Lần đầu gặp xạ thủ[1] là ngày đầu tiên tôi nhận việc ở cái bệnh viện dành cho cựu chiến binh này. Vóc dáng gầy nhỏ và màu da đen của xạ thủ chìm khuất trong những người đang ken chật bên nhau trong buồng thang máy. Xạ thủ đứng sát cửa. Vào xong, mọi người ngừng nói chuyện, từng người trả lời khi xạ thủ hỏi. “Ông lên lầu mấy?” “Lầu 7, làm ơn bấm giùm.” “Lầu 13, làm ơn.” “Lầu 9, làm ơn.”
“Lầu 16, cám ơn ông.” Tôi đáp.
Giờ ăn trưa, tôi lại gặp xạ thủ khi xuống căng-tin.
“Cô bắt đầu làm việc ở đây à?”
“Vâng, hôm nay là ngày đầu. Sao ông biết là tôi bắt đầu?”
“Vì tôi biết tất cả mọi người ở bệnh viện này. Đừng sợ. May mắn nhé. Nhớ cầm theo dù, dự báo thời tiết chiều nay sẽ mưa.”
“Cám ơn ông.”
*
Tôi làm ở đây được ba tháng, gặp xạ thủ mỗi tuần ba hay bốn ngày, mỗi ngày có khi hai lần, có khi ba lần, mỗi lần dưới một phút, khi thang máy đi lên và đi xuống. Một buổi trưa, tôi xuống mua thức ăn, thang máy không có ai đi cùng, ngoài xạ thủ.
“Cô là người Việt?”
“Vâng, sao ông biết? Sao ông không nghĩ tôi là người Phi, người Hoa, hay người Thái? Bảng tên của tôi cũng không phải họ Nguyễn hay họ Trần.”
“Tôi… ngửi thấy. Xin lỗi, đừng bực nhé, nhưng thật vậy đấy. Tôi ngửi thấy mùi người Việt ngay dù cho họ cách tôi 7 thước. Bệnh viện này có gần một ngàn nhân viên nhưng chỉ có ba người Việt thôi. Cô nữa là bốn.”
“Ông tài quá. Tôi là Connie.”
“Tôi là… xạ thủ. Mình làm bạn nhé.”
“Cái gì? Xin lỗi tôi nghe không rõ tên ông, phải gọi ông như thế nào cho phải phép?
“Cô gọi tôi là xạ thủ.”
“Vâng, thưa ông xạ thủ, rất hân hạnh.”
“Thỉnh thoảng cho phép tôi ngồi cùng bàn với cô nhé? Tôi muốn nghe chuyện Việt Nam. Và tập nói lại tiếng Việt.”
“Vâng, nhưng tôi không thể giúp ông trong việc tập nói tiếng Việt đâu, vì tôi cũng đang quên dần nó rồi.”
*
Dù sau này đã biết tên thật của xạ thủ, tôi vẫn thích gọi ông là xạ thủ, theo cái cách mà ông muốn hiện diện với mọi người, là vị trí của ông, nghề nghiệp của ông, cách đây hơn nửa thế kỷ. Lúc đó tôi chưa ra đời, và ông 19 tuổi. Xạ thủ là cái nghề mà ông được đào luyện rất chuyên nghiệp. Nghề giết người. Giết đồng bào tôi. Giết người Việt.
Ông là xạ thủ súng đại liên trên trực thăng. Ông đi hai tours trong chiến tranh Việt Nam, vào lúc cuộc chiến đẫm máu nhất, mỗi tour chừng một năm rưỡi. Anh thanh niên da đen, ra đời trong một gia đình rất nghèo, và lớn lên ở một vùng quê thuộc bang Georgia, chưa học xong trung học, vào lính để đỡ gánh nặng cơm áo cho gia đình và thoả mộng giang hồ, bị thương, rồi giải ngũ, về Mỹ làm đủ thứ nghề để kiếm sống.
Khi xạ thủ về hưu, sống bằng lương hưu, dời về New York để tiện theo dõi bệnh tình ở bệnh viện cựu chiến binh, được trợ cấp thuê nhà giảm giá của chính phủ, thì ông tự nguyện nhận việc đứng điều khiển thang máy ở bệnh viện này đã nhiều năm, như một cách trả lại những gì nhận được từ nó, và cho đỡ buồn, cho thấy mình hiện hữu và có ích với đời, và được gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ, các chiến hữu của một thời bom đạn. Đây là việc thiện nguyện, mỗi tuần ba hoặc bốn ngày, không có lương, chỉ được bữa ăn trưa miễn phí do bệnh viện cung cấp nhưng ông không ăn vì chê thức ăn dở nên mang theo thức ăn tự nấu ở nhà. Dần dà, tuy không là một nhân viên chính thức, ông trở nên một thành phần của bệnh viện, được mọi người yêu quý.
Nhà ông cách đây không xa, chừng 10 phút lái xe, có thể đi bằng xe bus nhưng ông thường lái chiếc Jeeps cũ màu đỏ đi làm. Mỗi ngày ông đến rất sớm, từ 6 sáng đã có mặt. Những năm sau này, chứng ung thư trở nặng, có những khoảng thời gian ông chữa trị nội trú, ở luôn một phòng dành cho bệnh nhân ở lầu 8, những lúc yếu mệt quá thì ông không xuống làm việc. Không có ông thì cũng không sao, người dùng tự mình bấm nút thang lên xuống lấy.
Thoắt cái tôi đã làm việc ở bệnh viện này 12 năm, từ một nhân viên lơ ngơ lên lão làng. Thời gian đủ dài để xạ thủ và tôi hình thành một tình bạn thân thiết. Thỉnh thoảng chúng tôi ngồi ăn chung với nhau bữa trưa. Ông chia thức ăn của ông cho tôi khi có món ngon đặc biệt. Tôi cũng mang theo chè, chả giò, bánh chưng, những món Việt không nặng mùi, và trái cây nhiệt đới, mời ông. Ông sẵn sàng giúp tôi những việc vặt như đóng đinh treo tranh ảnh lên tường, kê lại bàn ghế trong phòng, đưa tôi ra xe khi trời tối, cào tuyết bám trên xe khi trời đổ tuyết, câu bình khi xe không nổ máy…
Hôm vụ khủng bố 9/11 xảy ra ở trung tâm New York, các ngả đường đều bị chặn không thể lái xe được, tôi bị kẹt lại bệnh viện nhưng phải về nhà bằng mọi giá vì tôi phải đón con. Xạ thủ đưa tôi về bằng xe điện, xe bus, dắt tôi đi bộ từng chặng trong cảnh hỗn loạn và khói bụi mù mịt, mất 7 giờ chúng tôi mới về đến Manhattan. Khi đến khu chúng cư của tôi an toàn, ông không chịu lên nhà, chờ tôi mang cái bánh mì thịt và chai nước xuống rồi lại bươn bả về bệnh viện. Vậy mà tôi chưa bao giờ đến nhà thăm ông.
