có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 11 17, 2017

Hiện tượng Fatima, Cộng sản và Hồi giáo (3)




III. FATIMA VÀ HỒI GIÁO

Chủ nghĩa cộng sản cổ võ đấu tranh để tiến tới một thế giới đại đồng không còn biên giới giữa các nước, xã hội không còn giai cấp, không cần ông bà cha mẹ, không cần tôn giáo. Đó là một thế giới không tưởng. Học thuyết Hồi giáo (Muhammadism) trộn lẫn cả Do-thái giáo và Thiên Chúa giáo và giới thiệu cho thế giới ra một tôn giáo mới. Nhìn bề ngoài, đạo Hồi trông yêu chuộng hòa bình, nhưng cốt lõi là cả một đe dọa ngấm ngầm với bổn phận “thánh chiến, jihad,” dùng vũ lực và sẵn sàng hy sinh mạng sống. Một học giả Hồi nổi tiếng Ibn Khaldun (1332-1406) khẳng định, “thánh chiến” không còn là một cuộc chiến tự vệ, nhưng phải là một bổn phận thiêng liêng của tất cả các tín đồ Hồi để đạt được mục đích là Hồi hóa toàn thể nhân loại – mọi người phải quy phục Allah – qua sự thuyết phục hoặc bằng vũ lực. Nếu chủ nghĩa cộng sản phủ nhận tôn giáo thì chủ nghĩa Hồi nhìn nhận chỉ một tôn giáo Hồi duy nhất trên toàn thế giới.
Vào thế kỷ trước, chủ nghĩa Phát-xít gieo đau thương cho nhân loại vì tin rằng chỉ có dòng giống Aryan duy nhất thuần chủng là đáng sống, còn những chủng tộc khác đã nhiễm bẩn, và theo luật đào thải, cần phải loại trừ. Chủ nghĩa Hồi cũng thế, các tôn giáo khác với đạo Hồi cũng cần phải bị tiêu diệt, và đó là một trong những bổn phận của tín đồ Hồi. Một khi không còn tín hữu, thì tôn giáo đó tự nhiên sẽ biến mất. Vì thế, cần tiêu diệt càng nhiều tín hữu của các tôn giáo càng tốt. Muhammad, giáo chủ Hồi, dạy bảo tín đồ, “Ta đã được lệnh Thượng đế tạo chiến tranh chống lại toàn thể nhân loại cho đến khi họ nhìn nhận rằng không có thần nào khác ngoài Allah và Muhammad là sứ giả của Thượng đế; và họ phải học thuộc kinh nguyện, và trả thuế theo luật pháp Hồi (tức là đã trở thành tín đồ Hồi). Nếu họ làm như vậy, sinh mạng và tài sản của họ sẽ được bảo vệ.” (Sahih Muslim 1:33).

Hồi giáo giống cộng sản và phát-xít ở chỗ tận dụng vũ lực để đạt được mục đích. Ở một góc nhìn nào đó, Hồi giáo nguy hiểm hơn cộng sản, vì tiềm ẩn trong chính trị là một niềm tin cực đoan của tôn giáo, dẫn đến bạo lực và xem giết người là một cách tử đạo. Bạo lực là nhân tố đặc thù của đạo Hồi cực đoan và đến đầu thế kỷ 21, cuộc “thánh chiến” của quân khủng bố gieo chết chóc gây đau thương đến tột đỉnh, và thách thức sự chịu đựng của nhân loại.

Hilaire Belloc, nhà văn kiêm sử học nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20, nêu ra 5 dị giáo có ảnh hưởng trầm trọng và gây nguy cơ hủy diệt nền văn minh Thiên Chúa giáo. Đó là Arianism, Mohammedanism (Islam), Albigensianism, The Reformation (Thệ phản), and “The Modern Phase.” Belloc chứng minh học thuyết của Hồi giáo chỉ dựa vào Thiên Chúa giáo chính thống và biến dạng đi cho có vẻ mới lạ. Ông kết luận, Hồi giáo chỉ là dị giáo từ Thiên Chúa giáo, giống như Tin lành, Thệ phản, và Luther. Đạo Hồi bành trướng nhanh bằng chiến tranh quân sự, với tham lam chính trị của một số giáo sĩ cực đoan, và khôn khéo lợi dụng những biến động xã hội để tạo mâu thuẫn. Nếu hiểu theo đúng khảo cứu này thì chủ nghĩa Hồi giáo và chủ nghĩa cộng sản rất giống nhau ở chiến thuật, sự khích động, và bạo lực.

Sau Thế chiến I, vương quốc Ottoman ở Thổ-nhĩ-kỳ sụp đổ, vương quốc cuối cùng của đế quốc Ả-rập cáo chung, đánh dấu gần 13 thế kỷ nắm quyền lực bành trướng đạo Hồi. Trong hậu bán thế kỷ 20, thế giới bận rộn đương đầu với chủ nghĩa cộng sản và người ta nghĩ một thời quyền lực vàng son của khối Ả-rập đã qua rồi, nhưng Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen (1895-1979) lại khuyến cáo rằng Hồi giáo sẽ trổi dậy và bành trướng trở lại rất mạnh. Tổng Giám mục Sheen là một nhà thông thái, chuyên nghiên cứu về Cộng sản và Hồi giáo. Ngài để lại một gia tài tinh thần đồ sộ cho Giáo hội gồm 66 cuốn sách biên khảo, và “The World’s First Love,” xuất bản năm 1952 rất được nhiều người biết đến; trong đó Ngài viết, “Các dị giáo khác có một khoảng thời gian phát triển mạnh mẽ, rồi rơi vào sự phân rã học thuyết khi vị giáo chủ chết, và cuối cùng tan biến như một phong trào xã hội mơ hồ. Hồi giáo, trái lại, chỉ mới là bước đầu tiên. Chưa hề có một giai đoạn nào đạo Hồi suy giảm số lượng tín đồ, hoặc tín đồ thiếu thốn lòng mộ đạo.” Lời tiên tri của Ngài vào giữa thế kỷ 20 nay đã trở thành sự thật. Đạo Hồi, đặc biệt nhóm khủng bố cực đoan, bùng nổ mạnh mẽ vào đầu thế kỷ 21.

Nếu nhân loại khốn khổ với chủ nghĩa cộng sản trong suốt thế kỷ 20 thì Hồi giáo là cơn ác mộng của nhân loại trong thế kỷ 21. Tại sao thế? Thưa vì sự tàn bạo, độc ác và dã man của nhóm người Hồi cực đoan này. Đôi khi sự dã man và tàn bạo còn rùng rợn hơn chủ nghĩa cộng sản. Trước hết, nên tìm hiểu gốc gác đạo Hồi để hiểu rõ bản chất của tôn giáo này.


LỊCH SỬ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN ĐẠO HỒI

Hồi giáo do Muhammad khai sinh vào thế kỷ VII tại bán đảo Ả-rập. Trước khi đạo Hồi được thành lập, dân chúng thờ cúng đa thần nhưng từ lúc Muhammad nổi lên như một vị tiên tri, họ chỉ còn thờ độc thần là Allah. Hiện nay bán đảo Ả-rập gồm Ả-Rập Saudi, Yemen, Bahrain, Qatar, Oman, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Kuwait với khoảng 85% dân số của những nước này theo đạo Hồi.


Muhammad sinh ngày 26/4/570 Công nguyên. Do cha mẹ mất sớm nên Muhammad được ông bác Abu Talib đem về nuôi nấng và dạy dỗ. Thuở thiếu thời, Muhammad chịu ảnh hưởng Do-thái giáo và Kitô giáo nhờ theo ông bác giao tiếp buôn bán với các tín hữu của hai đạo này tại các vùng Ethiopia, Yemen, Syria, và Palestine. Muhammad nhận ra Do-thái giáo chỉ tôn thờ Yahweh (Giavê) và Kitô giáo chỉ mỗi Thiên Chúa. Ông cũng nhận thấy tục thờ đa thần của dân Ả-rập trông hỗn tạp, nên nảy ra ước muốn đem đến cho dân Ả-rập một Thượng đế duy nhất.

Theo lịch sử của đạo Hồi, năm 40 tuổi ông được thiên sứ Ga-bri-en dưới hình chim lửa truyền lệnh làm sứ giả cho Allah (Thượng đế) để rao truyền đạo Hồi. Cũng theo truyền thuyết, thiên sứ đọc cho Muhammad nghe đến thuộc lòng những lời kinh vì ông mù chữ. Ông đọc lại cho những người thân cận và cũng bắt họ học thuộc lòng. Sau khi ông chết (8/6/632), tín đồ nhớ lại và ghi chép thành quyển kinh Koran, giáo lý căn bản của đạo Hồi.

Đạo Hồi theo tiếng Ả-rập là Islam; và những người theo đạo Hồi gọi là Muslim. Các đạo sĩ hay giáo sĩ gọi là Imam. Nghĩa nguyên thủy của chữ “Islam” là “quy phục, thần phục,” (Koran 51:56). Islam được rút ra từ chữ gốc “salam” nên còn thêm một nghĩa nữa là “kiến tạo hòa bình.”

Hồi giáo chấp nhận Tân Ước của Kitô hữu và Cựu Ước của người Do Thái là công trình của Thiên Chúa. Những người theo Hồi giáo được biết đến như những người Moors, Turks và Mamluk và chỉ tin vào một Allah. Tuy vậy, Allah của đạo Hồi khác hẳn Thiên Chúa của Kitô giáo và Giavê của Do-thái giáo. Hồi giáo phủ nhận Chúa Ba Ngôi, thậm chí cho rằng tin vào Chúa Ba Ngôi là phạm thánh (Koran 4:171). “Những kẻ nào tuyên bố, ‘Allah chính là Messia, con trai của Maria’ là kẻ tà đạo.” (Koran 5:18). Đây là một Thượng đế riêng biệt của Hồi giáo, hoàn toàn khác hẳn với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, và học thuyết Allah trở thành trung tâm của triết lý Hồi giáo. Có lẽ vì thế mà dân Hồi luôn xem Kitô hữu, và người Do-thái là tà đạo. Qua nhiều thế kỷ, người Hồi giáo đã tham gia vào nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt với Kitô giáo và Do Thái giáo. Kinh Koran gọi Kitô hữu và tín hữu Do Thái là Nhóm Dân của Kinh Thánh (People of the Book).


