Kazuo Ishiguro (Photo by Mike Segar/Reuters)
Kazuo Ishiguro sinh năm 1954 ở Nhật Bản, và cùng gia đình chuyển đến Anh năm ông năm tuổi. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành văn học Anh và triết học năm 1978, và có bằng thạc sĩ sáng tác văn chương tại Đại học East Anglia năm 1980. Là tác giả của các cuốn tiểu thuyết The Remains of the Day, Never Let Me Go, và The Buried Giant, ông được trao giải sách Whitbread năm 1986, giải Man Booker năm 1989, và gần đây nhất là giải Nobel văn chương năm 2017.
Từng có một thời gian tôi có thể chu du khắp nước Anh trong nhiều tuần liên tục mà vẫn khỏe như vâm—thời gian mà du hành nếu có gì thì chỉ mang lại cho tôi lợi lộc. Nhưng giờ đã già hơn tôi dễ dàng đánh mất phương hướng hơn. Vậy là đến ngôi làng này lúc trời vừa tối tôi đã không nhận ra được đâu là đông tây đâu là nam bắc. Tôi gần như không tin được mình đang ở chính ngôi làng mà không lâu trước tôi đã sống và có một tầm ảnh hưởng lớn đến vậy.
Chẳng có gì nhận ra được, tôi cứ mãi bước quanh những con phố xiên xẹo, đèn chiếu âm u, hai bên bị bó hẹp bởi những ngôi nhà đá nhỏ đặc trưng của vùng này. Các con phố thường trở nên hẹp đến mức tôi không thể tiến lên mà không cọ túi hay cùi chỏ vào mặt tường thô ráp bên này hay bên kia. Tôi vẫn bền lòng, mò mẫm trong bóng tối với hy vọng đến được quảng trường làng—nơi ít ra tôi có thể định vị mình—hoặc không thì gặp được một người dân làng. Sau một lúc mà cả hai đều chưa làm được, một cơn mệt mỏi ập lên tôi, và tôi quyết định tốt nhất là chọn ngẫu nhiên một ngôi nhà, gõ cửa, và hy vọng ai đó còn nhớ tôi sẽ ra mở.
Tôi dừng lại trước một cánh cửa trông đặc biệt ọp ẹp, thấp đến độ tôi thấy mình sẽ phải cúi gập người xuống mới đi qua được. Một tia sáng mờ rò qua mép cửa, và tôi nghe có tiếng người cười nói. Tôi gõ to để đảm bảo những người trong nhà nghe thấy. Nhưng đúng lúc đấy có người đằng sau tôi nói, “Chào chú.”
Tôi quay lại và thấy một cô gái trẻ độ hai mươi, mặc quần jeans rách và áo tròng cổ xé, đứng trong bóng tối cách một quãng không xa.
“Lúc nãy chú đi qua cháu,” cô nói, “mặc dù cháu có gọi.”
“Thế sao? Ồ, tôi xin lỗi. Tôi không có ý thô lỗ.”
“Chú là Fletcher, đúng không ạ?”
“Vâng,” tôi nói, có phần phổng mũi.
“Wendy nghĩ đấy là chú lúc chú đi qua nhà cháu. Bọn cháu hào hứng lắm. Chú là một trong nhóm ấy, đúng không ạ? Với David Maggis cả những người khác.”
“Đúng thế,” tôi nói, “nhưng Maggis thì không thể là quan trọng nhất. Tôi ngạc nhiên là cô lại nhắc riêng anh ta ra như thế. Còn những nhân vật khác, quan trọng hơn nhiều.” Tôi bắn một tràng và thích thú thấy cô gái gật đầu nhận ra mỗi cái tên. “Mà chuyện chắc là phải trước thời cô chứ,” tôi nói. “Tôi bất ngờ là cô lại biết những chuyện này đấy.”
“Đúng là trước thời bọn cháu, nhưng bọn cháu là chuyên gia về nhóm của chú cả đấy. Bọn cháu biết nhiều hơn hầu hết những người lớn tuổi hơn ở đây ngày đấy. Wendy nhận ra chú ngay mà chỉ là qua ảnh.”
“Tôi không biết bọn trẻ các cô lại quan tâm đến chúng tôi như thế. Tôi xin lỗi đã đi qua cô lúc trước. Nhưng cô thấy đấy, tôi già rồi, đi lại có chút mất phương hướng.”
Tôi có thể nghe được cuộc trò chuyện sôi nổi sau cánh cửa. Tôi gõ cửa lần nữa, lần này hơi mất kiên nhẫn, dù cũng không quá nóng lòng chấm dứt cuộc gặp với cô gái kia.
