Tranh vẽ của Đinh Trường Chinh (st Internet)
1.
Tôi bỏ ngoài tai những lời phàn nàn gần như bất tận của anh Tuyên cho đến một hôm anh thình lình bảo tôi: “Tuấn, mày đi tìm mua anh khẩu súng . . . Mày ở Mỹ lâu mua súng chắc không khó . . .”
Một thời gian sau khi trưởng thành tôi nhận ra một điều là những người sống có lý tưởng thường hay bất mãn. Thực ra điều đó khá hiển nhiên, chẳng có gì cao siêu khó hiểu, nhưng qua con người anh Tuyên, điều tôi suy nghĩ như được minh chứng hẳn hoi.
Anh Tuyên hơn tôi chín tuổi. Trong nhà anh là anh cả và ngay từ thuở còn cắp sách đến trường anh đã tỏ ra vượt trội hơn các đứa em của anh trong nhà. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn và anh là ngón dài nhất trong gia đình tôi. Anh là niềm hãnh diện của thầy mẹ và tôi nhớ tôi ngưỡng phục anh ghê lắm. Hình ảnh anh lúc đó là chàng thanh niên cao gầy, tóc dài, đeo kính trắng, áo quần lúc nào cũng giản dị nhưng tươm tất, và ăn nói thì chững chạc như nhà hùng biện. Tú tài một anh đậu tối ưu và thầy tôi đoan chắc với mọi người trong nhà Tú tài hai anh phải ưu hay bình chứ không thể kém hơn. Ông định sẽ xin học bổng cho anh đi du học. Nhưng số mệnh anh không chịu yên ổn như thầy mẹ tôi xếp đặt. Năm đó không hiểu do động cơ nào thúc đẩy anh lăn xả vào các cuộc biểu tình chống ông Diệm của sinh viên học sinh Sài Gòn. Hơn một lần anh bị mật vụ tóm cổ và thầy tôi đã phải vất vả chạy ngược chạy xuôi tốn kém tiền bạc tìm cách chuộc anh ra. Dĩ nhiên cuối năm đó anh nằm nhà học bài luyện thi kỳ hai chứ không đi Tây đi Mỹ như thầy mẹ tôi mong ước.
Cứ thế anh em tôi trưởng thành trong những ngày tháng đen tối nhất của đất nước. Chiến tranh không cho chúng tôi ngay cả những mơ ước tầm thường nhất. Xã hội hỗn loạn, con người chà đạp lên nhau để sống và anh tôi càng ngày càng bi quan về kiếp sống.
Khi tôi lên đại học thì anh Tuyên đã có bốn tuổi lính. Anh đóng quân ngoài Trung, mỗi năm về thăm nhà đôi ba lần và mỗi lần gặp lại tôi thấy anh già đi nhiều lắm. Ít lâu sau thầy tôi mất, tôi thi rớt chứng chỉ năm thứ hai trường Luật và cũng bị gọi động viên. Từ khi tôi vào lính hình như tôi chỉ gặp anh đâu chừng đôi ba lần trước khi tôi nhanh chân xuống tàu chạy sang Mỹ hôm 30 tháng Tư. Anh Tuyên kẹt ngoài Trung bị bắt làm tù binh và phải mất chín năm tù cải tạo, năm năm sống vất vưởng ở Sài Gòn trước khi sang Mỹ theo diện H.O.
2.
Tôi hỏi anh cần súng làm gì, anh bảo để tự vệ. Tôi nói anh đừng nghĩ nhảm. Anh hậm hực một hai hôm rồi bỏ qua. Nhưng chỉ ít lâu sau đợi lúc nhà vắng người, anh lại đem chuyện mua súng ra van nài tôi giúp.
Lần này giận quá tôi gắt lên, “Anh định mua súng giết ai đấy?”
“Tao cần thanh toán một kẻ tử thù. Mày không giúp tao thì tao đi nhờ người khác.”
Anh trả lời giọng chắc nịch và chậm rãi như đang phát biểu lời cuối cùng trong bài diễn văn nẩy lửa. Tôi tiêu tan cả cơn giận, trố mắt nhìn anh, không tin vào đôi tai mình nữa.
“Ở xứ này anh sẽ lên ghế điện hoặc ở tù suốt đời nếu giết người vô cớ.” Tôi bảo anh.
Chúng tôi cãi qua cãi lại nhưng anh Tuyên có vẻ quyết liệt lắm. Anh bảo nếu tôi không giúp, anh sẽ xuống Bolsa tìm mấy thằng du đãng mua lại súng của chúng. “Tụi nó thiếu gì súng. Xỉa ra vài trăm bạc làm gì chẳng có được khẩu súng tốt?” Nghe đến đó tôi hoảng vía, ngồi thừ ra và chỉ biết nhìn anh lắc đầu.
Tôi không hiểu anh nữa. Trong nhà thầy tôi ít gần gũi con cái. Hình như suốt ngày ngoài thời gian đi bán cháo phổi tại những trường tư thục kiếm tiền nuôi vợ con, ông chỉ biết thu vào để sống lại những hình ảnh quá khứ hào hùng nơi núi rừng Việt Bắc khi ông và những người bạn của ông vào sinh ra tử chiến đấu cho cái lí tưởng lãng mạn chỉ thế hệ ông mới có. Chính anh Tuyên là người thay ông dạy dỗ tôi ở tuổi ấu thơ và khi tôi có chút trí khôn chính anh cũng là người gieo vào đầu óc tôi mầm lí tưởng của một chàng thanh niên trẻ. Những lần về phép anh đến chờ tôi ở cổng trường đại học rồi anh em đèo nhau ra quán nhậu. Trong lúc ngồi nhấm nháp li bia lạnh, anh kể tôi nghe về đời lính của anh, về những người dân quê ngoài Trung chất phác đáng thương, về những bất mãn của anh trong guồng máy chiến tranh gần như phi lý anh đang vướng phải. Anh nói nhiều lắm nhưng lọt vào tai tôi chẳng bao nhiêu. Lúc đó đầu óc tôi chỉ có hai mối bận tâm chính là thi đậu mỗi năm để khỏi bị gọi nhập ngũ và làm thế nào nắm được tay cô bạn gái xinh đẹp cùng lớp học. Khi nghe anh nói về những chuyện xa lạ kia, tôi chỉ lờ mờ hiểu ra một điều là anh đang cố tìm cho chính anh lời giải thích nào đó cho việc chém giết anh đang tận tình tham dự. Anh đau đớn tột cùng khi ôm người bạn đồng đội bị băng đạn AK phá nát tim phổi nhưng cũng xót xa đến tận xương tủy khi thấy đứa trẻ mười tuổi bị bom xăng đốt cháy đen không còn nguyên vẹn hình hài.
