Đám cưới tổ chức trong căn phòng rộng trên lầu cao chót của nhà hàng Majestic. Giữa phòng mấy chục chiếc bàn phủ khăn vải trắng tinh. Trên bàn những đóa hồng đỏ thắm cắm trong những lọ thủy tinh cổ cao. Cạnh mỗi bình hoa là một liễn pha lê đựng rượu sanglia màu đỏ bordeaux có lẫn những lát cam, táo, nho màu vàng, xanh. Một người đàn ông hầu bàn mặc đồng phục thắt nơ đen bê chiếc bình giỏ mây lớn đựng rượu chát rót thêm rượu vào liễn. Trừ những người già ngồi ghế cùng với đám phụ nữ đa số những người đàn ông đứng tụm lại nói chuyện, trên tay mỗi người một cốc rượu vang. Lúc đó thực khách đã đến đông đủ và bữa tiệc cưới sắp bắt đầu. Ánh đèn lộng lẫy từ những chùm đèn pha lê ở trên trần cao toả xuống căn phòng của nhà hàng màu đỏ rực rỡ của tấm thảm sàn và của các bức màn nhung ở chung quanh.
Có tiếng gõ gõ vào micro tiếng testing một, hai, ba rồi tiếng giới thiệu cô dâu chú rể và song thân. Bốn người bước lên bục. Ngoài cô dâu chú rể hai người đàn bà được giới thiệu là những người mẹ của dâu rể. Người ta có thể thấy ngay được sự chênh lệch về tuổi tác hai bên nhà gái và nhà trai. Cô vợ nom trẻ măng so với người chồng mà bà mẹ của cô lại càng trẻ hơn so với bà mẹ chàng rể. Ở một bàn ăn gồm những thực khách đứng tuổi, hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí vẫy người anh của chú rể lại gần. Người ấy cúi xuống. Ông Trí hỏi nhỏ vào tai: “Ông Nguyễn Xuân Thực đâu không thấy ở đây?” Hỏi xong họa sĩ giơ tấm thiệp cưới có ghi bà quả phụ Nguyễn Tường Tam ở một bên và bên kia là ông bà Nguyễn Xuân Thực. Người anh của chú rể trả lời: “Ông Thực còn ở ngoài Bắc. Năm năm tư ông chọn ở lại Hà Nội. Bà Thực một mình dẫn theo bốn đứa con nhỏ đi Hải Phòng theo đoàn người di cư lên tàu vào Nam.”
Thực khách ở những bàn tiệc phía cuối phòng có thể nhìn thấy màn đêm đen của thành phố Sài Gòn qua một tấm cửa kính thật lớn. Cuối bữa ăn một vài người đàn ông tay cầm cốc rượu rời bàn đứng sát cửa sổ nhìn ra phía ngoài. Từ trên từng cao của nhà hàng khách sạn dưới đường Bạch Đằng những chiếc taxi nhỏ như món đồ chơi êm êm chạy trên mặt nhựa. Trên sông Sài Gòn dăm ba nhà hàng nổi tỏa rực ánh đèn. Giữa dòng hai chiếc chiến hạm nằm im lìm đậu. Bên kia sông bóng tối mênh mang của vùng trời Thủ Thiêm. Nơi đó ở chân trời lâu lâu lóe sáng một trái hỏa châu vàng rực. Ánh vàng nở ra rồi lụi vào bóng đêm. Đêm đó mồng 7 tháng giêng năm 1973.
*
- Thái Vân nó nói ông Nguyễn Gia Trí có nhắc đến bố...
- Vâng, ngay trong ngày cưới của chúng con...
- Vậy hả? Trong ngày cưới?
- Vâng, thế mà đã 25 năm rồi đó bố!
- Thế hả con! Ông ấy còn nhớ đến bố? Bố là học trò của ông ấy...
Đó là một buổi sáng vào đầu mùa thu của Hà Nội năm 1998. Bố Thực đã nói với tôi như thế. Câu chuyện tôi kể đây ghi nhớ lần sau cùng tôi đi dạo hồ Gươm với ông. Lúc ấy chúng tôi vừa bước vào cầu Thê Húc. Hai người ngừng lại ở đầu cầu. Sau một cái bàn gỗ là một cô bé bán vé vào đền Ngọc Sơn. Tôi nói với cô bé: “Cô bán cho tôi hai vé.” Cô ngước nhìn chúng tôi, xé hai cái vé có màu khác nhau, đưa tôi: “Chú cho cháu hai mươi nhăm nghìn. Vé của cụ năm nghìn. Vé chú hai chục” – “Ơ kìa, sao lạ vậy? Lại có đến hai cái giá khác nhau?” – “Vé hai chục nghìn cho người nước ngoài mà chú...” – “Tôi, người nước ngoài? Tôi ở Sài Gòn mới ra mà...” Cô bé nhìn tôi tinh quái rồi cô cười ngoặt nghẽo: “Chú mà không phải người nước ngoài thì cháu cứ mà chết ngay đấy!” Tôi vội vàng chìa cho cô ta tờ giấy năm chục ngàn: “Thôi! Cô ơi! Cô bán cho tôi đi! Cô thề thốt thế tôi nghe mệt quá!”
Chúng tôi bước lên cầu. Cầu Thê Húc nước sơn mới đỏ tươi. Du khách từng đám đứng tựa lưng vào thành cầu chụp ảnh. Một ông thợ hướng ống kính về phía một cặp du khách ngoại quốc liền bị xua tay. Ông ta tính hướng máy về phía chúng tôi nhưng thất vọng ngay khi thấy trên vai tôi đeo một máy ảnh trông cũng hiện đại không thua máy của ông ta. Tôi đứng sát thành cầu nhìn xuống dưới. Mặt hồ dưới chỗ rợp bóng cầu nước thẫm lại. Một nhà văn nào của Hà Nội đã ví màu nước xanh của hồ Gươm như màu một bát nước canh rau muống. Quả đúng thế! Nhìn xa dưới ánh nắng thu mặt hồ nhạt như màu một bát nước rau đã được vắt thêm chanh, ngả sang màu vàng lục.