Cô gái nhìn tôi một lúc, rồi nói, “Các chú thời ấy ai cũng thế cả. David Maggis đến đây mấy năm trước. Năm ’93, hay ’94 gì đấy. Chú ấy cũng như thế. Có chút mơ hồ. Thể nào rồi một thời gian nó cũng đến thôi, đi lại suốt như thế.”
“Hóa ra Maggis từng ở đây. Thú vị nhỉ. Cô biết đấy, anh ta không phải là nhân vật thực sự quan trọng. Đừng có để mình bị cuốn theo cái ý nghĩ đấy. Tiện đây, chắc cô có thể cho tôi biết được ai sống trong ngôi nhà này.” Tôi đập cửa lần nữa.
“Nhà Peterson,” cô gái nói. “Họ ở đây lâu rồi. Chắc họ còn nhớ chú đấy.”
“Peterson,” tôi nhắc lại, nhưng cái tên này chẳng có ý nghĩa gì với tôi.
“Sao chú không đến nhà bọn cháu? Wendy phấn khích lắm. Mọi người còn lại cũng thế. Cơ hội thực thụ cho bọn cháu đấy ạ, được nói chuyện thực sự với một người ngày ấy.”
“Tôi rất muốn thế. Nhưng trước hết tôi nên ổn định cái đã. Nhà Peterson, nhỉ.”
Tôi đập cửa lần nữa, lần này khá dữ. Cuối cùng nó mở, ném hơi ấm và ánh sáng ra phố. Một người đàn ông lớn tuổi đứng ở cửa. Ông nhìn tôi dò xét, rồi hỏi, “Không phải Fletcher đấy chứ?”
“Vâng, tôi vừa mới đến làng. Tôi đã đi nhiều ngày nay rồi.”
Ông ngẫm nghĩ chuyện này một lúc, rồi nói, “Ồ, cậu nên vào đây đi.”
Tôi bước vào một căn phòng chật chội, bừa bộn, đầy củi và đồ nội thất bỏ đi. Một khúc gỗ cháy trong lò sưởi là nguồn sáng duy nhất, nhờ đó tôi nhìn ra được một số người cong mình ngồi quanh phòng. Ông già dẫn tôi đến chỗ chiếc ghế cạnh lò sưởi với một vẻ miễn cưỡng, tỏ ý đấy là cái ông vừa ngồi. Ngồi rồi tôi mới nhận ra mình không dễ quay đầu để nhìn xung quanh hay những người khác trong phòng. Nhưng hơi ấm của lửa thì rất dễ chịu, trong một lúc tôi cứ nhìn chằm chằm vào những ngọn lửa, một cơn mê mẩn trôi nổi trong tôi. Những giọng nói đến từ đằng sau, hỏi tôi có khỏe, có phải tôi đến từ xa, tôi có đói, và tôi trả lời hết sức có thể, dù nhận thức được câu trả lời của tôi gần như không hề thỏa đáng.
Cuối cùng, những câu hỏi cũng thôi, và tôi nhận ra sự hiện diện của mình đang tạo ra một bầu không khí bối rối nặng nề, nhưng tôi dễ chịu vì hơi ấm và cơ hội được nghỉ ngơi đến mức gần như tôi chẳng hề quan tâm.
Thế nhưng, khi sự im lặng đằng sau tôi vẫn không bị phá vỡ sau vài phút, tôi quyết định trò chuyện với các vị chủ nhà một cách lịch sự hơn, và tôi quay ghế. Đến lúc ấy, khi làm vậy, trong tôi mới đột nhiên ngập tràn một cảm giác thân quen mãnh liệt. Tôi chọn ngôi nhà này một cách tương đối ngẫu nhiên, nhưng bây giờ tôi có thể thấy nó chính là ngôi nhà mà tôi đã sống những năm tôi ở ngôi làng này. Ánh mắt tôi lập tức đưa đến chỗ góc xa—chỗ mà lúc này bóng tối đang bao trùm—đến cái nơi từng là góc của tôi, nơi tấm nệm của tôi từng nằm và nơi tôi đã dành nhiều giờ yên bình lướt qua những cuốn sách hoặc trò chuyện với bất cứ ai tình cờ dạt vào. Đó là những ngày mà ngôi nhà còn được bao bọc bởi những cánh đồng trống và vọng vào từ bên ngoài những giọng nói của bạn bè tôi, lười biếng giữa những lá cỏ dài, bàn luận về thơ ca hay triết học. Những mảnh vụn quá khứ quý giá ấy trở về với tôi mạnh mẽ đến mức đấy là tất cả những gì tôi có thể làm để không lập tức đi thẳng đến cái góc cũ của mình.
Có người đang nói với tôi, có lẽ đang hỏi một câu hỏi khác, nhưng tôi gần như không nghe. Đứng dậy, tôi nhìn xuyên qua bóng tối vào góc của mình, và có thể nhận ra một cái giường hẹp, phủ một bức màn cũ, chiếm ít nhiều đúng cái không gian mà tấm nệm của tôi từng nằm. Cái giường trông vô cùng mời mọc, và tôi nhận ra mình đang ngắt lời người đàn ông già đang nói.
