Lệ Hằng sinh năm 1948 tại Hải Dương, Việt Nam. Dạy Việt văn trước khi làm báo, viết văn.
Truyện ngắn đầu tay, “Người Thầy Lặng Lẽ” xuất hiện trên nguyệt san Tuổi Hoa ở Sài Gòn năm 1967. Trước năm 1975, Lệ Hằng đã xuất bản 12 tác phẩm: Thung Lũng Tình Yêu, Tóc Mây, Bản Tango Cuối Cùng, Ngựa Hồng, Mắt Tím, Tình Yêu Như Băng Sơn, Chết Cho Tình Yêu, Kinh Tình Yêu, Sóc Nâu, Chiều Gió, Màu Xanh Đang Lên và Như Sương Long Lanh.
Năm 1989, Lệ Hằng sang Úc đoàn tụ với gia đình và tiếp tục sáng tác. Ba năm sau cho xuất bản hai tác phẩm mới Sa Tăng Dịu Dàng (truyện ngắn) và Nghề Làm Vua (truyện dài).
Lệ Hằng sống với gia đình ở vùng Blue Mountains Sydney, cộng tác với các tạp chí văn học nghệ thuật ở Hoa Kỳ như Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thời Báo, Văn Nghệ Tiền Phong, Phật Giáo Việt Nam, ở Úc như Dân Chúa, Phật Giáo Việt Nam, TiVi Tuần San, Nhân Quyền, Dân Việt, TiVi Sydney.
Trả lời phỏng vấn
do tạp chí Văn Học thực hiện
1. Chị viết gì? Và viết cho ai?
Nhà văn có thể viết để gửi cho đời một thông điệp. Chà nghe hách dữ. Này nhé, văn chương dấn thân của trường phái Hiện Sinh ở Pháp ngày trước, rồi rầm rộ một dòng văn học ý thức hệ giữa hai phe lâm chiến ở Việt Nam trước năm 1975 nó lác đác dây dưa cho đến bây giờ. Cái hay của loại văn chương dấn thân này là người cầm bút có thể yên lòng với câu hỏi viết gì và viết cho ai, khỏi cần suy tư khắc khoải gì nữa, nhưng cũng rất tai hại, bởi nhà văn có nguy cơ trở thành nhà truyền giáo hay văn công lúc nào không hay.
Như thế không có nghĩa nhà văn là giới value free, chỉ viết “vị nghệ thuật”. Các ông bà nhà văn làm sao tránh khỏi một chọn lựa nào đó trong cuộc đời và từ cuộc đời. Tôi nghĩ phần việc chính của nhà văn vẫn là tặng cho đời một cái gì để người đọc bay bổng lên yêu thương cuộc sống này hơn một chút. Như vậy ý tưởng để ném vào đời không chưa đủ mà còn phải nói đến tài năng, kinh nghiệm và... một vận may nào đó nữa!
2. Về sáng tác, chị tự đánh giá về chị như thế nào trước 1975 và bây giờ?
Trước 1975 hả? Trời ơi, tức cười lắm, tôi đúng là chiếc xe mới ra lò phóng vun vút trên xa lộ Biên Hòa, văng cả khói vào mặt người khác, chắc nhiều người bực lắm. Tránh sao nổi cái màn vượt tốc độ, rồi lạng quạng sang lane ẩu. May quá, nhờ phước đức ông bà để lại, tôi không húc ai toi mạng. Tôi cũng ân hận, đã viết nhanh, viết ào ào nhưng vẫn không nói hết được những điều muốn nói. Trời ơi, thì anh cũng phải làm ngơ cho tôi bày đặt ân hận làm nũng người đọc một chút chứ. Viết xong bao giờ tôi cũng ấm ức, bởi lúc đó tôi còn trẻ quá, không đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để nói. Bây giờ, nhờ ơn thời gian, nhờ uống quá nhiều chén đắng ở bên nhà cũng như ở xứ người, tôi cảm thấy mình người lớn hơn, tự thưởng cho mình một chút thong dong tự tại để viết một cách... chà tôi thuộc loại gà tồ ăn nói không khéo lắm, thôi nói đại... viết một cách vừa nghiêm chỉnh vừa ngông đời. Được chưa?
