có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 3 05, 2018

Bí quyết sáng tác "Sorry Seems To Be The Hardest Word"



Bạn có biết đâu là điểm chung giữa thiên tài nhạc jazz Ray Charles, một bộ phim Mỹ với thần tượng điện ảnh Paul Newman và một ban nhạc boys band một thời đình đám tại Anh? Mối tương quan giữa ba cái tên mà thoạt nhìn chẳng có liên hệ gì với nhau chính là tình khúc Sorry Seems To Be The Hardest Word, của hai tác giả Elton John và Bernie Taupin.


Năm nay đánh dấu 40 năm thành công của ca khúc này, và dĩ nhiên bài hát vẫn nằm trong chương trình biểu diễn cuối cùng của Elton John. Vào năm 70 tuổi, nam danh ca người Anh đã tuyên bố giải nghệ (hôm 25/01/2018) để dành thời gian cho gia đình. Vòng lưu diễn này mang tên "Farewell Yellow Brick Road" gồm tổng cộng 300 buổi sẽ lần lượt diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, kéo dài cho tới tận2021, cơ hội để cho Elton John ngỏ lời cảm ơn khán giả trên sân khấu, vì như ông nói, nhờ sự yêu mến của người nghe mà ông có được một sự nghiệp bền vững như vậy.

Được phát hành vào cuối năm 1976, bản nhạc Sorry Seems To Be The Hardest Word ngự trị trên thị trường Anh Mỹ (Top Ten) trong vòng 10 tuần lễ, đạt tới ngưỡng một triệu bản cuối tháng Giêng năm 1977, trước khi nhường ngôi lại cho hai hiện tượng lập kỷ lục thời bấy giờ là khúc đàn thần sầu Hotel California của nhóm Eagles (phát hành vào tháng 03/1977) và bản tình ca How Deep is Your Love của ban tam ca Bee Gees trích từ bộ phim Cơn sốt chiều thứ bảy (Saturday Night Fever phát hành vào tháng 09/1977).

Ngay vào thời điểm phát hành, bài hát của Elton John từng được chọn làm ca khúc chính của bộ phim Slap Shot (1977) của đạo diễn George Roy Hill với ngôi sao màn bạc Paul Newman trong vai chính. Sau này, bản nhạc được Mary J. Blige ghi âm lại làm nhạc nền cho bộ phim Nhật ký Tiểu thư Bridget Jones tập nhì. Trong số các bản ghi âm lại có các giọng ca lẫy lừng như Joe Cocker, phiên bản của Richard Marx hòa quyện với tiếng kèn của Kenny G.


Bài hát này cũng là bản ghi âm cuối cùng của Ray Charles, vài tháng trước khi ông mất vì bệnh ung thư gan. Elton John cho biết là sau đó mỗi lần ông hát bài này, ông lại nhớ tới những ngày tháng cuối cùng của Ray Charles, nhiều kỷ niệm đẹp mà buồn. Cũng vào khoảng thời gian đầu những năm 2000, Elton được mời góp giọng vào phiên bản ghi âm của Blue, nhóm boys band người Anh ăn khách thời bấy giờ. Nhờ phiên bản này mà một lần nữa ca khúc của Elton John đứng đầu bảng xếp hạng thị trường Anh và nhiều quốc gia châu Âu.

Thành danh vào cuối những năm 1960, Elton John tính tới nay đã bán hơn 300 triệu đĩa hát, đoạt hàng loạt giải thưởng trong đó có 19 giải Brit Awards (kể cả giải vinh danh thành tựu sự nghiệp Brit Icon), 6 giải Grammy, 14 giải Tony dành cho sân khấu nhạc kịch và một giải Oscar dành cho ca khúc chủ đề bộ phim The Lion King Vua Sư Tử (Can You Feel The Love Tonight). Trong suốt nửa thế kỷ sự nghiệp, ông đã gầy dựng uy tín của một melody maker, một tác giả chuyên đi tìm những giai điệu sắc sảo mà dễ nhập tâm.


Được đào tạo bài bản trong lãnh vực nhạc cổ điển, Elton John từng đoạt giải nhất đàn dương cầm vào năm 11 tuổi Nhạc viện thành phố Luân Đôn (Royal Academy Music). Thế nhưng ông không đủ sự cần mẫn chăm chỉ để trở thành nhạc sĩ piano chuyên nghiệp, đòi hỏi phải luyện tập thường xuyên nếu muốn biểu diễn với các dàn nhạc giao hưởng. Đổi lại Elton John hấp thụ rất nhanh, ông có cái thú sưu tầm rất nhiều đĩa hát từ khi còn trẻ cho tới tận bây giờ (bộ sưu tập của ông gồm hơn 70.000 băng đĩa) và nhờ vậy mà làm giàu thêm kiến thức : càng nghe ông càng thấm nhuần các luồng ảnh hưởng khác nhau, đồng thời càng nghe các nghệ sĩ khác càng giúp cho ông đi tìm một nét riêng cho mình.

