Mình viết lách từ hồi nào? được bao lâu rồi nhỉ? Mằn mò nghĩ ngợi cho ra, e khó. Tí toáy tập tành, viết lèm nhèm, thì làm sao nhớ được từ năm tháng nào. Viết được ra trò, được cái đáng kể, thì biết cái nào là cái đáng kể mà ấn định lúc bắt đầu?
Vậy hãy phỏng chừng từ độ tuổi đôi mươi đến giờ: Sáu mươi năm. Trong chừng ấy thời gian, được gì nào?
Hai tiếng “được gì” hàm ý chọn lựa. Thế nào là “được.” Thế nào là chưa “được.” Khó thay. Tự nó, cái viết có giá trị gì, có tầm quan trọng nào chăng? Cũng khó nói quyết.
Viết, đại khái có cái sáng tác, cái suy tưởng. Sáng tác, như thơ, truyện, tùy bút thuộc về một phía. Còn suy tưởng, tra cứu, biên khảo, thuộc phía khác. Một bên là nghệ thuật, một bên là học thuật; nên tách riêng mà nói.
Đồ dùng và đồ chơi
Chuyện sáng tác có gì đáng nói? Hồi nhỏ, tự dưng náo nức viết; rồi theo đà cứ viết hoài. Đó không phải là lý do chính đáng làm cho cái viết thành quan trọng.
Phàm đồ làm ra, xét về mục đích sản xuất, có một thứ là đồ dùng, một thứ là đồ chơi. Cái có công dụng gọi là đồ dùng; dù nhỏ bé như cái kim, sợi chỉ, như cái tăm xỉa răng, cái que ráy tai v.v... đều là đồ dùng. Còn những cái làm ra không có sở dụng thực tế, chẳng hạn con diều giấy, thì dẫu có to lớn bằng cái nong cũng gọi là đồ chơi. Đồ dùng thô sơ như cái búa, cái gối, cái đòn ngồi, vẫn là đồ dùng. Đồ chơi thì tinh xảo như chiếc phi cơ, gắn cục pin vào có thể bay tít lên cao cũng gọi đồ chơi thôi. Đồ dùng thì một viên thuốc nhỏ bằng hạt tiêu, đen sì, nằm lăn lóc, vẫn là để dùng một cách thận trọng. Còn đồ chơi thì dù cái pháo đốt kêu ầm ĩ, cây pháo bông tỏa sáng huy hoàng cả một góc trời, cũng đồ chơi thôi.
Tôi e những món thơ thẩn với tùy bút nọ kia đều phải xếp về phía đồ chơi. Những cái mình miệt mài bấy lâu, khi đầu bạc nhìn lại là đồ chơi cả. Không riêng mình, bao nhiêu người miệt mài vẽ tranh, soạn nhạc, hát xướng, bao nhiêu hình vẽ ở các hang động tiền sử, các tranh dân gian (nào gà lợn, nào đô vật, nào đánh đu), các câu ca dao, hát ví, quan họ... một thời, các món nghệ thuật là cùng chơi thôi.
Nói thế mà dám nói, không phải là liều. Thực ra xưa nay đời vẫn giữ một sự phân biệt như thế. Thế thường vẫn nói: chơi nhạc, chơi đàn, chơi tranh v.v... May cái áo cái quần, đóng đôi giày đôi guốc, là làm; còn tấu lên bản đàn là chơinhạc, treo cái tranh để ngắm thì bảo là chơi tranh v.v... Cách nói ấy thông dụng trong ngôn ngữ dân tộc. Ta nói theo là tiếp tục một truyền thống nhận định.
Vả lại nhận định ấy cũng không riêng phản ảnh trong tiếng nói của ta. Chúng ta không cô đơn, không kỳ quặc. Nói về việc chơi đàn, người Pháp dùng chữ jouer, Anh, Mỹ gọi là play. Tôi tiếc không biết được bao nhiêu ngoại ngữ; giả sử có thể kiểm tra tiếng nói mọi giống người, không chừng còn nhiều gặp gỡ.
