nhạc, đàn và hát: Hoàng Quốc Bảo
Mưa trên đỉnh đồi cao
Hôm nay thu về nhiều
Hồn anh đầy lá úa
Hôm nay thu về nhiều
Hôm nay thu về nhiều.
Mưa trên đỉnh đồi cao
Một sớm có mưa nhiều
Trên vỉa hè ân ái
Một sớm có mưa nhiều
Một sớm có mưa nhiều.
Mưa trên vùng thơ ấu
Mưa trên đỉnh đồi cao
Mưa ướt mấy mươi năm
Không nhủ hồn nương náu
Mưa ướt mấy mươi năm
Mưa ướt mấy mươi năm.
Ôi! Một lần yêu nhau
Một lần yêu nhau giữa đời
Nụ sầu rơi xuống đời chẳng biết
Mưa trên đỉnh đồi cao
Chiều mưa trên đỉnh đồi cao
Bước chân bước chân ta về
thành phố cũ
Nhưng
có cuộc tình
vẫn cuộc tình
trôi theo.
Mưa trên tà áo biếc
Mưa trên đỉnh đồi cao
Mai đây anh phương nào
Còn xui lòng nhớ tiếc
Mai anh phương trời nào
Mai đây anh phương nào?
Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo sinh năm 1950 tại làng Rãng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, học nhạc từ nhỏ, nhưng sau khi học trung học đã vào Đại học Khoa học Sàigòn. Trước năm 1975, anh từng làm ở phân vụ Truyền thanh của Tòa Đại sứ Mỹ tại Sàigòn, làm xướng ngôn viên đọc tin tức, bình luận, đọc truyện, đóng kịch truyền thanh, biên tập và sản xuất chương trình cho các đài phát thanh của miền Nam. Sau năm 1975, anh sang Mỹ học thêm nhạc ở các trường đại học và mưu sinh bằng nghề kỹ thuật tin học, lập trình cho Sở Cấp nước của thành phố Los Angeles.
Nhà thơ Du Tử Lê đã nói về vị trí của nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo trong nền tân nhạc miền Nam trước năm 1975: “Xuất hiện sau những Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên một vài năm và sau Trịnh Công Sơn khoảng 6, 7 năm, nhưng nếu lấy con số 10 năm làm thước đo, đếm một thế hệ thì Hoàng Quốc Bảo là người cuối cùng lấy được chiếc vé lên chuyến tàu âm nhạc… Nếu Trịnh Công Sơn kêu đòi chấm dứt chiến tranh, Vũ Thành An với những bài không tên viết cho một cuộc tình tuyệt vọng, Từ Công Phụng với nỗ lực đi tìm vàng son thuở trước thì Hoàng Quốc Bảo, từ những sáng tác đầu tay, đã cho thấy khuynh hướng xới sâu cõi hư không, đời giả tạm. Ngay với những tình khúc rực rỡ chia ly, nát nhàu thống khổ, ở đâu đó, giữa những hợp âm được nối kết bởi Hoàng Quốc Bảo vẫn mang tới cho người nghe cảm nhận muốn thoát khỏi những trói buộc hạn hẹp của kiếp người. Tham vọng xóa bỏ sự phân biệt hình/tướng, đem nhị nguyên đúng/sai, thành/bại, phải/trái về nhất thể. Bằng âm nhạc, từ những năm cuối thập niên 1960 - đầu thập niên 1970, Hoàng Quốc Bảo đã thiết lập cho mình hay cho người những chiếc cầu tâm linh bắc qua đôi bờ nhân gian và lẽ đạo. Dù không một chỉ dấu, bằng cõi tâm tĩnh lặng, Hoàng Quốc Bảo, với cõi nhạc của mình, đã mặc nhiên mang đến người nghe những hồi chuông lai tỉnh, những câu kệ nhắc gọi chúng sinh hồi hướng bến giác…”
Thời trẻ, anh đã phổ nhạc bài thơ “Mưa trên thành phố cũ” của thi sĩ Đào Trường Phúc. Tác giả Diên Hoàng có nhận định về ca khúc thấm đẫm kỷ niệm về mưa này của Hoàng Quốc Bảo: “Hình như nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng nào cũng có ít nhất một bài về mưa. Phạm Duy có "Giọt mưa trên lá", Trịnh Công Sơn có “Trời còn làm mưa mưa rơi mưa rơi”, Đức Huy có “Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ”, Ngô Thụy Miên có “Tháng sáu trời mưa, mưa ướt nhòa vai em”... Nhưng theo tôi, không có bài mưa nào đạt như bài “Mưa trên thành phố cũ” của Hoàng Quốc Bảo. Mưa dầm dề, mưa lê thê, mưa chán chê, mưa lù mù, mưa đủ 9 phút bài nhạc Khánh Ly hát!”