Tội nghiệp cho anh loay hoay như con cá mắc cạn chỉ vì chút lý tưởng cỏn con anh cố giữ trong đầu.
Mười bốn năm gặp lại, tôi thấy nơi anh một ông già mỏi mệt, bệnh tật kinh niên. Anh cũng có vợ. Một chị Tàu Chợ Lớn chịu kết hôn với anh khi biết anh có giấy tờ đi Mỹ. Chị còn nhỏ tuổi hơn tôi và tính tình chỏng lỏn đến độ phát ghét. Khả năng tiếng Việt của chị chỉ đủ để trao đổi những chuyện bình nhật trong nhà. Với tôi chị càng ít nói hơn. Ban ngày chị ở nhà nấu ăn, trông nom thằng con sáu tuổi trong lúc tôi và anh Tuyên đi làm. Buổi tối, sau khi cơm nước, chị yên lặng ngồi chăm chú theo dõi hết cuốn phim bộ Trung Hoa này sang cuốn khác trong lúc anh Tuyên ngồi hí hoáy viết bài gửi đăng trên các tờ báo Việt ngữ xuất bản dưới Bolsa.
Có lần tôi ghé mắt xem anh viết gì.
“Anh rõ phí thời gian cho những chuyện không đâu. Đi học kiếm cái nghề vững chắc có phải hơn không.” Tôi bảo anh.
Anh giận lắm và lại xảy ra một vụ cãi cọ với những lời lẽ không mấy đẹp hắt qua hắt lại giữa anh em. “Đất nước này chỉ có khoa học kỹ thuật là đáng học,” Anh bảo tôi sau khi cơn giận trong lòng anh đã lắng dịu xuống. “Nhưng khoa học kỹ thuật thì tao kể như ăn đong. Còn các môn học khác? Mày nghĩ tao học được cái chó gì từ một dân tộc quay cuồng suốt mấy năm trời về chuyện một thằng cầu thủ giết vợ vì ghen tuông?” Lúc đó đang xảy ra vụ xử án anh chàng O.J. Simpson nổi tiếng. Nghe anh nói tôi chỉ biết im lặng rồi tảng lờ nói sang chuyện khác.
3.
Anh Tuyên mắng tôi là hạng người ích kỷ, chỉ biết bo bo giữ lấy thân, chẳng thiết gì đến quốc gia dân tộc. Anh bảo tôi là người sống không có lý tưởng. “Mày ăn bơ sữa Mỹ riết rồi chẳng còn nhớ gì đến Việt Nam nữa. Thật tao uổng công dạy dỗ mày thuở nhỏ.” Hiếm khi tôi cãi lại anh. Tôi biết anh thừa hưởng phần nào dòng máu lý tưởng lãng mạn của thầy tôi. Còn tôi, có lẽ tôi giống mẹ nhiều hơn, an phận thủ thường, nhìn cuộc đời giản dị và thấy cái đất nước Việt Nam sở dĩ càng ngày càng tang thương chỉ vì có quá nhiều người lúc nào cũng ôm ấp lý tưởng muốn thực hiện những điều to tát trên đời.
Vì cái lý tưởng đó, thầy tôi mất đi mười năm trời của cuộc đời ông nơi núi rừng Việt Bắc. Càng sống nhiều tôi càng thấy cái gọi là lý tưởng chẳng qua không khác với khẩu hiệu bao nhiêu. Khẩu hiệu càng hay ho sự thật càng tồi tệ. Chính khách giỏi là người biết sử dụng khẩu hiệu sao cho hữu hiệu, khích động trúng vào niềm tin của quần chúng. Lý tưởng trở nên đồng nghĩa với khẩu hiệu. Anh Tuyên bảo tôi là người sống không có lý tưởng. Thật tình tôi không muốn chối cãi điều đó chút nào.
4.
Anh Tuyên bắt đầu “thấm đòn” khi dần dà chính mắt anh nhìn thấy không biết bao nhiêu chuyện bỉ ổi xảy ra bên trong cái “ghetto Bolsa.” Những phong trào đấu tranh phục quốc này nọ biến thành trò lường gạt trắng trợn, nhân vật tưởng có thể cứu nguy dân tộc một hôm hiện nguyên hình là tên bịp. Một trong những đại bịp đó lại là cấp chỉ huy cũ của anh.
Buồn bã mất mấy tháng nhưng anh vẫn còn một số ít bạn bè cùng cảnh ngộ để những lúc rảnh rỗi ra ngồi quán cà phê giải buồn. Lần nào cũng thế, ngồi vào bàn, thoạt tiên họ luận bàn về đủ thứ tình hình nơi cái dải đất nhỏ xíu bên kia đại dương, và sau cả tiếng đồng hồ, họ kết thúc bằng mẩu đối thoại đại khái như:
“Lúc này sao không thấy thằng Thuận ra nữa?”
“Tôi mới gọi phôn nói chuyện với nó hôm tuần trước. Bệnh bao tử nó tái phát, mửa ra máu, phải vào bệnh viện.”
“Mẹ kiếp. Tội thân nó. Còn tôi cũng đến khổ vì chứng xương khớp hành hạ nhất là mỗi khi trời trở lạnh.”
“Ông nhức xương còn khá. Tôi đây mới chán. Hở van tim đến thời kỳ phải mổ rồi mà Mê-đi-keo không chịu trả tiền. Tối nào ngủ cũng bị hành, thở không ra hơi.”
