Mẹ Têrêsa và chữ ký của Mẹ
Tôi nghĩ người được nhiều người gọi là mẹ nhất trên thế giới khi còn tại thế phải là mẹ Têrêsa. Con người nhỏ bé, ốm yếu, đứng trong đám đông nào cũng lọt thỏm hầu như mất tích, lại là một trong những con người lớn lao nhất thế giới. Sự lớn lao tạo thành bởi những điều nhỏ bé của mẹ: chăm sóc những người nghiện ngập ma túy, người hấp hối, cô nhi, người vô gia cư, những người bị bỏ rơi. Toàn những loại người bị người đời lánh xa, khinh rẻ, không muốn động tới. Một lần mẹ và một chị nữ tu đang săn sóc vết thương gớm ghiếc cho một người bệnh, một ông nhà giầu bỉ thử: “Có cho tôi một triệu đô để làm việc này, tôi cũng chịu thua!”. Mẹ Têrêsa trả lời: “Có cho chúng tôi mười triệu đô để không làm việc này, chúng tôi vẫn làm. Vì tình mến Chúa”.
Trong Kinh Thánh có ghi đoạn Chúa nói với những người công chính: “Ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; ta ngồi tù, các ngươi đã thăm viếng”. Bấy giờ các người công chính thưa: “Có bao giờ chúng tôi thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống, có bao giờ thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước hoặc trần truồng mà cho mặc, có bao giờ chúng tôi đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù mà đến thăm đâu?”. Chúa đáp lại: “Ta bảo thật cho các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy!”. Mẹ Teresa sống đúng với lời Chúa. Mẹ kể lại: “Một tập sinh đến với chúng tôi từ một nơi xa xôi, từ một gia đình khá giả. Chúng tôi sai chị đến phục vụ trong nhà hấp hối. Trước khi sai đi, tôi dặn chị: “Trong Thánh lễ chị đã thấy linh mục cầm cách cung kính và nhẹ nhàng Mình Chúa Kitô biến đổi từ tấm bánh trở nên như thế nào, chị hãy làm như vậy trong nhà hấp hối”. Ba giờ sau, chị nhà tập trở về, chị đến với tôi , vui vẻ nói: “Thưa Mẹ, con đã chạm đến mình Chúa Kitô trong ba giờ”. Tôi hỏi lại: “Làm cách nào chị có thể chạm đến mình Chúa?”. Chị nói, chị đã cứu được một người bị sâu bọ gặm hết một nửa thân. Con đã thực sự cảm thấy con đụng đến mình Chúa Kitô, vì Người nói: Khi ta đau yếu… Chị nhà tập trẻ tuổi này là một người biết suy niệm. Chị đã được đụng chạm tới Chúa Kitô trong ba giờ, chị đã dâng tình yêu chị cho Chúa. Muốn làm như chị, cần phải nhận biết những người nghèo. Người nghèo là người vĩ đại. Người nghèo đáng được yêu. Bạn có biết đến những người nghèo đang ở giữa bạn không? Thật là buồn, nếu bạn không nhận ra sự nghèo khó trong nhà bạn. “Tình yêu phải bắt đầu từ trong nhà bạn, sự nghèo khó cũng bắt đầu từ trong nhà bạn. Bạn phải biết ai là người cô đơn, ai không được yêu mến, ai đang bị bỏ quên ngay trong gia đình bạn”.
Mẹ Teresa chỉ làm những việc vụn vặt như vậy mà cả thế giới phải ngưỡng mộ. Năm 1979, Mẹ đã được trao tặng giải Nobel Hòa Bình vì “những hoạt động diễn ra trong sự đấu tranh vượt qua sự nghèo khó và cùng quẫn, là những điều đe dọa hòa bình”. Mẹ từ chối bữa tiệc mừng truyền thống khi nhận giải và xin gửi số tiền phí tổn cho bũa tiệc là 192 ngàn đô Mỹ cho người nghèo vì “những phần thưởng trên thế gian chỉ có giá trị khi nào chúng giúp ích cho những người thiếu thốn trên thế giới”.
