có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 7 30, 2019

Phía bên kia đường




… đợi khuya tàn bắt sống một chiêm bao
(Quan Dương)

Lúc tôi bước ra khỏi nhà, đồng hồ chỉ đúng bảy giờ sáng. Tôi đang tập cho mình cái thói quen cần thiết này. Mỗi ngày vào lúc bảy giờ sáng tôi sẽ ra khỏi nhà, thả bước chậm chạp trên lộ trình định sẵn. Cuộc đi dạo sẽ kéo dài từ bốn mươi lăm phút cho đến một tiếng đồng hồ. Cứ như vậy mỗi ngày cho đến khi tôi bình phục hẳn và trở lại làm việc (nếu tôi sẽ bình phục). Sau đó giờ giấc và lộ trình của cuộc dạo chơi buổi sáng có lẽ cần phải điều chỉnh lại một chút để tôi có thể có mặt tại sở làm đúng giờ. Nhưng đó là chuyện về sau này, về những gì chưa tới, và trong hoàn cảnh hiện tại, tôi không nên lo lắng lắm về những điều chưa tới.

Khu vực tôi chọn để đi một vòng khá vắng vẻ. Lề đường xi măng rợp bóng mát từ những tàng lá phong xanh ngắt. Ở cái ngã tư phía trước, lưu thông sẽ trở nên nhộn nhịp hơn, và lề đường không còn viền lấy những khu vườn tiếp nối nhau của khu dân cư mà là một khu thương mại sang trọng có nhà hàng ăn với món thịt bò mềm rụm tôi vẫn ưa thích. Tôi sẽ quẹo phải ở đây, băng qua một ngã tư khác, đi thêm một quãng ngắn rồi quẹo vào con đường trải đá dẫn vào một công viên nhỏ xíu nằm sau lưng cái thư viện cũng chẳng lấy gì làm đồ sộ cho lắm. Tiếp tục đi thẳng chừng nửa dặm, tôi sẽ lại quẹo mặt ở góc đường số chín, và như vậy, tôi sẽ có một lộ trình hoàn hảo cho những buổi đi bộ vào buổi sáng của mình. Tất nhiên một lộ trình hoàn hảo không đủ bảo đảm cho những cuộc đi bộ hoàn hảo. Có thêm một người bạn đồng hành thì có thể. Nhưng người mà tôi thực sự muốn làm bạn đồng hành thì lại không có ở đây. Nàng đã bỏ đi và sẽ không bao giờ quay trở lại đây hay bất cứ nơi chốn nào khác có mặt tôi.

Tôi bắt đầu buổi tập một cách từ tốn. Không có gì phải gấp gáp. Tôi có sáu mươi phút và ước chừng hai dặm dài để tiêu pha. Tôi thích thú nhận ra những điều mà tôi đã không nhìn thấy trước đây khi lái xe qua đoạn đường khá quen thuộc này. Chẳng hạn như như những hoa văn đều tăm tắp như vảy cá trên lớp vỏ ngoài nứt nẻ của những cây không biết tên trồng dọc khu công viên, những ngôi nhà rất giống nhau ở lối xây cất nhưng khác nhau vô cùng ở những chi tiết khác đã cùng với khối cấu trúc này làm nên cái gọi là “nhà,” cái sân cỏ, khung cửa nhà chứa xe, những bụi cây cỏ hoa lá trồng ở sân trước… Và đôi khi cả người và vật đằng sau những cánh cửa khép kín. Ở phía sau một khung cửa sổ che bằng tấm màn mỏng của ngôi nhà có luống hoa hồng cắt tỉa cẩn thận là một bà lão ngồi bất động trên chiếc ghế bọc nệm khổng lồ, tia mắt gắn chặt vào một điểm nào đó phía bên kia đường. Người đàn bà già nua vẫn ngồi đó, tia mắt hướng về một nơi chốn nào đó mỗi buổi sáng tiếp theo lúc tôi đi ngang qua ngôi nhà có luống hoa hồng cắt tỉa cẩn thận.

