Nhà văn Võ Phiến
1975- Năm đó tôi gặp lại anh thật bất ngờ. Đúng vào cái buổi sáng đầu tiên tôi đặt chân lên đất Mỹ. Chiều hôm trước chúng tôi được chuyển đến một trong bốn trung tâm tiếp cư cho nguời tỵ nạn, trại Indiantown Gap thuộc tiểu bang Pennsylvania. Sáng sau tôi đến Processing Center lập thủ tục nhập trại. Chúng tôi ở barrack số 8. Từ đó đến khu Trung Tâm tôi phải cuốc bộ khá xa, trên một con đường có hàng cây phong thâm thấp trồng rất thẳng hàng. Bên trái là dẫy mess halls một từng nền xi-măng nhô cao mái màu xanh lá cây dùng làm phòng ăn cho dân tỵ nạn. Bên phải là bãi cỏ trống rất rộng hình như là sân banh của trại lính. Tuy là tháng sáu mùa hè nhưng sáng hôm đó trời cũng lành lạnh như đã vào thu. Khi đi qua cánh đồng cỏ trống tôi hít thở không khí của nước Mỹ và cảm thấy không khí nhẹ tênh. Một con sóc từ trên đùm lá phong thoăn thoắt đổ dọc thân cây, chạy băng mặt đường. Một con khác đứng cạnh thùng rác của barrack, nó đứng thẳng trên hai chân sau đang gậm nhấm thức ăn bằng hai chân trước, đôi mắt lơ láo nhìn tôi thách đố. Hồi đó tôi không quen thấy cái dạn dĩ của những con thú hoang nên rất đỗi ngạc nhiên.
Làm xong thủ tục tôi đi lơ ngơ trong khu Trung Tâm nơi được xem là “downtown” của trại Indiantown Gap. Ở đây người tỵ nạn đông vô kể. Đông nhưng lại không ồn. Cố nhiên. Vui nhộn sao được những ngày tan tác ấy. Từng đám từng đám thầm lặng đứng xếp hàng. Đâu đâu cũng thấy xếp hàng. Tôi cũng tấp vào một đám đứng xếp không cần biết cái hàng này nó dẫn mình đến đâu. Nửa giờ sau khi đã lọt vào trong phòng tôi mới biết đó là nơi phát chẩn quần áo cũ. Mỗi người được chọn hai bộ. Tôi bước vào cái kho tôi tối dành cho đàn ông. Quần áo được móc tươm tất trên những giá cao đặt song song, giữa là lối hẹp người đi phải lách vai để tránh nhau. Tôi chọn cái sơ-mi ướm thử vào người. Không chắc ăn tôi lại đưa thẳng hai cánh tay ra trước căng cái áo ra ngắm nghía, vô tình tôi bước thụt lùi đụng mạnh vào đít một người đàn ông, chắc cũng đang lui cui thử áo như tôi. Tôi quay hẳn người lại tính nói xin lỗi. Bỗng tôi kêu lên sửng sốt: “Trời! Anh Võ Phiến...”
1958- Bút danh Võ Phiến tôi nghe đầu tiên từ cửa miệng thầy giáo tôi. Trong một chuyến du ngoạn ở Tây Ninh mười bẩy năm trước đó. Năm ấy tôi học lớp Đệ Tứ trường trung học Chu Văn An Sài Gòn. Cái tuổi còn mộng mơ. Giờ học tôi thường lơ đãng nhìn ngoài cửa sổ có cây phượng đại thụ thòng xuống chi chít những quả đen dài queo quắt. Nhưng vị thầy trẻ tuổi dậy môn Việt văn của chúng tôi lại cứ bắt tôi về với thực tế. Thực tế lại không hay ho gì lắm. Những ngày nóng bức từ nhà xí sát cạnh lớp một mùi khai khai thoảng nhẹ qua hoà vào những lời giảng thơ văn của thầy. Biết tôi là con một nhà văn tên tuổi, thầy cứ chắc mẩm là tôi phải xuất sắc về môn học của mình. Thầy không để tôi yên. Bình giải thơ Nguyễn Công Trứ xong thầy cho chúng tôi 20 phút viết phần dẫn nhập bài luận đề, thầy nói là sau đó thầy sẽ kêu tên một hai trò trong lớp đọc to cho cả lớp nghe và cho điểm. Nói xong thầy liếc xéo về phía tôi. Tự nhiên tôi có linh cảm chắc chắn thầy sẽ kêu tên mình. Thế là trong lúc hai thằng bạn ngồi cùng bàn Đỗ Diễn Nhi và Tạ Huy Sáng đánh cờ ca-rô thoải mái thì tôi hốt hoảng nặn bút viết. Mà viết phải cho hay để khỏi mất mặt ông cụ! Tôi nhớ là mình mới đọc có dăm câu: “Ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang trong nền thi giới nước ta...” tức thì ở dưới “đám nhà lá” đã có tiếng trầm trồ khen hay! Cái đám vờ vĩnh đó chúng khen xúi tôi để lần tới thầy lại tiếp tục gọi tên tôi nữa.
Cuối niên học, thầy Việt văn của chúng tôi hướng dẫn lớp Đệ Tứ B đi du ngoạn Tây Ninh. Chúng tôi lên đầy một xe buýt. Đến Tây Ninh chúng tôi leo núi Bà Đen và thăm thánh thất Cao Đài. Đó là chuyến du ngoạn duy nhất trong đời học sinh của tôi. Ngày hôm ấy theo lịch trình thì xe buýt phải quay lại đón chúng tôi lúc hai giờ trưa để về Sài Gòn nhưng không biết sao đến ba giờ cũng chưa thấy xe tới. Buổi trưa trời hè nóng gay gắt. Tôi mệt đừ ngồi bệt xuống vỉa hè đường dưới bóng mát hiếm hoi của hàng cây sao cao vút . Trên một khúc đường rộng đâm vào tòa thánh thất mấy chục học sinh với đồng phục quần xanh áo trắng đứng ngồi tản mạn từng đám. Bỗng thầy Việt văn lại gần, thầy ngồi xổm nói chuyện với tôi. Chúng tôi nói về sinh hoạt văn nghệ. Hồi đó ông cụ tôi đang chủ trương nguyệt san Văn Hóa Ngày Nay. Trong câu chuyện thầy vụt hỏi tôi: “Em đã đọc Đêm Mưa Cuối Năm chưa?” Tôi trả lời thầy là tôi chưa đọc. Thầy nói: “Em nên tìm đọc. Võ Phiến viết hay lắm!” Võ Phiến? Cái tên lạ hoắc!
