có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 1 28, 2018

Nam Ô, một thời để nhớ



Đường từ Đà Nẵng ra Nam Ô, bằng đường từ Saigon đi Lái Thiêu, nhưng tôi lại có cảm tưởng rất gần, bởi vì nếu tôi đứng giữa bờ biển Thanh Bình, là ngay trong thành phố, tôi đã thấy những vòng đèo đầu tiên bò từ Liên Chiểu lên tới đỉnh đèo Hải Vân, phía bên kia đỉnh đèo là vịnh Lăng Cô đẹp như tiên cảnh.

Tên biển Nam Ô nghe mộng thế, mà dân địa phương còn gọi Nam Ô hay Năm Ổ, mới chất phác làm sao.

Buồi đầu tôi đến Nam Ô không bằng xe hơi, còn cầu kỳ đòi bạn cho đi xe lửa. lên chuyến tàu Đả Nẵng - Huế, tới ga Liên Chiểu thì chúng tôi xuống.

Trời mới vào hè mà Nam Ô đã nắng chang chang. Ngọn núi đá vôi trước mặt trắng toát. Cánh đồng cỏ cháy kéo thẳng một mạch đến bãi biển.

Vẫn có những căn nhà gỗ lợp tôn, vài mái ngói rải rác trên cánh đồng biển cạn khô ấy, rồi thì bắt đầu có những cây thông cằn cỗi mọc thấp lè tè, khác hẳn 2 vạt thông xanh ngắt ở 2 bên đường từ Mỹ Khê đi Non Nước.

Sát biển mới có những ngọn thông cao hơn, đứng chơi vơi trên gò đất, hay nơi kẽ hở giữa 2 tầng đá lớn, có rất nhiều đá hòn tròn trịa và nhẵn nhụi to bằng đụn rơm, chồng chất lên nhau.

Chúng tôi chạy dọc theo bờ biển đầy cát hoang thấp thoáng những khúc cây khô đen nhánh như thân cây trôi giạt, nằm phơi trên cát trắng.

Song song với bờ biển, là một ghềnh cát cao, vách thẳng, tưởng như vách thành. Có lẽ tại hàng triệu trận gió thổi thốc vào, nên vách cát không kịp đổ thoai thoải xuống bờ biển. Hoặc chẳng có ai dỗi hơi đi ngang trên ghềnh cát ấy, khiến cát chẳng lỡ, cứ giữ nguyên cái thành vách hoang liêu.

Bạn hỏi tôi có thích trèo lên ghềnh cát chơi không vì phía trong vách cát là rừng cỏ lau trắng bạch. Mỗi lần gió thổi, hằng loạt ngọn lau lại dạt về một phía, giống như những tấm lụa trắng phơi dưới nắng trưa.

Phải vất vả lắm, mới leo lên được ghềnh cát, dù không bước sát mí vách. Chúng tôi đã lội sâu hơn vào vạt cỏ lau, để xem thử có bị lẫn mình trong cỏ lau không, chẳng hề nghĩ đến vạt cát lở, mà vẫn bị sụt chân xuống những hầm cát thiên nhiên khổng lồ khiến nhiều lúc hốt hoảng, tưởng đâu cát sẽ chôn mình như trong phim "Mồ Mả Ấn Độ" thủa ấy, và lại cười vang cả khu rừng thấp ngọn, tuy hoa lau phủ kín đầu người.

Cứ thế chúng tôi vui chân trong chuyến phiêu lưu nhỏ, vì địa thế, đất đai Nam Ô, bạn tôi là người địa phương đã thuộc làu làu, phải rừng sâu, núi thẳm đâu mà ngại lạc đường.

Nam Ô cũng là một vịnh, một vũng như hầu hết các vịnh, các vũng dọc bờ biển Việt Nam. Nam Ô lọt thỏm trên đường từ Đà Nẵng ra Huế, Nam Ô ở bên này chân đèo Hải Vân, còn Lăng Cô ở bên kia chân đèo.

