Nhịp độ vãng lai, theo thiển nghĩ là từ ngữ dễ hiểu hơn từ ngữ “tần số đậm đặc” thường gặp trong các bài nhận định văn học hiện nay, nhất là ở trong nước. Tần số đậm đặc là số bao nhiêu lần một vấn đề hay một cảm thức hay một ám ảnh được lặp lại trong các bản văn, trong các tác phẩm. Thuật ngữ “tần số” có lẽ mượn ở môn khoa học vật lý nghiên cứu về tốc-độ nhanh hay chậm của những vi-hạt đi theo làn sóng làm thành những vòng dồn-dập. Tần số càng cao là số tính làn sóng vi-hạt càng nhanh hàng ngàn triệu chu-kỳ trong mỗi giây đồng hồ, như ở tốc độ tia ánh sáng, tốc độ tia cực tím, tốc độ tia radar, tia vô tuyến… Tần số đậm đặc hay nhịp độ vãng lai trong văn chương, hàm chứa những sự lặp lại không phải do có chủ-tâm về nghệ-thuật (như sự lặp lại từ ngữ “lá rụng, lá rụng” trong “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng); cũng không phải sự lặp lại do kỹ thuật còn non của người viết văn chưa thành thạo. Vậy tần số đậm đặc trong văn chương phát xuất từ tiềm thức, từ tâm cảm, từ hứng cảm. Ta liên-tưởng đến phân-tâm-học, nhưng phân tâm học có lẽ thường hướng về phía tiêu cực của tâm hồn; còn nhịp độ vãng lai qua bài viết này hướng về tích cực của nội tâm như lòng nhân-hậu hay niềm hứng cảm về những điều thi-vị.
Với tập truyện “Nắng Trong Vườn”, ta thấy hai nhịp độ vãng lai. Nhịp độ vãng lai đầu tiên thấy ở vài truyện, đó là “tia sáng ánh lên tình người”. Đôi khi tình người ấy tạm thời bị che lấp bởi tính tham lam muốn bóc lột tận cùng kẻ yếu thế. Rồi thì một tia sáng nhân hậu bỗng chợt đến, và tình người bắt đầu thấy được phục hồi. Như ở truyện “Đứa Con”: Bà Cả là kẻ bóc lột không chút nương tay đối với Chị Sen. Vì cha mẹ không thể trả nợ hết (cùng với tiền lời ) theo giao ước trong một năm, nên chị phải làm người giúp việc không công cho gia đình Bà Cả. Chị thường bị mắng chửi, có khi bị đánh đập, quần áo không được cấp cho lành lặn, cơm lắm khi ăn với muối và không đủ no. Ông Bà không có đứa con nào. Chòm xóm coi như đó là hình phạt của cõi vô hình đối với một gia đình thiếu lương tâm. Rồi đầu tháng tám, cha mẹ Chị Sen đem lễ vật gồm gà vịt và mâm trái cây ngon đến dâng; xin chị Sen về để lấy chồng; tiền vay cùng với tiền lời sẽ vẫn tiếp tục trả hàng tháng. Chị ở chưa đúng một năm nên không được cấp quần áo mới theo giao ước đi làm người ở không công… Hai năm sau, chị Sen đã có con đầu lòng, cha mẹ cùng chị lại đến dâng lễ vật và việc trả nợ vẫn chưa hết. Chính đứa con bụ bẫm của chị Sen mà khi Bà Cả ẩm trên tay đã làm thức tỉnh tình thương trẻ con, tình mẫu tử, tình người, nơi tâm hồn Bà Cả. Thường ngày keo kiệt, bỗng nhiên Bà Cả trở nên hào sảng, cho chị Sen đến ba đồng bạc (so sánh mới thấy số tiền ấy kha khá: chỉ ba mươi đồng mà gần ba năm vay nợ cha mẹ chị Sen vẫn trả chưa hết).
Nhịp độ lai vãng tia sáng nhân hậu lại thấy trong truyện “Người Đầm”. Thật ra ánh chớp về tình người ấy không biểu-lộ trực tiếp từ người đàn bà Pháp mà chính từ cảm thức của tác giả thấy nét đẹp cư xử bình đẳng của người Pháp chính quốc. Thạch Lam so sánh thấy có sự khác nhau trong cách sống chung với người bản xứ, giữa người Pháp mới đến và người Pháp thực dân. Thạch Lam cảm thức: Một người đàn bà Pháp ngồi trong rạp xi-nê ở hàng ghế hạng nhì chung với người bản xứ Việt Nam, đó là điều ít thấy, có thể không từng thấy. Thiếu phụ trẻ người Pháp chưa tiêm nhiễm thói tự tôn của thực dân luôn luôn ngồi ở thượng hạng hoặc hạng nhất trong rạp hát. Hoặc cô đã biết mà vẫn tỏ ra không cần trịch thượng? Nhưng riêng cảm thức ngạc nhiên ấy rồi có ý nghĩ đẹp đối với người Pháp chính quốc, thì điều đó ta coi như điểm sáng phát xuất từ tâm hồn tác giả. Chỉ một chi-tiết nhỏ mà tác giả quy nạp vào toàn thể, để xóa nhòa cái nhìn thành kiến đối với tất cả người Pháp.