1975- Anh cũng sững sờ nhìn tôi lắp bắp: “Trời! Anh...Anh...” Chúng tôi bàng hoàng nhìn nhau không thể tưởng tượng gặp lại nhau trong cảnh huống này. Tôi chưa kịp hỏi thăm anh đã hỏi về hoàn cảnh tôi. Tôi nói là vợ con tôi đã đi trước bằng máy bay của cơ quan DAO. Còn chúng tôi, bốn quân nhân mà vợ con đã cùng nhau đi trước, đến sáng ngày 30 tháng 4 mới thoát ra nhà Bè lên tàu trong đường tơ kẽ tóc. Chúng tôi lạc vợ con cả tháng trời và gần đây mới biết là vợ con tất cả đang ở trại Pendleton, California. Còn anh anh cho biết là anh chị đi bằng đường máy bay cùng với người con gái út và anh chị có đứa con trai thứ ba đang du học ở bên Úc.
Thấy nói chuyện lâu trong phòng chật chội không tiện tôi rủ anh chốc nữa vào câu lạc bộ trong khu Trung Tâm uống nước. Chúng tôi tiếp tục lựa quần áo. Có tiếng anh than thở ở sau lưng: “Người mình nhỏ thó khó lựa quần áo quá! Được cái sơ-mi màu ưng ý thì lại rộng thùng thình. Cái áo nào vừa vặn thì màu sắc chim cò trông kỳ cục quá! Quần cái nào bụng vừa thì lại ngắn cũn ...” Tôi đáp: “Anh còn đỡ hơi tôi. Anh còn có chiều cao.”
Vào câu lạc bộ chúng tôi ngồi vào một bàn trống. Không có ai bán cà-phê ở đây. Ở góc câu lạc bộ có mấy cái máy bán nước ngọt có vẽ cái chai Coca Cola. Nhìn cái máy “hiện đại” quá tôi không biết xử dụng thế nào nên chúng tôi đành nói chuyện xuông. Tôi nói với anh: “Anh biết không. Ngày chót ở Sài Gòn tôi tình cờ gặp Trần Phong Giao. Trên đường Trương Quốc Dung gần phi trường Tân Sơn Nhất. Thấy tôi anh quặt xe mô-bi-lét, nói với tôi gần như hốt hoảng: “Viên Linh đi rồi! Tôi thấy hắn ở phi trường.” – “Thế hả?” Anh chồm tới, có vẻ lưu tâm. Tôi tiếp tục: “Lúc đó tôi vội vã quá! Vợ con chúng tôi đã lên máy bay rồi mà bốn chúng tôi còn ở lại. Lúc đó tôi chỉ có đúng 15 phút để về nhà từ biệt bà cụ. Tội nghiệp bà. Ông anh cả tôi từ bên Pháp đã gửi vé máy bay Air France cho bà cụ. Chuyến máy bay ngày Hai tháng Năm. Không kịp rồi. Bà cụ sợ. Nội cái tên bà Nguyễn Tường Tam...”
Nói đến đây tôi thấy trong mắt anh Võ Phiến lóe như có một làn điện giật. Tự nhiên người anh như bừng dậy. Anh rối rít. Tôi hiểu ra. Té ra sau nửa giờ nói chuyện với anh anh vẫn chưa nhận ra tôi là ai. Là một người tế nhị anh không để hé lộ ra là anh không nhớ. Tôi sực nghĩ ra là từ lúc gặp anh mặc dù vồn vã anh ít nói hơn tôi và những câu thăm hỏi của anh chỉ có tính cách chung chung. Chắc hẳn là trước đó anh thấy tôi quen quen. Chắc hẳn là khi tôi nhắc đến Trần Phong Giao thì anh cũng đoán là giữa anh và tôi có tương quan văn nghệ. Nhưng anh không nhớ đích xác. Cho đến lúc cái tên của ông cụ được bật ra. Mà anh không nhớ cũng phải thôi. Trước đó tôi chỉ gặp anh có hai lần, hai lần đó cũng đã xa rồi. Còn tôi tôi nhớ ra anh ngay cũng không gì lạ. Bởi vì tôi mê văn anh đã từ lâu, lâu lắm. Phải nói một cách thành thực là hồi đó tôi mê đọc văn anh còn hơn là tôi đọc văn của chính ông cụ tôi. Bởi vì văn anh gần gũi với tôi hơn. Anh có cái nhìn sâu sắc của Nhất Linh, nhưng là một Nhất Linh nhìn vào đời thường của cái không gian chúng tôi đang sống.
Lúc đó cả anh và tôi đều không thể có bất cứ một dự tính gì về tương lai. Ngay cả một nơi để định cư cũng không biết chắc được. Nhưng chúng tôi đều biết là thế nào cũng phải liên lạc với nhau. Anh cho tôi địa chỉ người con của anh ở bên Úc. Tôi cho anh địa chỉ của ông anh tôi ở bên Pháp. Rồi chúng tôi chia tay.