Ở nước láng giềng của ta, người Tàu liệt bốn món đàn hát, đánh cờ, làm thơ (!), với vẽ tranh (cầm, kỳ, thi, họa) vào loại món chơi cả. Thi hào Nguyễn Du của ta nhân đó tỏ thái độ minh bạch: đưa thẳng cái đàn địch vào cuộc truy hoan:
“Khi hương sớm khi trà trưa
Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn
Miệt mài trong cuộc truy hoan.”
(Truyện Kiều, câu 1295-1298)
Cụ liệt trò chơi đàn ngang hàng với trò chơi rượu:
“Chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi
Rằng hoa nô đủ mọi tài
Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe.”
(Câu 1848-1950)
Trò chơi ấy, cụ Nguyễn để Kiều xếp vào hạng nghề mọn. Nghề mọn ấy được đánh giá phũ phàng. “Sá chi”
“Thưa rằng tiện kỹ sá chi,
Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng.” (Câu 465-466)
Mặt khác cũng nên để ý rằng cách nói ấy không bao trùm khắp các bộ môn nghệ thuật. Ta không nói: Thạch Lam giỏi chơi truyện ngắn, Hồ Biểu Chánh thường chơi món truyện dài, Nguyễn Tuân lại sành chơi tùy bút v.v... Nói chơi đàn mà không nói chơi truyện. Truyện được nể nang, có lẽ vì xưa kia nó từng mang sứ mệnh dạy dỗ. Những truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện truyền kỳ, truyện huyền thoại, chuyện hăm bốn gương hiếu thảo, chuyện trăm trứng... ở ta, ở bên Tàu, bên Tây... thảy đều phục vụ, xây dựng tinh thần, đạo đức, đều vì hảo ý cả, đâu phải... chơi!
Mãi đến thời Đồ Chiểu gần đây, kể truyện Lục Vân Tiên cụ còn lớn tiếng hăm he: “Ai ơi lẳng lặng mà nghe.” Cụ trịnh trọng vì cụ đang dùng truyện để dạy đạo làm người: trai phải trung phải hiếu, gái phải giữ tiết nghĩa. Xưa trong truyện thường có bên lành bên dữ, bên thiện bên ác, bên trung bên nịnh, bên tốt bên xấu; truyện đặt ra có dụng ý tốt, không ai dám “chơi truyện.” Sau này đám hậu sinh nảy ra nhiều quan niệm mới về truyện, về tiểu thuyết, mạnh tay vất bỏ chủ đích phục vụ, nhưng không can thiệp được vào cái ngôn ngữ đã thành hình muôn đời của dân tộc, cho nên chúng ta tiếp tục nói chơi đàn mà không nói chơitruyện. Sự thể có vậy chăng?
Có chơi và chơi
Thực ra, không phải cái chơi nào cũng giống cái chơi nào.
Khi Gustave Flaubert cho xuất bản cuốn Madame Bovary, Sainte-Beuve kêu là sách thiếu hẳn cái tốt, không một nhân vật nào đưa ra được khía cạnh đẹp đẽ có thể đem lại cho người đọc sự thoải mái. Sau đó George Sand còn viết thư phiền trách Flaubert tại sao toàn chỉ trích, chê bai, toàn làm cho độc giả nản lòng mà không nghĩ tới việc an ủi những kẻ đọc mình? Gustave Flaubert trả lời: ông chưa bao giờ có ý muốn chỉ trích muốn chê bai gì cả, ông không viết để nêu lên một sự phán đoán nào cả. Ông chỉ có một ý định thiết tha: “Tôi lúc nào cũng cố gắng đi vào cái hồn của tạo vật...” (Je me suis toujours efforcé d’aller dans l’âme des choses...)
Flaubert khách quan, đứng đắn, nghiêm chỉnh, thành tâm. Ông nói vậy, ta nên tin vậy... Nhưng quả tình khó tưởng tượng ra cái cảnh một ông Flaubert lò mò rình rập, nén hơi, chờ cơ hội nhảy xổ ra vồ được, tóm được quả tang cái linh hồn tạo vật hớ hênh nào đó. E rằng cái linh hồn tạo vật mà ông bắt được cũng chỉ là cái ông cảm thông được qua tâm hồn của chính ông thôi.
