có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 11 15, 2019

Những nhà ga metro Liên Xô lộng lẫy



Bản quyền hình ảnhTAYLOR WEIDMAN

Mùa hè năm ngoái, lần đầu tiên trong lịch sử, Uzbekistan bắt đầu cho phép chụp ảnh tại các ga metro ở thủ đô Tashkent, nơi được coi là một trong những hệ thống lộng lẫy nhất thế giới.
i.

Vô cùng phong phú

Trong thời Xô-viết, các thành phố đạt một triệu dân sẽ đạt tiêu chuẩn để có hệ thống tàu điện ngầm riêng của mình.

Các nhà hoạch định muốn tô điểm tươi đẹp cho cuộc sống hàng ngày của các công dân Liên Xô, và họ coi hệ thống metro, nơi hàng chục ngàn người đi lai mỗi ngày, là cơ hội độc đáo để thể hiện điều đó.

Năm 1977, Tashkent, thủ đô của Uzbekistan, trở thành thành phố thứ bảy của Liên Xô được xây dựng hệ thống metro.

Những chủ đề kỳ vĩ nhằm kỷ niệm lịch sử Uzbekistan và Liên bang Xô-viết được đưa vào đời sống, được đặt hàng thành các tác phẩm nghệ thuật, và các nhà thiết kế sẵn sàng bắt tay vào công việc.

Các nhà ga được thiết kế theo các chủ đề khác nhau, một số có trần làm thành mái vòm với gạch màu gợi nhớ tới các thánh đường Hồi giáo ở Uzbekistan thời Con đường Tơ lụa, một số ga khác được trang trí với đèn chùm và đá cẩm thạch để trông có dáng dấp của các phòng khiêu vũ lộng lẫy châu Âu.

Kết quả là hệ thống tàu điện ngầm của thành phố được ấn phẩm chuyên về du lịch Lonely Planet mô tả là một trong những hệ thống metro Xô-viết đẹp nhất thế giới.

Lịch sử Con đường Tơ lụa


Bản quyền hình ảnhTAYLOR WEIDMAN

Ga Alisher Navoi, được đặt tên theo cây viết, nghệ sỹ người Uzbek, là một trong những trạm nổi tiếng nhất của hệ thống metro Tashkent.

Ở bên trong, các mái vòm và gạch men xanh khiến cho hành khách nhớ tới câu chuyện lịch sử Con đường Tơ lụa của Uzbekistan, với các thánh đường và trường học Hồi giáo cổ.

Đây là một trong các nhà ga bận rộn nhất Tashkent, luôn tấp nập không chỉ những người thường xuyên đi lại hàng ngày mà còn cả rất đông du khách và người dân địa phương tới đây để chụp ảnh, điều vốn bị cấm cho mãi tới tận thời gian gần đây.


Giấu kín


Bản quyền hình ảnhTAYLOR WEIDMAN

Khi hệ thống metro của Tashkent được xây, việc chụp ảnh đã bị cấm trong các nhà ga bởi đó cũng là nơi có một chức năng phụ nữa: hầm trú ẩn chống bom hạt nhân.

Trong thời Xô-viết, nỗi sợ gián điệp và việc kiểm soát thông tin chặt chẽ khiến việc chụp ảnh đa phần đều bị nghi ngờ là nhằm mục đích xấu, nhất là quanh các cơ sở quân sự nhạy cảm và các hầm tránh bom.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nhà cựu lãnh đạo Xô-viết của Uzbekistan, Islam Karimov, lên nắm quyền và tiếp tục áp dụng chính sách đó.

Tuy nhiên, người kế nhiệm ông Karimov là Shavkat Mirziyoyev đã bắt đầu các chính sách cải cách, tìm cách mở cửa nền kinh tế nước này và thu hút các nhà đầu tư cùng du khách tới nơi.

Có lẽ là do nhận ra tiềm năng thu hút du khách của hệ thống tàu điện ngầm mà vào giữa năm 2018, chính quyền đã bãi bỏ việc coi nơi này là các cơ sở quân sự, và dỡ bỏ lệnh cấm chụp hình bên trong vốn đã được áp dụng suốt 41 năm.


Các chủ đề trong ga


Bản quyền hình ảnhTAYLOR WEIDMAN

Bên trong hệ thống Metro Tashkent, mỗi nhà ga đều có thiết kế riêng độc đáo, được trang trí bằng đá cẩm thạch, đá granite, kính, gốm và thạch cao tuyết hoa (alabaster).

