có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 7 18, 2019

Xác "kẻ thù"



Khoảng nửa đêm, từ trụ sở quận Phú Lộc, người ta nghe tiếng súng nổ dồn phía chân dãy núi Bạch Mã, gần chợ Cầu Hai. Nhưng chỉ một lúc, tiếng súng thưa dần rồi im hẳn.

Bộ chỉ huy đại đội nghĩa quân tại Quận nhận được báo cáo trong máy vô tuyến, toán an ninh chi khu đụng độ với du kích địa phương, hạ sát một quân du kích.

Rạng sáng hôm sau xác anh du kích được đưa về, để ở khoảng đất trống trước Quận – một con dốc sỏi đá thoai thoải liền bên quốc lộ số 1 dùng làm bãi đáp trực thăng.

Hai lính nghĩa quân đã thay nhau kéo cái xác suốt hai cây số như lôi một khúc gỗ rừng. Họ cột hai chân tử thi bằng đoạn dây dừa, hai tay giữ lấy đầu mối choàng qua vai, ghì vào giữa ngực, cúi người về phía trước bước một cách khó nhọc. Cái thây người bị kéo lê cọ xát vào mặt đất khô làm phát ra tiếng kêu. Thỉnh thoảng lọt xuống những ổ gà, vấp phải đá cục của mặt đường gồ ghề cái xác lại giật giật, nẩy lên tưng tưng.

Hai người lính vừa còng lưng kéo vừa chửi rủa. Dẫu sao thì họ cũng phải đem cái xác của anh du kích về trình diện ông Quận để làm chứng cho chiến công của họ. Nhất là để đánh tan mối nghi ngờ của vị cố vấn người Mỹ có tính đa nghi – mỗi khi dẫn ông ta đến xem tại chỗ những dấu máu chứng tỏ “địch chết được đồng bọn mang đi” không làm ông hài lòng. Phải chính mắt ông trông thấy những tử thi mặc áo bà ba đen, quần cụt gẫy tay mất đầu thì ông mới tin. Lúc ấy ông ta gục gật cái đầu hói với cái mặt đỏ kè như đầu một con gà đá – nói “good good”.

Trời chưa sáng hẳn. Hai người lính kéo xác đi đầu. Theo sau, toán lính sáu người đi cách quãng, nép sát hai bên lề cỏ ướt sương. Trông họ có vẻ mỏi mệt. Một vài người vác súng ngang vai như mấy bác nhà quê vác dù ra tỉnh, há miệng ngáp vặt liên hồi.

Chiều hôm qua, bọn họ đi phục kích vào lúc trời nhá nhem tối, đến lúc nửa đêm thì gặp địch. Bị tấn công bất ngờ, toán du kích phản ứng yếu ớt rồi bỏ chạy. Trong cuộc lục soát sau đó, người ta tìm thấy xác anh du kích nằm chết mặt úp xuống đất, khuất trong một đám cỏ tranh cao. Ngoài vũng máu đặc đọng lại dưới ngực và dấu máu bắn tung tóe trên những ngọn cỏ tranh xanh mướt, chung quanh không còn dấu vết nào chứng tỏ nạn nhân có giây phút hấp hối. Anh ta bị một loạt đạn và đã chết không kịp trăn trối.

- Đ. má, nó lãnh nguyên một băng trung liên của tao, binh nhất Rơi huênh hoang kể lại chiến công của gã.

Họ bốn người, thuộc toán phục kích đang ngồi trong quán nước bà Hai dựng ngay trước trụ sở Quận, ăn điểm tâm.

- Bắn khỏi cần nhắm mà. Rơi hếch mặt lên, vừa nhai ngồm ngoàm vừa kể tiếp. Tao đã lấy sẵn đường nhắm hồi sớm rồi. Nó vừa đi tới che khuất cây thông sát vách miễu tao bóp cò liền. Đ. má, số thằng này xui. Tại nó đi đầu nên lãnh đủ. Trúng đạn nó nhảy dựng lên rồi ngã xuống liền. Trời có trăng thấy rõ mồn một. Chắc nó không kịp nhớ ông bà ông vải.Tao tới lật xác lên thấy trong lưng hắn có giắt gói xôi lớn tổ mẹ còn nóng hổi. Mấy củ khoai lang dính máu nằm lăn lóc.

Rơi dừng nói, bưng tô bún lên húp ngụm nước súp để đưa khỏi cổ họng miếng thịt heo nhai hoài không nát. Gã phải rướn cổ ra và miếng thịt trôi qua cổ họng gã một cách khó khăn.

