có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 4 07, 2019

Đường Về



Tôi khóa cửa tòa soạn. Bên trong, lũ bàn, ghế, giấy, bút ngổn ngang đã là thế giới khác. Tôi bước ra từ cửa một cuộc sống để đến một cuộc sống. Con đường William trước mặt. Tám đoạn đường cắt ngang. Từ đường Second đến Ninth là bốn lần đèn xanh, đỏ và bốn lần bảng stop. Tôi bắt đầu từ một cầu thang để đi xuống. Tôi chấm dứt bằng một cầu thang để đi lên. Tòa soạn và khu chúng cư. Khoảng giữa là một thế giới khác, một cuộc sống khác. Thế giới William và cuộc sống William.

Đôi dép nhật màu xanh, mòn gót phải đem từ Santa Ana lên vẫn được mang. Chẳng cần bỏ hay đổi. Tại sao phải là đôi giày da? Tại sao phải là áo vest với đuôi cà vạt lụa? Con đường William vẫn thiếu ánh điện trên vài đoạn đường và gái giang hồ, những thằng say còn tụm trên hè phố. Đôi giày da và bộ vest sẽ làm tôi mất một thế giới đang lồng trong thế giới hàng ngày. Tôi ngột ngạt và cần thở. Đâu có con điếm nào mặc áo dạ hội đứng đường đón khách, cũng đâu có thằng bụi đời nào thắt cà-vạt, ngồi bệt giữa đường tu rượu. Tại sao tôi phải vất đôi dép chưa đứt quai để thay bằng đôi giày da đi trên con đường này. Hơn nữa tôi đang cần một cuộc sống khác. Tôi cần. Tôi đang cần. Như đôi dép đang cần chạm vào mặt đường để đôi dép được là đôi dép. Không mang trong chân, hay gói trong bọc để ở một cửa hàng nào đó, hay đặt trên mặt thảm, hay vất vào thùng rác, hay… thì sẽ là cái gì? Đâu còn là đôi dép. Mớ cao su từ đâu đến, trộn màu xanh cùng những hóa chất nào đó được nấu, được đổ vào khuôn, được cắt thành hình. Rồi chờ chạm vào cuộc sống. Bao nhiêu đôi? Làm sao tôi biết được? Một triệu, hai chục triệu, ba trăm triệu, bốn tỷ…? Những con số để đếm. Những đôi dép giống nhau và khác nhau. Mà cần gì phải biết khi tôi hiểu đôi dép nhật của tôi đang sống trong khi còn nhiều đôi dép trong bọc không được sống. Dù cuộc sống chỉ là con đường William đầy gái điếm và những thằng bụi đời say rượu.

