Cảnh hoàng hôn trên hồ Inle. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Miến Điện là một quốc gia nằm về phía Tây Bắc của khu vực Đông Nam Á và chiếm một diện tích khá lớn, gần 680,000 cây số vuông, lớn thứ hai tại Đông Nam Á. Nhưng dân số lại chỉ vào khoảng 52 triệu dân.
Những thay đổi, cải cách hệ thống chính trị của Miến Điện từ thập niên 2010 đã tạo ra một sức hấp dẫn, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến du ngoạn các thắng cảnh thiên nhiên và nền văn hóa đặc thù và tôn giáo Phật Giáo của Miến Điện.
Một trong những thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng của Miến Điện là hồ Inle.
Nằm cách thành phố Yangon khoảng chừng 300 cây số về hướng Đông Bắc, một hồ nước ngọt rất lớn nằm giữa các dãy đồi núi Shan và trở thành một thắng cảnh hồ thiên nhiên rất đẹp của Miến Điện. Người ta đã gán cho hồ thiên nhiên này một cái tên mang một ý nghĩa gợi lên được nét đẹp không gian của hồ và núi, “Inle” hay “biển xanh giữa núi đồi Shan (cao nguyên Shan, một tiểu bang lớn phía Đông Bắc Miến Điện sát với biên giới Trung Hoa, Thái Lan và Lào. Tiểu bang này do bộ tộc Shan chiếm đa số).”
Du ngoạn hồ thiên nhiên Inle, du khách không những có dịp thưởng ngoạn không gian thiên nhiên tuyệt đẹp của hồ Inle mà còn có cơ hội hiểu biết thêm về những nét sinh hoạt văn hóa hết sức đặc thù của người dân Shan bản địa.
Một không gian đẹp trên hồ Inle. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Phương tiện duy nhất dành cho du khách có thể đến được khu vực hồ Inle là bằng máy bay. Tất cả các chuyến bay nội địa từ các thành phố lớn như Yangon, Mandalay, hay Bagan đều phải đáp xuống thị xã nhỏ bé Heho. Có lẽ phương tiện giao thông bằng đường bộ chưa thuận tiện lắm cho du khách vì hạ tầng cơ sở đường xá vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải được cải thiện nên các đoàn du lịch đều phải đáp máy bay đến Inle Lake (cho dù có những chuyến bay chỉ mất hơn 30 phút).
Phố thị Heho tuy được gọi là thị xã nhưng là một thị xã rất khiêm nhường, phi trường chỉ đủ để đón nhận vài chuyến bay nhỏ đến đây cùng một lúc. Tuy vậy, thị xã nhỏ bé này cũng tạo ra một bộ mặt riêng biệt của nó để tạo một ấn tượng khác lạ cho du khách. Những thiếu niên nam nữ trong các trang phục sặc sỡ của bộ tộc Shan địa phương kèm theo những tiếng kèn điệu nhạc của họ chào đón du khách nơi cổng ra của sân bay cũng thu hút ngay được sự chú ý của mọi người.
Du khách vừa đến một vùng đất còn rất nhiều nét mộc mạc đơn sơ (nhưng không biết mấy năm nữa thì những nét đơn sơ mộc mạc này có còn nữa hay không khi nhu cầu du lịch tăng vọt trong xứ Miến trong vài năm tới!). Tuy nhiên, chung quanh thị xã lại có nhiều điểm văn hóa của Miến Điện dành cho người du ngoạn thưởng thức.
Trên đường đi từ Heho đến hồ Inle, du khách nên ghé thăm một tu viện nho nhỏ có tên Shwe Yan Pyay (có nghĩa là tu viện Từ Bi Hỉ Xả) cũ kỹ đã hơn trăm tuổi. Đến đây du khách có dịp thưởng thức lối kiến trúc tu viện bằng gỗ khác lạ của bộ tộc Shan. Chỉ riêng kiến trúc cửa sổ hình oval của tu viện kèm theo một vạt áo cà sa của các chú tiểu cũng đã làm say mê biết bao nhiêu nhà chụp hình tài tử. Mái chùa màu sắc đậm đỏ cũng đã nhạt phai theo năm tháng, không biết bao lâu rồi tu viện vẫn chưa được trùng tu.