Khi tôi còn cách ngã tư gần khu thương mại một quãng ngắn, cô gái xuất hiện ở phía bên kia đường. Quần đùi thể thao màu xanh đậm, áo thun trắng, đôi giày vải cũng màu trắng. Mái tóc đen dài cột túm lên thành hai chiếc đuôi ngựa nhỏ nhảy tung tăng theo nhịp chân của cô. Cô tiếp tục chạy trên lề đường phía bên kia, dưới bóng những cây phong có những chiếc lá hình lục giác, càng lúc càng xa dần về hướng mà tôi đã đi qua, hai chùm tóc nghịch ngợm tung tăng, tung tăng. Tôi quay lại với lộ trình đã định của mình, rẽ tay phải ở ngã tư và một lúc sau đó thấy mình đang ở trên con đường nhỏ trải đá dẫn vào khu công viên vắng vẻ. Tôi muốn dừng lại ở đây, đến ngồi trên chiếc băng đá gần đó. Tôi cảm thấy hơi chóng mặt. Những chiếc đuôi ngựa cứ nhảy nhót trong đầu tôi tự nãy giờ! Nhưng tôi không nên ngừng lại, người ta đã khuyên tôi như vậy. Đừng làm gián đoạn buổi tập một cách không cần thiết, cô y tá phụ trách chương trình phục hồi sức khỏe nhắn nhủ, ráng đi cho xong một vòng mỗi ngày nhé. Thì đi tiếp vậy!

Tôi rời khu công viên, hướng về phía thư viện, chần chờ trước khung cửa đóng kín của tòa nhà màu trắng cũ kỹ này một chút rồi đi thẳng. Những cánh hoa màu tím sẫm từ những cây phượng Mỹ nằm rải rác trên lối đi. Tôi cố tránh dẫm lên chúng. Một cố gắng vô ích. Dù sao thì hoa cũng đã tàn rồi. Tôi lầm lũi đi tiếp, bỏ lại phía sau khu phố yên tĩnh có những cây phượng Mỹ điểm hoa tím. Khoảng một phần tư dặm nữa là tôi sẽ hoàn tất mỹ mãn buổi tập của mình. Tôi quẹo phải ở đường số chín như đã dự định. Cô gái khi nãy lại xuất hiện, chạy lúp xúp phía bên kia đường, hai cái đuôi ngựa tung tăng hướng về phía tôi từ cái ngã tư đèn xanh đèn đỏ đàng kia. Tự dưng tôi lại cảm thấy chóng mặt. Hè phố bỗng chông chênh như có lượn sóng ngầm luồn lách phía dưới. Tôi đưa tay cố bíu vào một thân cây ở vệ đường nhưng bị hụt. Tôi ngã dúi xuống vỉa hè vắng tanh, lác đác những cánh hoa tím, một bên mặt nghe ran rát. Tôi cố ngẩng đầu lên, đưa tay phủi những hạt cát dính trên mặt, và nhìn thấy cô gái với hai chiếc đuôi ngựa tung tăng đang hấp tấp băng qua đường. “Ông có sao không?”

*

Khi tôi bước ra đường, cô gái đã ở đó tự bao giờ, khuôn mặt nghịch ngợm và hai cái đuôi tóc vung vẫy chào hỏi. Bắt đầu hôm nay cô sẽ là bạn đồng hành của tôi trong những cuộc đi bộ mỗi buổi sáng. Ngày hôm kia, sau khi bướng bỉnh một cách vô lý phản đối đề nghị gọi xe cứu thương của cô, tôi, trong một nỗ lực chứng tỏ sự biết điều của mình, đã đồng ý để cô hộ tống về đến nhà, cách nơi tôi đang ngồi bệt dưới đất một cách thảm hại khoảng năm phút đi bộ. Và sau đó cô tuyên bố sẽ trở thành huấn luyện viên thể dục của tôi ngay khi tôi đủ sức thực hiện cuộc đi bộ mỗi sáng trở lại. “Ông phải nghỉ ngơi, ít nhất cho hết ngày mai,” cô ra lệnh. “Tôi đoán cô không có điều gì hay ho để làm ngoài việc đi quấy nhiễu một gã bệnh hoạn như tôi,” tôi phản đối một cách yếu ớt. Cô nhìn tôi cười, không bỏ ra một chút cố gắng nào để che giấu nét chế diễu trong nụ cười của mình.