Thế giới chỉ hòa bình khi mọi người yêu thương nhau. Mẹ Teresa kể lại: “Nhiều người đến thăm tôi tại Calcutta và trước khi ra về thường ngỏ ý với tôi: “Xin cho chúng tôi một lời khuyên để chúng tôi sống tốt đẹp hơn”. Tôi liền bảo họ: “Quý vị hãy về và hãy ban tặng cho nhau những nụ cười. Một nụ cười cho vợ của ông. Một nụ cười cho chồng của bà. Một nụ cười cho con cái của ông bà. Hãy cười tươi với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai. Với những nụ cười tươi như thế quý vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương”. Nghe vậy, một người trong nhóm hỏi tôi: “Bà có lập gia đình không?”. Tôi gật đầu và nói: “Đôi khi tôi cũng cảm thấy khó nở một nụ cười với vị hôn phu của tôi”. Và mẹ Teresa kết luận: “Đúng thế, Chúa Giêsu có thể đòi hỏi rất nhiều. Và chính khi Ngài đòi hỏi như thế thì không gì đẹp cho bằng nở một nụ cười thật tươi với Ngài”.
Mẹ Teresa đã giã từ cuộc sống cho tha nhân vào ngày 5 tháng 9 năm 1997 giữa sự bàng hoàng thương tiếc của mọi người. Khi đó hội Thừa Sai Bác Ái của mẹ Teresa đã có bốn ngàn nữ tu hoạt động trong 610 cơ sở từ thiện tại 123 quốc gia. Dòng tu của Mẹ đã được sự hỗ trợ của 300 tu sĩ và 100 ngàn người tình nguyện. Tòa Thánh đã phong chân phước cho mẹ Teresa vào ngày 19 tháng 10 năm 2003 và phong thánh với danh hiệu “Teresa Thành Calcutta” vào ngày 4 tháng 9 năm 2016.
Mẹ Teresa đã thành thánh nhưng vết chân của mẹ ở nơi trần thế này vẫn còn rõ nét. Tôi tình cờ thấy trên Facebook một bức hình khắc trên đồng của mẹ Teresa đặt trước một bát nhang chi chít những chân nhang, bên cạnh một chiếc bình có những bó nhang dành cho người tới viếng thắp cho mẹ. Thấy bức hình lạ tôi chú ý đọc lời chú thích mới biết đây là một ban thờ kỷ niệm ngày mẹ tới thăm nơi này. Nơi đó có địa chỉ rõ ràng: 140/4 Võ Thị Sáu, phường 8, quận 3, Sài Gòn. Và ngày tấm hình được post lên là ngày 10/4/2018, ngày kỷ niệm tròn 24 năm mẹ Teresa đặt chân tới căn nhà này. Chuyện này làm tôi ngạc nhiên. Người mẹ của thế giới đã tới Việt Nam? Tôi liên lạc với người post hình là anh Soi Thomas để hỏi thêm chi tiết. Qua thư trả lời của anh tôi mới biết tháng 4/1994 mẹ Teresa có tới Việt Nam. Và mẹ đã đặt chân tới đất nước chúng ta năm lần tất cả! Anh kể chuyện cơ duyên gặp mẹ Teresa: “Vợ chồng chúng tôi theo thông lệ tham dự thánh lể song ngữ Việt – Pháp lúc 10 giờ sáng mỗi Chủ Nhật tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Ngay khi vừa dứt thánh lễ ngày Chủ Nhật, 10/4/1994 , linh mục chủ sự thánh lễ tên Vương đình Bích ( Bề trên dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo – AEDMNN– ) , ngài đã dành đôi phút để thông báo : Mẹ Teresa đang ở thành phố chúng ta, Mẹ có ý tìm một căn nhà trong khu vực bình dân để lập cộng đoàn của Mẹ , dòng Thừa Sai Bác Ái tại Việt Nam, bà con giáo dân có hoặc biết ai có nhà như vậy thì xin liên lạc với văn phòng nhà xứ nhà thờ Đức Bà để nói chuyện với Mẹ”. Anh Soi có căn nhà muốn dành cho mẹ Teresa nên liên lạc ngay với cha Bích sau khi tan lễ. Anh có được