Một ánh chớp lên của nhân hậu nữa đã vãng lai trong một truyện khác: “Bóng Người Xưa”. Truyện hai người có tình yêu với nhau. Gia đình nàng nghiêm khắc nên Mai phải vâng lệnh đi lấy chồng. Vân buồn rầu thất vọng, bỏ đi xa một thời gian năm năm mới trở về khi Mai đã trở thành góa phụ. Hai người lại chấp nối thành vợ chồng, và đã có một đứa con.Tuy vậy, Vân cứ bị dằn vặt với quá khứ Mai đã có một đời chồng. Nhiều lần Vân đay nghiến, có khi nói nặng lời với Mai: “Mày tưởng mày còn quý hóa lắm đáy.Tao lấy mày nghĩ mà dại, lấy cái của thừa”.Mai chịu đựng trước lòng ghen quá khứ của Vân, dù chồng trước của Mai đã mất. Nhưng một đêm đông lạnh, dưới ánh lửa hồng lò sưởi, Vân nhận ra nét buồn trên gương mặt Mai. Nhờ ánh lửa hồng cũng là ánh lửa nhân hậu vốn sẵn có trong lòng Vân, nó hồi-phục, và vợ chồng lại tìm thấy hạnh phúc.
Lần thứ tư, tia sáng lòng tốt, ở đây là tình thương mẹ, lại phục hồi trong truyện “Buổi Sớm”. Bính là một thanh niên ăn chơi trác táng. Rượu, thuốc phiện và gái đàng điếm, đã quyến rũ chàng thành một con thiêu thân. Từ ngày cha mất, Bính bỏ mẹ già sống một mình trong gian nhà cổ. Hằng đêm, cứ đến ba bốn giờ sáng mới trở về nhà trọ, thân thể mệt nhoài, nằm vật ra mà ngủ. Nên từ lâu, Bính không còn nhớ ngôi nhà cha mẹ có tiếng chim gù buổi sáng; tiếng cười nói của ngững người đi chợ sớm; không còn nhớ khí trời mát lạnh; kể cả những bông hồng buổi mai nở ra tinh khiết. Nhưng rồi khi bị mất việc, trở về nhà xưa; có dịp thức dậy sớm; Bính chợt nhớ lại thời cũ cứ sáng sớm mình hái một đóa hoa hồng đăt trong dĩa sứ trắng làm thức dâng lên buổi sớm mai theo ý thích của mẹ. Buổi sáng mát lạnh làm thức tỉnh tình thương mẹ mà bấy lâu mình đã quên. Và Bính lại hái một bông hồng đặt vào dĩa sứ: dấu hiệu tốt của sự hối hận từ lâu cứ để mặc mẹ già còm cõi sống thui thủi một mình.
Với bốn lần tia sáng nhân hậu lóe lên được lấy làm chủ-đề (Những truyện khác trong tập “Nắng Trong Vườn” cũng đậm nhạt tình người, nhưng không rõ có ý thức chủ-đề); như vậy “nhịp độ vãng lai” hay “tần số đậm đặc” thiết nghĩ không phải là nhận-định quá chi-tiết có vẻ gán ghép. Điểm sáng nhân hậu lóe lên, điều này vốn không xa lạ với độc giả; riêng với những người từng ngồi ở Trung Học thuộc thế hệ nay đã 60 hay 70 tuổi thì vẫn còn nhớ ánh sáng ấy hiện hữu trong tập “Gió Đầu Mùa” và “Sợi Tóc” của Thạch Lam. Cũng như “văn nghiêng về thi tính”, mà khi ở Trung Học ta từng bị chinh phục với những câu văn đẹp trong tập truyện “Nắng Trong Vườn” này, chẳng hạn “Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi. Mặt trăng tròn, to và đỏ từ từ lên ở chân trời, sau rặng tre đen của làng xa. Mấy sợi mây con vắt ngang qua, mỗi lúc một mảnh dần, rồi tắt hẳn… ánh trăng trong chảy khắp cả trên ngành cây, kẽ lá, tràn ngập trên con đường trắng xóa”. Hoặc như ở một câu khác mà từ lâu ta còn nhớ: “Tiếng trống thu không trên cái chòi của một huyện nhỏ: từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây hồng như hòn than sắp tàn. Giẫy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời. Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve”.