*
“Ông có trở lại Việt Nam không?”
“Không.”
“Vì sao? Có nhiều cựu chiến binh trở lại mà…”
“Tôi biết. Nhưng không muốn về. Không thể… Từ khi qua đây đến nay, cô có về thường không?”
“Tôi về một lần.”
“Tôi đóng quân nhiều nơi, giờ chỉ còn còn nhớ mang máng những địa danh. Chỉ còn nhớ Đà Nẵng, Tây Ninh, Kon-tum, Biên Hoà… và Sài Gòn. Cô từng ở đâu?”
“Tôi chỉ ở Sài Gòn cho tới khi vượt biên.”
“Vậy là tôi ở, và biết, Việt Nam nhiều hơn cô.”
“Ông nhớ gì về Việt Nam? Nhớ gì nhất?”
“Nhiều thứ… Ruộng lúa, màu xanh như ngọc, những con trâu, hàng cây dừa, sự nghèo khó, sông, bãi biển, cái nóng, những đêm mưa bay lạc, núi, làng mạc, nhà tranh, khẩu phần ăn của lính, trọng lượng khẩu súng và thùng đạn, đạn từ dưới đất bắn lên, bar rượu, say rượu, đánh nhau, con gái, ma tuý, những lá thư của mẹ tôi, trực thăng bị trúng đạn, bệnh viện dã chiến, máu, bông băng, vết thương, xác lính trong túi, la khóc, đèn màu Sài Gòn, xe nhà binh, hầm cá nhân, công sự, đau răng, mùi, rất nhiều thứ mùi, trái cây ngon, trái mít, nước dừa và cùi dừa chặt từ cây xuống uống tại chỗ, những món thức ăn cay và lạ và tanh… Và Tết, lễ mừng năm mới của người Việt. Múa lân, pháo, áo quần mới, và nhậu nhẹt. Và đánh nhau với VC, cháy nhà, xác người. Tết năm 1968, tôi bay nhận thương binh và xác lính liên tục từ Đà Nẵng. Tôi nhớ nhiều, nhiều thứ lắm. Chỉ ở đó một thời gian ngắn trong đời nhưng tôi có ấn tượng sâu đậm nhất, hơn cả ở quê nhà Georgia của tôi. Nhưng lạ, nhiều khi tôi cố nhớ lại thì không được, nhưng khi không cố gắng nhớ thì chúng hiện ra. Chúng cứ bất chợt hiện ra rồi mất đi, từ chỗ tăm tối, sâu thẳm nhất của tiềm thức.”
“Ông nghĩ gì về Việt Nam?”
“Tôi sẽ lập lại những điều mà cô đã biết do nhiều người nói. Tóm lại là một đất nước rất đẹp, và con người thì thật đáng yêu, và đáng sợ...”
“Ông nghĩ đẹp về Việt Nam như vậy mà sao không làm một chuyến du lịch, thăm lại ‘chiến trường xưa’ như người ta thường nói vậy…”
“Tôi đang thấy Việt Nam qua cô. Và đó là một Việt Nam đẹp.”
“Một Việt Nam đẹp? Vậy có Việt Nam nào khác à? Việt Nam xấu à?”
“Tôi không trả lời câu hỏi này đâu.”
“Tuỳ ông, tôi xin lỗi nếu đã làm ông khó chịu.”
“Không, không khó chịu lắm. Nhưng hôm nay tôi chỉ muốn câu chuyện tới đây thôi.”
*
Những câu chuyện giữa chúng tôi thường không đầu không đuôi về mọi đề tài, nhưng nếu ngồi đủ lâu thì thế nào nó cũng dẫn đến Việt Nam, nhưng dường như cả hai chúng tôi đều cố tránh cái Việt Nam của quá khứ. Chúng tôi nói, nhưng nói về Việt Nam hôm nay. Đại loại như tình hình Trung Quốc muốn chiếm Biển Đông; biểu tình ở Sài Gòn, ông kể chuyện mấy mươi năm trước từ một quán bar ở Sài Gòn nhìn ra, ông đã chứng kiến cảnh sát đàn áp và bắt người biểu tình như thế nào; món quà ngu xuẩn của một tay quan chức VC vừa tặng cho Thượng nghị sĩ John Mc. Cain; chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Clinton, rồi tổng thống Obama…
Cho tới một hôm, tôi buột miệng, “Ông có giết người không?”
Xạ thủ nhìn vào mắt tôi, rồi hỏi lại, “Tôi có giống một thằng giết người không?”
“Tôi không biết… tôi từng thấy tận mắt người ta giết người.”
“Ở đâu? Lúc nào?”
“Trên biển, trên thuyền, lúc tôi đi vượt biên. Bọn cướp biển Thái…”
“Vậy tôi có giống chúng không?”
“Không, lúc này thì không.”
“Đúng vậy. Lúc này có lẽ không giống. Tôi đã giết người.”
“Ông giết bao nhiêu người?”
“Tôi không biết, nhưng chắc là nhiều.”
“Nhiều là bao nhiêu?”
“Có lẽ nhiều… Làm sao tôi đếm được. Ngồi trên trực thăng thì tôi có thấy được họ đâu. Chỉ là những bóng người nhỏ xíu, không rõ nhân dạng, chạy lăng quăng bên dưới, khi ban ngày, khi trong ánh lửa bùng lên trong bóng tối. Chỉ là đạn bắn lên từ bên dưới. Chỉ là khói và lửa. Từ những đám rừng dày. Khi đó, ngay khi đó, họ không là CON NGƯỜI. Họ là KẺ THÙ. Và tôi cũng vậy, lúc đó tôi không phải là CON NGƯỜI. Tôi phải bắn để trở về nhà. Tiếng nổ và sự rung giật của súng làm tôi tê dại và không còn là CON NGƯỜI. Lúc đó gần như chỉ còn bản năng. Giết và sống sót. Lúc đó tôi sợ chết lắm. Tôi nghĩ rằng nếu tôi ngừng bắn, ngừng siết cò, thậm chí nếu tôi bắn không trúng họ thì tôi sẽ chết. Sẽ bị giết. Vì sao cô muốn biết?”
“Tôi tò mò, nhưng nếu ông thấy không thích hay khó khăn thì thôi.”
“Đúng vậy, tôi không thích, không phải lúc này. Lúc nào đó thì tôi muốn nói, muốn kể, một lần, với cô thôi. Rồi mình sẽ không bao giờ trở lại câu chuyện này nữa.”