Inthar (ngư dân Inle Lake) chân chèo thuyền,
tay vung lưới bắt cá trên hồ Inle. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nhìn hình postcard chụp về chùa lúc “trẻ,” trông cũng mái đỏ dát vàng, nhưng nay còn đâu nữa! Chắc hẳn tu viện cũng rất cần tiền để chăm sóc sửa sang lại, nhưng thấy chùa vẫn mở cửa cho du khách vào “free” thì lấy tiền đâu mà trùng tu sang sửa! Phật ở nơi hẻo lánh quá, hiền lành quá nên không biết cách “làm marketing” nên tu viện đành chịu cảnh nghèo, mái dột tường xiêu.
Bây giờ, chung quanh tu viện cũng đã bắt đầu xuất hiện một vài “sạp bán hàng kỷ niệm” của các cư dân sống quanh tu viện, chắc là họ mua từ nơi khác đem về đây để chào bán cho du khách. Số sạp hàng này đang tăng dần lên đáng kể theo số lượng du khách đến Inle Lake.
Rời tu viện Từ Bi, xe chạy thêm một đoạn đường dài nữa là du khách bước chân vào khu vực hồ Inle. Hồ nằm trên một độ cao hơn 900 mét, được những rặng dãy núi màu xanh tim tím nhạt bao quanh, bề ngang hồ khoảng chừng 5-6 cây số và chiều dài hồ được cho là gần 20 cây số trước khi trở thành một nhánh sông chảy về Nam.
Du khách sẽ có dịp du ngoạn trên hồ bằng chiếc tàu đuôi tôm, tàu chỉ chở tối đa năm hay sáu người. Ngồi trên thuyền bạn thưởng ngoạn được tất cả các thắng cảnh, tay du khách có dịp cảm nhận được dòng nước lạnh của hồ. Mắt du khách có dịp chứng kiến sự sinh hoạt và văn hóa của người dân Inle sống quanh hồ.
Nhắm mắt lại tai du khách vẫn nghe được âm thanh lồng lộng của gió trên mặt hồ và tiếng sóng nhè nhẹ vỗ vào mạn thuyền trộn lẫn tiếng “bong bong” lúc cao lúc thấp của máy đuôi tôm. Hé mắt ra du kah1ch có dịp ngắm nhìn các dải mây trắng trôi bay bên lưng chừng núi, các rặng núi Shan xa tít bên bờ với những chiếc thuyền ghe nhỏ bé dập dềnh cùng người ngư dân đang đánh bắt cá trên hồ.
Đâu đó là các bè đất trôi nổi trên hồ, các bè đất này được cư dân sống quanh hồ tạo thành như là một mảnh vườn trôi. Họ trồng các loại hoa và các loại cây ăn trái. Tôi đã có dịp thấy những trái mướp dài thườn thượt nằm trên giàn các mảnh vườn trôi này. Một mảnh vườn trôi cũng nuôi sống họ. Nhìn họ chèo ghe hái hoa, hái cây trái, vớt rong rêu và ngồi cần cù tạo thành những mảnh vườn mới tôi mới cảm nhận được một nét văn hóa riêng biệt của người dân Inle Lake.
Tu viện Shwe Yan Pyay và chú tiểu. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Lúc trước có dịp đến Tây Tạng tôi đã kinh ngạc khi thấy người Tây Tạng vừa làm vừa hát đồng ca, âm thanh giọng hát của họ trong trẻo nhẹ nhàng cao vút như ở một nơi xa xôi nào vẳng đến cho dù tôi đứng cách xa họ chỉ chừng ba bốn mươi thước. Tôi không hề biết nhạc nhưng cảm thấy rõ nếu có một nhạc sĩ nào đứng gần đó nghe qua thì biết đâu âm thanh đồng ca Tây Tạng sẽ có dịp đi vào dòng âm nhạc thế giới.
Cũng điều kinh ngạc giống như thế khi tôi nhìn những người Inthar (người sinh sống ở hồ Inle) chèo thuyền bằng chân. Một đứa bé đi học cũng chèo thuyền bằng chân, một thiếu nữ đi chợ cũng chèo thuyền bằng chân, một chú tiểu “lén nhìn” không có ai chung quanh cũng chèo thuyền bằng chân thay vì phải ngồi xuống chèo thuyền bằng tay. Chèo thuyền bằng chân đã là một điểm khác biệt và là một hình ảnh lạ lùng trên hồ Inle. Có lẽ đây cũng là một hình ảnh độc nhất vô nhị trên thế giới.
