Ca sĩ Tuán Ngọc
Thập niên 80 của thế kỷ trước, khi lớp trẻ hơn chục tuổi ở miền Bắc chỉ được nghe lén những bản nhạc do ca sĩ miền Nam hát, bây giờ biết biết đó là những bản nhạc lính và bolero qua những giọng ca Duy Khánh, Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Tuấn Vũ và nhạc Trịnh với tiếng hát Khánh Ly… chứ hồi đó, chỉ gọi chung bằng cái tên: nhạc vàng, thì cũng là lúc Tuấn Ngọc đang mải mê hát nhạc Anh, Pháp, Mỹ trên quần đảo Hawaii, tới năm 1988 ông mới về đầu quân cho trung tâm nhạc Diễm Xưa của nữ ca sĩ Thái Xuân, một trung tâm băng nhạc nổi tiếng nhưng không chạy theo thị hiếu khán giả, mà luôn khó tính trong lựa chọn từ ca sĩ, ca khúc tới âm thanh, kỹ thuật. Chính trung tâm này đã đưa tên tuổi Tuấn Ngọc từ một ca sĩ chuyên trị nhạc ngoại, “hát tiếng Việt như người Mỹ” trở thành giọng ca hàng đầu hát tân nhạc, để giọng ca đẹp này gần gũi hơn với đồng bào hải ngoại và trong nước. Bởi lẽ đó, khá lâu sau, vào quãng năm 2000 chúng tôi mới lần đầu được nghe Tuấn Ngọc. Tới nay đã ngót hai chục năm, vẫn mê thích như buổi tối mùa đông năm ấy…
Lần đầu tiên, tôi nghe Tuấn Ngọc qua dàn âm thanh của nhà hàng xóm. Trời ơi đêm mùa đông xứ Bắc lạnh hiu lạnh hắt. Văng vẳng từ xa giọng nam trầm Ru đời đi nhé, cho ta nương nhờ lúc thở than… Ru đời đi nhé, ôi môi ngoan này giữa trần gian. Ru từng chiếc bóng lênh đênh vào giấc ngủ ngon. Cho tôi tay gối mong manh, cho tôi ôm lấy vai thon… thấm thía gì đâu! Từ đó, Tuấn Ngọc là giọng ca nam tôi thường nghe nhất.
Có những ca sĩ, chỉ nên nghe thôi. Bởi họ diễn, có thể khiến người xem mê mẩn, cuốn hút đến ma mị, nhưng thực ra nó là hiệu ứng sân khấu từ ánh sáng, phục trang, không khí khán phòng – là những thứ nằm ngoài giọng ca. Cái diễn làm nhòe đi giọng hát, mất chất mộc của bản nhạc. Có những ca sĩ, chỉ xem mới thấy thú, bởi vũ đạo của họ quá giỏi, hình thể họ quá đẹp, nhưng giọng hát lại dở tới mức ta muốn tắt ngay khi họ vừa cất giọng. Nhưng, với Tuấn Ngọc, nghe hay xem thì đều thấy rung cảm, mê say.
Khi Tuấn Ngọc xuất hiện, tất nhiên trên màn hình tivi, điểm đầu tiên luôn khiến tôi bị hút mắt, là bàn tay cầm mic. Tuấn Ngọc có thói quen cầm mic bằng tay trái. Rất tự nhiên, chiếc nhẫn cưới trên tay ông bao giờ cũng là vật chạm vào mắt tôi đồng thời với chiếc mic trên bàn tay có những ngón thon, dài. Nhiều lần tôi tự hỏi, tại sao một người có đời sống tình ái dường như “đơn điệu” khác hẳn những gì mặc định cho giới nghệ sĩ như Tuấn Ngọc, lại có thể sâu lắng đến thế, phiêu đến thế trong từng bản tình ca? Có phải, bởi đằng sau ông, là một tình yêu đủ lớn làm điểm tựa cho những lời ca cất cánh, giống con diều tự do chao liệng khi có chiếc dây cột chắc dưới đất? Có phải vì cầm mic về phía trái tim nên lời ca từ Tuấn Ngọc cũng rung những nhịp đẫm tình? Hay bởi toàn bộ tâm huyết, ý nghĩa đời ông là thuộc về âm nhạc, nên chỉ cần giai điệu cất lên, thì tình yêu đã đủ đầy trong lồng ngực? Chỉ biết, mỗi khi người ca sĩ cất giọng, là truyền tới khán giả những trải nghiệm trong đời với đầy đủ các cung bậc yêu thương, day dứt, đau đớn, hạnh phúc, gặp gỡ, chia ly, đau đáu, khắc khoải – bằng lối hát điềm đạm, thong dong, chất chứa tự sự.