“Đồng ý. Nhớ nhé, ông hứa rồi đó. Có ngày tôi sẽ hỏi. Hoặc khi nào ông muốn kể thì ông có đôi tai của tôi chờ nghe.”
*
“Hôm nay tôi muốn nói tiếp câu chuyện với cô hồi tháng trước?”
“Chuyện món thịt heo nấu đông hả? Lát nữa tôi sẽ in cái công thức nấu ra cho ông.”
“Không phải chuyện đó. Chuyện chiến tranh.”
“À, vậy thì tôi hỏi ông và ông hỏi tôi. Nếu có ai không thích tiếp tục thì mình ngừng. Nếu câu nào không thích thì không trả lời. Ông đồng ý không?”
“Đồng ý. Cô hỏi trước đi.”
“Ông nhớ gì về chiến tranh nhất?”
“Tôi nhớ lần đầu tôi bắn người. Lần đầu tôi giết người.”
“Ông kể đi.”
“Tôi vừa sang Việt Nam được một tuần. Khí hậu nóng bức, và những cơn mưa nhanh vào buổi chiều. Tôi được lệnh lên trực thăng đi tuần tra. Chỉ có tôi và tay phi công. Khi bay trên con lạch hẹp, hai bên bờ là cây cối, tay phi công thấy một chiếc thuyền, bèn cho trực thăng bay nhanh và sà xuống sát trên nó để quan sát. Lập tức, có tiếng súng nổ. Không biết ở đâu bắn. Không biết súng từ chiếc thuyền bắn lên hay từ những đám cây ven sông. Tay phi công thét, ‘Bắn đi, bắn đi…!’ Tôi không hiểu hắn muốn tôi bắn cái gì thì hắn gào tiếp, ‘Bắn chiếc thuyền…’ Tôi siết cò, không cần nhắm, khẩu đại liên rung giật dữ dội. Chiếc thuyền trúng đạn. Cái mui thuyền bị đạn thổi bay đi. Nó xoay xoay nhiều vòng rồi chìm xuống. Tôi thấy hai hay ba người chới với giữa dòng nước và chìm với nó. Chuyện xảy ra quá nhanh, chỉ chừng 2 phút. Quang cảnh con lạch yên lắng, mặt nước khép trở lại như thể nó chưa từng nuốt mất chiếc thuyền, như không có chuyện gì vừa xảy ra. Như không có chiếc thuyền vừa chìm. Như không có ai vừa chìm. Như tôi không vừa giết người… Đêm đó tôi thấy mình lạ hẳn, không là mình như trước. Tôi là kẻ giết người. Tôi nhìn mãi đôi bàn tay, nhất là cái ngón trỏ đã siết cò. Chỉ một động tác đơn giản vậy thôi mà. Tôi vừa giết những người mà tôi chưa từng biết. Mẹ tôi là người rất ngoan đạo. Bà tin và sống theo lời Chúa dạy trong Thánh kinh. Tôi tưởng tượng việc mẹ tôi biết rằng tôi đã phạm một điều răn lớn nhất: ‘chớ giết người’, thì bà sẽ sợ hãi và đau khổ vì con mình đến như thế nào. Sau này, tôi biết rằng mọi thằng lính đều nhớ rất rõ lần đầu chúng giết người, nhớ từng chi tiết nhỏ. Nhớ nhiều hơn cả lần đầu làm tình.”
“Ông có sám hối, có ăn năn không?”
“Sám hối chuyện gì?”
“Những chuyện ông đã làm ở Việt Nam.”
“Lúc đó thì không, bây giờ thì tôi không biết. Tôi chỉ sợ. Thỉnh thoảng tôi vẫn đi xưng tội. Rất đều, đi gặp Chúa và linh mục đúng hạn kỳ. Cái gì tôi đã làm thì đã làm rồi...”
Ngưng một lát, xạ thủ nói tiếp, gằn giọng, “Cô không biết chiến tranh là cái đéo gì đâu. Tha lỗi cho cái ngôn ngữ bậy bạ của tôi. Mấy bọn làm phim cũng đéo biết chiến tranh là cái đéo gì đâu, bọn viết sách, viết hồi ký cũng đéo biết chiến tranh là cái đéo gì đâu, bọn trẻ ranh phản chiến cũng đéo biết chiến tranh là cái đéo gì… Các tổng thống cũng đéo ai đi lính, thậm chí có thằng trốn lính… và chúng nó ca ngợi lòng yêu nước…”
“Ông có những lúc hào hứng vì niềm vui chiến thắng không?”
“Không, gần như là không. Chỉ có những cơn say máu thôi. Không có chiến trường nào tồi tệ bằng ở Việt Nam đâu, kể cả Trung Đông. Và chắc cũng không có kẻ thù nào nguy hiểm hơn bọn du kích VC. Cái chết được nguỵ trang kỹ dưới những người có vẻ hiền lành, vô hại. Còn chúng tôi là những đứa con nít, những thằng con nít chỉ mới rời mẹ.”
“Ông nghĩ rằng ông hiểu chiến tranh không?”
“Chiến tranh ư? Tôi hiểu. Chỉ có bọn giết người, nạn nhân và Thượng đế hiểu…”
“Tôi không hiểu, hay tôi biết rất mù mờ. Chiến tranh chấm dứt khi tôi 3 tuổi. Nhưng bố tôi biết, mẹ tôi cũng biết. Bố tôi biết chiến tranh như ông biết. Ông ấy đã tham dự. Ông ấy cũng trạc tuổi ông. Không, ông ấy lớn hơn ông 4 tuổi. Bố tôi là lính của quân đội Việt Nam Cộng Hoà và bị đi tù sau khi chiến tranh chấm dứt, rồi vượt biên qua đây.”
“Ông ấy là một tay đàn ông thứ thiệt đấy. Tôi kính nể ông ấy, và những người trong đội quân của ông ấy. Này, có bao giờ cô hỏi ông ấy có giết người như cô đang hỏi tôi chưa?”
“Chưa, tôi cũng muốn hỏi nhưng không dám, và nếu có hỏi thì chắc ông ấy cũng không kể.”
“Vì sao cô không dám?”
“Vì bố tôi nguy hiểm hơn ông. Và đau khổ hơn ông. Nếu tôi hỏi thì ông ấy sẽ phản ứng rất dữ dội. Văn hoá của chúng tôi không cho phép đứa con hỏi bố của nó những chuyện nhạy cảm như vậy. Tuy những người lính như các ông bạn của bố tôi đều bị PTSD,[2] nhưng tôi chưa thấy ai trong họ được chữa trị như các ông, mà họ vẫn phải sống một đời sống tủi nhục và gian khổ hơn nhiều. Chúng tôi đau khổ và nghèo quá. Thú thật, tôi cũng bị một thứ PTSD!”