“Còn tôi nguyên hàm răng bị hỏng từ hồi trong trại cải tạo đến giờ vẫn chưa có tiền làm. Ăn uống đến khổ.”
Buổi hội luận về tình hình đất nước tạm ngưng bằng bản báo cáo tình trạng sức khỏe cá nhân. Sau đó họ chia tay, người ra chợ đón vợ, kẻ đón con học lớp Việt ngữ, người đi bác sĩ, vân vân.
Anh Tuyên hình như có đầy đủ tất cả những chứng bệnh kể trên của bạn anh, thêm tật anh chẳng bao giờ chịu đi bác sĩ nên tôi đoán lục phủ ngũ tạng anh chắc đã ruỗng và chỉ chờ một trục trặc nho nhỏ nào đó xảy ra anh sẽ ngã quỵ tức thì.
Một hôm tôi đi làm về thấy anh đang lúi húi nấu cơm.
“Chị ấy đâu mà anh phải nấu cơm?” Tôi ngạc nhiên hỏi.
“Nó ôm con bỏ nhà đi rồi . . .” Anh ậm oẹ mãi mới trả lời tôi.
Tôi chán nản thở hắt ra đoạn buông mình xuống ghế nơi bàn ăn, chờ đợi anh giải thích về cái biến cố không nhỏ đang xảy ra trong tiểu gia đình tôi nơi đây. Tôi biết chị vợ anh chẳng yêu thương gì anh, nhưng dù sao hai người cũng có với nhau đứa con trai. Tôi khá hoang mang muốn biết tường tận chuyện gì xảy ra giữa vợ chồng anh, nhưng anh thản nhiên tiếp tục đứng nhặt rau trong bếp, như thể chuyện vợ con anh bỏ đi giống như đội bóng rổ thành phố nhà vừa thua trận đấu tối qua. Chỉ thấy thất vọng một chút, rồi thôi. Quên ngay tức khắc.
“Làm sao anh biết chắc chị ấy bỏ đi?” Tôi lại hỏi anh.
“Đến cái giẻ rách nó cũng không để lại. Còn bày đặt viết thư đoạn tuyệt. Cứ như là phim bộ Hồng Kông không bằng! Mày muốn xem thư thì ngay trên bàn trước mặt mày đấy.”
Tôi cầm lên lá thư xếp làm tư mở ra đọc, nét chữ nguệch ngoạc những câu tiếng Việt ngây ngô sai lỗi chính tả đến buồn cười giải thích lý do tại sao chị phải ra đi và chị chúc anh ở lại “bằng ang hạnh phút”. Chị viết kín cả trang giấy học trò nhưng đọc xong lá thư tôi vẫn không tìm ra nguyên uỷ cho việc đổ vỡ của gia đình anh tôi.
“Hay tại anh thất nghiệp cả nửa năm nay không làm ra tiền nên chị ấy bỏ đi?” Tôi ngần ngừ hỏi anh.
“Nó muốn đi đâu thì kệ xác nó chứ. Việc gì tao phải quan tâm.” Anh nói như gắt. “Tao nói cho mày biết nó về ở với thằng Tàu lai bán thịt ngoài chợ Phú Cường đấy. Lần nào chở nó đi chợ tao cũng thấy nó cười tình với cái thằng mặt chảy như dái chó. Ngữ ấy tiếc làm gì!”
“Nhưng còn thằng Tí? Anh phải tranh đấu để giữ con chứ. Anh không thương con sao?”
“Con mới cái! Nó còn không nói được tiếng Việt thì tao thương nó sao nổi. Mày có thấy lúc nào nó rời mẹ nó ra không? Có bao giờ nó ôm tao tỏ ra một cử chỉ âu yếm không? Từ hồi còn ở Việt Nam nó đã như thế rồi. Nó chỉ là sản phẩm ngoài ý muốn. Một đêm tao say rượu, lỡ làm bậy.”
Anh gọi chuyện ăn nằm với vợ, dù là vợ hờ, là “làm bậy”. Cơn giận trong người tôi bỗng dâng ứ lên đến nỗi nghẹn cả lời. Đúng ra tất cả những nỗi bực dọc trong cuộc sống giữa anh em một nhà chỉ chờ dịp này để bùng vỡ. Thế rồi anh em cãi nhau một trận tưởng chừng như đá nát tường tan. Anh buông lời chửi tôi thậm tệ và cuối cùng chịu không nổi tôi bỏ sang nhà người bạn ngủ nhờ đêm đó.
5.
“Mày biết tại sao tao cần khẩu súng không?”
Tôi như muốn nổi khùng nhưng anh em chẳng lẽ bỏ nhau? Vài hôm sau tôi về nhà. Anh khá ân hận về chuyện xảy ra. Hình như để chuộc lỗi, anh chuẩn bị bữa cơm thật ngon cho tôi ăn. (Điểm tốt duy nhất nơi con người anh dưới mắt tôi bây giờ là anh biết nấu cơm ngon, trong khi tôi cả đời chỉ biết làm một món độc nhất là trứng bát). Căn nhà bừa bộn như bãi rác. Dù sao chị vợ anh cũng là đàn bà. Bây giờ nhà chỉ còn hai người đàn ông độc thân, một trung niên, lận đận tình duyên, hai lần lấy vợ, hai lần bỏ vợ, một đang sắp về chiều, đầu óc như bị quỷ ám, hành vi thất thường như thằng điên.
“Anh nói anh cần thanh toán một kẻ tử thù. Nhưng kẻ tử thù đó là ai? Có thật không?” Tôi hỏi ngược lại anh trong lúc gắp miếng trứng đúc thì là anh làm ngon không kém lúc xưa mẹ tôi vẫn làm khi bà còn sống nơi quê nhà.
“Trước 75 nó cùng đơn vị tao.”
A, thì ra kẻ tử thù anh muốn giết không phải ai ghê gớm. Không phải Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam. Không phải Henry Kissinger. Cũng không phải Osama bin Laden. Thôi, từ từ tìm cách khuyên giải anh, chắc chưa đến nỗi nào. Tôi nghĩ thầm trong lòng như vậy trong lúc anh nói về cái tên khốn nạn, kẻ đáng bị giết như con chó ghẻ chứ không thể để sống trên cõi đời này thêm phút giây nào.