1959- Có tiếng chân bước lên cầu thang. Tôi đang ngồi học bài trên lầu hai chung cư chợ An Đông Sài Gòn. Đó là bước chân ông cụ. Bao nhiêu năm sống chung trong căn phòng hẹp ấy chúng tôi có thể phân biệt tiếng bước chân của từng người lên lầu. Năm đó tôi bỏ trường Chu Văn An để học nhẩy lên lớp Đệ Nhị ở trường tư thục Hoàng Việt đường Phan Đình Phùng, trường này vừa xây xong mới được khánh thành. Ông cụ đặt cái cặp da xuống sàn, ông ngồi xuống cái ghế vải quen thuộc của ông (Chính trên cái ghế này bốn năm sau ông uống liều thuốc ngủ Belladénal kết liễu đời mình). Tôi đưa ông xem cái tờ quảng cáo của trường Hoàng Việt. Tờ quảng cáo nêu rõ ông là Cố Vấn của trường. Tôi ngợ là người ta lạm dụng tên tuổi ông. Ông hỏi tôi những ai trong ban sáng lập trường. Tôi đọc nhiều tên. Có Trần Bích Lan, có Trần Văn Tuyên, có LM Hoàng Quỳnh... Và nhiều người nữa. Ông không nói gì.
Tranh của Nhất Linh vẽ ngày 14 tháng 12, 1958
Ông cụ mở bia uống. Bière Larue đầu cọp. Ông châm điếu Bastos xanh. Trông ông mệt nhọc nhưng thoải mái. Tôi với cuốn truyện mỏng tang trên kệ sách đưa ông rồi nói: “Con đọc rồi. Hay lắm!” Ông cụ bỏ cuốn truyện vào trong cặp da, cái cặp mà lúc nào ông cũng tha đi theo người, trong cặp có nhiều cuốn sách truyện và những tài liệu lỉnh kỉnh. Thời gian này ông đang cố viết cho xong tập biên khảo: “Viết và Đọc Tiểu Thuyết.” Cuốn truyện mỏng kia tôi vừa đưa trả ông cũng được lôi ra từ cái cặp ấy vào tuần lễ trước.
Ông cụ tôi về nhà rất thất thường. Ông làm việc say mê và thường ngủ lại ở toà báo. Thảng hoặc ghé nhà ông thường hỏi việc học hành của tôi và đôi lúc, như tuần trước, ông và tôi bàn chuyện văn nghệ. Cũng hiếm thôi. Mặc dù hồi đó tôi có viết ít truyện ngắn đưa ông xem và ông rất thích nhưng ông không hề có ý khuyến khích con cái đi vào con đường của ông. Dù là đường chính trị hay văn nghệ. Ông cụ cho con cái tự do tuyệt đối trong việc lựa chọn đời mình. Mặt khác ông cụ nhìn người rất tinh. Đó là biệt tài của ông. Năm ngày trước khi chết ông đến nhà in Trường Sơn đánh máy tờ Ủy Quyền: “Tôi, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, giám đốc nhà xuất bản Phượng Giang và Đời Nay, ký tên dưới đây xác nhận rằng: trong khi tôi vắng mặt (bất cứ vì lý do gì) thì con tôi là Nguyễn Tường Thiết sẽ thay thế tôi điều khiển hai nhà xuất bản kể trên và quyết định việc xuất bản các tác phẩm của tôi. Làm tại Sài Gòn ngày 2 tháng 7 năm 1963.” Suốt 40 năm qua sáu chữ trong dấu ngoặc đơn ám ảnh tôi... nó ám ảnh tôi quay quắt.
Trong câu chuyện nhân bàn về các nhà văn ở miền Nam và sực nhớ tới lời thầy Việt văn ở Tây Ninh tôi nói: “Cậu phải đọc Võ Phiến. Hay lắm!” Tôi nói càn như vậy chứ thực sự lúc ấy tôi cũng chưa đọc truyện của ông ta. Không ngờ ông cụ lại nhìn sâu vào tôi hỏi lại: “Con đã đọc chưa?” Tôi nói chưa đọc nhưng nghe nói là hay. Ông mở cặp da lấy ra hai tập sách mỏng. Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan và Mưa Đêm Cuối Năm của Võ Phiến. Đưa tôi cuốn sau, ông nói: “Con đọc thử xem. Viết được lắm!”
Tôi có một tuần để đọc. Lần đầu tiên tôi làm quen với dòng văn của anh. Nhưng phải thú thực là tôi bị chia trí hơi nhiều. Bởi trong lúc đọc văn anh tôi có lẫn cái nhìn của ông cụ. Cầm cuốn sách mỏng trên tay - Mưa Đêm Cuối Năm của Võ Phiến do cơ sở Tự Do xuất bản - tôi lật từng tờ, từng tờ chi chít những ghi chú những lời bình phẩm của ông cụ. Nét chữ nhỏ nhít của ông gần như chiếm hết lề sách. Ở chỗ này ông phê: “Nhận xét rất sắc!” Ở trang nọ ông phết: “Hay lắm!” Chỗ này: “Đoạn này nên thêm chi tiết. Sẽ hay hơn!” Chỗ kia: “Văn cầu kỳ. Lập dị.” Chỗ khác: “Lại lập dị...” Tôi không ngờ ông cụ tôi đọc kỹ thế!
2003- Bốn mươi bốn năm sau vào một ngày cuối năm Ngọ vợ chồng chúng tôi đến Los Angeles thăm anh chị Võ Phiến. Trước khi đi chúng tôi ghé khu Bolsa. Nhà tôi lựa một bó hoa phong lan màu nghệ rất lạ và đẹp làm quà biếu anh chị. Hoa lan vốn là loài hoa tiên cảnh của ông cụ. Trên xa lộ đến nhà anh tôi cứ bị ám ảnh bởi một món quà khác và cứ tiếc mãi phải chi tôi có trong tay để tặng anh. Hẳn là anh sẽ xúc động xiết bao! Đó là cuốn sách của anh với chi chít những hàng chữ chăm chút của ông cụ. Trong cái tiếc của tôi còn có lẫn một chút hận mình, một chút xót xa. Bởi vì chính tôi đã cầm nó trên tay, vào cái ngày cuối hãi hùng 29 tháng 4 năm 1975 ấy, tính bỏ chung vào cái bao nylon cùng với bản thảo cuốn Xóm Cầu Mới và Giòng Sông Thanh Thủy để đem đi, nghĩ sao tôi lại bỏ xuống.
