có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 7 15, 2019

Tưởng niệm đạo diễn Franco Zeffirelli


Đạo diễn Franco Zeffirelli tại Florence năm 2004 
(PAOLO COCCO / AFP)


Nước Ý vừa đánh mất một tên tuổi lớn. Đạo diễn Franco Zeffirelli đã từ trần hôm 17/06/2019 tại Roma, hưởng thọ 96 tuổi. Lúc sinh tiền, ông từng làm trợ lý cho đạo diễn Visconti cho bộ phim Le Guépard, trước khi nổi tiếng nhờ tài dàn dựng kịch opera cũng như quay phim từ các tác phẩm kinh điển của văn học Anh.

Phía gia đình ông cho biết, đạo diễn Franco Zeffirelli đã ra đi một cách bình thản sau một thời gian dài lâm bệnh. Chứng viêm phổi thường thì không nghiêm trọng, nhưng nơi nhà làm phim tuổi già sức yếu, căn bệnh này đã khiến cho tình trạng sức khỏe của ông càng trở nên tồi tệ trong những ngày tháng cuối đời.

Sinh trưởng tại Florence (Firenze), Franco Zeffirelli thời còn nhỏ sống trong viện cô nhi, nên không được sống trong sự đùm bọc của gia đình, trong tình thương của song thân. Ông tìm được một niềm an ủi rất lớn trong tiếng nhạc của Mozart và các tác phẩm của Shakespeare. Những tác phẩm ấy cũng như ông nói giúp cho ông hiểu thấu hơn hai chữ ‘‘tiền định’’ và ‘‘nhân tâm’’.

Đeo đuổi ngành sân khấu từ thuở thiếu thời, ông được tuyển làm phụ tá cho đạo diễn Luchino Visconti ban đầu là để dựng kịch và sau đó quay phim. Nhờ vào sự dìu dắt của bậc đàn anh Visconti, ông gặt hái thành công trong cả hai lãnh vực kịch opera và điện ảnh. Franco Zeffirelli là tác giả của khoảng hai mươi bộ phim truyện. Phong cách đạo diễn của ông thấm nhuần ảnh hưởng của Visconti, với một nét khác biệt là ông thường chọn bối cảnh thời xưa, qua lăng kính văn học hay gần sát với các sự kiện lịch sử.

Vào năm 1967, ông quay bộ phim ‘‘The Taming of the Shrew’’ (La Mégère apprivoisée), với cặp diễn viên Elizabeth Taylor và Richard Burton trong vai chính. Thành công của bộ phim mở đường cho ông chuyển thể phóng tác nhiều tác phẩm của Shakespeare, một văn hào mà ông đặc biệt mến mộ từ thuở thiếu thời. Bộ phim nổi tiếng nhất của ông chính là Tình sử ‘‘Romeo & Juliet’’ (1968), lối dựng phim của ông trau chuốt tỉ mỉ, gần sát với nội dung tác phẩm cùng tên của Shakespeare. Bộ phim này nổi tiếng trên khắp thế giới với giai điệu quen thuộc của nhà soạn nhạc Nino Rota. Bài hát cũng đã nhiều lần được đặt thêm lời Việt, phiên bản nổi tiếng nhất là của tác giả Phạm Duy.

Đạo diễn Franco Zeffirelli là nghệ sĩ Ý duy nhất được nữ hoàng Anh Elisabeth đệ nhị phong tước. Ông cũng hai lần nhận được đề cử Oscar : lần thứ nhất cho bộ phim "Romeo và Juliet", lần thứ nhì cho bộ phim "La Traviata", vở kịch opéra cùng tên, dựa theo quyển tiểu thuyết Trà Hoa Nữ (La dame aux Camélias) của Alexandre Dumas. Sau một thời gian vắng bóng vì lý do đời tư, ông trở lại phim trường vào năm 1996 với tác phẩm ‘‘Jane Eyre’’, chuyển thể từ quyển tiểu thuyết cùng tên của Charlotte Bronte với Charlotte Gainsbourg trong vai chính, trong số những bộ phim cuối cùng của ông có tác phẩm ‘‘Tiệc trà với Mussolini’’ (A tea with Mussolini /2001).