“Này,” tôi nói, “tôi biết thế này có hơi lỗ mãng. Nhưng các vị thấy đấy, hôm nay tôi đã đi cả chặng đường dài. Tôi thực sự cần nằm và chợp mắt, mấy phút thôi cũng được. Sau đó, tôi rất vui được nói mọi chuyện quý vị muốn.”
Tôi có thể thấy mọi người trong căn phòng nhúc nhích một cách khó khăn. Rồi một giọng nói mới cất lên, khá sưng sỉa, “Anh ngủ đi. Chợp mắt chút. Đừng bận tâm chúng tôi.”
Nhưng lúc đấy tôi đã lần đường qua đám ngổn ngang đến cái góc của mình. Cái giường có cảm giác ẩm, và lò xo rin rít dưới sức nặng của tôi, nhưng tôi vừa cuộn người nằm lưng quay ra ngoài thì những giờ đi lại đã bắt đầu bắt kịp tôi. Trong lúc đang mơ màng, tôi nghe tiếng người đàn ông già nói, “Fletcher đấy, được rồi. Chúa ơi, cậu ta già rồi.”
Giọng một người đàn bà nói, “Cứ để anh ta đi ngủ như thế à? Chắc mấy tiếng nữa anh ta mới dậy rồi chúng ta lại phải thức cùng anh ta.”
“Để cậu ấy ngủ tầm một tiếng,” người khác nói. “Một tiếng nữa mà cậu ấy vẫn ngủ thì chúng ta sẽ đánh thức cậu ấy dậy.”
Đến lúc này, cơn kiệt sức hoàn toàn đã chiếm trọn tôi.
***
Đó không phải là một giấc ngủ liên tục hay thoải mái. Tôi trôi nổi giữa mơ và tỉnh, luôn ý thức được những giọng nói sau lưng mình trong phòng.
Có lúc, tôi nhận thức được một người đàn bà nói, “Tôi không biết mình từng bị anh ta hớp hồn thế nào nữa. Giờ trông như một gã ăn mày.”
Trong trạng thái gần như ngủ, tôi tự tranh cãi với mình xem những lời ấy là cho tôi hay có lẽ cho David Maggis, nhưng chẳng bao lâu giấc ngủ lại chôn vùi tôi lần nữa.
Lần tiếp theo tôi tỉnh, căn phòng có vẻ vừa lạnh vừa tối hơn. Những giọng nói vẫn tiếp tục đằng sau tôi bằng âm điệu trầm xuống, nhưng tôi không hiểu được họ nói gì. Giờ tôi lấy làm xấu hổ vì cái cách mình đi ngủ, và tôi nằm bất động úp mặt vào tường thêm một lúc nữa. Nhưng chắc hẳn có gì đó ở tôi đã tố cáo rằng tôi đã tỉnh, vì giọng một người đàn bà, tách khỏi cuộc trò chuyện chung, nói, “Ồ, nhìn kìa, nhìn kìa.” Vài tiếng thì thầm trao nhau, và tôi nghe tiếng người bước về góc tôi. Tôi cảm thấy một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai, và nhìn lên thấy một người đàn bà quỳ gối trên tôi. Tôi chưa quay người ra đủ để thấy căn phòng, nhưng cảm giác nó đang được chiếu sáng bởi những mẩu than tàn, và gương mặt người đàn bà chỉ thấy được trong bóng tối.
“Này, Fletcher,” cô nói. “Đến lúc chúng ta trò chuyện rồi. Mọi người chờ anh quay lại đã lâu. Tôi nghĩ về anh nhiều lắm.”
Tôi gượng nhìn cô rõ hơn. Cô độ ngoài bốn mươi, và ngay cả trong ánh sáng mờ tôi vẫn nhận ra một nét buồn trầm trong đôi mắt. Nhưng gương mặt cô không gợi lên trong tôi ngay cả những ký ức mờ nhạt nhất.
“Tôi xin lỗi,” tôi nói. “Tôi không nhớ gì về chị. Nhưng xin tha thứ cho tôi nếu chúng ta từng gặp nhau một thời gian trước. Dạo này tôi rất mất phương hướng.”
“Fletcher,” cô nói, “ngày mình biết nhau tôi còn trẻ và đẹp. Tôi thần tượng anh, và mọi thứ anh nói đều nghe như một câu trả lời. Giờ anh đã ở đây, trở lại đây. Tôi muốn nói với anh đã nhiều năm là anh đã hủy hoại đời tôi.”
