùng, nên không dám làm cái cử chỉ phàm phu ấy.

*

Người ta thường bảo rằng con sông ở Huế đẹp, thật ra, con sông còn quyến rũ. Đẹp chưa đủ. Con sông như cánh tay với dãy núi lam xa xôi. Con sông như một tiếng gọi tha thiết và nhỏ nhẹ. Như giọng nói của những người con gái Huế. Nghĩa là quyến rũ lắm. Vào mỗi chiều, đạp xe qua cầu Bạch Hổ, nhìn dòng sông và dãy núi, tôi thường bị xúc động trước vẻ đẹp tràn lan của con sông. Xa Huế, nhớ sông, chắc tôi sẽ nhớ đến hình ảnh ấy. Cầu Bạch Hổ sơn đen, dùng cho những chuyến tàu lửa chạy qua. Đứng trên cầu, cái nhìn tôi rộng và bao quát. Nhìn lên: núi. Nhìn xuống: cột cờ, cầu Tràng Tiền trắng long lanh, tàn cây rậm rạp của công viên. Hôm ở trên đồi trở về, O với tôi dừng lại trên cầu. Cầu bấy giờ vắng. Tự nhiên O quay sang nhìn tôi và khẽ nói với tôi rằng tôi đi, O sẽ buồn và nhớ. Nói xong O cười e thẹn và giục tôi đạp xe về.

Những ngày cuối cùng tôi ở lại với Huế, trời nhiều mây. Tôi đạp xe lên cầu Bạch Hổ một mình, đứng nhìn con sông xanh lam và dự tính cho ngày sắp đến… Tôi không biết làm gì cho hết mấy ngày còn lại. Tôi nghĩ đến một cành huệ trắng cắm vào chiếc bình màu hồng. Tôi muốn sang thăm O lần cuối với cành huệ trắng ấy… Người gác cầu quen biết thấy tôi đứng tần ngần, tới gợi chuyện. Ông ta kể cho tôi nghe về tai nạn vừa xảy ra trên cầu này. Nạn nhân là một người con gái. Ông ta chỉ cho tôi xem vũng máu người ta quét chưa sạch, bây giờ khô lại. Tôi tự nhiên thấy nghẹn ngào trong một niềm giận dỗi vô cớ. Tôi nghĩ rằng mỗi người không có thẩm quyền về sự sinh ra thì ít nhất cũng có quyền về cái chết của mình. Tôi đạp về, không muốn nhìn dòng sông lâu hơn và cảm thấy khuôn mặt mình nửa khôi hài, nửa bi đát. Tôi hay có những xúc động trẻ thơ như vậy. Và lấy đó làm ngượng lắm.

Tôi không ngờ người con gái bất hạnh trên cầu là O. O trở về nhà sau buổi học, có những tên con trai theo chọc ghẹo, O luống cuống đâm vào chiếc xe nhà binh. Khi tôi về nhà, người em của O vừa kể cho tôi nghe những điều đó, vừa khóc. Tôi lên bệnh viện thăm O. Bấy giờ trời bắt đầu tối. O bị thương nặng và chưa tỉnh. Tôi chỉ được nhìn O xa xa… Người y tá chưa cho vào thăm. Đêm về, tôi thức trắng, hút những điếu thuốc, thở khói ra cửa sổ, nghĩ đến cành hoa trắng, đến những ngày đã qua. O mười bảy tuổi…

Sáng lại, tôi đến thăm O. Nắng trên hành lang bệnh viện. O nằm trên giường, xanh xao, ngó tôi, gượng cười. Tôi đến ngồi đầu giường, nhìn O, không nói gì cả. Người ta phủ lên mình O một lằn chăn trắng. Mái tóc đen dịu mát của O xõa trên mặt gối. Đôi vú bé nhỏ của O mong manh một cách tội nghiệp dưới lằn chăn mỏng. Tôi nắm lấy tay O. Bàn tay mềm và lạnh. Một lát, những ngón tay O víu vào tay tôi. Tôi đau đớn hết sức. Lần đầu tiên tôi muốn khóc vì O. Tôi sờ lên tóc O, cười buồn bã. O gượng cười, đôi mắt long lanh. Tôi không nói gì và hôn thật nhẹ lên trán. O thở đều đều. Tôi biết có những đôi mắt đang nhìn tôi và O. Tôi đặt môi lên tay O, muốn nói một lời nhưng không tìm ra lời mà nói. Tôi biết O mười bảy tuổi và chưa hề ai hôn lên đôi môi trinh trắng của O…

Buổi trưa O kiệt sức. Buổi chiều thì người con gái đó qua đời. Buổi tối, tôi một mình lên cầu Tràng Tiền, dừng lại giữa cầu nhìn lên vòm trời đầy sao. Ánh trăng thượng tuần vàng và rầu rĩ. Một khoảng trống trước mặt. Và thành phố cũng đã bắt đầu tuột khỏi vòng tay. Lần đầu, tôi mang cảm tưởng hai dãy phố đứng dậy đuổi tôi ra khỏi ngõ.

