Nhà thơ Tản Đà (1889-1939)
Tôi mất ngủ trên chục năm nay rồi, lúc đầu cũng lo ay áy mới xin bác sĩ gia đình cho thuốc uống. Bác sĩ cho toa mua những viên thuốc nhỏ li ti bằng nửa hột gạo, tối trước khi ngủ uống một viên là ngủ li bì cho tới sáng. Được thời gian ngắn thì thuốc hết công hiệu, phải tăng liều lượng lên gấp đôi, rồi gấp ba. Kể ra thì uống 3 viên ngủ cũng êm ả, nhưng lúc thức dậy cái đầu trì trệ không làm được việc gì, cả ngày cứ lâng lâng như say sóng.
Được sự khuyến khích của bác sĩ gia đình, tôi quyết định bỏ ngang không uống thuốc, và cũng không ép buộc thân xác mình nữa. Tôi thả dông cho nó hoàn toàn tự do theo điều kiện tự nhiên, nghĩa là tôi không quan tâm tới giờ giấc, hễ mệt thì lăn ra ngủ, hễ tỉnh thì dậy vọc Net, khi nào mệt lại lên giường ngủ tiếp. Kết quả là thay vì ngủ một giấc dài trong đêm, tôi cảm thấy thích hợp với 2 giấc ngủ ngắn cách nhau vài giờ.
Nói là vọc Net cho oai chứ thật ra tôi chỉ lang thang quanh quẩn trong 5, 6 blogs quen thuộc, như Quê choa, Sáng Tạo, dainamax tribune, Ba Sàm, Dân Làm Báo… Từ khi Quê choa đóng blog, thư viện Sáng Tạo là trang Văn Học Nghệ Thuật duy nhất mà tôi theo đọc mỗi ngày. Thời gian gần đây, khi mở qua trang Ba Sàm lại gặp bài “Tết về lại nhớ Quê choa” của Phạm Văn Dũng, tôi suy nghĩ mông lung. Cứ thế rồi cái đầu nó dắt tôi đi xa tít mù khơi, bao nỗi nhớ mông lung, bao nỗi buồn diệu vợi, bao kỷ niệm xa vời… từ sâu trong tiềm thức theo nhau lần lượt kéo về. Tôi nhớ mẹ, tôi nhớ cha, nhớ chị, nhớ em, nhớ thầy cô, nhớ chòm xóm, nhớ mái trường xưa, nhớ từng người bạn từ thuở ấu thơ cho đến lúc bạc đầu…
Lòng ngổn ngang tâm sự. Lần đầu tiên tôi cảm thấy hụt hẫng trong tâm trạng của kẻ bị bỏ rơi. Lạc lõng, chơi vơi, tôi thầm trách mình cứ mãi ưu tư, trân quý người, trân trọng những kỷ niệm trong đời, mà biết đâu bên kia khung trời, người ta có thiết tha gì đến những kỷ niệm mà mình ấp ủ? Bài thơ “Tình non nước” của Tản Đà chợt đến như một dòng nước chảy phủ lấp chỗ chũng trong tôi, tôi tự ví mình như “non”, than thân, trách “nước” đã quên lời hẹn ước ban đầu. Như vậy, non đâu hẳn phải là phụ nữ? Và từ đâu mà người ta mang thành kiến rằng phụ nữ là kẻ bị bỏ rơi, là người chung thủy đợi chờ?
Suy nghĩ một cách đơn giản thì “non” chỉ cái cố định, cái không thay đổi như bến đò, nhà ga…, thể hiện ở người là lòng trung tín, không thay đổi quan điểm, giữ vững lập trường, trước sau như một… Ngược lại, “nước” chỉ vật lưu động như dòng nước, như cánh thuyền, như con tàu… dập dìu nay đây mai đó, thể hiện ở người là sự bất cập, phóng túng, nói trước quên sau…
“Lưu động” và “cố định” đối nghịch nhau như thể “âm” (−) và “dương” (+). Kinh Dịch nói, “Âm dương chi vị Dịch”, có nghĩa là có âm có dương gọi là Dịch. Dịch vừa có nghĩa là sinh, vừa có nghĩa là biến đổi.
“Âm” (−) và “dương” (+) còn thể hiện như 2 cực đối nghịch của cục nam châm. Mà theo định luật tự nhiên thì khi 2 cực đối nghịch của cục nam châm gặp nhau sẽ hút chặt vào nhau, không buông ra được.
Quỹ tích là tập hợp những điểm lưu động xoay quanh một vật cố định theo một định luật nào đó, thí dụ với định luật “cách đều đường thẳng”, trong hình học phẳng thì quỹ tích là 2 đường thẳng song song, còn với hình học không gian là một hình trụ.
Khi không còn định luật nào ràng buộc sẽ không có quỹ tích. Không có quỹ tích thì không cần phân chia sự khác biệt giữa lưu động và cố định nữa làm gì, lúc đó sự đối nghịch không còn, 2 cực cùng chiều sẽ đẩy nhau ra.
Đây là bài thơ “Tình non nước”, của Tản Đà:
Nước non nặng một lời thề,
Nước đi, đi mãi, không về cùng non.
Nhớ lời “nguyện nước thề non”,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày,
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây ngã bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa.
Non cao đà biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.