Biểu tượng của Hồi giáo là hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, và trở thành lá cờ Hồi phổ biến bắt đầu từ thời đế quốc Ottoman. Trăng khuyết (hay gọi là trăng thượng tuần) tượng trưng cho vầng trăng mới (Koran 2:189, 10:5, 17:12), bắt đầu một tháng âm lịch của đạo Hồi. Và ngôi sao là sự trang điểm cho thiên đàng, để xua đuổi ma quỷ, và để dẫn đường cho con người về chốn cùng đích (Koran 6:97, 67:5).

Hồi giáo, như Do thái giáo và Thiên Chúa giáo, nhìn nhận tổ phụ Áp-ra-ham, Gia-cóp, Isaắc. Tín đồ Hồi tin các tiên tri Isaiah, Gioan Tiền hô, và đặc biệt tin Đức Giêsu chỉ là tiên tri – khác với Thiên Chúa giáo tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa – ngang hàng với Mohammed, là sứ giả cuối cùng của nhân loại. Tập tục của Hồi giáo gần giống Do-thái giáo trong thời cựu ước (trước khi Đức Giêsu sinh ra) gồm trả thù với châm ngôn mắt đổi mắt và răng đền răng, giết bé gái sơ sinh, tục cắt da quy đầu và cắt âm vật, giết gái chửa hoang, tục ném đá tử hình công khai… các nước Hồi giáo cực đoan vẫn giữ các hủ tục này mãi đến tận bây giờ.

Năm 25 tuổi, Muhammad lấy góa phụ Khadijah đã 40 tuổi. Trong 10 năm, bà sinh cho Mohamét 6 người con, trong đó có hai người con trai: Qasim, Tayed nhưng cả hai đều chết khi còn thơ ấu, và 4 con gái: Roqayya, Um-Kulsum, Zainab, Fatima. Sau khi bà Khadija chết, Mohamét lấy thêm 11 người vợ khác, riêng Aisha chỉ mới 6 tuổi, không kể các nô tỳ chiếm được trong các cuộc giao tranh. Tuy vậy, không một ai sinh cho ông thêm một đứa con nào. Chỉ riêng bà Maryam (630-632) là tín đồ Thiên Chúa Giáo do Thống đốc Ai-cập tặng cho Mohamét làm vợ, sinh được một con trai tên là Abdullah, nhưng đứa bé chết năm 2 tuổi.

Sau khi quy tụ được một số tín đồ, Muhammad bành trướng đạo Hồi bằng cách gây chiến tranh với các bộ tộc Ả-rập chung quanh. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử xảy ra vào đầu thế kỷ thứ bảy tại bán đảo Ả-rập. Trong vòng 200 năm, những kẻ kế vị Mohammed tiếp nối công việc bành trướng đạo Hồi, đã đánh bại và thâu tóm Iraq, Syria, Palestine, Egypt và Persia (Iran ngày nay) về một mối, tạo thành một đạo quân hùng hậu với niềm tin vào Allah mãnh liệt. Với lòng nhiệt huyết, quân Ả-rập dũng mãnh dần dần khuất phục các nước quanh vùng và bành trướng đạo Hồi đến tận Ấn độ, Mã-lai, Nam-dương, và Trung-hoa; xâm nhập Âu châu qua ngả Bắc Phi, tiến đến cửa ngõ Vienna của Áo, và cai trị bán đảo Iberia gồm Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha trong gần 800 năm (711-1492), dẫn đến việc thành lập một trong những đế chế lớn nhất trong lịch sử nhân loại: Đế quốc Ả-rập.


Đế quốc Ả-rập bao gồm các giống dân Hồi như Moors từ Bắc Phi, Turks từ Thổ-nhĩ-kỳ, Mamluks từ Ai-cập. Trong suốt 13 thế kỷ (632-1923), Đế quốc Ả-rập thiết lập nhiều Vương quốc Hồi (Caliphate) tại những vùng đất xâm lăng và chiếm đoạt, bắt đầu từ năm 632 (năm Muhammad chết) và kéo dài mãi đến năm 1923 với đế chế Ottoman tại Thổ-nhĩ-kỳ. Có 6 triều đại lớn: Rashidun (632–661), Umayyad (661–750); Abbasid (750–1258), Fatimid (909–1171), Almohad (1121–1269), và Ottoman (1362–1923).

Đế quốc Ả-rập san bằng và chiếm giữ Giêrusalem trong 3 thế kỷ. Mãi đến năm 1099, Thập tự quân (Crusaders) mới đoạt lại từ tay quân Hồi, và chẳng bao lâu sau lại bị mất vào tay vị tướng Hồi lừng danh Saladin. Trong suốt nhiều thế kỷ bành trướng đạo Hồi, đạo quân Hồi gần như vô địch, chỉ khựng lại một thời gian ngắn khi đụng độ với đạo quân viễn chinh Mông cổ. Vào đầu thế kỷ 13, Thành Cát Tư Hãn thống lãnh đội quân Mông cổ xâm chiếm Vương quốc Abbasid (Iraq ngày nay). Cuộc viễn chinh kéo dài mấy mươi năm, và cuối cùng người cháu của Thành Cát Tư Hãn, Hulagu Khan đánh bại đạo quân Hồi (1258), phá hủy Baghdad (Iraq), và triều đại Abbasid sụp đổ hoàn toàn. Quân Mông tiến sâu vào Syria, vây hãm và khuất phục Damascus, tiêu diệt triều đại Ayyubid rồi thọc xuống phía nam, vó ngựa ào ạt tiến về Giêrusalem, làm cỏ Trung đông như chỗ không người. Nhưng chỉ cần 2 năm sau (1260), đạo quân Hồi (Mamluk) xuất phát từ Ai-cập phản công giết sạch 20 nghìn quân Mông cổ tại Ain Jalut (thuộc Do-thái ngày nay). Vó ngựa quân Mông cổ tung hoành từ Đông sang Tây và bách chiến bách thắng trong suốt 43 năm (1217-1260). Đây là lần thứ hai trong lịch sử giao tranh, quân Mông thảm bại. Tưởng cũng nên nhắc lại là đế quốc Nguyên-Mông nếm thất bại lần đầu tiên khi xâm chiếm lãnh thổ Đại Việt vào năm 1258 dưới thời vua Trần Thái Tông; và sau đó bị đại bại thêm 2 lần nữa dưới thời vua Trần Thánh Tông (1285) và Trần Nhân Tông (1287), dưới sự chỉ huy của vị tướng Đại Việt lừng danh Trần Hưng Đạo. Riêng lần thứ 3, hơn 500 nghìn quân Nguyên bị thảm bại nặng nề với và hơn 400 chiến thuyền bị đánh chìm trên sông Bạch Đằng.


PHÂN HÓA NỘI BỘ VÀ HỒI GIÁO CỰC ĐOAN

Mặc dù đế quốc Ả-rập hùng mạnh nhưng nội bộ của Hồi giáo rạn nứt vì tranh giành quyền lực và tạo ra sự phân hóa sau khi Muhammad chết. Nhiều tín đồ Hồi Giáo ở Mecca đề cử ông Abu Bakr là một trong những cha vợ của Muhammad kế vị, nhưng một số người khác lại ủng hộ Ali là anh họ cũng là con rể của Mohammed. Kết qủa sự tranh cãi đã khiến Hồi Giáo chia làm hai phe: Sunni và Shia, và hai phe này lại còn đẻ ra nhiều nhánh khác nhau nữa. Tình trạng phân hóa trầm trọng dẫn đến sự thù hận kéo dài qua nhiều thế kỷ, và gây ra cảnh tương tàn giết hại lẫn nhau giữa các giáo phái.

Giáo hội Công giáo La mã cũng rơi vào sự phân hóa vào những thế kỷ trước. Năm 1054 đánh dấu sự phân ly giữa Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo. Vài thế kỷ sau, chỉ vì không được phép ly dị, năm 1534 vua Henry VIII tách rời khỏi Rôma và lập ra Anh giáo. Tuy vậy, từ thế kỷ 16 đến nay, Kinh thánh và tín lý Công giáo được giải thích tường tận và rành mạch qua một hệ thống vững chắc và chặt chẽ từ trung ương là Vatican do Giáo hoàng đứng đầu nên hầu như không có các dị giáo (cult) ly khai nữa. Tin lành cũng tách ra từ Công giáo từ thế kỷ 16 nhưng lại không có người lãnh đạo từ trung ương nên mỗi người giải thích Kinh thánh theo ý của mình. Kết quả là qua hơn 4 thế kỷ, Tin lành có hơn 5000 giáo phái khác nhau, (http://www.biblicalcatholic.com/DENOMS.php).

Và kinh Koran của Hồi giáo cũng rơi vào trường hợp như Tin-lành, nghĩa là không có hệ thống chặt chẽ bắt nguồn từ trung ương nên tín lý được giải thích một cách tùy tiện, nhằm phục vụ lợi ích riêng tư của các giáo sĩ bảo thủ, ngay cả lợi ích cho một thể chế chính trị cực đoan. Hai vấn đề bàn cãi nhiều nhất là “thánh chiến, jihad” và “tà đạo, bất tín, infidel”.