*

Đáng lẽ tôi phải kể cho O nghe chuyện về cái lô cốt trên ngọn đồi phía tây thành phố Huế. Tôi biết sẽ còn nhiều đứa trẻ leo lên đó chơi và để lại những viên sỏi. Tôi biết sẽ còn nhiều họa sĩ mang giá vẽ lên đó để vẽ dòng sông dưới chân đồi. Nhưng tôi biết ít người thắc mắc như O, thắc mắc không biết những người lúc trước sống trong cái lô cốt này có nóng không. Bây giờ O không còn. Tôi chẳng biết kể với ai chuyện muốn kể. Mà thật ra, chuyện vô duyên và không có gì. Đó là điểm làm tôi ngại ngần. Nếu O còn, chắc O cũng đồng ý với tôi. Chuyện đã xưa, đã thuộc về cái thời gian đã qua, đã chìm trong trí nghĩ mọi người. Cái gì rồi cũng trôi qua. Điều bi đát là có những lúc thức tỉnh, chúng ta ý thức sáng suốt điều đó và không làm gì được.

Chuyện rằng hồi gần đình chiến – năm 1954 – trong lô cốt này có năm người lính và một hạ sĩ quan. Đêm đình chiến cả sáu người bị giết. Người ta tàn sát sáu người để chiếm lấy những khẩu súng vô tri. Không ai nghe một tiếng súng vì người ta giết sáu người bất hạnh ấy bằng dao găm và lưỡi lê. Cố nhiên sự việc xảy ra trước nửa đêm, trước giờ đình chiến. Sáng lại, người ta thấy sáu cái xác còn tươi. Riêng tôi, tôi thấy có cái gì ám muội trong ấy. Tôi tự hỏi biết đâu cuộc tàn sát xẩy ra sau giờ đình chiến, sau giờ mà những người trong lô cốt chợt thấy an toàn không cần phòng vệ? Chuyện chỉ có vậy. Chiến tranh thì có lắm chuyện đáng ghê sợ hơn thế. Tôi biết rằng không ai nhớ đến chuyện ấy nữa. Kể cả tôi. Phải, cái gì rồi cũng sẽ qua đi! Như cái chết của O sẽ nguôi trong trí nhớ mọi người. Không ai còn nhớ một người con gái đã sống mười bảy năm nơi đây, bên con đường này, thở không khí này, chưa hề có một tình yêu, và chết đi. Không ai còn nhớ một người con gái ngày hai buổi đạp xe đi về, đêm ngồi dưới ánh đèn trắng lạnh, hai tay nắm cuốn vở, hai vai gầy đến xót xa…

Cái gì rồi cũng sẽ trôi qua, như tuổi trẻ của mỗi người rồi sẽ mất. Phải, đáng lẽ tôi phải kể cho O nghe, chuyện về cái lô cốt trên ngọn đồi phía tây thành phố. Cũng như đáng lẽ tôi phải hiểu là tôi yêu O, yêu O từ lâu rồi.


Lữ Kiều
1961



Trên đồi Vọng Cảnh ở Huế, còn lại một cái lô cốt. Năm 1957, học sinh trường Nguyễn Tri Phương cắm trại ở đó, và tôi đứng trên lô cốt nhìn dòng sông Hương lặng lẽ trôi quanh chân đồi. Quá đẹp.

Cái lô cốt ấy chứng kiến tình bạn đầu đời của chúng tôi, những người rủ nhau viết văn làm thơ thời 15 tuổi, hình thành tờ Gió Mai, tiền thân của tờ Ý Thức sau này.

Cái lô cốt chứng kiến mối tình đầu của tôi. Mối tình đơn phương, đau đớn, mãnh liệt, và theo tôi suốt cuộc đời còn lại. Người con gái ấy không hề hay biết tôi say đắm nàng đến như vậy. Đêm đêm, tôi rủ Lữ Quỳnh, Châu văn Thuận, Ngy Hữu đi xe đạp ngang nhà nàng ở cửa Nhà Đồ Thành Nội, dừng lại trên chiếc cầu cổ: Ôi, tuổi 15 với những dại khờ đầu đời, ngờ đâu thành vết sẹo không lành cho đến ngày tóc bạc.

Tôi viết truyện này khi đậu Tú Tài bán phần, 1961, dựa trên câu chuyện tai nạn có thật của một nữ sinh trường Đồng Khánh. Tôi muốn chấm dứt ám ảnh của một cuộc tình vô vọng và cay nghiệt. Bài đăng ở nguyệt san Tình Thương vào năm 1965, khi tôi đã học năm thứ 3 trường Y khoa, Sàigòn.

Đọc lại, thấy thật quá. Thật đến nỗi như không thật. Bởi vậy, nên người con gái ấy, mối tình đầu ấy vẫn tồn tại trong tôi, năm mươi năm sau.

Tháng 7 năm 2006