có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 2 16, 2019

Đất nước Jordan có gì lạ!


Bản đồ cổ vùng Jordan Valley và Dead Sea bằng Mosaic tạiMadaba. 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Trung Đông là một mảnh đất nóng trên thế giới hiện nay. “Nóng” có thể hiểu cả theo hai nghĩa “con người” và “thời tiết.” Con người nơi đây qua báo chí truyền thông là nơi nhạy cảm và dễ dàng xảy ra những xung đột tranh chấp về tất cả mọi thứ từ đức tin tôn giáo, quốc gia chủng tộc đến miếng cơm manh áo của con người từ mọi phía. Còn về thời tiết thì qua cách ăn mặc trang phục phủ kín người ngồi cỡi trên lạc đà của người dân vùng Trung Đông luôn là các hình ảnh tạo cho du khách một ấn tượng về hình ảnh sa mạc nóng bỏng ở các xứ Ả Rập. Tôi đã đến với Jordan trong một hiểu biết như thế!

Jordan là một quốc gia không lớn lắm, dân số chưa đến 10 triệu người nhưng người tị nạn từ các đất nước chung quanh đổ về đây còn nhiều hơn dân số bản xứ (khoảng hơn 7 triệu người tị nạn). Diện tích Jordan chỉ gần 90,000 km vuông (khoảng một phần tư Việt Nam), nhưng phần lớn phần đất phía tây lại là sa mạc. Biên giới phía tây là Israel (Do Thái) mà biên giới là Dead Sea (Biển Chết) và một phần sông Jordan; phía đông nam là Ả Rập Saudi; Đông Bắc là Iraq; và phía Bắc là Syria. Chỉ cần với một hoàn cảnh địa dư như thế, có lẽ người ta nghĩ rằng Jordan không có gì để thưởng ngoạn hoặc nền văn hóa của họ không có gì để tìm hiểu hơn thêm.

Tuy nhiên, sự nổi tiếng của thắng cảnh kỳ quan Petra của Jordan trong 2 thập kỷ gần đây là một điều duy nhất thôi thúc tôi đến du ngoạn Jordan. Đây là một kỳ quan thiên nhiên và văn hóa rất đặc biệt nổi tiếng của đất nước Jordan mà Swiss Corporation New 7 Wonders Foundation đã xếp hạng Petra là một trong bảy kỳ quan mới của thế giới. Khởi đầu tôi chỉ có dự định viết về Petra. Tuy nhiên sau khi chuyến tour Jordan, những thắng cảnh di tích lịch sử và văn hóa tôn giáo tại đây đã làm tôi thay đổi ý nghĩ khá nhiều. Những điểm trên đường đi đã cho tôi nhiều cảm xúc khác nhau nên Petra bỗng nhiên chỉ còn là một trong những điểm thích thú hấp dẫn của chuyến du ngoạn.

Chiều dài của đất nước Jordan không dài lắm, đi từ bắc xuống nam khoảng hơn 600 km đường chim bay. Nằm dọc theo con sông Jordan River từ đầu phía bắc đến cuối nam là những thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa rất nổi tiếng và đáng thưởng ngoạn cho du khách phương xa. Có lẽ phần lớn họ đến đây vì hiếu kỳ muốn biết đến các câu chuyện về Đức Mẹ Maria và Chúa Jesus, hay vì câu chuyện huyền thoại của ngọn núi Nebo và Thánh Moses trong kinh Cựu Ước, hay vì muốn thưởng ngoạn thắng cảnh hẻm núi Petra và các đền đài kỳ quan nổi tiếng thế giới. Đó là chưa kể đến thắng cảnh Dead Sea (Biển Chết) mà khắp thế giới ít nơi đâu có được một biển muối lạ lùng như thế.