“Vì nó mà hai người bạn thân tao chết oan, chưa kể cả chục người khác lẽ ra được thả về phải ở lại tù thêm gần năm năm.”
Bát canh thịt bò thuôn hành răm tôi đang húp bỗng trở nên nhạt nhẽo vô vị một cách lạ thường. Chao ơi, chuyện trong trại tù cải tạo của anh cách đây gần phần tư thế kỷ anh vẫn chưa quên được sao! Cái cuộc chém giết ghê tởm khốn nạn kia tưởng đã chấm dứt rồi chứ. Từ chiến tranh trở về, thường người ta chán ghét súng đạn, xem chúng như cái gì kinh tởm đáng ghét cần khử trừ như khử trừ đám chuột mang vi trùng dịch hạch. Có ai như anh không? Vẫn quay cuồng trong hận thù chém giết, vẫn mê muội giữa hai đằng phải trái vô hình. Nhưng anh già yếu. Anh trơ trọi một mình. Anh người đầy bệnh tật. Anh sống vất vưởng bên lề xã hội. Anh hoàn toàn không có khả năng trả thù những kẻ đẩy anh vào cảnh ngộ ngày nay và anh chỉ biết đổ tội lỗi đó lên đầu người bạn ở đơn vị cũ chỉ vì yếu đuối lỡ gia hại bạn đồng đội mình giữa một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn bi đát. Tôi bỗng thấy thương xót cho anh. Anh tôi, Tú tài đỗ tối ưu, mắt sáng như sao, mười tám tuổi khi tranh luận đã biết đem lời John Locke, Tocqueville ra trích dẫn, giờ đây là một ông già quá tuổi, tóc bạc lưa thưa, đầu óc lúc nào cũng quay quắt chuyện trả thù quá khứ.
“Cuối cùng nó cũng sang được Mỹ. Nhưng nó không dám về ở khu Việt Nam vì sợ có người nhận diện. Nghe nói nó thuê nhà trên San Bernardino, nhưng thỉnh thoảng nó về đây đi lễ nhà thờ Việt Nam và có người trông thấy.”
6.
Dĩ nhiên chẳng đời nào tôi chịu đi mua súng cho anh Tuyên. Anh cũng hiểu ra điều đó và không nằn nì tôi giúp nữa. Tôi tạm yên, thôi bị anh quấy nhiễu, nhưng thay vào đó lúc nào tôi cũng canh cánh nỗi lo sợ biết đâu anh tự đi mua súng của bọn du đãng dưới Bolsa như lời anh hăm doạ.
“Lễ bắt đầu lúc ba giờ. Chắc sắp tan. Nhà thờ chỉ có một cửa ra vào chính. Thể nào nó cũng phải xuất hiện.” Tôi ngồi nơi tay lái. Anh Tuyên đầu đội mũ kết che khuất nửa khuôn mặt, đeo kính đen, ngồi bên cạnh. Chỗ chúng tôi đậu xe bên này đường kín đáo. Dòng xe xuôi ngược như mắc cửi, rất tiện theo dõi người từ trong nhà thờ bước ra mà không bị bắt gặp. Chúng tôi đợi cả tiếng đồng hồ và tôi vẫn không hiểu tại sao tôi nhận lời đi theo để xem mặt kẻ tử thù của anh. Có người báo cáo anh qua điện thoại di động (cứ như phim gián điệp) thằng Kiên đang trên đường đến nhà thờ. Anh tức tốc thay quần áo lên đường. Anh hỏi tôi muốn đi theo không và tôi gật đầu.
Trái với dự đoán của tôi, anh Tuyên điềm tĩnh như đang ngồi nghe buổi hoà nhạc hay trầm ngâm thưởng thức cảnh chiều tà trên mặt biển. Mặt anh lầm lì, tôi hỏi gì cũng ậm oẹ trả lời cho qua. Cuối cùng lễ trong nhà thờ xong và già trẻ trai gái lũ lượt túa ra.
“Nó ra rồi kìa. Bấy nhiêu năm nhưng tao không bao giờ quên được dáng điệu cái thằng hèn hạ. Tuấn, mày thấy cái thằng gầy nhom mặc áo xanh dương nhạt quần tây đen đang đỡ bà già đi xuống bậc cấp kia không? Mày qua bên đó theo hắn đến xe rồi ghi nhớ số xe nó cho tao. Nó không biết mày là ai đâu. Đừng sợ.”
Anh Tuyên nói như ra lệnh và tôi răm rắp tuân lời anh. Tôi băng qua đường, bước nhanh bắt kịp gã đàn ông. Gã đi chậm lắm vì vừa đi vừa xốc nách đỡ bà già mà có lẽ là mẹ gã. Hai người đến dưới chân tượng Đức Mẹ trước nhà thờ đoạn ngừng lại hình như để bà già đọc kinh cầu nguyện. Tôi đến lảng vảng bên cạnh. Đứng gần tôi có dịp kín đáo quan sát gã kĩ hơn. Trông gã già nua bạc nhược có lẽ còn hơn cả anh Tuyên. Mặt gã quắt queo, mọc dưới cằm bên trái một cái nốt ruồi thật to, thâm đen xấu xí như có người chơi khăm nặn cục đất sét đen ịn lên mặt gã. Từ cái nốt ruồi, hai ba sợi lông thật dài nửa đen nửa bạc mọc quăn queo.
Đọc kinh xong bà già lại khó nhọc cất những bước đi xiêu vẹo trong tay người con. Bà mặc áo dài nhung đen, khá đẫy người nhưng thấp lùn, lưng còng xuống như thể năm tháng chồng chất lên người bà không biết bao nhiêu khổ nhọc đắng cay. Tôi nhìn mẹ con kẻ tử thù của anh Tuyên mà đầu óc khô cứng, không thể nào hình dung nổi cuộc chiến sinh tử anh ngày đêm nung nấu trong đầu.
7.