“Thật vậy sao? Cô đâu có dính gì tới chiến tranh!”
“Tôi không dính trực tiếp nhưng tôi cũng là nạn nhân của nó.”
“PTSD của cô là gì?”
“Tôi không thể đi tàu, đi du thuyền, đi chơi trên biển. Tôi sợ mặt nước. Tôi có những cơn ác mộng về biển. Những con sóng đẩy chiếc thuyền bé xíu lên cao ngất rồi rơi tõm xuống vực nước tối. Hôm nào tới lượt, tôi sẽ kể cho ông nghe chuyện của tôi.”
“Người Việt là một loại người kỳ dị. Họ có khả năng chịu đựng vô hạn. Và họ bất khả đoán. Như cô vậy.”
*
“Xạ thủ này?”
“Gì cô?”
“Ông đừng giận nếu tôi nói thật điều này nhé?”
“Cô cứ nói, tôi không giận đâu.”
“Tôi ngại bắt tay ông...”
“Sao? À, tôi hiểu rồi. Cô ngại chạm tới cái bàn tay đã giết người, những người Việt, những đồng bào, có thể là có cả người thân của cô nữa, đúng không?”
“Đúng vậy. Tôi từng cảm động khi cầm tay ông, khi chạm cái làn da khô nẻ, những vết chai vì lao động cực nhọc, cho tới một hôm tôi chợt nhớ lại rằng cũng bàn tay đó đã bóp cò, xả đạn xuống làng mạc và con người trên xứ sở của tôi, thì tôi rùng mình ghê sợ, và tôi đã bị ám ảnh bởi điều đó suốt.”
“Tôi cũng từng ghê sợ chúng -- đôi tay mình. Tôi nhớ là đã kể với cô về cái cảm giác đó rồi, trong lần đầu tiên bắn người. Chúng lạ như thể chúng không thuộc về tôi, không là thành phần trên thân thể tôi. Nhưng tôi phải sống với chúng. Con người phải quen thuộc dần và sống với tội ác của mình. Tôi biết mấy thằng lính, sau khi đi Nam về, từng được chữa bệnh ở đây, đã tự sát. Tự sát vì không chịu nổi chính cái phần tăm tối trong con người chúng.”
“Ông khác với họ? Ông mạnh mẽ nên chịu đựng được sự dằn vặt ấy à?”
“Tôi không biết. Cho tới giờ thì tôi vẫn ổn. Và dù thường xuyên nghĩ đến cái chết, tôi không hề có ý định tự sát.”
“Vậy giờ tôi phải làm sao?”
“Cô đừng bắt tay tôi nữa. Tôi sẽ không buồn đâu.”
“Ok, cám ơn ông.”
“Và cũng đừng ăn thức ăn của tôi nữa.”
“Ok. Tôi sẽ không ăn nữa. Nhưng nếu điều đó… Này, ông vẫn ăn thức ăn của tôi chứ?”
“Tôi ăn chứ. Tôi hoàn toàn không có cảm xúc gì xấu về cô.”
“Thứ năm tới tôi sẽ mang xôi lạp xưởng cho ông. Đừng mang thức ăn theo nhé.”
“Ok, tôi sẽ không mang. Tôi thích món xôi đó. Người Mỹ rất ít ai ăn loại gạo dẻo. Cám ơn cô. Này, cô có biết là tín đồ Hồi giáo không được đụng vào con heo không? Vì họ cho rằng heo là loài bẩn thỉu.”
“Vâng, tôi có nghe nói. Vì sao ông hỏi?”
“À, không liên quan gì. Tôi bất chợt liên tưởng đến điều đó thôi.”
“Tôi biết điều đó là bất công với ông. Vì đôi tay của ông không chỉ giết, mà chúng còn cứu người, trong đó có những đồng đội của cha tôi nữa. Tuy nhiên tôi vẫn không chịu nổi điều đó. Tôi nhạy cảm quá.”
“Đêm qua không ngủ được, tôi lái xe ra West Side Highway, dọc theo sông Hudson. Tôi đậu xe, thả bộ một lát, rồi ra ngồi ở ngoài bờ kè nhìn trời nhìn đất, nhìn ánh trăng loang loáng trên mặt nước. Một lát sau thì có bốn thằng nhóc đến cướp, chúng bảo tôi đưa ví, tôi làm theo, chúng lấy hết tiền, chừng $130, nhưng rồi một thằng ném trả lại $10, bảo rằng cho tôi ăn sáng. Tôi nhặt tờ bạc lên, lạ thay, lòng đầy hàm ơn. Chuyện đó làm tôi nghĩ hoài, và thấy vui lắm.”
“Trời đất, ông xui quá! Nhưng vì sao bị cướp mà ông lại thấy vui?”
“Vì tôi luôn có một lưỡi dao bấm trong túi áo Jacket, lúc đó tôi suýt lấy dao ra ăn thua đủ với chúng. Nếu làm vậy thì chắc là tôi sẽ giết ít nhất một thằng, và chúng sẽ giết tôi. Nhưng khi được thằng nhóc kia ném lại tờ $10 thì tôi đổi ý. Nó làm tôi nhớ tới chính mình lúc trẻ, cái hình ảnh chính tôi mặc đồ lính loé lên nhanh như chớp, chứ không thì lúc này tôi không ngồi đây với cô rồi. Tôi biết ơn thằng nhóc đó. Không phải vì $10 của tôi mà nó ném lại, nhưng vì nó cho tôi cơ hội để không giết nó và bị chúng giết.”
“Nguy hiểm quá! Nếu lúc này ông không ngồi đây với tôi thì ông sẽ đang ở đâu?”
“Dưới lòng sông. Chỗ làn nước đêm qua loang loáng ánh trăng. Khi thân thể người ta chìm xuống thì làn nước sẽ khép lại, rất nhanh.”
*
“Vì sao ông không lập gia đình?”
“Tôi không thể!”
“Vì sao không thể”
“Sau khi về từ Việt Nam thì đời tôi nát bét. Tôi không thể sống với ai, thậm chí còn nguy hiểm cho họ. Quá muộn để làm lại, nhưng càng cố gắng thì càng thất bại. Và những vết thương làm tôi không còn có nhu cầu với phụ nữ nữa. Cô không muốn nhìn chúng đâu. Người phụ nữ duy nhất yêu thương và chịu đựng được tôi là mẹ tôi. Mà bà cũng qua đời rồi. Các anh chị của tôi đều có gia đình nên mẹ tôi về sống với tôi cho tới khi bà qua đời. Có bà an ủi thì tôi cũng cảm thấy bớt đau khi bị các vết thương hành.”