Nhiều thiết kế tập trung xoay quanh một chủ đề nào đó, thường được thể hiện trong tên gọi của nhà ga.

Chẳng hạn như Ga Kosmonavtlar (trong hình) trên tuyến đường O'zbekiston nói tới các nhà du hành vũ trụ Liên Xô và kỷ niệm Chương trình Không gian Xô-viết, còn Ga Pushkin thì vinh danh cuộc đời của tác giả, nhà thơ nổi tiếng người Nga, nằm cách đó vài bến, trên tuyến đường Chilonzor.


Cuộc đua Chinh phục Không gian


Bản quyền hình ảnhTAYLOR WEIDMAN

Một bức chân dung Yuri Gagarin, người đầu tiên bay vào vũ trụ, được trang hoàng trên bức tường Ga Kosmonavtlar.

Gagarin và các nhà du hành vụ trụ thời kỳ đầu nằm trong số những người anh hùng quan trọng nhất của Liên Xô, là biểu tượng cho quyền lực sức mạnh siêu cường Xô-viết trong Cuộc đua Chinh phục Không gian. Hình ảnh họ thường được miêu tả trong hoạt động tuyên truyền của Nga.

Xung quanh ông, trên các bức tường là những hình ảnh siêu thực các nhà du hành vũ trụ nổi tiếng khác đang trôi trong không gian, lẫn giữa kiểu thiết kế vị lai màu xanh và đen, tương tự như màu mà các nhà du hành vũ trụ nhìn thấy khi họ rời khỏi bầu khí quyển Trái Đất.


Giai cấp vô sản


Bản quyền hình ảnhTAYLOR WEIDMAN

Theo đúng kiểu Xô-viết, sản phẩm của giai cấp vô sản cũng được kỷ niệm.

Tại Ga Pakhtakor (dịch ra có nghĩa là "Ga Hái Bông"), các hình ảnh cách điệu bông được miêu tả trong bức tranh khảm khổng lồ trên các bức tường. Liên Xô muốn phát triển Uzkbekistan thành một nước sản xuất bông khổng lồ, tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp của nước này và nắn dòng nước cho tới khi sản phẩm làm ra đáp ứng được 70% nhu cầu tiêu thụ bông của toàn Liên Xô.

Điều này đã gây ra thảm hoạ môi trường khủng khiếp: Biển Aral, nơi từng là hồ nước ngọt lớn thứ tư trên thế giới, bắt đầu bị khô cạn, khiến các loài cá trong hồ dần biến mất và các thị trấn cảng trở nên tàn lụi ở nơi từ hồ nước biến thành sa mạc.


Những đoàn tàu Xô-viết


Bản quyền hình ảnhTAYLOR WEIDMAN

Bên dưới vẻ ngoài hào nhoáng này, hệ thống tàu điện ngầm của Tashken toát lên cảm giác vị lợi rất Xô-viết. Nhiều đoàn tàu vẫn còn đang hoạt động là loại tàu rất có tiếng, các toa tàu lớp 81-717/714 vốn được thiết kế trong thời giữa thập niên 1970 và được sử dụng phổ biến trong các hệ thống metro thời hậu-Xô viết.

Tính đến 2013, có 168 đoàn tàu sơn màu xanh đặc trưng của kỷ nguyên Liên Xô vẫn đang hoạt đông, nhưng chúng đang từ từ được thay thế bằng các đời mới hơn. (Credit: Taylor Weidman)


Rẻ và phổ biến


Bản quyền hình ảnhTAYLOR WEIDMAN

Một lượt đi metro tốn 1.200 som tiền Uzbekistan (khoảng 10 xu Anh).

Mức giá này khiến cư dân người Uzbek với mức lương tối thiểu chỉ có 527 ngàn som một tháng (43,5 bảng Anh) có thể đi lại trong thành phố được.

Hệ thống metro cũng đang phát triển: tuyến đường thứ hai được mở vào năm 1984, và tuyến đường thứ ba được mở vào năm 2001 hiện vẫn đang tiếp tục mở rộng, với kế hoạch cuối cùng sẽ là nối liền các quận phía bắc với sân bay ở phía nam thành phố.


Taylor Weidman