Đầu tháng mười một tôi dọn tới trọ chung nhà Chính. Mùa đông năm ấy tới sớm. Nơi thung lũng Winterhof, ngoại ô thị trấn Hemer, tuyết bắt đầu rơi từ vài hôm trước.
Lần đầu tiên trong đời, tôi tận mắt chiêm ngưỡng và cảm nhận được tuyết. Vẻ đẹp băng giá của cơn mưa tuyết đầu mùa đắp chiếc mặt nạ kiêu kỳ, quyến rũ lên quang cảnh núi đồi, gợi trong tôi một nỗi rạo rực kỳ lạ, như thể dục cảm. Đã bao nhiêu lần trước đó, ở quê nhà, tôi hằng mơ tưởng tới một ngày, thực sự được thấy, được sờ nắm những nụ tuyết phất phới?
Chính sang đây trước tôi nửa năm, tương đối rành rẽ đường đi nước bước nơi đất lạ. Anh hướng dẫn và ân cần giúp đỡ tôi trong thời gian đầu bỡ ngỡ. Sau hai khoá học tiếng bản xứ, tôi tìm được một chỗ thực tập cho chương trình đại học, cùng lúc tôi phải tìm một chỗ trọ khác. Tôi tìm đến Chính. Anh đồng ý cho tôi chia nhà, sau khi hỏi ý bà chủ. Chính không ngớt ca tụng, bà Geck là một bà cụ vô cùng tốt bụng.
Nhà trọ có cửa kéo ngăn đôi phòng khách phòng ngủ, trang bị đầy đủ. Một góc nhà, cạnh cửa sổ, là chỗ nấu nướng. Phòng vệ sinh nằm ngoài hành lang. Nhưng, nhà không có phòng tắm. Mỗi tuần hai lần, chúng tôi khăn gói đi tắm gội tại nhà tắm công cộng trong phố chính. Một lò sưởi than nằm trong góc phòng khách. Lần đầu thấy lò sưởi than đốt xây gạch tráng men kiểu cổ, tôi vô cùng thích thú. Dần dà tôi nghiệm ra, cách sưởi ấm này không đơn giản như tôi tưởng, nhất là mỗi khi chúng tôi vắng nhà đôi ba hôm, hoặc mua than đốt không kịp lúc.
Ngay trong tối đầu tiên sau khi dọn tới, Chính dẫn tôi sang giới thiệu với bà chủ nhà. Bà cụ đâu khoảng bảy mươi, goá bụa, sống chung với người con gái cùng hoàn cảnh. Tóc bà hoe vàng vấn khéo. Bà mặc bộ áo váy vải sợi, đã lỗi thời nhưng rất trang nhã. Trong lúc chuyện vãn bà chăm chú nhìn chúng tôi, màu mắt trong xanh, khoé cười thường trực điểm trên môi, hé lộ hàm răng trắng sáng, có lẽ giả. Giọng bà lun run, chẩm rãi, và thường kết thúc bằng phương ngữ "vậy đó" theo thói quen. Tôi, lúc đó, phần vì bản tính rụt rè phần vì chưa thông thạo ngôn ngữ bản xứ, ít khi dự phần vào câu chuyện, lâu lâu lén mắt ngắm cách bày trí phòng khách. Ghế bàn, sa-lông, đèn chụp kiểu cổ. Và nhiều tranh hoa sơn dầu rực rỡ, đóng khung cầu kỳ treo trên tường, ký tên L. Geck.
"Bà có nhiều bức tranh đẹp và quý giá quá!" tôi khẽ buông tiếng, gắng giọng phát âm vốn liếng ngôn ngữ chưa quen.
Bà Geck nhoẻn cười, gương mặt ửng hồng:
"Chỉ có cái khung là đáng giá, không phải tấm tranh! Vậy đó!"