Tôi không yêu con đường này. Nhưng tôi thích đi bộ tại đây. Làm sao yêu được một con đường lạ. Lạ từ cái tên lạ đi. Dù đó là con đường nhỏ, hai bên có những tàng cây, nhà cửa thụt ra, thụt vào va ánh điện lúc có, lúc không. Nghĩa là con đường có những nét để thành một con đường tôi đã sống. Nha Trang. Nhưng vẫn lạ bởi trong tôi chỉ có các con đường đã mất. Hai Chùa. Hoàng Tử Cảnh. Nhà Thờ. Biệt Thự… Có gia đình. Có bạn bè. Có các quán cà phê. Có ấu thời… Nhưng tôi thích đi bộ trên con đường này. Những lý do như mất bằng lái xe bởi say rượu gây tai nạn. Hoặc đi bộ cho cơ thể tốt hơn sau một ngày làm việc theo lời chỉ dẫn của một tạp chí, một ông bác sĩ nào đó. Hay như lời thằng bạn học cùng lớp tại trường Võ Tánh, hiện đang làm bác sĩ tâm thần tại một dưỡng trí viện dọa. Mày phải vận động. Làm báo, viết lách, suốt ngày cắm đầu vào computer và mớ chữ trông mày ngơ ngơ như thằng điên. Có ngày khùng thật con ạ. Khùng và điên. Thêm vài lý do với chữ thích và chữ phải. Thích đi bộ và phải đi bộ. Tôi chọn chữ thích. Đâu có gì là phải trong tôi. Con tinh trùng đã bơi tự do trước khi kết hình. Tôi muốn kéo dài cuộc sống William sau những cuộc sống khác. Nhích từng bước trong cái mệt để nghe máu rân ran trong thân. Lắng nghe tiếng lép nhép của đế dép cao su chạm mặt đường giữa không gian vắng. Chín giờ tối đoạn đường đã chết. Chỉ có tiếng dép. Mỗi bước chân là một tiếng. Kéo dài trên mặt đường. Tôi nghe. Tôi nhận tiếng động của mặt đường và miếng cao su được gọi là dép chạm nhau. Truyền qua lòng bàn chân rồi tỏa rộng vào thân. Rõ từ lúc mũi dép đặt xuống, kéo lê thành vệt cho đến khi gót dép được nhắc lên. Mỗi bước là một tiếng. Những tiếng lép nhép kéo dài hết đoạn đường từ Second đến Third ngắn chừng năm mươi thước. Không một ánh đèn. Tối và tối. Tôi đi và tôi đang đi. Tiếng dép cao su kéo trên mặt đường và tiếng dép cao su đã kéo trên mặt đường. Tôi bắt đầu một cuộc sống.

Hết những căn nhà trồi ra, thụt vào của dãy phố Second và Third là một gốc cây lớn. Tàn cây tỏa rộng, kín một góc hè. Đoạn đường đã tối đến đây lại tối hơn. Cái cây đen mang hình thù kỳ lạ. Giống như cây nấm Hiroshima bị tô đen. Cây nấm năm bốn lăm thỉnh thoảng được nhắc lại cộng với những con số đứng trước cái được gọi là cái chết. Tại sao tôi lại dài dòng với những thứ cái được kể. Sự liên tưởng ngu xuẩn. Bây giờ là cuối năm. Tôi đang đứng tại một tiểu bang giàu có của một đất nước giàu có. Gốc cây có liên quan gì đến cây nấm năm bốn lăm? Gốc cây chỉ là gốc cây. Dù đó là gốc cây đầy bóng tối trên con đường đầy bóng tối. Và tôi đang đứng trong bóng tối nhìn về cột đèn đường cách khoảng 10 thước. Cột đèn của ngã tư đường Fourth và William.

Chữ don’t walk đỏ trên đèn báo hiệu. Từ đây đến đó khoảng mười thước. Mười thước là bốn mươi bước chân thường. Mười thước là sáu mươi bước chân dạo chơi. Tôi không trong cuộc sống thường. Tôi đang trong đời sống khác. Tôi không đi bốn mươi bước trong mười thước. Tôi cũng không đi dạo nhàn hạ. Tôi không cần đi sáu mươi bước trong mười thước. Tôi sẽ đi tám mươi bước nếu tôi thích. Tôi sẽ đi một trăm nếu tôi thích. Nhưng phải dài hơn sáu mươi bước. Tôi đang sống. Tôi dè xẻn cuộc sống William cho tôi. Thêm một bước là thêm một nấc thời gian. Tôi giữ cho tôi. Riêng tôi. Chỉ riêng tôi nên cây nấm năm bốn lăm không cần phải nhớ. Tôi ích kỷ bởi tôi đang yêu tôi.

Trước mặt tôi là chữ don’t walk đỏ đang nhấp nháy. Mỗi lúc như nhanh hơn. Khoảng bước chân thứ năm mươi mấy gì đó, lúc tôi đang còn trong bóng tối đèn bật chữ walk trắng với bóng đèn tròn, xanh bên trên. Tôi không vội trong bốn thước cuối. Tại sao tôi phải vội khi tôi đã vội quá nhiều?