Đỉnh núi Nebo là Christian Holy Place với biểu tượng Rắn bằng đồng 
quấn quanh Thập Tự Giá. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Jerash (còn viết là Jarash) là thành phố nằm về phía đông bắc của kinh đô Amman ngày xưa (thủ đô của Jordan hiện tại). Lẽ ra Jerash cũng chỉ là một thành phố bình thường và nhỏ bé, ít người biết đến. Bảy mươi năm trước, người ta đào xới dưới lòng cát nóng chôn vùi và tìm ra cả một thành phố “Roman Oval Piazza” dưới thời cai trị của La Mã. Người ta phải kinh ngạc với sự huy hoàng và to lớn của Oval Piazza. Nhìn qua sự kiến trúc thành quách, giác-đấu trường, nhà hát hí viện, nhà thờ, dinh thự và các con phố rộng lớn khiến tôi nhớ ngay đến thành phố cổ Ephasus bên Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) nơi cũng được xây cất gần giống như thế vào gần 2,000 năm trước. Cũng có cổng thành Hadrian’s Arch, Hippodrome, các con phố lớn giữa những cây thạch trụ to lớn, những ngôi đền trên đồi thờ thần Atemis, Hercules… Sự khác biệt duy nhất có lẽ Oval Piazza là thành phố kiến trúc La Mã cổ duy nhất mà người ta tìm thấy được ở miền Trung Đông trong khi Ephasus thuộc về bên Hy Lạp cổ xưa (ngày nay thuộc về Turkey).

Ngoài ra cách Jerash không xa, một ngôi làng nhỏ Anjara còn lưu lại một hang động mà những du khách hành hương rất nên ghé qua, đó là hang động Anjara nơi mà người ta tin rằng Chúa Jesus và các môn đồ cùng Đức Mẹ Maria trên đường hành trình giữa Jerusalem và Galilee (nơi có hồ Tiberias) đều đã đi qua đây (Anjara). Chúa Jesus đã từng nghỉ chân trong hang động này.

Nhưng đã nói về hang động Anjara thì người ta không thể không nói về ngọn núi Nebo Mountain. Tôi không biết nhiều về các chi tiết trong Thánh kinh Cựu Ước hay Tân Ước, thậm chí ngày xưa cũng không hiểu nghĩa Tân Ước – Cựu Ước là gì. Lúc bé chỉ nhớ mình đã xem phim “Mười điều răn” do tài tử Charlton Heston đóng, thấy phim hay nhưng chẳng hiểu gì về nội dung cả. Lớn lên học hành đôi chút, được hiểu biết thêm nên cũng có đôi lần mơ ước trong đời được đến Ai Cập, đến núi Sinai hình dung ra nhà tiên tri Moses đứng trên đỉnh núi, râu tóc ông tung bay theo những cơn gió thổi lồng lộng và tay vẫn cầm chặt “Mười điều răn” mặc cho sấm sét ầm ầm nổ trên bầu trời.

Thành phố cổ La Mã Oval Piazza tại Jerash, bắc Jordan. 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Bây giờ cậu bé ngày xưa ấy đã có cơ hội đặt chân trên đỉnh núi Nebo để cảm nhận rằng vài ngàn năm trước, ở trên đỉnh núi này chính là nơi Moses đã từng đứng và phóng ánh mắt nhìn về hướng xa để tìm vùng “đất hứa” cho người dân Do Thái. Bạn đứng từ đây sẽ nhìn thấy phía dưới thung lũng xa xa là thành phố Jericho là một vùng đất hết sức xanh tươi phì nhiêu. Vùng đất màu mỡ như thế thì làm sao nhà tiên tri Moses không chọn nơi đó làm vùng “đất hứa” cho dân tộc Do Thái. Người ta cho rằng mộ của Moses cũng nằm ở đâu đây, vì thế Nebo Mt. còn được coi như là vùng đất Thánh.

Các Đức Giáo Hoàng John Paul II và Benedict XVI vào năm 2000 và 2009 cũng đã đến thăm núi Nebo và các Ngài đã mở ra trang sử đẹp đẽ cho nhân loại vào đầu thiên niên kỷ. Tôi cũng đến Nebo, cũng phóng tầm mắt nhìn nhưng chẳng thấy được gì ngoài hơi hắt nắng của núi đồi. Gặp ngày bầu trời không trong xanh lắm nên tôi chỉ mờ mờ nhìn thấy thành phố Jechiro dưới lòng thung lũng. Nhưng nếu bạn may mắn đến vào một ngày trời trong xanh nắng đẹp, bạn còn có thể nhìn thấy được cả thánh địa Jerusalem xa tít cuối chân trời.