Tôi chặn một thanh niên nhờ chụp bức ảnh hai bố con đứng trên cầu rồi chúng tôi vào đền Ngọc Sơn. Hai người đi bọc con đường nhỏ ở ven đảo vòng phía sau đền. Gần năm mươi năm trước thằng bé mười tuổi là tôi vẫn đi con đường này tìm đến cây si già cuối đảo. Thân cây si uốn còng xuống bờ nước. Những ngày xa xưa ấy những ngày tháng hạ tôi trốn cơn nóng kinh hồn của Hà Nội tìm đến vùng mát rượi này của bóng cây si leo ngồi vắt vẻo trên cành, thò hai chân khoắng nước, ăn những quả nhãn và ném hột xuống hồ. Bây giờ cây si đó vẫn còn nguyên. Tôi nhìn những nhánh si xòe lan trên nước, những giây rễ chi chít buông cắm mặt hồ, nói với ông Thực: “Hồi còn bé con hay ngồi trên những nhánh cây này. Thế mà đã gần năm mươi năm qua. Bao nhiêu là thay đổi. Chỉ có cây si này vẫn thế” Bố Thực nói: “Bố cũng như con. Lần cuối cùng bố vào đền Ngọc Sơn dễ cũng đã năm mươi năm rồi. Hồi đó bố vào đây để vẽ...”. Ngạc nhiên tôi hỏi: “Sao lạ vậy bố? Bố ở ngay Hà Nội mà từ ngày ấy bố cũng chưa trở lại đây?” Ông Thực nhìn xa về phía tháp rùa. Giọng nói của ông trầm xuống: “Từ ngày mẹ con vào Nam, bố chả đi đâu cả. Bố chỉ đi quanh quẩn trong làng...”
Làng đó xưa kia là làng Hoàng Mai bây giờ thuộc quận Hai Bà Trưng vùng ngoại ô Hà Nội. Từ ngày đất nước chia đôi ông Thực ở vậy. Ông ở một mình một gian rất nhỏ trong nhà của bác Nghĩa, người chị ruột của ông và sinh sống lây lất bằng nghề vẽ và kiến trúc, cái nghề mà trong suốt thời chiến tranh nó chỉ thỏa được trái tim ông chứ không thể nuôi nổi ông dù chỉ là một đời khiêm tốn. Lần trước trở về Việt Nam xe taxi đưa vợ chồng tôi đến căn nhà đó. Khi xe đi qua Chợ Mơ trên đường Trương Định nhà tôi bỗng nắm chặt lấy tay tôi: “Cả đời em, em ao ước được gặp bố... Thế mà bây giờ sắp gặp em lại thấy ngại ngùng sao ấy... Em chả có gì để nói với bố cả...” Câu nói của nhà tôi khiến tôi chợt nhớ đến hàng chữ ông Thực viết ở mặt sau một tấm ảnh ông gửi cho con gái đã lâu lắm. Những lời ngắn ngủi này đã nói lên hết. Gửi Thái Vân. Cái người này 20 năm xưa là Bố của Thái Vân đây... 20 năm qua, hình ảnh xưa đã mờ, mà nước mắt đã cạn... Bố gửi con mà lòng rỗng không. Không còn gì nói với con nữa... Nguyễn Xuân Thực. Hoàng Mai, ngày 9 tháng Tám 1975. Xe đến phường Hoàng Văn Thụ rẽ vào một con đường rất nhỏ chỉ lọt vừa một chiếc ô-tô. Đi sâu vào làng chừng nửa cây số xe dừng lại gần chợ Hoàng Mai. Chú tài xế nói: “Cô chú xuống đây. Xe không vào được nữa. Cô chú đi bộ chừng trăm thước là tới.” Chúng tôi đi theo một con đường hẹp ngoắt ngoéo dò tìm số nhà bác Nghĩa. Tổ 20 số nhà 172. Địa chỉ này tôi thuộc nằm lòng vì từ 20 năm qua tôi đã gửi không biết bao nhiêu lá thư của nhà tôi đến đó. Căn nhà có cổng sắt, sau một vườn cây là mái ngói rêu của một căn nhà gạch cũ ba gian. Bác Nghĩa ra mở cửa. Năm đó bác đã trên 80 nhưng còn khỏe mạnh và tinh tường lắm. Bác rót nước chúng tôi uống và nói là bố Thực đi dạo trong làng chắc cũng sắp về. Bác nói là sáng nào bố Thực cũng phải đi bộ một tiếng đồng hồ. Trong khi nhà tôi nói chuyện với bác Nghĩa tôi nhìn qua cửa sổ khu vườn cây. Trên một cây ổi một con bé xinh xắn ngồi vắt vẻo trên cành dương mắt tò mò nhìn chúng tôi (sau này tôi biết đó là con bé Phương Mai, cháu của nhà tôi, leo lên cây cao để nhìn trộm người cô vừa mới từ một hành tinh khác lạc về). Trong sân nắng, treo dưới cành ổi là mấy giỏ lan. Giữa hai gốc cây căng mấy sợi thép phơi quần áo. Dưới sân một con gà đi quanh quẩn bên giếng nước. Không khí yên bình quá. Thoáng trong một giây tôi cảm giác như một rung động hết sức nhẹ nhàng. Chính ở nơi này trong cái khung cảnh êm đềm này mà bố Thực của tôi đã gửi trọn vẹn cuộc đời. Chờ mãi một giờ đồng hồ vẫn không thấy bố Thực về, nhà tôi hỏi bác Nghĩa: “Thưa bác, bố cháu có biết hôm nay chúng con đến không?” – “Biết chứ sao lại không biết! Cả tháng nay biết tin ngày nào ông ấy cũng như ngồi trên lửa... Cái ông này làm sao ấy! Sáng nay ông còn nói sẽ về sớm vì ông biết mấy giờ con và anh Thiết sẽ đến. Thế là cái ông này đi trốn rồi...Ôi gàn ơi là gàn!” Tôi lại nhìn ra ngoài vườn. Ông Thực lúc này chắc đang đi lang thang trên con đường làng cố tình kéo dài cái giờ phút gặp gỡ chỉ cốt để hưởng thêm cái thú đợi chờ đớn đau mà trong bao năm qua nó đã trở thành thói quen trong tim ông. Chờ thêm nửa giờ nữa khi mà nhà tôi đã sốt ruột nghĩ đến chuyện đi vào làng tìm bố thì có tiếng mở cửa sắt. Ông Thực bước vào vườn cây. Người ông cao, ông bận quần đùi, áo dài tay bỏ ngoài quần, đầu đội mũ lưỡi trai, một chùm râu bạc dưới cằm. Nhà tôi chạy ra đón ông. Tôi vội đưa cao máy ảnh. Qua song cửa sổ, dưới bóng xanh cây ổi, ống kính thu hình hai bố con – sau 42 năm xa cách – lặng lẽ ôm nhau.
