có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 5 08, 2019

“Dance me to the end of love”



Bài “Dance Me to the End of Love” là một trong những bài hát được yêu chuộng nhất của nhà thơ/nhạc sĩ Leonard Cohen (1934-2016), và đã được tôi chọn làm bài hát mở đầu phần khiêu vũ trong đám cưới của mình. Mãi về sau, tôi mới biết rằng “cây vĩ cầm bừng cháy” trong bài hát (cũng có thể được đọc như một bài thơ) là một ẩn dụ về thảm họa Holocaust. Leonard Cohen, một nghệ sĩ gốc Do Thái, đã giới thiệu về bài hát trong buổi trình diễn nhạc của ông tại Koln Opera House (Cologne, Đức) ngày 10 tháng Tư, 1988:
Đây là bài hát lấy hứng từ tấm ảnh mà tôi được xem hồi còn bé, chụp một nhóm người mặc đồng phục pyjama tù nhân sọc đen đang chơi vĩ cầm bên cạnh những ống khói–đây là khói cháy từ tro đám dân lang thang [Do Thái] và trẻ em, và bài hát này được sáng tác từ tấm ảnh đó, mang tựa “Dance Me to the End of Love.”[i]
Trong một buổi phỏng vấn khác, Cohen diễn giải thêm:
Thật khó hiểu khi ta bàn về nguồn gốc của những bài hát vì nó … giống như hạt giống cấy mầm cho sáng tác …. Dance me to the end of love with a burning violin’ có nghĩa là vẻ đẹp kết tạo từ sự viên mãn của cuộc sống, cùng sự ngắn ngủi của cuôc sống trên thế gian, và của yếu tố đam mê trong cuộc sống. Đó cũng là ngôn ngữ mà chúng ta dùng để hiến dâng mình cho người mình yêu—do đó không quan trọng việc ai biết đến nguồn gốc của bài hát, vì nếu ngôn ngữ phát xuất từ nguồn gốc của đam mê, nó sẽ có khả năng diễn tả tất cả những sắc thái của sự đam mê đó.[ii]

Tuy Cohen không bàn về những ảnh hưởng tôn giáo và văn hóa khác đã gây xúc tác cho “Dance Me to the End of Love,” ta cũng thấy bài hát lấy cảm hứng từ Bài Hát của vua Solomon (Song of Songs, 1:17) trong Cựu Ước Kinh Thánh, mà câu đầu tiên “May he kiss me with the kisses of his mouth” diễn tả một nguyện ước trong thể mệnh lệnh (imperative) không khác lời nguyện ước, cũng trong thể mệnh lệnh, ở câu “Dance Me to the End of Love.” Chàng rể trong Bài Hát của vua Solomon cũng so sánh đôi mắt của ý trung nhân như “bồ câu (dẫn đường).”
Tôi đã gặp nhiều thử thách khi chuyển ngữ ca từ bài hát sang Việt ngữ. Dĩ nhiên, “dance” không thể dịch là “múa” hay “nhảy” trong bối cảnh bài hát. Nhưng nếu khái niệm “dance” được hiểu là tương đương với pas de deux trong ballet, thì khái niệm này cũng không thể dịch thoát sang tiếng Việt, vì giản dị là văn hóa Việt Nam (hoặc Đông Á) không đề cao sự tương tác hay bình đẳng giữa người nam và người nữ. Tôi đã chọn động từ “dìu” như một ý tưởng gần nhất với sự hỗ trợ, che chở, trong một tình yêu/hôn nhân bền bỉ và tương đồng.
Một điều khó khăn nữa là cách dùng đại từ giữa hai ngôn ngữ. Trong trường hợp này, sự lựa chọn về đại từ có liên hệ mật thiết đến cách một người đọc và diễn dịch “Dance Me to the End of Love.” Trong nguyên văn Anh ngữ, “me” không phân biệt giới tính, nhưng khi chuyển sang tiếng Việt, thì đại từ “me” có thể là “anh” hoặc “em,” tùy tiện cách hiểu hoặc sự lựa chọn giới tính của người dịch. Nhưng sự lựa chọn/phân biệt giới tính có thể gây nhiều vấn đề. Tuy một cô dâu có thể “dìu anh” đến nhiều điều quan trọng trong đời, nhưng nếu phải “dìu anh đến tận cùng sắt son” thì mệt quá, vì như vậy là “anh” đòi hỏi và quá thụ động! Do đó, thay đại từ “anh” cho tựa bài hát và điệp khúc thành “nhau” thì bình đẳng và hợp lý hơn.
Hơn nữa, trong trường hợp người tình/chú rể/cô dâu là người lưỡng tính hoặc vô tính (non-gender binary), hoặc không muốn bị đương nhiên gán vào vai trò lép vế là “em,” thì “nhau” đề cao khái niệm tương tác, bất kể giới hạn giới tính và quyền thế, và vẫn sát nghĩa với nguyên bản trữ tình của Cohen. Ở một vài chỗ trong bài, tôi dịch “me” thành “anh,” và gọi đối tượng là “em” nếu không còn lựa chọn nào khác, nhưng khi nào có thể, tôi đổi “me” thành “nhau.” Trong ngữ cảnh của “nhau,” cả hai ta đều chịu trách nhiệm cho hành trình tình yêu của mình, từ lúc kết hợp cho đến lúc sứt chỉ.
Bản dịch sau đây được hiểu là lời chú rể muốn cùng cô dâu “dìu nhau” cho tới đoạn kết của tình yêu và sự tồn tại của cuộc sống. Tôi đã dùng chữ “sắt son” thay vì “cuộc tình” cho chữ “love” trong tiếng Anh, vì tôi thấy “sắt son” gần hơn với nghịch lý vĩnhcửu-trong-vô-thường của Cohen. Khái niệm sắt son của Cohen là một khái niệm tương đối dựa trên Thiền học: tình yêu có thể dài lâu như tuổi thọ của đôi tình nhân, nhưng cũng có thể chỉ bằng một sát na, hay độ thời gian của một bài hát, một bản khiêu vũ.
Câu “Let me feel you moving like they do in Babylon” trong đoạn thứ hai của bài hát cũng là một câu khó chuyển ngữ, và tôi đã dịch là “Cho anh thấy em quay theo điệu vũ Babylon” vì tôi nghĩ đến cách nhân vật Tâm viết thơ cho người tình là Nga trong truyện “Ý Tưởng Chiều Tà” của Nguyễn Đức Sơn:
Hỡi con gái, hãy hãnh diện đi. Từ nhà đến trường cũng cứ hãnh diện. Xách giỏ đi chợ cũng hãnh diện. Đi ra đi vô cũng hãnh diện. Dù không bao giờ thấy trái đất này nó quay, nó quay, nó quay. Hãy cứ hãnh diện, hãnh diện, hãnh diện như mặt đất này nó quay, nó quay, nó quay.