Bây giờ chữ don’t walk đứng yên. Màu vàng của bóng tròn vụt tắt. Nhóe ánh đỏ. Don’t walk có nghĩa là đừng đi bộ, không được đi bộ, cấm đi bộ v.v… Đủ thứ để hiểu: không cho phép mà cứ băng ngang, lỡ bị xe đụng thì ráng chịu. Mạng sống được quí trọng tại xứ này nhưng luật cũng cần tôn trọng. Tôn trọng và quí trọng. Đâu ai cân thử để biết cái nào nặng hơn. Băng ngang khi đèn đỏ lỡ bị tông thì cái chết kéo thêm một vài phiên tòa thiếu người chết. Rồi xong. Tôi không muốn chết lãng nhách. Tôi sẽ tôn trọng luật lệ của chiếc đèn đường nếu tôi không đang trên đường William. Nên don’t walk mặc kệ don’t walk. Tôi đâu có đi bộ. Tôi đang sống với đôi dép nhật mang trên chân. Don’t walk để cấm người đi bộ băng qua đường. Don’t walk đâu cấm người sống và đôi dép sống. Tôi không muốn ngưng cuộc sống này. Tôi cũng không muốn đôi dép của tôi không còn là đôi dép trên đoạn đường William. Tôi không muốn tôi không còn là tôi.

Tiếng thắng xe rít và tiếng bánh xe nghiến dài trên mặt đường nghe chói. Tôi quay sang trái. Ánh đèn pha lóa mắt. Một cái đầu thò khỏi cửa sổ xe.

– Fuck you!

Mỹ đen hay Mỹ trắng? Có thể là Mễ. Ánh đèn làm tôi không nhìn rõ khuôn mặt. Nhưng sao lại là fuck you mà không là mẹ mày hay đụ mẹ mày. Tiếng fuck you nghe lạ. Thằng người này đang sống trong cuộc sống khác. Chẳng dính gì đến tôi. Tôi không có nó. Nó không có tôi. Fuck you thì cứ fuck you. Đôi dép và tôi vẫn sống. I don’t care.

– Are you crazy?

Thằng người trong xe thò đầu ra gào lên. Tại sao nó la lớn thế? Tôi ngạc nhiên. Giữa cuộc sống William lại có một thằng la lớn tại đoạn đường này? Khúc đường để la lớn là khúc dưới kia. Ngay đầu đường Seventh, chỗ bức tường khai mùi nước đái. Đây là đường Fourth. Đoạn đường phải được im lặng để tiếng dép trên mặt đường rõ từng tiếng. Thằng người trong xe hẳn ngu. Hay một thằng điên. Are you crazy? Nó hỏi ai? Nó hỏi nó hộ tôi? Có thể. Nó đang hỏi nó hộ tôi. Tôi sẽ trả lời hộ nó cho nó. Nhưng cần gì phải trả lời. Nó đâu hiểu gì. Nó đâu biết trước mặt nó là cuộc sống William. Và đoạn đường Fourth cần yên lặng.

Tôi bỏ lại thằng người ngồi trong xe và chiếc xe của nó. Bây giờ đường đã được chiếu sáng bởi các bóng đèn nhưng tiếng dép thôi còn lép nhép. Mặt hè không được tráng xi măng. Tiếng dép quen thuộc thành đục, khàn khi chạm vào cát. Lớp cát được đổ làm sân của bốn căn nhà cất riêng. Tôi đang sống trước căn số hai. Một bụi bông giấy tỏa ra ngoài tường. Tôi thấy ánh đèn qua ô cửa sổ trắng. Căn nhà có người ở. Mấy người trong đó? Họ đang làm gì? Ăn tối? Coi truyền hình? Nói chuyện hay làm tình? Họ sẽ không cãi nhau. Sao tôi lại biết họ không cãi nhau? Tôi không biết. Tôi không hiểu nhưng tôi không thích họ cãi nhau. Tôi không thích họ cãi nhau trong một căn nhà đang sống. Đang tham dự vào cuộc sống William. Cãi nhau làm gì khi dăm phút nữa tôi sẽ gặp căn thứ tư, một căn nhà không sống mỗi đêm từ tám đến mười giờ. Tôi chỉ biết thế, bởi giờ về của tôi nằm trong khoảng thời gian này. Căn nhà tối, đen. Luôn tối, đen dù cũng có hàng rào bao quanh với bụi bông giấy nhô ra ngoài và trước sân trải cát. Căn nhà thứ tư không sống dù giống căn thứ hai. Tôi nghĩ thế. Căn nhà đã thế như tôi nghĩ. Bên cạnh những căn nhà là những nhà mồ. Bên những con người cũng có những xác người. Phải thế. Dù đó là William. Cuộc sống ngắn mà tôi đang dè xẻn. Để sống.