Sang tháng giêng, tiết đông trở mùa khắc nghiệt. Cơn cảm lạnh ghì siết lấy tôi, trói tôi liệt giường nhiều ngày liên tiếp trong ghế nệm kéo ra làm chỗ ngủ, kê cạnh lò sưởi. Một sáng nọ, sau khi Chính tới hãng thực tập, tôi vẫn còn sật sừ mệt lả trong giường, chăn kéo ngang cổ. Căn phòng tối ám nhá nhem, từ từ mất hơi ấm. Khoảnh khắc ấy, những giấc chiêm bao kỳ lạ xô tới. Có lúc, vẳng lại đâu đấy tiếng ve mùa nắng, ra rả buồn chán trong công viên nhiệt đới thời thơ ấu, khi tôi soi mắt ngắm điệu múa bầy nòng nọc trong hồ nước rêu bám. Lúc khác là cảm giác bềnh bồng những đợt sóng đại dương, mơn trớn da thịt tôi trẻ thơ mềm mại một trưa chủ nhật du ngoạn. Có điều lạ, trong mỗi khắc giây mộng mị chắp nối ấy, thơm thoảng quanh quất hương sầu riêng ngọt nồng, và gây gấy thịt da những trang sách cấm kỵ tuổi dậy thì ở quê nhà. Cảm xúc ấy càng sắc nét nơi xứ lạ, trong cơn sốt quạnh quẽ, trần trụi một sáng đông lạnh. Hơi lạnh vụn vỡ, loang rộng se sắt. Cổ họng tôi khô khốc. Dội âm những giấc mộng gần gũi, thân quen thời hoa niên trong thính giác tôi lẫn với tiếng lách cách, như thể ai đó đang dọ dẫm tra chìa khoá vào ổ. Qua rãnh mắt hé, trong cơn mê ám chập chờn, tôi dõi thấy dáng người trong bộ áo màu sáng loay hoay dè dặt cạnh lò sưởi. Bà Geck. Bà đang châm lửa sưởi, gắng nương tay để không đánh thức tôi. Tôi giả vờ nhắm mắt như thể say ngủ, và chỉ có thể hình dung động tác của bà qua chuỗi tiếng động. Tiếng giấy và gỗ thông mồi lửa sột soạt. Rồi tiếng diêm xoẹt, nối theo tiếng lửa phực lên thiêu huỷ, thoảng nồng mùi nhựa cây khen khét. Hơi ấm cổ tích ứa tràn hồi ức tôi về một ấu thời vô tư, hạnh phúc, hoàn toàn lạc nhịp cùng thảm hoạ khốn cùng của cuộc chiến đang xảy ra trên nửa miền đất nước. Lát sau vang lên âm thanh loạt soạt lúc than hòn được xúc vào lò. Khoảnh khắc ấy, không hiểu sao, bắt tôi liên tưởng những cột khói cuộn lên từ đám cháy một xóm nghèo trong đợt tổng công kích đầu năm vài năm trước. Từ từ tôi cảm nhận hơi nóng. Mồ hôi trộn lẫn những thương tích tươi máu đẫm ướt và xé rách bóng tối thành muôn mảnh nhoè nhoẹt trong vòm mắt tôi nhắm kín. Đỗi sau, tiếng chân khe khẽ xa dần. Chỉ còn lại tiếng lửa sưởi than van cay nghiệt. Tôi bừng mắt, ánh lửa in bóng bàn ghế lên mặt vách đối diện, nhấp nháy. Tôi uể oải rời giường. Lúc kéo màn sáo, tôi thảng thốt chiêm ngưỡng vạt nắng đầu ngày trải thảm rực rỡ lên mảnh vườn phủ tuyết tươi mới.
Trong bữa điểm tâm tôi tìm thấy mảnh giấy dằn dưới gạt tàn thuốc lá được lau chùi sạch sẽ.
"Chào ông Nguyễn, tôi đã mạn phép vào nhà ông, để nhóm lửa sưởi, vì sáng nay tôi không thấy ống khói lò sưởi tuôn khói. Tôi không biết, ông ở nhà hôm nay.