Như mọi người có thể đoán được, những chuyến đi bộ mỗi buổi sáng dần dần trở nên cần thiết không những cho thể chất mà còn cho cả tinh thần của tôi nữa. Đã trở thành quen thuộc hình ảnh hai cái bím tóc tung tăng chung quanh tôi trên đoạn đường dài không đầy hai dặm tôi đi qua mỗi buổi sáng. Thỉnh thoảng cô chạy vượt lên trên, bỏ tôi phía sau một quãng xa, chạy vòng lại, giảm tốc độ để đi song song với tôi, miệng liến thoắng đủ thứ chuyện. Có khi cô chạy thụt lùi dưới sự hướng dẫn của tôi, bên phải một tí, bên trái một tí, coi chừng cái ổ gà, v.v… Một tuần lễ sau đó, tôi bảo cô gái là từ nay cô sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự an nguy của tôi, cả tinh thần lẫn thể chất. Chính là lỗi của cô mà một người đàn ông độc lập và từng trải như tôi bây giờ phải dựa dẫm vào một cô bé để có được niềm vui mỗi ngày. Cô gái lại nhìn tôi không nói gì, nhưng nụ cười của cô thì nói rất nhiều. Đại khái là anh tán dở ẹt, hơn nữa trái tim anh đã hỏng bét, ngoài ra còn cái gì hỏng nữa cũng không chừng! Dù sao thì hôm sau và những hôm sau nữa cô cũng chịu bỏ thêm thì giờ đi chơi với tôi, xem phim, uống cà phê, nghe nhạc, những trò giải trí không trực tiếp có hại cho sức khỏe. Khi tôi đòi hôn cô, hai cái bím tóc lúc lắc một hồi rồi thôi, đuôi tóc rũ xuống thiểu não giống như một lũ bại quân, nhưng cặp môi cô thì mềm và ngọt vô tả. Tuy vậy, cô phản ứng khá quyết liệt khi tôi đòi đi xa hơn, tức là ân ái với cô. “Trời đất, bộ anh muốn chết hả?” Cô kêu lên. Tôi trầm tĩnh bảo cô là tôi đã hỏi bác sĩ điều này trước khi xuất viện, không có gì cấm kỵ hết. “Không phải điều đó. Bộ anh không sợ em làm gẫy hết mấy cái xương sườn của anh sao?” Tôi suy nghĩ một chút rồi trả lời, vẫn với vẻ điềm tĩnh, “Bác sĩ nối mấy cái xương sườn lại với nhau bằng dây kim loại chắc lắm mà. Anh có xem hình chụp quang tuyến!” Tất nhiên là cô gái không còn nói gì được nữa.

Tôi đã có những giây phút hạnh phúc như thế bên cạnh cô gái có hai cái đuôi tóc. Tôi không biết là bao nhiêu ngày. Chỉ biết là một hôm cô bỗng biến mất. Mất tăm. Không một lời giải thích. Thực ra thì cô không thể giải thích. Tôi và chỉ một mình tôi mới có thể giải thích. Cô chưa hề biến mất bởi vì cô chưa từng hiện hữu. Cô chỉ nằm trong óc tưởng tượng của tôi khi tôi đi dọc theo quãng đường đã định sẵn cho chuyến đi bộ mỗi buổi sáng. Có thể hình ảnh của cô bắt đầu hình thành khi tôi tình cờ nhìn thấy bóng dáng một cô gái nào đó ở phía bên kia đường. Mà cũng không cần thiết phải như vậy. Không cần phải có một ai hết. Tôi chỉ cần hình dung ra một hình ảnh nào đó càng tương phản với nàng càng tốt và vẽ vời đủ chuyện về cái hình ảnh đó để khỏi phải nghĩ về nàng là đủ. Đủ? Tôi không chắc, nhưng tôi không biết làm gì hơn. Từ buổi chia tay, tôi gặp nhiều khó khăn trong việc giữ nàng yên ổn trong một ngăn kéo trân trọng nào đó của ký ức. Nàng bất chấp sự trân trọng của tôi, nàng không chịu ở yên trong bất cứ ngăn kéo nào, nàng cứ chồm ra vào những lúc bất ngờ nhất, luôn luôn kinh ngạc vì sự đần độn của tôi như thể nàng đã chán ngấy phải lập đi lập lại với tôi rằng mọi sự phải như vậy như vậy thì mới hợp đạo lý (nghĩa là nàng phải bỏ tôi mà đi), tại sao anh còn hậm hực như vậy (nghĩa là tại sao tôi không hớn hở như nàng), tại sao anh còn lẩn quẩn ở đây chi vậy (nghĩa là tại sao tôi không chịu tin là nàng đã không còn yêu tôi nữa). Tất nhiên tôi sẽ nổi giận, vùng vằng nhốt nàng vào một trong những chiếc ngăn kéo luộm thuộm của mình, tự hứa sẽ làm quen với một người nào đó đẹp hơn nàng mười lần, dễ thương hơn nàng mười lần, và cũng hơn nàng mười lần về tất cả những điều còn lại, cho dù ngay trong lúc đó tôi cũng nghĩ rằng một đối tượng như vậy thực không dễ tìm dù chỉ để làm quen. Và cô gái với hai cái đuôi tóc tung tăng mà tôi vẫn mang theo trong những chuyến đi bộ buổi sáng là một trong những cố gắng của tôi để giữ nàng ngủ yên trong cái hộp kín tôi dành cho nàng. Vậy mà vẫn có những đêm không vì một duyên cớ nào hết tôi thức giấc, nằm yên lặng trong bóng tối, rình rập. Đợi khuya tàn bắt sống một chiêm bao… Câu thơ gai góc, sắc cạnh nằm vắt ngang giữa một bên là điều đã thuộc về quá khứ và phía bên kia, cái cố gắng tuyệt vọng để chối bỏ thực trạng đó. Và sớm hay muộn, tôi biết mình sẽ phải bước qua chiếc cầu gai góc kia ít nhất một lần.

