(Hình minh họa. Nguồn: Internet)
(Viết thay cho T.Đ.S, một người lính nằm xuống ngày 13.12.1973. Hài cốt được tìm thấy khi người ta đào móng xây nhà mới, thuộc loại vô thừa nhận)
Dạo ấy, người ta biến mất mỗi ngày với 1001 lý do xảy ra, kể cả việc đào ngũ. Ngoài cuộc, thiên hạ nhíu mày xót xa hoặc cười khẩy với các kiểu vắng mặt không rõ lý do trong chiến tranh. Còn thân nhân của những lính trận mất tích thì choáng váng trong âu lo – đó là một điều chắc chắn. Sau Mậu Thân 1968, một lần nữa tiếng súng bắt đầu nổ quanh Gia Ðịnh, sát đô thành Sài Gòn. Tôi đã chiến đấu và ngã ngựa tại xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Ðịnh. Tôi nằm lại ngay trên trận địa Ðông Bắc Sài Gòn và chẳng kịp đưa về nghĩa trang quân đội. Tôi mãi là một gã đàn ông hơn 20 tuổi, đồng lứa với một số tay già tuổi hơn 60 hôm nay. Vào một ngày không đẹp trời: 13.12.1973, thời gian đã đứng lại khi một viên đạn AK xuyên cuống họng tôi. Phút vĩnh biệt đã điểm, nhiệm vụ một chiến binh đã kết thúc. Không phải người lính nào cũng có thể trở về từ địa ngục.
Chiến tuyến rã ra dưới bàn tay tử thần, cái chết của người lính giữa trận tiền đều giống nhau y đúc. Mắt trợn ngược, thân hình quằn quại cố bám víu cuộc đời dẫu có nhiều vô vị… Có những điều hôm nay đúng nhưng ngày mai không còn đúng, và ngược lại. Nhưng cái nhìn thành thật và sòng phẳng cùng với không gian thì trong thời gian nào cũng cần thiết.
Cuộc chiến này chưa thể thành quá khứ. Có cái gì đó đổ vỡ trong lòng người tham chiến, trên đất Việt này mà chưa bao giờ được thực tâm sòng phẳng giải quyết. Một số không nhỏ vội đẩy mọi chuyện vào quá khứ, nơi có những bóng ma, trong khi không mấy ai hết lòng tìm cho những bóng ma ấy một nơi ngủ yên. Những khập khiễng trong cách đối xử về thương phế binh tử sĩ giữa các bên tham chiến sẽ đọng lại như một vết dơ trong lịch sử.
Kẻ chiến thắng không bao giờ thực lòng làm huề, hoặc sử dụng sự hòa giải như một luận điệu dụ khị hòng hốt tiền đô. Còn phe thua trận thì lòng người ly tán, không ít kẻ nghiến răng… để chửi nhau, thuận đà chẳng tiếc lời mạt sát cả những người đã xả thân vì dân tộc này. Ðây là chưa kể có dăm anh ngớ ngẩn vuốt đuôi chủ trương hòa hợp, trong khi không có gì hơn ngoài hai bàn tay trắng và một cái mồm ngoác tận mang tai.
Tôi có thể là một chiến binh thiếu quả cảm, song không thể kết án hèn nhát cho một người lính đã hoàn thành trách vụ của mình ngay tại chiến trường. Những người đã nằm xuống không thể bị nhục mạ bởi bọn phóng viên thương mại ngu dốt và cánh trí thức thiên tả. Những thằng lính dám chết vì đất mẹ không thể bỡn cợt họ là đám lính đánh thuê!