Xin ông thứ lỗi cho hành vi đường đột này.
Tôi cầm theo mớ quần áo dơ, đem về giặt.
Chủ nhà trọ,
L. Geck"
Chữ viết của bà Geck đường nét gô-tíc tuyệt đẹp. Tôi đọc lại lần nữa mấy dòng ghi lại và xúc động tới độ tôi đã biên thư thuật lại cho nhà biết. Ba má tôi mừng rỡ, khi biết tôi may mắn gặp được bà chủ nhà tốt bụng. Kể từ hôm ấy, những khi chúng tôi vắng nhà, bà Geck tự động qua phòng trọ, gom góp quần áo dơ đem về nhà giặt ủi, sau đó gấp lại phẳng phiu, rồi trả lại, không yêu cầu trả công. Bà còn ân cần vá giùm chúng tôi những chiếc vớ thủng, quần áo lót đứt chỉ. Mỗi lần như vậy, Chính là người nói sõi tiếng Đức lại đích thân sang nhà bà, ngỏ lời cám ơn.
Mối liên hệ giữa bà Geck và chúng tôi, sau đó, càng thêm gắn bó. Bà, người con gái và một bà hàng xóm đa sự nhưng cởi mở đã có lần được chúng tôi mời sang nhà ăn tối. Tôi nấu miến gà, Chính làm chả trứng thịt bằm ăn với cơm, được mấy bà khách khen "lạ miệng". Trong dịp bà Geck mời đáp lễ, tôi hiểu được loáng thoáng câu chuyện bà kể về chồng con đã tử trận trong thế chiến thứ hai.
"Một khoảng thời gian bạo lực khủng khiếp, giống như cuộc chiến hiện giờ tại xứ sở anh, vậy đó", bà Geck thở dài.
Chúng tôi hiếm khi đá động tới chuyện chiến tranh. Bà Geck cũng không hỏi. Tôi không rõ, vì bà tế nhị, không muốn làm chúng tôi buồn lòng, hay vì bà cũng không thích nhớ lại những thảm cảnh nghiệt ngã mà chính bà đã trải qua?
Căn nhà trọ hai gian của bà Geck có khi chứa chấp một lũ bốn, năm gã thanh niên tha hương lạc loài, chưa đủ điều kiện tóm vén một cuộc sống tự lập. Những cuối tuần thức khuya và dậy trễ. Chúng tôi hút thuốc lá, nhả khói mờ mịt phòng, vặn nhạc thời thượng Anh Mỹ ồn ào, vất quần áo dơ bừa bãi nệm ghế, chén dĩa ăn xong chất ngập bồn, cho tới lúc không còn cái nào sạch, mới chịu rửa.
Sau khi kết thúc chương trình thực tập, vào một cuối hè tôi dọn sang thành phố khác để bắt đầu lục cá nguyệt mùa đông. Suốt khoảng thời gian này bà Geck và tôi vẫn thường xuyên liên lạc thư tín với nhau. Bà bắt đầu gọi tôi là "con", ngược lại tôi gọi bà bằng "má". Tôi viết thư báo tin cho cha mẹ ở Sài gòn, bắt đầu từ đây tôi có tới hai người mẹ, một ruột và một nuôi, và luôn luôn nhắc tới bà Geck bằng danh gọi "má Đức". Rất nhiều khi tôi cảm nhận mình là người diễm phúc nhất trần gian. Điều làm tôi đặc biệt thích thú, không hẳn là tờ giấy hai mươi Đức mã kèm theo mỗi phong thư, mà là những chuyện kể của bà về những giấc mộng. Đã có lần bà tỏ bày cùng tôi, bà có khả năng mơ thấy những người thân quen, trong đó có tôi, và hậu vận của họ. Bà bắt tôi thỉnh thoảng nghĩ ngợi, không hiểu những giấc mộng của bà đã báo ứng những gì, nhưng ngại ngần, không hỏi.