Quả nhiên căn nhà thứ tư không một ánh điện, không một tiếng động. Căn nhà chết trong bóng tối và yên lặng. Tôi đứng lại nhìn cái chết của căn nhà để thấy tôi đang sống. Sự cách biệt không còn là hàng rào với bụi bông giấy mà nằm trong trí. Tôi đang sống để nhìn cái chết. Tôi hạnh phúc bởi đang sống trước cái chết.

Đoạn đường Fifth bắt đầu bằng bảng stop. Cuối đoạn đường Fifth là một bảng stop. Xe ngưng lại, người lái ngó trước ngó sau, ngó phải ngó trái rồi mới chạy. Tôi thì không. Tôi không có xe. Tôi chỉ có đôi dép. Chẳng có bảng stop nào dành cho tôi và đôi dép. Luật không ghi điều cấm cho tôi và đôi dép. Luật chỉ ghi cho xe. Lần này lỡ bị xe đụng là có bồi thường. Có tiền trả nhà thương. Có tiền trả cho căn phòng trắng nào đó mà tôi sẽ nằm nếu được tung. Có đủ thứ quyền lợi do luật pháp định sẵn. Vẫn những bước chân tám mươi bước mười thước, tôi và đôi dép cùng hướng về bảng stop cuối đường.

Tôi dừng lại ở bước thứ hơn một trăm. Một trăm lẻ. Một trăm mười mấy. Hai mươi mấy gì đó. Tôi nghĩ thế và chắc thế. Tôi dừng lại ở bước thứ hơn một trăm khi hình ảnh một căn phòng bệnh viện về trong trí. Bốn bức tường trắng toát bao quanh. Bốn chiếc giường bốn góc. Bốn thằng lính, ba đơn vị với bốn thứ thương tích khác nhau. Nhưng bốn câu chửi thề lớn như nhau khi bốn cái bụng được xức dầu cù là bởi bàn tay của bốn phu nhân vào ủy lạo. Chẳng biết trò chơi xức dầu vào rốn mấy thằng què là sáng kiến của ai, nhưng chúng tôi hoàn toàn không chịu nổi. Tôi đã bực dọc vì đoạn sống này hệt như ba thằng bạn cùng phòng. Bà thằng bạn cùng phòng? Ba thằng bạn què giờ ở đâu. Cuộc chiến tàn nhẫn đã làm chúng tôi sống vội đến độ khi chia tay mà không kịp lấy địa chỉ của nhau. Bây giờ tụi nó có được sống với đôi dép như tôi không? Dù sao tôi cũng có hạnh phúc riêng. Hạnh phúc? Mẹ kiếp, bây giờ bị thằng nào húc ẩu thì sao? Tôi sẽ bị trói giữa bốn bức tường bệnh viện. Tôi sẽ tách rời cuộc sống mà tôi đang dè xẻn. Tôi không thích thế. Nên tám mươi hay hơn tám mươi bước của mười thước rút lại. Có thể thấp hơn bốn mươi bước của mười thước. Tôi và đôi dép hối hả đến bảng stop. Tôi không muốn chết như căn nhà thứ tư.