Từ hôm gặp lại người anh gọi là kẻ tử thù, tôi thấy anh Tuyên thay đổi hẳn. Có lẽ hình ảnh gã đàn ông gầy guộc yếu ớt xốc nách bà mẹ già từ trong nhà thờ bước ra khiến anh tiêu tan mọi hận thù trong lòng mà anh tưởng không bao giờ quên dù sau gần hai mươi lăm năm trời đằng đẵng. Tôi mừng lắm vì không còn cảnh anh em cãi vã nhau như cơm bữa. Anh có việc làm mới, đứng dán thùng trong khâu gửi hàng của một hãng xưởng công nghệ. Tiền lương tuy chẳng bao nhiêu nhưng đỡ vất vả hơn công việc cũ bưng phở trong một nhà hàng Việt Nam. Anh còn thương lượng với chị vợ thỉnh thoảng đến đón thằng con về chơi. (Chị học lái xe và tôi thấy chị chễm chệ ngồi trong chiếc Lexus đời mới đi mua sắm hàng, tóc tai chị nhuộm vàng khè, mặt mày tô son trát phấn như đào hát.)
8.
Cuộc sống tất bật không cho phép tôi có thời gian đọc sách báo bao giờ. Năm thì mười hoạ, cho thư giãn, giờ nghỉ trưa tôi ra quán Starbucks gần cơ quan gọi tách cà phê rồi vớ tờ báo lật nhanh liếc nhìn quảng cáo và những hàng tít lớn chạy bên trên. Nếu ngày hôm đó tôi không ra quán thì có lẽ cuộc sống của tôi và anh Tuyên vẫn êm ả xuôi chảy như chẳng có gì xảy ra.
Bài báo nằm nơi trang trong dành cho những tin địa phương nhưng người phóng viên viết bài bỏ ra khá nhiều công sức để bài báo trở nên bản tin quan trọng và thu hút người đọc phải ghé mắt nhìn vào. Cái tít rất “nóng”: Đàn ông Á châu bị giết, xác quăng ngoài sa mạc gần Palm Springs. Đi kèm bài báo là bức ảnh (có lẽ lấy ra từ bằng lái xe của nạn nhân) và chính bức ảnh đã khiến tôi sửng sốt, giật bắn người, tim đập thình thịch, không thể nào tin vào mắt mình. Vâng, làm sao tôi quên được khuôn mặt đó. Làm sao tôi quên cái nốt ruồi to tướng như cục đất sét đen và mấy sợi lông dài mọc lăng quăng lơ láo. Làm sao tôi quên cái nhìn vô cùng thiếu tự tin và toàn thân toát ra nỗi sợ sệt như thể toàn thể loài người đang đồng loạt tìm cách hãm hại mình. Làm sao tôi quên hình ảnh hai mẹ con níu lấy nhau từ cửa nhà thờ bước ra, ngơ ngác như người đến từ hành tinh lạ, lạc lõng, bơ vơ.
“Xác nạn nhân được đưa về nhà xác chờ giảo nghiệm. Không thấy cảnh sát đưa ra giả thuyết nào cho vụ sát nhân hay tên tuổi, mặt mũi nghi can. Họ chỉ tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc điều tra.”
Đó là câu kết luận của bài báo. Tờ báo ướt đẫm mồ hôi chỗ tay tôi cầm. Nỗi sợ hãi làm tôi cứng đờ người. Hình như tôi ngồi thừ ra ở đó lâu lắm, băn khoăn suy nghĩ về anh Tuyên.
“Không, mày đừng nghĩ oan cho tao. Tao chẳng hề dính líu gì đến vụ giết người này.” Anh Tuyên lắc đầu bảo tôi sau khi giật tờ báo trên tay tôi đọc ngấu nghiến bài tường thuật vụ giết người. Anh cũng thừ người ra suy nghĩ như tôi. Giọng anh không chút gì giả dối và tôi thở hắt ra. Ồ, biết đâu gã đàn ông bị kẻ gian giết người cướp của. Ở xứ này thiếu gì những chuyện như thế xảy ra hằng ngày, khắp nơi. Ngày nào trên truyền hình chẳng có tin người vô tội bị sát hại, đàn bà con gái bị hiếp dâm. Đầu óc tôi có lẽ xơ cứng như bị điều kiện hoá bởi hành vi cùng thái độ của anh Tuyên lúc trước. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Chao ơi, thiếu chút nữa tôi đã đổ oan cho anh mình một chuyện vô cùng kinh khiếp là giết người!
Từ hôm đó ngày nào tôi cũng mua báo về, cẩn thận dò từng trang không để sót bản tin nào với hi vọng cuộc điều tra của cảnh sát soi sáng phần nào cái chết của gã đàn ông. Suốt hai tháng trời đầu óc tôi lúc nào cũng căng cứng. Tôi chờ đợi mỏi mòn.
Thành phố Los Angeles và những vùng phụ cận có trên mười triệu dân trải trên dải đất mỗi bề dài rộng hơn trăm dặm. Chừng đó con người chạy tới chạy lui như những con thoi suốt ngày kiếm sống, chẳng ai rảnh rỗi đi điều tra cái chết tầm thường của con người tầm thường đến bước đi cũng không dám đi mạnh bạo kia. Sau khi trên trăm người bị một tên khùng đặt bom giết hại bên thành phố Oklahoma dạo nào, người ta dựng đài kỷ niệm và khắc tên nạn nhân lên bia đá để ghi nhớ đời đời. Cũng là cái chết, cũng bị giết một cách tức tưởi, nhưng cái chết của gã đàn ông, kẻ khốn nạn xác bị quăng ngoài sa mạc nóng thiêu, chẳng hề được ai nhắc đến.
9.
Căn nhà nằm ở ngoại biên thành phố San Bernardino, nửa quê nửa tỉnh. Từ đường lớn rẽ vào phải đi ngang một trại bò, mùi phân bò hôi thối từ xa đã xông lên nồng nặc.
Sáu tháng sau tôi tìm ra địa chỉ nhà gã đàn ông. Nhờ thi hành “công tác” theo dõi và ghi nhớ số xe gã hôm theo anh Tuyên đến nhà thờ, tôi phăng ra địa chỉ gã dễ dàng.