“Chị đang không công bằng đấy. Vâng, tôi đã sai lầm nhiều chuyện. Nhưng chưa bao giờ tôi nói mình có câu trả lời nào. Tất cả những gì tôi nói ngày ấy là đóng góp vào cuộc tranh luận là trách nhiệm của chúng tôi, tất cả chúng tôi. Những vấn đề ấy chúng tôi hiểu biết hơn nhiều so với những người dân thường ở đây. Nếu những người như chúng tôi trì hoãn, bảo rằng chúng tôi chưa hiểu biết đủ, thì còn ai ở đó mà hành động nữa? Nhưng chưa bao giờ tôi dám nói mình có câu trả lời. Không, chị đang không công bằng đấy.”
“Fletcher,” cô nói, giọng cô dịu dàng kỳ lạ, “anh từng làm tình với tôi, gần như mỗi lần tôi lang thang vào phòng anh đây. Trong cái góc này, mình từng làm tất cả những chuyện dơ bẩn đẹp đẽ. Thật kỳ cục khi nghĩ tôi từng bị anh hấp dẫn về mặt thể xác như thế. Còn ở đây anh chỉ là một nhúm giẻ bốc mùi. Nhưng nhìn tôi mà xem—tôi vẫn còn hấp dẫn. Mặt tôi đã có chút nhăn, nhưng ra đường làng tôi vẫn mặc những bộ váy tôi đã may đặc biệt để tôn dáng. Rất nhiều gã đàn ông còn muốn có tôi. Nhưng anh, giờ chẳng còn người đàn bà nào muốn nhìn anh nữa. Một nhúm giẻ và xác thịt hôi hám.”
“Tôi không nhớ chị,” tôi nói. “Tôi cũng không có thời gian đâu cho chuyện tình ái dạo này. Tôi còn những chuyện khác để lo. Những chuyện nghiêm trọng hơn. Tốt thôi, ngày ấy tôi đã sai lầm nhiều chuyện. Nhưng tôi đã làm hết sức để cố gắng và khắc phục. Chị thấy đấy, đến giờ tôi vẫn còn đi. Tôi chưa bao giờ dừng. Tôi đi và đi cố gắng sửa chữa cái thiệt hại mà có lẽ tôi từng gây ra. Đấy là hơn những gì có thể nói về những người khác thời ấy. Tôi cá Maggis chẳng hạn, chưa cất công cố gắng sửa sang mọi chuyện bằng một nửa.”
Người đàn bà ấy vuốt tóc tôi.
“Nhìn anh này. Tôi thường làm thế này, luồn tay qua tóc anh. Nhìn cái đống bẩn thỉu này xem. Tôi chắc anh đã nhiễm đủ loại ký sinh rồi.” Nhưng cô vẫn chầm chậm luồn những ngón tay qua những nút tóc dơ. Tôi không cảm thấy có chút gì khêu gợi từ chuyện này, như chắc cô muốn tôi thấy. Đúng hơn, cái vuốt ve của cô có cảm giác như của người mẹ. Quả thế, trong một tích tắc cảm giác cứ như cuối cùng tôi đã đến được một cái kén bảo vệ nào đó, và một lần nữa tôi bắt đầu cảm thấy buồn ngủ. Nhưng đột nhiên cô dừng và vỗ mạnh vào trán tôi.
“Sao anh không tham gia cùng chúng tôi đi? Anh có giấc ngủ của anh rồi. Anh có nhiều chuyện cần giải thích đấy.” Nói xong cô đứng dậy và đi.
Lần đầu tiên tôi quay người sang đủ để dò xét căn phòng. Tôi thấy người đàn bà kia đi qua đám ngổn ngang trên sàn, rồi ngồi xuống một cái ghế bập bênh cạnh lò sưởi. Tôi có thể thấy ba người khác uốn mình quanh đống lửa tàn. Một người tôi nhận ra là ông già mở cửa. Hai người còn lại—ngồi trên cái gì trông như một khúc thân cây—có vẻ là hai người đàn bà trạc tuổi người vừa nói chuyện với tôi.
Ông già để ý thấy tôi đã quay ra, và ra dấu cho những người khác là tôi đang nhìn. Bốn người họ bắt đầu ngồi cứng đờ, không nói không rằng. Từ cái cách họ làm chuyện này, rõ ràng họ đang bàn luận về tôi trong lúc tôi còn đang ngủ. Thật ra, trong lúc nhìn họ ít nhiều tôi cũng đoán được cả cái khuôn hình của cuộc trò chuyện. Tôi có thể thấy, ví dụ, họ đã dành chút thời gian bày tỏ lo ngại cho cô gái trẻ tôi gặp bên ngoài, và tác động tôi có thể có đối với bạn bè của cô ta.
“Chúng nó đều dễ bị ảnh hưởng,” chắc hẳn ông già đã nói. “Tôi còn nghe thấy con bé mời cậu ta đến thăm chúng nó.”