1973- Lần đầu tiên tôi gặp anh tính đến nay đã vừa đúng ba thập niên. Năm đó tôi phụ trách nhà xuất bản Phượng Giang. Cuốn sách đầu tiên là cuốn Xóm Cầu Mới của ông cụ. Cầm cuốn sách nguyên tinh mới ra lò, tôi nghĩ ngay đến việc tìm anh để tặng sách. Hồi đó sáchVõ Phiến tôi đều đọc nhẵn, ngay cả cuốn truyện dài Về Đâu của anh đăng từng kỳ trên báo Bách Khoa tôi cũng theo dõi không bỏ sót một số nào. Nhưng tôi vẫn chưa có cơ hội gặp anh, một nhà văn lúc này đã nổi tiếng và cũng là người tôi hâm mộ. Buổi sáng ấy tôi lái xe gắn máy đến Bộ Thông Tin đường Phan Đình Phùng nơi anh làm việc. Hình như anh làm Sở Kiểm Duyệt hay Điện Ảnh gì đó. Tôi nhớ là mình lên lầu, đi vòng một cái hành lang, văn phòng anh ở mé phải. Tôi gõ cửa. Gặp anh tôi hơi khớp. Không phải theo cái nghĩa một độc giả lần đầu được gặp người mình ái mộ đâu. Lúc đó óc tôi thấm đầy những nhân vật của anh. Tôi sợ bị anh nhìn tôi hệt như anh nhìn các nhân vật trong truyện của anh vậy. Anh tinh quá đi! Nhân vật nào trong cái nhìn sắc nét của anh cũng như bị lột truồng ra, cũng lộ những chỗ hớ hênh!
Tôi yên tâm ngay khi nói chuyện với anh. Mặc dù anh hơn tôi những 15 tuổi nhưng anh xem tôi ngang hàng. Chúng tôi xưng hô anh tôi trong tình văn nghệ thân mật thoải mái. Mới bước vào nghề xuất bản, tôi có rất nhiều câu hỏi về tình hình sách truyện trong nước cũng như kinh nghiệm ngành xuất bản của anh. Tôi đã không học được một chút gì kinh nghiệm từ ông cụ, bởi lẽ mười năm trước đó khi ông mất tôi mới là một sinh viên khoa học không hề nghĩ một ngày nào đó mình sẽ đi vào ngành sách. Gặp anh tôi thấy Võ Phiến con người cũng y như văn phong anh. Chừng mực, điềm đạm, tế nhị có phần hơi quá nhã nhặn, lễ độ nữa. Tôi chỉ không thấy được ở anh lúc ấy cái duyên thầm nó thể hiện rất tự nhiên trong văn anh, nó bật lên ngay cả trong cách anh xử dụng ngôn từ. Còn về sự tinh tế của anh thì hôm đó tôi được dịp nhìn thấy. Sau khi nói chuyện khá lâu tôi sực nhớ là anh đang làm việc và tôi đã lấy thì giờ của anh lâu quá. Tôi ngừng lại, tính xin cáo từ. Hai cánh tay anh đặt trên bàn giấy. Tôi thấy anh nhìn thoáng vào cổ tay trái của mình có đeo đồng hồ tay. Rất nhanh, dường như sợ tôi hiểu cái nhìn đó như một cách nhắc nhở khách, anh chăm chú nhìn vào cổ tay ấy lâu hơn rồi anh đưa ngón trỏ bàn tay phải búng một vết bụi gần khuy manchette trên chiếc tay áo trắng tinh.
Cầm trên tay bộ truyện Xóm Cầu Mới anh tiễn tôi ra tận ngoài hành lang. Trên đường về vương lại trong tôi giọng nói của anh, giọng đặc biệt địa phương của người miền Bình Định. Nó lạ tai với tôi bởi vì hồi đó giọng miền Trung tôi chỉ quen nghe giọng Huế thảng hoặc giọng Quảng thôi. Thấm cái giọng nói của anh, tự nhiên - như thể cái giỏ cua đồng của chị Bốn Thôi hễ động mạnh thì những con cua trong giỏ cựa mình kêu rạo rạo - những nhân vật trong truyện Võ Phiến, ông Ba Thê, anh Bốn Thôi, ông Bốn Tản, chị Bốn Chìa Vôi, bà Hai Hồ, anh Ba Càng Cua... nay cũng trở mình trong tôi kêu lên, gọi nhau rối rít bằng cái giọng đặc biệt của miền đất khô mặn ấy, chúng mới linh hoạt làm sao!
Hai hôm sau, trước sự ngạc nhiên của tôi, anh Võ Phiến đến thăm tôi ở chợ An Đông. Anh đến vào buổi tối, chắc là theo địa chỉ nhà xuất bản Phượng Giang tôi ghi sau cuốn sách Xóm Cầu Mới. Cuốn sách đó tôi đã đem biếu đôi ba chục người. Anh là người duy nhất đã tìm đến tôi trả lễ và để tặng tôi cuốn sách anh mới ra, cuốn tùy bút Đất Nước Quê Hương. Sự ân cần đối với một người kém xa tuổi anh mà tôi tưởng rằng chỉ có nơi ông cụ tôi khiến tôi rất cảm động.
Ông bà Võ Phiến
1976- Hôm đó nhân rạp hát gần nhà có chiếu phim cũ Cuốn Theo Chiều Gió ấn bản mới vợ chồng tôi kéo đi xem, nhân thể cho biết mặt mũi rạp xi-nê ở nước Mỹ ra sao. Hồi còn ở Sài Gòn chúng tôi mê xem xi-nê lắm. Rạp Rex, rạp Eden, rạp Vĩnh Lợi, rạp Đại Nam... Lần nào cũng thế hết phim ra khỏi rạp là cảnh vật bên Mỹ đứt rụp, đối diện ngay với thực tại là cái trưa hè nắng chói chang, cái bùng binh Sài Gòn đông ngụt người. Lần này ra khỏi rạp, đứng trên thềm cao đảo mắt tìm chiếc xe hơi của mình đậu trong khu parking vắng hoe của Lakewood Mall, thốt nhiên tôi lặng người. Thoáng cái tôi không biết là mình đang ở Mỹ vừa đi ra khỏi rạp xi-nê hay là tôi đang ở Việt Nam vừa bước vào trong rạp! Cứ như thế... như thế... năm đầu tiên của tôi ở Mỹ đời sống trôi đi mơ màng như không thực. Đầy những khắc giây những giấc mơ Trang Tử thời đại!