Có thấy tận mắt mình mới biết cuộc sống này có nhiều sự việc mình không bao giờ hiểu được cả, sách vở chỉ cho chúng ta khái niệm. Đến tận nơi chứng kiến mình mới hy vọng thông suốt được. Thông suốt được, nhưng không có nghĩa là mình làm được nên thôi đành nói thầm với lòng mình “giang sơn nào thì anh hùng đó.” Làm sao du khách có thể đứng trên ghe và chèo bằng chân. Hơn nữa vừa chèo vừa bắt cá vừa hát những điệu dân ca của người dân bản địa!
Nhìn những khoảng vườn hoa trái trên những bè đất khổng lồ trôi nổi, nhìn cách chèo thuyền bằng chân là những điều mà du khách có thể nhìn ở ngay trên hồ. Nhưng du khách còn ngạc nhiên hơn nữa khi có dịp nhìn tận mắt kỹ thuật người dân Inle lấy tơ từ cuống hoa sen (ngó sen) để tạo thành vải “tơ sen” dùng để dệt áo.
“Ngó sen” không trở thành vô dụng với người dân Inthar mà nó là một cách kiếm sống của một làng nhỏ trên hồ. Họ tuốt ra những sợi tơ trên cuống sen, se lại thành một sợi lớn. Sau đó nối lại với nhau thành tơ vải và đan thành áo. Vì là du khách nên giá một áo tơ sen được bán cũng không rẻ, cũng hơn $100 cho một áo. Kể ra thì giá cũng không đắt cho một chiếc áo tơ sen vì để may thành một áo, không biết người ta đã phải dùng bao nhiêu cuống hoa sen. Một vài năm nữa, người bạn phương Bắc Hoa Lục nhảy vào buôn bán và du khách tha hồ mua hàng áo tơ sen giả mạo làm từ Trung Cộng.
Bản đồ hồ Inle Lake. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nếu du khách chưa có dịp ghé đến Bắc Thái Lan để xem người phụ nữ Karen cổ cao như là một điều lạ lùng cho những người sinh sống ở phương Tây, thì cũng chưa muộn! Inle Lake cũng tạo dịp chodu khách ghé đến thăm những người phụ nữ Padaung cao cổ, họ cũng có một cửa hàng “gift shop” buôn bán trên hồ. Có lẽ họ là một nhóm người Padaung về đây khoe nét đẹp cổ cao của mình như là một cách kiếm sống.
Sinh hoạt trên Inle Lake không chỉ có như tôi vừa kể trên mà còn nhiều thủ công nghệ rất là đa dạng như có nơi thổi lò rèn làm dao kiếm sắc bén vô cùng, có nơi làm nón, có nơi làm thuốc lá. Ngoài các sinh hoạt kể trên, cũng phải nói thoáng qua về ngôi chùa Hpaung Daw Oo Pagoda lúc nào cũng nhộp nhịp người qua lại.
Người dân Inle Lake tin tưởng đây là một ngôi chùa rất linh thiêng, những buổi lễ hội lớn thường được tổ chức vào Tháng Chín, Tháng Mười. Họ chọn nơi chốn chùa như là điểm tụ họp sinh hoạt trong đời sống của họ. Các buổi họp chợ buôn bán sáng chiều đều được tụ về quanh chùa.
Ngoài ra, còn phải nói đến các tiệm ăn dành cho du khách trên hồ. Tùy ý du khách muốn ăn như thế nào, nhưng nói chung các món ăn cũng dễ ăn, không đến nỗi nào. Chỉ có điều về vấn đề vệ sinh thì mình nên chọn nhà hàng có tiêu chuẩn cao thì vẫn tốt hơn.
Đồng thời người ta cũng đã đầu tư vào xây dựng thêm nhiều resort trên hồ dành cho kỹ nghệ du lịch nhưng lúc nào cũng hết chỗ. Để thưởng ngoạn hết nét đẹp Inle Lake, du khách cũng phải mất ít nhất hai đêm nơi đây, biết đâu du khách có cơ hội chèo thuyền bằng chân và tung lưới bắt cá ở hồ Inle! Nhưng có mấy tour du lịch nào dám bao thầu hai đêm tại Inle Lake!
Inle Lake vẫn còn nhiều điểm đơn sơ nhưng chính nhờ những điểm đơn sơ này tạo thành một ấn tượng đẹp đẽ trong tâm tư người thưởng ngoạn. Inle Lake là một địa danh mà du khách không thể thiếu trong hành trình du ngoạn của khi đến Miến Điện.
Trần Nguyên Thắng