cái hẹn với mẹ Teresa và các sơ trong đoàn. “Đúng 15 giờ rưỡi , tôi và bà xã Yoshii Michiko vào căn nhà ở Bà Huyện Thanh Quan , căn nhà không phải là khách sạn mà dạng như nhà có phòng cho thuê , người tiếp tân chào, nhận ý kiến của chúng tôi xong gọi điện thoại nội bộ báo có chúng tôi đã đến. Đôi phút sau từ trên cầu thang xoắn bằng sắt, Mẹ Teresa vịn tay vào thành cầu thang từ từ chậm chậm bước xuống , một phụ nữ lớn tuổi dáng người thấp nhỏ trong tu phục sari xuất hiện đi theo là một nữ tu cùng dòng , một phụ nữ khác nữa mập mập trong y phục đời thường cùng xuống cầu thang theo Mẹ. Sau khi đón nhận đôi tay nồng ấm và nụ cười hiền dịu của Mẹ , lòng cảm thấy toại nguyện , không ngờ được diện Mẹ mà gặp trong tâm thế như gặp một người thân mà lòng kính trọng từ lâu”.
Tranh phủ đồng tại nhà anh Trần văn Soi ở Sài Gòn
ghi dấu ngày mẹ Teresa viếng thăm.
Hình con gái đầu lòng của anh Trần văn Soi được 6 tháng
trong tay mẹ Yoshii Michiko và trong mắt mẹ Teresa.
Mọi người lên xe đi tới căn nhà mà anh Soi muốn hiến. Nói là mọi người vì trong số đó có một bà tên Hương, Trưởng Văn Phòng II của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội. Đại diện cho chính quyền thường có nhiệm vụ theo dõi nhưng dù vậy bà Hương cũng luôn luôn kính cẩn trước mẹ Teresa. Theo mô tả của anh Soi thì khi đó mẹ Teresa đã 84 tuổi, bước đi chậm rãi nhưng không cần người dìu bên. Duy có tiếng nói nhiều khi không rõ vì yếu mệt, cần có bà Nirmala “phiên dịch” lại. Căn nhà anh hiến mang số 595/29 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, mái tôn, vách tô xi măng, mặt tiền tô đá rửa, được cất từ năm 1974. Nhưng điều mẹ Teresa chú ý không phải là tình trạng vật chất của căn nhà. Anh Trần văn Soi, một người có vợ Nhật, định cư tại Nhật nhưng thường xuyên về Việt Nam làm việc thiện qua việc xây cầu cho dân nghèo và giúp đỡ các trẻ em ngoài đường phố, kể tiếp: “Câu hỏi đầu tiên mà Mẹ nêu ra , nhà nầy có nằm trong khu vực bình dân không, vì tuy là nhà sập xệ , nhưng có một khuôn viên riêng trên diện tích đất 200 mét vuông. Tôi thưa với Mẹ là bà cụ mẹ tôi mua miếng đất rộng khoảng 2000 m2 , sau bán dần chí còn lại căn nhà nầy , chung quanh là những người lao động nghèo: thợ hồ , làm rượu giả , nông dân trước đây giờ không còn đất thì tìm việc mưu sinh, ai thuê gì làm nấy, nhiều người thất chí trở thành con sâu rượu. Đặc biệt căn nhà nằm cách con kinh đào từ thời Pháp độ 80m , còn khá đông người từ miền bắc vào cả nhà 4, 5 người mưu sinh bằng việc đánh cá trên chiếc thuyền bé tý, cuộc sống cơ cực mà vệ sinh không được quan tâm , một môi trường ngoại thành phù hợp để việc phát triển cộng đồng được triển khai”. Điều thứ hai mẹ chú ý là nhà có gần nhà thờ không để các nữ tu có thể dễ dàng dâng lễ hàng ngày. Cũng may nhà thờ Thanh Đa chỉ cách có 300 thước. Mẹ Teresa chấp thuận dùng căn nhà này. Anh Soi muốn ký giấy hiến tặng luôn nhưng luật lệ Việt Nam cấm hiến tặng tài sản cho người ngoại quốc nên chỉ ký cho mượn 10 năm vô điều kiện và có gia hạn.