Tôi viết thư cho anh. Hồi đó cả anh và chúng tôi đều chọn miền cực bắc nước Mỹ để định cư. Nhiều bức thư bay qua lại giữa hai tiểu bang lạnh lẽo Minnesota và Washington. Anh trả lời tôi ngay. Bức thư anh mào đầu bằng một lời gọi: “Anh Thiết ơi!” nghe như vọng từ vùng quê hương xa lắc... “Đấy anh xem! Anh là người của thành phố đã quen lối sống thị tứ mà còn thấy ngỡ ngàng. Huống hồ chúng tôi...” Tôi hiểu anh muốn nói gì. Trước kia những nhân vật trong truyện của anh - hay chính anh - đã từng ngỡ ngàng lạc lõng ngay trong lòng quê hương mình, ngay trong lòng thủ đô Sài Gòn. Từ Gò Vấp, từ Hoà Hưng vọng về Bình Định, về Quy Nhơn... những cánh Thư Nhà... lại Thư Nhà...
Tôi mường tượng anh đứng ở giữa cái Mall ấy, ngơ ngác...
Năm đầu định cư tôi vớ được nhà thơ Xuân Hiến, ở cùng thành phố. Kể cho anh Hiến nghe về cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh ở trại Pennsylvania, anh Hiến mừng quá rối rít xin tôi địa chỉ anh. Hóa ra hai anh Xuân Hiến, Võ Phiến đã biết đã thân nhau từ lâu, hồi còn làm tờ Bách Khoa.
Anh Võ Phiến ơi! Để tôi kể anh nghe đôi chút kỷ niệm với người bạn văn đã khuất bóng của anh. Tính anh Xuân Hiến xuề xòa lắm, anh đã biết. Năm ấy anh khoe với tôi anh bắt được cái job hay lắm. Anh làm janitor cho một trường đại học cộng đồng, “ca” đêm. Ban ngày anh ngủ, tối anh đi làm. Giờ Mỹ và giờ Việt Nam như đêm với ngày. Anh tâm tình với tôi, cảm động: “Mình ngủ với quê hương, mình thức với quê hương.”
Hồi đó tôi mê đi câu cá lắm. Đến bây giờ vẫn còn mê. Tôi nói với anh Hiến là giá tôi mê viết như tôi mê câu thì chắc là tôi cũng sẽ thành văn sĩ le lói như ai. Một hôm nọ tôi mới mào chuyện đi câu với anh thì chị Xuân Hiến đã đâm bổ vào, chị xoắn xuýt. Thế là tôi có ngay một người bạn câu mới, còn mê câu hơn cả tôi. Một bữa đứng câu với chị ở chân cầu Purdy, câu đã nửa ngày trời mà chả được con nào, tôi nghỉ tay. Từ thành phố Tacoma đến Purdy cũng xa lắm đến 20 dặm. Từ sáng sớm thấy chị đi câu có một mình tôi cứ đinh ninh chị lái xe lấy. Không ngờ thấy tôi nghỉ, chị nói, tỉnh khô: “Anh Hiến chở tôi đi, anh ấy ở trong xe, chỗ parking ấy!” Tôi giật bắn người: “Trời! Chị để anh ấy chờ những bốn tiếng đồng hồ trên xe... Sao chị ...” – “Anh đừng lo cho anh Hiến. Giờ này là giờ ngủ của ảnh!” Tôi chạy bổ lên trên cầu đến parking tìm anh. Thấy tôi anh mừng lắm. Trông anh không có vẻ gì là người mới ngủ dậy, anh tỉnh táo, mặt tươi rói. Vừa mở cửa xe anh vừa giơ cao một xấp giấy: “Tôi vừa mới viết xong được một truyện ngắn! Thú lắm! Đang nghĩ đến chuyện gặp ai để khoe, thì may quá gặp anh! Chúng mình tìm chỗ nào ngồi tôi đọc anh nghe!” Trông anh sung sướng thấy rõ. Mấy tiếng đồng hồ ngồi trên xe cầm bút hạnh phúc của anh cũng phơi phới ngang ngửa với chị Hiến cầm cần câu dưới chân cầu. Chúng tôi đi kiếm chỗ ngồi trên ghềnh đá, nhìn ra vịnh Puget Sound. Trời trong vắt. Những con chim hải âu bay lượn vui nhộn trông cũng rạo rực như anh Xuân Hiến. “Đây tôi đọc anh nghe. Truyện có cái tựa Cái Sọt Rác.” Gió thổi từ vịnh ùa vào lật phật mấy tờ giấy anh cầm. Vừa căng giấy anh vừa đọc tôi nghe. Lẫn trong truyện anh kể tôi nghe có tiếng kêu chíu chíu của bầy hải âu bay là trên đầu, tiếng sóng đập vào ghềnh đá rồi rút ra choàng vào chúng tôi những bụi nước mặn li ti. Đêm đêm, một mình, anh Xuân Hiến sống trong thế giới câm lặng của đồ vật trong những văn phòng trống vắng của trường đại học ấy. Công việc quét dọn quá nhàn nhã, mất chừng hai giờ cho một việc trả lương tám tiếng. Khi anh đến chỗ làm, cái sinh hoạt nhộn nhịp của văn phòng đã dứt từ lâu. Khi anh trở về nhà, cái sinh hoạt ấy còn lâu mới bắt đầu. Đêm đêm anh nghe bước chân mình đơn độc trên hành lang, trong văn phòng. Xẹt qua bàn giấy này anh nhấc xem một khung ảnh gia đình. Ghé bàn kia anh phát giác hai ba cái “cấp” cà-phê cái nào đáy cũng đen ghét. Có bàn ngăn nắp có bàn thật bừa đến phát ngợp. Anh tẩn mẩn quan sát dòm ngó đồ vật trên bàn giấy rồi tưởng tượng con người ngồi sau bàn ấy phái tính, trẻ già, tính tình... Còn những cái sọt rác nữa chứ! Chúng tố cáo nhiều thứ lắm. Chuyện công chuyện tư nằm trong đó cả. Một bữa nhẩn nha anh lấy hai ngón tay gắp lên tờ giấy đã vò nhầu mở ra đọc anh khám phá một bức thư tình viết dang dở. Qua sọt rác ấy anh theo dõi mối tình của cô gái trong nhiều tháng... Những bức thư cô viết dang dở nằm trong sọt rác đã đành, ngay cả các bức thư khác tuồng chữ, bức thư hồi âm, cũng cùng chung số phận. Rồi đêm này, tháng nọ trôi qua, cái thế giới ban ngày của văn phòng ấy hiện rõ như chắc nịch trong trí tưởng của anh Xuân Hiến. Cho đến một hôm...