3. Mười bốn năm ở lại, chị có nhận xét thế nào về thực trạng văn học trong xã hội chủ nghĩa?
Cũng như kinh tế xã hội chủ nghĩa, văn học xã hội chủ nghĩa là một thứ văn học có kế hoạch hẳn hoi. Ban tuyên huấn họ tính hết, năm nay phải tập trung lực lượng sáng tác về mặt này, phải ném nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ đi thực tế mảng kia. Văn học xã hội chủ nghĩa cũng giống như văn chương thần học. Người cầm bút không cần - và không còn hơn - để băn khoăn ta phải nói gì, viết gì.
Họ nhắm mắt tập trung tài năng hay tài vụn vào một câu thần chú tối quan trọng: Phải viết, phải nói như thế nào cho khỏi phạm thượng cấp trên, đụng chạm đến giáo điều, đi ngược với chủ trương chính sách đường hành... Đó là một thứ văn học kiến giải, văn học hoa lá cành. Nhà văn đôi khi cũng gây những cơn bão trong tách trà như Bảo Ninh với “Nỗi Buồn Chiến Tranh”, Trương Quốc Dũng với “Đường Tăng”. Thú thật với anh, tôi hơi sợ loại văn chương này, nên cứ vừa đọc vừa niệm Phật cầu an, tò mò nhiều hơn là thưởng thức, nên sự hiểu biết của tôi chắc chắn không chính xác lắm. Thật ra, có ai dám hiểu văn chương nghệ thuật một cách chính xác. Tôi có đọc, không nhiều lắm, cũng không ít lắm. Theo tôi, đó là một thứ văn chương đóng khung, hơi thiếu không khí. Có một dạo, mở sách ra, đoán được hết mọi trò, từ đầu đến cuối, chính diện, phản diện... tính sử thi, tính cách mạng. Đọc xong, vừa phục vừa xót cho tài ba của nhà văn. Tác phẩm của họ càng ngắm nghía càng thấy giống những đứa con trong ống nghiêm. Tôi có dao cũng đi làm công nhân viên nhà nước, dĩ nhiên cũng phải học lối viết trui rèn chật chội trong ống nghiệm. Tôi thua, và càng phục các ông các bà nhà văn của xã hội chủ nghĩa sát đất hơn.
Sau này, đảng mở trói một tí, quí vị mừng rơn, viết tung lên. Tôi cũng mừng rơn, đọc hối hả. Đọc xong, lại buồn. Vẫn còn khung to khung nhỏ sờ sờ ra đó, vẫn những đứa con kỳ kỳ trong ống nghiệm. Đối kháng, hay chính qui, tác phẩm vẫn phảng phất một không khí, một màu tranh bàng bạc, đóng khung. Họ tài thật, nhưng bao la vẫn thiếu. Tôi hy vọng, với số lượng người đọc ngày một cao, trình độ người đọc ngày một sắc bén. Theo thống kê mới nhất của Liên Hiệp Quốc, nạn mù chữ ở Việt Nam gần như bị xóa bỏ, giới có học ngày một đông. Đáng hy vọng quá đi chứ. Chính bảy tám chục triệu người này sẽ đòi, sẽ nuôi dưỡng, một nền văn chương xứng đáng cho họ. Ai ngăn cản điều này là phạm tội ác tày trời đấy.