- Nó mới về lấy tiếp tế ở nhà nào trong xóm đó mà. Để tô bún xuống gã nói tiếp. Đ. má, vạc đi ăn đêm bị nạn. Đi đêm hoài thì có ngày gặp ma.

- Thôi mầy, du côn du kề vừa vừa vậy. Hạ sĩ Thời ngồi đối diện với gã lên tiếng trách. Chửi thề tía lia, cái miệng không đâm da non. Bộ nó không bằng tuổi tía mầy đó. Người ta chết rồi… Đối với người chết mình phải kính trọng họ chớ.

Anh Thời nói như một ông giáo giảng bài học luân lý phổ thông, nét mặt ngây thơ thành khẩn. Bị sửa lưng bất ngờ binh nhất Rơi có vẻ ức, không thèm trả lời, cúi đầu sát xuống tô bún húp sùm sụp.

- Đ. má, anh ngẩng lên chửi thề rồi lại kề miệng ngậm lấy vành tô lùa nốt mấy sợi bún cuối cùng

- Đ. má, anh lại lấy đà. Cái tụi đó, kính trọng con mẹ gì. Giết được thằng nào đỡ thằng đó.

- Tao nói mầy không hiểu. Hạ sĩ Thời đỏ mặt nhưng vẫn ôn tồn trả lời. Thì tao có biểu mầy đừng giết nó đâu. Nhưng bây giờ nó đã chết rồi không còn nói năng cãi lộn với mầy được nữa thì chửi bới nó làm gì cho thêm mỏi miệng, người ta lại chê cười mình lỗ mãng, không biết phép lịch sự.

- Thôi, xin can. Binh nhất Rơi nóng nảy buông đũa xuống trả lời. Đừng có làm thầy đời dạy khôn tui. Đ. má, tui chưa xẻo tai xỏ xâu phơi khô đó là may. Bà hàng, cho thêm tô bún nữa coi. Rơi há miệng ngáp dài. Buồn ngủ thấy cha. Ăn xong vô làm một giấc cái đã.

Bà Hai bưng tô bún để lên bàn. Liếc qua, Rơi không hài lòng nên hỏi gặng:

- Sao mà nước với bún lỏng bỏng vầy nè, bà hàng? Không thấy bóng dáng thịt thà đâu hết. Bán cắt cổ lính vậy hả?

Bà Hai vừa quay lưng đi vội đứng lại cười xã giao:

- Dạ… cậu cảm phiền giùm… Tui cũng đâu có muốn bán đắt cho mấy cậu. Ngặt thịt heo cỡ này lên cao quá. Không tăng giá bán được thì múc có hơi nhẹ tay hơn lúc trước một chút. Bà cười dã lả. Mấy cậu ăn giùm tui… Tui mang ơn.

- Thôi được, binh nhất Rơi gắt gỏng. Bà già này sao “lý thuyết” quá, cho xin trái ớt đi, mau lên. Đ. má, gã ngước lên nhìn quanh mọi người trong quán. Giá cả tăng điệu này lính tụi tui chết đói hết chớ không cần chờ đạn VC đâu.

Binh Cự ngồi cạnh Rơi quay nhìn bạn cười chế riễu. Anh chỉ ra xác anh du kích nói lớn tiếng cho mọi người nghe:

- Thịt mắc mà nó đòi ăn nhiều. Thằng này nghèo mà ham. Thịt kìa. Bà già ra đó xẻo một đùi đem về hầm cho nó ăn thả dàn.

Bà Hai vừa trở lên, tay bưng đĩa ớt tươi, cười cười:

- Anh nói giỡn nghe phát dợn họng. Tội chết.

- Đ. má, đồ ăn nói vô duyên. Binh nhất Rơi đỏ mặt phản đối bạn. Mày ăn thịt người chớ ai ăn.

Bà Hai để đĩa ớt xuống bàn vội nói:

- Thôi để tui hạ bớt cái mái che xuống cho khuất con mắt, dễ ăn. Dòm thấy gớm quá. Sao Quận không sai ai đem chôn khuất đi cho rồi, còn để làm chi vậy không biết. Bà vừa nói vừa hạ cây tre chống cửa. Binh nhất Rơi vội đứng dậy đưa tay ngăn:

- Không sao, bà cứ để vậy cho tui. Ăn thịt tụi đó cũng được chớ có sao.

Binh Cự nhìn bạn cười tủm tỉm:

- Thằng này gồ ta.

Rơi gườm Cự đôi mắt có đuôi. Nhưng rồi nét mặt Rơi lộ vẻ bẽn lẽn. Trên gương mặt cô hồn bướng bỉnh phản phất vẻ bất bình về chính lời mình đã thốt ra.