Người ta biết đến Lăng Cô nhiều hơn, vì Lăng Cô sát ngay quốc lộ, mới vừa dứt đèo, đã nhìn thất Lăng Cô xanh biếc trước nắng, hay huyền ảo trong sương hoặc mờ mịt dưới mưa tùy theo thời gian ai đi đâu đó đổ đèo.

Còn muốn nhàn lãm Nam Ô, bạn phải bỏ quốc lộ, lội ngang cánh đồng cỏ cháy ra hướng biển, là ngọn núi đá đang được phá vỡ, để quanh năm người ta cứ đục, cứ đẽo núi, lấy đá làm tượng, làm bia, làm cối, làm chày v.v...

Cho tới khi nắng thấp thoáng rời khỏi rừng lau, chúng tôi mới bắt gặp một nền nhà khá lớn, nền đá mài mầu cẩm thạch đã bị đục hoang lỗ, 4 móng nhà vùi sâu trong cát cũng bị đào lấy gạch, chỗ còn, chỗ mất, đó là ngôi nhà nghỉ mát của người Tây xa xưa, ông ta đã đưa gia đình về Pháp sau 1954.

Tôi bật cười hỏi:

- Tây nào lại đến rừng lau này làm nhà nghỉ mát chứ! Vi lô san sát hơi may một trời thu để riêng say... ông Tây ấy à?

Bạn tôi nghiêm mặt:

- Bạn rỡn cả thơ cụ Tố Như nữa, phải hiểu là:

Vi lô san sát hơi may
Một trời thu để riêng say một người
(Nguyễn Du)

Tôi tiếc là chúng ta tới đây quá sớm, giá đến mùa thu, bạn sẽ nghe thấy rõ ràng tiếng gió thổi qua vạt lau, san sát như bạn rửa đũa ở nhà vậy.

Tôi càng cười rũ ra:

- Chính bạn mới là người "tầm thường hóa" Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du, vì tiếng gió lùa qua rừng lau nghe hay lắm, có đâu như tiếng sát đũa vào nhau khi rửa chén chứ.

Người bạn Nam Ô có vẻ phật ý câu nói của tôi, bạn hỏi sẵng giọng:

- Chắc bạn chẳng bao giờ lưu tâm những chuyện xẩy ra trong lịch sử Việt Nam. Bạn không nhớ là người Châu Âu nổ đại bác vào thành phố này từ năm 1858 sao, mới cách chúng ta hôm nay có 104 năm thôi, hẳn Nam Ô là một trong 5 bãi biển dọc quanh Tourance, tức Đà Nẵng này, gồm 4 bãi biển ngoại vi là Nam Ô, Tiên Sa, Sơn Chùa, Mỹ Khê, và bãi biển ngay trong thành phố là biển Thanh Bình, đã hấp dẫn người Âu Châu hơn đâu hết. Nên chuyện ông Tây nào đó xây lâu đài trên bãi cát Nam Ô là chuyện tất nhiên.

Người bạn Nam Ô vốn là bạn hướng đạo mà tôi được quen biết nơi trại Họp Bạn Quốc Tế lần thứ 8, Hướng Đạo Việt Nam tổ chức tại Trảng Bom vào Noel 1958, nói theo bạn ta, thì đúng 100 năm kể từ khi người Âu Châu xâm chiếm quê hương ta.

Vốn tôi cũng Hướng Đạo như bạn Nam Ô kia, nhưng tính thường lan man, linh tính, nên có lúc lại tưởng tượng quá mơ hồ, thành mấy lần đi trại trường, bị huynh trưởng "moral". Thí dụ lần đi trại Đại Lãnh, tội rủ Voi tịch Thanh Tâm đi khám phá nẻo cùng của bãi biển, khiến huynh trưởng Hồ Thi Vẻ, sau này là trung tá Chỉ huy trưởng trường Nữ Quân Nhân/QL.VNCH, phải đứng dưới nắng mấy tiếng đồng hồ chờ voi tịch, và tôi trở về. Hóa cho nên mỗi lần tôi đi dự trại, các huynh trưởng lại dặn dò một câu duy nhất:

- Này, trại có chương trình thám du đầy đủ làm, CMN đừng tùy tiện đi ngao du sơn thủy nhé.

