có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 9 28, 2017

Mùa THU, nghe nhạc Nghiêu Minh




Hiện Nghiêu Minh đang ở trong thời điểm sáng tác hăng say nhất, kể từ khi anh đến với thơ văn và âm nhạc cách đây mấy chục năm. Nghiêu Minh đã có một thời viết văn xuôi, một thời gian dài làm thơ và viết nhạc. Nhưng bây giờ mới chính là lúc anh chú tâm đặc biệt đến âm nhạc, một cách say mê. 

Nợ áo cơm đã nhẹ hẳn đi sau khi anh quyết định giã từ công việc chính là kỹ sư điện khi mới bước vào lớp tuổi 60. Bên cạnh anh, bóng dáng một người đàn bà luôn quan tâm và hỗ trợ cho những sinh hoạt nghệ thuật của anh đã khiến cho nguồn cảm hứng của Nghiêu Minh được dồi dào và phong phú hơn. Trong khung cảnh thơ mộng và êm đềm -"giống hệt như Đà Lạt", như anh diễn tả - nơi anh cư ngụ nơi một thành phố nhỏ tên Bethesda tại tiểu bang Maryland, tôi đã hiểu được lý do Nghiêu Minh có được môït sức sáng tạo phong phú trong dòng nhạc và ngôn từ của anh. Cái không khí ấm cúng hiện diện trong ngôi nhà khang trang với cách trang hoàng nhiều chất nghệ sĩ đó hẳn đã giúp anh nhiều trong việc sáng tác. 

Trước đó, Nghiêu Minh đã viết một số nhạc tranh đấu, một số nhạc phẩm về mẹ, nhưng hiện nay chỉ có tình ca mới là nguồn cảm hứng nhiều quyến rũ để anh đi sâu hơn vào con đường âm nhạc. Những ca khúc đầu tay của Nghiêu Minh vào khoảng đầu thập niên 60 không có cơ hội được phổ biến, chỉ được hát trong những lần họp bạn bè hoặc những dịp sinh hoạt học đường. Trừ một bài duy nhất anh viết vào năm 63 trong một dịp về Quảng Tín. Đó là"Miền Trung Thương Với Tiếng Hò", được Hà Thanh trình bày. Ngoài ra anh cũng từng viết một vở kịch vô tuyến với tựa đề "Mùa Xuân Hoa Giấy", được phát trong chương trình Dạ Lan trên đài Quân Đội với một nhạc phẩm sáng tác làm nền, mang tựa đề "Rừng Thông Vang", sau này được đưa vào CD "Em, Người Tình Nhân Tôi".