Chuyện tưởng dễ dàng hóa ra rắc rối. Rắc rối tới mức mẹ Teresa, tuy bận bịu với các cơ sở trên 123 quốc gia, mà phải lặn lội qua Việt Nam tới năm lần tất cả. Lần anh Soi gặp mẹ là lần thứ ba. Lần đầu, mẹ qua vào tháng 9 năm 1991 qua ngả Campuchia, các cơ quan thông tin lớn như The Telegraph, Herald Journal, AFP đều loan tin về biến cố này. Mẹ Teresa gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam ngỏ ý muốn lập dòng “Thừa Sai Bác Ái” tại Việt Nam để giúp đỡ nhưng người neo đơn, trẻ mồ côi và người nghèo. Ngoài việc gặp giới cầm quyền, trong ba ngày lưu lại Việt Nam, mẹ đã tới thăm cơ sở nuôi người già tại Hà Sơn Bình và một số cơ sở xã hội khác mà chính phủ cho phép.
Lần thứ hai vào cuối năm 1993, mẹ Teresa đã gặp Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Mạnh Cầm và Thứ Trưởng Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội Nguyễn Thị Hằng để nhắc lại ý muốn xin phép mở dòng tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam không chấp thuận yêu cầu này mà chỉ cho phép năm nữ tu được mở một ngôi nhà tại Sài Gòn để hoạt động xã hội.
Chỉ một năm sau, tháng 4 năm 1994, mẹ Teresa lại qua một lần nữa. Khi đó Hồng Y Phạm Đình Tụng đang coi sóc giáo phận Hà Nội đã cử cha Giuse Trịnh Hưng Kỷ cùng cô Trần Thị Hường, chuyên viên kinh tế đối ngoại tại Vụ Tài Chánh Kế Toán của Bộ Năng Lượng, ra sân bay đón tiếp. Cô Hường kể lại: “Mẹ Teresa mặc một chiếc áo sari vải thô, ba hàng kẻ xanh trên áo nói lên ba lời khấn: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục; mẹ khoác chiếc áo len tím than mỏng đã bạc màu. Chân mẹ đi đôi xăng đan đã cũ và sờn màu, tay cầm theo cỗ tràng hạt”. Mẹ yêu cầu nhưng không được gặp Thủ Tướng Võ văn Kiệt vì Bộ Chính Trị không cho phép. Chính phủ cho phép mở một nhà tình thương nhưng phải để nhà nước quản lý tài chánh. Mẹ trả lời: “Tôi không có tiền và cũng không có trương mục ngân hàng. Ai cho tôi bên tay phải thì tôi cho đi bên tay trái!”. Tuy nhiên chính quyền cho phép tám nữ tu của dòng qua Việt Nam hoạt động tại Hà Nội và Ba Vì. Tất cả để chăm sóc các em cô nhi. Trại mồ côi Ba Vì là trại nghèo nàn và tồi tệ nhất miền Bắc. Chỉ sau một tháng hoạt động, các nữ tu đã biến trại thành một nơi sạch sẽ, hết mùi khai và hôi thối. Theo cô Hường kể lại thì mùa đông miền Bắc rất khắc nghiệt và giá rét mà các sơ chỉ đi chân trần làm việc. Thấy vậy, cô mua cho mỗi sơ một đôi tất để giữ ấm chân. Ít ngày sau không thấy các sơ mang tất, cô hỏi và được các sơ trả lời: “Bọn trẻ con còn rét hơn chúng tôi. Chúng tôi cho các em tất rồi!”.
