Những người lính đã lội qua dòng sông, bây giờ phải trở lại. Một người nói lớn: Thiếu úy, nước sâu quá, qua không được. Tiếng một người khác phụ theo. Sông gì mà ác ôn. Chỉ còn một gang tấc thì đến bờ, lại sâu như một cái giếng. Tao tưởng chết đuối rồi.
Người sĩ quan đứng bên này bờ, đã bỏ dây nịt đạn xuống đất cỏ. Anh nhìn dòng sông xanh lơ chảy dài dưới nắng chiều. Mặt sông bị lóa ở khúc giữa, nhưng hầu như đen thẫm ở hai bên bờ. Hàng cây cổ thụ, lẫn hàng tre cao nghệu, đan dầy đặc, che hẳn khung cảnh bên kia bờ. Nhưng anh có thể đoán biết bên đó, tình hình bắt đầu an ninh, khả quan vì anh đã nhận ra những cuộn khói bốc lên, cuống quít trong thinh không, hầu như hòa lẫn vào đám mây trắng sữa. Mặt trời đỏ lòm ở phía tây, thấp thoáng sau khoảng trống của đám lá. Anh cứ ngỡ mình bị thôi miên dưới màu sắc rực rỡ nhưng đầy buồn bã của một ngày. Bàn tay anh vuốt trên quần, táy máy phủi những cọng cỏ, cọng gai. Anh lại ngồi xuống, dựa lưng vào một gốc cây to, sần sùi nhưng đã chết cứng. Anh hỏi thằng lính truyền tin. Này Trí, báo tin Sơn Ca chưa… Này Trí, nói lại với ổng, khúc sông này nguy hiểm lắm. Hiện các đứa con của mình đang tìm cách vượt qua. Trí không đáp, ngẩng mặt nhìn lên bầu trời, theo dõi chiếc bà già đang lượn vòng. Hắn vẫn lắng nghe trong ống liên hợp, những mẩu âm thoại ngắn, cộc lốc từ các trung đội khác gởi về ban chỉ huy. Hắn bỏ mẩu thuốc xuống đế giầy, di mạnh.
Hắn nói: Thiếu-úy, Đại-úy sắp đến rồi đó. Ổng bảo chờ đó. Anh gật đầu, nói lớn cho đám lính ở dưới sông nghe: Tìm được chỗ cạn chưa… Lội vào bờ đi… Coi chừng bọn nó bắn tỉa… Lội vào bờ đi. Ở dưới sông, đám lính vẫn tiếp tục hò hét, tát nước, cười rộn rã. Anh nghe tiếng binh Hà vang lên: Đ.m., ướt em tôi rồi. Hắn nhái theo giọng cải lương, em ơi, ứ…ứ …ư…rồi… Đằng sau, tiếng nói của hạ sĩ Hổ: Làng này ngày xưa giầu lắm. Ôi chao, nội cái tiền bán lúa cũng đủ mua nhà lầu rồi. Tiếng nói của Hổ lẫn lộn một chút tiếc thương buồn rầu. Anh vẫn cúi mặt xuống, nhìn bản đồ bọc nhựa. Nhưng anh biết anh đang bùi ngùi trong một giây phút. Trên mặt giấy này, những xóm làng, những sông hồ, đồng ruộng trải dài chen chúc. Bây giờ, quê hương yêu dấu đó. Những nơi anh đi qua, anh đã dừng quân, đã lục soát, đã nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn ngủi, những nơi đó, bây giờ còn gì nữa? Buổi trưa, anh đã vô tình nghe tiếng gà gáy khi anh nằm dưới một gốc dừa, chợt anh cảm thấy xúc động lạ lùng. Giữa vùng đất chết, chỉ toàn những nền nhà vụn, những vách phèn lở lói, những bụi cỏ cao quá đầu người, những trái ớt dại đỏ thắm bên những giàn bầu giàn bí, trái bụ bẫm đến no lành, thì tiếng gà chợt gáy lên, trơ trọi, hun hút khiến anh phải đứng dậy, ngơ ngác, đánh hơi, gọi là một chút tiếc thương đầy nước mắt.