4. Chị nghĩ sao về văn học hải ngoại?
Trời ơi, hỏi chi khó quá vậy! Có văn học hải ngoại chứ, làm sao ngó lơ nổi. Sách báo in đầy đường đầy chợ, đọc không hết. Kiệt tác văn chương lẫn với cám heo. Đau đầu quá trời. Một tai họa hay một may mắn cho văn chương mai sau đây? Cứ lạc quan cho đó là một may mắn lớn cho dân tộc đi, để có cớ cho VH phỏng vấn tui đăng báo hải ngoại đàng hoàng nhé. Oai dữ à nghe. Viết ở ngoại quốc, in ở ngoại quốc là văn học hải ngoại chứ gì? Những tác giả người Việt viết tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức thì sao? Tác giả người Việt, viết tiếng Việt nhưng đã nhập tịch Mỹ, Nga, Đức họ có còn là nhà văn Việt Nam nữa không? Tác giả ở ngoại quốc viết tiếng Việt, in sách ở Việt Nam nhưng chỉ còn là “gốc Việt” có được liệt kê vào văn học hải ngoại không? Nói thật với anh, về lý thuyết, vấn đề có vẻ phức tạp quá nên tôi không dám nghĩ tới.
Về nội dung và ý hướng sáng tác, tôi nghĩ nếu vẫn nghĩ đến đất nước, ở đâu mình cũng có quê hương, đôi khi còn có quê hương mặn mòi quá xá hơn người ở nhà nữa kìa. Sống trong hoàn cảnh chính trị nghiệt ngã ở ngay trên đất nước, vừa viết liếc ngang liếc dọc dòm chừng nhà nước cũng là lưu đày rồi. Vấn đề chính là một nền văn học tiếng Việt, viết cho người Việt. Về điểm này thì bản sắc hiển lộ của “nền văn học hải ngoại” cho đến bây giờ hình như là hội chứng văn chương u hoài. Tôi muốn nói đến hiện tượng hồi ký, làm mất rất nhiều thì giờ của người viết cũng như người đọc. Văn chương hồi ký đã trở thành một thứ văn chương từ thiện, một thứ văn học tương tế. Người đọc bỏ tiền mua chỉ vì quen biết, muốn giúp đỡ tác giả trong bước đầu chứ không phải vì hai điểm căn bản của hồi ký, thứ nhất, tác giả là một nhân vật lịch sử, thứ hai điều tác giả kể lại là điều ít ai biết, đặc thù, độc đáo.
5. Theo chị nghĩ, văn học hải ngoại có một tương lai nào hay không?
Chỗ dựa sống chết của nhà văn là độc giả. Cho nên, tương lai của văn học hải ngoại tùy thuộc hai câu hỏi sau đây: ở hải ngoại, trong vòng hai mươi năm tới nữa, nghĩa là bốn mươi năm sau cái mốc mắc dịch 75 còn có ai thưởng thức tiếng Việt nữa không? Nếu Trời thương còn có người đọc. Chúng ta phải làm gì để nuôi dưỡng và phát triển nhu cầu thưởng thức văn học tiếng Việt đó? Câu hỏi thứ hai, nếu hoàn cảnh đất nước cởi mở, nhà cầm quyền trong nước tự tin hơn để văn học hải ngoại có thể nhập cảng một cách công bằng và chính đáng như quyền dân đòi hỏi, chúng ta có đủ tác phẩm xứng đáng để nhập về Việt Nam và làm sao cho món hàng đáng kính trọng này được đón nhận và tiêu thụ rộng rãi không? Tôi nghĩ cả hai câu hỏi trên đều tùy thuộc vào người viết. Đó là một thách thức lớn cho người cầm bút. Thời kỳ nhân loại ngu ngơ sắp hàng theo trật tự quốc tế lưỡng cực đã qua rồi, loài người đang phải quay về với dân tộc của mình, với tất cả cái tốt và cái xấu của từng dân tộc. Với chiều hướng này tiếng Việt vẫn còn có một tương lai đáng kể nào đó, người cầm bút vẫn có quyền hy vọng, và dĩ nhiên phải nhận lấy trách nhiệm của mình. Dĩ nhiên văn học ngày càng bị truyền hình, video, CD ROM, báo chí... giành dân lấn đất. Nhưng văn học vẫn còn có riêng cho nó một cõi cao hơn ba thứ lẻ tẻ kia. Chỉ sợ mình viết không hay hoặc ngủ quên trên những cái nệm mút mềm mại của quá khứ.