“Thái Vân nó ốm hả con?” – “Vâng, nhà con mệt nằm nghỉ ở khách sạn. Chúng con vừa đi du ngoạn Trung Quốc. Từ Hồng Kông thay vì trở về Mỹ chúng con bay về Hà Nội ở thêm một tuần. Sáng nay nhà con kêu mệt nhưng cứ đòi con đưa bố đi dạo hồ.” Chúng tôi bước lên bực đá vào trong đền. Ngay phía trước đền một đám đông du khách đứng tụ quanh một hộp kính dầy có trưng một con rùa đen bóng cực lớn. Mặt kính lóe sáng từng chặp dưới ánh flask từ những chiếc máy ảnh của du khách ngoại quốc. Tôi nghe hướng dẫn viên du lịch giải thích bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp về lịch sử của con rùa và giải thích vì sao hồ này được gọi là Hồ Gươm (Sword Lake). Chúng tôi tham quan đền một lát rồi trở ra. Trông bố Thực đã có vẻ mệt. Chúng tôi ngồi nghỉ trên một bệ đá trước đền, dưới bóng cây mát. Dọc theo bệ đá những cây sứ trồng trong chậu sành trổ hoa trắng. Dưới một cây sứ trên sàn đá hai người đàn ông ngồi bó gối trước một bàn cờ tướng. Tôi móc trong túi bao thuốc lá Malboro đưa mời bố Thực: “Ở phi trường Hồng Kông chờ chuyển máy bay Thái Vân có mua tặng bố một bịch thuốc lá Mỹ. Lần trước về chúng con biết bố hút thuốc. Nhà con dặn là nếu bố đã bỏ thuốc rồi thì bịch thuốc sẽ dùng để biếu người khác. Sáng nay con không thấy bố hút nên không biết là bố đã bỏ thuốc lá chưa?” Bố Thực đón điếu thuốc với cả hai bàn tay run run. Gương mặt ông tươi hẳn lên. Tôi đánh que diêm. Ông bặm điếu thuốc, thở khói, thẫn thờ một lát, rồi ngửng lên nhìn tôi. Lần đầu tiên từ sáng hôm nay tôi mới thấy ánh mắt ông lóe được một tia vui. Đúng lúc ấy ông lặp lại câu ông đã nói:
- Thái Vân nó nói là ông Nguyễn Gia Trí có nhắc đến bố...
- Vâng, ngay trong ngày cưới của chúng con... Bố là học trò của ông Trí?
- Lâu lắm rồi con ạ. Từ những năm đầu thập niên 40, cái thời trường còn là l’Ecole des Beaux-Arts de l’Indochine. Bố chỉ phục có hai họa sĩ là ông Nguyễn Gia Trí và ông Tô Ngọc Vân. Thế ông Trí sau này ra sao?
Tôi biết bác Trí từ ngày tôi còn bé, từ những năm đầu của thập niên 50 ở Sài Gòn trước hiệp định Genève chia đôi đất nước. Bác Trí thường lại thăm cha tôi. Hồi đó bố con tôi còn ở nhờ nhà bác Nguyễn Tường Thụy, căn nhà mang số 12P đường Chasseloup-Laubat Sài Gòn. Bác giúp cha tôi trình bày mẫu bìa các cuốn truyện của Tự Lực Văn Đoàn qua nghệ thuật cắt và dán giấy màu của bác (tôi còn giữ được một số mẫu bìa này cho đến tận ngày nay). Chúng tôi – những người con của bác Thụy và tôi – biết bác nhưng không thân vì bác có vẻ nghiêm không thích đùa với trẻ con. Nhưng có một lần chúng tôi nhớ mãi. Đó là một ngày bác Trí và cha tôi tổ chức một cuộc thi vẽ cho bọn nhóc tì chúng tôi. Bác Thụy có rất nhiều con nên đám họa sĩ thiếu nhi tham dự cũng khá đông. Tôi nhớ hôm đó tôi vẽ rất là hồ hởi. Tôi thè cả lưỡi ra để tô màu thế mà bác Trí lại loại ngay bức của tôi ở vòng đầu có tức không chứ! Bác chấm tranh của anh Nguyễn Tường Vũ tôi nhất (sau này anh Vũ được cha tôi mời vẽ trong báo nguyệt san Văn Hoá Ngày Nay). Mãi sau tôi mới được cha tôi giải thích là bác Trí chỉ nhìn thoáng cái nét vẽ có mạnh tay hay không mà cho điểm, không cần biết đến cái công tô màu công phu của tôi. Nét vẽ của tôi rụt rè và chân phương quá không triển vọng trở thành họa sĩ khá được. Sau này lớn lên tôi ít gặp bác. Mấy năm tôi ở Đà Lạt với cha tôi, tôi cũng không thấy bác Trí lại chơi. Rồi cái chết của cha tôi năm 1963. Chính bác Trí là người đã vẽ kiểu và kiến trúc ngôi mộ cha tôi xây ở nghĩa trang chùa Giác Minh Gò Vấp. Mộ có cái bia phía trên cong lên bốn phía như một mái chùa. Bác Trí cũng là người đã phóng vẽ một bức tranh cực lớn (phác lại bức chân dung Nhất Linh mà bác đã vẽ 12 năm trước) dùng trong lễ truy điệu cha tôi ở vườn Tao Đàn đầu năm 1964. Mười năm sau ngày cha tôi mất, năm 1973, lần đầu tiên tôi đến nhà bác trong một cái ngõ cụt rất yên tĩnh ở đường Công Lý. Cũng là lần đầu tôi nói chuyện với bác trong tư thế một người đã trưởng thành. Tôi nhờ bác vẽ bìa