Chiến tranh (al-harbu,) và được lập lại 36 lần trong kinh Koran, và “jihad” được lập lại 41 lần. Jihad thật sự không hẳn là “thánh chiến, holy war,” nhưng có nghĩa là “đấu tranh, dấn thân.” Chữ “jihad” đôi khi được hiểu là một sự chiến đấu nội tâm để vượt qua một cơn cám dỗ nào đó. Nghĩa mạnh hơn, “jihad” là đấu tranh để đạt được một mục đích nào đó. Nhưng phương tiện không nhất thiết phải là gây chiến tranh nhưng dùng bất cứ phương cách nào khả dĩ để đạt được mục đích. Nhưng các đạo sĩ Hồi cực đoan lại giải thích “jihad” là phải dùng bạo lực, khích động tín đồ gây chiến tranh bằng cách dùng gươm dáo, gài bom tự sát để giết hết những kẻ tà đạo.

Kẻ tà đạo (kuffar,) chỉ những người không chấp nhận đạo Hồi. Kinh Koran nói rất nhiều về kẻ tà đạo với lời lẽ khích động, đầy bạo lực. Đó là những kẻ thù địch với Allah, và các thiên sứ Ga-bri-en, và Mi-ca-e (Koran 2:98); những kẻ từ chối sứ điệp của Muhammad và phải đối diện với Allah (Koran 6:31); những kẻ không tin vào đời sau (Koran 16:60); kể cả những kẻ đem Muhammad và đạo Hồi ra diễu cợt (Koran 5:58). Tín đồ Hồi giáo có nhiệm vụ phải chống lại những kẻ tà đạo này, đặc biệt “nhóm dân của Kinh thánh” chỉ Do thái giáo và Thiên Chúa giáo (Koran 4:89, 2:191, 9:5).

Không soi mói, cứ dễ dãi mà đếm thì có hơn 100 câu kinh Koran kêu gọi tín đồ Hồi phải lấy danh nghĩa của Allah, dùng vũ khí để chống lại những kẻ tà đạo. Xin đan cử vài câu chất chứa đầy bạo lực sau đây:

– Hãy giết chúng bất cứ nơi nào các ngươi bắt được chúng… và tiếp tục chiến đấu cho đến khi không còn một kẻ bất tin nào và chúng chỉ tôn thờ Allah mà thôi, (Koran 2:191-193)

– Nếu chúng quay lưng đi, bất cứ nơi nào tìm ra chúng, hãy bắt chúng lại và giết phứt đi, (Koran 4:89)

– Đập vào đầu và từng đầu ngón tay của chúng, (Koran 8:12)

– …hãy giết phứt các tín đồ đa thần giáo ở bất cứ nơi nào các ngươi gặp chúng, (Koran 9:5)

– Tín đồ đạo Do-thái nói Erza là Con Thiên Chúa, còn tín đồ Thiên Chúa giáo lại nói Messia là Con Thiên Chúa. Đây chỉ là lời lẽ đầu môi chót lưỡi mà bắt chước từ những lời lẽ của bọn tà đạo. Chớ gì Allah tiêu diệt chúng, (Koran 9:30)

– Allah đã chuộc lại mạng sống và tài sản của các tín đồ; bằng cách đổi lại cho họ Thiên đàng. Họ đã chiến đấu cho Allah, bởi thế họ đã giết (địch) và bị (địch) giết, (Koran 9:111)

– Allah yêu thương những kẻ chiến đấu cho chính nghĩa của Ngài… (Koran 61:4)

Các đạo sĩ Hồi cực đoan (fundamentalist, extremist, radical, bigot, fanatic) dùng những câu này để kêu gọi thánh chiến và giết chết bất cứ ai không theo đạo Hồi. Họ xâm nhập bộ máy nhà nước, nắm quyền lãnh đạo toàn dân và nhập nhằng trộn lẫn giữa thần quyền và thế quyền để phục vụ lợi ích cho chính họ, hoặc cho một nhóm thiểu số nào đó. Thần quyền đứng trên hẳn thế quyền. Nhóm đạo sĩ này dùng tôn giáo để phục vụ cho mục đích chính trị, duy trì một chế độ toàn trị, độc tài, và sắt máu. Nhìn chung, chính quyền Hồi cực đoan và nhà nước cộng sản rất giống nhau ở thể chế chính trị và cách sử dụng phương tiện để duy trì quyền lực. Những kẻ cộng sản nhân danh “một thế giới đại đồng tương lai” để giải thích cho sự tàn bạo trong công cuộc đấu tranh giai cấp (class struggle), còn những giáo sĩ Hồi lại dùng kinh Koran để biện minh cho sự cực đoan, cuồng tín, và độc ác. Cả hai cũng giống nhau ở điểm tận dụng bạo lực để giết hại dân lành. Chính vì nhà nước Hồi dùng tôn giáo để khuynh loát và lấn át chính trị nên hầu như nền kinh tế của những nước này èo uột, chậm phát triển, gây ra tình trạng nghèo đói và dốt nát. Và đây là vòng lẩn quẩn, chính mảnh đất phì nhiêu của nghèo đói và dốt nát lại giúp cho hạt giống Hồi cực đoạn và chủ nghĩa cộng sản nẩy mầm và phát triển. Kết quả là rất nhiều thanh niên thiếu nữ ít học bị tẩy não dễ dàng và sẵn sàng hy sinh cho Allah bằng cách dùng bom tự sát.

Từ đó nhân loại hứng chịu cảnh đau thương chết chóc do nạn khủng bố lan tràn khắp nơi.

Bắt đầu từ năm 1980, các vụ khủng bố leo thang dưới hình thức tự sát. Các cuộc khủng bố tự sát được khởi đầu từ năm 1982 với nhóm khủng bố Hamas và Herbollah ở Palestine và Lebanon nhằm chống lại Do-thái. Các phần tử tự sát thường được tuyển mộ trong số các thanh niên trẻ tuổi và nghèo khổ sống vất vưởng trong các trại tỵ nạn. Các thiếu nữ khủng bố tự sát đầu tiên, được tuyển mộ trong số các người Kurk ở Thổ nhĩ kỳ, trong những năm từ 1996-1999 và tại Palestine vào năm 2002. Theo thống kê mới nhất, tính từ ngày bọn khủng bố phóng máy bay làm sập Tháp Đôi 9/11, các tổ chức Hồi giáo cực đoan đã gây ra hơn 32 nghìn vụ khủng bố trên toàn thế giới.

Có nhiều tổ chức khủng bố, Hamas tại Palestine, Taliban tại Afghan, Al Shabaab tại Somali, Boko Haram tại Nigeria, Jabhat al-Nusra tại Syria… nhưng nổi bật nhất là Al-Qaeda của Osama bin Laden từ Trung đông, và nguy hiểm nhất hiện nay là ISIS (Islamic State of Iraq and Syria) tại Syria và Iraq do Abu al-Baghdadi cầm đầu. Baghdadi từng tốt nghiệp đại học Baghdad, từng là một giáo sĩ hô hào thánh chiến từ thời Saddam Hussein. Nhóm khủng bố ISIS chủ trương lấy sự tàn bạo làm gốc, và mức độ phải khốc liệt, rùng rợn, kinh hoàng chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Sau khi bin Laden bị giết, ISIS nổi bật do sự tàn bạo và phương cách khủng bố tinh vi gây chết chóc thảm khốc nên dễ dàng thu hút giới trẻ Hồi vốn bị tẩy não và chuộng bạo lực đầu quân ngày càng đông. ISIS rất nguy hiểm vì ngoài việc gieo rắc chết chóc rùng rợn khắp thế giới như Al Qaeda, các lãnh tụ ISIS thiết lập nhà nước Hồi giáo sau khi đánh chiếm được đất đai. Họ muốn khôi phục lại đế quốc Ả-rập, gồm đất đai rộng lớn và đông đảo tín đồ Hồi, một thời bá chủ miền Trung đông, khiến các sắc dân quanh vùng phải khiếp sợ. Hiện nay, ISIS giành quyền kiểm soát tại Iraq và Syria trên một diện tích rộng bằng nước Anh với dân số trên 10 triệu người.

Tính đến năm 2015, với con số 1,7 tỷ tín đồ Hồi giáo, chỉ đứng sau Thiên Chúa giáo với 2,3 tỷ, số dân Hồi nhiễm tư tưởng cực đoan ngày càng nhiều, gây không biết bao nhiêu đau thương tang tóc cho nhân loại. Bà Brigette Gabriel – nhà báo bảo thủ gốc Lebanon, nhà hoạt động chống Hồi – đưa ra một hình ảnh khủng khiếp thật xác đáng như sau.