Trước năm 75, cả hai nền văn học, bản địa và văn học ngoại quốc - tôi muốn nói đến những truyện dịch từ Anh, Pháp, Trung Hoa... đã đi song song với nhau và bán chạy ngang ngửa nhau. Người Việt về mặt này rất đáng nể, họ cần canh chua cá bông lau, nem chua, bún phở, nhưng cũng khoái Taco, Big Mac, hamburger không thua gì Mẽo. Họ nghiện rượu đế, nhưng nốc rượu Tây, vodka không thua thằng Tây nào. Trong tương lai, liệu hàng ngũ văn học hải ngoại gốc Việt có làm cho họ mê mệt nghiêng ngửa thứ văn chương xa xứ này không? Hoàn cảnh của Solzhenitsyn bắt tôi suy nghĩ lao lung cả tháng trời. Chính quyền công sản Nga giải thế, nước Nga ầm ĩ tiến nhanh tiến mạnh lên kinh tế thị trường. Solzhenitsyn vội vàng bye bye nước Mỹ khăn gói về nước như một anh hùng dân tộc. Cũng lạ, đa số các vị đoạt giải Nobel văn chương hình như chỉ khoái chơi trò trượt tuyết, nghĩa là chỉ thích xuống dốc! Từ ngày hồi hương, Solzhenitsyn chẳng làm được gì nổi đình nổi đám cả. Chính quyền dành cho ông 15 phút mỗi tuần trên đài truyền hình quốc doanh. Chương trình phát hình của đại văn hào bị sì top ngang xương vì không cạnh tranh thương mại nổi với các chương trình khác. Anh thấy chưa? Quí ông bà nhà văn hải ngoại chắc phải tính toán với nhau thật kỹ trước khi nhập cảng giao lưu văn hóa với quê nhà kẻo lại vỡ mặt như đại văn hào đấy.
6. Theo chị, không viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp có phải là một thiệt thòi cho văn học hải ngoại không?
Có và cũng không. Viết tiếng Việt, tầm mức phổ biến, khả thể thành công bị giới hạn rất nhiều. Nhưng như vậy không có nghĩa nền văn học hải ngoại bằng tiếng Việt đang có cơ nguy trở thành một chủng loại đang trên đà bị tận diệt! Ba tác phẩm cổ điển lớn nhất của Tây phương là Robinson Crusoe của Defoe, Don Quixote của Cervantes và Gã Khờ của Dostoievsky. Chỉ có một quyển bằng tiếng Anh, hai quyển kia bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nga. Không thiếu gì những tác giả được giải Nobel với những nguyên tác không phải bằng tiếng Anh. Nguyễn Du viết truyện Kiều bằng chữ Nôm trong khi ngôn ngữ chính thống “cơm gạo” thời đó là chữ Hán, cũng như tiếng Anh là ngôn ngữ cơm gạo của dân tị nạn chúng ta bây giờ và ở đây. Loay hoay rồi cũng quay trở lại chuyện tài năng và bản lĩnh của người viết, anh thấy chưa?
Nghe nói, một tổ chức văn bút hải ngoại đã đặt vấn đề trao giải thưởng cho truyện dịch từ nguyên tác tiếng Việt ra tiếng Anh. Ý kiến hay ho và khôn ngoan đấy. Một món quà có ý nghĩa cho con cháu những kẻ lưu vong sau năm 75. Những đứa bé lớn lên và quên luôn tiếng Việt. Không biết thế hệ này có thích đọc truyện do người Việt viết? Nếu dịch để nhắm vào số người đọc ngoại tộc lại là chuyên khác nữa. Để khỏi mang tiếng bất công với tiếng mẹ đẻ cũng như người cần đọc tiếng mẹ đẻ, chúng ta có nên đặt giải thưởng cho một dịch phẩm từ ngoại ngữ ra tiếng Việt không?
7. Ngoài truyện, chị có từng đi vào một lãnh vực văn học nghệ thuật nào khác không, và nếu có thì tại sao chị không tiếp tục?