cho cuốn tiểu thuyết Xóm Cầu Mới của cha tôi sắp xuất bản. Cố nhiên là bác sốt sắng nhận lời. Ngay từ năm 1949 ở Hương Cảng bác đã ở bên cạnh cha tôi chứng kiến những ngày cha tôi miệt mài ngồi viết bản thảo cuốn truyện này trong căn nhà hang đá ở trên núi Sường Châu. Mẫu bìa là một bức vẽ cô Mùi bên cạnh chiếc cầu gỗ dưới bóng cây đa. Hôm đó lần đầu tiên tôi thấy mặt cả bác Trí gái. Bác gái trẻ hơn bác trai rất nhiều và có khuôn mặt thanh tú. Bác gái nhai trầu bỏm bẻm. Tôi lấy làm lạ vì ở trong Nam tôi không thấy ai còn trẻ như bác mà lại ăn trầu. Tôi cũng đi thăm phòng tranh sơn mài của bác trai. Trong lúc thăm phòng tranh bác Trí chỉ vào một bức sơn mài bác vừa vẽ xong, hỏi tôi: “Cháu thử nhìn bức này và nói cho bác biết nó gây cho cháu ấn tượng gì?” Đó là bức vẽ một cây đa đứng trơ trụi trên cánh đồng dưới bầu trời một màu xám xịt. Tôi trả lời bác: “Nó cho cháu ấn tượng một sự chờ đợi. Như thể một cái gì sắp sửa xẩy đến.” Bác nói: “Cháu nghĩ đúng. Cái sắp sửa đến là một cơn giông. Bức tranh rất tĩnh nhưng nó báo hiệu một cái rất động.”
Kể xong những gì tôi nhớ được về bác Trí, tôi nói với bố Thực: “Lần xem tranh đó cũng là lần cuối cùng con gặp bác Trí. Năm 1993 bác mất báo chí Việt ngữ ở nước ngoài có đăng tin con mới biết.” Rồi tôi nói tiếp: “Bố chắc là phải biết họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường? Ở bên đó con có quen thân các con của bác Cát Tường. Một người con trai của bác là anh Nguyễn Tất Đạt có kể cho con biết một số giai thoại lý thú về họa sĩ Nguyễn Gia Trí.” Trong lúc tôi nói, ông Thực đứng lên làm mấy cử động thư giãn gân cốt rồi ông lại ngồi xuống bệ đá, hai bàn tay ông nắm lại đập đập nhẹ nhẹ vào hai đầu gối. Tôi móc bao thuốc trong túi, kéo một điếu thứ hai lòi khỏi bao rồi đưa mời ông. Bố Thực xua tay. Tôi nhét nguyên bao thuốc Malboro và hộp diêm vào túi áo trên của ông: “Phải đấy! Bố cũng không nên hút nhiều. Một ngày bố chỉ nên hút đúng hai điếu thôi.” Bố Thực nhìn xa về phía Tràng Tiền. Bên kia hồ cuối tầm nước xanh thoáng qua hàng cây là những đốm sáng ngấp nháy của đoàn xe cộ nối đuôi bò như đàn kiến. Ánh nắng phản chiếu trên kính của đoàn xe ở tít xa lóe những chấm sáng li ti. Tiếng ông Thực bên tai tôi: “Giai thoại gì? Kể cho bố nghe đi...”
Tôi kể cho bố Thực rằng qua anh Đạt tôi biết họa sĩ Nguyễn Gia Trí là một người con rất có hiếu. Cho đến năm 47 tuổi họa sĩ Trí vẫn còn sống độc thân. Trước khi thân mẫu ông Trí qua đời, cụ có ngỏ với bà họa sĩ Cát Tường mong ước được thấy ông Trí lập gia đình trước khi cụ nhắm mắt. Niềm mong ước này của cụ đã được toại nguyện. Bà Cát Tường giới thiệu người em họ của mình tên là Nguyễn Thị Kim với ông Trí và hôn lễ sau đó diễn ra nhanh chóng. Bà Kim trẻ hơn ông Trí những hai mươi tuổi. Hai vợ chồng ông Trí ăn ở với nhau không có con. Sau này ông bà có một người con trai, đó là con nuôi, tên là Nguyễn Gia Tuệ. Vào khoảng những năm cuối thập niên 50, ông Nguyễn Gia Trí có vẽ nhiều bức tranh sơn mài thật lớn theo đơn đặt hàng của Phủ Tổng Thống. Những bức tranh này được trang trí trên tường trong phòng khánh tiết của Phủ. Một số tranh sau này được trưng ở Thư Viện Quốc Gia đường Gia Long. Tất cả những bức tranh đó ngày nay trở thành quốc bảo. Anh Đạt cho tôi biết theo lời kể của người cô của anh là bà Kim thì trước đó ông Trí có nhận được giấy của tổng thống Ngô Đình Diệm mời vào dinh nói chuyện. Một buổi sáng ông Nguyễn Gia Trí đạp xe đạp đến dinh Độc Lập. Đến đường Gia Long, ngay sát cổng hông của dinh, ông dựng chiếc xe đạp dưới gốc cây me. Một người lính gác xua tay đuổi ông đi. Họa sĩ liền móc trong túi ra và đưa tấm giấy mời của tổng thống. Nhân viên kiểm soát nhìn đi nhìn lại tấm giấy mời, lại nhìn người khách kỳ lạ ăn bận complet đeo cà vạt đàng hoàng mà lại cưỡi xe đạp, rồi nhấc điện thoại gọi vào dinh để xin xác nhận. Văn phòng đổng lý cử nhân viên ra cổng đón ông Trí vào. Đi bộ được một đoạn, sực nhớ ra cái xe đạp, ông