Vậy nhịp độ vãng lai kế tiếp nơi tập truyện “Nắng Trong Vườn”, dễ nhận ra là văn nghiêng về thi-tính vừa mới nêu ra trong hai đoạn văn trên; mà để cụ-thể-hóa riêng biệt: xin liệt kê rõ ràng có đến sáu lần Thạch Lam hứng cảm viết về những chuyến xe lửa đi và đến, chỉ riêng trong tập truyện này. Chuyến xe lửa đến nơi nghỉ hè, thấy ở truyện đầu tiên: “Nắng Trong Vườn”. Chuyến thứ hai, tàu hỏa đi ngang qua thị trấn, hiện diện trong truyện “Bên Kia Sông”. Chuyến thứ ba nơi truyện “Cuốn Sách Bỏ Quên”: ta gặp Thạch Lam hóa thân là nhân vật nhà văn mới xuất bản một cuốn tiểu thuyết, đang ngồi trong toa xe lửa. Chuyến xe lửa thứ tư trong truyện “Hai Đứa Trẻ”: chuyến tàu khuya mà hai chị em đêm nào cũng cố thức vì như ghiền nghe tiếng rền trên đường sắt; tiếng còi tàu vang âm; và ánh đèn xanh nơi đầu máy đi qua vùng quê của một huyện nhỏ. Chuyến xe lửa thứ năm trong truyện “Tiếng Sáo”: một chuyến tàu từ biệt không bao giờ trở lại của một thiếu nữ bị quyến rũ bởi một gã có tài mê hoặc phái nữ, chuyên đào mỏ rồi phụ tình, một phần cũng do tài thổi sáo nghe rất não nùng truyền cảm của hắn. Chuyến xe lửa thứ sáu, trong truyện “Bắt Đầu”: chuyến xe lửa đưa một thanh niên từ thành thị đển dự lễ cưới ở vùng quê; góp mặt tiễn người chị về nhà chồng, đồng thời cũng chuẩn bị hôn lễ sắp tới với người em gái. Người con gái nào trong gia đình cũng sẽ bắt đầu có một đời sống riêng, cũng sẽ về nhà chồng, từ giã quê hương cha mẹ đầy lưu luyến.
Nơi truyện “Bên Kia Sông”, nhân vật xưng tôi có nói quê của mình ở huyện Văn Dương miền hạ-du, với quang cảnh “Dưới bến thuyền buôn chen chúc đậu/ Trên đường xe lửa lại qua luôn”. Ta nghĩ đây cũng chính là quang cảnh vùng quê của Thạch Lam với cái tên địa-danh khác, đúng ra phải là Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Vì vậy những chuyến xe lửa đi và đến có lắm dịp được nhắc tới trong văn chương Thạch Lam, đó như một điều hiển nhiên. Mười hai truyên trong tập sách này mà có đến sáu truyện với chuyến xe lửa hiện diện, thì có nên gọi đó là “nhịp độ vãng lai”? Rõ rệt, những nhắc nhở ấy trong văn chương Thạch Lam mang nét thi-vị; đọc tới có vẻ gì như êm ả của một vùng nửa tỉnh nửa quê mà tàu đến tàu đi làm thành sợi giây nối kết; tạo nên nét đậm đà của một vùng tác giả rất yêu mến. Chất thơ này của Thạch Lam hiển lộng ở hai đoạn văn trích ra ở trên, hoặc ở một đoạn văn khác trong truyện “Hai Đứa Trẻ”: “Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé. Ừ, em cứ ngủ đi… Hai chị em chờ không lâu. Tiếng còi đã rít lên, và tầu rần rộ đi tới. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng, lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng… Tiếng vang động của xe hỏa đã nhỏ rồi, và mất dần trong bóng tối, lắng tai cũng không nghe thấy nữa…”
Một nhịp độ vãng lai phát xuất từ tâm nhân hậu (ánh chớp tình người); một nhịp độ vãng lai phát xuất từ hồn thơ trước ngoại cảnh (những chuyến xe lửa ngang qua vùng quê). Người viết bài hy vọng đây là vài đóng góp khi đọc lại sáng tác văn chương của một tác giả quen thuộc trong Nhóm Tự Lực Văn Đoàn thuộc giai-đoạn 1932-1942.
Trần Văn Nam
City of Walnut, California, tháng 3 năm 2016