Tay bám vào trụ sắt – cái cột của bảng stop – tôi thở dốc. Chân mỏi và đôi dép hình như cũng rã rời. May mà không có cái xe nào đụng. Tôi cần tiền, tôi cần nhiều tiền nhưng thứ tiền ăn vạ qua một văn phòng luật sư để bồi thường tai nạn tôi không ham. Tôi tránh điều cần một cách hạnh phúc. Hèn chăng? Nhát gan chăng? Tại sao không? Căn phòng số bốn ở chúng cư William nằm vẫn thích hơn là một cái phòng trắng.

Hai tiệm ăn nằm cạnh nhau. Một Tàu và một lai Tàu. Tôi biết, bởi có lần tôi nói chuyện với bà chủ lai Tàu trong một buổi sáng đến uống cà phê. Sao tôi lại nhắc điều này ở đây? Bà chủ đâu đẹp. Luống tuổi và mập. Lại có chồng. Mà lai Tàu hay Tàu chính gốc thì đã sao? Cũng là tiệm ăn và cùng nằm trên đường này. Tại sao tôi lại nhắc khi nhìn thấy tôi vừa thoát chết, đứng trước tiệm lai Tàu đã đóng cửa. Sao tôi không nghĩ đến một điều gì khác khi biết tôi còn sống, đứng gần tiệm Tàu chính gốc còn mở cửa. Khách vẫn đông. Tôi thấy rõ từng cái miệng đang nhồm nhoàm nhai. Có những cọng mì được vớt cao, vắt vẻo trên đôi đũa khoắng lên. Tôi ngửi trong điều tôi thấy. Những tô mì giống nhau và khác nhau. Tôi đã ăn bao nhiêu tô để ngửi được mùi mì tôi thấy? Những hành động nhai, nuốt ngon lành hay ngán ngẩm đều được tôi nhận rõ trên mặt từng người. Tôi thấy tôi trong cái tôi đang nhìn. Cả ngán lẫn ngon. Cả ngẩm lẫn lành. Tôi thấy họ như đang thấy tôi từ một thế giới khác. Hai thế giới được ngăn bằng lớp kính trong có sơn hai chữ Tung Kee đỏ. Cũng trong lúc này họ có thấy tôi không? Họ có thấy họ trong cái nhìn của họ về tôi không? Hẳn phải có. Nhưng tại sao phải có khi tất cả cái mồm kia đang nhồm nhoàm nhai nuốt. Hay chỉ tôi thấy tôi trong họ vì tôi có đôi dép.

Lại một cột đèn với ba bóng tròn xanh, đỏ, vàng để vào con đường của gái điếm. Bóng tối vẫn trộn ánh đèn đường vài nơi trên hè phố, nhưng không khí đã đượm mùi phấn son và mồ hôi đàn bà. Trước rạp chiếu phim sex là một tam cấp bẩn với đám người đứng, ngồi. Cao, thấp, nhấp nhô đủ kiểu mái tóc. Đen, trắng, vàng những màu da. Mập, ốm lẫn lộn trong cái nhìn. Những người con gái bày thân trước khi mua bán. Tôi đăm đăm vào những bầu ngực hở.

– Do you like me?

Có câu hỏi từ một người nào đó hướng về tôi. Đứng hay ngồi gì đó. Đen hay trắng gì đó. Đôi dép và tôi dừng lại trên một ô vuông của hàng gạch lát hè phố. Cảm giác thèm muốn chợt đến. Tại sao không khi tôi vẫn sống, dù giữa cuộc sống khác với cuộc sống thường? Cây nấm Hiroshima và 130.000 người chết có ảnh hưởng gì đến phút động tình của một con đực? Những tấm ảnh đen trắng chụp cảnh đổ nát với xác người, nhà sập, lửa, khói v.v… đâu rõ nét bằng những thân người đang bày trước mắt. Tôi đàn ông. Tôi khỏe mạnh. Tôi có tiền. Nhưng cây nấm cũ tôi không muốn nhớ sao cứ về trong trí. Lại rõ ràng từng con số. Những con số lạnh của cái gọi là cái chết.