Dance, I, Matisse, 1909

Henri Matisse, Dance, I (1909)

Tuy Tâm không tin Nga có khả năng “quay” theo trái đất, tôi nghĩ Cohen không phân biệt sự tuần hoàn của thiên nhiên với chu kỳ trong thân thể của người mình yêu. Sự tương tác giữa thiên nhiên và người tình cũng bổ sung cho nghịch lý vĩnhcửu-trong-vô-thường của ông, như khái niệm Aleph của Borges: tình yêu có thể bao hàm cả một vũ trụ huyền bí, chính vì nó phản ảnh mọi sắc thái của lẽ sống đóng khung trong thời gian.

Đinh Từ Bích Thúy
***
Dìu Nhau Cho Đến Tận Cùng Sắt Son
Dìu nhau trong diễm lệ lúc vĩ cầm bừng cháy
Dìu nhau qua bất an đến khi được bảo toàn
Anh như cành ô-liu em bồ câu dẫn đường
Dìu nhau cho đến tận cùng sắt son
Dìu nhau cho đến tận cùng sắt son

Cho anh thấy nét đẹp khi không còn nhân chứng
Cho anh thấy em quay theo điệu vũ Babylon
Dạy cho nhau từng ngày những điều ngoài ranh giới
Dìu nhau cho đến tận cùng sắt son
Dìu nhau cho đến tận cùng sắt son

Dìu nhau đến bàn tiệc chúng mình, dìu nhau dìu nhau mãi
Dìu nhau thật dịu dàng, dìu nhau thật dài lâu
Hai ta trong mê đắm, hai ta ngoài mê đắm
Dìu nhau cho đến tận cùng sắt son
Dìu nhau cho đến tận cùng sắt son

Dìu nhau đến thai nhi đang muốn được chào đời
Dìu nhau qua trướng mành nụ hôn đã làm phai
Ta căng lều chắn gió cho đến ngày sứt chỉ
Dìu nhau cho đến tận cùng sắt son

Dìu nhau trong diễm lệ lúc vĩ cầm bừng cháy
Dìu nhau qua bất an đến khi được bảo toàn
Yêu nhau với tay trần, yêu nhau với tay nhung
Dìu nhau cho đến tận cùng sắt son
Dìu nhau cho đến tận cùng sắt son
Dìu nhau cho đến tận cùng sắt son

Dance Me to the End of Love
Dance me to your beauty with a burning violin
Dance me through the panic ’til I’m gathered safely in
Lift me like an olive branch and be my homeward dove
Dance me to the end of love
Dance me to the end of love

Oh let me see your beauty when the witnesses are gone
Let me feel you moving like they do in Babylon
Show me slowly what I only know the limits of
Dance me to the end of love
Dance me to the end of love

Dance me to the wedding now, dance me on and on
Dance me very tenderly and dance me very long
We’re both of us beneath our love, we’re both of us above
Dance me to the end of love
Dance me to the end of love

Dance me to the children who are asking to be born
Dance me through the curtains that our kisses have outworn
Raise a tent of shelter now, though every thread is torn
Dance me to the end of love

Dance me to your beauty with a burning violin
Dance me through the panic till I’m gathered safely in
Touch me with your naked hand or touch me with your glove
Dance me to the end of love
Dance me to the end of love
Dance me to the end of love

LEONARD COHEN
© Sony/ATV Music Publishing LLC




[i] Theo trang nhà của Allan Showalter (“This is a song that arose from a photograph that I saw when I was a child of some people in striped pajamas prison uniforms with violins playing beside a smoke stack and the smoke was made out of gypsies and children, and this song arose out of that photograph: Dance Me To The End Of Love.”)
[ii] Như trên (“It’s curious how songs begin because the origin of the song, every song, has a kind of grain or seed that somebody hands you or the world hands you and that’s why the process is so mysterious about writing a song… So, that music, ‘Dance me to your beauty with a burning violin,’ meaning the beauty there of being the consummation of life, the end of this existence and of the passionate element in that consummation. But, it is the same language that we use for surrender to the beloved, so that the song — it’s not important that anybody knows the genesis of it, because if the language comes from that passionate resource, it will be able to embrace all passionate activity.”)