Năm 2014, trong một cuộc họp báo, bà Gabriel trả lời câu hỏi của Saba Ahmed, một nữ sinh viên luật thuộc American University, cho rằng “đại đa số người Hồi giáo yêu chuộng hòa bình, nhưng thế giới ngày nay lại xem đạo Hồi là biểu tượng của xấu xa, của khủng bố…” Bà Gabriel nhận định, “hiện nay có 1,2 tỷ (con số này không đúng, ít nhất là 1,7 tỷ, chú thích của người viết) người Hồi giáo trên thế giới. Tất nhiên không phải tất cả 1,2 tỷ người đều là cực đoan mà ngược lại, đa số họ là những người yêu chuộng hòa bình, giống như nhận xét của cô. Theo tin tình báo của các nước lớn thì những người Hồi giáo cực đoan chỉ chiếm khoảng 15-25%. Điều đó có nghĩa khoảng 75% là những người ôn hòa. Nhưng nếu lấy tỷ lệ 15-25% của dân số Hồi giáo thì chúng ta thấy ngay có khoảng 180 đến 300 triệu kẻ cực đoan đang muốn hủy diệt nền văn minh phương Tây. Tại sao chúng ta phải lo lắng về sự cực đoan của 15-25%này? Thưa, tại vì họ giết người rất dã man. Họ chặt đầu và thảm sát thường dân vô tội hàng loạt. Bà nói thêm, “Lịch sử cho ta thấy những kẻ cực đoan nguy hiểm đến thế nào. Và chỉ cần một tỷ lệ nhỏ thôi, đủ để gây thảm họa. Hầu hết dân Đức đều chuộng hòa bình. Nhưng chỉ cần một nhóm Đức quốc xã nắm quyền là đủ đưa nước Đức và thế giới trở nên hoang tàn. Kết quả là 60 triệu người chết, gần 14 triệu người trong các trại tập trung, gồm 6 triệu người Do Thái. Như thế, hầu hết dân Đức yêu chuộng hòa bình chẳng là gì cả. Nhìn vào nước Nga, đa số dân Nga cũng chất phác, hiền hòa. Tuy nhiên, một nhóm cộng sản Nga lại giết chết 20 triệu người. Riêng Trung hoa thì thương tâm hơn. Hầu hết dân Trung hoa chỉ muốn sống hòa bình. Tuy vậy, cộng sản Trung hoa đã giết 70 triệu người. Hầu hết người Nhật trước Thế chiến II cũng hiếu hòa. Thế mà đám quân phiệt Nhật hoành hành khắp Đông Nam Á, giết chết 12 triệu người, chỉ bằng lưỡi lê và xẻng. Trên đất Hoa kỳ, vào thời điểm ngày 11 tháng 9, có 2,3 triệu người Hồi giáo Ả-rập yêu chuộng hòa bình. Nhưng chỉ cần 19 tên không tặc đủ gây thảm họa – phá hủy Tháp Đôi, tấn công Ngũ Giác Đài và giết chết gần 3.000 người Mỹ ngày hôm đó. Trong 2,3 triệu người yêu chuộng hòa bình, chỉ cần 19 người cực đoan đủ gây kinh hoàng cho cả nước Hoa kỳ. Tỷ lệ là bao nhiêu? Thưa chưa đến 2 phần trăm nghìn, chứ đừng nói 15 đến 25 phần trăm.”

Không ai quên được cảnh nhà báo James Foley bị xử trảm dã man được thâu hình trọn vẹn và đưa lên Youtube. Một cảnh kinh hoàng khác, bọn ISIS dẫn 30 người Iraq gồm đàn ông, phụ nữ, và trẻ con ra một cánh đồng gần ngôi làng bỏ hoang. Họ là những tín hữu không chịu bỏ Kitô giáo theo đạo Hồi. Một phụ nữ, không quá 40 tuổi, bị kéo đến trước ống kính. Gương mặt thất thần và đôi mắt tuyệt vọng nhìn bọn ISIS đang hò hét, “Allahu Akhbar! Allah vĩ đại!” như một bản đồng ca. Và chúng cắt đứt đầu phụ nữ này. Chúng không dùng gươm sắc, hoặc mã tấu, nhưng lại dùng một lưỡi dao ngắn cầm tay. Dĩ nhiên chúng phải cứa đi cứa lại nhiều lần đầu mới lìa khỏi cổ. Máu phun ra xối xả vì cắt phải động mạch. Một cái chết tệ hơn cái chết của con vật. Người phụ nữ chết trong đau đớn cùng cực vì không chịu cải đạo. Bọn ISIS giết “kẻ tà đạo” theo đúng lời kinh Koran, và sự khích động của đám đạo sĩ Hồi cực đoan. Nhưng dã man nhất vẫn là cảnh thiêu sống viên phi công người Jordan, Muath al-Kasasbeh. Trong một phi vụ bỏ bom tiêu diệt quân ISIS trên không phận Syria vào cuối năm 2014, al-Kasasbeh phải nhảy dù khỏi máy bay vì động cơ bị trục trặc. Muath bị bắt. Hơn tháng sau, bọn ISIS nhốt al-Kasasbeh trong cũi, tẩm xăng và thiêu sống. Dĩ nhiên, luôn luôn có tiếng hét, “Allah vĩ đại!” mỗi khi kết thúc cảnh giết người rùng rợn.

Bọn khủng bố ISIS tìm đủ mọi cách để giết hại dân lành, những kẻ chúng xem là “tà đạo.” Cách mới nhất là thuê xe tải rồi đâm vào đám đông.

– Tháng 7/2016, tại thành phố Nice, nước Pháp, Mohamed Bouhlel đâm chiếc xe vận tải nặng 19 tấn vào đám đông, giết chết 86 người,

– Tháng 12/2016, tại trung tâm thành phố Bá-linh, Anis Amri cũng đâm xe tải giết chết 12 người,

– Tháng 3/2017, tại Luân-đôn, trên cầu Westminster, Khalid Masood ủi xe vận tải hiệu Hyundai i40 giết 5 người,

– Tháng 4/2017, một tên Hồi giáo vô danh đâm xe vận tải vào tiệm Ahlens tại trung tâm thành phố Stockholm, giết ít nhất 3 người,

– Tháng 6/2017, trên cầu Luân-đôn, 3 tên khủng bố Hồi đâm xe tải vào đám đông, và dùng dao đâm khách bộ hành quanh khu chợ Borough, giết chết 8 người,

– Tháng 8/2017, tại Barcelona, Tây-ban-nha, bọn khủng bố Hồi đâm xe van vào khu chợ đêm, giết chết ít nhất 15 người,

– Và mới nhất, ngày 31/10/2017, tại khu vực Manhattan, Hoa kỳ, Sayfullo Saipov, thanh niên Uzbekistan 29 tuổi, thuê xe tải đâm vào làn xe dành cho người chạy xe đạp, giết chết 8 người.

Tại sao quân khủng bố Hồi lại xem thường cái chết, liều mình tử đạo dễ dàng đến thế? Câu trả lời đích xác là nhờ đức tin. Niềm tin luôn tăng thêm sức mạnh cho tín đồ, vượt qua những đau đớn về thân xác hoặc đau khổ về tinh thần. Khi hun đúc được một niềm tin mãnh liệt, họ sẵn sàng chết vì đạo. Nhưng không có một tôn giáo nào dạy tín đồ khi tử đạo phải giết theo thật nhiều người khác như Hồi giáo. Đã có hàng triệu tín đồ Thiên Chúa giáo đã chết vì đạo vì họ chỉ muốn giữ đức tin, chứ chưa hề mang gậy gộc hoặc gươm giáo giết người chỉ vì đức tin của người ta khác của họ. Họ đồng ý nhận cái chết để giữ trọn niềm tin, nhưng không hề giết người và xem đó là tử đạo. Nhưng niềm tin cũng chỉ là lý do phụ. Lý do chính đáng khiến quân khủng bố giết người không gớm tay chính là phần thưởng thiên đàng. Theo lời xúi dục của đám đạo sĩ cực đoan về một thiên đàng đầy vật chất hưởng thụ, quân khủng bố sẵn sàng chết và giết thật nhiều bọn “tà đạo” để về với Allah. Và đây là thiên đàng của Hồi giáo.

Hầu hết chương 55 của kinh Koran – từ câu 47 đến 79 – dùng để mô tả một thiên đàng của Hồi giáo cực kỳ nóng bỏng và quyến rũ, nơi có những vườn cây trái xum xuê ngon ngọt, tàn cây tỏa rộng, hai dòng sông nước trong vắt, đầy sữa và rượu nho. Đặc biệt thiên đàng của Hồi Giáo “…có những tiên nữ trinh trắng với đôi mắt thẹn thùng, chưa ai chạm đến thân thể, đẹp tựa hồng ngọc hay ngọc trai, nằm cấm cung trong các căn lều…” (Koran 55:47-59). Một khu vườn khác cũng đầy lạc thú: “…vườn rợp bóng cây xanh, và con suối chảy róc rách, cây kè và cây lựu nặng trĩu trái, nơi đó sẽ có những trinh nữ xinh đẹp và hiền hậu, những mỹ nhân với đôi mắt to lóng lánh, ẩn hiện bên trong lâu đài mà trước nay nhân gian chưa hề ai đụng đến, ngồi dựa lưng vào những chiếc gối mầu xanh trên những tấm thảm mỹ lệ.” (Koran 55:63-77). Không có một tôn giáo nào mô tả thiên đàng trần tục và hấp dẫn như Hồi Giáo. Thiên đàng là khu vườn đầy lạc thú vật chất, và những khoái lạc nhục dục tuyệt đỉnh với những cô gái đẹp tuyệt trần trẻ mãi không già. Người ta gọi thiên đàng của Hồi Giáo là phần thưởng của hoan lạc. Hầu hết các thanh niên Hồi Giáo bị tẩy não và trở nên cuồng tín, đều háo hức lên thiên đàng để được gần gũi với các trinh nữ. Riêng những đạo sĩ Hồi cực đoan, họ nhân con số lên gấp bội để dụ dỗ đám thanh niên Hồi: 72 trinh nữ. Những thanh niên nghèo đói và thất học dễ dàng bị tẩy não qua viễn ảnh hưởng thụ ái ân với 72 trinh nữ nên họ sẵn sàng chết, sẵn sàng tử đạo, sẵn sàng “làm việc phải” là phải giết thật nhiều những kẻ “tà đạo.” Con đường ngắn nhất để lên Thiên đàng hưởng lạc thú là sẵn sàng tử đạo qua các cuộc thánh chiến như kinh Koran đã hứa: “…họ được ân thưởng và đang sống bên cạnh Allah.” (Koran, 3:169)

Với phần thưởng thiên đàng hấp dẫn vượt quá sức tưởng tượng của con người, số thanh niên cực đoan sẵn sàng tử đạo ngày càng đông và nhân loại hầu như ngã quỵ trước mức độ sát nhân khủng khiếp của đám quân Hồi khủng bố.