“Dạo này sức khoẻ của ông thế nào?”
“Càng ngày càng tệ. Chắc không còn lâu nữa đâu. Tôi nghiện thuốc giảm đau như nghiện ma tuý. Tôi có ác mộng hằng đêm. Tôi không ngủ được, có nhiều đêm phải thức trắng.”
“Có thời tôi cũng có ác mộng hằng đêm.”
“Cô thấy gì trong đó?”
“Tôi thấy khi thì mình bị hải tặc hiếp, bị giết, khi thì bị chém bằng dao rựa, khi thì bị đập đầu bằng búa, khi thì bị chìm xuống biển, bị chết đuối… Và tôi sống trong lo sợ, hồi hộp… sợ đủ thứ chuyện.”
“À, PTSD của cô. Cô có đi bác sĩ tâm thần để chữa không?
“Có, nhưng thấy không hiệu quả và mất thời gian và tốn kém quá…”
“Rồi sao nữa? Làm sao cô có thể sống được với chúng?”
“Rồi không dưng chúng hết, nên tôi không đi nữa.”
“Hết?”
“Ừ, hết!”
“Từ lúc nào?”
“Từ sau khi vào đây làm, gặp và quen ông và nói chuyện với ông. Và gặp những người lính mặc đồ rằn ri ở đây. Các ông gợi cho tôi nhớ lại bọn hải tặc và bọn lính hung tợn của Thái Lan.”
“Thật sao?”
“Thật! Tôi sợ cả ông, vì ông có mặt trong ác mộng của tôi.”
“Sợ cả tôi? Trong ác mộng của cô?”
“Vâng, cả ông. Trong ác mộng của tôi. Tôi thấy ông biến thành một trong những thằng cướp biển.”
“Lạ nhỉ?”
“Ừ, lạ. Và không lạ. Sau hôm nhận việc ở đây tôi mua cái bình xịt hơi cay để tự vệ. Rồi thấy vẫn chưa đủ, tôi mua một khẩu súng lục loại nhỏ có thể cất trong túi xách, và bảo cha tôi đưa tôi đi trường bắn và dạy tôi bắn. Và tôi xin được giấy phép mang súng nhưng người ta không cho mang súng vào đây nên tôi bỏ ngoài xe. Hai tháng sau, khi tôi bắn khá thuần thục, tôi thấy mình bắn cả trong những cơn mơ, thì tôi hết bị ác mộng…”
“Bắn trong những giấc mộng? Cô có bắn tôi? Trong mộng?”
“Tôi bắn tất cả bọn cướp biển trong mộng, bắn cả ông trong đó! Ông tin không?”
“Cô tin không?”
“Hahahaha… Không, tôi không tin những giấc mộng của tôi.”
“Bây giờ cô còn thấy ác mộng như vậy nữa không? Ác mộng của cô khác với ác mộng của tôi.”
“Không, tôi không còn bị ác mộng. Ông thấy gì?”
“Tôi thấy khác với cô. Ác mộng của chúng ta khác nhau, trái ngược nhau. Cô thấy mình bị giết. Còn tôi thấy chuyện tôi đã làm. Tôi thấy tôi giết.”
“Tôi sẽ giúp chữa cho ông nhé?”
“Không thể đâu. Cái này đâu có nằm trong chuyên ngành của cô. Và có lẽ nó là chứng bất trị.”
“Tôi không tin nó bất trị.”
“Cô nhìn những thằng cựu chiến binh đang ngồi trong căn phòng ăn này đi. Nhìn kỹ nhé. Chúng đều đã giết người. Chúng là những cỗ máy giết người tiềm năng. Khi được bấm nút kích hoạt là chúng sẽ hoạt động, như máy. Bằng vũ khí hay bằng tay không.”
“Ông không làm cho tôi sợ được đâu.”
*
“Cô có súng thật à?”
“Thật.”
“Tôi không có. Sau khi từ Việt Nam về tôi thề rằng sẽ không bào giờ chạm tay vào súng nữa.”
“Vì sao? Ông sợ súng à?”
“Không sợ. Nhưng vì tôi bắn quá giỏi. Súng gì tôi bắn cũng giỏi. Từ súng đại liên trên trực thăng đến các loại tiểu liên và cả súng ngắn. Tất cả mọi loại vũ khí khi vào tay tôi thì đều được sử dụng hết mọi công năng của chúng.”
“Tôi không tin. Hôm nào ông đi bắn với tôi thì tôi mới tin.”
“Không, tôi không đi đâu. Tôi đụng vào cây súng nào thì nó trở thành súng ma. Nó phải giết người. Tôi tin vậy. Tôi không sợ súng. Tôi sợ phải giết người.”
“Ông bị ám ảnh chuyện giết chóc quá! Đó là quá khứ rồi mà…”
“Tôi nghe lời bác sĩ. Họ bảo chẳng những không được xem phim chiến tranh thôi mà tôi còn không được xem phim bạo lực nữa.”
“Tệ nhỉ!”
“Giờ tôi cũng bắn nhưng không bắn súng. Tôi chụp hình. Tôi chơi nhiếp ảnh mấy năm nay rồi. Thích lắm. Hôm nào tôi cho cô xem ảnh tôi chụp nhé.”
“Ông cho tôi xem ảnh bậy bạ thì sao?”
“Không, tôi không chụp ảnh bậy bạ. Tôi chỉ chụp phong cảnh và đường phố thôi.”
“Ok, vậy thì được. Nhớ cho tôi xem nhé.”
*
“Cô có tín ngưỡng không?”
“Gia đình tôi theo Phật giáo.”
“Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn nhé? Cô có tin là sau khi chết thì người ta còn có linh hồn không?”
“Tôi làm nghề khoa học. Tôi được dạy rằng chỉ nên tin vào những gì được chứng minh bằng khoa học, và tôi cũng được cha mẹ và văn hoá của đất nước tôi dạy về luật nhân quả. Câu hỏi của ông là một câu hỏi khó. Tôi tin và không tin, tuỳ lúc và tuỳ hoàn cảnh. Khi đang trôi giạt trên biển, sức lực cạn kiệt, cái chết cận kề như thể tôi có thể chạm vào nó, thì tôi tin và cầu khẩn những đấng siêu nhiên, bất cứ mọi đấng nào mà tôi nhớ đến, Chúa và Phật và tổ tiên phù trợ cho tôi qua cơn nguy hiểm, để được sống sót.”