Rời núi Nebo tôi xuôi nam Jordan đến với Petra, một thắng cảnh chính mà tôi háo hức muốn xem. Đây là một hẻm núi thiên nhiên đã được các vua chúa ngày xưa chọn là nơi an nghỉ của họ, giống hệt như những Pharaohs Ai Cập cổ xưa đã cho xây những lăng mộ của họ trong Thung lũng Đế Vương bên Luxor Ai Cập. Ở Petra ánh nắng ban ngày và ban chiều là một trong những yếu tố thay đổi không gian hẻm núi. Nhưng viết về Petra không phải chỉ trong vài hàng chữ hay trong một vài hình ảnh. Tôi sẽ trở lại với Petra trong một dịp khác vì Petra không phải chỉ là một thoáng qua trong trí nhớ người du khách.

Nhưng “một thoáng qua đất nước Jordan” sẽ không đầy đủ nếu người ta không đến Biển Chết (Dead Sea). Dead Sea là một biển thiên nhiên rất mặn, ngày nay là biên giới giữa Jordan và Israel. Nhưng phải công nhận phần biển bên Jordan đẹp hơn và sâu bên Israel rất nhiều. Bãi biển Dead Sea bên Israel đã bị khô, nước cạn nên phần bờ trở thành một bãi khô khá dài, không có hotel dọc theo bãi biển nên bãi tắm rất đơn sơ, chỉ là một vài hàng quán chạy dọc theo bãi biển để du khách có thể xuống tắm biển mặn ở đây. Ngược lại, Hotels bên Jordan là những resort, phía sau lưng hotels là các bãi tắm nối liền vào biển Dead Sea và được trông nom gìn giữ cẩn thận. Vì thế dịch vụ tắm biển, sauna, nghỉ ngơi khác hẳn bên Israel. Tôi chọn nghỉ đêm bên Jordan để tận hưởng những giây phút quý báu trên biển Dead Sea.

Đến Dead Sea bạn không cần biết bơi, bạn chỉ cần từ từ nằm ngửa người trên biển và bạn sẽ nổi. Bạn muốn nằm ngước mặt lên trời ngẫm nghĩ chuyện đời thì cứ tự nhiên nằm suy tư. Cho dù bạn muốn chìm thì cũng không thể chìm được, tỷ trọng thân thể của bạn nhẹ hơn nước biển muối rất nhiều nên lúc nào bạn cũng “trôi nổi” trên biển. Còn bạn muốn nằm đọc sách thì bạn cứ co một chân bạn lên, đầu ngẩng lên và tay cầm sách đọc tự nhiên. Giả thử bạn nằm đọc sách như thế trong hai ba tiếng đồng hồ và nếu có gió biển thổi hiu hiu từ đông sang tây, tôi tin chắc khi bạn gấp sách lại thì bạn đã không còn ở Jordan nữa mà bạn đã đến bên Israel rồi. Tôi không đi vào chi tiết cấu tạo tại sao gọi là Biển Chết hay tại sao biển mặn hay tại sao bạn lại nổi như thế trong bài này vì cần gì tìm hiểu những điều phức tạp trong lúc bạn say sưa thích thú đó.

Du khách luôn luôn nổi trên “Dead Sea.” 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Nhưng cần nói thêm “tắm bùn” là một điểm thích thú khác tại Dead Sea. Đây cũng là cũng là một cách để bảo vệ làn da của bạn (như mấy shop bán đất bùn đã nói như thế với du khách, riêng tôi không có ý kiến về điểm này). Tôi cũng bôi bùn lên người tắm thử xem sao! Tôi không biết da mình có mịn hơn chút nào hay không, nhưng ngay lúc đó nhìn gương tôi không thấy tôi trong gương mà chỉ thấy một quái vật đen thui bên cạnh Biển Chết.

Cuộc chiến tranh 6 ngày Ả Rập – Do Thái xảy ra năm 1967 mà kết quả Jordan thất bại và mất đi hẳn thành phố Jerusalem. Tuy nhiên, năm 1994 Vua Hussein I của Jordan và Thủ Tướng Rabin của Israel đã ký hòa ước hòa bình trước sự chứng kiến của Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton. Từ ngày đó Jordan và Israel hợp tác về du lịch và chính phủ hai bên đang có những chương trình chung cứu nguy sự cạn dần của mực nước biển Dead Sea. Thủ đô Amman và các thành phố du lịch của Jordan đã phát triển không ngừng và nâng cao mức độ an toàn trong tất cả các địa điểm du lịch tại Jordan. Nhờ thế số lượng du khách đến Jordan đã gia tăng đáng kể trong các năm gần đây.

Israel – Jordan – Egypt được xem như một đoạn đường dài mà bước chân của Chúa Jesus đã từng đi qua. 


Trần Nguyên Thắng