Hổ vẫn kể với mấy người bạn đang ngồi dựa lưng vào bờ đất đầy cỏ lau. Này, tao ở xóm trên, khi nãy bọn mày đi qua, chỗ có cái giếng tối thui đó… Chu cha, tao thề với bọn mày, nếu không có chiến tranh, thì nhà tao xếp hạng đầu trong làng này.
Dóc tổ hoài, cái mặt mày đi ăn mày không ai thèm cho, mà đòi làm giàu.
Anh chợt mỉm cười. Anh đứng dậy, cầm khẩu súng và dây nịt đạn khoác lên vai. Mùi cỏ ướt lẫn mùi đất phảng phất. Qua đám lau cao đen thẫm, chạy dài theo bờ sông, anh nhìn được ngôi trường làng dưới những nhánh hoa giấy đỏ. Một phần mái bị trốc, sụp đổ. Những cột bằng xi-măng bị đạn phá loang lổ… Anh nói với Trí: Sơn Ca đến chưa? Rồi anh quay lại, nói vọng: Coi đại úy đến chưa… bọn bây… Tiếng trung sĩ Nuôi át cả tiếng gió: Đến rồi, thiếu úy. Có cả trung đội hai nữa.
Anh nói to: “Sửa soạn poncho, bây. Làm phao…”
Trời bỗng đỏ rói. Mặt trời đã nằm trên đỉnh núi, tròn vo, sừng sững. Trung sĩ Tướng vừa lội vào bờ, lắc đầu: “Sâu lắm, thiếu úy. Cái kiểu này, tối mới về.” Quần áo của ông Tướng bị dầm dề nước sông. Ông phủi phành phạch bùn đất đã dính trên quần. Anh nói: “Ông Tướng, coi anh em làm phao đi… kẻo nó ngu, thì chết đuối, khổ mình lắm.” Anh gọi Tròn lại, này Tròn lấy poncho làm phao. Ráng cột cho chặt. Súng đạn bỏ vào cho cẩn thận. Tròn đáp dạ, rồi mở ba-lô lấy poncho. Hắn chửi thề: Đ.m. gần về rồi mà cũng mệt. Anh nhìn dáng nó như đứa em nuôi của anh. Cha mẹ nó đã chết. Hiện giờ nó chỉ có bà chị theo chồng sống ở một góc trời nào đó. Những lần nhìn hắn lủi thủi một mình trong trại, anh nghĩ đến mình mà tủi thân. Mỗi lần anh cho nó đi phép, nó cầm tờ giấy, lắc đầu tội nghiệp, em không biết đi đâu nữa. Nhà cửa thì bị phá tan rồi. Làng lại mất an ninh. Nghĩ đến đó, anh muốn ứa nước mắt. Anh bỗng gọi: Này Tròn.
Tròn quay đầu lại:
– Dạ, thiếu úy gọi em.
Anh cười:
– Cột được không, để tao cột cho.
– Được, thiếu úy.
Rồi Tròn lại tiếp tục loay hoay với công việc. Anh phì cười khi nhớ lại buổi trưa trong ấp vừa chiếm. Những trái ổi Tròn hái cho anh đã làm cho bụng anh sôi lên sùng sục. Anh vừa rên vừa ôm bụng. Những viên thuốc cũng không đủ làm cơn đau của anh lắng dịu. Hạ sĩ Tín, y tá trung đội, nói: Tại thiếu úy uống nước sông, lại ăn ổi sống. Anh vừa rên, thì Tròn lại nhảy lên cây ổi. Anh hét lên: “Xuống không. Cấm bọn bây hái. Nghe không.” Có lẽ tại vì cơn đau dữ dội đã làm anh nóng giận. Tròn nhảy xuống. Một chốc, nó lại trèo lên, cố gắng hái những trái ổi lớn. Anh mở mắt, hét: “Tròn, mày không nghe tao nói hả. Xuống đây…” Anh vùng đứng dậy, giận run cả người… Xuống đây. Anh vớ thanh tre la lên. Và khi Tròn sợ hãi đến bên, anh quất ba roi vào mông thằng xì dầu của anh. Cơn đau bụng của anh cũng tự nhiên bay đi mất… nó hết một cách lạ lùng và kỳ diệu. Anh cười khan. Tròn nghe anh cười cũng cười. Anh hỏi:
-Sao con nhỏ đó mày cua được chưa?