Chắc chắn, một trong những người đàn bà trên khúc gỗ đã trả lời, “Mà giờ anh ta cũng không gây hại được gì nhiều. Thời chúng ta, chúng ta bị lôi vào là vì cái nhóm của anh ta—họ trẻ và hấp dẫn. Nhưng thời nay thỉnh thoảng lại có một tay lẻ đi qua, trông đều lọm khọm và tàn tạ như thế—nếu có thì chỉ là giải thiêng cho những cái chuyện về ngày xưa ấy. Dù sao, người như anh ta dạo này cũng đã thay đổi lập trường nhiều. Bản thân họ chẳng biết mình tin vào cái gì đâu.”
Ông già chắc hẳn đã lắc đầu, “Tôi thấy cách con bé nhìn cậu ta rồi. Đồng ý, trông cậu ta như một mớ giẻ đáng thương nằm kia. Nhưng một khi cái tôi của cậu ta được cho ăn, một khi cậu ta được bọn trẻ nịnh nọt, xem cái cách chúng nó thèm được nghe những ý tưởng của cậu ta kia, thì chẳng có gì ngăn được cậu ta cả. Rồi sẽ lại như trước. Cậu ta sẽ có chúng nó để làm việc cho những lý tưởng của mình. Bọn con gái trẻ như thế, giờ chẳng có mấy để chúng nó tin vào. Ngay một tên lang thang hôi hám thế này cũng có thể cho chúng nó một mục đích.”
Cuộc trò chuyện của họ, suốt thời gian tôi ngủ, chắc hẳn đã diễn ra rất giống như thế. Nhưng bây giờ, trong lúc tôi quan sát từ góc của mình, họ tiếp tục ngồi trong im lặng tội lỗi, nhìn chằm chằm vào những ngọn lửa cuối. Một lúc sau tôi đứng dậy. Ngớ ngẩn là cả bốn người đều tránh nhìn vào tôi. Tôi đợi một lúc xem có ai nói gì không. Cuối cùng, tôi nói, “Thôi được, lúc trước tôi có ngủ, nhưng tôi cũng đoán được các vị đang nói gì.
Các vị sẽ muốn biết là tôi sắp sửa làm chính cái chuyện mà các vị e sợ đấy. Chính lúc này đây tôi sẽ đến ngôi nhà của bọn trẻ. Tôi sẽ bảo chúng làm cái cần làm bằng toàn bộ sức lực của chúng, toàn bộ ước mơ của chúng, cái thôi thúc làm được điều gì có giá trị tốt đẹp mãi mãi cho thế giới này. Nhìn các vị xem, một đám người đáng thương hại. Khúm núm trong ngôi nhà, làm chuyện gì cũng sợ, sợ cả tôi, cả Maggis, cả bất cứ ai đến từ những ngày ấy. Sợ làm mọi chuyện trong thế giới ngoài kia, chỉ vì chúng tôi từng một lần lầm lỗi. Ồ, những bạn trẻ kia chưa chìm sâu đến thế đâu, bất chấp cái sự thờ ơ mà các vị đã rao giảng cho chúng biết bao nhiêu năm qua. Tôi sẽ nói chuyện với chúng. Tôi sẽ lật ngược chỉ trong nửa giờ toàn bộ những cái nỗ lực hèn mọn của các vị.”
“Các chị thấy chưa,” ông già nói với những người còn lại. “Tôi biết là nó sẽ thế này mà. Chúng ta nên ngăn cậu ta lại, nhưng chúng ta làm được gì?”
Tôi vùng qua căn phòng, nhặt túi, rồi bước ra ngoài trời đêm.
***
Cô gái vẫn đứng bên ngoài lúc tôi đi ra. Trông cô như đang chờ đợi tôi và với một cái gật đầu cô bắt đầu dẫn đường.
Đêm mưa phùn và tăm tối. Chúng tôi vặn người và rẽ theo những con đường hẹp chạy giữa các ngôi nhà. Một số căn chúng tôi đi qua trông có vẻ tàn tạ và xiêu vẹo đến nỗi tôi cảm thấy mình có thể phá sập chỉ đơn giản bằng cách chạy vào nó với toàn bộ sức nặng của mình.
Cô gái giữ khoảng cách vài nhịp phía trước, thỉnh thoảng liếc lại nhìn tôi qua vai. Một lần cô nói, “Wendy sẽ rất vui đấy. Nó chắc đấy là chú lúc chú đi qua lúc trước mà. Đến giờ chắc nó cũng đoán được là nó đoán đúng rồi, bởi vì cháu đi lâu thế này rồi cơ mà, nó sẽ mang cả đám đến nữa.
Mọi người đều đang chờ.”
“Các cô cũng tiếp đón David Maggis kiểu này à?”