Trí sợ mất xe, đòi mang xe cất vào phía trong. Nhân viên ấy nói cứ để đấy không ai lấy đâu mà sợ. Họa sĩ đáp lại: “Cái xe đạp ấy tôi quí lắm. Nếu ông không cho tôi mang xe đạp vào cất bên trong thì tôi đi về.” Nói xong ông Trí quay trở ra thật. Người ấy vội vàng đi theo ông trở ra sai người lính mang xe đạp của ông Trí cất tận phía trong cổng. Trong cuộc gặp gỡ ấy họa sĩ Trí yêu cầu tổng thống Diệm ứng trước cho ông một ngân khoản để họa sĩ thực hiện hai chuyến bay: bay ra Huế chụp bức ảnh chùa Thiên Mụ và bay đi Nhật Bản để mua vật liệu vẽ. Sau chuyến đi Nhật Bản về xưởng vẽ của ông ở tư gia đường Công Lý được tân trang. Kể xong câu chuyện đó tôi ngừng lại một lát rồi kể tiếp cho bố Thực nghe một giai thoại khác. Năm 1959, một bữa bà cố vấn Ngô Đình Nhu đi xe có lính hộ tống ghé xưởng tranh của họa sĩ Trí. Bà muốn thửa cho riêng bà một bức sơn mài có vẽ năm cô thiếu nữ trong vườn. Ông Trí nhận lời vẽ và hẹn bốn tháng sau bà trở lại lấy tranh. Trước khi về bà Nhu hỏi ông về giá cả. Ông Trí trả lời: “Tôi chỉ nói chuyện nghệ thuật. Chuyện tiền nong xin bà sang phòng bên nói chuyện với nhà tôi.” Bà Nhu sang phòng bên cạnh gặp bà Kim và được trả lời thẳng thừng: “Cứ tính theo mét vuông mà thành tiền. Thưa bà, tôi tính mỗi mét vuông một triệu đồng.” Mấy tháng sau, tuy chưa đến ngày hẹn lấy, có lẽ nóng ruột muốn xem trước bức tranh, một bữa bà Nhu bất thần ghé phòng tranh. Ông Trí hướng dẫn bà đến chỗ bức vẽ năm cô thiếu nữ. Bà Nhu ngắm bức tranh vẽ dang dở, đề nghị sửa đổi cánh tay của một thiếu nữ, thay vì cánh tay đưa lên thì bà muốn nó hạ xuống, đại khái thế. Họa sĩ chắc trong bụng rất bực, nhưng ông chỉ nhẹ nhàng nói mỉa: “Nếu bà không thích bức này thì tôi sẽ để cho người khác. Tôi khuyên bà nên đến xưởng tranh sơn mài Thành Lễ ở Thủ Dầu Một. Họ sẽ vẽ theo đúng ý của bà.” Bà Nhu nín thinh ra về. Đến cổng nghĩ sao bà trở lại hỏi bức tranh đó bao giờ vẽ xong. Ông Trí nói khi nào xong ông sẽ báo cho bà biết.
Có tiếng đập mạnh con cờ xuống sàn đá rồi tiếng cười ha hả. Bên cạnh chúng tôi bàn cờ tướng lúc này đã có thêm mấy người đứng xem. Người đàn ông chơi cờ đứng dậy vươn vai. Người ngồi bó gối ngửng đầu nói to như phân bua với mọi người: “Chơi thế chó nào được nữa! Còn độc có một con ngựa già này...” Bố Thực cũng đứng dậy vươn vai. Chúng tôi chầm chậm đi về phía cầu Thê Húc. Vừa đi tôi vừa nói với bố Thực: “Bố chắc phải là một người học trò đặc biệt của bác Trí nên 30 năm sau mà bác còn nhớ tên. Bố có nhớ không? Mấy năm trước bố có gửi chúng con một bức hí họa của bố, bố vẽ ông tổng thống Bush và ứng cử viên Clinton trong mùa tranh cử tổng thống Mỹ năm 1992. Xem bức vẽ chúng con phục bố quá! Bố ngồi tít ở làng Hoàng Mai mà sao bố biết được chuyện ở bên Mỹ còn rõ hơn là chúng con ở bên đó!” – “Bố ngồi buồn thì cũng vẽ vớ vẩn cho đỡ buồn thôi... Cái thời bố mê vẽ nó xa lắm rồi con ạ...” Ông Thực ngừng lại. Óc tôi lại trở về làng Hoàng Mai. Bố Thực buông nhà tôi ra. Ông cầm lấy bàn tay con gái, cái bàn tay mà lần cuối ông cầm còn bé xíu, bàn tay của một con bé ba tuổi. Hai người bước lên bực tam cấp vào gian phòng bên cạnh. Tôi cầm máy ảnh sang phòng bên chào ông bố vợ. Ông ôm lấy tôi. Rồi ông ẩy tôi ra ưỡn người phía sau nhắm tôi nói trông tôi béo hơn là trong bức ảnh chúng tôi gửi ông mấy năm trước. Lát sau, trong lúc bố Thực và nhà tôi nói chuyện tôi đưa mắt nhìn khắp cái thế giới nhỏ bé nơi ông đã sống. Căn phòng hẹp và hơi tối, nền đất, tường không quét vôi, nom còn rõ nguyên từng viên gạch. Một cái giường gỗ thấp ở mé phải rải chiếu. Bên trái sát tường kê một tủ kính cũ kỹ, trong tủ là tạp chí, sách báo, sách ta, sách tây, sách tiếng Pháp, tiếng Anh... Tôi hiểu ra là từ căn phòng bé tí ấy, chỉ qua sách báo, ông Thực đã phóng tầm mắt nhìn hết cả thế giới bên ngoài. Tôi cũng sực nhớ ra lời than phiền của người cháu ông là trong bao nhiêu năm tiền chúng tôi gửi về để giúp ông, ông chỉ tiêu vào mỗi một việc là mua sách.