Trong khoảng thời gian trọ học ở Krefeld, tôi vướng phải hội chứng suy tâm lý, vì vậy tôi sợ biết trước những điềm báo mộng sẽ có ngày linh ứng. Tôi gặp nhiều khó khăn trong chuyện học vấn và giao tiếp. Tôi thường xuyên thiếu hụt tài chính. Tôi biếng nhác xao lãng những giờ giảng sớm. Điều làm tôi bực dọc nhất là những cơn mộng rối rắm, nhưng vô cùng sống thực trong giấc ngủ nán, sau khi chuông đồng hồ réo thức. Những giấc mộng mọc ra nhiều bàn tay sống sượng cào sướt ký ức tôi. Tôi thấy lại một tối mùa đông ở Winterhof, sau khi tuyết ngừng rơi, chúng tôi ùa ra sân chơi ném tuyết, tở mở nặn hình người tuyết, lấy hai hòn than làm mắt, cắm thanh củi làm mũi. Bà Geck, bà Wagner nghe động, mở cửa sổ trông xuống, cất tiếng chào hỏi. Mấy đứa con nhỏ của bà Wagner cũng túa ra nô đùa cùng chúng tôi. Tôi thấy lại một chủ nhật đẹp trời nhưng lạnh giá, ao nước cạn cạnh nhà bà Geck đóng đá. Trẻ con hàng xóm tụ tập trượt băng, cười đùa tíu tít. Chính cũng xỏ giày trượt băng, chạy ra nhập bọn, thỉnh thoảng lại té bổ ngửa, đám con nít được dịp cười rộ lên. Có ông phóng viên nhật báo địa phương tình cờ đi ngang, dừng lại chụp ảnh. Ngày hôm sau, ảnh Chính và đám trẻ con trượt băng được in trang trong với hàng tít nhỏ: "Một ngày băng lạnh đẹp trời ở Winterhof". Tôi nghe lại rập rềnh giai điệu hợp thính Chính, lặp đi lặp lại sáo mòn, "Don’t Let Me Be Misunderstood" với The Animals hay "No Milk Today" với Herman’s Hermits. Tôi xúc động tưởng lại giọng hát của Karen Carpenter thì thầm chuyện thanh xuân: "We’ve only just begun to live. White lace and promises… Before the rising sun we fly. So many roads to choose…" (*)
Để khỏi quên, sau khi ngủ dậy, tôi lập tức ghi lại bằng tiếng mẹ đẻ những chi tiết mộng mị vào quyển sổ nhỏ, bìa cứng, nắn nót hàng chữ "nhật ký mộng". Thuở ấy, có điều tôi còn phân vân, không rõ những giấc mộng của tôi nhuốm đầy đủ màu sắc, hay vỏn vẹn đen trắng.
Cho tới ngày nọ, tôi tìm ra câu trả lời trong một đoạn thư của bà Geck.
"Hẳn con còn nhớ bà Wagner, người hàng xóm của má. Bữa nọ má nằm mơ, gặp bà ngoài hành lang. Bà trao cho má phong thư vừa được người phát thư đưa cho. Má lập tức nhận ra tuồng chữ quen thuộc của con. Bà Wagner hỏi má, giọng bà nghe sao lạ lùng, như thể của ai khác, con có khoẻ không? Má ngẩng mặt. Trên đôi gò má bà, hai dòng lệ đỏ lăn dài, nhỏ xuống, hoen máu lốm đốm lên bì thư. Khủng khiếp quá! Sau đó không lâu má hay tin, bà Wagner bị mổ mắt vì chứng cườm nước, nhưng vẫn không khỏi. Bây giờ, bà chỉ có thể nhìn thấy cảnh vật lờ mờ như bị sương mù bao phủ."