Cửa mở. Một cô gái chừng hai mươi tuổi hiện ra. Cô nhìn tôi hai mắt mở lớn. Có lẽ cô không bao giờ ngờ có người Việt Nam lạ mặt gõ cửa nhà. Tôi bảo cô tôi là chỗ quen biết cũ của ông Kiên, ở xa nên đến hôm nay mới nghe chuyện chẳng lành, đến thăm.
“Mời chú vào nhà. Cháu vào gọi bà cháu ra.” Cô bảo tôi.
Cuối cùng tôi gặp lại bà cụ. Dĩ nhiên bà chẳng nhận ra tôi. Nhà hình như chỉ còn hai bà cháu chung sống. Cô gái bưng trà mời tôi rồi rút vào phòng trong để tôi ngồi ngoài nói chuyện với bà cụ mẹ gã đàn ông. Bà lãng tai và lẫn khá nặng, chuyện nọ xọ chuyện kia và tôi chẳng biết thêm điều gì về cái chết của gã đàn ông. Lúc đưa tôi ra về cô gái theo tôi ra tận xe đậu ngoài hàng rào. Cô bỗng bảo tôi, “Cảnh sát kết luận là chú Kiên của cháu bị kẻ lạ giết để cướp xe, nhưng cháu không nghĩ như vậy.”
“Lý do nào khiến cô nói vậy?” Tôi hỏi lại cô, có lẽ cô mới là người cho tôi biết nhiều hơn về cái chết của gã đàn ông.
“Xe của chú Kiên cháu cũ mèm, ai thèm lấy. Cháu nghĩ kẻ giết người phải là người quen biết chú cháu vì mấy hôm trước khi chết cháu thấy chú như bấn loạn, đứng ngồi không yên và chú còn bảo cháu nếu chú có mệnh hệ gì thì cháu ở lại săn sóc bà. Cháu sợ lắm hỏi chú chuyện gì nhưng chú nhất định không nói . . . Vài hôm sau thì chú bị giết.”
Tôi bỗng bâng khuâng nhìn cô gái. Cô không đẹp. Da mặt cô tái xanh, mũi thấp, môi dầy trên khuôn mặt tròn bầu. Nhưng người cô toát ra vẻ chịu đựng khó tả dù cô chỉ mới bước vào lứa tuổi trưởng thành cách đây không lâu.
Tôi đứng nói chuyện với cô thêm chặp nữa rồi lên xe ra về, lòng buồn rười rượi.
10.
Anh Tuyên đi từ thái cực này sang thái cực kia. Anh bây giờ suốt ngày lầm lì, ăn cơm xong vào phòng riêng đóng cửa nằm đọc sách. Trong bữa cơm anh cũng ít khi mở miệng. Tôi hỏi chuyện anh trả lời nhát gừng cho qua.
Lời cô gái cháu gã đàn ông theo ám ảnh tôi suốt quãng đường về nhà. Những ngày sau đó nỗi ám ảnh càng lúc càng lớn. Gã đàn ông có nhiều kẻ thù vì những việc gã làm cách đây hai mươi lăm năm. Một trong những kẻ thù của gã là anh Tuyên. Gã bị kẻ thù giết. Không ai thèm ăn cướp chiếc xe cũ mèm từ một kẻ khố rách áo ôm. Cô gái hai mươi tuổi sống với bà già lãng tai mất trí nhớ trong căn nhà nghèo hèn cạnh trại bò. Căn nhà ảm đạm thê lương như ngôi mồ với khung ảnh gã đàn ông có cái nốt ruồi to tướng trên bàn thờ.
Từ ám ảnh biến thành ác mộng. Tôi mơ thấy anh Tuyên tay đầy máu bước vào nhà trong lúc ngoài kia tiếng chân người chạy sầm sập. Tôi khiếp đảm quá hét lên trong giấc mơ. Lần khác tôi mơ thấy anh đào mồ chôn gã đàn ông ngoài sa mạc. Nấm mồ nông quẹt. Đất lấp rồi mà chân tay gã vẫn ló ra ngoài và dường như còn vẫy vẫy như bảo mấy người đừng chôn tôi ở đây, đây là sa mạc nóng lắm, nóng như hoả ngục làm sao tôi chịu nổi. Mấy người giết tôi thì giết nhưng làm ơn đưa tôi về chôn bên cạnh nhà tôi có bóng cây râm mát và mẹ tôi mỗi ngày ra nói chuyện với tôi.
11.
Tôi sống trong lo âu phập phồng trong lúc anh Tuyên càng ngày càng chìm vào những suy nghĩ riêng tư. Có thời gian rảnh rỗi tôi đến thăm bà cụ già và cô gái. (Mũi tôi không ngửi thấy mùi phân bò nữa). Dần dà bà cụ và cô gái có thiện cảm với tôi hơn. Tôi biết thêm gã đàn ông tên Kiên cũng có vợ nhưng người vợ mất cách đây khá lâu vì ung thư tử cung. Vợ chồng không có con và nuôi cô cháu gái trong nhà như con đẻ. Thấy tôi lui tới thường xuyên bà cụ vui lắm, thỉnh thoảng còn giữ tôi lại ăn cơm. Đầu óc bà lẫn nhưng những chuyện quá khứ mấy chục năm về trước bà nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua. Bà hỏi tôi ngày xưa quen Kiên như thế nào. Tôi ú ớ bịa chuyện trả lời rồi bẻ sang chuyện khác.
Anh Tuyên không hay biết gì về hành vi của tôi. Anh em sống chung nhà nhiều khi cả tuần không mở miệng nói chuyện với nhau. Tôi cũng ít ăn cơm nhà. Tình trạng này kéo dài cho đến một hôm trong giờ làm việc tôi bỗng nhận được cú điện thoại gọi từ ty cảnh sát địa phương báo tin anh Tuyên đang bị giam giữ và họ yêu cầu tôi đến gặp họ ngay lập tức. Không cần nói nhiều, tôi run bắn cả người, ruột gan rối bời đến nỗi bỏ chìa khoá xe vào túi quần rồi mà cứ luôn tay mở hết hộc tủ này đến hộc tủ khác đi tìm.