Và hiện tượng Fatima như một phương cách thần thánh được Thiên Chúa xếp đặt từ thế kỷ 12 để cứu nhân loại khỏi ách khủng bố Hồi giáo ở thế kỷ 21. Đúng ra câu chuyện xảy ra vào ngày 24/6/1158, ngày mừng sinh nhật của Thánh Gioan Tiền hô. Và câu chuyện bắt đầu bằng một âm mưu bắt cóc và kết thúc bằng một cuộc tình khá lãng mạn.


LÒNG SÙNG KÍNH MẸ MARIA TRONG HỒI GIÁO

Nhưng trước hết, hãy tìm hiểu vai trò và địa vị của Mẹ Maria đối với Hồi giáo. Theo kinh Koran, tên của Đức Trinh Nữ Maria (Maryam) được nhắc đến 38 lần. Không có tên của người phụ nữ nào khác được đề cập đến, ngay cả tên con gái út được yêu thương nhất của Mohammed là Fatimah. Trong số những người đàn ông, chỉ có Áp-bra-ham, Môi-sen và No-e mới được nhắc tới nhiều lần hơn Đức Mẹ. Kinh Koran miêu tả Đức Mẹ Maria là “Đồng Trinh, trọn đời Đồng Trinh.” Koran còn nhắc đến sự kiện Truyền Tin, lần Đức Mẹ đi thăm bà thánh I-sa-ve, và cảnh Đức Mẹ sinh Chúa Hài đồng trong máng cỏ. Hỡi Maria, Thiên Chúa đã chọn ngươi và rửa tội cho ngươi trở nên tinh tuyền, Ngài đã chọn và đặt ngươi lên trên tất cả các phụ nữ ở thế gian này (Koran 3:43). Niềm tin Hồi giáo về sự trinh khiết của Đức Maria ngược hẳn với tín lý Tin lành, khi họ phủ nhận sự trinh khiết trọn vẹn của Đức Maria. Đây là mối liên hệ rất đặc biệt giữa Đức Trinh Nữ Maria và người Hồi giáo. Và câu chuyện người con gái của Imran là Maria, nàng đã giữ lòng trinh bạch; Ta đã thổi hơi Thánh Linh vào đó, và nàng đã đem thân mình làm trọn lời Chúa phán trong Kinh thánh, nàng là người biết phục tùng, (Koran 66:12). Người Hồi biết cha của Đức Giêsu là Giuse, nhưng không bao giờ gọi ‘Giêsu, con của Giuse,’ mà là ‘Giêsu, con của Maria.’ Điều này trái với truyền thống Hồi, phải gọi là con của người cha, vì phụ nữ chỉ đóng vai trò thứ yếu trong xã hội. “Ta đã ban cho Giêsu, con trai của Maria, những bằng chứng rõ rệt và luyện Người thêm cứng cỏi bằng Thánh linh.” (Koran 2:87). Điều này chứng tỏ Hồi giáo tin Đức Giêsu đầu thai trong cung lòng Mẹ Maria bởi phép Chúa Thánh thần, chứ không phải bởi thánh Giuse theo lối thường tình.

Linh mục dòng Tên Samir Khalil Samir, một học giả uyên bác về Hồi giáo, nhận xét: “tại Ai-cập, dọc theo lộ trình thánh Giuse dẫn Mẹ Maria và Hài đồng Giêsu trốn sang Ai-cập hơn 2000 năm trước người ta lập rất nhiều địa điểm hành hương. Hằng năm cứ đến lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ít nhất khoảng 1 triệu người Hồi hành hương khắp các đền kính Đức Mẹ.” Không những tại Ai-cập, mà còn tại Fatima, Harissa, Damascus, Samalut, Assiut, Zeitun và nhiều địa danh khác, hễ có bóng dáng Đức Trinh Nữ Maria xuất hiện là lập tức trở thành địa điểm hành hương liên tục của phụ nữ Hồi xuất phát từ Lebanon, Syria, Ai-cập, và Iran. Khách hành hương mong mỏi Mẹ Maria chữa lành về vật chất cũng như tinh thần. Họ cầu nguyện bột phát theo ý riêng mỗi người chứ không ê a đọc thuộc lòng các câu kinh như trong các buổi cầu nguyện theo truyền thống Hồi. Quân khủng bố Salafist luôn tìm cách tàn phá các địa điểm hành hương nhưng lòng sùng kính Đức Mẹ của dân Hồi vẫn trọn vẹn và ngày càng phát triển.

Không những thế, những gì liên quan đến Trinh nữ Maria đều được người Hồi giáo rất mực tôn kính, theo khảo cứu của linh mục Ladis J. Cizik, Giám đốc Đạo Binh Xanh. Ngài đan cử một vài trường hợp sau.

Đất Thánh Giêrusalem là bãi chiến trường giao tranh giữa Hồi giáo và Kitô giáo qua nhiều thế kỷ. Bằng chứng về điều này là rất nhiều nhà thờ và nhà nguyện được Giáo hội xây dựng, bị người Hồi giáo phá hủy, được Thập tự quân (Crusaders) xây dựng lại, rồi cũng bị tín đồ Hồi giáo san bằng, cứ liên tiếp như thế trong suốt lịch sử giao tranh giữa 2 tôn giáo. Tuy nhiên, có một ngoại lệ đáng chú ý: Nhà thờ Thánh Anna nằm ngay cổng Sư tử của đền thánh Giêrusalem.

Thập tự quân xây dựng nhà thờ này để tôn vinh người mẹ của Đức Trinh Nữ Maria là bà thánh Anna. Trong căn hầm của nhà thờ Thánh Anna, một bức tượng bé gái Maria được trang trọng đặt trên một khoảnh đất mà tín hữu cho là đúng căn nhà nơi Đức Mẹ sinh ra. Năm 1187, Saladin – vị tướng Hồi lừng danh từng đánh bại Thập tự quân, chiếm giữ Giêrusalem và ra lệnh san bằng tất cả các ngôi thánh đường, nhà thờ và nhà nguyện Công giáo nhưng ông chỉ giữ lại ngôi thánh đường này vì nó mang tên Anna, mẹ của Đức Trinh nữ Maria. Ông biến thành Học viện Thần học Hồi (1192) mà ngày nay vẫn còn thấy hàng chữ Ả-rập khắc trên vòm cửa thánh đường.

Ngay cái tên Guadalupe là tước hiệu Đức Mẹ dùng khi hiện ra với Juan Diego, thổ dân Aztec, tại Mễ-tây-cơ năm 1531 có một liên quan kỳ thú giữa đế quốc Tây-ban-nha và Hồi giáo. Theo truyền thuyết, thánh sử Luca có tài điêu khắc và hội họa. Ngài đẽo khắc một bức tượng Đức Mẹ bằng gỗ, một tay bồng Chúa Hài đồng, tay kia cầm vương trượng tượng trưng uy quyền của Mẹ Thiên Chúa. Cũng theo truyền thuyết, Đức Giáo hoàng Gregory Cả (590-604) làm phép và tặng cho Đức Giám mục Leander địa phận Seville. Năm 711, quân Hồi Moors từ Bắc Phi băng qua eo biển Gibraltar xâm lăng Tây-ban-nha và các giáo hữu gom góp những vật thánh đem chôn dấu ở dãy núi Estremadura, kể cả bức tượng gỗ Đức Mẹ, luôn cả chứng từ kể rõ gốc gác. Quân Moors chiếm đóng, lập vương quốc Umayyad và trị vì bán đảo Iberia (Tây-ban-nha & Bồ-đào-nha) suốt 8 thế kỷ. Thật sự, quân Hồi suy yếu dần bắt đầu từ năm 1130, và kéo dài mãi đến năm 1492 mới hoàn toàn bị đánh bật ra khỏi Tây-ban-nha. Suốt hơn 7 thế kỷ, chẳng ai biết bức tượng gỗ lưu lạc ở đâu và hầu như rơi vào quên lãng. Theo truyền thuyết, năm 1326, Gil Cordero – một kẻ chăn chiên – sục sọi vùng núi Estremadura để tìm con bò đi lạc và thị kiến Đức Mẹ hiện ra chỉ địa điểm chôn dấu. Cordero thuyết phục các chức sắc giáo hội địa phương đào xới và tìm thấy một cửa hang. Sâu trong hang động người ta tìm thấy một hòm sắt và bức tượng gỗ trong tình trạng còn nguyên vẹn, kể cả giấy tờ nói rõ lai lịch. Vua Alphonso XI xây một nhà nguyện gần hang và đặt bức tượng làm đền thờ tôn kính Mẹ Maria. Ngôi nhà nguyện và bức tượng gỗ được gọi là Guadalupe, đặt theo tên một con sông gần đó. Nghĩa nguyên thủy của Guadalupe bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước, khi quân Moors còn chiếm đóng Tây-ban-nha. Vua Hồi gọi con sông là Guadalupe kết hợp giữa “guada” biến thể từ chữ Ả-rập “wadi” nghĩa là con sông hoặc thung lũng; và “lupe” biến thể từ gốc La-tinh “lupus” nghĩa là chó sói. Gộp hai chữ lại, Guadalupe nghĩa là “Con Sông của Chó Sói,” mà các nhà nghiên cứu tin rằng thời đó chó sói thường xuất hiện dọc con sông nên vua Hồi mới đặt tên con sông như thế.