Nhớ thuở nhỏ khi học trung học (lớp 8 hay 9 gì đó), lúc làm luận văn phân tích bài thơ “Tình non nước” của Tản Đà, tôi cho rằng bài thơ này ca ngợi cuộc đời người đàn ông là phải có chí tang bồng hồ thỉ, chấp nhận phiêu bạt nay đây mai đó mà thỏa mộng giang hồ, ví như dòng nước lênh đênh trôi dạt khắp sông, thác, biển, hồ… Còn thân phận người phụ nữ phải sắt son một lòng, một dạ thủy chung như bến đợi, ga chờ. Bài thơ được viết theo lối đối thoại và được chia làm 2 phần: 12 câu đầu là nỗi lòng của người ở lại, dù mang tâm trạng bị bỏ rơi nhưng vẫn một lòng một dạ đợi chờ. 10 câu thơ sau là lời đính chính, vỗ về, và hứa hẹn của người đi.
Đang thả hồn chìm sâu vào quá khứ, bỗng dưng hôm nay tôi nhận ra một ý nghĩa khác của bài thơ này. Tôi giật mình, hơi phân vân nhưng lại tự nhủ, đúng sai không quan trọng, tôi đọc thơ người xưa, tôi hòa mình vào bài thơ và gửi gắm tâm tư mình vào bài thơ ấy. Tôi nghĩ thế nào thì trình bày thế nấy:
Ngay câu thơ đầu, “Nước non nặng một lời thề”, đã nhấn mạnh đến sự gắn bó chặt chẽ như keo sơn của “non” và “nước”. Trong câu này, “non” biểu tượng cho “đất”, là “lãnh thổ” cố định, không bị suy suyển, bào mòn bởi thời gian. “Nước” ám chỉ “người” sinh hoạt trên mảnh đất đó, bị đào thải bởi thời gian theo định luật sinh diệt, nghĩa là vật thể thay đổi (lưu động). “Lời thề” là định luật ràng buộc giữa “người” với “lãnh thổ”, là cái nguyên tố dựng ra một nước, gọi là Quốc Gia, hay Nhà Nước. Theo cụ Phạm Quỳnh: “Cái nguyên tố dựng ra một nước không phải chỉ ở thổ địa nhân dân mà thôi, cốt là ở cái ý nguyện chung của người ta muốn cùng nhau xum vầy sinh hoạt, cùng nhau cộng thích đồng hưu, nhìn về trước thời cùng nhau chung một cuộc lịch sử đề tạo gian nan, ngó về sau thời cùng nhau chung một lòng hy vọng vẻ vang rực rỡ; nói tóm lại là ở một cái mối vô hình nó ràng buộc người ta lại, làm thành một cái đoàn thể thiên nhiên mà bền chặt, trăm nghìn vạn mớ người cùng như một người, lâm thời có thể răm rắp đứng lên mà đối với sự ngoại hoạn. Cái mối vô hình ấy, tức là cái tinh thần lập quốc, tức gọi là quốc hồn”.
Câu thơ sau chỉ sự chia ly, cách biệt, “Nước đi, đi mãi, không về cùng non”, có nghĩa là mất nước mất rồi! Mất nước có thể hiểu theo nghĩa đen là quê hương đang bị đô hộ, dân tình điêu linh, khốn khổ, đang nai lưng làm nô lệ ngoại bang. Hay hiểu theo nghĩa bóng là ta mất đi cái nguyên tố dựng ra một nước, mất cái tinh thần lập quốc, tức mất cái quốc hồn.
Lời “nguyện nước thề non” ở câu 3 nghĩa là lời thề sông núi, là bổn phận con dân đối với Tổ Quốc, giống nòi: “Nước nhà lâm cơn bỉ/ Trách nhiệm gái trai chung”.
Nước mất thì nhà phải tan, câu 4 nói lên nỗi lòng người ở lại, tức là vật cố định không dời, là mảnh đất hình chữ S, là Mẹ Việt Nam, tiễn đàn con lên đường chiến đấu, mong dựng xây lại căn nhà đã bị đổ nát của Mẹ: “Nhớ lời “nguyện nước thề non”/ Nước đi chưa lại, non còn đứng không”.
Câu 5 và 6 diễn tả nỗi lo âu, thương nhớ, trông đợi ngày chiến thắng trở về: “Non cao những ngóng cùng trông/ Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày”.
Câu 7 và 8 nói lên sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian: “Xương mai một nắm hao gầy/ Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương”.
Thời gian càng tàn phá bao nhiêu, càng chứng tỏ niềm tự hào của tháng năm kiên cường trông đợi, là ý nghĩa câu 9 và 10: “Trời tây ngã bóng tà dương/ Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha”.
Câu 11: “Non cao tuổi vẫn chưa già”, nói lên cái bầu nhiệt huyết, lòng tự tin sắt đá của Mẹ Việt Nam, dẫu luôn lo âu, thương nhớ, khắc khoải, ngóng chờ…, nhưng Mẹ vững tin rằng những đứa con yêu của Mẹ sẽ diệt sạch lũ giặc hung tàn, mang công lý, tự do về tô bồi đất mẹ.
Câu 12 là lời nhắn nhủ ân tình, có ẩn chữ “chớ” nằm trong ấy: “Non thời nhớ nước, nước (chớ) mà quên non”.
Suy nghĩ đến đây thì tôi bị tịt ngòi. Có điều câu 16, “Nước đi ra bể lại mưa về nguồn”, khiến tôi liên tưởng tới chuyện vượt biên bằng thuyền hồi cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Khi ấy, những thuyền nhân được mệnh danh là boat people, đã bỏ lại tất cả và vội vã ra đi, họ chỉ đem theo được cái di sản văn hóa dân tộc héo mòn, cùng với hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ của Tổ Quốc trong tim. Không ai ra đi mà không nguyện với lòng, rằng cố gắng giữ gìn để mong ngày phục hoạt, bởi hơn ai hết, họ ý thức được rằng, mất đất còn tậu lại được, chứ mất cái giá trị tinh thần là văn hóa dân tộc và cái hồn thiêng Tổ Quốc rồi là kể như tiêu.
Phạm Khắc Trung