Ngày 20/12/1995, mẹ Teresa lại mang cái thân già qua Hà Nội. Mẹ sang Việt Nam lần này vì chính phủ Việt Nam không gia hạn chiếu khán cho các sơ ở lại hoạt động. Mẹ xin chính phủ Việt Nam cho phép các sơ tiếp tục phục vụ người nghèo. Chuyến đi của mẹ thất bại. Các sơ phải rời Việt Nam vào ngày 23/12/1995. Sơ Marie Francoise Hà Thị Thanh Tịnh nhắc lại lời mẹ nói với bà lúc đó: “Chúng ta hãy nhận thánh ý Chúa, tìm hiểu thánh ý Ngài muốn chúng ta làm gì”. Cùng ngày 23/12 đó, mẹ bị sốt nặng phải bay gấp qua nằm bệnh viện tại Singapore. Đó là lần cuối mẹ Teresa qua Việt Nam. Sức khỏe của mẹ suy yếu dần và mất vào ngày 5 tháng 9 năm 1997. Dòng tu của mẹ vẫn không được phép hoạt động tại Việt Nam.
Nhiều năm sau ngày mẹ Teresa qua đời tin vui mới tới. Tháng 6 năm 2006, sơ Nirmala, người kế vị điều khiển dòng tu của mẹ Teresa cùng hai sơ nữa tới Việt Nam. Ngày 9/6/2006 sơ Hà Thị Thanh Tịnh dẫn phái đoàn lên gặp Ban Tôn Giáo Chính Phủ tại Hà Nội. Bấy giờ chính phủ mới sẵn sàng mời hội Thừa Sai Bác Ái của mẹ Teresa sang Việt Nam hoạt động.
Suốt năm năm ròng rã, với năm lần qua Việt Nam, mẹ chỉ chờ nhà nước bật đèn xanh cho hội dòng của mẹ vào giúp đỡ những người cùng khổ tại Việt Nam. Vậy mà tới khi lìa đời, mẹ vẫn không nhìn thấy được ánh đèn đó.
Có một câu chuyện do chính mẹ Teresa kể lại. Tại Úc có một ông già thổ dân sống trong một túp lều tranh tối tăm xiêu vẹo. Lần đầu tới thăm lều của ông, mẹ đề nghị: “Để tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường chiếu cho ông”. Ông hờ hững đáp: “Tôi đã quen sống như vậy rồi”. Mẹ không nản chí: “Dù sao, ông cũng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp”. Ông bằng lòng để mẹ dọn lại nhà cửa. Trong khi dọn, mẹ thấy một cây đèn cũ khá đẹp nhưng phủ đầy bụi. Mẹ hỏi: “Có bao giờ ông thắp đèn này không?”. Ông trả lời với giọng chán ngán: “Thắp đèn cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu!”. Mẹ hỏi lại: “Nếu như các sơ tới thăm ông thường xuyên, ông có bằng lòng thắp đèn lên không?”. Ông vui vẻ đáp: “Dĩ nhiên rồi!”. Từ hôm đó, các sơ thay phiên nhau ghé nhà ông mỗi chiều. Cũng từ bữa đó, căn nhà sáng ánh đèn và được ông dọn dẹp ngăn nắp hơn. Ông sống thêm được hai năm nữa. Trước khi mất, ông nhờ các sơ nhắn với mẹ: “Xin các sơ nhắn với mẹ Teresa, bạn của tôi, rằng ngọn đèn mà mẹ đã thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Đó chỉ là một việc nhỏ, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã chiếu lên và vẫn còn tiếp tục sáng mãi”.
Ngọn đèn xanh mà mẹ mong ước được nhìn thấy sáng lên tại Việt Nam cuối cùng cũng được thắp lên. Chắc mẹ đã nhìn thấy, từ trời cao.
05/2018
Song Thao