Cái tên Guadalupe theo các nhà truyền giáo Tây-ban-nha đến Mễ-tây-cơ, thời thổ dân Aztec. Đức Mẹ hiện ra với thổ dân Juan Diego năm 1531. Khi được hỏi tên, Mẹ thổ lộ theo thổ ngữ Nahuatl của Aztec, “te coatlaxopeuh” (phát âm: “te quatlasupe”) nghĩa là “người đạp lên đầu con rắn.” Thời đó, thổ dân Aztec thờ thần rắn nằm uốn mình trên hình trăng lưỡi liềm, với tập tục giết người bằng cách moi tim để hiến tế thần rắn trong các dịp hội hè, cầu được mùa màng, cầu thoát thiên tai (nên xem 2 cuốn phim nói về thời truyền giáo và tục giết người tế thần, The Mission và Apocalypto.) Khi Diego nói tên “te quatlasupe” cho Giám mục Zumarraga, nghe hao hao như Guadalupe ở quê nhà và ngài đặt làm tước hiệu cho sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Mễ-tây-cơ: Đức Mẹ Guadalupe. Thật kỳ diệu, “te quatlasupe” như một lầm lẫn được xếp đặt theo thiên ý, vì qua cái tên, Mẹ muốn thổ dân Aztec bỏ thần rắn để thờ phượng Thiên Chúa. Đồng thời hình trăng lưỡi liềm cũng là biểu tượng của Hồi giáo, nên khi đạp lên đầu con rắn và trăng lưỡi liềm, Mẹ cũng muốn dân Hồi bỏ biểu tượng của dị giáo và nhận biết Thiên Chúa như thổ dân Aztec cách đây gần 5 thế kỷ. Và cái tên tiền định Guadalupe mang gốc gác Hồi Ả-rập cũng là một điều kỳ diệu nữa qua sự xếp đặt tài tình của Thiên Chúa.

Nhưng cái tên Fatima mới là điều lạ lùng nhất.

Muhammad có 4 người con gái với bà Khadijah. Cô gái út, Fatimah (609-632) xinh đẹp nhất và được cha yêu thương nhất. Sau khi chết, Fatimah trở thành biểu tượng của phụ nữ Hồi với những đức tính như vị tha, rộng lượng, kiên nhẫn, yêu thương chồng con. Muhammad có lần nói, “Fatimah là người được chúc phúc nhất trong tất cả phụ nữ ở thiên đàng, chỉ sau Maria.” Mộ của Fatimah nay thuộc thành phố Qum, Iran là thánh địa quan trọng của hệ phái Shia. Và Fatimah là tên được ưa chuộng nhất đặt cho các bé gái trong thế giới Hồi giáo.

Và cái tên Fatimah lưu lạc đến Bồ-đào-nha. Đó là tên của một ngôi làng nhỏ nằm trên thảo nguyên Cova de Iria, nơi Đức Mẹ hiện ra năm 1917 với tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi, hay còn gọi là Đức Mẹ Fatima.

Giấc mơ của José Saramago – nhà văn Bồ, đoạt giải Nobel Văn chương 1998 – là ngao du khắp đất Bồ để viết lại lịch sử của quê hương dưới một góc cạnh mới lạ như kể chuyện hơn là những bài học từ chương. Saramago vượt núi, băng rừng, sải bước qua những đồng bằng và góp nhặt những chuyện kể trong dân gian từ lúc đế quốc La mã tiến quân vào vùng bán đảo Iberia cho đến thời cận đại. Ông bắt đầu khăn gói lên đường năm 1979, rồi bỏ ròng rã hơn 6 tháng viết và xuất bản cuốn, “In Pursuit of Portugal’s History and Culture” năm 1981. Trong đó, ông kể lại một câu chuyện tình rất thú vị.

Tariq ibn Ziyad thống lãnh quân Hồi Moors từ Bắc Phi tràn sang bán đảo Iberia và đặt nền móng cai trị vùng đất này suốt 8 thế kỷ (711-1492). Tuy vậy, người Hồi ở Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha chung sống hòa bình với Kitô hữu, và người Do-thái tạo thành một nền văn minh khá đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa 3 tôn giáo. Vương quốc Umayyad cho phép mọi người tự do giữ đạo theo niềm tin miễn đóng thuế đầy đủ cho vua Hồi. Tuy vậy, sau vài thế kỷ giáo dân Kitô tổ chức thành từng nhóm nhỏ để đánh đuổi quân Moors, bắt đầu thời kỳ Reconquista; nghĩa là “tái chiếm,” chiếm lại đất đai đã mất vào tay quân Hồi từ thế kỷ 8. Kể từ thế kỷ 12, vương quốc Hồi bắt đầu suy yếu và dân Bồ dần dần đẩy lui quân Moors ra khỏi đất nước.

Ngày 24/6/1158, đúng vào ngày sinh nhật của thánh Gioan Tiền hô, một nhóm hiệp sĩ Kitô dẫn đầu bởi Don Gonçalo Hermigues – một chàng trai khôi ngô và khỏe mạnh – thình lình tập kích đám quân Hồi tại Alcácer do Sal, một thành phố miền nam, và bắt cóc cô con gái của một hoàng thân Hồi có thế lực. Trên đường rút lui, nét duyên dáng và sắc đẹp của cô công chúa Hồi khiến chàng hiệp sĩ ngây ngất. Trong nhiều ngày chèo thuyền rong ruổi trên sông Sado về Santarem diện kiến vua Bồ, cô gái bị tiếng sét ái tình và cũng đem lòng yêu Gonçalo Hermigues. Trước bệ rồng vua Alphonso Henriques, chàng xin cưới cô công chúa Hồi. Nhà vua đồng ý với 2 điều kiện, (1) cô gái phải đồng ý lấy Gonçalo, và (2) cô gái chịu rửa tội trở thành Kitô hữu. Vì yêu, cô gái chấp nhận cả 2 điều kiện.

Cô công chúa Hồi tên là Fátima. Trùng với tên cô gái út xinh đẹp của giáo chủ Muhammad.

Quà cưới của nhà vua ban cho đôi trẻ là ngôi làng Abdegas. Tên rửa tội của nàng là Oureana. Người ta quên tên nàng là Fatima nhưng gọi là Oureana, vì theo truyền thống tên rửa tội cũng là tên gọi. Lâu dần ngôi làng Abdegas biến đổi thành Ourém, biến dạng từ Oureana, lấy theo tên rửa tội của cô gái Hồi, và tồn tại mãi đến ngày nay. Nhưng duyên phận chẳng bền, vì chẳng bao lâu sau Oureana chết yểu. Chẳng ai nói nàng chết vì bệnh hay bị tai nạn. Người ta chỉ biết nàng chết rất trẻ, khi tình yêu vợ chồng còn nồng cháy. Quá đau khổ, Gonçalo xin vào dòng khổ tu Xitô, và dời mộ của nàng đem về chôn ở ngọn đồi gần tu viện, cách Oureana khoảng 11km. Gonçalo cho xây một nhà nguyện nhỏ để tưởng niệm và đặt tên là Fatima, tên cúng cơm gốc Hồi của nàng. Lâu dần, dân chúng tụ tập thành làng xóm quanh ngọn đồi sinh sống. Lịch sử ghi lại, người ta gọi ngôi làng này là Fatima từ năm 1188 và cái tên tồn tại mãi đến bây giờ. Ourém bắt đầu bằng một chuyện tình diễm lệ, và Fatima kết thúc cuộc tình qua cái chết của cô công chúa Hồi.

Nhưng Fatima lại hồi sinh vì Đức Mẹ đã chọn vùng đất Fatima để hiện ra và rao truyền sứ điệp vào năm 1917, sau hơn 7 thế kỷ cái tên nằm yên trong lịch sử.

Câu chuyện tình nồng nàn của chàng hiệp sĩ Gonçalo Hermigues và nàng công chúa Fátima được ghi lại qua nhiều khảo cứu văn hóa Bồ. Một chuyện tình đẹp như cổ tích, nhuốm ngang trái vì sự thù nghịch giữa hai sắc tộc, vì sự khác biệt tôn giáo. Tình yêu, một lần nữa, thật kỳ diệu. Nó vượt qua mọi chướng ngại thường tình để Fatima được rửa tội làm con Chúa, để chuyện tình lãng mạn lưu truyền mãi ngàn sau. Câu chuyện tình được viết thành văn xuôi, được soạn thành vở kịch và lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Chính tình yêu trái ngang làm câu chuyện trở nên sống động, và bất tử. Thân xác của Gonçalo và Fatima đã tan thành cát bụi từ lâu, nhưng hình như tuổi đời của họ dừng lại ở thời điểm năm 1158, vì người ta chỉ nhớ đến cặp vợ chồng trẻ đang ngụp lặn trong hạnh phúc bỗng chia lìa vì Fatima chết sớm. Tình yêu của Mẹ Maria đối với nhân loại còn mãnh liệt hơn tình yêu của chàng hiệp sĩ và cô công chúa, nên Mẹ đã chọn Fatima, vùng đất mang tên Hồi. Sự chọn lựa vùng đất Fatima không phải ngẫu nhiên, nhưng là thiên ý đã được xếp đặt từ nhiều thế kỷ trước, mở cho nhân loại một lối thoát thần thánh. Khi chọn Fatima để hiện ra, Mẹ muốn nhắn gửi với nhân loại về 2 hiểm họa: Cộng sản và Hồi giáo. Lời hứa của Mẹ, “cuối cùng Trái Tim Mẹ sẽ thắng,” giúp chúng ta tin tưởng một ngày nào đó, qua Mẹ, dân Hồi sẽ cải đạo để trở thành Kitô hữu.