– Ngán lắm, thiếu úy. Nó đòi đi theo em.
Anh bật cười:
– Mày thật là tài. Còn tao, gặp đàn bà như gặp bà chúa. Không tài như mày đâu.
– Trời, em mà trổ tài, thì nó bán ruộng bán vườn theo em.
Anh lại cười:
– Bán ruộng, bán vườn theo mày để chết đói hả?
Bây giờ, dòng sông trở nên náo loạn đến cực độ. Những tiếng hét hò rộn rã lan khắp mặt sông rộng. Những người lính biết lội đang trổ tài dìu những người không biết lội qua khúc sông sâu. Vài người lính của một đại đội bạn đã đánh rơi súng xuống sông, khiến quang cảnh đã náo loạn càng náo loạn hơn. Buổi chiều đã sắp dứt chỉ còn những ánh nắng tàn tạ thoi thóp trên mặt sông. Con sông nhìn đến tít mắt. Càng xa, nó chẳng khác một dải lụa đen mượt, hiền từ. Phía trên, thấp thoáng một đồn lính đồng minh. Những hàng rào mập mờ bò từ dưới chân lên tận đỉnh. Vài người lính hét lên mừng rỡ. Đến phi trường rồi. Bọn bây ơi. Riêng anh, anh muốn nao nao. Niềm sung sướng rộn ràng trong cõi sâu của tâm hồn anh. Anh đứng dậy, bàn tay vẫy đồn binh. Trên cao, chiếc bà già thả trái khói vàng rồi vụt bay lên. Anh cười, nghĩ đến tên Vũ, đang ngồi trong phi cơ. Ngày mai chủ nhật, phải đón đường hắn, bắt đi nhậu rồi lột cái gương đen cao bồi của hắn cho bõ ghét. Ngày mai, anh tự mỉm cười. Những nàng con gái Sư-phạm từ nội trú tung cửa lồng, dập dìu trên các đường phố, trên các xe lam, trong các quán ăn. Những tà áo lụa thướt tha như những cánh bướm. Anh sẽ ngồi giấu trong một góc ở tiệm cà-phê, ngồi một mình, nhìn ra khung cửa kính có giăng màn mỏng. Đó là những hình bóng xa vời nhưng thật đẹp. Anh chỉ muốn như thế. Mỗi năm, một mùa con gái lại về trong thành phố, như mùa hoa muôn sắc từ bốn phương trời trở lại. Anh đứng dậy, tiến về thằng mang máy cho Sơn Ca: Yên, cho tao liên lạc với chiếc bà già. Danh hiệu nó là gì nhỉ, Bạch Tuyết hả?
*
Những bóng người mập mờ trên con đường đê nhỏ. Màu đất sẫm tối chạy dài và hòa lẫn trong một màu tối ở đồng ruộng xa xa. Mau lên… tiếng gọi giục giã trong máy, trời tối rồi. Anh cố gắng đuổi theo những người lính của mình. Họ vội vã; họ cuống quít. Họ đua nhau chạy trên con đường, như hy vọng được thấy lại mái nhà cũ, vợ con yêu dấu của họ sau bốn ngày lội. Họ làm anh luống cuống. Đôi chân của anh hình như tách rời ra khỏi thân thể, kéo lê dằng dặc, sền sệt trên đất. Bàn chân trở nên nhức nhối. Những hạt cát vô tình rớt trong giày trận khi anh lội qua suối cạn, đâm vào lòng bàn chân, tê điếng. Anh đi khấp khểnh. Anh cố gắng đi mau. Mau lên. Anh thở dốc. Những hạt cát vẫn đâm vào, hành hạ anh. Anh muốn ngồi xuống, từ từ tháo giày, trút những hạt cát chó đẻ. Khi anh vừa ngồi xuống, thì đám lính vượt qua, bỏ lại anh một khoảng cách xa. Anh chửi thề, rồi đứng dậy, tiếp tục nhón gót chạy theo. Mau lên. Tiếng súng từ một đồn canh vang lên rộn rã. Tròn quay lại, chờ: Mệt, thiếu úy? Anh lắc đầu: Ăn thua gì. Đ.m., mấy hột cát trời đánh thánh vật. Tròn nói: Thiếu úy đưa dây đạn cho em mang… Anh lắc đầu, chợt nhận ra mặt trăng đã lên từ lúc nào rồi. Màu sáng lấp loáng ở một nóc nhà lợp tôn. Chắc còn xa, phải không thiếu úy. Tròn hỏi. Ờ, còn xa… Anh trả lời thật khổ sở.