Mặt trời đã lên cao. Ánh nắng bắt đầu nóng rát. Trước sân Quận, gần lề đường, cái xác nằm tênh hênh không che đậy. Một chiếc xe đò Lăng Cô dừng lại trước quán. Hành khách đổ xuống xem.

Các bà các cô đến nơi, vừa đưa mắt đã quày quả trở lại xe, nét mặt ngượng nghịu lẫn thương cảm. Gã tài xế quá quen với những cảnh tượng như thế, vẫn ngồi yên trên xe, bóp còi inh ỏi, hối thúc những hành khách còn tò mò đứng nán lại. Anh thò đầu ra cửa xe nói lớn:

- Bà con lên xe giùm đi chớ. Coi gì mà lâu dữ vậy? Thì nó bị lính quốc gia mình bắn chết, người ngợm giống hệt mình, mũi tẹt da vàng chớ phải là quỉ ba đầu sáu tay gì mà coi - Anh lại bóp hồi còi dài thúc lần nữa - Bà con lên xe mau, tui chạy.

Hành khách lục tục trở lại lên xe, kẻ lắc đầu, người chắc lưỡi, nhưng không rõ đó là dấu hiệu để bày tỏ những gì trong cảm xúc của họ.

Trong quán, ăn uống xong bọn bốn người lính còn ngồi nán lại nói chuyện. Thực khách vừa ăn vừa đưa mắt nhìn họ, lắng tai nghe.

- Coi vậy mà chả nặng tổ mẹ đó nghe. Binh Cự liếc nhìn ra xác chết, nói với mấy người bạn. Tao với thằng Hường thay phiên nhau kéo về mệt muốn đứt hơi.

- Chớ cái quần của y đâu mà để ở truồng nhông nhổng vậy mấy ông? Một người khách lên tiếng hỏi. Bộ lúc đánh nhau y không mặc quần sao?

- Trời đất. Binh Cự kêu lên rồi cười ngất. Có chớ sao không, cha nội. Nghèo gì mà đến nỗi không có cái quần. Nhưng tụi tui cột hai chân chả mà kéo lê cả hai cây số thì da cũng lột chớ đừng nói cái quần cụt luồn thun. Sáng nay mới hay chả sút quần đó chớ. May còn cái áo lót che thân, không thì chả “xét-xy chăm phần chăm rồi”.

Cự quay hẳn người nhìn ra sân Quận. Gió sớm thổi nhẹ đang phe phẩy mớ tóc hoa râm của tử thi lấm lem đất trộn máu, trông xa như những cọng cỏ may khô. Một cô gái đứng dựa vào cột tre trước quán đợi xe lên Huế, chỉ tay nói:

- Coi kìa! Thấy ghê! Bộ ổng còn nhúc nhích sao chớ. Mấy sợi tóc rung rinh kìa. Ý! Coi chừng ổng thành quỉ nhập tràng à. Cô gái cười khúc khích rùn hai vai lại, lè lưỡi ra rồi thụt vào, nhanh như lưỡi thằn lằn lè ra bắt mồi. Cô nói một mình:

- Thấy sợ quá hén!

Bọn bốn người lính nghe cô gái nói, nhìn nhau, nhe răng cười khoái chí.

Họ ra khỏi quán, đến bên xác chết ngắm nghía lại chiến công. Binh nhất Rơi dùng mũi giầy “sô” đá vào hông cái xác nói đùa:

- Đ. má, ông báo hại tụi tui phải thức cả đêm. Gã đưa tay chỉ dương vật nạn nhân, nhìn các bạn cười lớn:

- Thằng nhỏ nằm nghẻo đầu xụi lơ thấy mà tội nghiệp.

Bạn gã nhận xét thêm:

- Coi xấu dây vậy mà tốt củ nghen. Thằng nầy chắc nhiều con gái mê nó lắm. Làm một cú nhớ tới già, dám đội bàn thờ ông bà theo hắn lắm à. Binh Rơi đề nghị cùng ba người bạn chụp một tấm hình làm kỹ niệm. Hạ sĩ Thời phản đối bỏ đi. Họ còn lại ba người, quàng vai nhau đứng sau tử thi. Trong khi chờ đợi ống kính mở, gương mặt họ tươi cười rạng rỡ. Nhưng họ không giữ được những nụ cười hết miệng cho đến khi nghe tiếng tách. Chỉ sau đó chúng trở nên gượng gạo ngay với nét môi trông như mếu, cứng ngắc.

Binh Rơi yêu cầu người bạn chụp riêng cho anh ta một “bô” nữa, để anh gởi cho “con nhỏ bồ tao”.