Cha và mẹ Tuấn Ngọc đều là người Hà Nội gốc, những người nghệ sĩ đất Tràng An buổi giao thời hai nền văn hóa Á - Âu, khi nề nếp phong kiến còn in đậm trong lối sống, lối ứng xử, đồng thời, may mắn được hấp thụ những tinh túy của nền văn minh Pháp vừa dịch chuyển tới, nên Tuấn Ngọc thừa hưởng sự lịch lãm, tinh tế của đấng sinh thành tự trong tâm hồn, cốt cách, và với tài năng thiên bẩm, ông đã tinh lọc thành cách hát, giọng hát và phong thái biểu diễn, làm nên một Tuấn Ngọc duy nhất cho tới bây giờ.
Tôi mê phong cách biểu diễn trên sân khấu của nam danh ca. Có lẽ phong cách đó là một thứ triết lý âm nhạc. Khi biểu diễn, Tuấn Ngọc ít di chuyển. Các động tác biểu diễn thậm chí còn có vẻ nhàm chán, tẻ nhạt. Không phải. Sức hút của Tuấn Ngọc chính là ở sự nhàn tản, tiết chế tối đa ngôn ngữ hình thể để trút trọn vẹn tinh hoa vào lời hát. Có thể nói, Tuấn Ngọc nằm trong số những nam nghệ sĩ có phong cách đàn ông, lịch lãm và mang dấu ấn riêng nhất. Khi hát, bàn tay phải của ông, luôn là năm ngón tay xòa rộng, hơi vụng về song lại như một thứ chỉ dấu để người hâm mộ nhận ra ca sĩ mình yêu mến. Người bạn vong niên của tôi khi ghi chú về tấm ảnh ông chụp danh ca đã cho rằng, “ngay cả khi chưa vào bài ca, dù anh quay lưng, nhưng nhìn bàn tay biết ngay…Tuấn Ngọc.”
Cho dù, Tuấn Ngọc đã đứng trên nhiều sân khấu trong nước và hải ngoại, tôi nghĩ sẽ không phù hợp khi dành từ Thánh đường nghệ thuật để đặt ông vào. Không. Tuấn Ngọc không thuộc về những gì cao siêu, lấp lánh. Ông thuộc về đời. Thuộc về tình yêu và những xúc cảm đẹp, dù tiếng ca đời được cất lên từ những nhà hát danh giá với chất lượng âm thanh chuẩn mực, hay trong những phòng trà có vô số khán giả bình dân. Về một phương diện nào đó, tôi thấy có nét đồng điệu khi lựa chọn dòng nhạc của Khánh Ly và Tuấn Ngọc. Khánh Ly hát về thân phận tình yêu, thân phận con người, thân phận quê hương, thì Tuấn Ngọc cũng hát về thân phận con người, thân phận tình yêu. Tuy vậy, một điều rất tiếc, Tuấn Ngọc chưa bao giờ khai thác mảng đề tài thân phận quê hương như Khánh Ly. Tình ca, nhạc phẩm xuất sắc nhất của Phạm Duy, nhưng con rể của nhạc sĩ chưa bao giờ thử sức. Do quá trân trọng tượng đài Thái Thanh hay một lý do nào khác, chỉ mình Tuấn Ngọc hiểu.