“Những kẻ bị tôi giết thì họ có yên nghỉ không? Họ có theo đuổi tôi không? Tôi biết là họ vẫn theo đuổi tôi… Nếu cô là một trong những người tôi đã giết thì cô có theo đuổi tôi không?”
“Tôi không trả lời được những câu hỏi kinh khủng này ông à. Tôi xin lỗi. Tôi không giúp được gì cho ông.”
*
“Này, cô có thấy ở New York này có nhiều người vô gia cư ngồi xin tiền với cái bảng ghi rằng họ là cựu chiến binh không?”
“Có, tôi có thấy.”
“Cô có nhận ra họ có điều gì giống nhau không?”
“Không, ông muốn nói đến vẻ nghèo khổ của họ à?”
“Không, không phải điều đó. Mà là ở những tấm bảng họ trưng ra, phần lớn chúng đều có một nội dung gần giống nhau. Đại khái: Tôi là cựu chiến binh. Tôi cần giúp đỡ. Tôi cần công việc kiếm sống. Tôi cần $30, hay $75, nghĩa là một số tiền để mua vé xe về nhà. Ai cũng phải về nhà.”
“Ừ, đúng vậy.”
“Một số người trong bọn họ nói dối. Họ không phải là cựu chiến binh. Ngoài cái tài nhận ra người Việt thì tôi còn cái tài nhận ra ‘đồng đội’, nhận ra mấy ông GI. Tôi nhìn qua là biết hắn có phải là lính hay không. Cách hàng dặm tôi cũng ngửi ra được mùi của họ. Mùi chiến tranh.”
“Mùi chiến tranh ư? Mùi nó như thế nào?”
“Cô về hỏi cha của cô đi. Ông ấy là lính chuyên nghiệp, ông ấy sẽ tả cho cô thế nào là mùi chiến tranh.”
“Ok, tôi sẽ hỏi. Nhưng ông trả lời cho tôi trước đi.”
“Mùi chiến tranh là mùi của sự nghèo khổ.”
“Sao ông nghĩ vậy?”
“Vì rất ít người giàu tham gia chiến tranh, phần lớn họ chỉ điều khiển chiến tranh. Và hai việc, tham gia và điều khiển, thì khác nhau rất xa. Những thằng lính như tôi đều nghèo, dân nhà quê, và chưa học xong trung học. Nếu ai đã lên đại học thì sẽ được hoãn dịch. Cha cô hiểu điều đó vì trong quân đội của ông ấy cũng vậy.”
“Tôi cũng hiểu.”
“Sao cô hiểu? Cô hiểu như thế nào?”
“Ba tôi đi tù. Mẹ tôi không nuôi nổi mấy anh em tôi, trừ đứa út ra vì nó còn quá nhỏ, thì chúng tôi mỗi đứa đều phải tự kiếm sống, chúng tôi bỏ học, chúng tôi tan tác. Anh tôi phải đi lính khi tới tuổi, đánh trận và chết ở Campuchia. Người ta không mang xác anh ấy về cho mẹ tôi. Người ta đã không mang xác anh ấy về trả cho anh chị em tôi. Chỉ có tin báo và bạn anh ấy kể lại họ bị phục kích trong một cái làng và anh ấy lãnh trọn một quả đạn, đạn gì thì tôi không biết. Mẹ tôi mang mảnh giấy báo tử đi bọc nylon lại rồi đặt hình anh lên để thờ.”
“Tôi quen với xác chết. Tôi thường đón thương binh và xác lính tử trận chở về hậu cứ. Mỗi người đeo trên cổ hai thẻ bài ghi chi tiết về nhân thân và thông tin về y tế của hắn. Cái thẻ kim loại ấy được bọc viền bằng cao su để khi chạm nhau thì không gây ra tiếng động, có thể bẻ ra làm hai phần đều nhau, mỗi phần có thông tin giống y như nhau. Khi hắn đã chết từ trước hoặc chết trên trực thăng, thì tôi bẻ thẻ bài ra làm hai phần, tôi mở miệng hắn ra, bỏ một phần vào đó. Việc đó như một thứ nghi thức kỳ quặc. Những cái miệng trào máu, có khi là một vết thương toác hoác trơ ra xương hàm, răng, lưỡi. Tôi cứ tưởng tượng rằng nửa miếng thẻ bài ấy là miếng bánh thánh cuối cùng mà tôi thay mặt Chúa bỏ vào miệng hắn, như các vị linh mục làm trong buổi lễ. Hay nó là cái vé để hắn lên thiên đàng hay xuống hoả ngục. Rồi hắn được bỏ vào túi đựng xác. Nửa miếng thẻ bài còn lại thì được giao cho người chịu trách nhiệm về nhân sự làm sổ sách. Thông thường thì người lính còn một cái thẻ nữa được bỏ trong giày để phòng ngừa khi thẻ kia bị lạc mất.”
“Chắc ông không biết điều này, theo phong tục của người Việt, và cả người Hoa thì phải, trước khi liệm và đóng nắp hòm lại thì người ta bỏ vào miệng tử thi một đồng xu. Người ta cho rằng vong hồn người chết sẽ dùng đồng xu đó để trả tiền cho người chèo đò đưa hắn qua con sông ngăn cách cõi sống và cõi chết. Có khi người lính cũng dùng cái thẻ bài ấy với chung một mục đích chăng? À, ông còn giữ thẻ bài của ông không? Cho tôi xem nhé.”
“Tôi không biết cái phong tục kỳ quái và thú vị đó. Ừ, biết đâu thần chết nhận diện hắn bằng cái thẻ bài, hay hắn dùng cái thẻ như một thứ thẻ tín dụng ở thiên đàng hay địa ngục chăng, hahaha! Cô có muốn giữ giùm tôi cái thẻ bài không?”
“Không, không đâu. Vì sao ông không giữ mà trao cho tôi?”
“Cô không phải sợ đâu. Đừng nghĩ rằng nó là một bổn phận hay một thủ tục hành chánh, nhưng nghĩ rằng nó là một nghi thức đơn giản mà một người có thể làm cho bạn của hắn. Chẳng phải cô là bạn của tôi sao? Mai tôi sẽ đưa cho cô giữ một nửa cái nhé...”
“Nhưng tôi giữ nó để làm gì chứ?”
“Không sao cả, sau khi tôi đi thì cô hãy ném nó xuống sông Hudson giùm tôi. Tôi muốn một phần của mình nằm lại ở New York, cái thành phố mà tôi đã gắn bó một phần đời sống của mình.”
“Thế thì tôi nhận, nhưng có khi tôi sẽ đi trước ông đấy.”
“Chúa chưa gọi cô đâu.”