Gã lấy điệu bộ: gác một chân lên ngực xác anh du kích cho người hơi ngã về phía trước, một bàn tay tựa hờ lên đầu gối cong, điếu thuốc vừa mới châm kẹp giữa hai ngón tay đang tỏa khói. Tay kia gã chống nạnh, đầu đội chiếc mũ đen rộng vành, một bên bẻ cong lên có nút gài mà gã vừa sửa cho lệch hẳn, quai nón thắt hình nửa số tám thòng dưới cằm. Mặt gã nghếch lên, nắng dọi sáng một bên má.

- Ê! Chừng nào chụp nói nghen. Gã dặn.

- Sắp chụp đây. Người chụp ảnh lên tiếng. Sao cái mặt buồn quá vậy, tươi lên chút cho đẹp.

- Đ. má, chụp hình gởi cho bồ thì phải làm bộ buồn mới có điệu, nó mới thương mình chớ.

Cả bọn đi vào Quận. Rơi đến quàng vai người bạn vừa chụp ảnh nói:

- Đ. má, chụp kiểu hồi nảy ác ôn côn đồ à. Con nhỏ tui chịu mấy cái hình kiểu đó dữ lắm.

Đến trưa hôm đó, xác anh du kích vẫn còn để nguyên chỗ cũ, không nghe ai nói tới việc chôn cất. Kẻ qua người lại ngắm nghía như xem một vật lạ trưng bày nơi công cộng.

Khách đến ăn ở quán bà Hai quay mặt vào vách nuốt vội rồi quày quả đi ngay. Ngọn gió thổi từ phía xác chết lại khiến họ ái ngại, dù cái xác chưa sình thối.



Một vài người tỏ ý lo ngại vấn đề vệ sinh, vì thời tiết đang trong mùa nóng bức.

Quá trưa gió thổi về càng nhiều, bà Hai phải đóng hẳn cửa trước lại – từ đó có thể nhìn ra chỗ tử thi nằm – chỉ chừa một lối nhỏ bên hông vừa một người bước vào.

Đến chiều xác chết anh du kích vẫn chưa được chôn. Lớp da đã bắt đầu căng. Thi hài của gã đàn ông nhỏ thó đó khoảng ngoài năm mươi tuổi, được để nằm phơi khô giữa ánh nắng đổ lửa tháng năm và những cơn gió Lào suốt cả một ngày như xác một con thú bị hắt hủi. Rách nát và nhớp nhúa.

Xác chết nằm ngửa, hai chân hơi dạng ra, trên người còn dính manh áo lót ngả màu, rách bươm, nhuộm máu nâu khô cứng. Tấm thân thể tồi tàn của anh hầu như phơi bày ra trọn vẹn. Lớp da đen sạm đóng bụi mốc thếch. Bên trong làn da xanh nhợt nhạt, ửng lên một vài chỗ dấu máu đọng tím bầm. Đầu bị văng mất một miếng sọ để lại một cái lỗ trống hốc. Những sợi gân máu nhỏ dính sát vào phía bên trong của mảng sọ khô còn lại, trắng hồng nhờ nhờ.

Bà Hai kể lại lời người lính nói với bà lúc sáng cho ông khách độc nhất còn lại trong quán nghe:

- Lúc mới chết đâu ra nông nỗi vậy. Tại mấy ổng cột dây kéo xa quá nên đầu vấp đá bể, óc mới văng ra hết ở dọc đường vậy đó chớ.

Ông khách góp chuyện:

- Ối thôi, bà ơi! Con người ta khi sống còn coi nhau là thù địch, tìm đủ mọi cách để giết nhau, thì lúc chết rồi còn kể số gì. Được kéo về chôn đã là may, bỏ xó tại chỗ thì rồi thịt xương cũng vô miệng cọp. Mất một bộ óc có làm sao, còn thì cũng đâu có thở lại được.