*

Tôi vẫn tiếp tục đi bộ mỗi buổi sáng trên cái lộ trình quen thuộc. Không có cô gái nào làm bạn đồng hành. Tôi sau cùng đã quyết định sẽ không chạy trốn nữa. Tôi sẽ không vay mượn hình ảnh của bất cứ ai để tránh không phải nghĩ về nàng. Tôi nên nghĩ về nàng lúc nào tôi muốn, hoặc đúng hơn, khi nàng bỗng dưng chồm dậy từ một trong những chiếc ngăn kéo luộm thuộm mà tôi đã dành cho nàng. Hình như nàng ở trong tất cả những ngăn kéo mà tôi có! Tôi nghĩ ra điều này lúc đang băng qua khu công viên nhỏ xíu. Sợi dây cột giầy của chiếc bên phải bị sút ra và chiếc kia đạp lên nó làm tôi loạng choạng suýt té. Tôi ngừng lại giữa lối đi nhỏ ngoằn ngoèo tráng xi măng, cúi xuống cột lại chiếc giây giày.

Có tiếng chân lúp xúp từ phía sau và tiếng kêu thảng thốt. Một vật gì đó tông vào mông tôi từ phía sau, mạnh đến độ làm tôi bắn tung vào bãi cỏ bên cạnh, lăn một vòng và nẳm sóng soài ở đó. Ngực tôi đau thắt, có một ai đó đang đè lên nó. Tôi mở mắt và nhìn thấy hai cái đuôi tóc rung rung, cặp mắt ngơ ngác, và khuôn mặt vừa bẽn lẽn vừa lo lắng của cô gái đã đâm sầm vào tôi. Rõ ràng buổi sáng mát mẻ một ngày cuối mùa Hè rất thích hợp cho một cuộc chạy bộ. Rõ ràng một tiếng chim hay một cánh hoa tím trên cây phượng Mỹ hay một hình ảnh nào khác đã làm cô trở nên lơ đãng. Rõ ràng cô đã không kịp nhìn thấy tôi đang dừng lại bất thần giữa lối đi nhỏ trong công viên để chổng mông lên cột giây giày. Tôi nhắm mắt lại, lo sợ. Tôi nghe tiếng cô thở dồn dập, tôi cảm thấy hai tay cô lắc vai tôi từng chặp, tôi nghe giọng cô run run, “Ông ơi, ông có sao không? Ông ơi, tôi gọi xe cứu thương nhé?” Mắt vẫn nhắm thực chặt, tôi trả lời khó nhọc, “Tôi không sao đâu. Không cần phải gọi xe cứu thương gì hết. Chỉ cần cô sẽ không biến đi như lần trước!”


Phùng Nguyễn