Anh Võ Phiến à, ông cụ tôi ngày xưa đã cầm kéo cắt cái xoẹt khúc đuôi truyện ngắn Đôi Guốc Trắng của nhà văn Nhật Tiến. Truyện này đang trên Văn Hoá Ngày Nay có kết cục bỏ lửng đâm ra hay hay. Tôi cũng bắt chước, ngừng ngang xương Cái Sọt Rác của anh Xuân Hiến ở đây.
1981- Gọi tên bốn mùa. Mùa nào cũng mưa. Đó là tiểu bang xanh chúng tôi ở. Cuối năm ấy anh chị Võ Phiến từ California lên thăm. Sau có hai năm ở Minnesota anh chị đã tìm về miền nắng ấm để định cư. Còn chúng tôi vẫn gắn bó với tiểu bang ủ ê này. Đêm hôm đó trời đổ lạnh. Buổi chiều đã có dấu báo hiệu. Trời âm u mà nhiệt độ hạ thấp. Tối nay tuyết sẽ rơi. Điện thoại reo. Tiếng anh Xuân Hiến: “Lát nữa chúng tôi ghé thăm anh chị. Có anh Võ Phiến lên chơi!” Trước khi cúp, tôi còn nghe ở phông tiếng nói líu ríu của hai chị. Trời! Tôi nghĩ. Anh chị Võ Phiến đã quá hãi cái lạnh, cái tuyết của Minnesota, đã trốn nó từ bốn năm nay. “Cái bang” này thiệt tệ! Không điệu với khách quý của chúng tôi chút nào. Để chữa lại tôi nghĩ ngay đến việc sưởi ấm phòng khách để tiếp anh. Ra ga-ra tôi check mấy khúc củi. Lâu không dùng củi ẩm quá, không khéo đốt không ra lửa mà khói um ra nhà, khóc cả đám! Tôi lái xe ra Safeway gần nhà tha về năm sáu khúc Duraflame. Bảo đảm cháy gọn. Ngọn lửa trong lò sưởi vừa bùng lên thì có tiếng xe hơi đỗ ở ngoài. Anh Xuân Hiến dẫn anh Võ Phiến vào nhà tôi qua ngã ga-ra. Cả hai anh trang bị kỹ lắm, mũ, khăn cổ, áo măng-tô. Tôi nhìn anh Võ Phiến đang phủi tuyết lấm tấm trên áo. Sáu năm không gặp tôi thấy anh mập ra. Anh trả lời: “Mập bịnh đó! Không tốt đâu...” Nhà tôi trách anh Xuân Hiến: “Hai chị đâu? Sao anh không chở hai chị đi luôn!” – “Thì cũng tính đi đó. Nhưng thấy trời sắp tuyết hai bà sợ...”
Hơn hai mươi năm đã qua tôi không nhớ rõ trong hai tiếng đồng hồ ở nhà tôi cái đêm tuyết lất phất rơi đó tôi đã nói những chuyện gì với anh. Tôi mừng là không nhiều. Tôi cứ chạy lăng xăng lo nhóm cái lò sưởi, lo tiếp củi, giữ cho cái ngọn lửa luôn luôn toả hơi nóng tối đa. Lâu lâu tôi góp với hai anh một tí rồi chạy đi. Nhưng một hình ảnh rất đẹp ghi sâu trong ký ức tôi. Hình ảnh đêm đó anh Xuân Hiến và anh ngồi trên cái love seat ấy dưới ánh hồng của lò sưởi đỏ rực mê mải nói chuyện với nhau. Các anh nói chuyện cũ, cái thời báo Bách Khoa đường Phan Đình Phùng của Sài Gòn thuở nào, cái thời không có tôi tham dự.
Sáng hôm sau tôi gọi cho anh Xuân Hiến thì anh cho biết anh chị Võ Phiến đã rời từ sáng sớm. Anh chị đi xe hơi. Đi vội vì đài khí tượng tiên đoán một trận bão tuyết sẽ đến trong ít ngày tới. Anh chị cần phải vượt qua một khúc đèo dài khủng khiếp ở tiểu bang Oregon trước khi cơn bão ập xuống.
Ngày mười tháng chín năm sau anh Xuân Hiến qua đời. Cái chết của anh bình thản đôn hậu như con người anh. Một vài người bạn rủ anh đi chùa Việt Nam ở Seattle. Trong lúc chờ để mạn đàm với Thầy trụ trì, anh ngồi ngủ gục trên ghế xa-lông. Chuyện này rất thường xẩy ra nên tất cả để yên anh ngủ. Không ai biết anh bị stroke. Chở đến nhà thương anh vẫn mê man. Chị Xuân Hiến nhờ tôi thông báo cho các bạn văn của anh dưới Ca-Li. Khi anh Lê Tất Điều bay lên đến nhà thương anh vẫn không tỉnh. Cho đến khi anh ra đi...
Sáu năm sau, tôi nhận được cuốn sách Tùy Bút Võ Phiến do nhà Văn Nghệ xuất bản. Trang đầu có lời đề tặng: “Thân mến gửi anh chị Nguyễn Tường Thiết. Ghi nhớ một đêm ở Tacoma, bên lò sưởi. Võ Phiến. Los Angeles XII-1987.” Vâng. Cái đêm đó thật đáng ghi nhớ... nhớ một người bạn đã ra đi quá sớm. Anh Xuân Hiến.