Kể từ đó tôi biết, người ta có thể mơ thấy màu sắc, và những giấc mộng của bà Geck sẽ có lúc trở thành sự thật. Má Đức của tôi kể chuyện mộng không bàn luận, khơi khơi như để vơi bớt những ứ đọng thực tại và gánh nặng quá khứ. Tôi thầm hỏi, không biết bà Geck có ý thức nghĩa lý những giấc mơ. Có lẽ không, vì hiếm khi bà nhắc nhở mộng sự lần thứ hai.
Sau đó, vì lý do nào không rõ, tôi lướt mắt, tránh đọc những đoạn thư bà Geck thuật lại những giấc mộng siêu hình.
Mùa thu năm ấy, vài hôm trước sinh nhật, bà gởi tặng tôi một bức tranh sơn dầu đóng khung cầu kỳ như tôi hằng mong ước. Bà chỉ vẽ tranh hoa. Lần này là dăm ba cành hướng dương tươi sắc cắm trong lọ màu xanh lam. Qua nét cọ mềm mại, như thể ve vuốt, tôi nhận ra bản sắc đậm đà mẫn cảm của bà. Bà Geck, cùng những giấc mộng nối tiếp và cõi hội hoạ của bà, từ khi nào không rõ, trở thành đối ảnh của tôi, là động lực đẩy tôi tiến tới trong một xã hội thừa mứa vật chất, dè xẻn giao tiếp và cung cấp cho tôi thực phẩm tinh thần cần thiết. Tôi là kẻ lạ, một khách trọ, hiện diện không đúng thời, sai chỗ, tại một nơi có không khí khác mùi, thức ăn lạ vị, con người khác diện mạo, tiếng nói không cùng ngôn ngữ và mùa màng lạnh cảm xúc. Theo thời gian và thường nhật trong một thành phố lớn, cảnh tuyết tuyệt vời trong mùa đông đầu tiên ở thung lũng Winterhof hoá thành một khối thực tế lầy lội, nhem nhuốc và phiền nhiễu. Hơn thế nữa, tuyết còn lấn sâu không mời mọc, trơ trẽn xuống đáy tiềm thức mộng mị tôi.
*
"Tôi dạo bước cô quạnh trong cánh rừng ngập tuyết và khuân theo một bức tranh lớn, nặng nề vẽ cảnh ba chiều một xứ nhiệt đới với những hàng dừa, nhà tranh, đồng lúa và bầy trâu. Tôi còn nghe cả tiếng sáo diều trong trẻo từ thinh không vọng xuống. Một nỗi xao động dâng trong lòng tôi. Phải, tôi đang trên đường đi tới chỗ hẹn. Với ai, là một bí ẩn lớn, ai đó đã tiết lộ như vậy. Lẽ đó tôi tiếp tục dấn bước, mà không nhận ra nhịp tim tôi đang trở chậm, chậm hơn, cho tới khi tôi dừng chân nơi bìa rừng, xoe mắt kinh ngạc. Từ cánh rừng tuyết trắng, tôi nhìn sang đồng cỏ mùa xuân bên kia lạch nước ốm. Nơi đó, bà Geck đang đứng đợi. Vẫn bộ áo, váy quen thuộc mặc trong nhà. Vẫn khoé cười dịu dàng, thân thiết nở trên môi. Và tay cầm một bó hướng dương. Tôi muốn chạy tới cạnh bà, nhưng không thể, vì hai chân tôi bỗng dưng tê cóng. Tôi lê cặp chân đóng băng tiến lại, hai cánh tay mỏi nhừ kịp thời nhấc cao hoạ phẩm vẽ cảnh quê nhà cho bà Geck xem, tựa như động tác kêu cứu của một nạn nhân đắm tàu. Bằng một cử chỉ nhanh nhẹn và thuần thục, bà Geck ném cho tôi những cành hướng dương, được tôi giơ khung tranh hứng lấy. Khoảnh khắc ấy tôi cảm nhận có nguồn sinh lực từ những ngón tay bà truyền sang, toả ấm và sáng rực những trụ điểm tâm linh toàn thân tôi. Chợt, bà giơ tay vẫy chào, xoay lưng và tan biến lặng lẽ như làn gió ấm thổi sạch mặt gương mờ hơi nước, luôn cả những bóng ảnh ẩn hiện."