Ông khách ra khỏi quán bà Hai, đi thẳng đến chỗ xác chết nằm. Vẻ mặt chìm trong một mối cảm xúc khó lường, ông ta nhìn cái xác đăm đăm một cách thản nhiên không tỏ vẻ sợ sệt hay ghê tởm, dầu là cái gương mặt còn in rõ nét kinh hoàng với hai con mắt không nhắm trợn ngược, lòng trắng đục mờ như mặt kính đọng hơi của tử thi có thể khiến một người bình thường không dám nhìn lâu. Cái mũi tẹt của anh ta trầy trụa gần như bị lột da với hai lỗ đen ngòm và những sợi lông dài lòi cả ra ngoài đang mở tròn như còn thèm được thở. Chiếc miệng há hốc, đôi môi dày vểu ra, xám xịt, khô nứt. Hai chiếc răng cửa đóng bợn vàng xìa ra, nổi bật lên giữa khoảng bóng tối đọng lại trong cổ họng. Giữa ngực, một lỗ thịt nát nhầy, thâm xì, dấu vết của một băng đạn đã xuyên qua đó. Ở gần rốn cũng có lủng một vài lỗ. Lũ ruồi xanh đánh hơi máu kéo tới đậu che lấp cả các vết thương, còn hàng đàn bay chung quanh, hàng trăm những đôi cánh nhỏ phát ra tiếng kêu u u như tiếng gió lọt qua một lỗ hổng. Lũ ruồi đói không những chỉ đậu trên các vết thương mà hầu như chúng vây lấy tử thi không chừa một chỗ nào. Từ hai cánh tay da mốc, lông lưa thưa với hai bàn tay ngón ngắn ngủn bằng đầu, móng sứt, nẻ ra nổi chai từng cục, đến cái bụng xì hơi lép xẹp, vòng xuống bộ xương sườn nổi vòng lên có thể đếm được từng chiếc một. Chúng còn đậu sắp hàng theo hai ống quyển dọc xuống đến hai mu bàn chân sần sùi đóng vẩy mà năm sợi gân đội lớp da dầy nối liền những ngón chân cong queo có móng thối sút, móng mới mọc lại dị hình, đóng phèn vàng ệch. Sự quan tâm quá đáng của người khách khiến một chuẩn úy trẻ vừa từ trong Quận đi ra đưa mắt nhìn tò mò. Ông khách ngẩng lên nhìn lại gã chuẩn úy một cách thản nhiên rồi cúi đầu lầm lũi bước về phía chợ Cầu hai.

Bà Hai đang xếp mớ ly, tô vào hai cái thúng to đặt trong đôi gióng thép. Gã chuẩn úy nói bà nán lại chút xíu cho gã uống chai bia. Bà hỏi:

- Sao bữa nay chuẩn úy ra uống trễ vậy?

- Bận quá, uống lần này nữa thôi bà Hai. Ngày mai tôi đi rồi.

- Cậu đổi đi đâu vậy? Bà để chai bia và cái ly lên bàn. Sao mới tới ở đây mấy tháng đi liền? Giọng bà Hai có vẻ ngạc nhiên. Tôi thấy nhiều người ở đây cả năm.

- Dạ, thì lính tráng người ta bảo sao mình làm vậy, có biết gì? Tôi sắp đổi về Phú Thứ rồi đại đội còn dời về Lương Mai.

Bà Hai đang làm việc, ngẩng lên nhìn gã, nét mặt hốt hoảng:

- Cậu đổi về Lương Mai à?

Gã mỉm cười:

- Sao bà Hai?

- Trời! Ở đây còn đỡ chớ ra đó ghê lắm. Mấy ổng đánh liên miên bất kể đêm ngày. Nói xin lỗi, đi cầu cũng khó khăn, phải ở miết trong đồn hoài, ra ngoài bị bắn sẻ liền.

- Đã làm lính sợ gì đánh giặc. Gã Chuẩn úy rề rà nói. Bà Hai còn nước đá cho thêm cục. Càng đánh càng vui. Đánh cho đến chết hết trơn mới thôi.

- Cậu nói vậy chớ… Bà ngập ngừng, chết hết rồi lấy ai sống đây. Không biết vì sao mà họ cứ đánh nhau hoài, không chịu yên đi cho rồi, còn lo buôn bán làm ăn nữa chớ. Đánh nhau hoài, cũng là người Việt Nam với nhau cả, có ích lợi chi đâu.

- Ngày nào bà cũng mang hết cả đồ nghề về vậy sao? Để lại đây có phải tiện hơn không?

- Gia tài tui có mấy cái ly cái tô nầy đây cậu, mà cũng mới sắm lại đó. Dạo trước để đấy, đêm Quận bị pháo kích đạn rớt trúng quán tiêu hết một lần rồi. Bây giờ chịu khó đem về cho chắc.

- Rồi đạn rớt trúng nhà bộ không bể sao? Gã cười cười.

- Ờ! đến nước cùng đó thì còn nói làm chi, có điều còn nước thì còn tát vậy thôi.

- Này bà Hai, sao người ta chưa chôn thằng VC đó đi cho rồi? Tính để cho nó sình thối ra sao?

Bà Hai nhìn gã Chuẩn úy thoáng vẻ nghi ngờ. Một lúc sau bà mới đến bên gã khom người xuống, nói nhỏ:

- Cậu cũng sắp đi khỏi đây rồi, tui nói cậu để bụng, đừng kể lại với ai, lôi thôi lắm nghe.

