Hôm nay là Valentine’s Day. Có người gọi là Ngày Tình nhân. Nghĩa rộng là tình yêu giữa con người với nhau. Nghĩa hẹp là giữa hai người với nhau.
Lịch sử của Ngày Tình nhân có nhiều điều thú vị và tranh cãi. Điều đáng nói là vào đầu thế kỷ 18, người Mỹ đã bắt đầu trao cho nhau các món quà Valentine làm bằng tay, thư tình hay các kỷ vật biểu lộ tình cảm. Khi kỹ nghệ in ấn hiện hành vào thế kỷ 20, người ta bắt đầu gửi nhau thiệp in thay vì thư từ như trước. Tại Mỹ ước đoán khoảng 145 thiệp Valentine gửi cho nhau mỗi năm, số lượng này chỉ sau số thiệp Giáng Sinh (bây giờ có lẽ số lượng này đã giảm hẳn và thay vào đó là điện tin và điện thư).
Sáng nay tôi đi làm sớm, đến nơi lúc 7 giờ 30 sáng. Ngồi không lâu thì có bốn đồng nghiệp cũng đến. Đều là phái nữ. Một người nói lớn Chúc mừng Ngày Valentine (Happy Valentine’s Day). Tất cả, kể cả tôi, đều lập lại lời chúc này cho nhau, và cùng cười ồ lên.
Hẳn nhiên sau nụ cười của mỗi người đều có lý do riêng, tâm trạng riêng. Cả bốn cô bạn đồng nghiệp đều đã có đời chồng. Nhưng tất cả đều ly dị. Chỉ có hai người là đã có một cuộc hôn nhân mới, hai người còn lại tiếp tục độc thân. Cuộc sống ở đây vốn cá nhân và vì thế khá cô đơn, do đó Valentine’s Day không hẳn là một ngày vui đối với mọi người.
Theo cơ quan thống kê chính thức của Úc vào năm 2016 thì tuổi ly dị trung bình của người đàn ông là 45.5 và đàn bà là 42.9. Có 46.9 phần trăm ly dị có liên quan đến con cái. Tổng cộng có 40.202 trẻ con trong các trường hợp ly dị năm 2016 (dân số Úc khoảng 25 triệu). Tính ra trung bình có 1.8 trẻ con cho mỗi trường hợp ly dị. Thời gian trung bình từ lúc cưới nhau đến lúc ly dị là 12 năm theo thống kê năm 2016. So với năm 2006 thì khoảng thời gian là 12.5 năm. Nghĩa là thời gian sống chung với nhau trước khi chia tay ngày càng giảm bớt.
Theo nghiên cứu thì có đến 69 phần trăm các vấn đề/xung khắc giữa các mối quan hệ không bao giờ biến mất. Những vấn đề này là kết quả của bao sự khác biệt về cá tính, nhu cầu đời sống và sự mong đợi giữa các đôi tình nhân. Có những vấn đề cãi đi cãi lại bao nhiêu năm mà vẫn không giải quyết ổn thoả. Nhưng cũng có những vấn đề mới. Đã là bạn đời thì chúng ta sẽ vật lộn với các vấn đề như thế trong mười, hai chục hay ngay cả năm sáu chục năm, mà chưa chắc gì giải quyết được, trừ phi chia tay. Nếu quyết định sống với nhau trọn đời, thì khi đối diện với các vấn đề như thế - những thói quen tưởng chừng như không thể chịu nỗi, những suy nghĩ tưởng chừng như không còn gì vô lý hơn - thì chúng ta dễ cảm thấy bế tắc. Dễ cảm thấy đổ vỡ. Càng muốn giải quyết thì lại càng dễ đưa đến đổ vỡ.
Theo các chuyên gia về quan hệ hôn nhân thì ý tưởng rằng các cặp hôn nhân phải giải quyết mọi vấn đề của họ là chuyện hoang đường. Bất đồng hay bất hoà trong quan hệ là điều bình thường, tự nhiên, và chính nó có những khía cạnh tích cực. Khi gây gỗ hay cãi nhau, nó dạy cho chúng ta làm sao thương yêu nhau hơn, làm sao để lùi lại một bước từ vấn đề đó để hiểu người bạn đời của mình hơn. Nó cũng dạy cho chúng ta cách thích ứng với những thay đổi trong mối quan hệ khi nó chuyển hoá.
Tóm lại, chuyện gây gỗ nhau là không bao giờ hết trong quan hệ hôn nhân. Những bế tắc trong cách giải quyết dễ đưa đến sự mất tin tưởng nhau. Nhưng những cặp hôn nhân hạnh phúc lâu dài là người có thể nói chuyện, trao đổi về các vấn đề đó với nhiều cảm xúc tích cực, với tiếng cười, lòng thương và sự trân quý nhau. Nếu không nói chuyện được với nhau thì phần lớn là vì không cảm thấy an toàn khi chia sẻ cảm nghĩ của mình. Có thể là vì những kinh nghiệm tiêu cực từng xảy ra cho một người, ngay cả khi còn rất nhỏ, và cũng có thể vì một người trong quan hệ đó cảm thấy bị bỏ mặc, trong khi người kia không còn quan tâm nữa. Điều đó dễ làm cho một người cảm thấy dễ bị tổn thương khi thổ lộ tâm tình hay ý nghĩ của mình. Cho nên mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ hai người cảm thấy an toàn để nói chuyện, chia sẻ cảm nghĩ để hiểu nhau hơn, chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải tìm giải pháp cho các xung khắc.
Lúc mới yêu nhau, chúng ta hẳn nhiên cảm giác rất khác. Rất yêu đời và lạc quan.