– Do you like me?

Lại hỏi. Lần này tôi thấy rõ từ đâu. Một người con gái – hay đàn bà? – tóc hoe đỏ tiến về phía tôi. Chiếc váy ngắn, hở đến độ cây nấm Hiroshima biến mất. Tôi nhìn cô gái. Tôi nhìn tấm áp phích treo trên tường rạp chớp bóng. Cái mông của người đàn bà – hay cô gái? – trong tấm áp phích hấp dẫn hơn cô gái tóc đỏ trước mặt.

– Do you like me?

Lại hỏi. Tại sao lập lại mà không là một câu khác? Tóc tôi đen hay da tôi vàng? Ngôn ngữ mua bán cũng phải giới hạn trong vòng kỳ thị hay sao? Tôi thọc tay vào túi quần. Sự đụng chạm trong thân làm mặt tôi nóng bừng. Cảm giác căng, cứng bị nén dưới lớp tế bào được gọi là da được nhận rõ. Những ngón chân của tôi nhột nhạt, ấn mạnh, sâu trên lớp cao su mềm của đôi dép. Tôi muốn nói một câu gì đó nhưng không được. Đôi dép cũng bị dán chặt xuống hè đường. Lớp cao su dưới bàn chân tôi cũng đang bị nén đến độ nhăn nhúm, thảm hại.

Cô gái kéo vạt trước váy lên. Chiếc quần lót màu trắng, mỏng có thêu một đóa hướng dương lớn ở giữa. Tôi không muốn nhìn hoa trong váy đàn bà. Dù đó là hoa hướng dương. Và tại sao lại là hoa hướng dương mà không phải là hoa gì khác? Hay ngược lại, tại sao lại là hoa khác mà không phải là hoa hướng dương? Hướng dương và tôi đâu liên quan đến nhau. Nhất là hoa hướng dương trên một chiếc quần lót. Tôi không thích. Tôi không thích cái hoa lớn che phần da thịt cần được lộ.

Tôi muốn nói một câu gì đó nhưng vẫn không được. Người con gái thả chiếc váy xuống, nhoẻn cười. Tôi cũng cười. Nhưng hai bàn chân mang dép bắt đầu nhúc nhích. Người con gái thôi cười, ngạc nhiên. Tôi vẫn cười khi bắt đầu đi. Nụ cười của tôi không thành tiếng khi có những tiếng cười ré lên phía tam cấp. Tôi nghe một tiếng chửi thề từ người con gái có đóa hướng dương trên quần lót. Lại fuck you.

Tại sao tôi không nói được? Tại sao lại có đóa hoa trên quần lót? Tại sao hai bàn chân mang dép lại nhúc nhích? Tại sao cô gái và tôi cùng cười? Nếu tôi nói được một câu nào đó. Nếu không có đóa hoa trên quần lót. Nếu đôi dép đừng nhúc nhích. Nếu cô gái và tôi không cười. Tôi hình dung đến một mặt nệm bẩn thỉu. Chưa chắc. Có lẽ là nệm sau của một chiếc xe. Cũng chưa chắc. Có thể là bóng tối của một gốc cây nào đó như bóng của gốc cây trên đường Fourth. Lại gốc cây giống cái nấm Hiroshima. Sao đêm nay tôi lại nghĩ đến cái nấm nhiều thế? Mấy mươi năm rồi. Chuyện đã cũ còn gì phải nhắc. Lại nữa, cái nấm cũng có tuổi hơn tôi. Giữa tôi và cái nấm này có gì đâu. Chỉ là những tấm ảnh và các lời chú thích đã đọc. Ở đâu? Trong sử hay trong tự điển. Cũng có thể là truyện ký của một người sống sót sau khi cái nấm cuốn lên trời, viết lại với mục đích nào đó, có thể lớn hơn sự thật hay nhỏ hơn sự thật. Cũng có thể một người nào đó, chẳng liên quan đến cái nấm, gom những điều có sẵn về cái nấm để viết về cái nấm với những điều gì đó, có thể nhỏ hơn chữ chứng nhân cũng có thể lớn hơn chữ chứng nhân để làm chứng nhân cho cái nấm, qua sách vở. Cũng có thể một người nào có liên quan đến cái nấm… Lại cái nấm! Cái nấm. Cái nấm và cái nấm. Tôi buộc miệng chửi thề khi đến đường Eighth.