Bà xuống nhà sau đóng cửa rồi trở lên nhìn một lượt ra quanh quán. Trời đã về chiều. Cả một vùng đồi núi chìm trong ánh nắng quái vàng yếu ớt như hơi thở một con bệnh hấp hối. Quốc lộ số 1 vắng ngắt không còn một bóng dáng một chiếc xe nào, chạy hút mất sau chân đèo Phước Tượng.

- Nè cậu,bà Hai thì thầm. Hồi xế nầy có một người ghé đây ăn nói chuyện. Người ta để cái xác đó chờ thân nhân đến nhìn rồi bắt luôn. Hắn người vùng nầy mà. Tên là… tên gì há, à, hắn sinh đẻ ở đây, tên là Thừa, Hai Thừa. Hắn đi kháng chiến cả mười mấy năm nay rồi. Có vợ bị máy bay Tây thả bom chết. Hai thằng con trai sinh đôi, lớn lên theo bộ đội cũng chết luôn. Tội nghiệp chớ, hả cậu. Nhà hắn nghe đâu ở trong chân núi Bạch Mã đây. Đi tập kết lâu rồi mà sao còn mò về để bị lính mình bắn chết vậy không biết. Bà thở ra. Người ta còn chờ người nhà hắn đến nhận xác đó cậu. Làm mồi nhử mà.

Lúc bà Hai gánh ly chén ra khỏi quán thì mặt trời đã lặn xuống dãy núi. Trên lưng chừng những ngọn đồi của dãy Bạch Mã, trong những thung lũng còn vương vất làn ánh sáng hồng sẫm phản chiếu từ các đám mây tím thẫm. Sương khói đã lên phủ trắng rừng cây trên sườn núi. Một vài làn mây mỏng vắt qua thân núi mầu nâu, lững lờ như những chiếc khăn lụa. Chỉ một lúc sau cảnh vật đã chìm trong không gian đen tối, vắng tanh ghê rợn. Đó là cái không khí đặc biệt của các vùng quê trong thời chiến, chỉ sau tám giờ tối tất cả mọi người đều ở trong nhà, đóng kín cửa, không dám bước chân ra ngoài. Mấy người lính trong Quận kéo dây gài mìn chung quanh đồn ở khúc đường rầy chạy ngang trước Quận cũng đã vội trở vào.

Bên kia chiếc cầu sắt hư, một toán nghĩa quân trong chòi canh đang thử súng. Họ bắn từng ba phát một vào hướng núi. Những viên đạn lửa bay xẹt vào màn đêm đen mất hút như những đốm lửa ma trơi chợt tắt.

Anh lính đứng gác ở cổng trụ sở Quận bỗng chú ý đến một đốm lửa đỏ quơ qua quơ lại, đang từ trong ấp chiến lược cũ đi ra. Cái cổng ấp chiến lược ở cách Quận chỉ vài trăm thước, ban ngày anh vẫn nhìn thấy hai cột trụ xi măng, trên có một cái khung hình – cũng làm bằng xi măng – trước kia để treo ảnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, bây giờ đã bể nát chỉ còn trơ lại cái cốt sắt gẫy vẹo, gục xuống. Đóm lửa đỏ quơ qua quơ lại một lúc thì lửa cháy bùng lên thành một ngọn đuốc và anh nhận ra chập chờn có bóng một người cầm đuốc. Bóng người di động chậm chạp, có vẻ khó khăn như đang dò đi từng bước một.

Anh lính gác theo dõi, bóng người từ từ ra đường cái quan đang tiến về phía Quận. Khi còn cách Quận chừng một trăm thước, anh lính hét to lên:

- Ai đó đứng lại! Nhưng người cầm đuốc dường như không nghe tiếng quát vẫn tiến tới phía anh. Khi anh hô đứng lại đến lần thứ ba và lên cò súng thì anh kịp nhận ra một bà lão già lụ khụ lưng còng hẳn xuống như người bà bị gẫy gập.

Bà đi thẳng đến bãi đất trống, chỗ để xác chết, giơ cao ngọn đuốc lên khỏi đầu, tay che mắt nhìn dáo dác. Sau một hồi tìm kiếm, bà đến bên xác chết cúi sát xuống nhìn, rồi bà ngồi bệt ngay xuống ôm lấy cái xác khóc nức nở. Nói là nức nở, vì anh lính thấy bà có vẻ vật vã thảm não, thật ra tiếng khóc của bà không vang lên được mà chỉ nghe ri rỉ trong cổ họng như tiếng mèo kêu thảm trong đêm khuya. Bà vừa khóc vừa rờ rẫm từ đầu đến chân tử thi, mân mê từng ngón tay ngón chân sửa lại cho ngay ngắn một cách âu yếm, nhẹ nhàng tưởng chừng như bà đang săn sóc cho một người trong giấc ngủ say, sợ đánh thức người thân yêu dậy. Bó đuốc để bên cạnh đã tắt chỉ còn một tàn lửa chợt cháy bùng lên soi chập chờn hình ảnh bà lão và cái xác, rồi nó lại tắt đi và hình ảnh bà lại biến đi trong màn đêm.