Về truyện, tôi khởi nghiệp bằng một truyện ngắn. Trước đó tôi nghĩ mình có thể làm thơ. Thú thật bây giờ tôi cũng không nhớ nổi chính thơ của tôi nữa. Người duy nhất còn nhớ “thi tài” của tôi chính là ông xã. Hồi đó tôi 16 tuổi, học trò trong Quảng ra thi. Lúc trở về, tôi có làm bài thơ mềm như nhung nói về một chuyến hải trình hai người lạc tuốt tận vào cõi tà ma nào hoang vu ghê lắm, rụt rè gửi ra Huế cho ổng. Ổng dạy triết, ham tranh đấu, đầu óc để đâu trên trời. Tôi cũng du hành đó đây, ngót nghét phần tư thế kỷ, tận bây giờ mới túm được ổng xiềng chân nhốt xuống lòng thuyền bắt... chèo! Ngoài thơ, tôi cũng có viết mấy chuyện phim như đã nói. Khổ nỗi tôi phải viết dưới áp lực của... đơn đặt hàng nên không thỏa chí bình sanh hùng vênh váo khoe tài với anh được. Tiếc hùi hụi, bởi tôi rất khoái nghề viết truyện phim. Bên Mỹ trước đây có một nhóm nào đó đã dựng “Tóc Mây” của tôi thành phim. Phải chi họ để cho tác giả có cái may mắn chuyển tác phẩm của mình thành truyện phim chắc tôi đỡ phải méo mặt cười như mếu! Tôi ao ước ngày nào đây gặp một nhà đạo diễn giỏi, một nhà sản xuất không tính chuyện “cò con” để có thể dựng “Nghề Làm Vua” thành phim. Tôi nghĩ truyện đã có rất đủ những gút mở, hình ảnh, thực mộng cần thiết cho một đạo diễn giỏi vung gậy thần thông. Người Việt hải ngoại và cả người trong nước rất mê phim hay. Và họ đang chờ.
8. Chị “cưng” tác phẩm nào của chị nhất?
Nhà văn là kẻ bất công nhất với những đứa con tinh thần của mình. Nếu phải viết lại thì quyển nào tôi cũng sẽ sửa be sửa bét cả. Nhà văn cũng có cái bất công khác là cưng con út hơn. Do đó tôi có thể nói đứa con tôi cưng hơn những đứa khác đã bị tôi đẩy vào đời là quyển “Nghề Làm Vua.”
9. Chị có thể cho biết lý do tại sao không?
Anh lại muốn đẩy tôi vào thế kẹt nữa rồi. Tự khen mình, thế nào cũng bị chửi, tự chế mình phải là bậc võ lâm cao thủ hoặc kẻ đại ngu. Khổ quá, tôi không ngu cho lắm. (cười) thời bây giờ càng bị chửi càng mau nổi tiếng. Đây là đứa con tôi cưu mang ngót mười năm trước khi đẩy nó vào đời một cách hơi vội vã. Những thất bại hổn mang của Miền Nam trong năm 1975 và “hiện thực xã hội chủ nghĩa” lên ngôi chói chang nhức mắt bắt buộc tôi phải suy nghĩ về quyền hành thế tục, về những lựa chọn và hy sinh chính trị đã làm cho đất nước bị dìm xuống bùn đen vì kiệt quệ. Tranh chấp quyền lực là một trò chơi lớn. Nhưng lớn hay nhỏ thì cũng chỉ là một trò chơi, như trò chơi hướng đạo. Lịch sử đã dạy chúng ta điều đó, nhất là lịch sử đời Trần. Giá trị không phải là được thua, nhưng là thấy rõ bản chất của cuộc chơi và nếu không đứng ra ngoài được thì cũng đừng đồng lõa. “Nghề Làm Vua” là bức tranh phác họa những cuộc chơi và chân dung của những người tham dự, những người trốn chạy và cả những nạn nhân bất đắc dĩ của trò chơi quyền lực đó...