Cuối cùng đến nơi, tôi chạy ào vào văn phòng ty cảnh sát nhưng họ bảo tôi ra ngoài phòng đợi ngồi. Tôi chờ suốt nửa tiếng đồng hồ, trong lòng nóng như lửa đốt, chốc chốc lại đứng lên hỏi viên cảnh sát ngồi sau quầy bàn giấy chừng nào mới được gặp anh tôi. Viên cảnh sát lúc đầu còn lịch sự sau thấy tôi làm phiền quá gắt lớn khiến tôi tiu ngỉu phải vội vàng xin lỗi.
Cuối cùng anh Tuyên xuất hiện. Mặt mày anh tỉnh bơ. Tôi ký vào ba tờ giấy rồi điệu anh ra xe.
“Thằng Mỹ to thế mà bị tao đá một cú dập hòn dái.” Mặt anh nhơn nhơn thích chí như thể vừa thắng ai ván cờ gay go.
Thì ra sáng hôm đó đi chợ anh đụng một tên Mỹ thuộc loại “cổ đỏ.” Tên Mỹ cho là anh giành chỗ đậu xe của hắn. Đợi anh bước ra khỏi xe hắn hùng hổ chạy lại định túm lấy anh hành hung, nhưng chẳng ngờ anh nhanh chân lùi lại rồi với thế võ Bình Định học khi còn trẻ, anh phóng chân đá vào hạ bộ hắn một cái thật mạnh. Tên Mỹ hai tay ôm hạ bộ ngã bổ xuống nằm lăn lộn trên mặt đất miệng rống như trâu bị thiến. Có người nhanh tay rút điện thoại ra bấm và chỉ trong nháy mắt ba xe cảnh sát ập tới còng tay anh giải về ti cảnh sát gần đó.
Cũng may có nhiều người làm nhân chứng nên anh không bị truy tố ra toà về tội đả thương. Anh ở trong trường hợp tự vệ.
12.
Sau cái biến cố cười ra nước mắt đó, một hôm tôi ngồi xuống bắt anh nói tất cả những gì tôi muốn biết về cái chết của gã đàn ông tên Kiên. Tôi cũng bảo anh tôi tìm đến nhà gã và trở nên thân thiết với bà cụ già.
“Tao biết thể nào cũng có ngày mày đối đầu tao về chuyện này. Nhưng sự thật là tao chẳng biết gì nhiều. Tao chỉ biết là trong tổ chức Kháng Chiến Phục Quốc có một ban hành động và có lẽ ban hành động này ra lệnh ám sát thằng Kiên vì có người tố cáo hắn nằm vùng cho Cộng sản ở hải ngoại.”
“Họ có bằng chứng gì không?” Tôi hỏi anh.
“Bằng chứng thì có nhưng mơ hồ lắm. Có người trông thấy hắn đặt chân vào toà đại sứ Việt Nam ở D.C. Nhưng thằng Thức, bạn tao, cũng có lần phải lên toà đại sứ để làm giấy tờ chuyển nhượng căn hộ bố mẹ nó để lại cho vợ chồng người em ở Việt Nam. Người ta ghét thằng Kiên phần nhiều vì những việc hắn làm trong trại tù.”
“Nhưng chuyện đó xưa quá rồi. Chẳng lẽ hai mươi mấy năm rồi mà hận thù vẫn còn dai dẳng như vậy sao?” Tôi hỏi anh nhưng dĩ nhiên chẳng bao giờ anh có câu trả lời.
“Cuối tuần này em chở anh đến thăm bà mẹ ông Kiên” Tôi bảo anh. Anh em tối đó rủ nhau đi ăn tiệm. Anh bảo nhà hàng này có món hến xào xúc bánh tráng ngon tuyệt.
Trong lúc ngồi ở tiệm ăn, ôn lại chuyện cũ mới, anh Tuyên bảo tôi, “Tuấn, anh em mình nếu định làm ăn buôn bán gì thì tao thích mở nhà hàng ăn.”
Tôi biết anh Tuyên thích nấu nướng. Tài nghệ nấu các món ăn ngon lạ của anh nổi tiếng trong giới bạn bè. Anh thích ngồi xem chương trình dạy nấu ăn trên kênh truyền hình Food Network. Anh lên mạng sưu tập không biết bao nhiêu công thức nấu ăn Tây, Tàu, Nhật, Ý . . . Anh bảo chính anh cũng không hiểu tại sao khi đặt chân lên nước Mỹ anh lại có thêm cái đam mê đó (một đam mê hữu dụng hơn tất cả những đam mê trước đó của anh). “Có lẽ cái đói suốt chín năm trời trong trại cải tạo khiến đầu óc tao lúc nào cũng nghĩ đến miếng ăn.” Có lần anh bảo tôi vậy. “Ở Mỹ mười mấy năm rồi mà nhiều đêm tao vẫn nằm mơ thấy mình đói.”
“Hay là mình lên San Bernardino mở nhà hàng?” Tôi nói trong lúc anh Tuyên hớp ngụm bia lạnh. “Căn nhà mình đang ở sau khi bán sẽ dư tiền để mua một căn khác trên đó đất đai rộng cả mẫu tây. Tiền còn lại dùng làm vốn rồi vay thêm nhà băng là có thể mở được một nhà hàng kha khá.” Tôi nghĩ đến bà cụ già mẹ gã đàn ông bất hạnh và cô cháu gái. “Mở nhà hàng dưới vùng này khó thành công lắm vì tiền thuê đã cao lại còn phải cạnh tranh ráo riết với không biết bao nhiêu tiệm ăn lớn nhỏ khác.”
“Ừ, nghe được đấy. Mày có thời gian thì tiến hành công việc này ngay đi.”
Thời gian là cái gì tôi dư dả rất nhiều trong lúc này vì mới tuần trước tôi nhận được giấy cho nghỉ việc sau gần hai mươi năm làm lụng tận tuỵ. Tôi nhìn anh Tuyên, lòng bỗng dâng mối thương cảm vô hạn. Anh trông tiều tuỵ quá. Má anh hóp sâu, đôi mắt mất hẳn vẻ tinh anh. Anh chưa sáu mươi mà tôi thấy anh như ông già lọm khọm.