Qua đoạn ghi chép giấc mộng gặp gỡ bà Geck, tôi không ngần ngại tin rằng, tôi cũng có thể mơ thấy màu sắc. Tôi tin tưởng rằng, chính bà đã tiêm nhiễm vào tiềm thức tôi bằng khả năng thần giao cách cảm và siêu nghiệm ấy.
Lúc treo tranh lên tường, tôi tìm thấy một phong bì kèm theo mẩu giấy dán băng keo ở lưng tranh, vắn tắt vài hàng: "Con yêu quý, bao giờ tới sinh nhật, con hãy mở đọc lá thư này. Má của con."
Và "vậy đó", tháng năm trôi qua, và mùa màng luân phiên tới đi theo chu kỳ thời tiết. Hè năm ấy, bà Geck miễn cưỡng theo người con gái dọn về thị trấn Partschins ở miền núi Südtirol. Một ngày thứ bảy, trước ngày đi, tôi tới thăm bà. Bà ngỏ ý tặng tôi trọn bộ sưu tập tượng men danh hiệu Meissner, nhưng tôi từ chối. Tôi không biết phải làm gì với những món đồ trang trí ấy trước một tương lai còn mờ mịt. Chúng quá mỏng manh và dễ vỡ trong một xã hội càng lúc càng vô tâm, càng thô thiển.
Lúc chia tay, bà ôm siết lấy tôi. Người mẹ Đức của tôi thơm thoảng hương hoa khô đồng nội. Hay đó là mùi hoa oải hương, bà dùng ướp quần áo? Trong xe buýt liên tỉnh, tôi quay nhìn. Bà đứng ven đường vắng, tấm lưng khom mỏng trong bộ áo, váy lỗi thời, trang nhã mặc trong nhà, cánh tay giơ vẫy, chậm chạp, tràn ngập yêu thương, dáng vẻ dễ vỡ như pho tượng tráng men mà tôi từ chối mang theo.
Đó cũng là hình ảnh sau cùng của bà sót lại đáy ký ức tôi.
Nhiều năm sau, tôi dọn tới Dortmund và bắt đầu chăm lo chuyện học vấn. Từ từ tôi chấp nhận sự hiện hữu và bản sắc lạnh lùng, thờ ơ và kiêu hãnh của tuyết, để tìm cách thoả hiệp, với hy vọng không còn bị những giấc mơ tuyết quấy rối. Đã lâu rồi, tôi bỏ thói ghi lại chuyện mộng. Quyển nhật ký mộng năm xưa thất lạc đâu mất. Và, kể từ ngày rời đất quê nhà Winterhof, bà Geck cũng không còn viết cho tôi đọc những chuyện bà mơ thấy tại nơi cư ngụ mới.
Bà không còn nằm mộng tiếp đoạn hay bà đã đánh mất khả năng chiêm nghiệm tại xứ lạ? Tôi không dám hỏi, vì tôi không muốn làm tổn thương những giấc mơ và tính mẫn cảm của má Đức. Nhưng tôi nhận ra một điều, nhờ bà Geck mà tôi thấy ra dương bản đẹp đẽ của bầu không khí, thực phẩm, con người, ngôn ngữ và mùa màng nơi đây. Mọi thứ bắt đầu nhuốm sắc sặc sỡ như một hộp chì màu trong tâm tưởng tôi. Tôi đã may mắn có được một điểm tựa tinh thần hiếm hoi suốt nhiều năm dài. Tôi đã được bà Geck chọn ra trong đám năm, sáu thanh niên háo động thuở đó. Vì nguyên cớ nào, tôi không rõ.