Đời sau có truyền tụng một câu của Flaubert: “Bà Bovary, chính là tôi.” (Madame Bovary, c’est moi). Câu ấy hoặc do Flaubert viết ra đâu đấy, hoặc chỉ do bà Amélie Bosquet nghe nói rồi thuật lại, thì cái nhân vật Bovary trong cuốn truyện cũng vẫn mang ở tính tình, ở cảm xúc, ở tâm sự bà phần đóng góp lớn lao của Flaubert. Ông đã bảo mình đi vào hồn tạo vật thì tâm hồn của nhân vật nào lại không có ông xâm nhập?
Bà huyện Thanh Quan qua đèo Ngang dừng chân ngắm nghía, thấy:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.”
Giả sử có vị quan lớn nào đó do vua Quang Trung phái ra trấn nhậm ngoài Bắc chẳng hạn. Vị quan người miền Nam vẫn tưởng tượng một cảnh đìu hiu hiểm trở; lần đầu đến đèo Ngang trông thấy chợ búa họp bên sông, thấy tiều phu ngư phủ làm ăn sinh sống an lành dưới thời thịnh trị, sau cuộc bình định của nhà Tây Sơn. Quan ông vung bút đề thơ:
“Lăng xăng dưới núi tiều hồ hởi
Xúm xít bên sông chợ nhộn nhàng.”
Cảnh vẫn cảnh ấy, bà kia ông nọ bắt gặp hai cái hồn khác hoắc. Hồn tạo vật được cảm thông như thế chăng? E rằng cả ông lẫn bà đều lấy cái hồn riêng của mình đem trùm lên, phủ lên sự vật.
Trò chơi gởi hồn vào sự vật không riêng của giới cầm bút; thực ra trong các giới ca nhạc, giới hội họa, giới điêu khắc, các giới cầm búa, cầm kèn, cầm cọ, cầm đục v.v..., ở đâu cũng có chuyện ấy. Kẻ gửi trao hồn mình cho con sông Danube xanh, người chụp hồn mình lên nụ cười mơ hồ của một người đẹp bí ẩn, kẻ nhúi hồn mình vào triết nhân trần trụi ngồi trầm tư, người thổi hồn mình vào lũ tôm tung tăng trong nước, vào tiếng sáo đêm khuya, vào giọt mưa rả rích suốt canh trường..., gửi vào lời thơ, tiếng nhạc, nét vẽ, màu sơn, tượng đồng tượng đá v.v...
Gởi hồn như thế chẳng nhằm sản xuất món đồ vật dùng vào việc gì. Không là đồ dùng, chỉ là đồ chơi. Chơi cho khoái thôi. Cho thỏa thích mê tơi thôi.
Là chơi cả. Nhưng cái chơi này khác cái chơi kia. Đốt cái pháo nổ đùng một tiếng rầm trời, đám trẻ reo cười rồi cho qua. Nghe nhạc sông Danube xanh, ngắm nụ cười bí ẩn La Joconde..., cảm xúc âm ỉ ám ảnh ta, tác động đến tâm tình ta sâu xa. Bài nhạc ấy tồn tại lâu dài, bức họa nọ tồn tại lâu dài, ảnh hưởng bền bỉ, từ thời này qua thời nọ.
Hữu dụng và hữu ích
Vì chỗ khác ấy — mỗi nghệ phẩm mang một chút hồn người, mà đồ dùng thì không có hồn — người làm thứ máy tinh xảo nhất vẫn không ký tên mình vào từng chiếc máy, mà tác giả một câu đối, vài câu lục bát, bốn câu thơ tứ tuyệt... đều có lưu tên dính vào tác phẩm.
Đây không còn là chuyện phân biệt đồ dùng với đồ chơi, mà là đối chiếu khoa học với văn học, kỹ thuật với nghệ thuật. Phát minh khoa học liên hệ đến kiến thức, đến lý trí; sáng tạo nghệ thuật liên hệ đến tâm hồn, đến xúc cảm, đến cá tính, bẩm chất từng người.