Anh bỗng nhăn nhó, đặt li bia xuống bàn, nửa thân người trên hơi vặn lại, tay phải đưa sang bóp bóp cánh tay trái.
“Không hiểu sao dạo này thỉnh thoảng cánh tay trái tao đau rần rật như chạm điện. Nửa mặt bên trái tao cũng vậy. Có lúc nó giật tưởng như có người cấu vào má.” Anh bảo tôi.
“Anh đi bác sĩ khám bệnh đi.” Tôi nhớ anh chẳng chịu đi bác sĩ bao giờ.
Anh ậm ừ trong lúc cố trấn át cơn đau. Một chặp sau hình như cơn đau giảm xuống. Chúng tôi lại tiếp tục ăn uống. Anh nói chuyện nhiều hơn thường lệ, anh nói về những món ăn đặc biệt anh tự tay chế biến cho cái nhà hàng tương lai của anh em chúng tôi. “Nhà bếp tao lo hết, mày chỉ cần mướn thêm một tay phụ bếp và một hai thằng Mễ dọn bàn, rửa bát đĩa. Mày giỏi tiếng Mỹ đứng ngoài tiếp khách, mướn thêm hai ba đứa sinh viên trẻ trẻ hầu bàn.” Tôi hùa theo anh bàn tính, lòng tràn ngập niềm vui đầy hứng khởi. Không nói ra nhưng trong đầu tôi còn vẽ thêm hình ảnh cô gái cháu gã đàn ông trong cái nhà hàng tưởng tượng tấp nập thực khách của chúng tôi. Cô đứng sau quầy thu ngân. Trang điểm vào, tóc chải gọn trông cô tươi tắn dễ nhìn chứ không xanh xao u tối như dạo trước. Cô mau mắn bấm máy tính tiền, thi thoảng chạy lại nhắc chừng tôi, giọng trong trẻo ngọt ngào như miếng thạch, “Chú Tuấn ơi, khách đến kìa. Chú cầm thực đơn ra đưa họ vào. Nhanh lên.” Tôi mỉm cười với ý nghĩ này. Đầu óc tôi bềnh bồng khoan khoái không hiểu vì gần ba chai bia tôi uống nãy giờ hay vì ý nghĩ dễ thương đó.
13.
Nhưng anh Tuyên chẳng bao giờ nhìn thấy nhà hàng ăn của anh em chúng tôi khai trương. Anh chẳng bao giờ có cơ hội trổ tài nấu nướng những món ăn đặc biệt do chính anh nghiền ngẫm chế biến bấy lâu. Anh nhắm mắt ra đi thật bất ngờ. (Cuối cùng anh chịu đến văn phòng bác sĩ nhưng nghĩ lại dù Biển Thước hay Hoa Đà tái thế cũng khó cứu anh khỏi cái chết.) Tôi bàng hoàng như kẻ mộng du tỉnh thức nhìn thấy căn nhà mình cháy rụi tự hồi nào không hay.
Đám tang anh chỉ có dăm bạn bè đến tiễn đưa, và cô gái cháu gã đàn ông tên Kiên. Tôi gọi báo tin cho chị vợ anh, với hi vọng chị cho thằng con trai về chịu tang bố, chị nghe qua im lặng chừng ba giây rồi cúp máy, không nói một câu. Những người đưa đám, chẳng ai rơi nước mắt, kể cả tôi. Ngoại trừ cô gái. Cô đi sau quan tài tay cầm khăn thỉnh thoảng chậm lên mắt. Tôi không rõ cô khóc cho anh Tuyên hay cho chú cô, gã đàn ông tên Kiên. Cũng có thể cô khóc cho chính cô.
Xác anh Tuyên được hỏa thiêu. Trong nháy mắt anh trở về cát bụi.
Sách vở lịch sử chẳng có cuốn nào nhắc đến chuyện sinh viên học sinh Sài Gòn xuống đường biểu tình chống ông Diệm hồi đầu thập kỷ 60. Lịch sử chỉ nhắc đến ngày tháng và lãnh tụ. Nhưng cái biến cố cỏn con tầm thường đó là bước ngoặt lớn trong lịch sử đời sống anh Tuyên. Giả như anh không tận tình tham gia các phong trào chống đối chính phủ (có lẽ do người nào xúi dục) lúc đó, chắc hẳn cuộc đời anh đã rẽ vào con đường khác. Tú tài hai anh đậu ưu hay bình như thầy tôi dự đoán. Anh đi Mỹ hay Tây du học. Anh giật bằng Tiến sĩ năm hăm sáu tuổi và trở thành một chuyên gia danh tiếng trên thế giới. Không bao giờ trong cuộc đời anh, anh phải ngắm thật kỹ để đá một cái là “dập hòn dái thằng Mỹ cổ đỏ hung tợn chuyên kỳ thị và ăn hiếp người thiểu số thế cô.” Trong kiếp người của anh như thể có hai đời sống hiện hữu cùng lúc. Một đời sống của riêng anh với tất cả những thèm khát, ước vọng, toan tính, hành động; và một đời sống khác, một đời sống khốc liệt, tàn nhẫn nằm ngoài tất cả mọi khả năng sai khiến của chính anh. Có thể gọi nó là định mệnh, số kiếp hoặc bất cứ mỹ từ nào khác nhưng bản chất nó là cái gì cực kỳ ghê rợn, kinh khiếp. Lúc nào nó cũng chực xô đẩy ta xuống hố lầy của bi thảm.
Căn nhà anh em chung sống mười mấy năm trời tôi treo bảng bán với giá thật hời. Chưa đầy năm hôm có người ngã giá mua ngay. Nhà cửa trong vùng đang lên cơn sốt. Bán nhà có tiền trong tay nhưng tôi không mở nhà hàng ăn.
Ngày mai tôi chất ít quần áo, đồ đạc cần dùng lên xe rồi bỏ nơi này đi về một nơi nào đó thật xa.
Trịnh Y Thư