Mùa xuân năm 1965, khi tôi đã trưởng thành trong Quân Đội rồi, bấy giờ tôi được giao phó chức vụ Trưởng Phòng xã hội sư đoàn 2 Bộ Binh. Vào 1 buổi sớm tinh mơ, tôi được lệnh tăng phái đến Bộ Tự Lệnh Quân Đoàn 1/Vùng chiến thuật để theo Bộ Tham Mưu Quân Đoàn đến một địa điểm "bí mật" thuộc địa phận Nam Ô, đợi đón đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đầu tiên đổ bộ Đà Nẵng.

Liên Đoàn 10 Công Binh Chiến đấu do Thiếu tá Trần Văn Tuệ (sau này lên đại tá) đã điều động quân lính cầy sới và ủi thẳng một con đường cũng gọi là "bí mật" chạy từ quốc lộ 1 ra đến bãi biển Nam Ô.

Bấy giờ mới khoảng gần 5 giờ sáng, chúng tôi đã đứng dàn hàng ngang ở bãi biển. Trung tướng tư lệnh QĐI/VICT cùng tất cả các trưởng phòng, ban và các đơn vị trực thuộc, đang cố giữ tư thế rất im lặng trước giây phút lịch sử của Quân Đội: đón nhận đồng mình đến quê hương tham chiến.

Không lâu, từ ngoài khơi, những chiếc "ô bo" cũng dàn hàng ngang xuất hiện. Thoạt thì nhỏ như những chiếc hộp đen, rồi hiện ra như những chiếc thùng gánh nước, hiện rõ hơn, như những chiếcPhuy đựng nhựa đường, rồi như những chiếc xe hơi, và cuối cùng là hiện nguyên hình những chiếc "ô bo" chở quân đến.

Họ, những người lính TQLC Mỹ đã rầm rập nhảy xuống nước vì "ô bo" không thể vô sát bờ được. Họ chạy thốc lên bờ, cúi gập người xuống, tay ôm súng trường, súng máy v.v... lưng đeo ba lô.

Họ không tiến về phía chúng tôi đang đứng, mà mỗi người lính đổ bộ đó, tìm ngay một gốc cây để đứng, quỳ, hay nằm bò soài ra thủ thế, chờ xung kích.

Họ nấp mình ở những gốc thông cao đã đành, họ còn thu mình bên những gốc thông thấp xỉn nữa.

Rồi thì một đoàn trực thăng bay từ ngoài khơi cũng ầm ầm hạ cánh trên bãi cát, trực thăng chở vị đại tướng TQLC Mỹ danh tiếng khắp 5 châu, với đoàn tùy tùng của ông đến nơi gặp gỡ "bí mật" đó.

Tất nhiên, phía VNCH cũng có những vị văn, võ tướng từ Sàigòn ra nghênh tiếp.

Toán nữ sinh trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng, độ 10 cô, đã được Bộ Tư lệnh QĐIV/1CT mời đến, trên tay mỗi cô 1 vòng hoa tươi thắm. Tôi chẳng thể nào quên những giai nhân như Lâm An, Thái Tịnh (ái nữ của nhà thơ bác sĩ Thái Can) v.v... bước ra, choàng hoa lên cổ những người khách xa xôi đến với lịch sử quân đội Việt Nam.

Vị đại tướng tư lệnh TQLC Mỹ hơi nghiêng mình cám ơn. Vài ba câu trao đổi, có lẽ chỉ trong vòng nửa giờ, đoàn xe GMC trực sẵn, đã di chuyển đoàn TQLC Mỹ về căn cứ dự trù, các vị đáp trực thăng đến, lại dùng trực thăng về nơi gió cát.