Từ vốn liếng âm nhạc cổ điển ban đầu (Chopin và Bach), Elton John tự học thêm lối dùng hợp âm phức điệu với dòng nhạc gospel (phúc âm), cách chơi đàn thuần chất nhạc blues, phân chia 12 nhịp theo kiểu vuốt phím boogie woogie của trường phái New Orleans. Về nhạc jazz ông rất ngưỡng mộ cái tài biến tấu linh hoạt của Ray Charles, còn được mệnh danh là Genius (Thiên tài). Về nhạc rock Elton John dư thừa bản lĩnh để chọi lại với các ban nhạc lừng danh quốc tế như The Rolling Stones, The Beatles, The Beach Boys. Chính cũng vì sân chơi nhạc rock đã quá đông người cho nên Elton John mới chọn nhạc pop làm sở trường sáng tác. Elton John sau này cũng chia sẻ các đĩa hát quý hiếm và có giá trị về mặt sáng tác qua các chương trình phát thanh đặc biệt.

Riêng về mặt sáng tác, khi nhắc tới The Beatles người ta nghĩ tới ngay cặp bài trùng John Lennon - Paul McCartney, nhóm The Rolling Stones thì có cặp song sinh ngỗ nghịch (Glimmer Twins) Mick Jagger – Keith Richards, ban nhạc Led Zeppelin thì có bộ đôi song hành Jimmy Page và Robert Plant. Trong trường hợp của Elton John, tuy là ca sĩ hát solo, nhưng sự thành công vang dội và vượt bực của ông một phần lớn là do đồng tác giả người Anh Bernie Taupin. Hai người gặp nhau vào năm 1967, tức cách đây nửa thế kỷ.

Tác giả Bernie Taupin chủ yếu đặt lời, dựa vào ngữ điệu của ca từ câu chữ, Elton John mới soạn ra những tiết tấu giai điệu sao cho hợp với lời ca. Nói cách khác, cặp bài trùng này phân công rõ ràng, đầu tiên sáng tác lời, rồi sau đó mới tính đến việc soạn nhạc. Theo lời kể của Bernie Taupin, trường hợp của bài Sorry Seems To Be The Hardest Word hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc làm việc của họ. Bản nhạc được viết vào cuối năm 1975 trong lúc cả hai tác giả có mặt tại Los Angeles.


Ngồi mò mẫm trên đàn piano, bỗng nhiên Elton John tìm ra một chuỗi nốt nhạc và ngẫu hứng hát lên câu đầu tiên : What do I do to make you love me (Ta phải làm gì để người vẫn yêu ta). Bản thân Elton thấy câu mở đầu này chẳng có gì xuất sắc, thế nhưng Bernie Taupin lại hoàn toàn nghĩ điều ngược lại: giai điệu tuôn chảy tựa như dòng lệ tuôn trào, dòng chữ nảy sinh một cách chân tình, tự nhiên ở chỗ: cứ nghĩ sao thì hát vậy.

Bài hát được hoàn tất chỉ trong 10 phút đồng hồ, từ câu hát mở đầu của Elton John, tác giả Bernie Taupin phác họa ra câu chuyện của một mối tình tan vỡ, một người (đàn ông) than van về số phận duyên kiếp, nhưng khóc than làm chi, níu kéo được gì khi người yêu đã nhất quyết dứt áo ra đi. Thành công của bài hát này thay đổi nhiều cung cách sáng tác của cặp bài trùng Elton John và Bernie Taupin. Elton John cho biết kể từ năm 1977 trở đi, ông chỉ thích sáng tác những bài hát trong vòng 15 hay 20 phút, nếu cứ loay hoay mãi để mò mẫm ca khúc, điều đó có nghĩa là có gì đó bất ổn trong giai điệu, vướng mắc trong ca từ. Bí quyết sáng tác của Elton John nằm ở chỗ đó : hầu hết các ca khúc ăn khách nhất của ông có thể rất cầu kỳ trau chuốt trong lối hòa âm phối khí, nhưng về mặt giai điệu lại dựa trên nguyên tắc căn bản : biểu cảm sáng tác, ngỏ hồn trực giác.


Tuấn Thảo


http://vi.rfi.fr