Trước mặt chúng tôi ngày hôm đó là Ðồng Ông Cộ, phía sau lưng tôi là dân lành và thủ đô, anh em chúng tôi sẽ tiến lên hoặc gục chết tại vị trí đó. Ðầu hàng hay đào ngũ không phải là danh từ quen thuộc với tất cả những người lính. Siết chặt cò khẩu M-16, tôi tin như vậy. Bầu trời Gò Vấp vàng vọt ánh hỏa châu. Lạnh lẽo và lấp lánh. Chúng tôi nằm thành từng tốp lẻ, án ngữ con đường xâm nhập của những toán địch quân đến và đi ngang đồng hoang. Sẵn sàng xáp lá cà, chúng tôi không được phép lùi. Lửa đạn sẵn sàng phụt ra bất cứ lúc nào từ những bụi dừa nước ven rạch, các ngôi mả đá ong quanh Ðồng Ông Cộ. Địch quân lúc thì sàng qua Thạnh Mỹ Tây, lúc thì dịch xuống Bình Hòa, Lò Vôi…
Bạn bè quanh tôi cũng có vài trự. Những đêm sáng trăng, có khi chúng tôi lao xao về chuyện đời kẻ sống, có lúc cũng thắc mắc về mảnh đất mình đang nằm:
Một con ma mới là thanh niên ngồi gần tôi bâng qươ:
– Đâu ra cái tên Đồng Ông Cộ vậy cà?
Một ông lão lào khào:
– Tên Đồng Ông Cộ hổng không phải như thằng cha nhà văn nào đó giải nghĩa là cánh đồng của một ông tên Cộ đâu. Hồi trước cánh đồng nầy thủy nê bùn lầy toàn đưng lát, nước mặn chát có trồng lúa hồi nào đâu mà ông Cộ ra đó canh tác. Đưng lát năn ở đây cũng bết bát thấy mồ, lúp xúp lớn hổng qua đầu gối, có dệt chiếu được đâu nà. Vậy là trật vuột lắm.
Giọng người đàn bà khác the thé:
– Cái này là tui có đọc sách đàng hoàng à nghen. Tui nghe, đúng là xưa vùng này toàn đồng hoang sình lầy nên khó đi lại. Có một phú ông đứng ra tổ chức cộ thuê người, thuê hàng hoá trên những tấm vạt đan bằng tre, rồi ổng mướn mấy thanh niên khoẻ mạnh khiêng.
Tay thanh niên ma mới cười he he:
– Coi kìa, bả rành dữ à nghen.
– Ông giỡn chơi ! Tui nằm đây từ hồi năm 1955, tui từng chứng kiến lễ xuất quân tảo thanh Bình Xuyên của Cao Đài Liên Minh với tướng Thế ở bãi đất trống rìa Đồng Ông Cộ này đó. Nhớ hồi năm ’45, đất Đồng Ông Cộ từ phía quốc lộ số 1, qua đường làng 22, ngã ba Cây Thị… đều có trạm kiểm soát của Việt Minh mà.
Có lẽ tay thanh niên lúc còn sống cũng thuộc loại rắn mắc tổ trời, nên chưa chịu thôi:
– Ừ, thì cứ cho là chữ “cộ” có nghĩa là vậy. Nhưng tại sao không gọi là Đồng Cộ, mà là Đồng Ông Cộ?
Con ma đàn bà im re như đang suy nghĩ cái gì đó. Giọng ông lão lại lao xao trong gió:
– Cô Ba nói có đúng mà cũng có cái chưa đúng. Chẳng có người nào khiêng mà là trâu kéo. Ông Cộ chính là chỉ ông voi chở hàng thời ngài Tả quân Tổng trấn. Ngài Tả quân tổ chức cả đàn voi cộ hàng qua lại với Chân Lạp, đi băng đồng đất Gia Định lên thành Nam Vang. Cái giàn cây bắt trên lưng ông voi kêu bằng cái Cộ. Cuộc đất mà đàn voi ngài Tả quân đi qua được kêu là Đồng Ông Cộ.