“Hồi đó bố hay rủ chú Kỳ về làng Hoàng Mai để vẽ cảnh...” Bố Thực tiếp tục. “Hồi đó chú Kỳ là bạn vẽ của bố cùng học trường Mỹ Thuật. Chú Kỳ là con của ông Nguyễn Văn Vĩnh và là anh của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Chú để tâm đến vẽ cảnh thì ít mà để ý đến cô em gái của bố thì nhiều. Bây giờ chú Kỳ là em rể bố...” Tôi nói: “Thỉnh thoảng con vẫn nghe mẹ nhắc đến chuyện ấy... Hóa ra nhà con có liên hệ với ông Nguyễn Văn Vĩnh. Ba con ở dưới suối vàng mà biết được chuyện này chắc là ông sẽ cười lắm. Ờ... mà con nghe nói cô Chung vợ chú Kỳ ngày xưa đẹp lắm phải không. Chả thế mà mẹ vẫn bảo cô Chung giống y như là nữ minh tinh màn bạc Dorothy Lamour. Còn mẹ con nữa. Ngày xưa cũng đẹp lắm... Mà sao bố lại quen được mẹ con nhỉ?” – “Bố gặp mẹ trong một ban kịch của thanh niên... Ngày ấy...”
Ông Thực tự nhiên bỏ lửng câu nói. Tôi chờ đợi ông nói tiếp nhưng ông chỉ im lặng. Lát sau, ông đứng dừng lại, một tay ông vịn vào một nhánh cây thấp ở gần, tay kia ông đưa lên chặn ngực. Thốt nhiên tôi cảm nhận được nỗi đớn đau trong tim ông như thể câu ông vừa thốt ra đã đụng đến một vết thương cũ không bao giờ lành. Đưa tay chặn ngực vô tình ông Thực đụng bao thuốc lá ở túi áo trên. Sực nhớ ra tay ông lẩy bẩy móc ra cái bao và đánh mãi que diêm mới châm được điếu thuốc. Thở khói, ông Thực nhìn về phía cuối hồ nơi chân trời xa của riêng ông... Có lẽ ông nhớ đến người vợ đã sống với ông một thời xa xưa nào đó, thời mà vợ ông còn trẻ và đẹp nổi tiếng làng Quỳnh Lôi... Mùa thu Hà Nội đầu tiên của một đất nước thống nhất, với tuổi đời đã gần sáu mươi, ông Thực đã gửi vào Nam cho bà những dòng tha thiết sau đây: Từ cái đỉnh cao của tuổi tác, anh nhìn suốt chân trời xa của dĩ vãng... vẫn cái nhìn tha thiết của anh xưa mong em... qua sương mù của thời gian... cái nhìn xứ Bắc gọi em... cái nhìn xứ Bắc chờ em...(22 tháng 8 năm 1975). Về hướng ấy... tôi cũng đưa mắt nhìn theo.
Cuối tầm mắt tôi là khung cảnh của một con hồ khác của Hà Nội. Khung cảnh của một buổi chiều mấy năm về trước, hình như nó xẩy ra ngay sau cái hôm mà lần đầu tiên nhà tôi gặp lại bố Thực ở làng Hoàng Mai. Tôi nắm tay Thái Vân bước qua cầu vào tòa bát giác nằm trên một hòn đảo nhỏ chính giữa hồ Bẩy Mẫu. Đang đi nhà tôi bỗng rụt tay về, chậm bước lại. Nàng nói với tôi: “Em phải sống xa bố từ bé... Có những lúc em thấy buồn vì mình không có bố. Nay gặp bố em lại càng buồn hơn nhưng lần này em buồn vì thấy bố trong bao nhiêu năm sống đơn độc thui thủi một mình. Có lẽ trong bất cứ một mối liên hệ tình cảm nào mọi sự chia cách đều tạo nên nỗi đau buồn mất mát cho cả hai phía...” Tôi biết cái đau buồn đó nó ám ảnh nhà tôi rất nhiều. Hơn hai mươi năm trước nhà tôi bồng bế con ra đi không có tôi bên cạnh. Sau này gặp nhau lại trên đất Mỹ nhà tôi kể lại rằng sau khi nghe máy phóng thanh loan tin nước mất, nàng phải rời trại Anderson của đảo Guam để đi Mỹ. Trên xe buýt ra phi trường nhà tôi nhìn thằng Thao ngủ trên xe, lại nghĩ đến đứa bé còn trong bụng, nàng sực nhớ ra và bật lên khóc. “...em đang đi lại đúng hệt con đường của mẹ em đã đi hai mươi mốt năm về trước. Mới chỉ từ Bắc vào Nam mà đã hơn hai mươi năm biệt tăm tích, huống hồ nước Mỹ xa xôi thế kia biết đến ngày nào mới gặp lại anh. Rồi ở một nơi xa lạ nào đó thằng Thao và con Thi sẽ phải sống lại cuộc đời thủa bé của em...”