*
“Hồi những năm 80, qua hội từ thiện và nhà thờ, tôi có giúp những gia đình người Việt tị nạn vừa đến Mỹ. Thậm chí tôi có nhận đỡ đầu hai đứa nhỏ, gởi tiền cho chúng mua sách vở và chi tiêu trong mấy năm, hai thằng nhóc con trai. Thỉnh thoảng tôi ghé lại nhà thăm gia đình họ, chở chúng đi chơi, vài lần chở chúng về thăm nhà tôi để mẹ tôi nấu cho chúng ăn. Nhưng họ, tôi muốn nói những người lớn, không thân thiện lắm. Họ sợ tôi. Và có lẽ vì mẹ tôi hay khuyên con họ đi nhà thờ. Sau tôi biết lý do là vì tôi là người da đen. Có lần tôi nghe họ nói với nhau, gọi tôi là ‘Mỹ đen’, họ tưởng rằng tôi không hiểu, nhưng tôi còn nhớ ‘Mỹ đen’ là cái tên người Việt thường gọi bọn da đen chúng tôi khi tôi còn ở Việt Nam. Ở Mỹ thời những năm 80 ấy rất khó khăn. Tôi vừa đi làm thợ hàn cho một hãng đóng tàu vừa chạy xe taxi. Tôi làm quần quật mỗi ngày gần 14 giờ…”
“Rồi sau đó?”
“Có lần Phong, tên một thằng nhỏ, giữ một khẩu súng mà nó mua hay nhặt được đâu đó. Tôi biết được và bảo nó theo tôi mang giao cho cảnh sát. Cha mẹ chúng cũng biết được và sợ rắc rối nên họ cắt liên lạc với tôi. Giờ thì chúng đã trưởng thành và có gia đình, và chắc là có đời sống tốt. Thỉnh thoảng thằng nhóc ấy gởi thiệp Giáng Sinh cho tôi. Chúng không biết những việc có súng, bắn súng, và giết người là khác nhau như thế nào… Tôi không hiểu có phải tôi làm việc thiện nguyện, việc giúp những người Việt đó, là để nó giúp tôi yên ổn, nhẹ lòng hay thể hiện sự ăn năn hay không. Cô nghĩ sao?”
“Tôi nghĩ là họ kỳ thị và xử tệ với ông!”
“Tôi quen với việc bị đối xử bất công như vậy từ khi còn bé. Hôm nào tôi sẽ kể cho cô về tuổi thơ của tôi.”
*
“Gia đình tôi mấy đời đều sống ở Clay County, một trong những thành phố nhỏ và nghèo nhất của bang Georgia, có khi nghèo nhất nước Mỹ. Cô nghe cái tên thì biết nó quê mùa và khô cằn như thế nào. Các đời trước của gia đình tôi là nô lệ. Vùng này có chừng 30% là người da trắng, 70% còn lại là người da đen. Không còn là nô lệ như các thế hệ trước, nhưng tới thập niên 60 phần lớn người trong nhà tôi, và trong xóm tôi, đều đi trồng bông cho chủ là người da trắng.
“Tôi quen với sự cô độc từ bé. Những buổi chiều không phải đi học và rảnh việc nhà, tôi lang thang qua một cánh đồng bông rộng ngút ngàn, rồi vào khu nghĩa trang gần đó, tay cầm theo một cây gậy để ngừa khi gặp rắn. Khu nghĩa trang này có từ lâu đời, gần như cả dòng họ nhà tôi đều đã và sẽ nằm ở đó khi qua đời.
“Tôi đi mà không có chủ đích, sau này tôi hiểu rằng vì mình chỉ thích một khoảnh khắc yên tĩnh, khoảnh khắc một mình. Như là cách liên tục chạy trốn cái thực tại buồn tẻ mà ồn ào trong khu xóm. Nơi đó, người ta chỉ ngồi hút thuốc vấn, hút cần sa nếu mua được đâu đó, uống bia rẻ tiền, và nói nhảm với nhau sau một ngày cực nhọc, trong tiếng nhạc ầm ĩ từ những cái radio. Bình yên, an toàn, nhưng quá buồn tẻ.
“Tôi nằm xuống chân mộ quen, mộ của một người trong gia tộc của tôi. Cái bia sứt sẹo, mòn vẹt với thời gian, phai nhoà tên của người nằm dưới lòng đất từ hơn 50 năm trước: W. Jackson. Ông ấy là Jackson, người trong nhà thì gọi tên cúng cơm của ông ấy là Jack Crazy [Jack Khùng]. Tôi thích nằm ở bên ông vì chỗ này có bóng cây râm mát, và vì tôi thích câu chuyện đời của ông ấy. Tôi tưởng tượng mình có thể trò chuyện với ông ấy, với những lóng xương nằm bên dưới gò đất. Những lóng xương ấy đã từng phiêu lãng ở những chân trời mà tôi mơ ước được đến. Tôi nghe người ta kể rằng ông ấy đã bỏ cái xứ này để đi giang hồ khắp nơi, không chỉ đi trên nước Mỹ mà ông ấy còn qua Phi châu, Âu châu, Trung đông, Trung quốc… rồi về sống ở New York. Nhưng sau cùng ông ấy cũng về lại cái xứ đất sét này khi đã quá già mà chết.
“Tôi mơ mình sẽ có cuộc đời như ông ấy, đi xa và đi nhiều hơn ông ấy. Tôi sẽ đi khắp thế giới, cả những nơi ông ấy chưa đặt chân tới, và nếu có về Mỹ thì sẽ về New York như ông ấy, nhưng sẽ không về đây để chết. Lúc ấy, vào cái thời thơ dại và mông muội của tôi, New York là một thế giới khác, một hành tinh khác, tuy nó cùng ở trên nước Mỹ nhưng nó không cùng ở trong cái thế giới, cái vũ trụ của chúng tôi.
“Tôi nhìn những ngọn bông rập rờn trong gió ngoài xa, có vài nụ bay vờn trong nắng tàn. Mùi đất khô hanh nồng xộc lên mũi trong những ngày hè nóng, rồi tôi ngủ thiếp đi cho tới tối mới lần mò về nhà, trước khi mẹ tôi xua các anh chị đi tìm thằng con út không giống chúng. Tôi dò dẫm, khập khiễng bước qua những ngôi mộ sụp lở, nhấp nhô. Tôi có cảm giác như những kẻ nằm dưới mộ đều cố gắng níu chân tôi lại. Họ muốn tôi nằm lại đó mà tan rữa đi như họ, thành những lóng xương như họ, nằm bên họ.