2003- Một buổi sáng đầu năm Mùi. Tôi hẹn gặp Tạ Huy Sáng ở tiệm phở Nguyễn Huệ. Quận Cam còn vương không khí Tết. Sau bốn mươi lăm năm tôi mới gặp lại hắn, thằng bạn ngồi cùng bàn lớp Đệ Tứ Chu Văn An thủa nào. Chúng tôi cũng trên 60 cả rồi. Nhưng gặp nhau vẫn “toa,” “moa” loạn xị như xưa. Tôi bảo nó: “Toa chuẩn bị đi! Gập thầy Lưu Trung Khảo. Thầy Việt văn ấy mà. Moa hẹn thầy 10 giờ ở Coffee Factory.” Hắn dẫy nẩy: “Chết cha! Moa ăn nói làm sao với thầy. Toa ở xa còn có lý. Moa ở ngay đây cả chục năm mà chưa tìm gặp thầy, thầy chửi chết!” Rồi hắn lo lắng: “Quên cha nó mất rồi, không nhớ hồi đó mình xưng em hay là xưng con với thầy nhỉ?” – “Em iếc gì. Con! Thầy gọi mình là em thì OK. Còn mình phải xưng con với thầy. Hiểu chưa?”
Chúng tôi chờ mãi mới có bàn trống. Sáng Chủ Nhật thật đông. Tôi nghe nói chỗ này là một La Pagode của Sài Gòn ngày nào. Lần đầu tiên tôi đến đây nhưng cái tên Coffee Factory tôi đã đọc đâu đó trong một hai truyện ngắn mới đây. Truyện nào nhỉ? à, một chuyện tình của cô cháu gái tôi, nhà văn Thơ Thơ. Thầy Khảo tìm bàn chúng tôi dễ dàng. Thầy nhận ngay ra chúng tôi. Chỉ vào thằng bạn tôi, thầy nói: “Sáng đó phải không?” – “Vâng, con đây. Thầy còn nhớ?” Tôi chịu trí nhớ của thầy. Bốn mươi lăm năm trước, tôi nhớ thầy nhìn sổ điểm danh để gọi trả bài có lần thầy nói to cho cả lớp: “A, cái tên anh này ghê lắm đây! Đã Huy rồi mà lại còn Sáng nữa! Để xem thử anh này có sáng dạ như cái tên gọi không!”
Bên tách cà-phê nóng chúng tôi ôn chuyện cũ. Thời của cái đời học sinh vô tư. Thầy nói đó là khoảng thời gian thầy hãnh diện nhất trong đời thầy. Là giáo sư của một trường danh tiếng Thủ Đô thầy chứng kiến những đứa con yêu của thầy sau này là tinh hoa của một nửa phần đất nước. Đặc biệt thầy nhớ nhất học trò của lớp Đệ Tứ B niên học 1957-58 vì đó cũng là năm đầu tiên thầy dậy ở trường Chu Văn An. Thầy nhắc đến tên nhiều bạn học cùng lớp mà chính tôi không biết: “Em nhớ Lê Tất Luyện không? Chồng của nhà phê bình văn học Thụy Khuê ở bên Pháp đấy!” Tôi nói: “Chắc thầy nhớ Đỗ Diễn Nhi ? Ngồi cùng bàn con. Hiện ở Washington DC.” Thầy trò nhìn nhau cười. Ai mà quên hắn nổi. Thằng bạn sau này, thời tướng Kỳ, trở thành nhân vật “nổi đình đám” nhất của lớp Đệ Tứ B chúng tôi.
Tôi nhắc thầy Khảo về kỷ niệm chuyến du ngoạn Tây Ninh và nhân đó đến anh Võ Phiến. Vợ chồng tôi tuần trước mới đến thăm anh chị ở Los Angeles. Hôm đó chúng tôi ở chơi anh gần suốt một ngày. Cũng là lần đầu tiên kể từ khi quen biết anh tôi mới có dịp tâm tình với anh lâu nhất. Chúng tôi bàn về đủ chuyện. Về đủ mọi đề tài. Nhưng dù là chuyện gì thì rốt cuộc anh cũng đi đến cái kết, cũng quy về cái “tình người.” Tôi có cảm tưởng “tình người” như một ám ảnh mới của anh. Cái tình người bây giờ nó không được như xưa. Anh nói giọng luyến tiếc. “Anh không biết đâu bây giờ họ kèn cựa, họ gấu gó lắm! Không có trật tự có trên dưới gì ráo trọi!”... “Anh có đọc hồi ký của Hồ Dzếnh chưa. Để xem người xưa họ xử đẹp như thế nào. Cái lòng của họ thế nào. Trên chuyến tàu Hải Phòng - Hà Nội, Hồ Dzếnh lúc đó mới tập tễnh viết văn, còn đang đọc lại tập bản thảo của mình, thì một người hành khách lên nửa đường, từ ga Cẩm Giàng, tới ngồi cạnh. Toa tàu hôm đó vắng. Người khách hỏi mượn xem tập bản thảo. Đến khi tàu từ từ dừng lại ở ga đầu cầu Long Biên, chuẩn bị xuống, người khách ướm hỏi có thể mang về nhà đọc được không và hứa một tuần sau sẽ đem trả tận nhà. Vì còn giữ tập bản thảo viết lần thứ nhất nên Hồ Dzếnh đưa ngay. Sau khi đưa địa chỉ của mình Hồ Dzếnh sực nhớ ra là không lấy địa chỉ của người khách lạ thì người ấy đã xuống tàu. Đúng một tuần sau, người khách đem trả tập bản thảo, niềm nở bắt tay Hồ Dzếnh và ngỏ ý, nếu ông muốn, sẵn sàng viết cho lời tựa. Lúc đó người khách mới tự xưng tên: Thạch Lam!”... Kể xong câu truyện, anh lập lại câu anh đã nói, vẫn giọng u hoài: “Bây giờ họ kèn cựa nhau, họ gấu gó lắm... không được như người xưa!”