Dù không biết ngoại ngữ nào, nhưng vì yêu mến, tôi cũng tìm nghe những ca khúc nhạc ngoại mà Tuấn Ngọc hát thời thanh xuân. Một người bạn am hiểu âm nhạc giảng cho tôi thế này: “khi hátThe Prayer, ông hát tới nốt La. Còn trong Et Maintenant, nốt cao nhất là La Thăng. Tức là 3 quãng 8, tương đương giọng Bằng Kiều.” Nhưng nếu khi Bằng Kiều hát, ta thấy rõ đó là kỹ thuật điêu luyện, thì ở Tuấn Ngọc, là sự điêu luyện không hề thấy dấu hiệu kỹ thuật. Nghe ông hát “Delilah, Never Fall in Love Again”… không cần hiểu phần lời cũng thấy da diết nổi da gà. Giọng Tuấn Ngọc có âm vực rộng, từ nốt thấp nhất đến nốt cao nhất đều xử lý chắc chắn. Xuống thật trầm không bị ngạt, tròn vành rõ chữ mà lên cao vút vẫn không bị mỏng giọng hay vỡ giọng. Điều đáng nói, Tuấn Ngọc sử dụng kỹ thuật hát thành bản năng, nhưng vừa phải, đúng mực, không nhằm khoe giọng, không nhằm chứng tỏ sự vượt trội, mà chỉ nhờ nó để chia sẻ những trải nghiệm về đời, về nghệ thuật vào tâm hồn thính giả. Điều đó mang lại cho người nghe cách tiếp cận âm nhạc đa cảm xúc, chất nhạc, chất thơ, chất tình và chất đời hòa quyện. Một cách hát vượt thoát mọi rào cản nhạc lý để tặng người nghe nhạc cảm. Có lẽ vì vậy chăng, mà những cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn đều cho rằng, Tuấn Ngọc là giọng nam hát thành công nhất những ca khúc của mình. Tuấn Ngọc không thuộc kiểu ca sĩ của một người, như Thái Thanh với Phạm Duy, Khánh Ly với Trịnh Công Sơn, Ánh Tuyết với Văn Cao. Nhạc Trương Phúc Hậu, Nguyễn Đình Toàn, Lê Tín Hương, Tuấn Ngọc hát cũng khó có đối thủ. Ngay cả Quang Dũng, người được coi là tri kỷ âm nhạc của nữ nhạc sĩ Diệu Hương, khi đặt cạnh tiền bối Tuấn Ngọc, cũng nhận ra sự so sánh bất lợi. Hoặc từ nhiều năm nay, người nghe mặc định bản Thành phố buồn là dành cho giọng hát Chế Linh. Danh ca họ Chế cất giọng của “những Tháp Chàm lở lói rỉ rên than”, thấm thía đau đớn tới bi lụy. Nhưng, nghe Tuấn Ngọc hát, bài hát bỗng trở nên sang trọng, hào sảng da diết mà không sến sẩm, nức nở. Một người hát trong cơn say, đau trong cơn say. Một người hát khi tỉnh táo. Đau khi tỉnh táo. Hai sắc thái độc đáo khiến người nghe thấy thú vô cùng.
Nghệ sĩ thường có thời điểm đỉnh cao trong nghề nghiệp. Trước và sau đó, là vực thẳm hoặc bình nguyên. Nhưng với Tuấn Ngọc, tôi thấy ông không có đỉnh. Bởi lẽ, mọi dấu mốc ông để lại trên con đường âm nhạc đều ở tầm cao sự nghiệp. Từ khi cậu bé Anh Tuấn 4 tuổi phải đứng lên ghế hát cho vừa micro trên phố núi Đà Lạt, hay khi về Sài Gòn, Tuấn Ngọc 13 tuổi đã lăn lộn trong những quán bar dành cho người Mỹ, hoặc thời thanh xuân máu lửa trên đảo Hawaii, hay ngay cả bây giờ, ở vào tuổi 70 nhưng như ông tự nhận, Tuổi tâm hồn mới chỉ 40, thì Tuấn Ngọc vẫn rong ruổi trên đường nghệ thuật, chưa có dấu hiệu dừng chân. Tôi hình dung rằng hai ba mươi năm sau, sẽ không có chuyện tiếng hát Tuấn Ngọc bị thay thế, hay đảo chính.
Thảo Dân