Tôi đã ngạc nhiên vì những con người của hai đoạn đường ít khi đứng cạnh nhau. Tại nơi khác thì bên cạnh bọn say rượu, cần sa, bụi đời là dăm cô gái điếm. Hay ngược lại. Nhưng trong đời sống William thì ít thấy. Trước rạp chiếu phim sex thường toàn là đàn bà và trước hai cái bar tôi chỉ thấy những gã đàn ông say ma túy và rượu. Kỳ thật. Con đường này không như những nơi khác. Hai đoạn đường như dành riêng cho hai loại người. Chẳng ai nào làm phiền ai. Nếu cần nhau thì sang tìm như một lần trao đổi. Rồi đâu về đấy. Ranh giới được vạch bằng hai ngọn đèn có ba bóng tròn xanh, đỏ, vàng tại hai đầu đường. Luật chỉ còn những chữ walk và don’t walk. Walk là đi. Don’t walk là đừng đi. Từ đoạn đường gái điếm đến đoạn đường ma túy và rượu có các khoảng được đi và cấm đi. Như cuộc sống thường đã định. Tôi và đôi dép đang băng ngang qua với chữ walk màu trắng.

Amadeux là tên cái bar thứ nhất. Nghe đủ biết có những thằng Mễ say rượu kiểu cải lương Mỹ đang ngồi bên trong. Tôi nghe tiếng nhạc lẫn tiếng người vọng ra. Âm thanh lớn, vang cả góc đường. Một bản nhạc Rock từ năm bảy mươi với ban nhạc đã chết một người. Tôi đã nghe và đã thuộc. Bản nhạc quen đến độ tôi nhớ lại nét mặt và cử chỉ của người ca sĩ đã hát trong một phim chiếu tại rạp Tân Tân, Nha Trang. Tôi đứng lại, nhẩm hát theo. Một thói quen mỗi khi nghe bài hát này. Và luôn liên tưởng đến những ngày còn đi học. Nhưng hôm nay thì không. Tôi vẫn nhẩm hát theo nhưng trí trống rỗng. Trống rỗng như tia mắt của người đàn ông da đen đang nhìn tôi. Một người đàn ông da đen có mái tóc trắng. Hắn tựa lưng vào tường, đầu ngoẻo qua một bên, miệng ư ử hát bài hát tôi đang nhẩm theo. Đôi mắt trắng nhiều hơn đen nhìn tôi lờ đờ. Hắn đang tìm về quá khứ như tôi đã làm những lần trước khi nghe bài hát này? Ý nghĩ này làm tôi khó chịu khi thấy tôi trong hắn. Những lần tìm về quá khứ đều lờ đờ, ngơ ngơ như vậy sao? Tôi đã thế bao nhiêu lần khi nghe? Không thể nhớ nổi. Đâu ai nỡ đếm những lần tìm về kỷ niệm như đếm tiền? Khoảng khắc đó tôi vẫn chờ từng dịp gặp lại. Nhưng đêm nay thì không.