“Ồ, vâng ạ. Lúc chú ấy đến bọn cháu phấn khích lắm.”
“Tôi chắc anh ta lấy làm vừa lòng lắm. Anh ta luôn có cảm giác mình quan trọng hơi quá.”
“Wendy nó nói Maggis là một trong những người thú vị, nhưng chú mới là, chà, quan trọng. Nó nghĩ chú thực sự quan trọng đấy.”
Tôi nghĩ một lúc về điều này.
“Cô biết đấy,” tôi nói, “tôi đã thay đổi suy nghĩ về rất nhiều chuyện. Nếu mong đợi tôi nói tất cả những thứ tôi từng nói trong những năm ấy thì Wendy sẽ phải thất vọng thôi.”
Cô gái có vẻ như không nghe thấy, nhưng vẫn tiếp tục dẫn tôi đi qua các cụm nhà.
Một lúc sau, tôi bắt đầu nhận ra tiếng bước chân sau chúng tôi độ chục bước. Ban đầu, tôi cho đây chỉ là một người dân làng ra ngoài đi dạo và kìm mình không quay lại. Nhưng rồi cô gái dừng lại dưới một ngọn đèn đường và nhìn đằng sau chúng tôi. Thế là tôi cũng buộc phải dừng và quay lại. Một người đàn ông trung niên mặc áo khoác tối đang bước về phía chúng tôi. Đến gần, anh ta chìa tay ra và bắt tay tôi, dẫu không mỉm cười.
“Vậy là,” anh ta nói, “cậu đây rồi.”
Rồi tôi nhận ra là mình biết người này. Chúng tôi chưa gặp nhau kể từ hồi mười tuổi. Cậu ta tên là Roger Button, học cùng lớp ở ngôi trường mà tôi theo học hai năm ở Canada trước khi gia đình tôi chuyển về Anh. Roger Button với tôi không đặc biệt thân thiết, nhưng vì cậu ta nhút nhát, lại cùng quê ở Anh, nên có theo đuôi tôi một thời gian. Kể từ đấy tôi không gặp hay nghe nói gì về cậu ta. Giờ, trong lúc dò xét vẻ ngoài của cậu ta dưới ngọn đèn đường, tôi thấy những năm qua đã không đối xử tốt với cậu ta. Cậu ta đã hói, mặt gồ ghề và nhăn, và cả dáng vẻ của cậu ta còn có một nét oằn xuống mệt mỏi. Còn ngoài ra, không thể nhầm được bạn cùng lớp của tôi.
“Roger,” tôi nói, “tôi đang trên đường đến thăm bạn bè của cô gái trẻ này đây. Họ đã đến đón tôi. Nếu không thì tôi đã đến làm phiền cậu ngay.
Mà thật ra, tôi đã tính làm chuyện đó tiếp theo, thậm chí trước khi đi ngủ đêm nay. Tôi vừa mới nghĩ, Chuyện ở nhà các bạn trẻ đây có muộn thế nào, tôi cũng phải đến gõ cửa nhà Roger sau đó.”
“Đừng lo,” Roger Button nói trong lúc chúng tôi bắt đầu bước tiếp. “Tôi biết là cậu bận thế nào. Nhưng chúng ta nên nói chuyện. Nhai lại ngày xưa. Lần cuối cậu gặp tôi—ở trường ấy—tôi đã cho mình thuộc hạng khá yếu đuối. Nhưng cậu biết không, mọi thứ đều thay đổi năm tôi mười bốn, mười lăm. Tôi thực sự đã cứng rắn lên đấy. Trở thành mẫu người lãnh đạo. Nhưng mà cậu đã đi khỏi Canada lâu rồi. Tôi luôn tự hỏi là chuyện sẽ thế nào nếu chúng ta tình cờ gặp nhau ở tuổi mười lăm. Mọi thứ giữa chúng ta sẽ khá là khác đấy, tôi đảm bảo với cậu.”
Trong lúc cậu ta nói, ký ức bắt đầu ùa về. Ngày ấy, Roger Button thần tượng tôi, và ngược lại tôi bắt nạt cậu ta không ngừng. Tuy nhiên, giữa chúng tôi có một sự hiểu biết kỳ lạ rằng tôi bắt nạt cậu ta chỉ là tốt cho cậu ta thôi; rằng khi thụi bụng cậu ta trên sân chơi mà không báo trước, hoặc khi vặn ngược tay cậu ta ra sau lưng lúc đi ngang qua nhau trong hành lang cho đến khi cậu ta khóc là tôi đang giúp cậu ta cứng rắn lên.
Bởi vậy, tác động chính của những cú đánh như vậy lên mối quan hệ của chúng tôi chỉ là khiến cậu ta tiếp tục sợ tôi. Tất cả quay lại với tôi trong lúc tôi nghe người đàn ông dáng vẻ mệt mỏi này đi bên cạnh.