Khi nhu cầu xã hội cần đến, khi trình độ kiến thức đạt tới, thì nẩy ra sự phát minh. Lúc bấy giờ, ở nhiều nơi khác nhau, nhiều giống người khác nhau cùng có kẻ phát minh ra cái búa, cái cày, lưỡi dao, cây cuốc... Những món này không có cá tính.
Câu thơ, bản nhạc... liên hệ với từng cá nhân. Vào thời điểm này ở xứ nọ — thời kỳ lãng mạn ở Việt Nam chẳng hạn — Xuân Diệu lãng mạn cách này, Huy Cận lãng mạn lối kia; không có Chế Lan Viên thì không ai nhất thiết lên tiếng khóc thương dân Chàm kiểu ấy, không có Hàn Mạc Tử không ai chơi giữa mùa trăng như Hàn cùng chơi với người chị, không ai rủ rê “em” về chơi thôn Vỹ thiết tha như lời lẽ kiểu cách của Hàn...
Nghệ thuật liên hệ đến tâm hồn, đến xúc cảm. Trong lãnh vực nghệ thuật, mỗi thời mỗi khác, mỗi xứ mỗi khác, mỗi người mỗi khác, mỗi tác phẩm một nét khác nhau. Milan Kundera nói: “Nếu Edison không phát minh ra chiếc bóng điện thì một người khác cũng phát minh ra thôi. Nhưng nếu Laurence Sterne không có cái ý kiến ngông cuồng là viết ra một thứ tiểu thuyết không có chuyện gì xảy ra cả, thì sẽ không có ai thay thế ông mà làm công việc ấy và lịch sử của ngành tiểu thuyết sẽ không giống như ta thấy hiện nay.”[1] Sterne là thế, Kundera cũng vậy, không kém: không có Kundera thì chẳng làm gì có những cuốn hệt như Risibles amours, La vie est ailleursv.v...
Nghệ thuật mật thiết với tâm hồn, với cá nhân, với xã hội, với thời đại, cho nên muốn tìm hiểu về loài người, muốn theo dõi diễn tiến của tâm tư người, các tác phẩm nghệ thuật có phần đóng góp của nó.
Muốn biết hình dạng, kích thước của người đã thay đổi như thế nào từ cổ sơ đến ngày nay, thì những bộ xương, những mảnh xương bắt gặp ở các ngôi cổ mộ cung cấp tài liệu. Muốn biết tâm hồn người mỗi thời mỗi xứ khác nhau thế nào thì hỏi tác phẩm nghệ thuật.
Gửi lại xương cốt hay gửi lại cho hậu thế cái hồn mình trong thơ, nhạc, cùng là đóng góp. Xương cốt với tâm hồn không phải những cái khả dụng. Không ai dùng tâm hồn làm ra cái gì cả. Hồn bất khả dụng, hồn vô sở dụng; nhưng là cái sở cứ. Có thể căn cứ vào nó để hiểu người xưa. Nghệ phẩm là những tài liệu, những chứng tích, chứng liệu. Nghệ phẩm không hữu dụng, nó hữu ích.
A, nghệ thuật!
Nhớ bà Trùng Dương từng có cuốn sách tên Vừa đi vừa ngước nhìn.Tôi không còn nhớ rõ sách ấy viết gì. Đại khái, chỉ nghĩ rằng đi như thế là một cách đi lý thú; vừa đi vừa ngước nhìn, chắc chắn một cái đi hớn hở. Tôi đoán trong suốt mấy chục năm trước đây, lúc bắt đầu cầm bút, tôi cũng hứng chí lắm, như kẻ vừa đi vừa ngước nhìn. Nghĩa là đi cách xun xoe, hớn hở.
Bây giờ, gần cuối đời, nếu còn lích nhích bước, thì phải là vừa đi vừa cúi nhìn. Tức thị một cái đi... thẫn thờ.
Đi thế thì còn đi làm gì cho nó chán mắt thiên hạ? Cho nó khiến thiên hạ ngao ngán?