Người cư dân của "18 Thôn Vườn Trầu" Hóc Môn tên thật là Nguyễn Văn Minh khởi sự viết nhạc từ lúc theo học lớp đệ ngũ trường trung học Lý Thường Kiệt sau khi đã nhận được sự hướng dẫn của nhạc sĩ Lê Hoàng Long qua những giờ nhạc sử và nhạc lý, không kể anh từng theo học một thời gian với giáo sư Khiếu Đức Long. Nhưng môi trường nơi anh chào đời và trưởng thành đó đã không có những cơ hội giúp anh phát triển khả năng về nhạc. Nghiêu Minh cho là một điều đáng tiếc vì đã không có dịp tham gia vào những sinh hoạt âm nhạc ở Sài Gòn từ lúc bắt đầu. Có lẽ chính vậy anh đã dấn thân nhiều vào lãnh vực chữ nghĩa với nhiều đam mê trong văn xuôi cũng như thơ. Đam mê đến nỗi bán phứt luôn chiếc xe Honda, trị giá 100 giạ lúa, do bà nội anh cho - để lấy tiền làm báo ! Lúc đó Nghiêu Minh 19 tuổi, và tờ báo anh làm tên "Văn Học Trời Đông", chỉ phát hành được đúng một số! Từ nhà in đưa về, chưa kịp phát hành thì có người bạn thân - cũng đam mê văn chương như anh - tom góp tất cả để mang đi bán báo ký để lấy tiền in một tập thơ! Cũng trong khoảng đầu thập niên 60 đó, Nghiêu Minh theo học lớp luyện thi tú tài 2 ban văn chương tại trường Trường Sơn, dưới sự chỉ dẫn của những giáo sư Thanh Tâm Tuyền và Doãn Quốc Sĩ là những nhà thơ, nhà văn anh rất ngưỡng mộ để có được ít nhiều ảnh hưởng đối với niềm say mê chữ nghĩa của mình. Sau khi tốt nghiệp trung học, Nghiêu Minh ghi danh vào những phân khoa Văn và Luật, tuy nhiên có thể do sự quyến rũ mạnh mẽ về nghệ thuật nên anh đã không theo đuổi việc học vấn đến nơi, đến chốn. Khởi đầu, anh viết văn xuôi, một thời gian sau anh chuyển qua làm thơ với những bài sáng tác đặc biệt dành cho người mẹ thương yêu, năm nay đã 80 tuổi, còn ở lại Việt Nam. Tuy lúc nhỏ không gần gũi với mẹ trong khi được bà nội nuôi dưỡng, nhưng sau này đến khi trưởng thành "mình nghĩ là suốt cuộc đời từ đó đến giờ bà già mình cứ sống khổ cực nuôi cho con cái đâu ra đó" nên anh mới nhận ra rõ ràng công lao của người mẹ sớm lâm vào cảnh goá bụa khi mới được 37 tuổi, ở vậy nuôi 5 người con mà Nghiêu Minh là con cả. 

Tình thương mẹ nơi Nghiêu Minh đã được thể hiện qua tập thơ và tập nhạc "Mẹ Thương Hằng", trong đó có những bài: Ngày Cho Mẹ, Mẹ Thường Hằng, Mẹ Quê Nghèo, Mẹ Mười Tám Thôn, Nhớ Mẹ Quê Mùa, Mẹ Như Đoá Hoa Sen Nghèo, Mẹ Tôi Và Dàn Hoa Thiên Lý, Mẹ Cội Nguồn, vv...Tập thơ và nhạc "Mẹ Thường Hằng" đã được Trần Vĩnh Lạc chuyển qua Anh Ngữ. Nhiều bài trong đó đã được Nghiêu Minh chọn lọc để đưa vào CD mang cùng tên, đã tái bản lần thứ 3. Hình ảnh của người Mẹ qua những bài thơ hay nhạc đó không những khiến người thưởng thức hình dung ra được một bà Mẹ Việt Nam chân chất mộc mạc, mà còn thấy được hình ảnh của một Mẹ Maria từ bi nhân hậu, được diễn tả bởi một người theo đạo Công Giáo như Nghiêu Minh, năm nay 59 tuổi. Bóng dáng của một người phụ nữ khác cũng được Nghiêu Minh đưa vào những sáng tác qua thơ và nhạc của anh là người bạn đời đã cùng chung sống với anh từ 34 năm nay và có với nhau 3 người con: hai trai, một gái. Những ca khúc ca ngợi tình yêu đó đã được Nghiêu Minh đưa vào những CD do anh thực hiện, với những tựa đề đầy vẻ tình tứ và lãng mạn như : "Mẹ, Em Và Nguồn Dấu Yêu", "Em, Người Tình Nhân Tôi", "Trong Nước Mắt Em Tôi Thấy Thiên Đàng" và mới đây nhất: "Bởi Có Em, Tôi Ở Lại Đây". Những khúc tình ca trong những CD do chính anh thực hiện đó đã nói lên được một cách rõ ràng tâm hồn đầy rung động của một Nghiêu Minh nhạc sĩ trên khía cạnh tình cảm cũng như trong những tập thơ và nhạc khác đã được phát hành như : Trăng Mật (92), Chợ Trăng ( 94, đánh dấu kỷ niệm 25 năm thành hôn của anh ) và Dấu Xưa (95). 