Thoạt nhìn, tín đồ Hồi cải đạo gần như là một điều không tưởng vì tín đồ Hồi đặt niềm tin mãnh liệt vào Allah, hầu như không hề suy suyển theo thời gian. Dưới nhãn quan của một tín đồ Hồi, chối bỏ Allah để cải đạo cũng giống như một giáo dân Công giáo bỏ đạo theo Do-thái giáo. Nhiều thế kỷ trước, nỗ lực truyền giáo của hai thánh Phanxicô Assisi và Y-nhã Loyola nhằm cảm hóa dân Hồi xem như thất bại. Riêng Đức Tổng Giám mục Sheen lại có một cái nhìn khác. Ngài tiên đoán vai trò quan trọng của Mẹ Maria trong việc cảm hóa tín đồ Hồi giáo. Qua sự tôn kính Mẹ Maria, tín dồ Hồi sẽ nhận biết Thiên Chúa. Ngài tin chắc rằng một ngày nào đó, Hồi giáo sẽ cải đạo, không phải do lối truyền giáo cố hữu là trực tiếp giới thiệu giáo lý Công giáo nhưng bằng cách mời gọi tín đồ Hồi đến với Mẹ Maria. Đặc biệt đối với hiện tượng Mẹ Fatima, ngài nói, “…điều này dẫn đến điểm thứ hai, đó là lý do tại sao Mẹ Maria, trong thế kỷ hai mươi này, đã tự mạc khải mình trong một ngôi làng nhỏ bé tại Fatima, để cho tất cả các thế hệ tương lai gọi là “Đức Mẹ Fatima”. Đây phải là một sự sắp xếp khéo léo của thiên ý, vì tôi tin rằng Đức Trinh Nữ chọn tên gọi “Đức Mẹ Fatima” như một lời cam kết và là dấu hiệu hy vọng cho người Hồi giáo, và như một sự bảo đảm rằng họ, những người rất tôn sùng Mẹ, một ngày nào đó sẽ chấp nhận Đức Giêsu, Con của Mẹ Maria.”

Cần nói thêm là Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI phong lên Bậc Đáng kính vào ngày 28/6/2012, và một tiến trình phong thánh đang được tiến hành. Một cáo thỉnh viên (postulator) của ủy ban phong thánh, linh mục Andrew Apostoli nhận xét, “Đức Tổng Giám mục Sheen …nhìn thấy ý nghĩa đặc biệt về sự chọn lựa của Đức Mẹ khi hiện ra tại Fatima. Mẹ từ trời xuống đến với nhân loại tại một vùng quê mang tên Hồi không chỉ giúp nước Nga trở lại mà thôi nhưng sẽ giúp tín đồ đạo Hồi biết đến Đức Giêsu, Con Thiên Chúa và là Con Mẹ… trừ phi hàng trăm triệu tín đồ Hồi trở lại, thế giới sẽ chẳng bao giờ có hòa bình.”

Với quân khủng bố cực đoan ngày càng đông, sẵn sàng tử đạo để nhận phần thưởng thiên đàng, thế giới sẽ còn khốn đốn và con người sẽ phải chịu nhiều đau khổ như đã từng chịu trong thế kỷ 20 dưới ách cộng sản. Một lần nữa, lời nhắn nhủ của Đức Trinh Nữ Maria tại Fatima với các Kitô hữu phải luôn cầu nguyện cho hòa bình thế giới càng mang một ý nghĩa bức thiết hơn bao giờ. Trong thời đại khi bạo lực thường xuyên xảy ra dưới danh nghĩa Allah, chúng ta nên chạy đến với Mẹ Fátima. Vẫn tiếp tục tìm kiếm và xây dựng hòa bình nhưng nhờ Mẹ làm cây cầu thân thiện nối liền người Hồi giáo và Kitô hữu, và cũng cầu xin Mẹ chấm dứt hận thù – mối hận thù tưởng tượng do bọn Hồi cực đoan tạo ra – đã gây quá nhiều đau thương cho nhân loại.

Viễn ảnh tươi sáng của một cuộc đối thoại thiêng liêng – qua Mẹ Maria – giữa Kitô hữu và người Hồi giáo mang lại nhiều hy vọng hơn là một cuộc đối thoại về văn hoá, thần học hoặc chính trị. Nhờ Mẹ Fatima, và qua Mẹ Fatima chúng ta có quyền hy vọng ngày đó sẽ đến, mang lại một nền hòa bình đích thực cho thế giới, một thế giới hết hận thù, mọi người sống bình đẳng, và được hưởng tự do trong tình yêu thương của Thiên Chúa.


NIỀM HY VỌNG QUA HIỆN TƯỢNG FATIMA

Chủ nghĩa vô thần làm mưa gió suốt thế kỷ 20. Marx cổ võ một xã hội không cần tôn giáo, một cuộc sống không cần Thiên Chúa. Chủ nghĩa cộng sản lấy vô thần làm chính sách và áp đặt lên người dân buộc phải chối đạo. Với chính sách vô thần, cộng sản chủ trương tiêu diệt tất cả mọi tôn giáo, nhưng cộng sản ghét nhất Thiên Chúa giáo, và luôn đặt Thiên Chúa giáo là mục tiêu hủy diệt lên hàng đầu. Họ bắt bớ, trù dập giáo dân tàn nhẫn. Hồi giáo cũng thế, tín đồ Hồi ghét nhất Thiên Chúa giáo, với tên gọi “Nhóm Dân của Thánh Kinh.” Suốt thế kỷ 20 và kéo dài mãi đến bây giờ, trong chế độ cộng sản và chế độ cộng sản biến thái, giáo dân Thiên Chúa giáo, đặc biệt Công giáo, bị bách hại nặng nề. Giáo hội Công giáo đã trở thành giáo hội thầm lặng để sinh tồn, và giữ vững niềm tin qua suốt bao nhiêu năm. Tại các nước Hồi giáo, giáo dân Công giáo cũng bị hành hạ dã man. Từ đầu thế kỷ 21, tín đồ Hồi cực đoan giết hại “Nhóm Dân của Thánh Kinh” công khai, bằng mọi cách ghê tởm nhất, rùng rợn nhất, gây nỗi khiếp sợ lan rộng khắp nơi. Cả hai chủ nghĩa – cộng sản và Hồi giáo – đều xem Thiên Chúa giáo là kẻ thù nguy hiểm nhất và cần phải bị khống chế và tiêu diệt bằng bất cứ giá nào.

Open Doors là một hiệp hội vô vụ lợi được thành lập năm 1955 nhằm lên tiếng bênh vực và bảo vệ giáo dân Thiên Chúa giáo bị bách hại khắp nơi trên thế giới. Hằng năm, sau khi theo dõi và điều tra, hội đưa ra một danh sách – gọi là World Watch List – gồm các nước đàn áp tôn giáo và bách hại giáo dân. Năm 2017, 20 nước đứng đầu danh sách đen gồm có: Bắc Hàn, Somalia, Afghan, Pakistan, Sudan, Syria, Iraq, Iran, Yemen, Eritrea, Libya, Nigeria, Maldives, Saudi Arabia, Ấn-độ, Uzbekistan, Vietnam, Kenya, Turkmenistan, Qatar. ( https://www.opendoorsusa.org/christian-persecution/world-watch-list/). Trừ Bắc Hàn là một nước cộng sản chính thống, Việtnam là một nước cộng sản biến dạng, và Ấn-độ là một nước dân chủ, còn lại 17 nước kia là Hồi giáo.

Việc thánh hiến dâng nước Nga lên cho Mẹ Maria được hoàn tất năm 1984 và chủ nghĩa cộng sản chính thức cáo chung năm 1991 nhưng trên thực tế chủ thuyết vô thần vẫn còn hoành hành dưới những hình thức tinh tế hơn, khôn khéo hơn. Những quốc gia còn duy trì chủ nghĩa cộng sản như Bắc Hàn và Cuba với chính sách tiêu diệt tôn giáo cố hữu là điều dễ hiểu nhưng các nước áp dụng một loại chủ nghĩa cộng sản biến dạng để duy trì chế độ độc tài đảng trị như Trung hoa, Việt Nam, Lào thì sự bách hại các giáo dân vẫn còn, và thường ở mức độ tàn bạo hơn trước đây. Nhưng điều đáng sợ nhất là giáo dân Thiên Chúa giáo bị bách hại dã man hầu hết tại các nước Hồi giáo.

Với con số 2.2 triệu giáo dân Thiên Chúa giáo trên toàn thế giới, trung bình khoảng 200 triệu người bị đàn áp và bách hại, xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ mạ lỵ đến thái độ thù địch, dẫn đến hành động bạo lực. Những giáo dân tại các vùng bị cấm ngặt tự do tôn giáo trong những nước nêu trên phải trả một giá rất đắt cho niềm tin của họ. Ngoài việc tổn thương tâm lý vì bị sỉ nhục và nguyền rủa, họ bị đánh đập, hành hạ, bắt cóc, bỏ tù, cô lập, hãm hiếp, trừng phạt thể lý nặng nề, nô lệ, kỳ thị giáo dục và viêc làm, ngay cả bị nguy hiểm đến tính mạng, và thậm chí bị giết âm thầm hay công khai. Đó là những đau khổ họ phải chịu đựng mỗi ngày. Vì niềm tin.

Giáo dân Công giáo bị đối xử ngược đãi nhất, và bị bách hại nặng nề nhất. Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước… Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em (Gn 15:18-20). Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét (Mt 10:22). Họ là nạn nhân của cả hai chủ nghĩa vô thần cộng sản và Hồi giáo cực đoan. Theo National Catholic Reporter, con số giáo dân Công giáo tử đạo chỉ trong hai thế kỷ 20 và 21 tính ra cao hơn số giáo dân tử đạo của 19 thế kỷ trước gộp lại. Chúng ta đang sống trong thời đại tử đạo.