Ông lão ngày xưa tiếp tục tằng hắng:
– Ngày đó lũ cò còn đậu trắng Đồng Ông Cộ… Miệt này giáp khu Lò Vôi, kéo dài từ ngang chợ Bà Chiểu bây giờ tới chân cầu Bình Lợi, rồi chạy dọc lên tận Đồng Chó Ngáp, Lái Thiêu. Sau này người ta tới, ngụ từ Cầu Hang vòng ra đến cầu Bình Lợi, ra ngã ba Hàng Xanh bọc qua ngã năm Bình Hòa. Bà con sống bằng nghề đánh cá ở các sông cầu Bình Lợi, cầu Băng Ky.
Từ bưng trong sâu này muốn ra sông Bến Nghé có chợ Bến Thành mua sắm thì phải đi mất hai ngày: một ngày đi, một ngày về. Bây giờ có người phát kiến ra cái cộ đi lại. Cái cộ bằng vạt tre giống cái chuông lật ngửa, phía dưới có hai cái gọng tre già cột cong vút lên, làm thanh đỡ trượt trên đất sình. Hai thanh trượt này mắc vào ách để một đôi trâu kéo. Hàng hóa và người đều ngồi trong tấm vạt tre ấy.
Người trong đồng mỗi khi muốn ra chợ thì báo trước; lúc gà gáy sáng, các phu cộ tới rước tận nhà. Việc “cộ” liên quan đến chuyện đi lại ở vùng Đồng này, mà hổng dính tới Ông Cộ là vậy.
Đúng hay sai thì đây cũng chỉ là chuyện của những con ma…
Thời gian đã chết, tôi vẫn phơi phới tuổi 20. Ðêm thức cùng bầu trời tĩnh lặng, nằm bên ao rau muống mà nghe mát lạnh khắp người, tấm poncho liệm theo sao mà mỏng quá. Có hôm nhìn sao băng xẹt rơi ngập trời, chẳng biết anh em còn mấy thằng trụ được, cuộc chiến này quả thật khốc liệt. Phía Sài thành vẫn rộn rã ánh đèn. Những người lính trận cũng có gia đình. Ngày tôi ra đi, mẹ tôi không còn trẻ nữa. Tôi nhớ mẹ tôi lắm…
Tôi đã chiến đấu và gục xuống giữa sa trường, bỏ lại sau lưng những ngày tươi đẹp nhất cùng những chao đảo của đời. Tôn trọng lời thề quân nhân, tôi đã phục vụ Tổ Quốc và chính nghĩa với trọn danh dự bản thân. Việc tri ân xin để lại cho những người còn sống, như chỉ có những người đang sống mới thưởng thức được thời gian. Là một tử sĩ, tôi xin phép lên tiếng: nhiều anh em chúng tôi đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng với đầy đủ bổn phận công dân VNCH của mình. Chúng tôi không bao giờ là những oan hồn uổng tử, đoạn kết đời chúng tôi là chút tình xin dâng sông núi Việt. Cuộc triệt thoái để cuối cùng thành rút chạy hỗn loạn sau này năm 1975 không nói thay cho tất cả.
Chuyện thế sự giữa đời cũng được những con ma đem ra bàn.
Một con ma cũ từng đánh xe thổ mộ đi từ phía đồng Ông Cộ chạy ra chợ Bà Chiểu mỗi ngày hỏi tôi:
– Chú em có biết tại sao hồi Mậu Thân, bên kia đánh vô Dinh Độc Lập, chiếm các cao ốc và một pháo đài ngoại vi quanh đó đồng loạt và chính xác, hay không?
Thiên hạ quay sang tôi.
– Đó không phải là chuyện của những người lính!
– Ngày đó, “qua” có ghé nhà của Lê Hữu Thúy ở miệt Hàng Xanh thuộc khu Đồng Ông Cộ này mấy lần. Từ đường dây này mới lòi ra tay “Cố vấn chính trị” Huỳnh Văn Trọng…
Rồi trong những câu chuyện gần đây, đám ma tụi tôi cũng bàn về chính phủ kiến tạo. Họ cai trị quốc gia như một đạo quân chiếm đóng, hơn là một bộ phận kiến tạo cho quốc gia. Có một ý kiến khác cho rằng, chính phủ kia giành hết quyền kiến tạo, lờ đi một vế quan trọng về nhân dân kiến tạo. Chính người dân đã tự buông bỏ quyền điều hành mà không chút phản kháng; vô tình họ trở thành những nhà kiến tạo nên những bất công cỡi trên đầu họ mỗi ngày – bằng cách hợp tác với bộ phận ấy thay vì phải đứng lên chiến đấu.