Vào cái thưở ban đầu của tình yêu thắm thiết đó, cái gì chúng ta cũng muốn biết về người yêu của mình. Nhu cầu, sở thích, thang giá trị, gánh nặng/khó khăn, quan điểm về con người/thế giới v.v… Chúng ta muốn tâm sự, muốn trải hết lòng mình. Nói cách khác, chúng ta muốn làm người du hành vào thế giới của người mình yêu để tìm hiểu và khám phá không ngừng mọi suy nghĩ, mọi ưu tư, mọi nỗi niềm và hạnh phúc của người yêu. Chúng ta đều là những người du hành đầy nhiệt thành. Có những cặp tình nhân tâm sự cả đêm, nhiều khi đến sáng, kể cho nhau nghe về những gì rất riêng tư mà hiếm thổ lộ với ai, mà vẫn không biết mệt ngay cả khi phải dậy sớm để đi làm hôm đó. Lúc đó họ chỉ muốn thời gian ngừng lại. Tình yêu là sức mạnh vô biên.
Khi cưới nhau xong, sau vài năm, sau khi có con, hay sau khi gặp khó khăn về cuộc sống, phần lớn nhiều cặp vợ chồng đã không còn hàn huyên tâm sự với nhau như thưở trước khi cưới. Đại đa số, nếu vẫn còn với nhau, thì không còn là những người du hành nhiệt huyết như trước nữa. Có người vợ bảo: “Tôi cảm thấy bị cách ly khỏi anh ấy. Anh ấy không còn quan tâm gì đến những cảm xúc của tôi”. Còn người chồng thì: “Cô ấy không bao giờ hỏi tôi về những gì tôi quan tâm nữa. Những gì cô ấy nói với tôi toàn là những việc tôi cần phải làm trong nhà”.
Rất nhiều cặp vợ chồng không còn thấy gắn bó nữa vì họ đã đánh mất nghệ thuật du hành vào không gian tình yêu của người bạn đời mình. Họ đã không còn ưu tiên hóa việc này, không để tâm dành thời gian cho nhau tìm hiểu nhau. Nhưng còn một lý do quan yếu khác là họ nghĩ họ quá biết nhau rồi, nhất cử nhất động đều biết, thì đâu cần lý do để tìm hiểu nhau nữa.
Có thật là mình hiểu hết người bạn đời mình không? Hay trong những năm qua tuy khoảng cách không gian vẫn gần nhau nhưng khoảng cách “yêu thương” càng xa dần, mà không nhận ra!
Nhà trị liệu gia đình nổi tiếng Esther Perel nhắc nhở rằng “điều bí ẩn không phải là đi đến những nơi mới lạ, mà là nhìn bằng lăng kính mới” (mystery is not about traveling to new places, it is about looking with new eyes). Nhà tâm lý Dan Gilbert thì cho rằng “sự bất biến duy nhất trong cuộc sống của chúng ta là sự thay đổi” (the only constant in life is change).
Cho nên vấn đề chính không phải là người bạn đời của mình, mà chủ yếu là vì thái độ của chính mình và kiến thức giới hạn của mình trong việc khám phá ra cái thế giới nội tâm của người bạn đời, bằng niềm vui và sự tự phát như thưở ban đầu mới yêu nhau.
Do đó muốn duy trì hạnh phúc gia đình thì mỗi người cần nỗ lực dành thời gian cho nhau, tâm sự và khám phá cái thế giới nội tâm của nhau.
Tình nhân là tình yêu thương giữa hai người với nhau. Rộng hơn, là tình yêu thương giữa con người với nhau. Muốn duy trì mái ấm gia đình, muốn gia tăng sự gắn bó và hòa đồng trong một tập thể, và rộng hơn nữa, giữa người dân trong một quốc gia, tình yêu thương, truyền thông và/để cảm thông, là điều không thể thiếu được. Yêu nước là gì nếu không phải là yêu người. Còn rêu rao yêu nước nhưng chỉ giết nhau, hãm hại, đầy đọa hoặc (gây) thù hận nhau thì đó là nguỵ biện. Đó chỉ là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hoặc tệ hơn, là son phấn tô điểm cho những toan tính ích kỷ vì quyền lợi và quyền lực của cá nhân và bè phái.
Ngày Tình nhân năm nay, xin mọi người đừng quên bày tỏ tình yêu thương của mình dành cho người mình thương yêu. Chúng ta có rất nhiều cách để bày tỏ tình thương yêu cho người yêu, người bạn hay những ai mình muốn họ cảm thấy đặc biệt trong ngày này. Đừng để quá trễ, để cơ hội đi qua. Nhiều người ở giai đoạn cuối cuộc đời cho biết rằng hai trong năm điều hối tiếc nhất trong cuộc đời mà họ chưa làm được là “Tôi ước gì tôi có sự can đảm để bày tỏ cảm xúc của mình” và “Tôi ước gì tôi để cho mình được hạnh phúc hơn”. Chỉ khi nào một người chánh niệm rõ điều này thì mới thực hiện được mong ước của mình.
Cuộc đời vốn ngắn ngủi. Ai trong chúng ta cũng mong muốn được hạnh phúc. Những người cho nhiều, thương yêu nhiều, thường hạnh phúc hơn người khác. Cho mà không cần nhận, không có điều kiện đi kèm, thì quả là phúc lớn. Dẫu không cần nhận, người cho rồi cũng sẽ được cho lại. Luật nhân quả khoa học là vậy.
Phạm Phú Khải
Úc Châu, 14/02/2019