“Tất nhiên,” Roger Button tiếp tục, có lẽ đoán được dòng suy nghĩ của tôi, “rất có thể là nếu cậu không đối xử với tôi như thế thì chắc tôi đã không bao giờ trở thành cái người tôi đã trở thành ở tuổi mười lăm. Dù sao đi nữa, tôi vẫn thường tự hỏi chuyện sẽ thế nào nếu chúng ta gặp nhau chỉ vài năm sau. Lúc đó thực sự tôi đã là một kẻ đáng đếm xỉa rồi.”
Một lần nữa chúng tôi bước đi trên những đoạn đường xoắn hẹp giữa những ngôi nhà. Cô gái vẫn đang dẫn đường, nhưng giờ bước nhanh hơn nhiều. Thường chúng tôi chỉ bắt được bóng cô bé rẽ vào một góc đằng trước, và tôi nhận ra chúng tôi phải để ý nếu không muốn lạc mất con bé.
“Hôm nay, tất nhiên,” Roger Button nói, “tôi đã cho phép mình buông thả một chút. Nhưng mà tôi phải nói, bạn cũ ạ, trông cậu tệ đi nhiều đấy. So với cậu, tôi là vận động viên. Thật lòng nhé, giờ cậu chỉ là một gã lang thang già bẩn thỉu, thật đấy, không phải sao? Nhưng mà, cậu biết đấy, cậu đi đã lâu rồi tôi vẫn còn thần tượng cậu. Fletcher có làm thế không? Fletcher sẽ nghĩ gì nếu thấy mình làm thế? Ồ, phải đấy. Đến tận năm mười lăm tuổi tầm đấy tôi mới nhìn lại và nhìn thấu qua cậu. Rồi tôi giận lắm, tất nhiên. Thậm chí đến giờ thỉnh thoảng tôi vẫn còn nghĩ. Tôi nghĩ lại và nghĩ, Ồ, cậu ta chỉ là một tên tầm thường xấu tính. Hồi đấy cậu ta nặng hơn và cơ bắp hơn mình, tự tin hơn chút, và cậu ta đã tận dụng nó. Phải, rất rất rõ, lúc nhìn lại, cậu là một thằng nhóc xấu tính thế nào. Tất nhiên, tôi không có ý nói là bây giờ cậu vẫn thế. Chúng ta đều thay đổi cả. Đến mức đó tôi sẵn sàng chấp nhận.”
“Cậu sống đây lâu chưa?” tôi hỏi, muốn đổi chủ đề.
“Ồ, bẩy năm tầm đấy. Tất nhiên, ở đây người ta nói về cậu nhiều. Thỉnh thoảng tôi lại kể họ nghe mối quan hệ hồi nhỏ giữa chúng ta. ‘Nhưng cậu ấy không nhớ tôi đâu,’ lúc nào tôi cũng bảo thế. ‘Sao lại nhớ một thằng bé gầy gò nhỏ con mà cậu ta thường bắt nạt và lúc nào cũng cung cúc theo chân?’ À, bọn trẻ ở đây, dạo này chúng nó nói về cậu ngày càng nhiều. Nhất định những đứa chưa gặp cậu bao giờ sẽ thần tượng cậu nhất đấy. Tôi cho là cậu về đây để tận dụng những cái đó. Nhưng mà tôi không trách gì cậu đâu. Cậu có quyền cố gắng và cứu vớt chút tự trọng.”
Đột nhiên chúng tôi nhận ra mình đang đứng trước một cánh đồng trống, và cả hai đều dừng lại. Liếc lại, tôi thấy chúng tôi đã ra khỏi làng; những ngôi nhà cuối cách chúng tôi một quãng. Đúng như tôi sợ, chúng tôi đã để lạc mất cô gái trẻ; thật ra, tôi nhận ra chúng tôi đã không theo chân cô một lúc.
Đúng lúc ấy, mặt trăng xuất hiện, và tôi thấy chúng tôi đang đứng bên rìa một cánh đồng cỏ rộng mênh mông—trải dài, tôi nghĩ, hơn cả những gì tôi thấy được dưới ánh trăng. Roger Button quay sang tôi. Mặt cậu ta dưới ánh trăng trông có vẻ dịu dàng, gần như trìu mến.
“Dù sao,” cậu ta nói, “cũng đã đến lúc để tha thứ rồi. Cậu đừng lo lắng nhiều quá. Cậu thấy đấy, có những chuyện nhất định trong quá khứ rồi sẽ quay trở về với cậu vào lúc cuối. Mà rồi chúng ta cũng đâu thể chịu trách nhiệm cho những gì mình đã làm hồi còn rất trẻ.”