Tránh nhìn mình trong đôi mắt người da đen tóc trắng, tôi bỏ đi. Hè đường nối liền hai cái bar la liệt bọn say đứng, ngồi. Những tiếng âm ư, những cử chỉ dật dờ của bầy hình nộm say thoạt nhìn thì giống nhau nhưng để ý thì khác. Chẳng ai giống ai dù tất cả đều say. Gã bên phải tôi ư ử một bài dân ca Mỹ, miệng trễ với âm ow… ow… của chữ cow…boy… kéo dài. Trong trí gã hẳn đang có tiếng nhạc ngựa với đám bụi bốc phía sau. Gã bên trái tôi ngồi bệt xuống đường. Một tay cầm lon bia loại lớn đưa qua, đưa lại. Các ngón tay của bàn tay còn lại búng vào thành lon chậm rãi. Những tiếng lách chách vang lên làm tôi hình dung màu vàng óng của bia còn – phải còn quá nửa trong lon – gây cho tôi cảm giác nhờn nhợn. Cái nhờn nhợn khi bắt đầu say mà rượu còn đầy trong ly. Gã này đã uống không nổi. Lon bia không còn là sự mê thích mà đã thành mối nợ cho gã. Uống tiếp hay vất bỏ? Câu hỏi đáng giá tám mươi chín cents được đặt ra không nằm trên giá trị tiền mà nằm trong chất nước vàng óng. Tôi đã hỏi như gã hỏi hôm nay.

Tôi băng ngang đường William, bỏ lại bức tường với hai gã say bên phải, bên trái tôi và những gã say bên phải, bên trái của hai gã. Thói quen băng ngang đường khi qua khỏi bức tường này đã thành nếp. Chẳng bao giờ tôi đi đến cái bar thứ nhì tại cuối đoạn đường. Cuộc sống William ngắn nên chỉ cần, chỉ đủ cho tôi nhìn cảnh say của bar Amadeux. Tôi còn nhiều bước chân phải đi trong khoảng hai mươi thước còn lại để đến đường Ninth.

Đêm nay tôi sẽ nhịn đói. Tôi đi ngang quán Hương Lan – cái quán food to go quen thuộc mỗi đêm vẫn ghé mua thức ăn – như chưa hề biết nó. Qua cửa kính tôi thấy cô con thứ hai của bà chủ tiệm đang nhìn tôi. Cô ta sẽ nghĩ gì khi thấy người khách quen không vào? Tôi no? Tôi đã ăn một chỗ khác? Tôi hết tiền? Mà tại sao cô ta phải nghĩ về tôi chứ? Sự hiện hữu của tôi đâu quan trọng đến độ người khác phải nghĩ về mình. Nhưng cô ta đang tại đây có quan trọng hay không mà tôi lại nghĩ về cô ta? Tôi bật cười. Tôi đã nghĩ về người con gái này nhiều hơn ý nghĩ cô ta sẽ nghĩ gì về tôi.

Đêm nay tôi sẽ nhịn đói. Tôi không no. Tôi không ăn tại quán khác. Tôi còn tiền. Quán Hương Lan chưa đóng cửa. Nhưng tôi thích thế. Có thể tôi sẽ uống rượu hay hút cần sa. Để làm gì? Tôi không biết.

Còn ba bước cuối là đến cầu thang dẫn lên phòng. Tôi và đôi dép đứng yên ngần ngại. Cuộc sống William sắp sửa tách rời. Tôi sẽ bước vào cuộc sống của căn phòng thuê. Sự ngán ngẩm chợt đến. Tôi nhìn lại đoạn đường đã đi. Dù dè xẻn đến đâu thì cũng hết. Mỗi nấc thời gian vẫn có giá trị nhất định của nó. Tôi không nhìn đoạn đường đã đi nữa. Tôi nhìn về phía đường Tenth. Tại đó sẽ có gì nếu tôi đi tiếp? Nếu tôi không thuê phòng ở chúng cư này để dừng tại đây thì sau đường Tenth sẽ là gì. Tôi chưa đến. Tôi sẽ không bao giờ đến. Cuộc sống William của tôi phải được ngắt ngang đây. Kéo dài thêm sẽ là đời sống thường. Tôi tiếc nhưng tôi thích thế. Và tôi đã làm, đã ngăn con đường William bằng đoạn đường William. Như đã sống, đã ngăn giữa cuộc sống bình thường bằng cuộc sống William.

Hết bước cuối cùng để đến cầu thang. Tôi không còn thấy tôi nữa.


Nguyễn Ý Thuần