Anh lính gác đứng nhìn quang cảnh quái gỡ đó một cách sững sờ trân trối. Cả tâm hồn anh như bị cuốn hút làm cho anh quên cả thực tại. Mãi đến khi bà lão cầm bó đuốc đứng lên đi thẳng vào cổng Quận anh mới giật nẩy mình, ghìm chặt súng quát lạc cả giọng:

- Đứng lại!

Nhưng bà lão như một người điếc đặc vẫn lừng lững tiến vào.

- Đứng lại! Tôi bắn!

Anh hét to lên. Giọng anh trở nên bối rối. Và trước khi ngón tay anh đặt trong cò súng sắp sửa bấm thì bà lão đã đến sát trước rào cản kẽm gai, cách chỗ anh đứng không quá năm bước. Dưới ánh đuốc chập chờn, bà lão đứng khom người che mắt nhìn vào, cái bóng mờ nhạt của bà run rẩy theo ánh lửa khi mất khi hiện. Bà cất tiếng khàn khàn:

- Có ai đó không… làm ơn cho tui vô gặp ông Quận.

- Gặp chi vậy? Anh lính gắt gỏng.

Men dọc theo bờ rào cản, bà lão đến gần chỗ phát ra tiếng nói cố nhướng cặp mắt ti hí đỏ chạch lên nhìn vào. Khi bà lão đến gần, anh lính nhận ra bà còn già hơn hình ảnh anh trông thấy trước đây. Tóc bạc trắng phau, lưa thưa, hai má cóp, da mặt nhăn nheo, hằn những nếp sâu. Hai bàn tay trổ đồi mồi nâu sẫm như da một lớp vỏ cây. Bà mặc một chiếc áo dài đen vải thô, tuy cũ nhưng hãy còn lành lặn và chiếc quần lãnh trắng đã ngã sang màu ngà, loang lổ những đốm vàng như bị thấm nước mưa dột. Những nếp gấp trên áo và quần còn rõ ràng cho thấy là bà vừa mới lấy ra mặc và đó là bộ áo quần “lễ” mà bà xếp cẩn thận để trên đầu nằm chỉ đem ra diện vào những dịp trọng đại.

Anh lính gác càu nhàu:

- Bộ bà muốn về chầu Diêm chúa hay sao mà giờ nầy còn mò đến đây? Lẩm cẩm quá. Gặp tui chớ người khác là bà ngủm rồi. Có chuyện gì oan ức thì cũng ráng đợi sáng mai đã chớ. Ông Quận ngủ rồi. Về đi!

Anh nói một hơi không nghỉ để trấn tĩnh trái tim anh mấy phút trước đây đã giao động mạnh một cách vô lý vì bị những chuyện ma quỉ ám ảnh.

Bà lão moi chiếc khăn lận trong thắt lưng ra, đưa bàn tay run run lên lau đôi mắt ướt.

- Nói dấu gì cậu… thằng đó là con trai tui. Bà chỉ về phía xác anh du kích.

- Trời thần ôi! Anh lính gác kêu lên sửng sốt, gai ốc nỗi lên khắp người. Bà có con theo VC hả? Thiệt không đó? Đừng có giỡn, nguy hiểm lắm bà già ơi.

- Dạ… Thiệt đó cậu. Giọng bà lão nghe như tắt nghẹn vừa thoát ra từ chiếc miệng móm sọm, mếu máo.

- Tui chỉ có mình nó đó cậu. Nó đi biệt hơn mười năm rồi, mới trở về được vài tháng nay. Đêm hôm qua nó về thăm nhà, tui có nấu gói theo cho nó gói xôi và ít củ khoai lang luộc cho nó ăn. Nó nói trên núi ăn không đủ nó đói lắm.

Anh lính gác đứng lặng thinh. Bà vừa nói vừa khóc:

- Tui dối cậu làm gì, già như tui, gần xuống lỗ rồi. Người ta mới cho tui hay nó bị lính trong đồn bắn chết đem xác về đây.

Nghe chuyện bà lão kể, nét mặt anh lính bỗng dịu lại.