10. Nhà văn là kẻ tha hồ bóp méo vo tròn tác phẩm của mình trong tay như thượng đế với vật thụ tạo. Chị có nghĩ rằng nhà văn có thể đi đến cùng với ý chí và sức tưởng tượng của mình trong lúc sáng tác không?
Đó là điều ao ước hơn là điều khả thi đối với người cầm bút. Ai không ham được một lần trong đời viết những chuyện như “Lĩnh Nam Chích Quái”, “Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai” hoặc E.T. Jurasic Park... Nhưng ngay cả những chuyện đó nữa, quyền năng tuyệt đối của nhà văn nếu có cũng chỉ là lựa chọn cái khung hay cái nền cho cốt chuyện mà thôi. Gần gũi chúng ta là những nhân vật của “Tây Du Ký” và của Kim Dung. Đó là những nhân vật hoang tưởng nhưng đồng thời cũng là những nhân vật rất thật. Nhà văn không thể sống như người luyện yoga theo thể trồng chuối để nhìn cả cuộc đời lộn đầu xuống đất. Nhà văn cũng không thể tách lìa nhân thế, hỏng chân với cuộc đời. Hiểu theo nghĩa này thì nhà văn là một nhà bào chế, pha trộn thực với mộng theo một kỹ thuật, một công thức nào đó. Đời mà thực quá, e cũng buồn chán không thua gì một cõi toàn hoa mộng gió trăng.
11. Hình như lúc này chị thiên về truyện ngắn hơn truyện dài?
Có lẽ anh muốn nói đến quyển “Sa Tăng Dịu Dàng” và một số truyện của tôi sau này?! Thú thật tôi không có một lựa chọn dứt khoát nào về chiều dài của một tác phẩm. Dài mấy thì gọi là “ngắn”, và ngắn bao nhiêu mới được coi là “dài”? Ngồi vào bàn viết thì cứ viết và dĩ nhiên ước vọng bao giờ cũng là chuyện dài, điều ước mong nữa là làm thế nào cho mỗi chương mỗi đoạn có thể tự tồn như một chuyện ngắn chứ không lê thê hạ hồi phân giải. Con đường tôi muốn đi vẫn là truyện dài, nhưng chắc là không dài như “Mùa Biển Động” của anh Nguyễn Mộng Giác rồi!
12. Trong “Nghề Làm Vua”, chị đánh bóng hơi kỹ nhân vật Huyền Trân, An Tư công chúa và vương phi Đa La. Chị cũng có cái nhìn hơi khác và hơi bạo về những nhân vật nữ? Ngày trước có người đã gọi chị là Francoise Sagan Việt Nam, nghĩa là vừa bạo, vừa... hoang ngầm, chị nghĩ sao?
Tôi rất dễ bị dị ứng khi được gọi là “nhà văn nữ”, nhưng làm sao tôi có thể lạnh lùng với thân phận của người đồng phái, nhất là qua mùa chinh chiến máu xương từ ngày tôi bắt đầu có trí khôn?
Còn chuyện... hoang thì lại khác. Người thực là con người di động múa may trong hai chiều tâm linh và hình sắc, thể xác và tâm hồn. Tôi không thể tàn bạo dùng xe tăng cán dep những nhân vật của tôi lép xẹp như mực khô rồi nướng thơm nhậu nhẹt bình phẩm...
Mạnh tay như Tần Thủy Hoàng, Hitler, Stalin cũng hỏng dám thiến trọi bàn dân thiên hạ, huống chi một nhà văn như tôi, cáp vàng cũng không dám làm nghề hoạn heo. Thất đức quá, phải không VH? Nhiều lúc đọc lại tác phẩm cũ, tôi ân hận đã bắt các nhân vật của mình “ăn chay hãm mình” dữ quá, họ xuất hiện có vẻ không thực. Cuộc đời rộng lớn hơn thế giới của người cầm bút, người viết có thể biết ít hơn người đọc, và những điều nhà văn viết ra thường là ít hơn những điều có thể viết ra... Điều đó có thể chọc tức và làm trò cười cho người đọc?!
