Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp cái cảm xúc lạ lùng về Sài Gòn, thứ xúc cảm chỉ có được khi ta lạc vào một cõi xa lạ. Lần này là khi tôi tìm đến quán cafe mới tậu của một người bạn ở tận khu công viên Gia Định. Đây là nơi trước kia vào những năm 90, tôi từng dọc ngang, nhưng bây giờ gần như chẳng còn chút nét quen thuộc. Nó lạ lẫm hoàn toàn, lạ đến mức khiến tôi có phần sửng sốt và ngay lập tức nó làm tôi nhớ lại thứ cảm giác mà tôi đã từng có cách đây hai mươi mấy năm...
Đây là thứ xúc cảm đã khắc sâu vào kí ức tôi ngay trong lần đầu tôi đặt chân xuống bến xe Miền Đông. Lạc lõng và bất an, chênh vênh như đang bước đi trên một mặt nghiêng gập ghềnh.
Nhưng thứ cảm xúc vào những ngày đầu của thập niên 90' thế kỷ trước là thứ gì đó ngập tràn và nóng hổi, còn lần này thì có phần thâm trầm hơn. Duy chỉ có một thứ không thay đổi và đã hóa thành thân thuộc: cái không khí café mà ta dễ dàng cảm nhận được trong bất kỳ quán cafe nào ở đất Sài Gòn.
*
Dù đã định cư ở Sài Gòn hơn hai mươi mấy năm, gấp rưỡi thời gian ở quê hương, nhưng chưa có cái landmark nào của Sài Gòn khiến tôi phải nhớ nhiều. Những thứ khắc sâu trong não tôi chỉ tuyền những thứ nhỏ bé không tên. Chẳng hạn cái miếu Đại tướng trong một con hẻm nào đó gần ga Sài Gòn mà tôi không còn định vị được nữa.
Cái miếu chỉ là cái bàn thờ kiểu ông địa, nằm chỗ rộng rãi nhất của con hẻm. Cái miếu khiêm tốn nhưng khói nhang nghi ngút suốt ngày. Gần bên cạnh là quán café cóc của một tay trùm giang hồ của con hẻm. Bằng cách nào đó mà tôi lại quen được với anh chàng bậm trợn này. Có lẽ cái ngây ngô của một đứa mới lớn từ Quảng Nam xa xôi đã làm anh ta động lòng? Không, nguyên do là từ cái miếu. Anh ta nói cho tôi biết là ngài Đại tướng quê đâu cũng “ở ngoải”.
Cách đó vài năm, có đứa đàn em của anh ta mang về một cái giỏ xách cũ rích. Nó khai chôm của một ông già ngoài ga. Bên trong chỉ có vài bộ đồ cũ, một cái hộp thiếc đựng thứ bột màu đen rất lạ. Lúc nó đang chán nản thì một đứa khác chạy từ ga về cho biết ông già kia đang lăn lộn khóc gần chết trên sân ga, đầu tươm máu tùm lum. Cuối cùng, tay đàn anh phải ra tận nơi để chứng kiến sự việc và hiểu ra tất cả. Cái hộp thiếc kia đựng một thứ rất thiêng liêng: hài cốt. Ông già kia là một người con từ Quảng Nam vào hốt cốt cha mình để đưa về quê và sau đó sự việc xảy ra như ta biết. Tay anh chị bắt đứa đàn em phải trả lại cái giỏ xách và đặc biệt là cái hộp thiếc cho ông già, nhưng nó khai đã đổ mất rồi. Chút bột đen trong hộp thiếc nó hắt xuống ven hẻm, ngay chỗ bây giờ là miếu Đại tướng. Thằng đàn em suy nghĩ một hồi rồi phóng ra gần bờ kinh. Lát sau nó mang về một mớ đất đen đen…
Ông già khi nhận lại giỏ xách và nhất là khi thấy cái hộp thiếc vẫn còn nguyên vẹn thì mừng như bắt được vàng. Còn tay anh chị thì kiếm cái bàn thờ về đặt ngay chỗ đứa đàn em đã vứt cốt xuống. Từ đó cái miếu được cả đám giang hồ săn sóc tử tế, khói nhang hoa quả suốt ngày. Ngài Đại tướng cũng bao dung khi chẳng trách phạt mấy kẻ giựt dọc, mà còn thỉnh thoảng cho trúng vài con số. Và ngài nổi tiếng từ đó.
Có lần tôi bạo gan hỏi tay anh chị là tại sao lại gọi Đại tướng? Tay anh chị giải thích là cho trúng số đề như vậy thì phải Đại tướng mới làm nổi.
Miếu Đại tướng và quán café cóc của tay anh chị là thứ làm tôi hình dung về Sài Gòn đậm nét nhất, theo cái cách mà không thứ gì ở đất này có thể thay thế được.
*
Rồi rất nhiều những nơi tôi đã đến, những con đường tôi đã đi, đến nay tôi không còn hình dung ra được nữa. Nhưng thứ cảm xúc mà chúng mang lại cho tôi thì vẫn nguyên vẹn.
Một quán café cóc đã mất dạng đâu đó dưới nền một tòa cao ốc. Một con đường hun hút dẫn về Long An ngày xưa giờ được thay thế bằng cả một vùng phố thị sang trọng và sầm uất. Rồi bến Bình Đông, nơi chứa cả lịch sử phát triển của đất này, bây giờ còn ai đủ sức để nhớ lại…
Nhưng có một điều không bao giờ mất: thứ xúc cảm mà chúng đã gieo vào trí não của chúng ta.
Sài Gòn sẽ mãi mãi còn đó dù cho bao nhiều âm mưu dọc ngang trên đất này. Bởi một lẽ: những kẻ đến trước hay đến muộn, đến trong tâm thế thân thiện hay cướp đoạt, trước sau gì rồi cũng sẽ được mảnh đất này thuần hóa.
Cũng như cái không khí café rất đỗi quen thuộc mà tôi bắt gặp dù ở một nơi xa lạ.
Chúng ta sẽ nhớ về những con đường mà mình đã đi, và chúng ta cũng sẽ nhớ về cả những con đường mà ta chưa từng đi. Thứ xúc cảm mà Sài Gòn gieo vào tâm hồn của những người hữu duyên là bất diệt.
(Sài Gòn, 28/04/2018)
Trá Đóa