Rất nhiều người tin rằng mặc dù chủ nghĩa cộng sản đã chết nhưng chủ thuyết vô thần đã lan rộng khắp thế giới chỉ vì việc dâng hiến nước Nga cho Đức Mẹ xảy ra quá chậm. Mãi đến năm 1984 mới hoàn tất thì đã quá muộn. Nước Nga đã gieo rắc chủ thuyết vô thần lầm lạc trong hơn 70 năm, và nó len lỏi vào các nước tiên tiến, kể cả các quốc gia lấy tôn giáo làm nền tảng. Chủ thuyết vô thần đã ghim vào đầu óc của các nhà trí thức, những học giả, kể cả những Kitô hữu cấp tiến (liberal Christian). Những Kitô hữu cấp tiến lược bỏ những tín lý, và lề luật mà họ cho là bất tiện trong đời sống, chỉ giữ lại những gì hợp với “lương tâm” của họ. Những kẻ này không những phủ nhận hầu hết những điểm cốt lõi trong kinh Tin Kính mà còn hết lòng nhìn nhận sự gian dâm, phá thai, và hôn nhân đồng tính. Họ là Kitô hữu nhưng suy nghĩ và hành động như một kẻ phi Kitô. Với lối sống theo “lương tâm” cấp tiến, họ sẽ dần dần chối bỏ Thiên Chúa và cổ võ chủ nghĩa vô thần. Từ “cấp tiến” đến “vô thần” chỉ là một bước ngắn, theo Giáo sư Xã hội & Triết học David Carlin. Satan sau bao nhiêu năm đánh phá Giáo hội từ ngoài vào trong không mấy thành công, và nó đã đổi chiến lược đánh từ trong ra ngoài nhờ sự trợ lực của những Kitô hữu cấp tiến này. Giữa “thù trong” và “giặc ngoài”, giữa nội thù và ngoại xâm, lịch sử đã chứng minh nội thù nguy hiểm hơn nhiều. Satan – chủ nghĩa vô thần – hiện là một hấp lực khó cưỡng đối với những kẻ hữu thần cấp tiến.

Một số nhân vật quan trọng khác lại cho rằng việc dâng hiến nước Nga chưa thật sự hoàn tất, vì “chính sách Đông phương” của Tòa thánh, không dám gọi đích danh nước Nga. Ngay cả lần dâng hiến với sự hiệp thông của các Giám mục trên toàn thế giới, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng chỉ nói chung chung, “đặc biệt những kẻ đang ở trong tình trạng khiến Mẹ động lòng thương xót.” Chị Lucia, năm 2001, nói riêng với Đức Tổng giám mục Tarcisio Bertone, bộ trưởng Tín lý và Đức tin, rằng lần Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II dâng hiến năm 1984 “đã được Thiên Chúa chấp nhận.” Tuy được “chấp nhận,” rất nhiều người tin rằng chưa thật sự “hoàn tất” theo đúng ý muốn của Mẹ Fatima. Một trong những người cho rằng việc thánh hiến chưa hoàn tất là linh mục Gabriele Amorth, người được Tòa thánh ban cho quyền trừ quỷ tại Rôma. Ngài có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày thánh hiến 25/3/1984, và nhận xét: “Đức Thánh cha rất muốn thánh hiến nước Nga cho Mẹ nhưng các Giám mục lại không muốn, sợ làm phật lòng giáo hội Chính thống.” Tiến sĩ Roberto de Mattei, giáo sư chuyên về lịch sử Công giáo, đi xa hơn khi nhận định, “sự lầm lạc của chủ nghĩa cộng sản không những đã lan rộng khắp thế giới, mà còn xâm nhập vào đền thờ của Thiên Chúa, như luồng hơi độc của Satan đang muốn bóp nghẽn hơi thở Nhiệm thể của Đức Kitô.” Theo ông, chỉ vì việc thánh hiến của Đức Gioan Phaolô II vào tháng 3/1984, và của Đức Bênêdictô XVI vào tháng 5/2010 chưa được thực hiện hoàn hảo. Mới đây, ngày 13/5/2017, Hồng y Paul Josef Cordes, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng ‘Cor Unum’ của Tòa Thánh, xác nhận việc thánh hiến của Đức Gioan Phaolô II chịu áp lực của Bộ Ngoại giao Vatican không nên kêu đích danh nước Nga, e rằng có thể sẽ dẫn đến một xung đột chính trị.

Ngoài ra, nếu hiểu lời hứa của Mẹ, “nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ có hòa bình,” theo đúng nghĩa của nó thì nước Nga chưa thật sự trở lại cho dù chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ. Sự trở lại phải là một sự thay đổi tâm linh nghiêm trọng và phù hợp với đức tin Công giáo. Thật ra, từ ngày chế độ cộng sản sụp đổ, một nếp sống phi Kitô đang hoành hành tại nước Nga. Tính đến năm 2000, mười bốn năm sau khi được thánh hiến, tỷ lệ ly dị không kém gì Hoa kỳ, và khoảng 3.5 triệu vụ phá thai được ghi nhận (qua số liệu của chính phủ Nga) mỗi năm. Số liệu năm 2013 thì càng tệ hại hơn, cứ 10 lần sinh (live births) thì có đến 13 vụ phá thai. Một tỷ lệ rợn người, cao nhất thế giới. Riêng tỷ lệ ly dị khiến mọi người vô cùng kinh ngạc. Chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2017, cứ 1000 cặp ghi danh kết hôn thì có đến 829 vụ ly dị. Năm 2016 tệ hơn, 895 vụ ly dị.

Và thế giới thật sự chưa hề có hòa bình như lời Mẹ hứa. Cuộc tàn sát chủng tộc tại Kosovo, Somalia khiến nhân loại rùng mình. Bọn khủng bố tấn công Tháp Đôi vào tháng 9/2001, dẫn đến cuộc chiến Afghan và Iraq. Rồi cuộc chiến giữa Nga và Georgia, đến nỗi Tiến sĩ Ivan Eland thuộc Học viện Độc lập (Independent Institution) phải kết luận, “Chiến tranh Lạnh chưa hề chấm dứt.” Sự sáp nhập Crimea vào Nga mới đây (2014) dẫn đến ra sự trừng phạt kinh tế, gây xao động trong vùng. Bắc Hàn có anh tổng thống trẻ măng, đang hăm dọa thế giới về chiến tranh hạt nhân. Tổng thống Putin muốn nắm quyền lãnh đạo thêm mấy nhiệm kỳ nữa, lăm le tái lập hệ thống độc tài toàn trị như thời cộng sản. Bọn cực đoan ISIS điên cuồng hơn bao giờ, giết kẻ “tà đạo” không gớm tay. Các giáo dân Thiên Chúa giáo vẫn chịu đau khổ mỗi ngày chỉ vì niềm tin.

Cả một thế giới biến động, không yên.

Và hiện tượng Fatima sau 100 năm vẫn còn là tiếng chuông vang khẩn cấp gửi đến nhân loại. Sứ điệp của Mẹ xem ra vẫn bức thiết hơn bao giờ. Sự lầm lạc mà nước Nga gieo rắc trong suốt ¾ thế kỷ đã len lỏi và thấm sâu vào nếp suy nghĩ của rất nhiều người. Việc đền tạ và tôn kính Mẹ nên chuyên cần mỗi ngày, mỗi tuần.

Giám mục Athanasius Schneider, nước Kazakhstan, trong một cuộc phỏng vấn với trang nhà Rorate Caeli, xin mọi giáo dân “cầu nguyện để Đức Giáo hoàng thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria một lần nữa, để Mẹ sẽ thắng, như Giáo hội hằng cầu nguyện từ xưa, ‘Hỡi Trinh Nữ Maria, hãy vui mừng lên, vì chỉ một mình Mẹ đã hủy diệt tất cả các dị giáo trên toàn thế giới.“ Tháng 5/2017 vừa qua, Hồng y Raymond Burke khẩn thiết kêu gọi nên thực hiện việc thánh hiến nước Nga cho Mẹ Maria, như lời Mẹ yêu cầu 100 năm trước. Ngài lập lại những phương cách cố hữu như Mẹ Fatima vẫn hằng kêu gọi: (1) lần hạt Mân Côi mỗi ngày, (2) treo áo Đức Bà, (3) hy sinh, hãm mình đền cho mình và cho các tội nhân, (4) giữ ngày thứ Bảy đầu tháng, (5) tận hiến đời sống nhiều hơn cho Đức Kitô, và (6) yêu cầu Đức Thánh cha, với sự hiệp thông với toàn thể Giám mục, thực hiện việc thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria. Việc yêu cầu của Hồng y Burke lập lại lời yêu cầu của Mẹ Maria khi Mẹ hiện ra tại Fatima đúng 100 năm trước. Nếu mỗi giáo dân ý thức được sứ điệp của Mẹ Fatima và thực hiện theo như Mẹ yêu cầu thì chắc chắn thế giới sẽ hưởng một nền hòa bình đích thực. Nhất là lời kết của Mẹ khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima vào ngày 13/7/1917. Đó là:

“Nhưng cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ thắng.” Chúng ta vững tin như thế.


Sơn Nghị


------------------------------

Tài liệu tham khảo:

- David McLellan, Maxism and Religion: A Description and Assessment of the Marxist Critique of Christianity (London, The MacMillan Press LTD, 1987)
- John de Marchi, I.M.C., The True Story of Fatima (Imprimatur 1947 and 2009)
- William Thomas Walsh, Our Lady of Fatima (Doubleday Dell Publishing Group, Inc. New York, 1946)
- Matthew J. Ouimet, The Rise and Fall of the Brezhnev Doctrine in Soviet Foreign Policy (Chaped Hill and London, The University of North Carolina Press, 2003)
- George Weigel, Witness To Hope (New York, PerfectBound of HarperCollins Publishers, Inc., 2005)
- Archie Brown, The Gorbachev Factor (New York, Oxford University Press Inc., 1996)
- Arcbishop Fulton Sheen, The World’s First Love (New York, McGraw-Hill Book Company Inc., 1952)
- Paul Kengor, The Crusader: Ronal Reagan and the Fall of Communism (New York, HarperCollins Publishers Inc., 2006)
- Hilaire Belloc, The Great Herresies (Charlotte, North Carolina, TAN Books, 1938)
- Loretta Napoleoni, The Islamic Phoenix (New York, Seven Stories Press, 2014)


nguồn