13. Chị có đang cưu mang một đứa con tinh thần nào không?
Tôi đang viết một chuyện dài với những nhân vật đâu đó, quanh đây, những người này sẽ sống động trong một không gian rộng lớn từ Úc, sang Mỹ, về Việt Nam và trở lại Úc. Dĩ nhiên tôi đang mê tơi chết lên chết xuống vì những "cô cậu” nhân vật của tôi. Tôi hy vọng người đọc sẽ yêu họ, gần gũi và khắng khít với họ không hơn cũng bằng với tôi.
14. Chị dấn thân vào thế giới văn chương hơn hai mươi năm, nghiệp dĩ mang cũng nặng lắm rồi. Chị có vui buồn gì chia sẻ với người đọc không?
Dữ không, nãy giờ mới hỏi một câu nghe thấm bụng. Vui nhiều chứ, buồn cũng hung tợn lắm nghe ông. Nhưng kể làm sao nổi, thôi đợi đó, biết đâu mai mốt kẻ này già, lẩm cẩm dám hì hục ngồi viết hồi ký lắm. Có một ngày tình cờ xuống phố, ghé vào nhà sách Khai Trí, thấy tác phẩm đầu tay bày bán lù lù trên kệ. Lúc đó, kẻ này trẻ măng, con nít nữa là khác, mừng muốn xỉu, tí nữa hôn mê bất tỉnh rồi. Chắc mặt mày lơ ngơ sao đó cứ đứng hoài trong nhà sách không chịu về cho, nên bị móc túi, mất cả bóp tiền. Lần thứ nhất bị mất cắp, chẳng thấy buồn tí nào, mặt cứ phớn lên. Cũng chính chủ nhân của nhà sách này, sau năm 75, ông Khai Trí, tôi nhớ mãi, da trắng, mặt mày hiền khô, ghé tận nhà thăm, thấy nhà văn gì nghèo cực quá, ông chạnh lòng. Uổng ghê ông tế nhị dịu dàng nên không đưa thẳng tiền cứu độ cho tôi, ông nhờ người khác đem tiền tặng cho tôi. Người này cần hơn, nên xài giùm. Mãi sau này, hơn mười năm, tôi mới biết mình được ông giúp đỡ. Số tiền đó, tôi không được nhận, nhưng nghĩa tình nặng bội lần hơn. Tôi thề thế nào cũng có dịp đền ơn ông, tôi đã dành sẵn một tác phẩm cho ông Khai Trí rồi, chừng nào gặp tôi sẽ đưa ông xuất bản để đền đáp ân tình sâu nặng đó.
15. Là nhà văn, chị tung hoành giữa tốt và xấu, nhân vật tiểu thuyết, người ta thường gán ghép chung vào người viết. Chị nghĩ sao?
Anh hỏi khó quá trời. Tôi ngắc ngữ nói vòng vo tam quốc, gắng chịu. Với tôi, không có tốt và xấu theo nghĩa người thường. Cái tôi cho là tốt, có thể anh cho là xấu. Cái đẹp hôm nay, biết đâu ngày mai là rất xấu. Thật ra, viết về cái xấu dễ hơn viết cái tốt. Nếu người đọc, ưu ái ghép tôi vào nhân vật, tôi hoan hô hết mình, càng oai chứ có làm sao đâu?
16. Một câu chót, hy vọng là nghe được. Chị mong ước chứ, cái gì, cho ai?
Mèn đét ơi, hỏi tham vậy, họa may Bà Chúa Xứ trả lời nổi cho anh. Thây kệ, tôi bạo gan nói bừa, mua vui vái Trời được vài trống canh. Cụ Nguyễn Du càng ngẫm càng đáng yêu tợn. Này nhé, tôi khá lớn tuổi rồi, hết dám mơ ước nhiều, sợ kham không nổi. Tôi chỉ mong người Việt mình, trong nước, cũng như ngoài nước, được sống đàng hoàng hơn, và cư xử với nhau cũng đàng hoàng hơn.
Văn Học số 119, Tháng 3.1996
Đăng lại từ: hocxa.com