Mau lên…. Những chòm lá cao rũ xuống ở hai bên đường. Đồng mía chạy dài, xạc xào trong gió. Có những con dơi vụt bay lên. Anh thấy những đàn đom đóm lấp lánh trên hàng rào dâm bụt. Nhà đã đóng cửa. Anh bước qua, thất thểu, lạnh run. Anh chỉ mong đợi một điều. Đó là một ánh đèn. Một nguồn sáng nhỏ nhoi bên khung cửa. Một sự trìu mến mời gọi. Nó bơ vơ giữa cõi đêm, không, nó ở trong tận hồn của anh. Anh chỉ mong một ánh đèn… Những người lính cũng vậy. Mau lên, mau lên. Hỡi Hà, hỡi Trí, hỡi Hổ, Tròn, hỡi Y Sik, Nay Wang, Y Sim, ông Tướng, Dâng? Nó ở đâu, anh không biết. Hay đời anh là vậy. Anh tự dưng thèm một mái tóc đen bên khung cửa kính. Trong ánh điện vàng, em không biết anh ở ngoài bờ thành, nép vào dưới giàn hoa giấy, để nhìn trộm em. Em đang chải tóc. Mái tóc in trên khung kính mập mờ, bàn tay em dịu dàng vuốt từng sợi. Ánh đèn đó, em đã cất đi rồi. Em tắt vội vàng vì em có một giấc mộng vàng đêm nay.
*
Nơi dừng quân cuối cùng là bãi đất trước ngọn tháp Chàm. Sơn-ca đang liên lạc trong máy xin xe chở đại đội về hậu cứ. Anh ra lệnh trung đội, ba-lô súng đạn sắp thứ tự, rồi nghỉ ngơi… Còn anh, vất dây nịt đạn, khẩu M.16 xuống đất, vội vã cởi dây giày, tháo bít- tất, để tìm những hạt cát chó chết, nếu là một sinh vật, thì anh phải bằm ra từng khúc. Những hạt cát nhỏ nhắn, đang nằm trong lòng bàn tay, thật nghênh ngang, thách thức cùng anh. Anh vắt nước đôi bít-tất, rồi đưa lên mũi ngửi. Hình như đó là một thói quen của anh từ ngày vào lính. Anh cảm thấy quen thuộc với mùi vị nồng nặc của chúng. Rồi anh nằm xuống đất cỏ, duỗi hai chân từ từ, nghe gân cốt giãn ra, và cơn đau bí ẩn đang hành hạ nhẹ nhàng trong bắp thịt. Gió về đêm vi vu, lướt thướt trên mặt anh, tóc anh. Những người lính đã nhen một đống lửa, thắp bằng củi khô và giấy bìa cứng. Họ đứng quây quần xung quanh ngọn lửa. Những gương mặt bừng sáng. Những nụ cười tiếp tục vang lên. Hai tay họ phủ trên ngọn lửa và mỗi lúc, họ càng xáp vào gần hơn. Anh bỗng thấy vui lây. Dù sao bốn ngày hành quân, đơn vị cũng được vô sự. Nếu chẳng may, một vài kẻ nằm xuống, chắc ngọn lửa này là ngọn lửa tưởng niệm rồi. Ngọn tháp buồn bã ở trên gò cao. Màu gạch vàng sậm, mốc meo, đang chứng kiến một đoàn quân trở về, mà anh cứ ngỡ đôi mắt của mẹ anh đang đọng buồn trên đó.
Anh đứng lặng lẽ, hai bàn tay co ro sưởi ấm. Trung sĩ Dâng nói: “Ông biết tháp này là tháp gì không?” Anh lắc đầu. Hắn nói nhỏ đi: “Mình đang đứng trước thành Đồ-bàn đấy, thiếu úy.”
Có những đốm sao hiện lung linh trên nóc tháp và anh nghe được tiếng gió hú não nùng lê thê.
Trần Hoài Thư
(Văn 132)
(truyện ngắn thời chiến trg 370-376)