Đa số những ca khúc của Nghiêu Minh - phần lớn phổ từ thơ của mình, ngoài những lời ca anh luôn luôn viết trước khi diễn tả bằng nhạc - đều lấy Đà Lạt làm bối cảnh. Lý do dễ hiểu là Ngô Thị Hiền, vợ anh, từng là nữ sinh trung học Bùi Thị Xuân của thành phố này. Thêm vào đó, Nghiêu Minh cũng từng có nhiều lần lên thăm Đà Lạt nên tâm hồn đa cảm của anh đã có nhiều gắn bó với những hình ảnh nên thơ của thành phố miền Cao Nguyên này. Trong khiá cạnh phổ nhạc từ thơ, nhiều người cho rằng khó tránh được sự gò bó bởi âm vận của thơ. Nghiêu Minh không đồng ý như vậy vì một khi đã quen thì không co vấn đề. Hơn nữa, anh cho là thơ có vần điệu của thơ trong khi nhạc có luật của nhạc. Nghiêu Minh cho là sáng tác nhạc bây giờ cũng như làm thơ mới, như thơ phá thể chẳng hạn. Anh đưa ra thí dụ: "nghe một dòng nhạc Aâu Mỹ bây giờ khác với nhạc hồi xưa mình sáng tác nhiều lắm. Hai nguồn sáng tác giống như là thơ mới và thơ cũ. Trong thơ mới cũng như trong thơ phá thể nó có luật chứ chẳng phải là không. Không phải là muốn viết gì thì viết mặc dù nó có một số phóng túng của nó, nhưng cũng có một số luật của nó để dòng nhạc cũng như thơ được liên tục."

Nghiêu Minh quen biết vợ anh trong một dịp chị về thăm "18 Thôn Vườn Trầu", là thời gian anh đang hăng say tham gia vào những sinh hoạt văn nghệ học đường. Họ thành hôn vào năm 69 và cùng nhau chung sống trong niềm hạnh phúc cho đến hôm nay. Bút hiệu Nghiêu Minh ra đời từ khi anh quen biết với Ngô Thị Hiền, được anh giải thích về sự kết hợp như sau : "ng" đến từ họ Ngô và "h" từ tên Hiền của vợ, "iêu" thay cho Yêu để trở thành Ngô Hiền yêu Minh! Ngoài công việc thường ngày là một cán bộ về lượng giá, trong khi vợ anh phụ trách về tin tức Quốc Hội cho nhật báo Sống, Nghiêu Minh thỉnh thoảng viết văn xuôi, khởi đầu với bài viết đầu tiên trên "Giữ Thơm Quê Mẹ", cùng với một số bài cho nhật báo Tiếng Chuông với bút hiệu Đặng Thiên Gia Hộ. Ngoài ra còn cộng tác với tờ Văn Mới và trước đó với đặc san của sinh viên đại học Vạn Hạnh.

Vợ chồng Nghiêu Minh cùng hai con lớn vượt biên vào năm 1980 và lưu lại trại tỵ nạn Songkla 6 tháng. Thời gian này anh đã hoàn tất được một tập nhạc nhan đề "Khóc Trên Đường Đi, Hát Trên Đường Về" với nội dung phù hợp với tâm trạng của những người bỏ nước ra đi vào giai đoạn này. Ba trong số những ca khúc trong tập này đã được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chọn để đưa vào những băng nhạc do ông thực hiện. Đó là Tình Người Năm Châu với tiếng hát Xuân Thu, Songkla do Băng Châu trình bầy và Chào Mừng Anh Phục Quốc do Thanh Thúy diễn tả. Ngoài khả năng về thơ, văn và nhạc, Nghiêu Minh cho biết anh rất thích thú với lãnh vực truyền thông, nên đã cùng với Mai Khanh (tức Vành Khuyên) thực hiện chương trình phát thanh "Gia Đình Bác Tám" để gửi đến đồng bào trong trại mỗi đêm. Trước đó anh từng phụ trách một chương trình phát thanh cho hội Sinh Viên Học Sinh Hóc Môn-Gia Định. Hiện nay vợ chồng anh có tên trong ban giám đốc điều hành hệ thống phát thanh Việt Nam Hải Ngoại, được phát thanh trên hai mươi thành phố lớn tại Hoa Kỳ và đang phát triển thêm tại Aâu Châu và Canada qua vệ tinh.