Hàng trăm Camera, máy ảnh được giơ lên, đưa ra, quay quay, bấm bấm không ngừng tay.

Tôi cứ nghểnh cổ nhìn tứ phía, mới 3 năm kể từ buổi đầu tiên tôi biết đến Nam Ô, sao cảnh trí có vẻ đổi thay, không tìm thấy nghềnh cát với rừng lau trắng ngọn hôm xưa.

Có tiếng nói đùa:

- Bạn nhận định tình hình kỹ quá chăng?

- Không phải, tôi muốn tìm vạt lau trắng xóa ở đâu quanh đây, sao chẳng thấy.

- Bọn này phạt nó đi từ khuya rồi bạn ơi.

Tôi dư biết đón quân đổ bộ, thì phải ủi đi tất cả những gì gọi là chướng ngại vật, song vẫn nói một câu thừa thải:

- Lau thì có phạt, nó cũng lại mọc lên thôi.

- Tất nhiên, nhưng chỉ cần phong quang một lát hôm nay, dù ngày mai, cỏ lau lại lên biếc lá.

Năm năm sau, tôi trở lại Nam Ô với sự ngạc nhiên gần như kinh ngạc. Không thể tả được niềm vui rộn ràng trước một bãi biển đẹp, mà người bạn Hoa Kiều cứ suýt soa:

- Thật chẳng kém gì Hong Kong, Thượng Hải.

Vì Nam Ô đã trở thành 1 bãi biển du lịch đẹp đẽ tuyệt vời, chẳng kế hoạch quốc gia, không chương trình thành phố nào dành cho Nam Ô, mà chính do mưu cầu phát triển mưu sinh của người Đà Nẵng, và những vị có đầu óc kinh doanh từ bất cứ nơi đâu tìm đến.

Những ngôi nhà xinh xắn, những vườn hoa tươi đẹp, những quán hàng màu sắc, những cây cảnh đủ loại được thiên hạ bày biện, sắp xếp nơi bãi biển Nam Ô.

Những tam cấp, những nấc thang được xẻ từ đá, được xây gạch hay lắp gỗ ở đều khắp bờ biển. Vách núi.

Những cột điện cao, những giây đèn thấp, chập chùng nhấp ngáy, và những khách sạn nhỏ mà người Việt Nam bấy giờ chỉ nhắm vào khách Mỹ và đồng minh, chứ dân VN có đến vãn cảnh Nam Ô, cũng chỉ thích về thành phố Đà Nẵng nghỉ lại.

Giả như muốn ngắm biển Nam Ô về đêm, thì lại ngại chẳng an toàn, vì Nam Ô cũng có xóm chài như hàng trăm xóm chài khác dọc bờ biển VN, mà nhìn sơ qua xóm chài vốn cũ kỹ, tối tăm, đầy bất trắc trong thời chiến.

Chúng tôi trèo lên những tảng đá chồng, ngồi trong 1 quán lộ thiên, được che mưa nắng bằng những chiếc dù đủ màu, những lính Mỹ say men nhìn bọt bia trên miệng ly, cứ tưởng sóng bạc đầu từ biển tràn lên, họ ré hốt hoảng trong giây phút.

Cảnh vật trên bãi biển Nam Ô như những mảnh rời tiền chế từ một đất nước nào xa lạ được chở về, nó mang mầu sắc một khu tây phương nghèo nàn, tạm bợ, nhưng lại rộn rã ăn chơi, điếm đàng.

Những người lính viễn chinh vừa rời khỏi Việt Nam mùa hè năm 1973, bờ biển Hong Kong hay Thượng Hải VN, tức Nam Ô này, bắt đầu được tháo rỡ lều trại, nhà cửa.