Đừng quên rằng thái độ bất hợp tác sẽ rút cạn nguồn nhân lực tài nguyên của đối phương. Kháng cự bằng cách ráng sống sót là phương cách bất đắc dĩ cuối cùng. Quay lưng lại với đồng bào mình cũng là một thái độ phản bội, thời gian đã đứng lại ở nhiều người trong họ.
Ðã nhiều ngày trôi qua, tin nhắn của tôi xuyên tường lửa trên trang web không có hồi âm. Tôi chẳng buồn chi, làm sao nỡ trách những ông già xấp xỉ tuổi 70… Ðược mấy người lên Internet và đọc rõ được con chữ trong mạng lưới, hỡi các đồng đội của S. tôi… Hãy cho tôi một cơ hội được yên nghỉ trên đất mẹ Việt Nam, dẫu không hề được nhắc đến. Bây giờ, tự tôi không thể làm được việc này mà.
Ðể chết như thế nào cho Tổ Quốc là việc cần suy nghĩ và cắn răng dám sống để có một Tổ Quốc là điều luôn cần suy nghĩ hơn. Ngày còn nhỏ tôi được dạy về lễ nghĩa, đến trường thầy cô cho tôi con chữ, tôi được học bắn và chiến đấu ở quân trường. Hơn 30 năm trời, tôi được nghe nói nhiều thứ khác. Nhưng tôi chưa được ai tử tế bảo ban về việc đón nhận cái chết và nền dân chủ trong một nước cộng hòa. Cái chết, tôi đã đón nhận dẫu rất miễn cưỡng và ngỡ ngàng; còn nền dân chủ trong một nước cộng hòa là ra làm sao, hả trời?! Mọi thứ trên đời này thật là khó biết chắc được, nếu không được dạy và học. Kể cả thế nào là dân chủ. Hình như mọi cơn chuyển mình của Cộng hòa Việt luôn phải trả giá bằng máu và nước mắt dân tộc này chăng.
– Tại sao ông không đăng mẩu tin này lên các phương tiện thông tin đại chúng? Sẽ có người đọc và giúp cho gia đình tôi, tôi nhớ mẹ tôi lắm!
– Liệu tụi nó có chịu đăng lên báo cái tin tìm thân nhân một thằng lính ngụy mất tích như ông? Hay tụi nó sẽ hỏi căn cước, rồi đem gông cổ luôn cái thằng nhờ đăng?!
– Vậy ông cũng là một thằng chết nhát! Ông cũng có mẹ mà?
– Tôi chẳng sợ chết, bởi… tôi sống dai hơn ông có gần 2 năm… Tôi đang là một cái xác tồn tại và chỉ sống trong những trang viết của mình. Và thực ra ông muốn cái gì?
– Lịch sử vẫn còn để ngỏ, dầu có muốn hay không. Dẫu đành thời gian của tôi đã đứng lại, song mỗi ngày vẫn trôi qua trong cuộc đời này. Những người đang sống chẳng lẽ không nhận ra điều này, tại sao ông cứ ngồi yên? Mấy ông đang trông mong vào cái gì, hãy tự cứu chính mình đi, chẳng lẽ đợi những thằng đã chết như tôi đi làm thay cái sứ mạng chưa hoàn thành cho các ông?!
…
Có một gã đàn ông bật khóc, đi soạn lại bộ quân phục rách bươm của mình.
Huỳnh Việt Lang
(2004 đăng trên Talawas – soạn lại 2017)