Chân dung Nghiêu Minh.

Đặt chân đến Hoa Kỳ, hai vợ chồng Nghiêu Minh cư ngụ tại tiểu bang Maryland - là nơi người con thứ ba của họ chào đời - cho đến nay. Người con gái này cũng là người giúp anh trình bầy bìa những CD do trung tâm của anh là MH Productions thực hiện. Vào năm 1982, Nghiêu Minh tự thực hiện lấy tập nhạc "Khóc Trên Đường Đi, Hát Trên Đường Về" tại thính đường của trường đại học Maryland. Nhưng sau đó, anh gần như ngưng mọi hoạt động về nghệ thuật để theo học về ngành điện để tốt nghiệp vào năm 1989 từ quan niệm như anh tâm sự :" Trái tim mình như một tiệm thuốc bắc, có nhiều hộc, nhiều ngăn. Mỗi hộc là một vị thuốc. Mình phải lo gia đình trước đã, rồi đi học một nghề kiếm cơm. Nghề của tôi không ăn nhập gì đến viết lacùh, văn chương hay âm nhạc gì hết. ". Tuy nhiên, Nghiêu Minh nói thêm:" trong những lúc đi học, đi làm hoặc ở nhà thì mình làm những gì mình thích cho đời sống tinh thần của mình, thì tôi làm thơ hay sáng tác nhạc để cho đời sống mình nó có ý nghĩa hơn"

Là một người có tính tình phóng khoáng và thoải mái trong đời sống, nhưng Nghiêu Minh lại tỏ ra rất khó khăn trong phạm vi nghệ thuật, điển hình là lãnh vực âm nhạc. Trước khi giao cho những nhạc sĩ thực hiện hoà âm cho những tác phẩm của mình, Nghiêu Minh đã soạn ra phần hoà âm căn bản cùng với những nhạc khí kết tạo âm thanh theo ý của mình. Sau khi phần hoà âm được thực hiện, anh luôn yêu cầu nhận được một bản nháp để nghe lại và nếu cần, sẽ đề nghị một vài thay đổi, thêm bớt để phần hoà âm cho nhạc phẩm của mình được hoàn chỉnh, rồi mới tiến hành giai đoạn thu thanh. Lời ca trong một ca khúc đối với Nghiêu Minh cũng không kém phần quan trọng với chủ trương nếu lời hát không được rõ ràng, anh sẽ bỏ hẳn không đưa vào CD của mình.

Tuy là một người hoạt động nghệ thuật, nhưng Nghiêu Minh chủ trương không thích xuất hiện trước khán giả, mặc dù anh là một người được biết nhiều đến tên tuổi ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, từng có thời gian có chân trong Văn Bút với chức vụ tổng thư ký, cũng như từng là chủ tịch của Văn Bút Miền Đông Bắc Hoa Kỳ, vì "không muốn show off mà chỉ muốn làm cho cuộc đời vui thôi". Nhìn anh nhâm nhi tách trà nóng hoặc khề khà bên ly rượu chát đỏ với một phong cách thoải mái, người ta thấy được rõ cuộc đời Nghiêu Minh bây giờ thật vui, vui nhất là với dòng nhạc của mình càng ngày càng có thêm nhiều mới lạ.

Trường Kỳ
(truongky@sympatico.ca)