Một cảnh hỗn loạn mà không chỉ Nam Ô hứng chịu, hàng trăm cơ sở Mỹ kiên cố hơn, mỹ thuật hơn, và nhất là quan trọng hơn hàng ngàn lần lều quán Nam Ô, lại gin (origin) Mỹ 100% như phi trường, phi đạo Phú Bài, Chu Lai v.v... như bệnh viện Chu Lai, Non Nước, Hòa Khánh, là 3 bệnh viện lý tưởng của Mỹ, mà thời gian trước, tôi vẫn theo các phái đoàn đến thăm viếng, tặng quà cho thương bệnh binh Mỹ, và đồng minh, đôi lúc có những dân địa phương bị tai nạn hay bệnh hoạn ngặt nghèo cũng được chở tới để điều trị.

Kể từ mùa hè 1973, các cơ sở trên đã bị phá sập, tan hoang, không phải do chiến tranh, mà là tệ nạn hậu chiến, ai cũng có thể tự do ra vô doanh trại phế thải Mỹ để kéo một hay nhiều món đồ về nhà, nếu nhanh chân, như những tấm gi, tôn, ván ép, ống nước đèn điện, giây cáp và v.v... Khác nữa, thậm chí có cả giường sắt cá nhân, nệm Mỹ dày cộm.

Bãi biển Nam Ô tuy không phải cơ sở Mỹ, nhưng những tư nhân mua bán bên lề cuộc chiến, một khi đã cảm thấy hết bùa, tức đồng minh ai nấy về nước họ, thì lều quán Nam Ô cũng được bay theo viễn khách.

Vì thế, chỉ trong vài tháng, rừng lau trắng ngọn xưa đã lờ mờ đất vết cổ phong, những búp cỏ xanh non lại lên mầm trổ lá...

Và, muốn chờ xem hoa lau nở trắng xóa trên ghềnh cát hoang liêu, thì bạn chẳng đến nỗi phải đắm chìm mong đợi, vì những cơn mưa bãi mùa lụt ở Quảng Đà sẽ hứa hẹn trả lại cho Nam Ô một rừng lau bát ngát.

Trong trận chiến 3/1975, Nam Ô không bị rơi vào những tầm đạn, nhưng lại bị bỏ quên lời chào giã biệt của hàng vạn khách rời Cửa Hàn ra đi, là vì Nam Ô lọt giữa một vòng núi, mà nếu phải xuôi Nam gấp gáp bằng đường biển, thì người ta đã chọn Tiên Sa, Sơn Chà, Mỹ Khê hay Non Nước, bởi vị trí các biển này sẽ mau chóng để tàu bè ra khơi, việc chi phải lòng vòng trong vũng Nam Ô đầy đá ngầm cùng xóm chài nghèo khổ, tối tăm từ nhiều đời, để làm nơi "bí mật" đến hay đi.

Nhưng việc đến hay đi ở thời điểm 3/75 quá ư gấp rút.

Nam Ô, Nam Ổ hay Năm Ổ giờ này vẫn bình thản, con đường từ quốc lộ ra bờ biển bỗng nhỏ hẹp lại, vì những bụi cây dại đã mọc đầy 2 bên đường, gò mối hoang liêu đùn lên khắp chỗ.

Riêng đoạn đường "bí mật" được khai phóng để TQLC Mỹ chuyển quân từ ngoài khơi Nam Ô về căn cứ Hòa Cầm mà quân đội Mỹ đặt là Đồi Tự Do (Freedom Hill) đã tự nó xóa mờ dấu vết ngay sau mùa xuân 1965 đó.

Và rồi tất cả được nghe kể lại như một chuyện hoang đường, vì Nam Ô không mang đầy chiến tích, cũng chẳng phải là danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như các bãi biển Cảnh Dương (Huế), Kỳ Hà (Quảng Nam). Nam Ô chân chất, mộc mạc trên phần đất Chiêm thành xa xôi trong quá khứ.


Cao Mỵ Nhân