“Chắc chắn là cậu nói đúng,” tôi nói. Rồi tôi quay lại và nhìn xung quanh trong bóng tối. “Nhưng tôi không chắc phải đến đâu nữa. Cậu thấy đấy, còn những bạn trẻ đang chờ đợi tôi ở nhà của họ. Lúc này chắc họ đã nhóm một ngọn lửa ấm cho tôi và pha chút trà nóng. Vài cái bánh nhà làm, có khi cả một nồi hầm ngon. Lúc tôi bước vào, được cô gái trẻ chúng ta đang đi theo dẫn vào, tất cả sẽ vỗ tay hoan nghênh. Sẽ có những gương mặt mỉm cười, dễ mến quanh tôi. Đấy là cái đang chờ đợi tôi đâu đó. Trừ việc tôi không chắc nên đến đâu nữa.”
Roger Button nhún vai. “Đừng lo, cậu sẽ đến đấy dễ thôi. Trừ việc, cậu biết đấy, cô gái ấy có hơi lầm lẫn nếu có ý bảo cậu có thể đi bộ đến nhà Wendy. Xa lắm đấy. Cậu thực sự cần phải bắt xe buýt đấy. Kể cả thế, hành trình vẫn còn dài. Độ hai giờ, tôi nghĩ thế. Nhưng mà đừng lo, tôi sẽ chỉ đường cho cậu đến chỗ cậu có thể bắt xe buýt.”
Nói xong, cậu ta bắt đầu bước trở lại phía các ngôi nhà. Trong lúc đi theo, tôi có thể cảm thấy trời đã rất muộn và bạn đồng hành của tôi đang nóng lòng mong có một giấc ngủ. Chúng tôi mất vài phút đi quanh các ngôi nhà một lần nữa, rồi cậu ta đưa tôi đến quảng trường làng. Thật ra, nó nhỏ và tồi tàn đến mức gần như không xứng gọi là quảng trường; nó chỉ hơn một khoảnh đất xanh dưới một ngọn đèn đường đơn độc. Vừa nhìn ra được sau ánh sáng ngọn đèn đường chiếu xuống là một vài cửa hàng, đều đóng cửa để nghỉ đêm. Chỉ có sự im lặng tuyệt đối và chẳng có gì xáo động. Một làn sương nhẹ lơ lửng trên mặt đất.
Roger Button dừng lại trước khi chúng tôi đến chỗ khoảnh đất xanh và chỉ.
“Kia,” cậu ta nói. “Cậu cứ đứng kia rồi buýt sẽ đến. Tôi nói rồi đấy, không phải là hành trình ngắn ngủi đâu. Độ hai giờ đồng hồ. Nhưng mà đừng lo, tôi chắc bọn trẻ sẽ đợi. Thời nay chúng chẳng còn mấy thứ nữa để mà tin, cậu thấy đấy.”
“Muộn lắm rồi,” tôi nói. “Cậu chắc sẽ có buýt chứ?”
“Ồ, có chứ. Tất nhiên, có thể cậu sẽ phải đợi. Nhưng cuối cùng rồi sẽ có buýt.” Rồi cậu ta chạm lên vai tôi trấn an. “Tôi biết là đứng ngoài này có thể sẽ cảm thấy chút cô đơn. Nhưng buýt đến rồi cậu sẽ lên tinh thần ngay, tin tôi đi. Ồ, phải. Buýt luôn là một niềm vui. Nó sẽ được chiếu sáng rạng rỡ, và sẽ đầy những con người tươi vui, cười đùa và chỉ trỏ bên ngoài cửa sổ. Khi đã lên xe, cậu sẽ thấy ấm áp và thoải mái, những hành khách khác sẽ trò chuyện với cậu, có khi còn mời cậu cái gì ăn hoặc uống. Thậm chí còn có cả hát hò—cái đó tùy vào tài xế. Có người khuyến khích chuyện đó, có người không. Ôi, Fletcher, gặp được cậu thật tốt.”
Chúng tôi bắt tay, rồi cậu ta quay đi. Tôi nhìn cậu ta biến mất vào bóng tối giữa hai ngôi nhà.
Tôi đến chỗ khoảnh đất xanh và đặt túi xuống chân cột đèn. Tôi lắng nghe tìm tiếng chiếc xe ở xa nhưng bóng đêm vẫn im lặng tuyệt đối. Nhưng tôi đã được an ủi bởi những lời Roger Button mô tả về xe buýt. Hơn nữa, tôi nghĩ đến sự chào đón đang chờ đợi mình ở cuối hành trình—đến gương mặt đáng mến của các bạn trẻ—và cảm thấy những tia lạc quan ở đâu đó sâu trong tôi.
Dịch giả: Nguyễn Huy Hoàng
Kazuo Ishiguro, “A Village After Dark,” The New Yorker (May 21, 2001 Issue).