Chiều hôm đó chúng tôi không định bụng đi chơi hồ Bẩy Mẫu. Tôi cứ nằng nặc đòi đưa nhà tôi xem hồ Thuyền Quang. Khi chiếc xích lô đi trên phố Huế ngang qua một rạp hát mang tên Rạp Tháng 8 tôi bấm vào vai nhà tôi: “Này em! Hồi bé anh hay đạp xe đến phố Huế xem xi-nê ở cái rạp này này, hồi đó là rạp Majestic. Mỗi lần đạp xe qua một ngã tư anh nhìn suốt qua một con đường lớn cắt ngang thấy ở cuối đường có một khu cây cối rất um tùm mà anh biết sau đó là hồ Halais, nhưng không bao giờ anh rẽ vào con đường đó. Rời Hà Nội vào Nam từ năm 1951 cho đến nay đã gần năm mươi năm hồ Halais vẫn mãi mãi trong tâm tưởng anh là một cái hồ kỳ bí ở sau một lùm cây. Sáng nay từ khách sạn anh hỏi cái chú xích lô này đạp đến hồ Halais chú ta nói là không hề nghe nói tới cái hồ này bao giờ. Sau anh phải vào trong khách sạn hỏi mới vỡ lẽ đó là hồ Thuyền Quang.” Nhà tôi cười bảo tôi: “Anh nói toàn những chuyện xưa như chuyện cổ tích ai mà biết được! Cái thời anh kể là cái thời em cũng chưa sinh ra cơ mà... Nhưng... muốn đẹp mãi anh đừng đến xem hồ Ha-le nữa... Anh bảo chú xích lô này đưa mình đi xem chỗ khác đi... Cũng như là bố Thực không bao giờ gặp lại mẹ em và vẫn giữ mãi một hình ảnh đẹp...” Nhưng quá muộn rồi, chú xích lô đã hãm xe trước hồ. Halais trong tâm tưởng tôi trông quả có tầm thường hơn. Nó bé nhỏ và ít thơ mộng mặc dù xung quanh vẫn trùm lên bóng cây lớn. Bên một mé hồ trên một cù lao nhỏ là một nhà hàng hay một câu lạc bộ. Chung quanh cù lao là những chiếc xe đạp nước cho thuê, màu sắc xanh đỏ sặc sỡ. Từ trong nhà hàng vọng ra tiếng trống thình thình của một ban chơi nhạc thời trang. Bây giờ cái hồ Thuyền Quang đã bị thương mại hóa, trở thành trung tâm ăn chơi của giới trẻ Hà Nội. Trong lúc chúng tôi vẫn còn ngồi trên xe, chú xích lô nói: “Cái hồ này nhỏ lắm, không có gì đáng xem đâu cô chú! Để cháu chở cô chú sang bên kia đường. Bên kia sau cái công viên là hồ Bẩy Mẫu. Hồ ấy to và đẹp hơn nhiều.” Xe vòng một cái bồn nước ở ngã tư qua bên kia đường Trần Nhân Tông rồi ngừng trước một công viên lớn mang tên công viên Lênin. Chúng tôi đi bộ theo một con đường rộng có nhiều bực đá vào trong công viên. Cuối vườn hoa là một cái hồ thật rộng, có lẽ còn to hơn cả hồ Hoàn Kiếm. Giữa hồ là hai cái đảo nhỏ có cầu bắc sang. Hồ có một vẻ đẹp thoáng khoát và yên tĩnh. Tôi không nghe thấy tiếng động của xe cộ và tiếng còi xe nhiều như ở hồ Gươm. Ngạc nhiên tôi ngắm hồ Bẩy Mẫu. Trong ký ức tôi không có tên cái hồ này. Rời Hà Nội từ hồi còn bé tôi chỉ mang theo tên gọi của Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Hoàn Kiếm và... hồ Halais. Bây giờ tôi mới biết Hà Nội có nhiều hồ đẹp hơn tôi tưởng.
Tôi nắm lấy tay nhà tôi. Chúng tôi đứng tựa lan can của toà bát giác nhìn mùa thu lá vàng một nửa hàng cây thấp ven hồ. Trên mé đảo bên bờ nước một người đàn ông và một đứa bé đang câu cá. Trông như hai bố con. Người đàn ông ngồi trên ghế xếp dưới một gốc liễu, cầm hờ hững cái cần tre, chiếc mũ rộng vành chụp lên đầu hơi cúi xuống, nom như một người đang ngủ gục. Dưới chân ông ta thằng bé con lom khom kéo sợi giây câu cuốn giây từng vòng từng vòng quanh một cái lon sữa bò. Tôi nói với nhà tôi: “Anh nhớ có lần lâu rồi em cứ phân vân tự hỏi vì sao năm 1954 bố Thực đã chọn ở lại... Chính anh cũng đã nhiều lần tự hỏi thế. Bây giờ lớn tuổi anh nghĩ anh hiểu bố hơn... Anh cho là đàn ông có những thứ mà đàn bà không hiểu được và ngược lại cũng thế... Sự khác biệt nó nằm ngay ở trong bản chất. Đàn bà trời sinh ra có nhiệm vụ sinh con đẻ cái nên trời cũng phú cho một thiên tính riêng mà người đàn ông không có được. Do thiên tính ấy mà lẽ sống của phần lớn những người đàn bà là gia đình là con cái. Đàn ông cố nhiên cũng coi gia đình là rất hệ trọng, nhưng trong thâm tâm, có thể không phải là lẽ sống của họ. Khi mẹ quyết định lên chiếc tàu há mồm di cư vào Nam và khi em quyết định lên máy bay Mỹ không có anh bên cạnh, anh nghĩ rằng cả hai người đều được hướng dẫn bởi một thiên tính hay một trực giác mà chính mẹ em và em không tự biết. Cái trực giác ấy nó cho mẹ em và em biết rằng bằng mọi giá phải rời bỏ cái chế độ ấy, cái chế độ mà nếu ở lại sẽ không có chỗ đứng nào cho tương lai con cái...”. Tôi dừng lại. Rồi tôi ngạc nhiên thấy mình nói thêm được một điều thầm kín mà trước đây tôi không tâm sự với ai, ngay cả với người bạn đời của mình. Tôi nói với nhà tôi nếu hồi đó nhà tôi không quyết chí đi thì hầu như chắc chắn cả hai người đều kẹt lại rồi. Điều mà nhà tôi không biết là ở sâu trong tôi chuyến ra đi năm bẩy lăm là một điều buồn tủi không đáng được nhắc đến. Cái buồn tủi phải sống xa quê hương, phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn, như ở tôi, như ở bố Thực, như ở rất nhiều người khác, là cái ý niệm về quê hương đất nước. Cái ý niệm ấy có thể là rất mơ hồ đối với nhiều người nhưng có thể là lẽ sống của nhiều người khác, trong đó có cha tôi với tấm lòng tha thiết yêu nước thương nòi của ông. Tôi nói với nhà tôi: “Tuy không hẳn như trường hợp em nhưng chính anh cũng phải chịu cảnh sống thiếu vắng cha. Cho mãi đến năm anh mười tuổi anh mới được thấy rõ khuôn mặt ba anh. Cả cuộc đời bôn ba lo việc nước của ba là những năm tháng ông sống xa cách gia đình...”