“Sau này, mẹ tôi lên New York sống với tôi vì các anh chị đều đã có gia đình. Trước khi qua đời bà cũng muốn được đưa về nằm lại ở cái nghĩa trang đó. Tôi chiều theo ý bà nhưng không thể hiểu nổi cái gì đã níu kéo người ta về cái nơi buồn tẻ nghèo hèn đó. Tôi thì khác. Tôi đã viết di chúc. Nếu tôi chết thì hãy thiêu xác rồi ném cái mớ tro tàn ấy đi đâu cũng được, nhưng tốt nhất là mang nhúm tro của tôi về bỏ dưới chân mộ của Jack. Tôi muốn nằm bên ông ấy. Tôi biết là các anh chị của tôi sẽ làm được điều đó. Mong họ làm theo ý nguyện của tôi. Rốt lại, nghĩ cho cùng thì tôi cũng không khác gì họ. Dù trong một hình thức khác thì tôi cũng sẽ trở về. Về quê.
“Tôi khó thoát ra khỏi hoàn cảnh của mọi người trong gia tộc nếu đã không đi lính. Đó là lối thoát duy nhất của tôi. Vậy mà, sau khi giải ngũ tôi chỉ muốn chạy ù về với mẹ, cho bà thấy rằng thằng con của bà chưa chết. Về sau, tôi không còn sợ chết như thời gian đầu mới vào lính. Tôi chai đá đi. Nhưng tôi lại sợ cái cảnh mà tôi hình dung ra trong đầu hằng đêm: cảnh mẹ tôi nhận tin báo tử của tôi. Chắc nó cũng đau đớn giống như khi mẹ cô nhận tin của anh trai của cô. Tôi không biết mẹ của cô chịu đựng cái tang tóc ấy như thế nào. Nhưng mẹ của tôi thì sẽ kinh khủng lắm. Bà sẽ đấm ngực, kêu gào và giật ra khỏi đầu từng nắm tóc. Mẹ của những kẻ bị tôi giết thì đã đau khổ như thế nào? Có khi tôi không bị dằn vặt về những người mình đã giết bằng những người mẹ mà họ bỏ lại.
“Vậy mà khi trở về, mọi người nhìn tôi ghẻ lạnh, đối xử với tôi nhạt nhẽo, trừ người duy nhất là mẹ tôi. Lạ, dù biết rằng con mình giết người mà mẹ tôi vẫn không xử tệ với tôi như những người khác, không như tôi đã nghĩ. Bà chỉ đau khổ ngấm ngầm, và cầu nguyện cho tôi. Họ cho rằng tôi đã phạm điều răn lớn nhất trong những điều răn của Chúa: ‘Chớ giết người.’ Và họ tin rằng nước Mỹ không cần, không nên có chiến tranh. Sở dĩ nước Mỹ có chiến tranh là do những thằng lính quèn như tôi gây ra. Tôi không phân bua gì được.
“Một hôm, không lâu sau đó, tôi ra thăm mộ Jack Khùng, rồi nhớ lại lời nguyền khi xưa mà tôi đã không giữ được: đi khỏi Georgia và đừng trở về. Tôi lại khăn gói ra đi. Đi New York và chết ở New York.
“Ngày mai tôi được về nhà. Dù ở nhà thì cũng chỉ một mình nhưng nằm trong bệnh viện thì chán quá.”
*
Chiều hôm qua, trời mưa lớn. Tôi đang họp trong phòng với ba người đồng nghiệp thì nghe loa thông báo Code 4000, có bệnh nhân cần cấp cứu ở bãi đậu xe. Code 4000 là thông báo có bệnh nhân đang nguy ngập vì tim mạch, các bác sĩ nào đang ở gần bệnh nhân đều phải chạy ngay đến nơi đó. Chúng tôi ở xa nên không phải đi, tuy nhiên đều đứng lên nhìn qua kính cửa sổ xuống bãi đậu xe. Khoảng cách khá xa, tôi chỉ thấy mờ mờ trong màn mưa nhiều người lố nhố đang vây quanh một chiếc xe màu đỏ lẫn trong những chiếc xe khác. Nửa tiếng sau họp xong, tôi ra về.
Sáng nay tôi bước vào buồng thang máy mà không có ai chào. Không có xạ thủ. Tôi nghĩ chắc ông ấy mệt nên nghỉ làm. Một lát sau cô thư ký phòng nhân sự gởi e-mail chung cho mọi người, thông báo tin buồn.
“Xin mọi người hãy cầu nguyện cho người bạn yêu quý của chúng ta. Ông xạ thủ đã qua đời chiều hôm qua tại bãi đậu xe vì một cơn đột quỵ. Chúng tôi sẽ thông báo về các chi tiết tang lễ khi được biết rõ thời gian và địa điểm.”
Tôi bước ra cửa sổ nhìn xuống bãi đậu xe và khoảng trống nơi chiếc xe đỏ ngày hôm qua đậu, bây giờ có những chiếc xe khác đã lấp đầy. Tôi lấy nửa cái thẻ bài của xạ thủ mà tôi cất trong hộc bàn ra ngắm, mảnh kim loại mỏng và lạnh trong lòng bàn tay tôi. Chiều nay nó sẽ nằm dưới lòng sông như ý nguyện của ông.
Giờ ăn trưa, tôi lặng nhìn cái bàn ở góc phòng và chiếc ghế trống mà xạ thủ thỉnh thoảng ngồi ăn với tôi. Tôi nghĩ mình sẽ không ngồi vào cái bàn đó nữa.
Vĩnh biệt xạ thủ. Vĩnh biệt những cánh đồng bông ở Georgia. Vĩnh biệt những món ăn ông chia sẻ. Vĩnh biệt chân mộ Jack Khùng trong nghĩa trang mà ông đã ngồi. Vĩnh biệt chiếc xe taxi màu vàng mà ông đã lái. Vĩnh biệt những chuyến bay đêm giữa lằn ranh sống chết. Vĩnh biệt những câu chuyện không đầu không đuôi.
Vĩnh biệt ác mộng chiến tranh. Vĩnh biệt những vong linh theo đuổi, ông sẽ gặp lại họ. Vĩnh biệt ác mộng Việt Nam. Vĩnh biệt tất cả.
Vĩnh biệt trần gian.
Ngủ yên, mộng lành. Bay nhẹ nhàng như bông trên cánh đồng, bay về với mẹ đi nhé, xạ thủ Ringo.
Thận Nhiên
25/10/2017
_________________________
[1]Xạ thủ: gunman, còn gọi là door gunner nếu là xạ thủ trên máy bay trực thăng.
[2]PTSD: Post-traumatic Stress Disorder, là một bệnh tâm lý rối loạn do những sự tổn thương về tinh thần, thường gặp ở những người đã trải qua những biến cố khủng khiếp trong chiến tranh, trong những tai nạn hay những vụ bạo hành.