Tên tuổi của Franco Zeffirelli càng đặc biệt quen thuộc với những người yêu chuộng opera, ông đưa cách dàn dựng sang trọng hoành tráng, không thua gì các bộ phim với kinh phí cao như ‘‘Nữ hoàng Cléopâtre’’ của Hollywood. Cách dàn dựng của ông cho tới giờ vẫn hiện hành tại các nhà hát lớn như La Scala ở Milano hay là Metropolitan Opera ở New York

Tên tuổi của Franco Zeffirelli càng đặc biệt quen thuộc với những người yêu chuộng opera, ông đưa cách dàn dựng sang trọng hoành tráng, không thua gì các bộ phim với kinh phí cao của Hollywood. Cách dàn dựng của ông cho tới giờ vẫn không lỗi thời, vẫn hiện hành tại các nhà hát lớn như La Scala ở Milano hay là Metropolitan Opera ở New York (vở Turandot). Tháng Tư năm 2018, nhà hát lớn Vienna đã tiếp tục cho biểu diễn (lần thứ 437) vở kịch La Bohème. Tác phẩm opera nổi tiếng của Puccini từng được Zeffirelli dàn dựng lần đầu tiên vào năm 1963, và hơn nửa thế kỷ sau vẫn được dựng lại y như cũ.

Công chúng Mỹ đặc biệt hưởng ứng phong cách của đạo diễn Zeffirelli, bài bản cổ điển hơn, trong khi khán thính giả Tây Âu vẫn thích lối phá cách trong sáng tạo. Cuộc gặp gỡ giữa nhà đạo diễn Ý với diva gốc Hy Lạp Maria Callas cho ra đời nhiều tác phẩm kinh điển. Đầu tiên hết là vở La Traviata, giúp cho La Callas lên ngôi thần tượng. Tại Paris, ông dựng Norma của Bellini rồi sau đó là La Tosca của Puccini theo lời yêu cầu của nữ hoàng Callas. Nhiều năm sau ngày bà qua đời, ông quay bộ phim mang tựa đề ‘‘Callas Forever’’ (Callas muôn thuở 2002) với Fanny Ardant trong vai chính. Giai điệu ‘‘Casta Diva’’ trích từ Norma của Bellini là một trong những đoạn thu hình hoàn chỉnh nhất làm nổi bật cách hát xuất thần của Maria Callas trong từng hơi thở im lặng, trong mỗi khoảnh khắc sầu lắng.

Ông cũng tặng cho ngôi sao Joan Sutherland một trong những vai diễn đẹp nhất : vai Lucia di Lammermoor. Tất nhiên, khi vào những năm 1980 có phong trào quay các vở kịch opera thành phim, để khai thác trong các rạp xinê hay qua đĩa hình DVD, giới sản xuất đã mời Zeffirelli để quay phim cho Placido Domingo, một trong những tenor nổi tiếng nhất thời bấy giờ.

Dù đã cao tuổi, nhưng nhà đạo diễn người Ý Zeffirelli vẫn có nhiều dự án hợp tác dang dở, trong đó có phiên bản mới của Traviata, nhân liên hoan opera ở thành phố Verona bắt đầu từ ngày 21/06/2019. Bên vạnh đó có dự án dựng tác phẩm Rigoletto, dự trù công diễn vào mùa thu năm 2020 tại Vương quốc Hồi giáo Oman. Tuy toàn bộ sự nghiệp của Franco Zeffirelli chủ yếu diễn ra ở Roma, Milano và New York, nhưng trọn đời nhà đạo diễn vẫn luôn có một mối quan hệ gắn bó sâu sắc với Florence (Firenze), quê hương của ông.

Để vinh danh tài năng của nhà đạo diễn, hội đồng thành phố Florence đã khai trương vào năm 2015 Quỹ Franco Zeffirelli, một tòa nhà với hơn 4.000 thước vuông dành cho việc quảng bá các bộ môn nghệ thuật. Ngoài các tác phẩm điện ảnh, các nghiên cứu về kịch opera, thư viện Zeffirelli là nơi tập hợp hơn 10.000 tác phẩm mà nhà đạo diễn đã sưu tầm trong suốt sự nghiệp. Đó là tài sản đầy ý nghĩa nghệ thuật ông để lại cho đời, bản di chúc của một nhà đạo diễn suốt đời đi tìm cách giải mã chữ tâm của con người.