*
Cho tới ngày nọ tôi nhận được vài dòng báo tin của người con gái gởi từ Partschins:
"Thưa ông Nguyễn,
tôi xin thông báo cùng ông, mẹ tôi đã qua đời bảy hôm trước. Trước khi nhắm mắt, bà nhắc tôi nhớ biên thư báo cho ông biết tin này. Suốt thuở sinh tiền bà vẫn thường nhắc tới ông và rất mực thương yêu ông.
Chúc ông mọi điều tốt lành,
A. Buchholz"
Hôm ấy vào cuối đông. Tuyết đã thôi rơi từ vài tuần trước. Tuyết cũ tan chảy. Mùa xuân cùng những vòm cây anh đào sắp sửa đơm hoa rực rỡ. Cũng bắt đầu từ đấy, những giấc mộng của tôi trở nên vô sắc và chuyên chở những hình thù khó định nghĩa.
Vài năm sau, tôi kết thúc học trình và sửa soạn dọn ra cư xá sinh viên. Lúc gói ghém mớ tư trang ít ỏi, tôi tần ngần ngắm nhìn bức tranh sơn dầu cồng kềnh của người mẹ Đức tặng tôi thuở trước, bất chợt thấy lại phong bì dán băng keo phía sau, mà tôi quên bẵng, không mở đọc lúc sinh nhật năm nào. Bao nhiêu năm trôi qua, tôi không còn nhớ, chỉ có thể nhẩm tính qua hàng chữ ghi ngày tháng, bằng nét chữ thân thiết, kiểu gô-tíc tuyệt đẹp của bà Geck: tháng mười một, năm 1979.
"Con trai yêu quý,
có lẽ đôi khi con tự hỏi, tại sao má cảm thấy gần gũi con? Chính má cũng không thể trả lời rõ ràng và chính xác câu hỏi này. Đã có lần má cũng có một đứa con trai, nhưng nó cũng như chồng của má đã tử trận ở Normandie trong thế chiến thứ hai. Những cái chết vô nghĩa này đã tẩy xoá trọn vẹn màu sắc tuyệt vời trong những giấc mộng của má trước đó, và má chỉ còn mơ thấy vô sắc và những hình thù không diện mạo. Một ngày kia, má ngủ mơ một chuyện lạ kỳ. Có giọng nói mềm mỏng báo tin, sẽ có một đứa con trai từ một đất nước xa xôi đến với má. Thông điệp ấy ban tặng má nguồn hy vọng và từ từ trả lại sắc màu những giấc mộng cho má. Má trông ngóng một đứa con trai từ nhiều năm nay. Cho tới hôm con tới. Con yêu quý, chính con là đứa con trai ấy, con là tặng phẩm tuyệt vời nhất mà má nhận được từ trước tới giờ. Má có cảm tưởng, con là hoá thân linh hồn đứa con trai tử trận của má.
Má mượn ý tưởng này để gởi tới con, bằng tấm lòng thuơng yêu trọn vẹn, lời chúc mừng sinh nhật với mọi sự tốt đẹp. Ước mong sao tất cả nguyện vọng từ những giấc mơ muôn sắc của con sẽ thành tựu.
Má của con."
Dòng mực ký thác nhoà nhạt trước mắt tôi. Tiếng nấc nghẹn bật ra cổ họng, không ngớt. Tôi buông tờ thư, úp mặt trong lòng tay, khóc như đứa trẻ bị bỏ rơi. Mãi mãi.
Ngô Nguyên Dũng
Đức, 4. 2014. Nhuận sắc, 10. 2017.
(Phóng dịch từ "Schnee in meinen farblosen Träumen", cùng tác giả; và được ghi thêm, rải rác đây đó, vài chi tiết cùng cảm nghĩ không có trong bản Đức ngữ.)
.............................................