Tôi nhìn ra phía hồ. Lúc này người đàn ông đã bỏ chiếc ghế ngồi ra đứng cạnh thằng bé. Hai bố con lúi húi gỡ giây câu vướng mắc dưới đáy hồ. Chúng tôi yên lặng dắt tay nhau ra khỏi đảo đi trên con đường vòng. Một đám thiếu niên đi trên đường nói cười ròn rã. Tiếng nhà tôi bên tai: “Những đứa trẻ này làm em nhớ tới mấy đứa cháu của em ở làng Hoàng Mai cũng vào chạc tuổi thằng Thao con Thi nhà mình... Sao cuộc đời của chúng nó và con mình khác nhau quá anh nhỉ... Lắm lúc em nghĩ nếu hơn bốn mươi năm trước bố mẹ em cùng ở lại Hà Nội thì cuộc đời em bây giờ ra sao? Chắc chắn là sẽ khác hẳn...” – “Em sẽ không gặp anh” – “ Đúng! Nhưng chưa chắc đã là bất hạnh... điều mà em cho là bất hạnh nhất có lẽ em phải sống một cuộc đời như bố, như các anh em họ của em, một cuộc đời mà không có sự lựa chọn, không như cuộc đời chúng mình và con cái đang được hưởng.” Đi ngược chiều chúng tôi là một thằng bé cỡ chừng mười tuổi. Nó vừa nhìn tôi vừa cười tủm tỉm. Hơi lạ vì cái cười đó, lúc thằng bé vừa đi ngang qua vai, tôi quay đầu lại nhìn nó, thì nó cũng vừa quay đầu lại nhìn tôi. Nó nhíu con mắt nháy tôi một cái, ra điều như muốn nói: “Ông ơi! Tôi biết hết rồi...” Tôi sực nhớ ra là ở Hà Nội không thể có cảnh hai vợ chồng đi dạo hồ nắm tay nhau và tôi đọc ngay được ý nghĩ của nó: “Tôi bắt quả tang ông rồi nhé! Ông già này dám trốn vợ ra đây tình tự với bồ nhí!” Ở một khúc quanh hai người bước qua thanh ray của một khúc con đường tàu điện cũ. Con đường tàu nhỏ nhắn kia đã một thời dóng lên tiếng kêu leng keng rộn rã trong tuổi thơ của tôi nay không còn nữa. Đường sắt đã bị tháo gỡ hết, chừa lại vài khúc ngắn trong khuôn viên hồ Bẩy Mẫu như muốn lưu lại một chút gì của Hà Nội ngày xưa. Vài chiếc lá khô chạy lăn dọc theo đường tàu... theo đó chúng tôi đi về cánh cổng đường Lê Duẩn.
Ra khỏi hồ Bẩy Mẫu óc tôi vụt trở về hồ Gươm. Bố Thực và tôi vừa ra khỏi đền Ngọc Sơn bước lên cầu Thê Húc. Người thợ chụp ảnh ban sáng giơ cao cánh tay trái đưa máy hình về phía chúng tôi nhưng mắt ông ta lướt trên đầu tôi về hướng hai người ngoại quốc vừa từ phía sau tôi vượt lên trên. Bố Thực đứng dừng lại nghỉ, tay ông vịn vào thành cầu. Tôi nhìn ông. Tự nhiên óc tôi lóe lên hình ảnh một hôm nào ông cũng đứng dừng lại trên cầu thang, tay ông cũng vịn vào lan can của chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ. Ông đứng giữa hai người. Thái Vân đi lên trước vừa bước vào căn gác gỗ ọp ẹp của nhà hàng ăn chả cá Lã Vọng. Bố Thực giơ tay kia lên chặn ngực quay nói với tôi đứng ở ngay sát sau lưng ông chỉ cách một bực thang: “Giời ơi!” – Ông Thực kêu lên – Cái cầu thang này! Lần sau cùng bố bước lên cái cầu thang này thế mà đã sáu mươi năm...” Tôi lạnh cả người nghe ông Thực nói. Khung cảnh ấy là một buổi chiều chúng tôi mời ông đi ăn tại một nhà hàng chả cá nổi tiếng của Hà Nội.
Bố Thực nghỉ một lát trên cầu Thê Húc rồi chúng tôi tiếp tục bước đi trên đường trở về nhà. Lúc đi ngang qua chỗ cô gái bán vé vào đền Ngọc Sơn, bố Thực bỗng quay sang tôi nói:
- Thái Vân nó nói ông Nguyễn Gia Trí có nhắc đến bố?
- Vâng, ngay trong...
Tôi ngừng bặt. Tôi đưa mắt nhìn ông Thực. Mắt ông lơ đãng nhìn về phương trời xa... đôi môi ông mấp máy rung rung nhè nhẹ. Tôi chắc là ông Thực không biết là ông đã lập lại câu này đến lần thứ ba. Lần này giọng nói của ông cất cao ở sau chữ “bố” như một dấu hỏi khiến tôi sực nghĩ ra là ông bố vợ gần 80 tuổi của tôi đã bắt đầu lẫn rồi.
*
“Bố gặp mẹ trong một ban kịch của thanh niên... Ngày ấy...” Cho đến hết buổi đi chơi ông Thực không một lần trở lại câu chuyện tôi hỏi ông ở trong đền Ngọc Sơn. Câu trả lời ngắn ngủi của ông chỉ như một lời buột miệng ông lỡ thốt ra...Ngày ấy... vẫn và sẽ mãi mãi chỉ còn trong trí tưởng của tôi. Ngày ấy... đã mang theo ôngsang bên kia thế giới.
Đúng một nửa thế kỷ về trước, năm 1954, ông Nguyễn Xuân Thực đã chọn ở lại làng Hoàng Mai. Ông nhìn người vợ và bốn người con thơ đi Hải Phòng xuống con tàu há mồm của hải quân Mỹ theo đoàn người lũ lượt vào Nam. Gần năm mươi năm sau, năm 2003, đến lượt chúng tôi nhìn ông ra đi... lần này không một ai biết ông đi về đâu.
Trong một căn nhà ở Little Saigon, phía nam của bang California đất Mỹ, bà Nguyễn Xuân Thực nay già yếu và cũng đã bắt đầu lẫn. Lâu lâu sực nhớ ra bà hỏi con cái tin tức về người chồng cũ. Lần nào bà cũng nhận được cùng một câu trả lời: “Bố vẫn thế!” Con cái không một ai dám cho bà biết là bố Thực đã qua đời.
Nguyễn Tường Thiết
Mùa thu miền Tây Bắc, 2004.