2002 - Chúng tôi tất cả chín người chất đầy một xe van. Mùa Thu năm ấy chúng tôi hai gia đình cùng đi chung về Việt Nam. Gia đình anh Việt và tôi đã chiếm bảy người. Ngoài ra lại có thêm Maya, cô bạn Mỹ của Thi, con gái tôi, đi cùng. Từ Sài Gòn chúng tôi thuê xe van đi Hội An, chủ đích là đưa vợ con chúng tôi đến thăm mộ ông bà cụ mà di cốt đã được chôn cất vào mùa hạ năm trước trong nghĩa trang riêng của dòng họ Nguyễn Tường. Ngồi ở băng trước của xe van, cạnh tài xế, là đích tôn của dòng họ, nhà văn Tường Hùng.
Sau khi ở lại Nha Trang chơi hai ngày, phái đoàn chúng tôi tiếp tục hướng bắc quốc lộ 1. Khúc đường từ Nha Trang đến Hội An cực kỳ xấu. Suốt ngày trời chúng tôi bị nhồi lên nhồi xuống trên chiếc xe chật hẹp. Mấy đứa con chúng tôi sinh đẻ hoặc lớn lên ở Mỹ, lần đầu tiên về Việt Nam, kêu la oai oái. Trời lại nóng, chúng tôi gật gưỡng. Con Thi ngủ miệng há hốc, chẩy cả nước dãi. Maya đưa máy hình chụp con Thi lia lịa. Mấy đứa nhỏ thật tức cười. Suốt chuyến đi chúng phí phim vì những cảnh tào lao. Bao nhiêu cảnh đẹp không chụp chỉ chụp toàn những chó, những bò, những đứa bé đen đủi...
Xe lên một cái đèo thấp đến đỉnh rồi lại bắt đầu đổ xuống. Ở băng trước có tiếng nói của anh Hùng: “Thành phố nào đẹp quá vậy?” Chú tài xế trả lời:
- Thị xã Qui Nhơn!
Tôi nhỏm dậy. Từ trên tầm cao thị xã Qui Nhơn hiện ra nguyên vẹn bên bờ Thái Bình Dương nước biển một màu xanh ngắt. Quốc lộ phía trước trải xuống một đường vòng cung ôm lấy thị xã. Những cây dừa, những hàng thùy dương xen lẫn vào những mái ngói đỏ tươi. Từ xa Qui Nhơn vụt hiện trong tôi như một cảnh trí giả, xinh xắn như món đồ chơi. Tôi giật lấy máy ảnh của Maya tính chụp một pô thì không kịp nữa. Chiếc xe đã xuống đến chân đèo. Thị xa vụt khỏi tầm mắt.
Tôi nghĩ ngay đến anh. Anh Võ Phiến ạ. Đây là thị xã của anh, đúng ra của cậu học trò họ Đoàn bẩy mươi năm về trước. Thị xã đã nuôi anh những ngày thơ ấu, đã được nhắc tới trong nhiều bức Thư Nhà của anh. Với tôi, mặc dù đã nhiều lần trong đời nhìn thấy nó từ tầm xa, nhưng tôi chỉ ghé sống với nó thực sự được có một đêm, đêm ấy cũng đã rất xa rồi, hồi đó tôi còn là một sinh viên, nhân một chuyến ra Trung để cứu lụt.
Tôi nhớ gì về một đêm ngắn ngủi ghé ngủ ở cái thị xã hẻo lánh của miền Trung ấy? Không gì cả ngoài âm vang của những tiếng chim kêu. Tiếng chim kêu? Vâng. Thị xã mùa biển động náo lên vì những bầy chim từ ngoài hòn bay về, chúng bay tơi tả bay rối loạn trên cái bồn nước của thị xã. Những cánh én bay khinh khoái trong ráng chiều, những cánh én nhào lộn khi bình minh ló rạng. Tôi nhường lời diễn tả cho anh Võ Phiến. Tôi không thể qua mặt anh.
Một buồi chiều, cuối mùa Đông, anh Tư đi làm về, trong người rân rân mệt mỏi, nằm trông theo những con én bay ngược bay xuôi trong xóm. Én bay rạo rực. Nó không bay vì nhu cầu chuyển dịch. Nó lướt qua rồi tức thì lộn trở lại, bay vô ích. Nó bay như chỉ để phô trương, để biểu diễn những pha bất ngờ. Én bay trong xóm đôi ba con hay năm bẩy con? Khó đếm được. Nó bay loạn xị. Nó rạo rực niềm vui trên xóm nghèo, trong ráng chiều, khi người người mệt mỏi. Anh Tư nằm trông theo én bay cho đến khi đèn đường bật sáng. (Một Ngày Để Tùy Nghi - Võ Phiến)
Thành phố đã tỉnh dậy, dưới đất. Trên trời én như được khuyến khích, như đắc thắng, càng ríu rít hơn. Bây giờ trên nền trời xanh bạc đã trông thấy những cánh én lao tới lao lui, rộn cả lên. Chrirr... Chrirr... nó cuống quít, nôn nao, rộn rực một niềm vui không chịu được, niềm vui rung lên trong tiếng kêu.
Nhào lộn ngoài trời một lát, lại có một con én bay vụt vào dưới mái ngói, đến sát bên cạnh tổ, nó chao qua chao lại, chập chờn cặp cánh nhọn như vẫy chào cái tổ rồi bay vụt đi. Nó không vào tổ, nó không đậu, không nghỉ, nhưng nó trở về, ghé chào, rồi ra đi. Không hiểu tại sao vậy. (Mùa Xuân, Con Én - Võ Phiến).
Tôi cũng vậy. Anh Võ Phiến à. Như cánh én kia, lâu lâu tôi trở về, ghé chào, rồi ra đi. Nhưng tôi hiểu vì sao.
Seattle, một đêm mưa cuối năm 2000
Nguyễn Tường Thiết