- Thì bề nào ổng cũng chết rồi, bà về đi để mai tới lãnh về chôn.

- Tội nghiệp… cậu. Để ngoài sương ngoài gió nó lạnh lẽo tội nghiệp chớ.

Anh lính nhìn bà lão, nghĩ ngợi một lúc rồi gọi điện thoại vào trong hỏi ý kiến. Xong ra mở cổng nói:

- Thôi ngoại vô đi. Ông Quận cho rồi đó.

Bà lão đi vào. Anh thở dài, ái ngại nhìn theo bà đang bước thấp bước cao dò đường đi lên con dốc dẫn vào Quận. Anh nói với theo:

- Đi ngả kia kìa, ngoại ơi. Đó, rẽ qua tay trái. Cái nhà gạch lợp tôn đó.

Chiếc lưng bà lão cong vòng khòm xuống khuất sau một hầm trú ẩn bằng bao cát xây lộ thiên. Một lúc, ông Quận đi ra. Theo sau bà lão và hai anh lính nghĩa quân trẻ có võ trang. Cây đuốc đã tàn, bà lão dò dẫm đi loạng choạng trên đoạn đường dốc xuống mấp mô. Một anh lính nắm tay bà dẫn đi. Anh kia cầm một tấm vải dầu cũ cuốn tròn, bàn tay anh đưa theo nhịp bước, những mép rách của tấm vải dầu cọ vào ống quần trận kêu sột soạt. Họ ra khỏi cổng, tiến về phía xác chết.

Hai anh lính trải miếng vải dầu, khiêng cái xác để lên rồi quấn lại. Một người nói:

- Xin lỗi nghe bồ. Quấn lại cho nó kín đáo, ấm áp.

- Ấm áp mẹ gì nữa. Gã kia cười khan. Cả ngày nay dang nắng khô da cháy thịt rồi.

- Thôi bây giờ về mà hưởng mồ yên mả đẹp nghen. Chết như bồ mà khỏe thân a, sống cực thấy mẹ chớ sướng ích gì.

Ông Quận tay cầm đèn bấm, tay chống nạnh, miệng hút thuốc đứng nhìn hai người lính làm việc, thỉnh thoảng đưa mắt ngó bà lão. Bà lão thì liền tay đưa chiếc khăn lên lau đôi mắt, không biết còn rịn ra được giọt nước mắt nào không.

Hai anh lính nghĩa quân làm việc gọn và nhanh. Họ quấn tròn cái xác lại, gấp hai đầu rồi cột dây, trông như bó một khúc chả, có điều là những vòng dây không được chặt. Xong họ khiêng để lên sàn chiếc xe lam – đã cất băng lên mui – của ông Quận cho mượn. Bà lão đột ngột sụp xuống lạy ông Quận khiến ông không kịp có phản ứng. Ông vội đỡ bà dậy, nói nhỏ mấy lời an ủi. Bà cảm ơn hai anh lính rồi lên ngồi chồm hổm bên cạnh cái xác, vòng tay qua giữ chặt lấy. Ông Quận đi vào.

Bác tài xế xe lam vẻ mặt thản nhiên cho xe nổ máy. Tiếng máy nổ dòn trong đêm tĩnh mịch nghe lạc lõng, rờn rợn. Chiếc xe phun khói, chạy lấy đà rồi nhanh dần. Hai người lính còn đứng lại hút thuốc. Họ nhìn theo hai chấm đèn đỏ sau xe mỗi lúc nhỏ lại như hai cục than hồng đang nguội.

Khi họ vừa vào khỏi cổng Quận, đột nhiên một tiếng nổ phát ra dữ dội. Trong đồn, đủ các thứ súng to nhỏ bắn ra liên hồi như đang chống lại một cuộc tấn công. Hỏa châu soi sáng cả một vùng. Một lúc không thấy gì, họ ngừng bắn.



Sáng hôm sau, dân chúng trong vùng kéo tới khúc đường gần chợ Cầu Hai xem vụ nổ đã xảy ra trong đêm, khi chiếc xe chở xác chạy đến đó thì bị trúng mìn. Người tài xế và đầu chiếc xe nát bấy. Chiếc xe lật xuống bờ ruộng, méo mó còng queo. Trong xe xác anh du kích nám đen, còn bà lão thì biến mất.

Mấy hôm sau, khi những người làm miếng ruộng kế cận chỗ xe bị lật nghe mùi hôi thối xông lên, xác bà lão mới được tìm thấy. Bà bị hất văng vào nằm giữa một bụi dứa rừng. Áo quần bà rách te tua và bà bị mất hẳn một cánh tay sát đến tận vai.


Kinh Dương Vương