Kỷ niệm
Nói vậy e là cách nói bạc bẽo. Cổ nhân đóng góp từng bộ xương không để tiếng phàn nàn, mình chưa chắc đã được dự góp khúc xương tâm hồn nào đã chê ỏng chê eo, ra giọng khinh bạc. Làm công việc gì lại chẳng có phía hay phía dở. Bộ viết hoài không gặp lúc khoái sao? không gặp được một kỷ niệm nào đáng ghi nhớ sao?
— Phải. Có. Cuối năm 1998, trên một số báo Văn Học, ở đoạn cuối bài viết của Nguyễn Hưng Quốc, tôi dọc thấy một câu: “Tôi[2]giật mình: hay là... hay là... tại trong lúc viết cuốn Thơ v.v. và v.v..., ngoài việc đọc thơ, các sách lý luận về thơ, tôi còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần các tác phẩm của Võ Phiến? Chả lẽ cái cười cợt của ông nhiễm vào trong tôi lúc nào tôi không biết? Chả lẽ?”
Xin thú thật, tôi khoái quá chừng. Nhưng trong bảy năm, tôi chưa dám nói gì, với ai. Nói, hóa ra khoe: kỳ quá. Chuyện không phải chuyện đáng khoe: Cười cợt thì hay ho gì? Nhiễm cái cười cợt đâu phải vì thấy nó đẹp đẽ mà noi theo? Giả sử ông Nguyễn đọc thấy tôi có tư tưởng cao siêu, có lời văn lộng lẫy mà theo, thì tôi mới nên dè dặt, nín miệng. Đàng này cái ông vô tình nhiễm phải chỉ là cười cợt. Cười cợt: chẳng qua một thái độ, một nét tâm tính, không tốt và có thể cũng không xấu. Có ai cố tình học hỏi bắt chước làm chi một “cái” như thế! Chẳng qua vô tình “nhiễm” phải. “Nhiễm” không có nghĩa noi gương. Cái nhiễm phải, nếu không là cái xấu đã may mắn, đâu phải cái tốt? Còn tôi biết vậy mà lấy làm khoái thích, tất nhiên cũng không do hãnh diện. Thực ra là một cảm thông. Ngấm ngầm, sâu xa.
Nghịch ngợm, ranh mãnh, hay trầm ngâm chững chạc, chẳng qua nết riêng từng người, “trời sinh” ra vậy. Nết trời sinh ẩn trong nét mặt, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, trong phong cách con người. Tất nhiên trong cả phong cách văn chương. Nó có sẵn, chẳng qua có khi tiềm tàng, khi hiển lộ. Kẻ đồng điệu gặp phải, chạm phải, tự dưng đánh thức cái “điệu” ẩn tàng nơi kẻ ấy, nó vùng dậy, phát lộ. Thế thôi. Ông Nguyễn Hưng Quốc, ông ấy đọc rộng bao la, đọc khắp sách vở các nơi mà chưa gặp, tự dưng tình cờ gặp tôi, vô tình chạm phải cái ẩn tật nơi tôi, làm cho ẩn tình nơi ông bật thức giấc...Tôi thích thú biết mấy.
Chuyện đọc sách lang thang mà chạm, mà cọ phải nhau như thế, tôi cũng từng gặp. Tôi cũng nhiễm đây đó cái này cái nọ, sao cho khỏi. Nhưng tôi không có cơ hội thông báo cho người truyền nhiễm. Chuyện ông Nguyễn Hưng Quốc, tôi lấy làm một kỷ niệm lý thú, cái thú đã nín giữ bấy lâu. Đây tưởng là dịp nên tỏ bày sự biết ơn ông về cái thú ấy, nếu không e muộn. Nay mai, sang thế giới khác, mình có muốn nhắn gửi về trần gian bằng e-meo, bằng cách lên lưới lên mạng điều gì, biết có đến không?
Võ Phiến
Quận Cam, tháng 2 – 2006
-------------------------------------
Chú thích:
1 Milan Kundera,Le rideau, Gallimard xuất bản, 2005
2 Tức ôngNguyễn Hưng Quốc